19 November 2015

NHẠC SĨ ANH BẰNG VÀ TÔI - Phan Ni Tấn


Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015)


Sau 8 năm chống chọi với căn bệnh trầm kha, cuối cùng nhạc sĩ Anh Bằng cũng ra đi. Anh Bằng cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Mai Thảo, họa sĩ Tạ Tỵ v.v…, từng là một trong những người bạn quí, bạn vong niên của tôi. Mặc dù nghe danh nhạc sĩ Anh Bằng từ thập niên 1960 ở trong nước, nhưng phải đợi đến hơn 30 năm sau ở hải ngoại tôi mới hân hạnh kết bạn với Anh Bằng.

Nhạc sĩ Anh Bằng là một người hiền lương, xuề xòa, dễ mến. Anh rất vui tính. Ngay từ ngày đầu tiên quen biết, anh đã mau mắn mờì tôi qua Cali thăm gia đình anh cho vui. “Có nghe tiếng ông bạn lâu nay mà chưa gặp mặt bao giờ“, như anh chọc ghẹo tôi qua email. Trong email anh tự xưng là MAB, thay vì Anh Bằng, vì vậy tôi bèn xưng mình là LN, thay vì Phan Ni Tấn. Tuần lễ sau đó, anh gởi tặng tôi cuốn sách “Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ Anh Bằng“, nhiều người viết và đĩa DVD “Anh Bằng – Một Đời Cho Âm Nhạc” do trung tâm Asia phát hành năm 2009. Từ năm 2010 cho đến những ngày tháng gần đây, mặc cho cuộc sống có xô bồ, bươn bả, có bộn bề, chật vật, Anh Bằng và tôi thỉnh thoảng vẫn email thăm hỏi nhau.

Anh Bằng là một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Từ nhạc phẩm Nỗi Lòng Người Đi đến những sáng tác cuối cùng gần đây, nhạc của Anh Bằng không ngớt len lỏi vào tâm hồn những người thưởng ngoạn qua bao năm tháng, qua bao thăng trầm của thời đại. Phải nói rằng âm nhạc Anh Bằng là một đóng góp lớn vào đời sống thi ca của chúng ta, đã mang đến cho chúng ta niềm hãnh diện của một dân tộc có văn hóa. Những tình khúc của Anh Bằng đã làm cho những trái tim cằn cỗi của chúng ta trở nên nồng nàn, tha thiết hơn, làm cho đôi môi khô héo của chúng ta nở ra những nụ cười ấm áp và làm cho tâm hồn con người thăng hoa, dù những tình khúc đó có rộn ràng cất lên những lời vui sống hay kể lể những câu chuyện tình buồn.
Là con người có lương tri, ai cũng không thể quên được ơn sâu nghĩa nặng của đấng sinh thành, cũng không thể quên ơn những người đã làm ra hạt cơm, tấm áo… Chính vì điều này mà người ta càng không thể quên, không thể không nhớ đến, không thể không biết ơn những người đã có công gầy dựng nền văn hóa Việt Nam trên phương diện âm nhạc, hội họa hay văn chương. Tất cả những tầng văn hóa đó được thể hiện qua những bài thơ, những giọng văn, những bức họa, những tiếng hát đã làm cho đời sống sinh động hơn, trù phú và màu sắc hơn, có tri thức hơn, tử tế hơn, và người hơn. Cho nên ta không thể không trân trọng nhạc sĩ Anh Bằng, cho dù anh còn sống hay đã mất đi bao giờ cũng tồn tại giữa chúng ta.
Bây giờ là mùa thu đông. Ngoài trời gió rất mạnh. Gió thổi bạt những chiếc lá vàng cuối cùng xuống mặt đất. Gió thổi bay đi những đám mây màu chì trên bầu trời ảm đạm. Gió trong suốt và nắng đang ụp xuống bầu khí quyển lạnh lẽo thuộc khu Downsview này.
Sáng nay có tin từ bạn bè cho hay nhạc sĩ Anh Bằng đã vĩnh viễn đi vào cõi Vĩnh Hằng. Anh Bằng (1926-2015) là một trong những nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình, đã để lại cho đời trên 600 tình khúc với những nhạc phẩm tiêu biểu như Nỗi Lòng Người Đi, Chuyện Tình Lan Và Điệp, Căn Nhà Ngoại Ô, Nửa Đêm Về Sáng, Huế Xưa, Trúc Đào, Sầu Lẻ Bóng, Chuyện Giàn Thiên Lý, Khúc Thụy Du, Anh Còn Nợ Em, Mai Tôi Đi…
Ngồi trong căn phòng yên tĩnh, tôi đã dành nguyên một ngày cuối tuần để nghe lại một số bản nhạc của Anh Bằng từ những năm Sáu Mươi, Bảy Mươi, Anh Bằng và Lê Minh Bằng của 1975 và một Anh Bằng của cuối năm 2015. Nghe rồi tôi cảm thấy và nhận ra một khuôn mặt lớn của nền âm nhạc nghệ thuật đã đi qua những tháng ngày hạnh phúc và biết bao nỗi đau của cuộc làm người.
Sự ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như đã để lại niềm thương tiếc cho gia đình và lòng yêu mến của người Việt trong và ngoài nước.
Dưới đây là chút kỷ niệm rất tự nhiên và hồn nhiên lưu lại của tôi với người bạn vong niên, nhạc sĩ Anh Bằng:




Phan Ni Tấn