26 January 2016

SÁNG BẢNH RỒI, VỀ NGỦ ĐI! GIỜ NẦY NGOÀI ĐÓ LÀM GÌ CÒN KHÁCH - Chu Thụy Nguyên


Tôi thú nhận mình bị chứng mộng du, nặng nữa là đằng khác. Chứng bệnh hành hạ kể từ ngày còn trong tù. Cảnh tay vệ binh lên đạn A.K nã đạn thẳng vào thân xác một bạn tù đứng bên nầy rào dặn dò đôi điều với người em ruột bên kia rào. Cảnh tử hình các bạn tù trốn trại. Đặc biệt là cảnh chính mình đã quỳ xuống cùng bốn bạn tù khác chỉ còn chờ nghe loạt đạn tử hình suýt đưa mình về bên kia thế giới. Năm đó tình hình biên giới với Campuchia khá căng, quân Pon Pot thỉnh thoảng lại tràn sang biên giới Việt Nam bắn giết. Ngày hôm trước đó toàn bộ chỉ huy các trại tù họp kín ban lệnh khẩn cấp. Tay quản giáo trại tôi là một cán bộ miền Nam, tính lè phè, sao cũng xong. Dạo ấy anh ta lại mới gù được bà bé ngoài chợ huyện nên hở ra là anh ta phóng lên chiếc xe đạp đòn dong ra ngoài huyện ở cả ngày. Lúc họp an ninh anh ta làm gì có mặt. Hôm sau về thấy trong bếp hết củi chụm, anh ta gọi năm anh em tù tụi tôi trong toán “tăng gia” (toán trồng rau xanh cho quản giáo) ra sau rừng lấy củi. Vừa ra khu rừng sau trại khoảng 200 mét chúng tôi thảy đều kinh hoàng, xe tăng, súng cối, đại liên đủ các thứ đang bố trí chỉa vào trong trại chúng tôi. Vậy là ngộ nhỡ đang đêm bọn Pon Pot mà tấn công qua biên giới là anh em tù chúng tôi kể như lảnh đạn. Đang hoang mang trước cảnh tượng dàn giá vũ khí quy mô bỗng một tiếng thét lớn: – Đứng lại! kèm tiếng lên đạn A.K rôm rốp. Chúng tôi đồng loạt đứng lại. Lại một tiếng hét nữa: – Quỳ xuống! Cả năm người chúng tôi đồng loạt quỳ. Không cần hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì, tên vệ binh mặt búng ra sữa nói như thét vào mặt chúng tôi là chúng tôi đã vượt trại, chiếu theo luật cấm rừng hiện nay, chúng tôi phải bị tử hình. Trưởng toán tù chúng tôi là một anh công chức lớn tuổi đang bị suyển, người anh run bần bật, anh giơ tay lên nhưng chưa kịp nói nên lời đã xỉu huỵch xuống cỏ tranh. Anh bạn kế bên giơ tay xin ý kiến, anh nói trong run rẩy: – chúng tôi nhận lệnh quản giáo đi tìm củi. Tên vệ binh hung hăng: – Láo, các quản giáo hôm qua đều đã họp và đã quán triệt lệnh cấm rừng. May thay, lúc đó có một chàng vệ binh khác từ trong rừng vừa đi ra vừa huýt sáo. Anh nầy người miền Nam, sau khi hỏi rõ sự tình đã ra lệnh cho tên vệ binh kia vào trại mời quản giáo chúng tôi ra xác nhận, nếu không đúng sẽ bắn bỏ không thương tiếc. Một lúc sau, tay quản giáo của chúng tôi ra xác nhận, và đưa chúng tôi về trại.

Từ dạo ấy lâu lâu anh em chúng tôi lại chiêm bao thấy mình sắp bị xử bắn. Đến ngày được thả về chỉ được phép gần gũi với gia đình một tháng là bắt buộc phải đi kinh tế mới. Vừa đến kinh tế mới là bị công an địa phương tịch thu bản chánh giấy ra tù không trả lại. Như vậy là lại trở về rừng với cái cuốc và đôi bàn tay chai sần nứt nẻ. Đến lúc sống không nổi, tôi quyết định băng rừng trốn về Sài Gòn. Về tới nơi, hộ khẩu không có, chứng minh nhân dân không ai cấp, nghề chính của tôi bấy giờ chỉ còn thuê xích lô đạp từ ca chiều đến sáng để nuôi vợ con. Sở dĩ chạy xe đêm là để tránh khỏi bị công an mò đến nhà xét hộ khẩu. Thời đó có mấy thằng bạn cũng từng là giáo sư dạy chung, thằng bấy giờ là xe ôm, thằng ba gác cho bạn hàng chợ. Riêng mình mỗi khi có khách quắc được giá thì nhổm dậy đạp. Lúc ế ghếch xe lên lề, dưới tàng cây, giương mui bạt lên chui vào xe làm thơ. Ban đêm sau khi đạp mỏi ra hông chợ Sài Gòn, ghếch xe lên lề, chui vào xe ngủ. Sống luôn trong phập phồng, hãi sợ ám ảnh riết sinh bệnh. Từ đó ai ngờ mình trở nên anh chàng mộng du ngày càng nặng. Đêm, cứ ngay khi chui vào xe ngủ, thật ra là lúc tôi lại đạp xe mộng du trong cơn mơ…

Lúc tôi quay lại, chiếc xích lô của tôi vẫn còn nằm yên đó, ghếch một bánh lên vỉa hè trước một tiệm bánh đã đóng chặt cửa. Tôi vừa chở một linh hồn đến đây, cô ấy đã hoan hỉ trả cho tôi cuốc xe bằng trọn một bài thơ đặt nhẹ trên ghế ngồi. Tôi cầm bài thơ lên. Quả cô ấy hào phóng thật, bài thơ có mệnh giá gấp bốn lần giá trị cuốc xe. Thế mà cô ấy đã quày quả bỏ đi, ý chừng như muốn nói: khỏi thối. Cuộc sống nầy giữa lúc ngày càng đảo lộn mọi giá trị, mọi thứ kể cả nhân cách con người cũng trôi tuột thê thảm chẳng còn gì có thể kéo lên nổi. Giá trị tinh thần lại còn rẻ mạt hơn. Riết rồi chẳng còn mấy ai dám tin vào tấm lòng hào phóng biết nghĩ thương đến người khác. Người ta ra tay lừa mị bạn nhanh hơn cả ảo thuật. Người ta mặc cả đến cạn kiệt từng bụm oxy cho buồng phổi, thì đừng nói đến nửa chiếc lưỡi, một nhúm lồng ruột của bạn đang còn tươi, một thủy tinh thể bạn vẫn dùng để nhìn âu yếm người tình, một vành tai dẫu nghểnh ngảng, nửa mảnh sọ, một dúm óc tanh tao, hay cực kỳ thời thượng như quả tim đang đập, quả thận đang sung mãn. Những báu vật đó vẫn đang ở đúng vị trí trong người bạn, nhưng bất ngờ bạn sẽ không còn cách gì giữ được, và ngày nay những bàn tay nhuốm máu ấy mới là đấng toàn năng, miệng cười nhếch mép và quyết định cất đi sự sống của bạn. Thôi, tôi trở lại xe đây…
Cũng bởi ảnh hưởng các lẽ trên mà những linh hồn luôn trì chí đứng trước mặt tôi trong từng đêm lạnh buốt, chỉ để cò kè bớt ba, bớt một giữa thời buổi nhiễu nhương nầy. Trong cuốc xe đầu khuya hôm qua, khách của tôi là một ả kỷ nữ về chiều, ả cười ngặt nghẽo sau khi biết mình đã trả giá sát sườn cho cuốc xe khuya. Sau đó, ả đưa bàn tay hương phấn mềm như nước sờ phớt lên khuôn mặt chai sạn không từng cười của tôi. Tôi nghe cảm giác rờn rợn. Rồi bất ngờ ả níu dựng một dúm lông trên cánh tay đen đúa của tôi như muốn nhấc bổng chúng lên. Ả trừng mắt nói như đang nghiến với tôi:
– Đến cả những sợi lông tưởng vô tích sự nầy, con nào muốn đụng đến ông cũng phải biết hét giá cho cao lên nhé.
Ả nói đến đó cũng kịp lúc tôi thò dưới háng mình kéo cần thắng lên lết dài ba bánh đến trước trụ đá vôi, cổng khu mả lạng. Bên trong khá yên ắng, thỉnh thoảng lũ đom đóm chóp lóe rồi tắt ngấm. Giờ nầy có lẽ các hồn ma đều đã xuống phố chè chén hay rượn mồi cả rồi. Ném lại bài thơ rẻ tiền trên nệm xe, tiếng ả cười nắc nẻ khuất dần vào bóng đêm mịt mờ sau lùm cỏ tranh cao ngất. Bỏ ả xuống đạp chưa thong dong đã thấy một bàn tay thò ra quắc. Bên đường giờ nầy là một hồn ma gầy, cao, xúng xính trong bộ veston xám, cà vạt chiếu lấp lánh. Gã chậm rãi bước đến bên tôi tay cầm một cặp da đen có vẽ nặng. Chẳng nói gì, gã bước lên xe đưa tay chỉ tôi đạp về hướng công viên thành phố. Lát sau gã khoác tay chỉ vô lề, tôi lại móc dưới háng mình cái cần thắng kéo lết cả ba bánh. Gã bước xuống, xách cặp te te về phía pho tượng đã bị đập, nay chỉ còn cái bệ cao khoảng một thước. Đứng nhìn cái bệ một lúc, gã quay lại chỗ tôi, không trả tiền cuốc xe, nhưng căn dặn:
– Này! Tôi sẽ lên trên bệ xi măng đó đứng, ông cứ chờ ở đây với tôi, cứ mỗi giờ tôi sẽ trả cho ông nửa bài thơ nhé. Đừng lo gì cả! Cứ đứng đấy nhìn tôi. Hãy chờ đến lúc hai bàn chân tôi, giày tôi, dính liền lạc với chân bệ xi măng nầy, lúc đó tôi hoàn toàn là pho tượng thay thế. Khi đó ông tự khắc sẽ thấy thần dân trăm họ khắp nơi kéo lủ lượt về đây, sợ còn không đủ chỗ cho bọn họ quỳ nữa là khác. Tôi biết lũ đó tất cả đang đói và khát, thậm chí rách như xơ mướp. Lũ chúng toàn thất học, cái chính là miếng ăn, thật ra chúng chỉ cần những vụn thức ăn thôi. Và tôi, khi ấy là một pho tượng của một lãnh tụ mới đầy quyền lực, lời tôi phán ra cả lũ họ sẽ khóc rống lên vì sung sướng. Họ sẽ không tiếc lời ca tụng tôi như một chí sĩ yêu nước hoàn toàn trinh bạch vì dân, vì nước (Còn trinh hay mất trinh kệ bố tôi chứ! lũ đó quyền gì mà cần biết). Lớp thần dân nầy sẽ khóc vì quá xúc động. Lớp kia sẽ cười vì sắp sung sướng. Cái gì? Ông vừa nói ai? Thằng Ũn hả? Thằng đó chẳng đáng học trò tớ. Hồi bên Thụy Sĩ có lần tớ bày cho nó cách lãnh đạo. Ừ! kể cả cách giết để thanh trừng, nhưng thằng đó giết sớm quá, háo thắng quá! Bởi chẳng biết nói sao, từ lúc bố mẹ tớ sinh tớ ra đến lớn, lúc nào trong lòng tớ cũng thôi thúc nguyện vọng phải hy sinh làm lãnh tụ để cứu dân cứu nước. Theo ý tớ đó là nguyện vọng chính đáng chứ lị, mà đâu phải thằng dân nào cũng cóđược hoài bảo đó, nghe nói phải Chính Vì Vương hay Chân Mạng cả đấy! Sự cai trị muôn dân trong thời đại nầy sẽ không còn trong tay lũ bất tài vô tướng bằng xương bằng thịt nữa, mà phải là đấng cứu rỗi, đấng bề trên như tớ nửa thịt xương nửa thần trí siêu hình. Mấy đêm liền tớ thấy Bà Đen đến nắm tay bảo tớ như vậy mà, tội nghiệp, bà bảo tớ phải cố hy sinh vì vận mệnh dân tộc nầy. Vì thế nghe lời bà tớ mới phải nhọc công đây chứ. Ừ! mà ngẫm lại, đến lúc đó ông còn lo gì tiền cuốc xe vừa rồi chứ! Ông sẽ được gấp bao lần hơn thế. Bên cạnh đó ông còn được bổng lộc, không chừng là chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải đầy uy quyền phụng sự trong vương quốc của ta nếu ông muốn. Khi đó ông tha hồ nhé, muốn bê tông cốt tre ông duyệt cho cốt tre, muốn cốt sậy ông toàn quyền duyệt cho cốt sậy, muốn ổ gà ông cho ổ gà, bọn nó kêu ca quá ông cứ cho ổ voi, cứ cho ngập lụt rồi sản xuất thuyền thúng mà bán, nhớ thu luôn thuế đường bộ và cả thuế đường thủy nhé. Cái gì? Không biết làm thế nào để kiểm tra chất lượng đường sá hả? Dễ ợt hà! Nghe nói tay tiền nhiệm của ông, tay đó từng dắt một đoàn tùy tùng giữa trưa ra đường cạy một cục rồi đưa lên mũi hửi. Còn ông thế hệ tân tiến đi sau phải khác nhé, phải ưu việt hơn chứ lị. Là sao hả? Sao dốt thế? Thì ông cũng cạy một cục lên, nhưng không phải hửi mà lần nầy phải liếm nhé! Cứ thè dài lưỡi ra là được. Gì? Ông sợ dân kiện à? Dốt thế! Làm gì được nhau?!…
Trời lúc đó quá lạnh, bụng thì đói, lại gặp con ma chả hiểu nó học trường nào ra mà nói dai gớm. Tôi quá bực bội, bước đến lục tìm trong lưng dựa chiếc xích lô lôi ra cây côn nhị khúc, thứ vũ khí của Lý Tiểu Long ngày trước khi tung ra chàng hay kèm theo những tiếng la: – É….É… Tôi bước đến chân pho tượng nhìn trừng vào mặt gã quát lớn:
– Bà mẹ nó! cả ngày tao đói rã ruột, chả cần ngai hay vương, tướng hay bộ chi cả, chỉ cần mì gói ấm bụng, có hay không. Nói rồi bắt chước họ Lý quơ côn lượn vòng cho gã chóng mặt xong thu về kẹp trong nách, nhưng đói quá không đủ sức: – É … É…
Nghe đến đó mặt hắn tái mét, phóng cái rột khỏi bệ xi măng ném lại tờ nửa bài thơ duy nhất, tên lãnh đạo co giò phóng trong bóng đêm mất hút. Tôi hét theo:
– Bà mẹ nó! Thứ vương tướng như mầy cở xích lô như tao làm ngon. Bọn hoạn heo xứ nầy đều làm được cả!
Đến nửa khuya hôm qua, sau khi no bụng với vài cái oản, trên đường tà tà vòng chợ tôi lại gặp một mụ phì nộn đứng bên đường giơ tay nhưng không quắc nổi. Quặp mũi xe vào kéo cần thắng bên dưới háng lết bánh. Sau khi bước lên chòng chành cả xe, mụ chỉ tôi về hướng nghĩa trang thành phố. Nhổng đít nhấn từng cái trân mình để bắt trớn, tôi đưa tay áo trắng bạc loang lổ vì muối quệt mồ hôi trên mặt. Xe đang bon bon ngon trớn ngang qua khu thương mại đông đúc, thấy nhiều người tụ tập, lao nhao trước một màn hình to, mụ giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại gấp. Lại phải thò tay dưới háng kéo cần lết đủ ba bánh. Mụ phóng xuống, dặn tôi chờ đó rồi lủi nhanh vào đám đông. Lát sau mụ lại lệt bệt trở lại xe cười khoái trá:
– Ông biết gì hôn? Mụ On Săng Su Ki thắng lớn bên Miến rồi!
Vừa nói bà vừa leo lên chông chênh xe. Vừa đặt mông ngồi xuống mụ ngoáy đầu ra sau tươm tướp:
– Phen nầy tui dìa tút lại mọi thứ nhe. Con mẹ ốm nhách đó làm được, tui cũng làm được. Tưởng bở hả? Con Tám nầy đã đến lúc sẽ ra ứng cử để giúp dân giúp nước cho ông coi, đừng khi dễ nhe!
Chột bụng quá, tôi vừa gò lưng đạp vừa cắc cớ hỏi:
– Vậy bà là ai? Chính tôi còn không biết sao dân biết mà bầu? À! mà quan trọng là người ta có cho bà ứng cử không đã?
Nghe vậy bà sửng cồ liền:
– Xí! nước nầy ai hổng biết tui? Thời trẻ tui tham gia cách mạng có kết nạp đối tượng đàng hoàng nhe, huy chương cũng đầy ngực nhe. Kể từ sau khi về hưu tui là máy bay bà già cũng nổi tiếng xứ nầy luôn, bọn trai trẻ ai hổng biết má Tám, nè ông nhìn kỹ tui đi rồi mai mốt còn nhờ vả nhe. Còn vụ ứng cử hả? Ông nên nhớ rằng tui thuộc diện chính sách nhe.
Bà bất chợt quay lại thấy tôi vừa đạp vừa gật gù, bà đâu hiểu được tôi đang muốn ói vì bà là “ máy bay bà già thuộc diện chính sách “ nhe.
Tôi lại hỏi:
– Nhưng bà đâu còn trẻ nữa.
Bà cười xì một tiếng rồi lắc đầu:
– Vậy là ông hổng biết gì hết. Bọn đàn ông khi cướp được quyền tụi nó luôn chủ trương “ Hy Sinh Đời Bố Củng Cố Đời Con “. Đến lúc vừa già chuẩn bị rửa cẳng là chúng tìm chỗ thơm ấn cho con chúng ngồi vô đó với tối đa phần trăm phiếu thuận, sao phụ nữ tụi tui lại yếu thế được? Lo gì? Hai đứa con gái tui bây giờ chúng đều cở máy bay bà trẻ sắc nước hương trời hết rồi. Chỉ vài năm sau là tui trao lại quyền thừa kế cho con tui trấn nhậm sinh sát từng vùng chứ.
– À! tôi hiểu rồi! Bà chị sẽ đắc cử nếu dân số nước nầy đa số là phi công trẻ!
Nghe đến đây mụ ta nổi điên lên, cho là bị tôi mỉa mai, mụ chỉ tay vào lề. Một lần nữa tôi lại phải bất ngờ móc dưới háng kéo cần thắng lết cả ba bánh. Mụ ném lại cho tôi nửa bài thơ, ngúng nguẩy khuất sau nhà xác bệnh viện thành phố. Ngồi nghỉ mệt một chập bên đường. nghe chim cú kêu rồi bay, tôi vụt nghĩ, xứ gì mà dân thì nghèo chỏng gọng, bụng đói, đầu rỗng, chân tay khòng khoèo, trong khi đó quan trên thì nứt đố đổ vách, bao nhiêu biệt thự nguy nga nhưng vẫn liên tục nhiều năm liền ăn trợ cấp diện nghèo. Trẻ thơ, con cái của dân nghèo đi học chưa về tới nhà đã vì đói mà chết dọc đường.Hèn chi đến con đĩ diện chính sách cũng còn tha thiết mơ được làm lãnh đạo. Không những làm thôi mà sẽ truyền ngôi cho con như sẽ truyền nghề bán trôn lại cho chúng.
Gần sáng hôm nay trên đường định quay xe về thì gặp một bà hành khất bên đường quắt lại. Lên xe bà thu mình ngồi khóc như mưa. Hỏi vì sao, bà nấc nghẹn:
– Ôi! Ông không hay biết gì sao? Ông quan cai quản quận hạt nầy ngài mới qua đời!
Nghe vậy tôi ngạc nhiên:
– Thôi nín đi! Thằng đó nó quá ác mà bà khóc cái gì? Nó cướp bao nhiêu đất của dân bán chác làm giàu. Bao nhiêu dân lành uất ức vì nó, lên tiếng bị nó cầm tù đến mạng vong. Giàu quá ăn trên máu xương người khác, ăn no rửng mỡ mập ú. Thời nay quả báo nhãn tiền nó đứt mạch máu não chết thì đáng kiếp, bà khóc làm gì?
Bà đưa tay áo vá chằng chịt lên quẹt mắt nói trong ràn rụa:
– Chính vì nó quá ác nên tôi mới phải khóc.
Quá ngạc nhiên tôi đạp chồm lên hỏi:
– Ủa sao lạ vậy bà?
Bà nín bặt rồi nói gằn từng tiếng thật rõ:
– Ông nghe rõ nè! Tôi khóc không phải cho cái sinh mạng thúi của nó, mà khóc cho cả dân tộc nầy, vì rồi đây thằng sau lên thay thế nó đang còn chưa đủ giàu, nó sẽ tàn ác gấp bội để vơ vét bòn rút, mà người dân lúc đó chỉ còn cái đủng quần nên đành phải chết trần truồng phơi thây.
À! Thì ra linh hồn bà lão hành khất quá thâm thúy. Bà chỉ tay vào lề, một lần nữa tôi lại kéo cần thắng, lết cả ba bánh. Bà trao tận tay tôi một bài thơ, định không lấy của bà nhưng bà bảo cứ giữ. Bà lẩm bẩm:
– Của thiên rồi sẽ trả địa mà, lo gì!
Bà lủi nhanh vào ngôi mộ đá ong chông chênh sau lùm cỏ hôi. Đó là ngôi mộ duy nhất ở đoạn nầy, nghe nói bà bị chết oan vì xe cán. Chuyện kể lại hổng hiểu sao sau khi đất cát bà bị lấy sạch, trên đường bà đi khiếu liện lần thứ mười về đến đoạn nầy thì bị xe tông thẳng chết. Chẳng còn nhà, không còn đất, người dân chôn tạm xác bà bên đường.
Đêm nay thôi vậy đã tạm đủ. Đang thong thả đạp xích lô quay về hướng căn chòi rách, bỗng nghe hai bên đường như có tiếng quá nhiều oan hồn đang say khướt. Hình như giờ nầy họ đã về cả rồi, và đang lên tiếng nhắc nhở:
– Sáng bảnh rồi! Về ngủ đi cha nội! Giờ nầy ngoài đó làm gì còn khách!…

Chu Thụy Nguyên