30 January 2016

DỐC NHÂN SINH - Nguyễn Mộng Giác

Sau khi có lệnh cấm ngặt các quán cà phê không được mở nhạc tiền chiến, nhạc disco, và một số chủ quán cà phê ở đường Trần Quang Khải bị đưa ra tòa, khu vực này chết lặng như một vùng mộ. Người qua đường nghe trở lại tiếng lách cách của những trái me chín khô va chạm vào nhau, và lại bồi hồi xúc động ngắm những giọt lá me vàng bay nghiêng, bay nghiêng. Chị phu quét đường ngập ngừng không nỡ đưa nhanh nhát chổi. Lâu lâu gió trái chứng đổi hướng, lá me chao liệng rồi bay tạt vào quán vắng.


Cô chủ quán, có vẻ đẹp của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, nhìn mông lung ra phía hồ tắm cạn nước nay đổi thành hầm chứa rác và lá khô. Bàn ghế trong quán không có vẻ gì chuyên nghiệp: hai bộ ghế nệm bọc nhung mầu huyết dụ đã sờn phai khiêng từ những phòng khách vắng chủ nào đó, một tủ buffet cẩm lai thay quầy rượu, chén tách bằng đồ sứ Nhật. Chỉ còn thiếu một cuốn Vang Bóng Một Thời in trên giấy dó nằm ơ thờ đâu đây là đủ lệ bộ của sưu tập quá khứ. Ở góc quán, chỗ gần bụi trúc La Ngà trơ trụi già nua, chỉ có hai người khách. Người mang kính đen từ lâu ít nói, mỗi lần nói lại quá nhỏ; nên từ xa, có cảm tưởng người gầy ốm tóc muối tiêu đang phân trần với một pho tượng. Pho tượng ngồi thu cả hai chân lên nệm ghế nhung, hai tay ôm lấy gối, nhìn mãi về phía chiếc xe đạp thồ dựng ở gốc trúc cỗi. Trước mặt họ, hai tách cà phê đã hết bốc hơi.

Khi cô chủ quán ra khỏi nỗi bâng khuâng vu vơ, vẫn người gầy tóc muối tiêu đang nói:

- … Không, bị trận hồi hành quân Lam Sơn 719 kia!

- …?

- 719. Trận đường 9 ấy mà.

- …

- Ðúng đúng. Các anh thì gọi là trận Ðường 9 Nam Lào.

- …

- Hôm 30-4 tôi nằm bệnh viện Cộng Hòa vì chỗ chân cưa bị nhiễm trùng lở trở lại. Tôi chưa biết cách đi, nên cái chân gỗ làm tình làm tội tôi. Mỗi lần đặt chân trái xuống đất, đau buốt đến nỗi chảy cả nước mắt sống.

- … ?

- Ở chỗ này. À quên, anh có nhìn thấy đâu. Ngay phía dưới đầu gối. Nhờ thế tôi mới còn đi xe đạp được.

- …?

- Bị mìn cá nhân, hình như loại Trung Cộng thì phải. Chắc chắn điều này anh thạo hơn tôi. Nghe nói chỉ bé chừng này thôi.

- …

- Lớn hơn à? Thảo nào. Nghe tiếng nổ xong, tôi ngất đi. May trực thăng lúc đó còn hạ xuống được nên tôi được chở thẳng về bệnh viện hậu cứ. Tỉnh dậy, tôi đòi xem cho được cái chân trái. Thế mà họ cũng chiều đấy.

- …

- Chẳng có gì đặc biệt. Hơi gây gây ở xương sống. Gần như ghê tởm, nói đúng hơn là ác cảm. Lạ thật. Một phần thân xác trìu mến của mình, thế mà khi nó rời ra, trông xa lạ thế nào! Cứ theo tưởng tượng của mấy tay viết tiểu thuyết thì phải ôm lấy nó khóc nức nở. Cũng như kỷ niệm của tôi về ngày lấy vợ. Ôi thôi các ông ấy tô điểm đủ điều. Nào e ấp nhìn nhau. Tân lang và tân giai nhân âu yếm dìu nhau đi trên xác pháo. Nào rộn rã trước hạnh phúc vĩnh cửu. Láo hết. Lo đủ thứ chuyện lỉnh kỉnh, lại bị các bà cô ông chú bắt khoan bắt nhặt. Mệt phờ người ra. Tôi cho rằng bấy nhiêu thứ nghi lễ phiền phức nhảm nhí ấy chỉ nhằm có một việc: những vợ chồng trẻ hãy gắng mà chịu đựng nhau, lấy vợ lấy chồng một lần tởn đến già nên không dám làm lại lần nữa.

- …

- Tôi chua chát lắm sao? Có lẽ vì tôi tiếc của đấy. Anh biết không, lúc gặp anh, tôi vừa mất gọn bốn trăm năm mươi đồng bạc chẵn.

- …?

- Không. Dù ở Sài Gòn bây giờ ra ngõ là gặp trộm cắp, nhưng… nhưng kẻ cắp cũng còn có trái tim. Ai nỡ cướp cơm chim của kẻ tật nguyền. Tôi có một ông bạn phế binh mù đi bán vé số. Lừa anh ta dễ quá. Một mảnh giấy bèo nhèo có mồ hôi nào đó cũng thành tờ 50. Thế mà anh chưa hề bị lừa một đồng. Tôi mất tiền vì gặp tai nạn.

- …?

- Ngay trước lúc gặp anh ở dốc bên này cầu Thị Nghè.

- …?

- Ủa, nãy giờ anh chưa biết kế mưu sinh của tôi sao? Tôi đãng trí quá. Tôi cứ tưởng anh nhìn được chiếc xe đạp đặc biệt của tôi. Trông thấy nó, biết nghề của tôi ngay. Tôi đạp xe đạp thồ chở hàng thuê đấy.

- …?

- Vâng, y như loại xe thồ hồi tụi mình còn học ở Bồng Sơn. Nhưng xe thồ ở đây được cải tiến, trọng tải lớn hơn nhiều. Loại xe thồ hồi ấy chỉ như xe du lịch. Khách hàng thường là các cô gái đi buôn hàng chuyến ngồi vắt lên đòn ngang giàn xe, ngay trong lòng “tài xế”. Giỏ hàng cột phía sau porte-bagage. Hồi đó tụi mình thường nghe nhiều chuyện tiếu lâm về các anh xe thồ xấu máu. Ôm người đẹp trong vòng tay, tóc thơm cọ lên mặt, chiếc cổ trắng ươm ướm mồ hôi như hoa đào ngậm suong, ôi chao, có phải gò người đạp lên dốc đứng cũng không biết mệt. Tụi tôi bây giờ chỉ là “tài xế” xe chuyên dùng, xe chở hàng nặng. Chán phèo.

- …?

- Anh đoán xem!

- …

- Không.

- …

- Cũng không. Loại vừa cồng kềnh vừa mỏng manh.

- …?

- Tôi chuyên chở thạp đấy. Loại thạp da lươn người ta dùng đựng nước uống hoặc đựng gạo. Vì thế tôi mới bảo là vừa cồng kềnh vừa mỏng manh. Hồi sáng tôi vừa làm vỡ tám cái thạp như vậy.

- …?

- Tám.

- …?

- Ðúng là tám. Mỗi chiếc giá vốn 50 đồng, 8 chiếc 400. Tiền công chở từ Biên Hòa lên Sài Gòn 5 đồng mỗi chiếc, vị chi 40.

- …?

- Làm sao chở hết một lúc chừng ấy chiếc ư? Bí quyết đơn giản quá. Cái bao tử xẹp thì tìm ra cách ngay. Vả lại cái khó là cột cho chắc tám chiếc thạp trơn lên xe. Những tay lão luyện tự làm lấy cả. Tôi mới vào nghề, phải thuê mất mười đồng. 400 đồng tiền vốn, cộng 40 tiền công, cộng 10 đồng tiền thuê cột hàng, tất cả đúng 450 đồng chẵn.

- …?

- Không phải nổ lốp hay gãy tay cầm. Tiếc là anh không trông được cái xe thồ của tôi dựng chỗ bụi trúc kia. Ði chiếc xe như vậy khỏi cần xuất trình giấy hành nghề. Bánh sau đùm niềng xe Mobylette, tăm xe loại cyclo. Ghi đông sắt lấy từ xe Alcyon loại Tây thuộc địa. Bàn đạp là hai ống sắt cỡ 17 hàn dính vào giò xe. Phụ tùng có cây thanh gỗ chắc chắn đầu cưa hình chữ U để dựng xe nghỉ mệt. Ống bơm loại đứng có thể dùng bơm ruột xe hơi.

Giọng người mang kính đen lớn hơn:

- Anh tàn tật, chọn chi cái nghề nặng nhọc vậy?

Người gầy ốm tóc muối tiêu thấp giọng hơn thường lệ:

- Anh vẽ giùm tôi một nghề nhẹ nhàng đủ sống xem! Một vợ bốn con, làm sao tôi sống được đây? Làm gì còn đất sống cho người lương thiện!

- Anh lại chua chát rồi! Tại sao anh không tìm một nghề ít dùng đến chân?

- Như nghề gì?

- Làm nghề thợ may. Nghề đan mây tre. Thậm chí xin lỗi anh, tôi thấy nhiều phế binh chế độ cũ làm nghề hát dạo trên xe buýt.

Người tóc muối tiêu cười, nụ cười méo xệch:

- Tôi hát bài gì để làm mủi lòng bà con cô bác rồi chìa mũ xin tiền bố thí đây? Chẳng lẽ bài “Tiến về Sài Gòn”! Hay là bài “Hà Nội niềm tin yêu và hy vọng”! Còn hát những bài anh thường nghe ở bến xe buýt chợ Bến Thành, với tấm giấy phóng thích của trại học tập cải tạo…

- Tôi nói cho vui thế thôi. Thiếu gì nghề nhẹ cho anh. Anh còn may mắn hơn tôi. Anh còn đôi mắt. Thợ may, thợ đan, thợ điêu khắc, thiếu gì!

Người tóc muối tiêu trầm ngâm một lúc, rồi chậm rãi nói:

- Quả thật không thiếu. Nhưng tôi nói điều này, tin hay không tùy anh: tôi không muốn làm những nghề nhếch nhác, những nghề đàn bà. Chính tôi muốn tìm một nghề khó, cần đủ đôi chân khỏe và khéo léo. Tôi muốn chứng tỏ rằng mình chưa phải là thứ vứt đi. Chở xe thồ bình thường phải có đôi chân đạp khỏe, muốn đẩy xe lên dốc cầu Bình Lợi phải lực lưỡng. Một chân, ốm o, tôi phải làm được. Khó nhất của nghề thồ là chở thạp, chở thạp cừ nhất phải được mười cái. Nay tôi lên được tám.

- Nhưng anh vừa đánh vỡ cả tám!

- Ðúng. Ðây là lần đầu tiên tôi làm vỡ hàng, sau sáu tháng hành nghề. Ðánh vỡ vì một chiếc xe bảng xanh phanh bất ngờ trước mặt tôi, đúng lúc tôi ấn cái chân gỗ lên bàn đạp. Tôi chán nản quá, bỏ mặc chiếc xe với đống thạp vỡ, cà nhắc đến ngồi bên lề đường. Anh biết không, tài xế xe bảng xanh phanh ẩu vì vừa nhận ra mật hiệu của chị mua xăng lậu. Tôi chỉ là người bị nạn, không phải kẻ gây tai nạn. Tôi chưa đáng vứt đi, như người ta đã vứt tôi ra khỏi bệnh viện Cộng Hòa hôm 30 tháng 4.

Người mang kính đen khựng đi một lúc, mới nói:

- Làm sao được! Lúc đó chúng tôi nhiều việc quá, không có thì giờ sướt mướt những chuyện thương vay khóc mướn. Vả lại, chẳng lẽ phải vứt thương binh chúng tôi ngoài hành lang bệnh viện Cộng Hòa!

Người tóc muối tiêu đáp ngay:

- Tôi đã mất một chân, có chiếm nhiều chỗ lắm đâu.

- Nhưng anh còn có “máy bay lên thẳng” chở về hậu cứ để chỉ mất từ ống chân trái trở xuống. Nếu tôi được như anh, nếu tôi được như anh…

Người mang kính đen nghẹn lời, không nói tiếp được. Bạn anh không nghe anh tiếp, ngơ ngác nhìn lên. Hai người im lặng hồi lâu. Mãi một lúc sau, người tóc muối tiêu mới e dè hỏi:

- Ðáng lý anh không đến nỗi phải mù?

- Vâng, nếu…

- Ðường xa quá? Hay y sĩ…

- Cả hai.

- Chị ấy có…

- Tôi không muốn cho nhà tôi biết ngay. Vả lại…

- Thế nào ạ?

- Vả lại… Nếu có muốn cũng không được. Thường thường phải hơn một năm sau, trong trường hợp… Anh hiểu cho, liên lạc khó khăn lắm. Hơn nữa, phải làm thế để giữ vững tinh thần ở hậu phương.

Rồi đột nhiên, giọng anh thương binh mù sang sảng, làu làu như đang đọc bài:

- Nhưng so với sự “hy sinh lớn lao của các chiến sĩ cách mạng” đi trước, thì phần đóng góp của tôi có nhằm gì!

Người đạp xe thồ ái ngại nhìn bạn. Anh đẩy tách cà phê về phía bạn, nhắc nhở:

- Tách cà phê của anh còn đầy. Anh uống kẻo nguội hết. Anh thương binh mù bối rối nói:

- Ðược, được. Cảm ơn anh; rồi dè dặt đưa tay phải mò lên mặt bàn. Tách cà phê đã đổi chỗ nên suýt chút nữa anh làm đổ cà phê ra cái đĩa sứ. Người đạp xe thồ thấy bạn đã tìm được quai tách, nói lảng sang chuyện khác. Anh hỏi:

- Chị và các cháu đã vào hẳn trong này chứ anh?

- Ban đầu chúng tôi cũng định thế, nhưng…

- Nhưng sao ạ?

- Lâu nay anh có về thăm Bồng Sơn không?

- Không.

- Sau “giải phóng” tôi cũng hơi ngại. Làm vương làm tướng mà về thì… còn tình cảnh tôi, anh hiểu. Sau tôi đánh bạo. Không nhìn được vườn dừa quê mẹ thì cũng phải nghe lại cho được tiếng xe nước rì rào bên bờ sông Lại, nhúng chân một lần vào nước mát con sông xưa. Bao nhiêu năm tôi quay quắt với những thú thân thương đó. Không đủ tiền, nên tôi chỉ đem theo cháu út.

- Sao anh không dẫn chị vào?

- Nhà tôi cũng muốn lắm. Nhưng cháu út lên bảy, mình thương binh có thể thương lượng cho cháu miễn vé. Cũng may nhà tôi không đi.

- …

- Gia đình tôi trôi dạt đâu cả, không còn ai. Nghe nói từ 1972 tản cư vào Qui Nhơn rồi đi lập nghiệp nơi khác. Nghe nói vườn dừa bị cụt ngọn cả rồi. Tôi ngủ lại ngay bến xe một đêm, hôm sau về Thanh Hóa. Không kịp hỏi tin tức bạn bè cũ ở trường Nguyễn-Huệ-bắc dạo đó. Anh có biết không?

- Anh muốn hỏi ai?

- Lũ bạn cũ. Ðể tôi nhớ lại đã. Như cái thằng ngồi đầu bàn phía ngoài lớp Bảy D, có cái tật hay khịt mũi ấy.

- À, thng Quảng. Sau Genève nó làm xã trưởng.

- “Ác ôn” đến thế kia à! Có “gây nợ máu” nhiều không?

- Chẳng rõ. Chỉ biết năm 1965 cả nhà nó chết thảm vì một quả lựu đạn ném vào mâm cơm tối.

Hai người im lặng một lúc. Người thương binh mù hỏi tiếp, giọng bớt hăng hái:

- Còn thằng Luân? Thằng có cây viết Kaolo ngòi thủy tinh.

- Nó giàu lắm. Mở hiệu ăn ở Phù Cát, gặp lúc Mỹ qua buôn đồ lậu, phất như diều.

- Ái dà! Tư sản cỡ lớn chắc. À, thằng gì một lần xuống hầm núp máy bay, nó đái lên cả đầu con Lý hay dỗi?

- Thằng Ðức. Ðức Cống ấy mà!

- Phải. Nó lộn gan mỗi lần bị gọi như vậy. Nó ra sao?

- Nhảy núi sớm lắm. Tận hồi tố cộng.

- Luật 10/59 chứ gì. Về sau anh có nghe Ðức nó lập được thành tích gì không?

- Tôi chẳng biết. Ðáng lý anh phải biết chứ.

- Còn anh?

- Ðơn giản thôi. Sau 1955, theo ông chú vào Nha Trang rán lấy cái bằng tú tài. Học hai năm ở khoa học, hỏng liên tiếp ở chứng chỉ Toán đại cương hóc búa. Bị động viên, qua pháo binh. Mười năm lính, bốn lần bị thương. Mất một cái chân, trước khi mất hết. Không được may mắn như anh đâu!

Người thương binh mù ngửng phắt lên, vội hỏi:

- Ðời tôi may mắn ư? Anh nói đùa?

Người đạp xe thồ do dự một lúc, rồi nói:

- Trước kia hồi học ở Bồng Sơn, anh vẫn được khen luôn luôn thuộc bài. Kể ra lúc thấy trống trải, có cái gì để học thuộc cho khỏi nghĩ ngợi miên man, cũng hay.

Người thương binh mù ngồi yên, không động đậy, không nói năng.

Pho tượng bó gối có nét mặt bần thần. Bạn anh hỏi nhỏ:

- Anh sao thế? Ðã muốn về chưa?

- Có lẽ phải về thôi. Tôi còn chút việc.

Người đạp xe thồ lấy thìa khua vào mạn tách. Cô chủ quán đến gần lễ phép hỏi:

- Quí ông đã cần pha trà chưa ạ?

Người đạp xe thồ xua tay nói:

- Khỏi cần cô ạ. Cô cho chúng tôi gửi tiền.

Người thương binh mù vội bỏ hai chân xuống đất:

- Anh để tôi trả tiền. Bao nhiêu hở cô?

- Thưa 14 đồng. Cà phê độ rày cao quá.

Bàn tay lục túi của người mù ngần ngừ. Người bạn tinh ý hỏi:

- Anh không đủ tiền trả phải không? Ðể tôi trả cho.

- Nhưng sao đắt thế này! Tôi nghe chỉ một đồng một tách đen thôi mà.

Cô chủ quán vẫn nhỏ nhẹ thưa:

- Cà phê nguyên chất quả có khác chứ ạ. Hồi còn được mở nhạc, những mười đồng một tách đấy.

Không có tiền thối, anh xe thồ nhận bốn điếu Ðà Lạt rồi đưa cả cho bạn. Người mù không hay biết gì, mò tìm cây gậy nhôm. Thấy mình vô ý, người đạp xe thồ ân cần hỏi:

- Anh cần đi đâu, để tôi chở cho.

- Cám ơn. Chân anh thế, tôi không yên tâm. Tôi đi bộ cũng được.

- Tùy anh. Hôm nào gặp lại nhé!

- Vâng. Hôm nào rảnh tôi sẽ tìm thăm anh.

Họ chia tay nhau. Người mù huơ cây gậy nhôm tiến ra cửa quán. Người đạp xe thồ cà nhắc về phía gốc trúc La Ngà. Họ đều quên, không hỏi nhau địa chỉ tạm trú.


Nguyễn Mộng Giác