02 February 2016

THẾ HỆ NHÀ VĂN TRẺ: CHIẾN TRƯỜNG, TIẾNG CHIM HÓT VÀ HOA - Nguyễn Lệ Uyên


Thương Tiếc
Nguyễn Thanh Thu

Trên thế giới này, bất kỳ thời đại nào, chiến tranh luôn là tai họa đối với loài người. Kẻ gây chiến luôn gieo rắc tội ác đổ xuống nhân gian, là bọn khốn nạn, vô luân nhất trần gian… cùng vô vàn tính từ ghê tởm gắn cho chúng.
Hai mươi năm nội chiến Nam-Bắc là cuộc chiến vô đạo, phi nhân đến từ một học thuyết xuẩn động và man rợ nhất, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng, những cái chết phi lý, không đáng có.

Hàng triệu tấn bom đạn vãi ra, bằng con số ấy nhà cửa ruộng vườn nát tan, và với con số ấy những lương dân đã gục chết thê thảm, cũng chỉ bởi một dúm người không tim, chẳng có óc (!) đến nỗi một người dân bình thường phải thảng thốt kêu lên “Chiến tranh con mẹ gì mà lâu thế” (Y Uyên, Mùa xuân qua đèo) hay một người lính tham dự vào cuộc chiến cũng đã phẫn nộ “Chiến tranh hả? Chiến tranh là cái c… chó gì!” (Thảo Trường, Cánh đồng đã mất).

Nhưng đâu phải chỉ riêng Thảo Trường và nhân vật của ông mới lớn tiếng thóa mạ chiến tranh bằng cụm từ “tục tĩu”, mà gần như tất cả mọi chiến binh trên các chảo lửa chiến trường đều xem chiến tranh như thứ “tai trời ách nước”. Chưa nói đến sứ mệnh cao cả là chiến đấu để bảo vệ nền dân chủ, tự do cho 17 triệu đồng bào miền Nam (thập niên 60), thì hầu như thế hệ thanh niên lúc này không có một sự chọn lựa nào khác. Hoặc nhảy vô bưng với những suy nghĩ lãng mạn hoang tưởng, hoặc tham dự vào đời sống quân ngũ bảo vệ nền cộng hòa, tự do, dân chủ. Đó là lựa chọn duy nhất, mà đa phần đều từ ý thức, số ít là buông xuôi. Để có được tự do, không phải là điều dễ dàng gì, mà cũng không là của cho không. Và, nhân vật của Thảo Trường đã nói thay tiếng nói tận đáy lòng của thế hệ thanh niên thời đó: “Tao nhìn nhận tự do là một cực hình. Tao tự do nhưng tao không biết quyết định ra sao cả. Tao muốn gia nhập vào bất cứ đám đông nào để được xác định là tao có mặt. Nhưng đám đông nào cũng bỏ rơi tao, cũng hất tao ra bên ngoài. Vì thế tao vẫn là kẻ không có chỗ đứng. Nhiều lúc tao phát khóc lên vì cái bất lực của mình. Bơ vơ sống để nhìn đất nước mình lụn bại. Bơ vơ sống để nhìn ngày tháng trôi xuôi. Tao thèm gia nhập như tao thèm sống. Tao thèm có mặt ở khắp nơi… Để được nói một câu rằng “tôi có mặt”. Chúng mày có biết không. Thế nên tao nhập ngũ” (Thảo Trường, Bên trong lô cốt, Văn Nghệ số 24 tháng 6 &7 – 63).

Nhắc lại: cái đám đông mà Thảo Trường đưa ra và nhắc đến là một ý thức lên đường. Nó không hề là đám đông được dựng lên, được hô hào, dựng vẽ bằng những hình nhân để tung hê vào cõi chết vì một ý thức hệ phi đạo đức, phi nhân tính, một thứ triết lý mộng mị lỗi thời, phá vỡ mọi giá trị truyền thống của xã hội chói sáng tính nhân văn từ hàng nghìn năm, mà tổ tiên đã dày công gầy dựng!
Những lời tung hê, cổ vũ quá máu me quá đỗi bi thảm kia, khi cầm bút, các nhà văn nhà thơ miền Bắc đã có lắng lòng để nghe trái tim mình, cái đầu minh mẫn hay u tối của mình khi đặt bút viết ra những câu thơ, đoạn văn để tránh phải ân hận, đau khổ, dằn vặt lương tâm như sau này nhà thơ Chế Lan Viên viết “Ai? Tôi?”:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
Trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
Về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huy chương đầy, mọi cỡ,
Chả huy chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ
Giải đáp về đời
Tôi ú ớ,
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ,
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Gíup người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

Những trang văn ở miền Nam thời chiến mà tôi từng đọc, và sau này cũng chưa thấy nhà văn nào lên tiếng về những ân hận từ các trang viết của mình?
Ở đây, bản năng con người, dẫu được trui rèn qua binh lửa thì vẫn có những giây phút nỗi sợ hãi phập phù tấy lên, nỗi cô đơn la đà trỗi dậy: “Tôi thấy tôi cô đơn quá. Biết tôi sẽ ra sao sau khi lát nữa đây tôi buông mình xuống cái vùng tối đen lạnh buốt. Tôi cũng nhớ khi đến không phận vùng hoạt động, kiểm soát lần cuối cùng chiếc dù của tôi xong, tôi đứng nhìn những người sẽ cùng nhảy với tôi, tôi mỉm cười với họ” (truyện dẫn trên), khác hẳn với những trái tim và cái đầu lạnh của những kẻ điều khiển, cầm đầu bên kia.
Nhưng, ngay đến cả nhà văn thiên tả Thế Vũ, trong tình thế không thể lẩn tránh, đôi khi ông vẫn phải tự hỏi rằng tuổi trẻ đang trôi về đâu, về hướng nào một cách bình thản, không chút hằn học, dù rằng trong sâu thẳm đáy lòng ông, qua những trang viết của ông, chiến tranh gây tang tóc cho quê hương chính là những tên tay sai đế quốc! Vậy nhưng trong truyện ngắn Bữa tiệc dưới hầm, nhân vật tôi thản nhiên chấp nhận “cuộc chơi” bằng ngôn ngữ phản kháng rất tinh tế: Nhân vật của Thế Vũ bắt đầu cuộc chơi đầm đìa máu me kia từ “giam cầm, bị vây bủa, bị đẩy…”, và có cả “kẻ thù” từng là chỗ quen biết: “Tôi chợt nhận ra giữa những thứ đó, mình bắt đầu bị giam cầm một cách thật nhẹ nhàng, mình bắt đầu những ngày bị bủa vây, bị đẩy đi quá xa, một nơi mình chưa hề chọn lựa. Hình như, tôi cũng cảm thấy rơi vào một cơn lốc hay một giòng nước xoáy nào đó mà tôi chưa nhìn ra được. Trong những ngày sẽ đến sau đây, cơn lốc nào, giòng nước cuốn nào cuồn cuộn trôi về cuốn phăng đi những người chung quanh, cả tôi, cuốn phăng ra biển khơi tất cả… Có gì lạ đâu, có lần toán kích của mình bắt được một tên đang hò reo mình ra hàng, khi đem về đồn, sau một đêm nhốt ngoài lô cốt, sáng hôm sau chúng tôi nhận ra đó là một khuôn mặt quen thuộc mà nhiều lần mình đã cho lên đồn ngủ nhờ…
Con biết con bắt đầu vào trận rồi đó. Con biết con không dừng lại được nữa. Chiếc xe cọc cạch đời con vừa bắt được dốc, con không ngừng dừng lại nổi nữa, con bắt đầu lao đi trong cuộc phiêụ lưu này, con bắt đầu làm quen hết tất cả, tất cả… (Thế Vũ, Bữa tiệc dưới hầm,Vấn Đề số 24 tháng 7-1969).
Đọc đoạn trích này, hẳn bạn đọc sẽ thấy sự khác biệt trong cách suy nghĩ, giữa một nhà văn miền Nam có khuynh hướng cộng sản với một nhà văn miền Bắc được tôi rèn bên trong bức màn sắt!
Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, lăn lộn nơi chiến trường đều phản ánh trung thực những gì đã và đang xảy ra trước mắt họ và trong ý nghĩ của họ, không né tránh, không che lấp, lên gân đánh bóng. Ở đâu lại có những suy nghĩ, những phát ngôn nửa vời biểu thị nỗi hoang mang lẫn lộn giữa trách nhiệm và tiêu cực như nhân vật Tiến của Thảo Trường, trong tình cảnh bị địch vây khốn, đang lúc bị thương: “Thật ý nghĩa và cũng thật vô nghĩa hai tiếng chiến đấu”. Liệu những chiến binh như Tiến có được xã hội toàn trị chấp nhận trong lúc địch quân vây chặt bốn bề? Vậy thì tại sao các nhà văn miền Nam lại đưa những suy nghĩ của nhân vật vào truyện như một công khai bày tỏ thái độ, suy nghĩ cá nhân. Liệu sự bày tỏ tự do sáng tạo có được hệ thống chính trị phía bên kia chấp nhận cho các nhà văn của họ? Nhớ lại hai người lính trẻ của E.M. Remarque trong truyện dài “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, đêm ra bờ sông “đi đồng ”, họ hỏi nhau: “Không biết Quốc trưởng có đi ỉa như tụi mình không nhỉ?”. Thời Quốc xã kinh hoàng là vậy, kỷ luật thép là vậy nhưng có ai ngăn cấm kiểu đặt ra những câu hỏi như trên? Hay như Lê Văn Thiện trong truyện Du lịch bằng trực thăng trên Bách Khoa (không nhớ số mấy) viết về những cuộc hành quân sâu vào bên trong Cambodge ở Snoul đã để cho hai người lính than thở về nỗi cơ cực khi phải chiến đấu ngoài biên giới, và nói đại ý “muốn tranh giành quyền lực thì lãnh tụ của hai phe tham chiến chọn một gò đất cao và hai người đánh nhau phân định thắng thua, chớ sao lại bắt dân lành phải gánh chịu?”
Có tòa án binh, có Sở Phối hợp nghệ thuật, họ sẵn sàng cắt đục, trọng cấm, truy tố… nhưng rõ ràng, những rào cản trên không thể và không hề làm cho nhà văn ngừng bày tỏ những suy nghĩ trong tác phẩm của mình. Thực tế thì các tạp chí miền Nam đã từng bị đục trắng, bị dập đen nhiều trang, nhiều đoạn, bị tịch thu, truy tố ra tòa án như trường hợp Ngô Thế Vinh bị tòa tiểu hình Sài Gòn truy tố xét xử (ngày 18.5.1972 gồm chủ nhiệm Thế Nguyên, chánh phạm. Hai tòng phạm là Ngô Thế Vinh với bài Mặt trận ở SG, ký giả Lạc Giao, bài Những biện pháp kinh tế mới, một cuộc cách mạng đi ngược đường, đăng trên tạp chí Trình Bày số 34, có nội dung làm nhụt ý chí chiến đấu của quân dân VNCH, làm lợi cho CS…, mỗi bị cáo bị tòa Tiểu hình tuyên phạt 100.000đ và bồi thường 1 đồng danh dự cho Bộ Nội Vụ!).
Những vụ xét xử tuyên phạt như vậy không hiếm đối các nhà văn, nhà báo miền Nam, nhưng đó lại là sự tự do tuyệt đối của người cầm bút. Đó là chất nhân văn trong văn chương miền Nam.
Các nhà phê bình văn học sẽ nghĩ sao, phê phán thế nào khi những người lính đi hành quân lại mang phong thái của những kẻ nhàn du, như một cuộc đi dạo trên những thảm cỏ xanh mượt, vàng ruộm sắc hoa và chim hót trên cao, như thể trên đất nước này chưa hề có tiếng bom đạn gầm réo?:

Nắng sớm mai long lanh
Xanh lá rừng che chắn
Gió đồng ca loanh quanh
Không chút gì lo lắng


Bước giày chợt bâng khuâng
Tìm thơ hay tìm giặc
Tảng đá chạm mũi chân
Giật mình tim co thắt


… loại giấy phép quí này
Được ký bằng đầu đạn
Từ chủ nghĩa bầy nhầy
Nếu may không bỏ mạng
(Luân Hoán)

Hay như Lâm Hảo Dũng:

Anh ở miền Nam lạc đến đây
Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
Chiến tranh như thể trò tiêu khiển
Của lũ con buôn xác chết này

Và cả nhà thơ bác sĩ chiến trường Trang Châu:

Trong cuộc chiến hôm nay
Cho tôi xin chiến đấu không hận thù
Xin những vết thương bình đẳng
Cho tôi đổi một trăm chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ thù

“Lạ. Không thể tin nổi…” Đó là những lời nói chân thật của một vài trí thức chân chính miền Bắc đã đọc những câu thơ loại như thế này trong buổi trà dư tửu hậu mạn đàm chuyện văn chương thời chiến, mà kẻ viết bài này ngồi tiếp chuyện cách đây khá lâu ở Pleiku, một thành phố cao nguyên Trung phần. Phải. Trong một xã hội mà nền giáo dục đã bị chính trị hóa toàn diện, được tuyên truyền từ chân lên đầu, họ kinh ngạc khi lần đầu tiếp xúc với văn chương miền Nam thì không có gì khó hiểu, nhất là khi họ nghe toàn văn bản bài Uống rượu với người lính Bắc phương của Phan Xuân Sinh:

Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà …
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
Người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
Giờ này đang hối hả tránh bom
Hay thẩn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
Rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
Tình yêu như một thứ điểm trang?
Che đi chút dối lòng
Uống với bạn đêm nay ta phải uống thật say
Để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút
(Những ngày đầu xuân 1972)

Trong truyện ngắn Kẻ đào ngũ của Kinh Dương Vương đăng trên tạp chí Văn số 153 ngày 1-5-1970, mô tả một đơn vị TQLC hành quân giải tỏa Huế hồi tết Mậu Thân, nhân vật Công: “… nghe rõ hơn, như ở gần bên tai anh, nhưng dầu đã chú tâm lắng nghe, anh cũng không thể nhận được tiếng kêu phát ra từ hướng nào. Nó vẳng đến lúc to lúc nhỏ. Khi liên tiếp từng hồi, rồi lại ngắt ra từng quãng một. Hình như những âm thanh thảm não anh nghe được chỉ là những vọng âm đã bị những cơn gió xoay chiều làm tan vỡ. Anh nghe ở khắp mọi nơi. Từ trên trời xuống, từ dưới đất lên, từ bốn phương tám hướng. Nó bay cao trên thượng tầng, nó là là trên mặt đất, thoát ra từ các hố bom sâu, chìm vào trong hơi mưa giá buốt, dật dờ không định hướng, như tiếng than ai oán của các oan hồn trên chiến địa. Giọng thê lương đó như gởi lời réo gọi, van nài khẩn thiết đến cái thế giới vô cảm tàn ác ở chung quanh. Nó cất lên thật cao bằng tất cả nỗi nghẹn ngào rồi đột ngột chùng hẳn xuống trong niềm tuyệt vọng, dàn trải ra lây lất, mỏng manh và mệt mỏi đuối hơi”.
Và khi Công nhận ra những âm thanh thảm não… Giọng thê lương đó như gởi lời réo gọi, van nài khẩn thiết đến cái thế giới vô cảm tàn ác ở chung quanh chính là giọng của một sinh linh bé nhỏ, thay vì cùng đồng đội tấn công, xóa sổ ổ đại liên của địch trên thượng đài theo lệnh, thì Công đã lao về hướng phát ra tiếng gào đó, dưới làn mưa đạn của địch quân: “Đúng vào lúc ấy, tiếng khóc bỗng cất lên, giọng the thé làm Công giật mình. Nó phát ra ngay dưới chân anh. Trong một hầm núp đào vội vã dưới bộ ván ngựa của một ngôi nhà gạch đã đổ nát, Công tìm ra đứa bé chưa quá tuổi thôi nôi, trong lúc nó đang vục đầu lên ngực, nhai núm vú của một người đàn bà đã chết. Toàn thể mình mẩy nó nhuộm máu đỏ lòm trông khủng khiếp. Máu khô quánh đặc se mớ tóc dày của nó thành từng lọn. Dưới ánh đèn soi thấy Công nó không ngạc nhiên. Miệng nó vẫn ngậm vú để phát ra những tiếng ư ứ hờn dỗi như một con heo con nhai phải chiếc vú không có sữa. Nó ngước đôi mắt sáng ngời của một con thú nhỏ nhìn Công, tự nhiên và thân thiện. Nhưng khi Công vừa đưa tay ra, nó vội nhả vú mẹ, hốt hoảng bò quanh hầm, miệng phát ra những tiếng khóc đặc biệt mà Công đã nghe. Nó bò ngang qua tử thi của một người đàn ông và dừng lại bên thi hài của một bà lão. Như tìm được người che chở, nó tự tín quay lại nhìn Công. “Thế là cả một gia đình… “, anh nói thầm…”.
Và Công đã cứu được đứa bé bằng chính sinh mạng của mình. Cái chết đến với Công nhẹ như một lọn mây trắng xốp và đẹp tựa một cánh chim chao nghiêng trên bầu trời rực nắng, bên dưới là cánh đồng cỏ xanh mượt và hoa vàng và tiếng suối reo: “Tiếp theo có những tiếng nổ giòn giã. Công thấy mình như một cánh chim đang say sưa nhẹ lướt trong khoảng trời cao rộng bỗng nhiên đôi cánh mỏi liệt. Khoảng không gian dao động và cánh chim lảo đảo. Mắt anh hoa lên, chan hòa một màu xanh của nghìn trùng lá non, màu xanh mênh mông của một đại dương lặng sóng lấp lánh nắng mai. Anh chìm xuống, chìm vào trong một màu xanh an lành bát ngát, xôn xao những mắt sáng trẻ thơ reo cười”.
Người lính VNCH đâu chỉ có đánh giặc, đâu chỉ biết cầm súng chiến đấu? Họ cũng chỉ là những con người bình thường như hàng trăm ngàn chiến binh khác, nhưng ở họ có trái tim, có lòng nhân từ; khác chăng là khác với những giòng chữ ngập ngụa “máu lạnh” dưới ngòi bút một nhà văn, nhằm kích thích sự hận thù, chém giết một cách bệnh hoạn: Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế!”. Một đoạn khác: “chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội” (Tạ Duy Anh, Đi tìm nhân vật).
Nguyên mẫu bệnh lý cuồng sát từ các trang văn của các nhà văn miền Bắc đã được “giáo dục” từ triết lý dựng lên nỗi “căm hờn” đốt chảy cả dãy Trường Sơn ở truyện ngắn Giấc ngủ mười năm của Trần Lực như một chuẩn mực khi cầm bút: “Người ta nói dân ở gần mặt trận ai cũng hăng. Có gì lạ đâu. Tây nó ác quá. Chúng bắt được đàn bà con gái, thì 7 tuổi đến 70 nó chẳng từ ai. Năm bảy thằng tranh nhau hiếp. Hiếp không chết, thì nó chặt đầu, móc mắt, mổ bụng, rạch trôn. Có khi chúng bắt con trai hiếp mẹ, cha hiếp con gái, cho chúng nó coi và cười. Không nghe thì chúng giết cả nhà”. Một đoạn khác: “Trẻ con thì chúng nó bắt bỏ trong chum, nấu nước sôi giội vào. Hoặc trói 2, 3 em lại một bó, quấn rơm và giẻ chung quanh, rồi chúng nó tưới dầu xăng đốt…. Tây ác như vậy, cho nên dân ta ai cũng hăng máu lên. Họ nói thà đánh Tây mà chết còn hơn để nó hành hạ mà chết”. (Trần Lực, Giấc ngủ mười năm).
Cũng thật dễ hiểu, sau bao nhiêu năm dài, dưới thể chế chính trị của miền Bắc XHCN, đã để lại những sản phẩm văn nghệ mang màu sắc xám xịt, đến nỗi những người trong cuộc như nhà văn Nguyễn Minh Châu phải cay đắng thốt lên trong một bài viết có tựa: Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa: “…mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động… Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp… Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ?” (Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50, 5-12-1987).
Hẳn nhiên, lịch sử văn học Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ có những đánh giá khách quan về vấn đề vừa nêu…
Kẻ viết bài này vốn mê sách báo, đã từng ngốn không biết bao tiền bạc vào sách, đọc gần như trọn vẹn các tác phẩm văn chương miền Nam, từ Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, đến những nhà văn trẻ thuộc thế hệ chúng tôi và cả những nhà văn “phản kháng, lẫn thân cộng” có mặt trên Hành Trình, Đất Nước, Tự Quyết, Đối Diện… cũng chưa hề có ai đặt bút viết những giòng miêu tả đến mức đánh mất cả nhân tính, như những lưỡi dao xoáy ngập vào thân người như dẫn trên (!); ngược lại, cách hành xử ngoài đời thường và trong trang văn của thế hệ nhà văn trẻ cầm súng miền Nam vẫn thấm đẫm chất nhân văn, bởi họ là con người, những con người chân chính, phân biệt được cái đẹp cái xấu, không đánh lẫn giữa thiện và ác. Tại sao như vậy, bởi văn học đàng ngoài là loại văn học nguyên khối, một chiều nhằm ca tụng, tô vẽ và bảo vệ chế độ, còn đàng trong là muôn hình vạn trạng tự do trong sáng tạo, không ràng buộc, câu thúc, không uốn cong, khom lưng, không để não trạng bị đóng băng…
Với Phan Xuân Sinh: Bày làm chi trò chơi xương máu/ Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù, là những lời thủ thỉ tâm tình giữa người lính phương Nam và phương Bắc trong giờ hưu chiến. Nhưng với Trần Hoài Thư, đang trên chiến trường, lúc hành quân, bỗng nghe tiếng hát cất lên bên bờ suối, thay vì nổ súng, tấn công, “diệt gọn” thì ông ngăn người lính, để yên cho cặp đôi bộ đội cất tiếng hát vang và lắng nghe. Thời khắc đó, giữa ta và địch không còn lằn ranh. Tất cả hòa vào không gian lung linh sắc giọng, đến nỗi khiến rừng như thể im phăng phắc, lá như thể thôi lay động trên cành. Đó mới chính là cái đẹp, là tính người. Đó mới chính là tính nhân bản trong văn chương miền Nam, của những người lính miền Nam cầm súng và cầm bút.
Trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó nhưng người lính đã không bắn. “Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (…) Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam…. Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc, lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu” (Trần Hoài Thư, trích từ Ban Mê Thuộc ngày đầu ngày cuối, Thư Ấn Quán xb 1997).
Vâng, những người cầm súng và cầm bút miền Nam chỉ cần: Cho tôi đổi một trăm chiến thắng/Lấy một giọt nước mắt kẻ thù mà nhà văn Trang Châu đã thốt lên tận đáy lòng như một tiêu biểu cho hành động và suy nghĩ của thế hệ “bị ném vãi ra chiến trường như trấu”.
Họ, các nhà văn miền Nam vẫn thường có tiếng chửi thề trong một vài đoạn văn, và nhiều hơn thế trong một tác phẩm văn học, nhưng không phải với giọng điệu thảo khấu, giang hồ mà chỉ để giải tỏa những cơn bực tức, bức bối thông thường: “Ông thầy cho em miếng nước. – Đụ mẹ, tao là lính chứ đâu phải sĩ quan mà kêu tao ông thầy… – Thì đàn anh cho đệ tử một hớp. – Hớp cái con cặc, bộ mày không có bình toong à!” (Cao Xuân Huy, Tháng Ba gãy súng).
Người lính miền Nam đôi khi cũng có những cái trân tráo, ba trợn và cũng có những lúc phải táo tợn (như ta thường nghe trong các chuyện kể dân gian), như thể họ đang ở một thôn làng bình yên nào đó, không hề là nơi chiến trường mịt mờ khói lửa, không hề là những tù binh lúc khốn cùng: “Cứ như vậy cho đến khi nước uống được hai ả du kích cái mang ra. Nhiều người bu lại uống nước, lúc đầu còn uống tử tế, đến thùng thứ ba được mang ra, cũng vẫn nhiều người bu lại, nhưng chỉ một số người uống nước, số khác giả vờ chen lấn giành nước để bóp vú hai ả du kích…
Khi thùng nước kế tiếp được mang ra, màn bóp vú lại tái diễn, và khi hai nữ đồng chí được đề nghị mang thêm nước lần nữa thì trốn luôn. Không còn nước, không còn đàn bà, mọi người ngồi trở lại trong hàng. Một người lính vừa ngồi xuống bên cạnh quay sang nhìn tôi cười. – Đụ mẹ, bị bắt mà còn được bóp vú Việt cộng, đã quá! (Cao Xuân Huy, dẫn trên).
Những hoạt cảnh đời thường ấy được các nhà văn đưa vào truyện, không có ý bôi xấu, cũng chẳng phải vấn đề tình dục hay ẩn ức tình dục mà chỉ là một chút bỡn cợt trong hoàn cảnh không thể đừng, từ một hiện thực sống động trong bối cảnh chiến trường hoặc đã tan vỡ, hoặc đang đối mặt với những điều khủng khiếp sắp xảy ra cho họ và cho các chiến hữu trong những vòng đai phòng thủ, hay ngoài mặt trận súng đạn gào thét. Đó là những đóa hoa ngạt ngào hương sắc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết chết.
Họ chiến đấu, nhưng không thể dửng dưng “đang làm con người, được làm người” như bao con người bình thường khác trên thế gian này chưa mất bản năng gốc.
Trong truyện dài Chạy trốn, Thảo Trường đã lồng vào một đoạn ngắn vô cùng sinh động, như trong một xã hội thu nhỏ ngoài đời, mà ở đây là một doanh trại: “Một lát sau người vợ hốt hoảng kêu khe khẽ: “Đừng. Anh. Để đến đêm”. Người chồng không nói gì. Tôi vẫn ôm vợ tôi nằm yên nhắm mắt. Bên kia tiếng chõng tre kêu răng rắc dồn dập. Tiếng thở đàn ông lại càng dồn dập hơn. Tiếng thằng nhỏ ở ngoài gọi vào. “Ba ơi”. Người đàn ông quát: “Ở ngoài đó.”
Tôi vẫn nằm yên, vợ tôi mở mắt nằm yên. Tôi nhắm mắt lại, lúc mở ra thì vợ tôi cũng đã nhắm mắt lại. Vợ tôi nằm nguyên một dáng điệu duỗi xoải, đầu gối trên cánh tay. Nó nói nhỏ với tôi nhưng vẫn nhắm mắt: “Đến tối anh nhé!” Tôi không nói gì. Vẫn nhắm mắt. Bên kia tiếng thở đàn ông vẫn dồn dập, tiếng chõng tre cũng vẫn răng rắc. Chợt người gác ở trên chóp tháp canh gọi đổi gác. Một người khác ở tầng dưới nói vọng: “Tao lên bây giờ.” Người chồng nói vội:”Thong thả đã nhé” nhưng người vợ đã đẩy chồng xuống chõng đánh rầm. Hắn càu nhàu một lát rồi bước tới cầu thang nói lớn: “Rồi đó”. (Thảo Trường, Chạy trốn).
Người lính không phải gỗ đá, tính cách đời thường vẫn luôn luôn gắn chặt với người lính ngoài chiến trường, mỗi khi có dịp. Rượu và nhà thổ đã vượt ra ngoại phạm vi luân lý, đạo đức phong kiến phương Đông.
Họ hành xử như một con người đúng nghĩa, bởi sống và chết chỉ cách nhau một sợi tóc nhỏ, kéo theo vô khối những hệ lụy với mọi con người mà dấu hiệu đầu tiên là vẻ mặt “ngơ ngác” mà Hoàng Ngọc Hiển đã kịp nhận ra. Những ẩn nhẫn chịu đựng của người dân luôn là dấu hỏi cho các nhà văn trẻ nơi chiến trường. Lương tâm, trách nhiệm và bổn phận trộn vào thực tế đắng cay luôn làm trái tim họ co thắt, đau đến tận cùng nỗi đau trước các chiến hữu, đồng bào họ, kẻ thù của họ: “Nước dột đã tràn lên gần hết diện tích sàn hầm, mầu nước đỏ ngầu, lều bều rác rưởi, đồ mửa,… ngó phát lợm giọng. Đây là một trường hợp chiến tranh trên quê hương nghèo khổ, lắm tàn tích, lắm chủ nghĩa, lắm người ngoại quốc. Hơn lúc nào hết, bây giờ chúng tôi phải chiến đấu anh dũng trong những điều kiện eo hẹp. Đôi khi làm chúng tôi chán nản, vùi đầu vào những cơn say vô vị… Khi chúng tôi tiến vào Sóc Xoài, trời đã xế trưa, và chúng tôi không gặp một lực lượng chống cự nào cả. Dân ở đó gồm một nhóm người Thượng ngơ ngác nhìn chúng tôi, có lẽ họ cũng ngơ ngác như vậy khi nhìn Việt cộng vào sóc đêm qua? Lục soát kỹ, chúng tôi chỉ thấy những dấu vết chứng tỏ địch đã có mặt ở đó, và chúng mới di chuyển đi không lâu” (Hoàng Ngọc Hiển, Cơn say, Khởi Hành số 73, ngày 1.10.1970).
Thực tế cay nghiệt luôn theo đuổi người lính ngoài mặt trận. Mới sáng còn ngồi trách móc nhau, hút thuốc, uống rượu thì đến tối đã biến mất, tan loãng vào cát bụi. Có mặt ở chiến trường, mới cảm hết nỗi đau thắt lòng với Lê Bá Lăng trong đoạn văn này: “Tôi gạt thằng Nuôi qua một bên, châm cho người đàn ông điếu thuốc, nâng cằm hắn lên, nhìn và bảo: Trong “tăng-xê” thằng Nam vẫn đốt đèn ngồi cùng bọn thằng Hải, thằng Đắc. Trên một tấm ván thông vừa mới dựng, thằng Nam đã đặt cái cốc bằng nhựa đựng đầy gạo Mỹ, cắm mấy chân hương. Chỗ ngồi của mày đó Nuôi. Chỗ ngồi không bao giờ mày còn thấy, còn nhìn tao, còn say rượu nói tao mới ra trường chưa kinh nghiệm, chưa biết lấy tiền Việt-cộng đem xài” (Lê Bá Lăng, Buổi dừng quân, Văn số 121, năm 1970)
Cung cách của các chiến hữu đối với nhân vật Nuôi khiến người đọc cảm thấy như những người còn sống bị chặt đứt một cánh tay, bàn chân… vượt lên trên tình ruột thịt máu mủ.
Trong khi đó, ở truyện ngắn Giờ hưu chiến của Vương Thanh viết vào tháng 11 năm 1967, đăng trên Văn Học (bìa rách không tìm ra số ngày tháng phát hành) có đoạn viết về cái chết của hai nữ chiến binh VC trong hầm, qua một bức thư gửi về người yêu của một sĩ quan VNCH: “Vũ khí vô tội nhưng chúng ta có tội. Đáng ra quê hương này, đồi núi này phải là những đất đai êm ái cho cuộc sống của chúng ta. Từng làng xóm thân yêu, từng ruộng nương nuôi sống chúng ta đã chối bỏ. Trong một cuộc hành quân khác, anh khai một hầm trú ẩn và đã gặp ba người thanh niên, hai thiếu nữ với những vũ khí. Tất cả đều còn trẻ, thật trẻ, trên dưới hai mươi tuổi trời. Năm người ấy chung nhau một căn hầm chừng hai thước vuông. Họ đã vĩnh viễn ở lại trong đó, với đất của chính quê hương mình? Một trái phá được đặt giữa những người ngồi, đứng vây quanh. Tất cả họ đã tự sát. Hai thiếu nữ nửa phần dưới thân thể đã bị lột trần truồng, nửa phần trên được che bằng một mảnh yếm vải xanh. Tự nhiên, anh hiểu ngay họ là người đồng bào miền Bắc, có thể cùng làng xã chúng ta, họ hàng chúng ta, biết đâu, hai thể xác ấy không mang một tấm thông hành quê ở Hà Đông hay Phủ Lý.  Đọc đến đây chắc em nghĩ ngay đến một cảnh tượng dâm ô nào đó trên phim ảnh, một cuộc hãm hiếp chẳng hạn. Không phải chuyện giản dị như vậy.  Hai thiếu nữ, có thể với bản năng sinh tồn nào đó, họ đã muốn sống, đã muốn thoát lên khỏi miệng hầm theo lời dọa nạt và kêu gọi của bọn anh vẫn làm khi tìm ra một căn hầm bí mật. Nhưng ba người thanh niên chắc không muốn thế. Chắc họ muốn tụi anh lầm tưởng gian hầm đã được bỏ hoang và dưới đó chả có một chiến công nào đó với tụi anh.  Họ đã cưỡng bức hai thiếu nữ ở lại với họ để giấu kín sự bí mật. Tính e thẹn của phụ nữ đã được dùng đến, hai mảnh quần đã được lột ra bằng vũ lực để hai thiếu nữ không còn tính chuyện đến trước một đám đông bọn anh mà họ đã từng được tuyên truyền là tàn bạo và dâm ô. Họ đã ở lại với các chiến hữu của họ cho sự bí mật được an toàn”.
Cái chết quá thê thảm này, lỗi không do bọn họ, cũng không do trời đất, số mệnh… mà từ một chủ thuyết hoang cuồng: cũng chết nhưng bên này thì đặt cái cốc bằng nhựa đựng đầy gạo, cắm mấy chân hương. Còn bên kia là sự khủng khiếp, man rợ không khác gì đám ôm bom tự sát ngày nay, mà còn hơn thế, bởi ba chiến binh nam đã lột truồng hai cô gái để họ phải xấu hổ ở lại với chúng trong căn hầm, khỏi lộ tung tích (!): Một trái phá được đặt giữa những người ngồi, đứng vây quanh. Tất cả họ đã tự sát. Hai thiếu nữ nửa phần dưới thân thể đã bị lột trần truồng, nửa phần trên được che bằng một mảnh yếm vải xanh.
Có những cái chết ngọt ngào, những cái chết tức tưởi, những cái chết anh hùng và những cái chết cuồng điên… trong văn chương chí đến xã hội. Trách ai?
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn một đoạn trong tham luận Tính “văn học” trong văn học miền Nam của nhà văn Trần Doãn Nho đọc tại hội thảo Hai mươi năm văn học miền Nam, tổ chức tại nhật báo Người Việt, Hoa Kỳ ngày 6/12/2014:
Văn học miền Nam nói chung, trong quá trình phát triển của nó, đề cập đến con người như một hiện sinh, một thân phận chứ không chỉ như một hữu thể chính trị và cũng không chỉ như một hữu thể đạo đức, hiều theo nghĩa cổ điển. Do đó, ngoài những tác phẩm đề cao tình người, đề cao tình gia đình, một số tác phẩm cũng đề cập đến những ám ảnh tình dục, những ray rứt về phận người hay những vấn nạn triết lý về đời người và người đời…
Trong những tác phẩm viết về chiến tranh, tác giả không đề cập đến người lính như những kẻ chỉ biết “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Ngược lại, hầu hết đều viết về những gian khổ của người lính và những ray rứt của họ khi phải cầm súng bắn vào những người cùng máu mủ. Dù chống Cộng, không có một tác phẩm văn chương nào kêu gào giết cho đến người Cộng Sản cuối cùng.
Có thể nói, không giai đoạn nào mà văn học mang đầy đủ tính cách “người” như hai mươi năm văn học Miền Nam. Có khóc, có cười, có đau thương, có thống khổ, có vui mừng, phấn khởi, có lo âu, dằn vặt, thậm chí có dâm, có loạn. Một nền văn học thể hiện con người trong tất cả cái phức tạp của kiếp nhân sinh. Thay vì chỉ đề cập đến cái thiện, cái đẹp, người ta đề cập đến cả cái ác, cái xấu. Thay vì dùng văn chương chỉ để “tải đạo”, người ta dùng văn chương để lột trần những bề trái, những khía cạnh giấu ẩn, tăm tối, xấu xa của con người. (Trần Doãn Nho, Tính “văn học” trong văn học miền Nam)

Nguyễn Lệ Uyên
Tháng 12/2015