![](https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2016/02/paperartist_2016-02-23_11-47-47.jpeg)
Nhà ga Kami-Shirataki, Nhật, sẽ đóng
cửa vào tháng Ba này, và mở ra một ký ức văn minh hết sức ấm áp cho nước Nhật
cũng như cho thế giới. Nhà ga nhỏ nằm ở thị trấn Engaru, thuộc vùng nông thôn
của Hokkaido, đã đột nhiên lừng danh từ 3 năm nay với việc duy trì phục vụ cho
một hành khách duy nhất, là một nữ sinh đi học hàng ngày.
Câu chuyện Cơ quan Đường sắt Nhật
Bản họp và quyết định duy trì hoạt động đầy thua lỗ này với mục đích là giúp
cho một nữ sinh không gặp khó khăn trên đường đến trường trở thành huyền thoại
trong thế giới hiện đại, vốn đang nghèo khó sự chia sẻ và lòng bác ái. Nhìn về
nhiều phía, nước Nhật quả là đầy huyền thoại, và con người ở đất nước này cũng
rất thông minh để biết cách tạo nên những huyền thoại lưu danh hậu thế.
Những câu chuyện như vậy trên trên
giới thật hiếm hoi. Một phần vì đức năng đủ để tạo nên truyền kỳ không dễ, một
phần khác là không phải những câu chuyện nào cũng được nhân gian biết đến.
Chuyện nhà ga Kami-Shirataki làm tôi nhớ đến người lái đò ở Cồn Sơn, Cần Thơ.
Vùng đất miền Tây lặng lẽ và hiền lành này nếu được ai đó viết lại, cũng là một
chuyện truyền kỳ đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống này.
Để đi đến vùng cây trái xanh tươi
cây trái Cồn Sơn, phải đi qua một con sông. Phương tiện duy nhất nối hai bờ là
chiếc đò của chị Bé. Người phụ nữ có nước da ngăm đen, dáng người cục mịch
nhưng khoẻ mạnh này mỗi ngày lái hàng chục chuyến đò miễn phí cho dân chúng ở
Cồn Sơn, từ 5g sáng cho đến 9 giờ tối. Rất nhiều chuyến, chị chỉ chở một học
sinh, thậm chí chỉ một con vịt được gửi qua bên kia bờ.
Chị Bé trên dưới 40 tuổi. Cũng không
ai biết nhiều về chị, dù chị nhẳn mặt mọi người. Học trò xuống đò ra phố trốn
học đi chơi, thế nào cũng bị chị gọi méc. Người đi làm công nhật bỏ bữa không
đi, chị đã lo hỏi có bệnh không. Công việc của chị gần gũi đến mức ít ai nhớ
người phụ nữ rất hay mắc cỡ, luôn im lặng này, đã tự mình dựng nên một con đò,
rồi sống một cuộc đời miệt mài với những chuyến đưa đò không cần lấy lại với
dân chúng. Từ năm chị Bé 15 tuổi, khi nhận ra qua con sông là chuyện khó của
nhiều người, chị gom góp của cải và âm thầm chọn cho mình cuộc đời đưa đò như
vậy.
Đêm hôm, nhà ai có sinh nở, chỉ cần
ở bên bờ ới chị một tiếng, đã nghe tiếng máy nổ xình xịch chạy tới. Chị Bé
không có ngày nghỉ, đến mức bệnh đang nằm liệt, nghe người gọi cần xuống đò,
chị cũng lồm cồm ngồi dậy làm công việc của mình không một tiếng cằn nhằn.
Tên thật của chị là Nguyễn Hoàng
Dịch Thuỷ. Cái tên đẹp và ý nghĩa như công việc ngày thường của chị. Ở Nhật,
người ta giữ lại một nhà ga cuối cho một học sinh. Ở Việt Nam, người phụ nữ vô
danh ở miền Tây xô vạt một con sông để chắt chiu một ngôi làng, 49 gia đình với
già trẻ lớn bé không họ hàng thân thích gì với chị cả.
Có lúc thắc mắc, tôi hỏi những người
chung quanh rằng rồi chị Bé sẽ sống bằng gì với sự cho đi thanh thản như vậy.
Người thì nói rằng chị có chỗ giữ xe cho dăm ba khách du lịch, một cái tiệm tạp
hoá con. Rồi mấy năm gần đây khi khách du lịch lác đác tìm đến, chị được chút
ít tiền đưa đò cho khách. Tiền kiếm được thêm, chị Bé lo chuyện bị phạt vì đưa
khách sang sông mà không có áp phao nên dồn mua đủ loại phao, áo… chất đầy trên
đò.
Tháng ba này nhà ga Kami-Shirataki
dự trù sẽ đóng cửa vì cô nữ sinh tốt nghiệp và vào đại học, sẽ ở lại trên thành
phố lớn. Còn con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây thì vẫn ngược xuôi, không hẹn ngày
nghỉ. Phật dạy rằng gánh nặng lớn nhất trong đời người là yêu thương. Người đàn
bà miền quê đó lặng lẽ mang hết những gánh nặng đó trong đời, với nụ cười chai
sạm hết sức hồn nhiên. Con đò như đời người, như một công án thiền mênh mông,
không màng lời giải.
Có những con người Việt Nam như vậy,
như Bồ Tát đời thường, vẫn sống, vẫn đứng giữa mọi người trong từng ngày
thường. Họ như những tia sáng le lói soi vào tim người, làm dịu đi những nan đề
của đời khiến nhân gian sôi sùng sục học cách đáp trả, học cách bắt lấy thật
nhanh danh lợi. Tiếc là họ luôn lẩn khuất trong cuộc sống đang vằn vện hào
quang ảo tưởng.
Trong bài “Hai người gian dối trong
cuộc chiến 1979” mà báo Petro Times đưa trong ngày 17/2, tác giả có nhắc về hai
nhân vật không có thật đã tung hoành trong trí tưởng tượng của nhiều thế hệ
Việt Nam là Lê Văn Tám và Nguyễn Văn Bé. Hai nhân vật được dựng lên với nhiều
chi tiết vô lý, thậm chí được đưa vào học thuộc lòng trong sách giáo khoa.
Phải chi câu chuyện thấm đẫm tình
người như nhà ga Kami-Shirataki hay con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây được thay vào
cho những nhân vật nói trên, biết đâu sự dữ dội giả tạo ấy trong sách giáo khoa
sẽ nhường chỗ cho lòng bác ái và tình thương, cho nhiều thế hệ về sau?
Tôi coi bản video ghi lại lễ hội
cướp phết ở làng Hiền Quan, Phú Thọ, bắc Việt Nam trong những ngày tháng Giêng,
đầy những cảnh tranh cướp đánh nhau kinh sợ, e còn hơn cả những cảnh trong bộ
phim giả tưởng Bụi Đời Chợ Lớn. Những cảnh chém heo lìa đôi oai phong lẫm liệt
đến rợn người. Người Việt thật sự chỉ được học sức mạnh của các anh hùng, bao
gồm cả những anh hùng bịa đặt? Người Việt chỉ được dạy khao khát sức mạnh như
bom và xăng. Một ngày nào đó, liệu chúng ta có còn cơ hội để học về những con
người bình thường – những con người không âm mưu danh lợi hay quyền thế, không
chà đạp nhau mà chỉ muốn cho đi với sự bao dung như một con đò vô danh?