Cuộc bầu cử Quốc Hội tại Miến Điên
vừa qua đã diễn ra trong tương đối tự do sau 25 năm với phần thắng lớn nghiêng
về phía Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) dưới
sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi. Hơn ba phần tư trong số 84% số phiếu bầu
được kiểm, đã bầu cho NLD. Đảng Union Solidarity and Development Party (USDP)
với sự hậu thuẫn của quân đội chỉ chiếm được 5% số phiếu. Đương kim Tổng Thống
Miến Điện Thein Sein, một tướng lãnh đã dành 40 năm trong quân ngũ, c tuyên bố
sẽ chấp nhận ý dân về kết quả của cuộc bầu cử.
Ngoại trừ Trung Cộng, thế giới ca
ngợi bà Aung San Suu Kyi và TT Thein Sein vì những đóng góp của họ cho tiến
trình chuyển tiếp dân chủ trong hòa bình tại Miến.
Một chủ đề đang được thảo luận khá
hăng say trên các mạng xã hội, Việt Nam đang thiếu ai.
Phải chăng Việt Nam đang thiếu một
Aung San Suu Kyi tài ba, can đảm, kiên trì với mục đích dân chủ hóa đất nước?
Phải chăng Việt Nam đang thiếu một
Tổng Thống Thein Sein thức thời, thấy được hướng đi của đất nước trong thời đại
toàn cầu, có khuynh hướng dân chủ, thân Tây Phương và ý thức hiểm họa Trung
Cộng tại Á Châu?
Nhìn chung, đa số cho là Việt Nam
đang thiếu một lãnh tụ tài ba, can đảm, uy tín cả quốc nội lẫn quốc tế như Aung
San Suu Kyi. Một số khác cho rằng Việt Nam thiếu một Thein Sein có uy tín trong
quân đội và cũng không có quá khứ bàn tay dính máu đồng bào như một số tướng
lãnh cai trị Miến Điện trước ông. Một số khá đông cho rằng Việt Nam cần có cả
hai mới có thể dẫn tới một cách mạng dân chủ ôn hòa, không đổ máu, và một tương
lai tốt đẹp cho các thành phần trong xã hội.
Nhưng phân tích cho cùng, những
người mà Việt Nam thiếu nhất không không phải là Aung San Suu Kyi hay Thein
Sein mà là Nhân dân.
Nhân dân, theo định nghĩa về pháp lý, là những người sinh ra hay được thừa nhận
của một đất nước, có những quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm phải hoàn thành
đối với đất nước, và trong quan điểm dân tộc, là những người cùng chia sẻ một
sắc tộc, lịch sử, nền văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc.
Bà Aung San Suu Kyi có trí tuệ sáng
suốt và can đảm khi chấp nhận được tự do mặc dù nhiều bạn chiến đấu của bà còn
ở trong tù. Đừng quên, suốt 20 năm trước đó bà đã từ chối tự do cho bản thân
bà. Lần này, bà biết được ý định của Tổng Thống Thein Sein muốn chuyển hóa đất
nước sang dân chủ một cách hòa bình vì dân chủ là cánh cửa duy nhất để Miến
Điện có thể đuổi kịp các nước trong vùng và hội nhập vào thời đại toàn cầu hóa.
Nhưng dù tài ba, đảm lược, có tầm
nhìn xa bao nhiêu bà Aung San Suu Kyi cũng không thể vực dậy một dân tộc không
có khả năng đứng lên. Kết quả cuộc bầu cử tại Miến Điện hiện nay là kết quả của
bao hy sinh xương máu mà nhân dân Miến đã đổ xuống từ 1962, 26 năm trước khi bà
Aung San Suu Kyi tham gia phong trào dân chủ Miến. Tương lai Miến Điện vẫn còn
rất khó khăn nhưng cũng đầy hy vọng.
Nelson Mandela cũng thế. Đêm 10
tháng 1, 1990 của Nelson Mandela tại nhà tù Victor Verster hẳn là một đêm trăn
trở. Sau 3 năm đàm phán, phần lớn là bí mật từ nhà tù và ngay cả các bạn chiến
đấu thân cận nhất cũng không biết, ngày hôm sau ông sẽ được trao trả tự do. Với
ông, tự do chỉ là bước đầu tiên trong hành trình hòa giải quốc gia đầy gian nan
mà ông vừa mới lên đường.
Dù Nelson Mandela đã thức tỉnh trong
nhà tù và chọn lựa một phương pháp đấu tranh mới nhưng liệu nhân dân Nam Phi và
chiến hữu của ông có thức tỉnh như ông không. Nelson Mandela nghĩ đúng và chọn
lựa đúng. Hơn 60% nhân dân Nam Phi thức tỉnh, các bạn chiến đấu của ông trong
African National Congress thức tỉnh và điều này đã dẫn tới chiến thắng của ANC
trong cuộc bầu cử ba năm sau.
Nếu Nelson Mandela hay Aung San Suu
Kyi là người Việt Nam rồi hai vị đó cũng chỉ là những tiếng kêu thương trong cô
đơn tuyệt vọng. Hai ngọn gió thổi qua không làm nên bão tố cách mạnh, họ sẽ bị
tù và có thể rồi sẽ chết trong tù. Lý do, như đã viết ở phần trên, bởi vì Việt
Nam chưa có khối nhân dân đủ mạnh để làm hậu thuẫn cho một Nelson Mandela Việt
Nam hay một Aung San Suu Kyi Việt Nam.
Do đó, không lạ gì khi thấy Đảng
CSVN rất coi thường người Việt trong nước.
Tin tức về bầu cử dân chủ tại Miến
rất hạn chế phổ biến tại Trung Cộng. Biến cố Thiên An Môn cho lãnh đạo Trung
Cộng thấy sức mạnh của nhân dân. Theo Foreign Affairs số tháng 6, 2015, chỉ
riêng đối ngoại, Trung Cộng dành một ngân sách 10 tỉ đô la một năm cho mục đích
tuyên truyền. Ngân sách dành để kiểm soát 1.3 tỉ dân tại lục địa không kiểm
chứng được nhưng chắc chắn cao hơn nhiều. Cơ quan Thông tin thuộc Hội Đồng Nhà
Nước tại Bắc Kinh có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các phương tiện văn hóa thông
tin của Trung Cộng trong đó gồm Nhân Dân Nhật Báo, Global Times, truyền hình
trung ương, Tân Hoa Xã. Ám ảnh bởi biến cố Thiên An Môn, đảng CSTQ che đậy mọi
tin tức liên quan đến dân chủ ngoại trừ những bản tin ngắn phải loan vì liên
quan đến chính sách đối ngoại.
Lãnh đạo CSTQ làm vậy vì họ rất sợ
nhân dân nổi dậy.
Ngay cả Kim Jong-un cũng sợ nhân
dân. Người dân Bắc Hàn hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra tại Miến Điện.
Bắc Hàn là chiếc lồng sắt và người dân không biết gì ngoài những tin do cơ quan
thông tin chính thức của đảng loan ra. Chính phủ Bắc Hàn không chỉ hạn chế tin
tức mà còn thay đổi nội dung để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của đảng.
Korean Central News Agency là cơ quan duy nhất tại Bắc Hàn có quyền hạn về tin
tức. Các báo chí, truyền thanh, truyền hình đều nhận tin từ cơ quan này.
Kim Jong-un kiểm soát chặt chẽ đến
mức như vậy cũng chỉ vì y sợ người dân nổi dậy.
Việt Nam thì khác. Các báo chí đảng
và nhà nước CS tương đối thoải mái trong việc loan tin về bầu cử tại Miến Điện.
Các báo Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, VNExpress v.v. đều loan tin về bầu cử
tại Miến, ca ngợi bà Aung San Suu Kyi. Báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của
đảng CS không chỉ loan tin mà đăng cả hình ảnh nhân dân Miến Điện vui mừng
chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử dân chủ.
Đảng CSVN đánh giá người Việt Nam
thấp như vậy chỉ vì họ biết Việt Nam có 92 triệu người đang sinh sống, trong đó
60% là trong tuổi lao động, nhưng có rất ít “nhân dân”.
Ngoài một số nhóm nhỏ đang hoạt động
dưới dạng tôn giáo, tranh đấu trong phong trào dân oan và dấn thân trong các tổ
chức xã hội dân sự, phần còn lại của năm mươi lăm triệu người trong tuổi lao
động không biết đòi quyền lợi, không ý thức về quyền hạn và không quan tâm đến
trách nhiệm phải hoàn thành đối với đất nước họ, đối với tương lai con cháu họ.
Đại đa số sống theo chủ nghĩa định
mệnh tất định, nhắm mắt đưa chân. Với số người này đảng là mùa xuân mai nở, mùa
hạ ve kêu, là nắng mưa, là bão lụt, là động đất.
Một số hiểu được lẽ đúng sai nhưng
thỏa hiệp để sống một cuộc sống ích kỷ cho bản thân và gia đình được an nhàn,
chấp nhận là xăng nhớt cho bộ máy độc tài tiếp tục cày xéo lên đất nước.
Một số khác hoàn toàn bị tẩy não để
tin vào đảng cuồng nhiệt, bịnh hoạn như những tín đồ tà đạo, phát biểu như bị
ma nhập trong những phim kinh dị.
Để có một cuộc cách mạng dân chủ
thật sự, phải tập trung nhiều hơn nữa vào việc xây dựng tầng lớp nhân dân không
chỉ có tình cảm yêu nước mà còn thể hiện lòng yêu nước bằng hành động.
Có người sẽ hỏi làm thế nào để có
nhân dân?
Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi phong
trào, mỗi đoàn thể đấu tranh cho dân chủ Việt Nam có khả năng riêng và nhắm vào
các thành phần xã hội khác nhau. Do đó, không có một phương pháp nào độc nhất
mà là tất cả các phương pháp có khả năng tác động vào mọi lãnh vực của đời sống
và nhận thức của người Việt Nam. Tất cả cố gắng của người Việt Nam từ nhiều
ngã, nhiều giới, nhiều thế hệ có thể khác nhau miễn là cùng dẫn tới một điểm
hẹn huy hoàng của lịch sử: cách mạng dân chủ tại Việt Nam.
Trần Trung Đạo