Sang đây được 11 tháng tui đã trở thành một chuyên viên đi chợ, không thua
gì những bà nội trợ đã từng lớn lên và sống lâu năm trên hòn đảo lớn này. Tui
nói tui giỏi về mục đi chợ, đi búa, chứ không dám xưng hùng xưng bá về việc nấu
nướng, vì nấu nướng là nghề của chàng. Cho tui vô bếp, tui chỉ biết có xào, có
hấp. Rau xào thịt. Đậu hũ xào rau. Rau cải xào thịt bò. Cà rốt xào thịt gà. Gà
xào sả ớt. Thịt heo rừng xào không lăn (nghĩa là hầm cho tới khi nào gắp miếng
thịt lên mà thấy thịt đi đường thịt, da đi đường da thì biết chín qúa cỡ thợ
mộc rồi.) Được một cái là chàng cũng dễ ăn, cho nên nấu gì ăn nấy. Đôi khi hết
ý, tui kêu, “Chồng ơi, xuống làm ông Táo một bữa dùm em coi. Em hết muốn biết
nấu cái gì bữa nay rồi.” Thế là chàng của tui nhấc cái long thể hữu an, tạm
thời rời cái cồm-pu-tơ, đi xuống bếp.
Cái căn apartment này tụi tui thuê từ hồi tháng 3 tới giờ (chưa kể hai tháng
phải tạm dọn ra, vì chủ nhà lỡ hứa cho du khách khác mướn) nó nhỏ xíu. Từ phòng
ngủ đi xuống tới bếp chỉ tốn khoảng 8 bước chân dài của chàng, hoặc 15 bước
chân ngắn của tui. Chàng đi xuống tới nơi, dòm trên dòm dưới mấy cái ngăn để đồ
hộp, mở tủ lạnh, mở tủ đông rồi lôi ra nào rau, nào cheese, nào olive, nào cá
mòi, nào cà rốt, cần tây, hành tây, hằm bà lằng … rồi làm một, hai món với
nhiều mầu sắc như một bức tranh đẹp mắt. Tui dòm mà phục lăn. Sao mà giỏi qúa
vậy cà? Cũng nhiêu đó đồ hộp, đồ tươi, đồ đông lạnh, mà sao tui hết ý, không
biết nấu cái gì?
Trở lại việc đi mua thức ăn. Tui đã biết tìm nơi mua bánh mì, mua cá, mua
thịt, mua đồ dùng trong nhà … với gía phải chăng. Bánh mì thì tui ghé vô Love’s
Bakery. Tiệm bánh này không có liên quan gì tới tình yêu hay tình thù gì ráo.
Nó có cái tên lãng mạn như vậy là vì người đứng ra xây cái lò bánh mì này từ hồi
xửa hồi xưa mang cái họ Love, cho nên đã lấy họ của mình đặt tên cho cơ sở làm
ăn của mình. Tại Love’s Bakery, một ổ bánh mì được bán với gía trên dưới 3 mỹ
kim, trong khi Walmart hay TARGET có khi gần 7 đồng một ổ.
Vì hai đứa thích ăn cá cho nên tui hay ghé Suisan. Tui cám ơn mấy người chủ
tiệm đã đặt tên tiệm họ thiệt là dễ nhớ làm sao. Nơi thì kêu là Love’s, nơi thì
gọi là Suisan. Xui-xan nói ngược lại xan-xui. Xan-xui không có nghĩa gì nhưng
nó giúp tui nhớ tên cái tiệm chuyên về đồ biển này. Nơi đây, mỗi sáng, ngư phủ
mang vô những lứa cá tươi mới lưới được. Cá còn tươi mà gía cả thì rất là phải
chăng, cho nên bà con bản xứ và du khách hay tới đây mua cá nguyên con, hay cá
đã cắt đầu, cắt đuôi để bán cho những bà nội trợ giỏi như tui đây chẳng hạn. Nhắc
tới cá, tui nhớ hôm nọ chủ nhà làm tiệc cám ơn các bạn đã tới phụ dọn dẹp và
cho ý kiến làm đẹp căn nhà để ông ta xin vay tiền với phân lời nhẹ hơn. Hôm đó,
ngoài món heo rừng hầm khoai tây cà rốt và các món khai vị khác, Ken còn đãi
một con cá hồng bự bằng cái bắp đùi của một lực sĩ Sumo. Cá được hấp cấp tốc,
cho nên khi gần tới phần xương sống thì thịt còn hường hường. Ai nấy ngừng tại
chỗ, không dám xỉa tới nữa, khiến con cá mắc cở nằm im ru trên dĩa. Sau tiệc,
ông chủ nhà hỏi có ai muốn đem bộ xương cá về nấu xúp? Không ai tình nguyện,
tui giơ tay, “Để tui đem về nấu cháo!” Ông chủ nhà mừng qúa vì có người phụ dẹp
dùm cái bộ xương cá tổ chảng kồng kềnh. Ngày hôm sau, tui đổ nước ngập bộ xương
cá, hầm khoảng 20 phút rồi lấy thịt cá bỏ riêng. Sau đó cho một chén gạo lứt vô
nấu. Tui đưa cho ông chủ nhà 2/3 nồi cháo cá với gừng tươi. Ổng ăn không hết,
còn để dành đến ngày hôm sau mang đi làm. Ổng khen lấy khen để, nói là đang
thèm cháo mà được thưởng thức một tô cháo ngon qúa trời. Đúng là chó ngáp phải
ruồi. Tài nấu nướng của tui được xếp hạng bét dèm, mà được người khen thì lỗ
mũi nở bằng trái cà chua là chuyện hiển nhiên.
Trở lại chuyện đi chợ. Tui nhớ cái lần đầu khi đi chợ Farmer’s Market, cầm
một củ càrốt tui hỏi “Nhiêu tiền?” Bà bán hàng trả lời, “Một đô la”. Tưởng nghe
lộn, tui hỏi, “Bà nói một đồng cho một củ càrốt, hay là nguyên gói?” Bà ta
nghiêm mặt trả lời, “Một đồng một củ!” Trời đất! Tui bỏ củ càrốt xuống, lẹ như
là lỡ bốc trúng cục than hồng! Một đồng một củ càrốt? Tui lo ngại cho cái hầu bao
của chàng. Làm sao mà sống? Cũng may, sau đó tụi tui ghé qua TARGET mua đồ dùng
lặt vặt thì thấy có rau, qủa, trứng, thịt nguội, cheese, và có cả cà rốt nữa.
Nguyên một bao cà rốt chỉ có hơn một đồng. Có lẽ bà bán hàng tưởng tui là ma
mới?
Bây giờ xin nhắc tới những tiệm lớn ở phía Đông đảo Lớn. Tiệm “sang trọng”
nhứt bên này là Macy’s, kế đó là Sears, sau cùng là Ross. Trong các dịp lễ lớn,
người dân thường mua sắm tại Longs Drugs, Walmart, hay TARGET. Ai muốn đem cổ
mình cho thiên hạ chặt thẳng tay thì cứ tự tiện tới Macy’s. Hôm nọ, có một
người bạn cho một cái thẻ làm qùa cho nên tui mới ghé Macy’s. Nếu không có cái
thẻ này, tui ngu gì đem cổ tới đó cho họ chém!
Không biết tui có kể sơ là vì hai đứa rảnh rang, chưa có gì làm cho nên xin
tình nguyện tại một viện dưỡng lão. Người ta nhờ hai đứa tụi tui ghé tới bàn
các cụ còn tỉnh táo, chưa bị hoành hành bởi những căn bệnh quái ác, để nói
chuyện trên trời dưới đất với họ, hoặc giúp trang trí phòng ăn theo mùa, theo
tháng. Trong tháng 12, vào dịp Giáng Sinh, hai đứa tui đi vào quầy bán giấy gói
qùa Noël của Walmart để dọ gía. Thấy gía tiền cũng tương đương với vải, tui
nghĩ, “Tại sao không dùng vải? Vải dễ uốn, dễ xếp hơn giấy, mà lại có thể dùng
lại, sau khi qua ngày lễ.” Thế là tụi tui mua một khúc sọc xanh/trắng, một khúc
xanh/đốm trắng và một khúc xanh lá chuối/hoa bông Bụt (mầu chánh là xanh lá cây
và trắng) để trang hoàng Giáng Sinh bằng hình ba cây thông Noël. Mang về, chàng
lấy máy tính ra, cộng trừ nhân chia cho chính xác, cắt khúc nào, ráp khúc nào.
Không cẩn thận, (đặc biệt là khúc vải sọc) sọc sẽ chạy ngang như xương cá, chứ
không đâm xuống như cành thông.
Đi mua sắm vào buổi tối thì vắng người. Tụi tui học được kinh nghiệm này từ
chủ nhà. Ken thích đi mua sắm vào buổi tối là vậy. Ngoại trừ vài cặp tình nhân
hay du khách muốn thưởng thức khung cảnh tối trời của một vùng nhà quê tối om
với ít đèn đường, phần lớn dân bản xứ tránh đi ra ngoài đường hay đi mua sắm
sau khi mặt trời đã lặn. Khi trời đã tối mà lại vào mùa mưa thì ai nấy muốn rút
vô trong nhà cho rồi. Vừa tránh muỗi, vừa tránh mưa. Mưa bên này vào buổi tối
thì buồn não nuột. Buồn thúi gan thúi ruột. Hay nói như tía tui, “Buồn như chấu
cắn.”
Tối nọ, chủ nhà rủ hai đứa xuống phố để tới Home Depot mua vật liệu về quây
hàng rào. Home Depot bên này cũng không khác gì bên Cali, tuy rằng gía cả mắc
hơn phần nào, vì mọi sự phải “bay” sang từ đất liền, hay đi tầu thủy qua. Tui
chợt nghĩ một ngày nào đó tầu hay máy bay đình công không chịu vượt sóng hay
mây ngàn thì dân chúng sẽ ra sao?
Lý do phải dựng hàng rào là vì mảnh vườn xanh um của ổng lâu lâu lại bị họ
hàng nhà heo đến quấy phá. Sau hơn bốn cái cuối tuần ông ta và chàng của tui
mới dựng xong. Chung quanh căn nhà giờ đã được bao vây bởi hàng rào lưới sắt
không kẽm gai nhưng có gài điện. Ngoài việc ngăn cản heo rừng xâm nhập, hàng
rào có điện còn kiêm thêm chuyện ngăn bò đi lạc. Đúng là một công đôi chuyện,
một hòn đá liệng bể đầu hai con chim, hay nói theo người Tầu, một mũi tên hạ
thủ hai con kên kên! Từ khi dọn tới đây tới giờ tụi tui chứng kiến hai lần cái
mảnh vườn xanh tươi ngày hôm trước đã biến thành một đống cỏ xanh xen lẫn với
đất đỏ, vì bị đám heo rừng dùng mõm xới tung lên để kiếm củ gì mà hiện giờ tui
vẫn chưa rõ. Chỉ trong một đêm mà nguyên mảng cỏ xanh đã “trơ gan cùng tuế
nguyệt”! Ken giận lắm. Vì những con heo rừng không sợ đạn này mà Ken phải tốn
của, tốn công để giăng hàng rào. Hàng rào dựng xong. Chủ nhà hả hê. Chỉ tội
nghiệp hai con chó. Không biết giây điện đã làm tởn mật con cháu họ Trư hay con
vật có dạ dày bốn ngăn nào chưa, mà cứ vài ngày tui lại nghe hai con chó kêu
ăng ẳng, chạy như ma đuổi, từ trên đỉnh đồi, vừa liếm lấy liếm để cái phần thân
thể bị chạm điện.
Đó là chuyện mua sắm của tui bên phía Đông của cái đảo rộng 4028 mẫu vuông
này. Vì không hay mua bán gì ngoài đồ dùng, thức ăn, tui không thắc mắc gì khi
một người bạn hỏi là khi cần, tui sẽ đi đâu mua sắm tại cái đảo “nhà quê” này?
Tuy nhiên, sau mấy ngày đi kiếm lõ mắt áo, giầy cho đám cưới của mình vào thứ
Tư vừa rồi, tui mới thấy người bạn thiệt là trông xa thấy rộng.
ktth