Hồi thập niên 1940 – 1950 nước mình còn ăn Tết Tây, tôi nhớ năm nào cũng
vậy, Nội từ Sài Gòn lên Ban Mê Thuột thường xách theo chục xoài 12 trái và mấy
sấp bánh tráng phồng khoai, phồng sữa cho cả nhà ăn Tết. Có năm không có xoài
thì Nội mua cam, nho, hoặc chôm chôm tróc và vài hộp bơ Bretel chánh hiệu Pháp.
Còn Ba Má thì sắm cho hai anh em tôi quần áo mới, giày sandal mới, nón nỉ mới.
Buổi tối đi ngủ tuy nôn nao chờ trời mau sáng nhưng ở cái “tuổi thần tiên” vừa
chui vô mùng là tôi ngủ mất đất. Rạng sáng hôm sau, ngày đầu năm mới vừa bét
mắt ra hai anh em tôi đã hí hửng lên đồ mới keng, nhảy nhót khắp nhà như khỉ
rồi ba chân bốn cẳng ào ra đường chạy đi tìm những viên pháo chuột về để dành
đốt chơi.
– A! Nhà thằng Tèo đang đốt pháo! Chạy lẹ cu! Anh tôi vừa la vừa lôi
tôi chạy nháo nhào.
– Ê! Nhà ngoại con Mén đốt pháo, tụi bây ơi! Thằng Trúng con bác
Chín Râu, cái thằng âm binh cầm đầu đám lâu la, hô hào.
Phía rạp xi-nê Lô-Đô đang đốt pháo! Trước cổng trường tiểu học Nguyễn Công
Trứ cũng đốt pháo. Rồi dưới suối Đốc Học, trên chùa Khải Đoan, nhà thờ Chính
tòa không ngừng tiếng pháo. Pháo nổ chỗ này. Chỗ kia pháo nổ. Suốt buổi sáng
đầu năm đến xế trưa hầu như chỗ nào cũng nghe pháo nổ ì đùng điếc con ráy, chưa
kể pháo chà, pháo chuột nồ đì đẹt như con nít bị phong giựt giẫy nẩy trông rất
vui mắt, vui tai. Cứ thế, thấy chỗ nào, nhà nào đốt pháo là anh em tôi nhập bọn
với mấy đứa hàng xóm trạc tuổi hè nhau chạy tới. Mà sao tụi nó chạy lẹ quá
chừng. Cứ như ma rượt; đã vậy còn lanh như sóc.
Mở to cặp mắt háo hức đứng chờ tràng pháo dài sọc vừa dứt là mạnh đứa nào
đứa nầy lẹ làng nhào vô lấy chân giạt giạt, lấy tay khều khều tìm những viên
pháo chưa kịp nổ nằm lẫn trong đống xác pháo rách bươm còn bốc mùi khét nghẹt.
Vốn chậm lụt, lần nào tôi cũng trớt quớt. Có lần tôi mừng lượm được viên pháo
còn ngòi nguyên si chưa kịp bỏ túi thì bất thình lình pháo nhà ta nổ cho mầy
một phát tá hỏa tam tinh.
Hồn vía lên mây, mặt cắt không còn hột máu, tôi mếu máo khóc ôm ngón tay bị
tét, máu chảy… rì rào cắm đầu chạy về nhà… mét Má. Hihi.
Ôi, lúc đó tuổi thơ của chúng tôi vô tư la cà khắp xóm thấy mà thương.
Ăn Tết đâu được vài năm thì sau khi chính thể mới Việt Nam Cộng Hòa được
thành lập, Tổng thống Ngô Đình Diệm bãi bỏ “ăn” Tết Tây. Chao ôi, giữa những
năm tháng sống thật hồn nhiên, với cái tuổi trong veo chúng tôi có biết gì về
luật biến thiên của trời đất cũng như những biến cố chính trị của đất nước
mình.
Rồi thời gian chớp bể trôi đi. Theo đà chiến cuộc ngày một leo thang ác
liệt, lũ trẻ chúng tôi lớn lên như những con chim ra ràng, hầu hết đều đi vào
mặt trận. Những thằng bạn hàng xóm hay bạn học ngày xưa, mười thằng ôm súng ra
đi hết bảy thằng ngã xuống, trong đó có ông anh thuở ấu thời của tôi đã hy sinh
vào mùa hè 1972 ở Kontum. Trong chiến tranh có biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh
đã âm thầm hy sinh như vậy.
Ở đời có những cái nghĩ cũng ngộ. Từ ngày chính phủ Ngô Đình Diệm bỏ lệnh ăn
Tết Tây, lũ trẻ ngù ngờ cũng tỉnh khô. Không Tết Tây thì có Tết Ta, riết rồi
tôi tưởng tết Tây đã… chết từ đời tám hoánh. Ai dè khi tôi lưu lạc ra nước
ngoài từ năm 1980 nó vẫn… sống nhăn răng. Hồi nhỏ đầu óc ngây ngô cứ tưởng ở
Việt Nam mới có… Tết Tây. Khi lớn lên rồi mới biết Tết Tây còn gọi là Tết Dương
lịch là ngày lễ lớn đầu năm của nhiều dân tộc trên thế giới.
Nghe nói hiện nay ở bên nhà người Việt mình lại ăn Tết Tây như xưa. Tết Tây
(Bonne Année) hay Tết Dương lịch (Happy NewYear) lại được Việt hóa trở thành
nét đẹp văn hóa của ngày lễ truyền thống, khởi đầu một ngày năm mới tràn đầy
tin yêu, hy vọng, may mắn và hạnh phúc.
Phan Ni Tấn