Công lý Đồng Nọc Nạn thời kỳ thực dân vào năm 1928 vẫn là một giấc mơ cho nhiều người Việt Nam vào năm 2015. (Anh Lãng)
Mùa Giáng Sinh năm kia, hay năm kìa (gì đó) có người bạn gửi cho
cuốn tiểu thuyết The Time in Between của Maria Dueñas. Sách loại
bìa mỏng mà ngó giống y chang như cái gối, thấy mà ớn chè đậu. Bỏ
thì thương vương thì tội nhưng tôi quyết định liền, với ít nhiều áy
náy: “Thôi, dục (bà) nó đi!”
Tui già cỗi và mệt mỏi quá rồi. Cả ngàn trang sách tiếng Anh thì
đọc chắc tới tết, hay (dám) tới chết luôn – cho dù tác phẩm được
giới thiệu là # 1 international best seller.
Tuần rồi, tôi mới khám phá ra rằng The Time in Between đã được chuyển thành phim.
Maria Dueñas bắt đầu câu chuyện vào tháng 3 năm 1922, khi nhân vật chính
còn là một cô bé đang học việc trong một tiệm may, ở Tây Ban Nha.
Những vật dụng được bầy biện để làm cảnh trí trong phim ngó thân
thương hết sức: bàn ủi than, máy may Singer, radio Philips. Tôi cũng rất
ngạc nhiên, và thích thú, khi nhìn thấy những chiếc Citroën Traction
Avant (đen thui lui) chạy lòng vòng trên đường phố của thủ đô Madrid.
Đây chính là loại xe được dùng làm Taxi ở Đà Lạt, vào những năm
cuối thập niên 1960. Cái bàn là than cổ lỗ, cái máy may đạp chân cũ
kỹ, và cái máy phát thanh mầu cánh gián (bự tổ chảng) … cũng đều
là những đồ vật quen thuộc trong căn nhà nhỏ xíu mà tôi đã sống qua
suốt thời ấu thơ – ở Việt Nam.
Thế mới biết là đất nước mình đi sau thiên hạ một khoảng thời
gian dài quá. Thảo nào mà đã có thời Việt Nam bị xếp vào nhóm
những quốc gia “chậm phát triển.”
Cái “thời thổ tả” này, may quá, đã qua – theo như lời của (nguyên)
Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Trong tất cả các thắng lợi, thì
thắng lợi về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là
thắng lợi lớn nhất… Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng
cường quốc.”
Mới đây, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân cũng có ý (gần) tương tự khi ông
thiết tha ngỏ lời mời “tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40
năm qua chưa có dịp về nước thì nên về… chắc chắn sẽ thấy nó phát triển.”
Hai vị lãnh đạo quốc gia đều không ngoa (lắm). Đôi khi, tôi cũng cảm
thấy “choáng váng” vì những “phát triển” vượt bực ở quê hương xứ sở
của mình.
Những chiếc Traction Avant, La Dalat, Kamaz, Uaz … chắc đã biến khỏi
Việt Nam tự lâu rồi. Đất nước hôm nay có những thiếu gia lái Lamborghini Aventador trị giá cả triệu Mỹ Kim, những
đại gia khẳng định đẳng cấp bằng cách đi phản lực cơ Beechcraft King Air 350, nằm giường Royal Bed đắt nhất thế giới, hay nuôi chó Ngao Tây Tạng giá cỡ triệu đô.
Chợ Tôn Đản, chợ Vân Hồ – tất nhiên – cũng đều đã đi vào lịch sử.
Qúi mệnh phụ phu nhân giờ đây đều xách ví da hiệu Louis Vuitton, và “đi mua
rau sạch ở Thiên Đường Xanh; đồ Tây ở cửa sau khách sạn Sofitel ; bánhngọt ở
L’Indochine ; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hátlớn ; đường,
dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô
đến chợ Hàng Bè… ”
Photo by Paula Bronstein /Getty Images
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn khẳng định rằng: “Gần 2 thập kỷ
qua, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
việc phát triển Internet. Cho đến cuối năm 2014, Việt Nam có gần 45 triệu người
sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 49% dân số, cao hơn mức trung bình của thế
giới (40,4%) và cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình
Dương (32,4%)”.
Rõ ràng là VN đã áp dụng thành công chiến thuật (“đi tắt đón
đầu”) và đã vượt xa “hơn mức trung bình của thế giới, và cao hơn nhiều
nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” về rất nhiều mặt, chớ không
riêng chi internet.
Chỉ có cái “mặt tử tế” thì lại ở dưới mức trung bình xa quá.
Theo The Good
Country Index, VN đứng hạng áp chót (124/125) theo “chỉ số tử tế”
của những quốc gia được khảo sát.
Blogger Nguyễn Tuấn còn cho biết thêm rằng VN đang đứng cùng
hạng với đám đầu trâu mặt ngựa:
“Bảng xếp hạng gọi là ‘Good Country Index’ (GCI) cho thấy VN đội sổ trong số
các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103
(trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng
góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng
hạng 123, tức áp chót! Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới
đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ
hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước ‘đầu trâu mặt ngựa’ như
Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen!”
Té ra những chiếc siêu xe bạc triệu, những chiếc ví da hàng hiệu
bạc ngàn, cùng những toà cao ốc hay cửa hàng sang trọng (nơi mà bát
phở và ly cà phê giá vài chục đô la) chỉ tạo ra được một giai cấp
mới (giai cấp đại gia hay tư bản đỏ) chứ không nâng được “vị thế của
Việt Nam trên trường quốc tế” và cũng không giúp “chúng ta ngẩng cao
đầu, sánh vai cùng cường quốc” – như ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn
Thiện Nhân kỳ vọng.
Ảnh: ttxva.net
Đất nước – xem chừng – không chịu đi chung hướng, và cũng không chịu
chia sẻ những tiêu chí nhân văn phổ quát, với đa phần nhân loại. Về
nhiều lãnh vực, VN còn có xu thế đi lùi – theo nhận xét và phân tích
của blogger Anh Lãng:
“Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928.
Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư
biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco. Bản
án được tuyên bởi một chánh án người Pháp, một công tố viên luận tội người Pháp
và những luật sư biện hộ cho các bị cáo cũng là người Pháp, cho một vụ án mà
hành vi chống người thi hành công vụ là rất rõ ràng (10 người trong gia đình
Biện Toại, trang bị dao và mác nhọn chia làm hai tốp lao đến đoàn cưỡng chế) và
gây ra cái chết của một cảnh sát Pháp…
Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia
(con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm
giam đủ sáu tháng) tha ngay tại tòa. Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án
ăn trộm.
Đó chính là công lý thời kỳ thực dân, thời kỳ mà ngày nay lịch sử được viết
bởi bên thắng cuộc, luôn giành cho nó những ngôn từ đen tối nhất. Thế nhưng hãy
nhìn bản án tuyên cho ông Đoàn Văn Vươn, cho cậu thiếu niên Nguyễn Mai Trung
Tuấn, và tự đặt ra câu hỏi, vào năm 2015, ở thế kỷ 21, người dân Việt Nam đang
thực sự được hưởng nền pháp lý kiểu gì?”
Theo cách nói, hơi nặng nề, của Tiến Sĩ Nguyễn Tuấn thì đây là “nền pháp lý” của
bọn đâu trâu mặt ngựa.” Là một phụ nữ nên luật sư Ngô Bá Thành ăn nói nhẹ nhàng hơn: “Ở Việt Nam ta đã
có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”
Có lẽ rừng rú nhất là vụ án Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn.”
Trong quá trình điều tra, Thiếu Tướng Phạm Văn Hoá (giám đốc công an tỉnh Phú Yên)
cho biết: “Họ không kêu oan gì cả, họ thừa nhận cả. Hỏi có yêu cầu luật sư
không nhưng người ta không yêu cầu bởi vì người ta biết rõ tội rồi bây giờ chỉ
cần khoan hồng cần giảm nhẹ thôi.”
Sau khi “khoan hồng giảm nhẹ,” ngày 4 tháng 2 năm 2013, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 22 bị cáo với mức án tổng
cộng 295 năm tù. Riêng ông Phan Văn Thu bị tòa tuyên phạt án chung thân.
Hơn hai năm sau, vào ngày 30 tháng 11 năm 2015, trên trang Dân Luận, xuất hiện “Thư Kêu Cứu” của thân nhân những
người tù trong vụ án này. Xin trích dẫn đôi đoạn để rộng đường dư
luận:
Kính gửi:
– Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
– Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế
– Các tổ chức Nhân quyền Quốc tế
– Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
– Đại sứ quán các nước tại Việt Nam
– Các hãng thông tấn, truyền thông trong nước và Quốc tế …
Thưa quý cấp! Chúng tôi là thân nhân của 22 tù nhân đang chịu mức án
nặng nề trong vụ án “Ân Đàn Đại Đạo” làm đơn Giám đốc thẩm với sự khẩn thiết,
mong muốn các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xem xét lại vụ án vì có quá nhiều
dấu hiệu oan sai như tôi đã nêu cụ thể trong Đơn Giám đốc thẩm ngày 10/10/2015
(một số báo, đài đã đăng thông tin về nội dung đơn Giám đốc thẩm này).
Đó là việc Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã trọng cung, không trọng
chứng. Trước tòa, ông Phan Văn Thu cùng 21 người đều phủ nhận việc Ân Đàn Đại
Đạo có Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh…
Tòa cũng đã không đưa ra được bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc này.
Tuy nhiên, Tòa án đã vẫn giữ nguyên những kết luận trên trong bản tuyên án để
buộc chồng tôi và các đệ tử của ông tội “âm mưu lật đổ chính quyền Nhân dân”…
Cũng như vô số những đơn thư kêu cứu trong thời gian gần đây, bức thư
thượng dẫn không hề gửi đến bất cứ một cơ quan hay giới chức thẩm
quyền nào ở Việt Nam. Trước hiện tượng này, ông Phạm Đỉnh – chủ nhiệm
trang Thông Luận – đã có nhận định rằng “… đây
chính là điều bi đát trong hoàn cảnh đất nước hiện nay: người dân oan ức không
còn biết cầu mong ở ai khi mà chính nhà cầm quyền là kẻ cướp!”
Gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng như gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn
(có thể) sẽ không bị vướng vào vòng lao lý, nếu đất đai và tài sản
của họ không có giá trị gì nhiều về nguồn lợi kinh tế. Tương tự,
hai mươi hai tín đồ của giáo phái Ân Đàn Đại Đạo – chắc chắn – cũng
sẽ không phải lãnh đến mức án hai trăm chín mươi lăm năm tù, nếu Khu
Du Lịch Sinh Thái Đá Bia trông bớt phần hấp dẫn và không gợi lòng
tham của những quan chức địa phương.
Một góc Khu du lịch sinh thái Đá Bia.
Ảnh: báo Công An TPHCM.
Những vụ cướp bóc liên tiếp và trắng trợn như trên chỉ có thể
xẩy ra vào buổi giao thời, thời điểm cáo chung của một chế độ khi đi
đã đến tận cùng mức bất nhân và bạo ngược của nó.
Tưởng Năng Tiến