28 January 2016

PHẬT NẰM BÊN GIÁ VẼ - Hồ Đình Nghiêm


Chiếc máy bay nhỏ như không thể nhỏ hơn sật sừ trôi giữa trời tuyết đổ. Động cơ bán phản lực với hai cánh quạt gồng mình đi dưới mờ mịt thức mây. Vận tốc 360 kt tương đương 667 cây số giờ chỉ là niềm mong mỏi của người tạo dựng, và tựa như người, sức máy cũng có hạn. Máy đã già nua mà trời thì chả đẹp, trời cảm hàn và máy liên tục nhảy mũi hắt hơi. Là đà bên dưới là ngũ đại hồ đang tái tê đóng băng chợt ẩn chợt hiện, mông lung một vẻ đẹp kì dị, như tấm gương soi dành riêng cho hoàng hậu tử thần. “Kìa ai ngang qua bên ngoài cửa kính, kìa ai như từ khi em là nguyệt.” (Đinh Cường).

Chiếc máy bay Q 400 do hãng Bombardier chế tạo có thể dừng cuộc lữ để cắm đầu xuống mặt hồ lãnh cảm như đá tảng. Hậu quả là gì? Lửa bộc phát và liệu có làm tan chảy đá băng? “Đông qua óng ánh vàng rơi, vàng rơi chánh niệm vàng rơi, rơi vàng.” (Lữ Quỳnh). Hoạ sĩ Đinh Cường mất vào ngày 7 ở Vỉginia. Ca sĩ David Bowie mất vào ngày 10 ở New York. Và ngày 14 tôi sẽ lặng lẽ qua đời trên không phận Canada nếu có tiếng ai chợt gọi giữa chốn vô cùng. Nào có hề gì “bởi bây giờ tôi sống như hồn ma, cứ thấy bóng mình chập chờn trên vách.” (Trần Hoài Thư).

Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng một có phải là hơi bị buồn. Qua dự buổi chia tay vĩnh viễn cùng anh Đinh Cường, bất ngờ tôi dự thêm buổi đoàn viên chân tình và đầy cảm động, được han hỏi được kề bên những khuôn mặt ngỡ như khó lòng tiếp cận. Muốn có niềm vui trước hết ta phải hứng lấy nỗi buồn. Câu này xem chừng chẳng mấy đổi thay. “Cám ơn giọt nắng vô thường, lung linh ở cuối con đường khổ đau.” (Phạm Cao Hoàng).
Khuôn mặt chúng tôi hầu như ai cũng đẫm lệ. Từ bài đọc của anh Nguyễn Mạnh Hùng trong tang lễ, của anh Nguyễn Trọng Khôi, của anh Trương Vũ, của anh Chân Phương… những kỷ niệm đã có và đã vụt mất với người vừa mang pháp danh Quảng Thái. Trong nhật ký của Anne Frank, cô viết: “Dead people receive more flowers than the living ones because regret is stronger than gratitude”. Trong căn phòng u sầu này có rất nhiều vòng hoa, được gửi tới từ muôn phương. Của cựu Giáo chức và học sinh Nữ trung học Thành Nội Huế, của gia đình Trịnh Công Sơn, của gia đình Thanh Tâm Tuyền, của gia đình Ngọc Dũng, của vô vàn những thân hữu bè bạn và kể cả những người ẩn mình dưới vỏn vẹn hai chữ: Thương tiếc. Nguyễn thị Đau Buồn. Trần thị Xúc Động. Phạm văn Thương Mến. Lê văn Lệ Chảy… Lòng ăn năn cũng như sự biết ơn có khi không nên sắp hạng ngôi thứ. Chúng tôi ngắm nhìn muôn loài hoa nối kết nhau để chỉ biết thổn thức. “…Kể cho nhau nghe những điều. chưa nói, lời nghẹn ngào. tiếng nói. hư hao”… (Duyên).
Đành vậy, chúng tôi mãi sắp hàng dưới bóng nặng của hối muộn. Rõ nghĩa hơn, Chân Phương giãi bày: “…Trong những đốm lửa âm ỉ kia, không còn chiếc Corolla của anh, và tất cả smartphone trần gian, chẳng liên lạc anh được nữa…”

Từ trái: Tùng, Trần Hoài Thư, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Thị Nguyệt Mai, Duyên

Anh Đinh Cường vừa là người thầy dạy tôi ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, vừa là người anh rể thân tình từng chia sẻ những buồn vui suốt chặng đường tuổi trẻ dại khờ. Và tôi mãi khờ dại khi muốn tỏ bày lòng biết ơn sâu nặng đối với anh. Chữ viết thấp kém không đủ để trải bày và xin niệm tình khi tôi lỡ vay mượn tấc lòng của các anh chị đã chú thích bên trên. Cám ơn anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh Nguyễn Tường Giang, anh Trương Vũ, anh Phạm Nhuận, anh Phạm Cao Hoàng, anh Nguyễn Đình Thuần, anh Trần Hoài Thư, anh Lữ Quỳnh, anh Chân Phương, anh Nguyễn Trọng Khôi, anh Nguyễn Quang, anh Tùng chị Duyên, chị Trần Thị Nguyệt Mai, chị Nguyễn Thị Thanh Bình, chị Đinh Từ Bích Thuý… đã cho tôi hiểu thêm, sâu sắc về chữ tình thân hôm chúng ta ngồi quây quần ở nhà anh Trương Vũ. Một gặp mặt khởi từ nguyên cớ buồn đau. Anh Trần Hoài Thư tỏ bày: “… Đó là Đinh Cường trong trái tim mình. Khi chúng tôi bắt tay nhau hay ôm choàng lấy nhau, có nghĩa là chúng tôi đang chia buồn với nhau. Bởi lẽ mỗi người chúng tôi đều mất đi một Đinh Cường, và trái tim mỗi người đều đẫm lệ…”
Và anh Phạm Cao Hoàng tâm sự: “Anh Đinh Cường như một thỏi nam châm thu hút chúng tôi về ngồi kề bên nhau. Anh đã ra đi, từ nay nhà cửa trang PCH đâm trống vắng…” Chao ôi nghe luống những ngậm ngùi.
Cào Lá Ngoài Sân Đêm, thi tập của hoạ sĩ Đinh Cường. Anh Nguyễn Đình Thuần, anh Nguyễn Quang, anh Phạm Cao Hoàng và tôi đã co ro đứng bên nhau để “thở khói ngoài sân đêm”. Bốn con đom đóm lẻ loi bất chấp những răn đe đã ngửa mặt vào cao xanh mà phả lên đó từng cụm mây mù. Bốn điếu thuốc đỏ lập loè như bốn chân nhang cụt ngắn dần giữa trời lộng gió. Trần gian đã lạnh tiếng than van. Anh Đinh Cường ơi, xin vĩnh biệt.
– Viết ngoài lề: nhà văn Phạm Thành Châu (người không thích được gọi là nhà văn) có viết bài tưởng niệm hoạ sĩ Đinh Cường: “…tất cả nhà thơ nhà văn trên thế giới kể cả Việt Nam xin tranh bìa (hàng trăm hàng nghìn) cho tác phẩm của họ, ông đều vui vẻ gửi cho, nhưng không ai trả cho ông một đồng. Họ tưởng văn, thơ của họ quá tuyệt vời, nên họ hạ cố cho hoạ sĩ Đinh Cường cái hân hạnh được có tranh bìa nơi “đại tác phẩm” của họ là đủ mừng rồi, tiền bạc gì!…” Chẳng rõ khi viết nên điều này, anh Phạm Thành Châu có ghé mắt đọc phải ô quảng cáo của Trịnh Cung gửi đăng trên trang Hợp Lưu: “Nhận thực hiện trình bày bìa sách. Giá: 200 US. Vẽ chân dung: 500 US”. Y sì thế. Rạch ròi trắng đen. Không khoan nhượng, chả lôi thôi gì cả.

Hồ Đình Nghiêm