Thỉ vừa mới xin được chỗ ở một
Imbiss. Phụ bếp. Một công việc không rõ ràng. Rửa bát. Thái thịt thái rau thái
đủ thứ. Và khi bà chủ, cũng là bạn cùng làng với Thỉ nhưng sang Đức trước đến
bảy tám năm còn dở dang một cuộc gọi buôn đường dài với cũng một ai đó cùng
làng đang lang thang làm chui bên Tây Đức mà quán có khách thì Thủy sẽ bổ vào
lắc chảo. Cơm rang. Mì xào…
Thỉ không kể và tôi không hỏi mỗi đêm Thỉ về nhà, người khét lẹt mùi dầu rán dùng nhiều lần. Cứ ngửi thấy cái mùi đó khi Thỉ vừa bước một chân vào phòng là tôi rùng mình. Như thấy cái nồi rán đựng của nợ đó, sánh và nâu đen y như thùng dầu luyn mà trước thỉnh thoảng tôi vẫn phải bê ra lọc lại cho chủ quán. Những lúc đó, tôi cứ hay nghĩ tới vẻ sung sướng của đám thực khách bụng béo thích ăn đồ Á. Nhưng nhiều hơn, tôi thấy mình tách khỏi mình, biến thành chính những kẻ đó trên một chuyến tàu đêm đang tìm cách tránh khỏi chỗ tôi ngồi và tôi biết tại sao. Mùi dầu. Mùi dầu rán dùng đi dùng lại tẩm ướp trên áo quần tôi tóc tôi kẽ móng tay móng chân tôi da thịt tôi.
Nhưng hiện giờ tôi đang thất nghiệp. Cũng có quý báu gì cái chỗ làm mạt rệp ấy. Tôi bỏ việc về lại Berlin. Để tiện làm giấy tờ cho con bé Thỉ mới sinh và nó sẽ là cái neo cho mẹ nó trụ lại ở Đức. Bọn Sở ngoại kiều ở đây nhìn chung vẫn dễ trước những điều luật dành cho người nước ngoài, như thể chỉ mở một mắt mà giải quyết. Đấy là lí do mà người Việt sang sau thích tụ về. Là nói đàn bà. Nhưng ngoài lí do dễ làm giấy tờ nhận con nhận chồng nhận vợ hư hư thực thực kiểu này, thì cái đất thủ đô đêm cũng như ngày lúc nào người cũng động cựa sôi sình sịch thật là thuận tiện cho dân mình cộng sinh. Thế nên Thỉ thiết tha được ở lại đây. Ở đây, cô tìm thấy sự bình an cái lúc còn phải sống chui. Cũng như dễ thuê giấy tờ của nhau đi làm đâu đó khi việc bán thuốc và ăn cắp trong siêu thị trở nên ngặt nghèo. Hoặc giả xin làm osin cho đồng hương có cửa hàng cửa họ cũng dễ. Ở đây, người Việt có nhiều thông tin truyền khẩu có ích. Ở đây, Thỉ tự tin, được nghe và nói giọng quê mình. Tiếng Quảng Bình Nghệ An Hà Tĩnh thì chỉ có người gốc gác tại đó mới phân biệt được. Chứ tôi dân Hà Nội, dù cuối đất cùng trời nhiều rồi nhưng lúc nào nghe cũng như ngoại ngữ, nếu họ nói với nhau chứ không chủ định nói với mình.
Nhưng Cục Mợ là Cục Mỡ thì tôi hiểu. Là tên Thỉ và mấy bà mấy cô Quảng Bình gọi yêu con bé. Thỉ chưa có giấy phép cư trú chính thức vì việc làm hộ chiếu cho con bé ăn theo tôi còn chưa xong. Thế nhưng đám đàn bà đồng hương của cô đã vui mừng có ghen tị có với Thỉ đã bàn ngay. „Quạn ả Lạn đang cân ngươi. Mi đệ cha con Cục Mợ trông nọ ma đi lam. Ngôi nha không tiên thi được mậy ngay không đập chặc.“ Thỉ phấn khởi. Tôi không hào hứng nhưng ô kê liền. Vì thật tình mẹ con bé ở nhà tôi không biết phải làm gì phải nói gì. Không phải trận bóng đá nào trên tivi cũng đáng để xem, càng không phải trận nào cũng đáng để ném tiền cá độ. Với lại tôi thương con bé. Con nào mà chẳng yêu chẳng thương. Nhưng không hiểu sao với đứa trẻ mới được sinh ra ngoài mong muốn của tôi, tôi thương nó thắt lòng. Hay thằng cha con mẹ nào ở tuổi này rồi mà tự dưng còn có con cũng thế. Là cái cảm giác cây khô đâm lộc? Là cái cảm giác bâng khuâng biết mình không đi được cùng con lâu trên thế gian này?
Dĩ nhiên Thỉ đi làm thì con bé vĩnh biệt ti mẹ. Chẳng hề gì. Tây nghiên cứu rồi nói sữa mẹ chỉ cần thiết cho trẻ sơ sinh đến tháng thứ tư. Mà đằng nào thì khi nó đã quen với bú bình, ti mẹ cũng không còn hấp dẫn. Đấy là chưa kể mùi dầu ám người Thỉ. Con bé ré lên ngay cái đêm đầu tiên mẹ đi làm bò về tới nhà chẳng thay quần áo rửa ráy đã tính ôm con đi ngủ. Và từ đó tôi chăm bẵm nó. Bình sữa, tã, kem bôi đít chống hăm, không bao giờ tôi quên khi đưa con ra khỏi nhà. Có những lúc siêu thị hạ giá đồ trẻ con, tôi đẩy xe mang con đi khuân lỏng chỏng cả đống chai HIP mặn ngọt cho nó ăn dần. Nom con tin cậy nằm trong xe nhìn bố đưa đồ vào phòng trước khi bế nó ra, bỗng sợ. Mình già mất rồi.
Thỉ thì mới hơn hai mươi. Hơn hai mươi, nhưng tôi biết ít nhất thì Thỉ cũng đã sống với hai người đàn ông trước tôi. Thằng Vũ bồi bàn người Hải Phòng trước khi tôi vào làm trong quán. Trước thằng Vũ là một gã tây ất ơ nào đó đã ngoài bốn mươi tuổi. Vụ bảo may không phải là một thằng đảng viên đảng bia rượu. „Sao chú biết?“ „Làm quán mãi anh lạ gì? Thằng nào bia rượu hay là dân ăn Hart IV xu của nó cuối tháng thường rất ấm. Đút túi mấy đồng 1, 2 Euro móc mãi mới ra mà.“ Theo Vũ thì các gã abc và chính cậu ta chỉ là cầu tre lắt lẻo đi qua không cần ngó lại của Thỉ. „Nàng sà vào giường em là vì ở mãi với thằng Tây mà không dính bầu. Không thành nhân thì thành công sao được ông anh“. Không có cái cầu nào lại đi đếm số người đi qua, Vũ kết luận và cười sằng sặc.
Tôi hiểu. Khả ố đấy nhưng không sai. Các cô người mình theo nhau sang đây, đầu tiên đi bán thuốc lá, có khi là ăn cắp trong siêu thị, rồi bồ bịch để có thai, rồi tìm bố giả cho con. Dịch vụ này thì bố ta đắt hơn bố tây. Thôi cũng có cái để tự hào dân tộc. Con định cư rồi thì mẹ được ở lại. Sau đó thì có bầu tiếp, và đứa con thứ hai nếu không dùng để cứu ông bố thật sắp bị trục xuất sẽ trở thành nguồn vốn cho mẹ đưa đi làm dịch vụ với một đồng hương nào đó chưa có giấy tờ ở lại. Đẻ kiểu này thì con tuổi gì cũng thành vàng hết. Lợn vàng Trâu vàng Chó vàng…
Trước lúc bỏ quán, thằng Vũ nhăn nhở „bàn giao em Thỉ cho anh. Anh đã dán un (*) rồi. Đại tiện. Chịu khó trèo đèo lội suối cho nó cái bầu có cơ ở lại. Thôi cứu con người ta. Nó về lúc này không biết đã trả xong nợ chưa. Nhưng cái tiền án tiền sử ở với bao nhiêu thằng khi vừa rời tay mẹ thì … đấy mới là nợ một đời…“
Suýt nữa tôi tống cho thằng Vũ một quả vào mồm không kịp nhớ ra nó trẻ khoẻ hơn mình. Cái điều nó nói về đám đàn bà người Việt, lăn lộn ở đất này tôi lạ gì mà phải dạy. Nhưng nó lại nói thẳng tưng như thế về Thỉ, đứa con gái vẫn hì hục làm đỡ việc cho nó, đêm đêm còn hầu nệm nó. Đứa con gái vẫn gọi tôi là chú dù tôi biết rằng bố mẹ nó ở cái vùng Bắc Trạch Bố Trạch Đồng Hới hay gì đó đất Quảng Bình ít tuổi hơn tôi.
Điều tôi không ngờ là thằng Vũ đúng. Có điều tôi không phải chủ động làm phúc cho ai. Đêm đó, chỉ sau khi thằng Vũ đi khỏi quán ít ngày, Thỉ từ cái phòng xép nằm ngay đầu cầu thang dẫn xuống quán lần vào giường tôi. Tôi không say, không bị cảm, không làm sao cả để bị yếu lòng trước bát cháo hay giọng nói của đàn bà. Cũng không thích gì cái mùi dầu rán giống hệt cái mùi bốc ra từ tôi ám quanh tôi mà Thỉ mang theo. Nhưng bàn tay Thỉ. Thành thạo quá. Bụng đứa con gái lăn lộn nhiều nhưng chưa hề chửa đẻ mềm mà phẳng. Ngực đứa con gái chưa bao giờ căng lên vì thai nghén nhỏ mà chắc. Và cái chỗ ấy, cái hang tối nóng, ướt, phập phồng, run giật, vuốt lấy tôi, bóp lấy tôi, riết rồi buông…
Thỉ thì tôi hiểu mục đích. Nhưng tôi không hiểu chính Thỉ. Mẹ của con tôi bây giờ thật ra đáng tuổi con tôi. Mục đích ở lại chốn này lớn lao đến nhường nào mà những người con gái của chúng ta phải trả bằng mọi giá để đạt tới thế này? Quê hương với họ là gì? Gia đình họ như thế nào mà sẵn lòng ôm nợ cho con đi như thế này? Họ đi để cứu vãn cái gì? Để được thêm gì? Tôi biết bằng chính cái đời mình đây mà vẫn không hiểu. Bất chợt đôi mắt Hạnh năm xưa đầy hi vọng khi nhìn tôi lên đường, hi vọng, tin cậy, mà như thể rất âu lo… Bất chợt những tiếng thở dài trong đêm sau khi hai vợ chồng bàn bạc chuyện tôi nên đi phiên dịch hay cố giữ chân biên chế trong viện hay tìm cách đi cơ quan khác… Bất chợt làn da xanh và mỏng của vợ tôi… Chao ôi. Nếu không có mùi dầu mỡ bốc lên từ cái quán tầng dưới, nồng nặc, trên từng bậc cầu thang lót thảm ẩm mốc, trên mỗi bức tường dán giấy cũ kĩ xám xịt, trong chăn nệm nhếch nhác, trong da thịt tóc tai của tôi và Thỉ, thì tôi đã tưởng tôi là tôi của ngày xưa, của cái thời mới từ Nga về gặp Hạnh, mê Hạnh và cưới Hạnh.
Thỉ, trẻ như Hạnh ngày ấy đấy, nhưng không bao giờ là Hạnh. Hạnh không có thói quen ngồi xổm, kể cả khi nhặt rau hay giặt giũ. Hạnh không có kiểu thò đũa bới thức ăn gắp cho tôi. Hạnh không cho mắm vào canh rau. Hạnh không cứ về tới nhà là bật ti vi rồi đua nhau nói. Hạnh không chịu được lối hài hước của Nguyễn Ngọc Ngạn. Hạnh ngay cả lúc sinh con rồi vẫn như không hết thẹn thò, mỗi bận vạch áo cho con bú đều ý tứ xoay người rồi mới ngước nhìn chồng. Hạnh để chồng lên đường là vì cuộc sống chung, vì con.
Hai bảy năm trước Hạnh sinh. Đứa con duy nhất của Hạnh và tôi cũng tưởng đó là đứa con duy nhất của mình. Tôi phát cuồng lên vì vợ thuở vừa một con. Da như mỏng đi, hồng hơn. Đôi mắt như cảm kích như âu lo những đêm tôi xách cặp lồng ra đầu ngõ mua cháo nóng về cho Hạnh. Thằng bé xổ sữa, bụ từng ngày, còn Hạnh bắt đầu xanh, càng xanh và gầy khi đi dạy lại, lớp chính, lớp dạy thêm. Tôi không biết làm gì ra tiền đỡ vợ. Tôi học xong ở Nga về được bộ Đại Học phân ngay về một viện thuộc bộ, rồi từ đó ì. Cùng ì là những thằng khác mặt mày sáng láng, lúc về hăm hở y hệt tôi, lí lịch được mã hóa bằng phong cách như tây, dáng vui vẻ ngây thơ và những chiếc xe đạp. Thằng nào đi cuốc là học ở Nga, thằng nào Mifa là về từ Đức. Những chiếc xe sứt sẹo dần. Từng thằng cũng bớt bóng bảy dần. Đến cái lúc hết bao cấp và viện phải tự hạch toán thì thằng nào cũng thấy mình già như tuổi. Cũng may, chuyên môn không thực hành thì cùn, nhưng ngoại ngữ nói ít chưa mòn mồm. Quân đội cho lính giải ngũ ầm ầm và lính ta hành quân tiếp trong đội ngũ những người đi lao động xuất khẩu. Viện giảm biên và chúng tôi cũng đi trong đội ngũ đó, không đảng viên không đội trưởng được, phần lớn thành phiên dịch. Khi đó, vẫn biết thằng nào học ở Đức ở Tiệp sang lại đó thì sướng hơn bọn đi Nga. Nhưng thật cũng không thể ngờ đến một lúc Đông Đức sập và chúng tôi Tiệp Hung Nga gì chẳng rủ nhau vẫn nhào sang Đức. Sau này vô tình gặp lại thằng bạn cùng viện cùng xoay đi làm phiên dịch nhưng là đi Đức lúc giảm biên nay là ông chủ hai cửa hàng bán quần áo có chân trong hội Doanh Nhân, tôi đã cười cười bảo giá mà thiên đường tị nạn lại là Liên Xô thì mày có khi đến xin việc tao. Thằng bạn ngày xưa thanh mảnh giờ phì phị đi ve vẩy trông như đàn bà cười méo cả mặt: „Tao nghe có hồi mày còn mua cả kế hoạch sản xuất của một hãng dược phẩm ở Nga, lúc đó có nghĩ đến cảnh bọn tao sang Tây Đức vào trại run thế nào không?“ „Đéo cần biết. Soái bên đó thì cũng như bưởng ở nhà, đào được mấy cục vàng rồi sập hầm chết người. Bây giờ mày đi xe sáu bảy chục ngàn, còn tao thì đang đi kiếm việc.“
Rồi chúng tôi cười. Biết cả. Những chiêu làm ăn của dân mình bên này. Tôi đồng đẳng với thằng bạn ở chỗ cũng giấy tờ định cư đàng hoàng, đứng tên làm bố rởm mấy đứa trẻ, mỗi đứa chục ngàn. Thằng bạn đón vợ con sang nhưng bị vợ bỏ, hay là bỏ nhau làm trò cưới xin dịch vụ kiếm vốn mà chuyện giả hóa thật không biết, nay sống với một cô học cao muộn chồng qua Đức làm tiến sĩ và muốn ở lại luôn. Tôi, tiếng vậy nhưng không bị vợ bỏ. Có điều…
Hạnh từ chối bỏ việc ôm con theo tôi sang Đức. Không trách vợ được. Khi đó tôi mới từ Nga qua đây, tay trắng, trong túi có độc mảnh giấy tạm dung ba tháng gia hạn một lần, lần nào cũng không biết có được gia hạn hay không. Có vợ có chồng tát cái gì cũng cạn, biết vậy, mà cũng biết bấp bênh quá. Vợ con ở lại nhà như cái bến cho mình neo về. Nghĩ vậy mà không ngờ được cái bến ấy đã xa là xa mãi. Vợ với chồng như thuyền cùng bỏ bến mà đi.
Ngày trước thằng con oán bố đi không về. Nhưng sang đây đi học mấy năm, cũng lăn lưng vào quán làm bồi bàn rửa bát, tự dưng nó hiểu cái điều mẹ nó thông cảm đấy mà không bỏ qua được và vì thế khi tôi đã định cư được rồi Hạnh một lần nữa từ chối mang con sang đoàn tụ. Con tôi học giỏi. Hạnh cười tự hào „gen bố“, như thể quên mình là cô giáo, và tôi biết con mình dễ dàng kiếm một suất học bổng đi một nước nói tiếng Anh. Nhưng Hạnh muốn tôi đưa con qua đây học rồi ở lại. Chỉ sau này thằng con mới nói mẹ bảo con sang đó có bố có con, con sẽ sống được cuộc sống bình thường, sẽ có không chỉ là tri thức. Vậy là Hạnh lại hi sinh.
Có bố có con được hai năm. Thằng bé xong trung học vào đại học. Còn tôi, chán chỗ nọ dạt chỗ kia. Chỗ nào cũng chỉ tính làm chui kiếm thêm còn cơ bản là nhờ đảng và nhà nước Đức. Vẫn nghĩ một ngày có tuổi rồi mệt mỏi rồi vợ chồng bỏ quá cho nhau mà về lại. Nhưng nhiều khi ngồi gật gà bia bọt, một lũ đàn ông trẻ đã qua già chưa tới cười vỗ mặt nhau „nói đi lo cho vợ cho con mà để giường không nhà trống vợ nào nó cam lòng đợi“. Thành tuồng trung thành với châm ngôn già bùi non mềm nhưng thạo nhất là đò đưa với mấy em tuổi héo héo có chút tiền, nửa mặt tối sầm sầm dưới vành mũ che đầu trụi, cười khùng khục „ở đây mình lo cho các em ấm giường thì cũng phải để thằng khác lo cho vợ mình chứ.“ Đúng có đểu có. Cái chính là những điều này mà nói thật ra nghe rất tởm.
Nhưng tôi chưa từng gần gụi ai còn kém cả tuổi con mình như Thỉ. Càng không định con cái gì thêm ngoài mấy đứa con rởm nhận làm cha lấy tiền. Thế mà rồi con bé ra đời. Và tôi có nghĩa vụ vì nó, nghĩa là phải vì mẹ nó.
Thỉ luống cuống khi thằng anh con bé lần đầu tới thăm em. Anh đấy mà cũng có thể sinh ra một đứa bé như em gái mình. Tôi không chạnh lòng hộ Thỉ. Thằng con tôi đã là đàn ông rồi từ thời trung học dù mẹ nó không biết và chắc chắn không bao giờ tin con mình đang đi học mà đã. Tôi nghĩ là nó hiểu. Mẹ kiếp. Một cái đầu để nghĩ nhiều lúc đã thấy quá đủ, thằng đàn ông lại còn thêm cái đầu buồi. Quả buông sách vở khổ cũng khổ nhưng lại cũng sướng. Sướng nhất là lúc khổ sở được văng tục như thế này.
Thằng anh sờ má con em, cười chế nhạo thằng bố mà nó thỉnh thoảng cá mè một lứa gọi là ông anh chán rồi thăm dò: „Bố định thế nào?“ Là nó hỏi định thế nào với mẹ nó đây? Biết nói gì được nữa. Đàn bà đàn ông để vợ để chồng đi xa, nếu có biết chồng vợ à ơi ở đâu, khuất mắt trông coi không tang chứng vật chứng may ra còn nuốt nghẹn mà chấp nhận nhau. Chứ những như đã một đứa trẻ tòi ra. Khó.
Hạnh sẽ vĩnh viễn không thể hiểu những toan tính của những người như Thỉ, dù có lúc Hạnh và tôi đã nghèo. Nhưng đó vẫn không phải là cái nghèo của những đời người chỉ còn biết chạy theo đúng một hướng kiếm - để - sống, cho mình và cho người nhà được mát mặt, đỡ chân lấm tay bùn. Cái khát vọng đó vừa hẹp hòi vừa mãnh liệt và tôi biết rằng những kẻ như tôi có lăn lộn bao nhiêu cũng không bao giờ có nổi lòng ham sống kiểu như thế, đức hi sinh như thế.
Hôm trước Thỉ đi làm giấy tờ, bị hỏi về tương lai quan hệ giữa Thỉ và bố đứa trẻ. Thỉ bảo không muốn sống chung với tôi. Bà nhân viên sở ngoại kiều ngước nhìn Thỉ, rồi nhìn sang tôi, mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Biết Thỉ trả lời như hầu hết các cô gái đồng hương cùng cảnh. Đất Berlin này có hẳn một vùng các bà các cô miền Trung nước Việt tụ về, gọi là Bến không chồng, cứ ra ga là thấy mẹ trẻ đầu đen xe nôi con nhỏ. Không ở cùng bồ già nhưng lại được ở lại theo con nhỏ thì Thỉ sẽ xin được nhà ở, sẽ nhận trợ cấp mẹ độc thân nuôi con. Thỉ sẽ cho những người đồng hương chưa có giấy tờ ngày ngày vẫn lờ vờ bán thuốc lá ở một góc nhà ga hay siêu thị thuê chỗ ở chung. Thỉ sẽ cho đồng hương ở chui thuê giấy phép làm việc. Còn Thỉ cũng sẽ làm chui nhận tiền tươi. Thỉ sẽ lại được gia hạn và lại có bầu, sẽ không phải là với tôi mà với một chàng trai nào đó Thỉ đã yêu hay sẽ yêu. Đèn cù lại quay. Đứa trẻ sẽ giữ được một người Việt Nam mình ở lại với châu Âu này.
Rồi Thỉ sẽ gửi tiền về, trả nợ, mua đất, đưa người nhà sang, mở tiệm. Thỉ có một người chị bị chồng rẫy rất nghèo, hai em trai một em gái mười lăm mười bảy hết rồi mà chưa biết sẽ làm gì. Con gái tôi như thế sẽ không cô đơn cùng mẹ, sẽ không chỉ có một thằng anh, mà là cả cậu cả dì cả lô lốc những người cùng làng với mẹ ở đất này.
Con gái tôi sẽ nói giọng miền Trung của mẹ. Rõ rồi. Sẽ biết ăn mắm không nhăn mặt như bố. Rồi sẽ đi học và sẽ vô khối bạn Việt Nam mang tên Đức ở trường. Chúng, những đứa trẻ được hoài thai từ hi vọng, từ lòng ham sống và đã ra đời như một phương tiện để mẹ cha sống còn.
Chẳng biết chúng sẽ có gì hơn thế hệ sống dở chúng tôi, nửa đời đành đoạn. Nhưng chúng sẽ nói tiếng Đức như người Đức và sẽ làm thành thế hệ người Việt mới ở đất mới. Thằng con lớn của tôi bảo nghĩ thế thì thấy sợ. Nhưng tôi thực tế hơn nó. Con bé còn non bấy thế và mẹ nó ngây ngô mà lọc lõi. Lúc này tôi sợ già, sợ mọi thứ vuột qua tôi.
Lê Minh Hà