Sáng. Từng bụm sương mờ giăng ngang phố phường. Lão Khúng dậy sớm như một
thói quen bất di bất dịch. Lão soạn sửa đồ cho công việc ngày mới. Tiếng lọc
cọc làm Huấn thức giấc. Gã càm ràm:
– Đúng là ông già trái xoáy. Lạnh chết mẹ mà cứ mò dậy sớm làm gì không
biết. Làm người ta mất cả giấc mơ đẹp.
Lão Khúng lắc đầu cười chua chát. Lão dừng tay, chậm chạp bước lại chiếc bàn,
ngồi xuống lặng lẽ vo viên thuốc lào, nhét vào nỏ, châm lửa rít một hơi, phả
khói, tâm hồn lão theo khói thuốc phiêu diêu.
Ngửi thấy mùi thuốc lào Liên, vợ Huấn nhằn giọng:
– Trời đất ơi, chưa banh mắt đã thuốc với chả thiếc, bộ hút thuốc thay cơm
đấy à?
Buông điếu lão Khúng ngồi thẫn thờ nhìn vào bóng tối. Tiếng con thạch sùng dứt
lưỡi trong góc tường khiến tâm hồn lão chạnh buồn. Vợ chồng Huấn đã quay về với
giấc ngủ dang dở. Lão Khúng bước lại mở cửa. Gió sớm thốc vào nhà, lão run lên.
Con chó, tên Đen, quẩn quanh chân lão i ỉ kêu, có vẻ nó cũng sợ vợ chồng nhà
Huấn nên không dám phát ra âm thanh lớn, mà chỉ rức rức trong cuống họng.
– Mày lạnh hả. Vậy để tao đóng cửa lại. Lão nói với con chó.
Con chó ngoáy đuôi tỏ ý đồng tình.
Trời sáng dần thêm. Lão Khúng ngồi chống tay lên cằm thiu thiu ngủ quên… Lão
mơ. Một giấc mơ đầy máu…Lão thấy lão và đồng đội lọt vào ổ phục kích của địch,
bị chúng giã đạn liên hồi, đồng đội lão lần lượt ngã xuống, đứa bị bắn vỡ sọ,
đứa bị tiện ngang lưng, đứa thì nát bét thành một đống bầy nhầy. Lão may mắn
chui tọt xuống hào ẩn nấp. thoát chết. Hãi quá, lão đái ra cả quần. Nằm nín
thở.
Giải phóng, lão về, mang trên vai quân hàm đại tá. Rồi được bầu làm trưởng
ban tuyên huấn thành phố…
…
Liên dắt xe ra tới đường còn quay lại dặn bố chồng.
– Trưa nay vợ chồng con không về đâu nhé. Ông tự nấu cơm mà ăn. Ba lạng ba
chỉ con để trong tủ lạnh ấy, ông nấu một nửa thôi, kẻo ăn không hết nó phí.
Thức ăn bây giờ không nên để qua bữa nó độc hai, ti vi đài báo người ta khuyến
cáo đầy ra đó
.
– Tôi biết rồi, chị yên tâm. Lão Khúng vừa xoa đầu con chó vừa nói.
Liên nổ máy. Lão Khúng nhìn theo con dâu thở dài, bảo con chó:
– Đời người nó bạc vậy đấy Đen ạ.
Con chó ngẩng nhìn lão ư ử. Lão rót cốc nước chè nhấp một ngụm, mắt mơ màng
nhìn ra ngoài đường, phố sớm trầy trật tiếng người xe qua lại.
– Thôi tôi đi làm đây, bố ở nhà canh nhà cẩn thận đấy. Dạo này bọn trộm cắp
như rươi.
Lão Khúng giật mình quay lại. Đáp vội lời thằng con trai:
– Tao biết rồi, vợ chồng chúng bay cứ làm như tao còn trẻ con lắm.
Huấn cười nửa miệng:
– Vâng, tôi xin lỗi bố.
Dứt lời gã cho xe nổ máy, rú ga, để lại sau lưng làn khói nhờ nhờ phả thẳng
vào mặt ông bố.
…
Mùng tám tháng ba. Liên sắm cái váy mới. Bữa cơm Liên mặc ra khoe chồng.
Xoay một vòng, Liên chớp chớp mắt, cong eo hỏi Huấn:
– Thấy sao ông xã, tự hào về độ tinh vi chọn đồ của vợ chưa hả?
Huấn gắp miếng dồi lợn cho vào miệng nhồm nhoàm nhai.
– Có mà tinh tinh chứ tinh vi nước mẹ gì.
Liên vùng vằng :
– Cha bố nhà anh. Chả trách thiên hạ bảo “gái khôn lấy chồng cục cằn như quả
bưởi đào rớt xuống hố phân tươi”. Đứa nào dạy anh ăn nói với vợ thiếu văn hóa
vậy hả?
Huấn cười giả lả:
– Kìa chưa gì đã giận là sao nhỉ. Vợ chồng mới đùa tý gì nóng nảy thế bà xã.
Mà tôi dặn mình rồi, ăn nói cũng nên lựa lời chút chứ không lại động đến lòng
tự trọng của ai đó. Chí ít gì người ta cũng là cán bộ cấp cao về hưu.
Liên hắng giọng:
– Chết thật cái tính tôi suồng sã xưa nay, mồm cứ oang oang vậy chứ tâm tôi
sáng lắm. Nhưng thôi từ nay chắc tôi phải chấn chỉnh lại văn hóa cho cái mồm
không thôi thiên hạ lại dị nghị nhà này có đứa con dâu lăng loàn.
…
Lão Khúng vừa trộn cơm cho chó vừa lẩm bẩm nói:
– Ăn đi, ngoan nào. Chiều nay ông dẫn mày đi sắm đồ thân súc vật chúng mày
sống có tình mà lại bị con người đối đãi chả ra gì. Chí ít mày cũng là giống
cái mà, con người có ngày mùng tám tháng ba thì mày cũng có chứ nhỉ.
Liên đang và cơm vội buông bát nói, giọng khó chịu:
– Đấy anh thấy chưa,có ai khổ như cái thân tôi không cơ chứ. Đầu tắt mặt tôi
lo cho cái gia đình nhà chồng khổ như con chó con gà vậy mà còn bị chửi xéo.
Người ngoài không biết nhiều khi cứ bắc nồi hông nghe hơi lại thối mồm đồn thổi
là tôi không phải đạo với bố chồng.
Lão Khúng phân bua:
– Kìa chị Liên, chị hiểu nhầm tôi rồi. Nào tôi có chửi xéo gì chị đâu. Đó là
tôi cảm thương cho kiếp con Đen tôi an ủi nó vậy mà.
Huấn đập mạnh bát xuống bàn, gắt:
– Hai người có im đi không hả. Ngày nào cũng như chó với mèo, nhịn nhau một
chút có gầy bớt đi không?
Liên chưa chịu thôi, nghiến giọng:
– Mang tiếng là Thiếu tướng về hưu mà có giúp đỡ được gì cho con cháu đâu,
đến cái giấy cho cháu vào trường đại học cũng phải “xì tiền ra mới thông”.
…
Lão Khúng gượng đứng dậy, bước ra ngoài. Mùa đông phố ngập xác lá. Con Đen
bỏ dở bát cơm chạy theo lão. Tiếng Huấn vang lên chát chúa phía sau:
– Gìa rồi mà còn ứng xử như quân nít, chả biết ngày xưa trong quân đôi ông
được người ta đào tạo kiểu gì. Rõ đồ ăn hại.
Liên cười hô hố:
– Đấy, đấy từ ngày lấy anh về hôm nay nghe được câu này chuẩn không cần
chỉnh.
…
Huấn nằm trên giường, mở điện thoại xem chương trình hài. Liên ngồi soạn
bài, tiếng cười của Huấn khiến Liên mất tập trung, Liên cáu:
– Anh có tắt ngay cái điện thoại đi cho người ta làm việc không hả?
Huấn trở mình ngáp dài một cái hỏi:
– Đằng ấy hôm nay soạn bài gì đấy, khuya rồi đi ngủ nào?!
Liên cười:
– Đồ nỡm, còn sung lắm đấy phỏng. Mai có bài giảng về đạo làm con, anh ngủ
trước đi em soạn xong rồi ngủ sau.
Huấn tắt điện thoại, vùng ngồi dậy, bước lại chỗ Liên.Đặt tay lên vai vợ dịu
dàng:
– Vất vả cho bà xã quá. Công việc trồng người thật đúng là “vượt qua trăm
cay ngàn đắng” nhỉ?
Liên cười:
– Phỡn ạ. Bày đặt ăn nói lang lớp gớm chưa kìa.
Tiếng radio trong phòng lão Khúng đang phát chương trình dân ca và nhạc cổ
truyền, gọi là phòng chứ thực chất là lão được Huấn và Liên cho ở dưới gầm cầu
thang. Bài xẩm phụ mẫu tình thâm khiến Liên chối hết cả người, Liên xì mũi bảo
Huấn:
– Thật em không hiểu nổi ông già nhà anh, ngày xưa chả biết vì sao ông đi
đánh giặc được nhỉ? Thời đại này là thời đại nào mà còn nghe ba cái thứ nhạc
“cổ lỗ xỉ” ấy cơ chứ.
Huấn bóp nhẹ vai vợ:
– Em chấp ông làm gì cho mệt, lớp người nguyên thủy như ông giờ hiếm lắm,
xem như nhà mình có món đồ cổ đi. Nhưng, Huấn thở dài, món đồ cổ này chả đáng
giá gì sất, ôm đồm thêm mệt.
Liên sắp giáo án. Gạt tay Huấn giả càu nhàu:
– Bỏ cái tay bẩn thỉu của anh ra cho tôi đi rửa ráy. Buồn ngủ quá rồi. Anh
ra bảo ông già tắt cái đài cho tôi nhờ cái.
Huấn cười hề hề:
– Tuân lệnh phu nhân.
Liên từ nhà tắm đi ra với bộ đồ ngủ màu hoa cải. Tiếng radio bên ngoài đã im
bặt. Đêm sâu. Không gian chìm trong thinh lặng. Huấn chưa ngủ, gã đang nằm nhìn
lên trần phòng, mơ mang suy nghĩ.
– Hôm nay lại bày đặt thao thức gì đó ông xã. Liên ngả xuống giường kê đầu
lên ngực chồng. Huấn uể oải nói:
– Ngẫm ra cái kiếp người cũng chả sung sướng gì. Mà cái thân ăn cơm nhà vác
tù và hàng tổng như tôi lại càng khốn nạn.
Liên cười rúc rích:
– Đúng là hôm nay đằng ấy bị ấm đầu thiệt rồi. Bao nhiêu kẻ thèm cái ghế
trưởng ban kế hoạch của ông nhỏ dãi lòng thòng mà chả được kia kìa. Sa vào hố
vàng còn bày đặt than nghèo kể khổ.
Huấn quay qua hôn chụt lên trán vợ:
– Thì đôi lúc cũng phải diễn kịch cho đời nó xem chứ.Thôi đi ngủ. Mai còn
lấy sức mà tranh đấu với thiên hạ chứ.ha ha !!
…
Chờ cho điện trong phòng hai vợ chồng tắt lão Khúng lọ mọ mò dậy. Lão ngồi
trong bóng tối. Đêm ngập chìm nỗi bơ vơ. Lão ho khẽ. Con Đen nghe tiếng, chạy
lại dúi mõm vào chân lão làm nũng.
Mặt lão giần giật. Nước mắt lão ứa ra. Hòa vào mùi đêm…
…
Mang danh tướng về hưu lại sống trong gia đình có con trai làm trong cơ quan
nhà nước, đến chức trưởng phòng kế hoạch, con dâu là giảng viên khoa tâm lý của
một trường đại học, ai cũng nghĩ lão Khúng sung sướng nhất đời. Nào ai biết đâu
phía sau sự sa hoa là “hố bùn tanh tưởi”.
Dựa trên sự hy sinh của đồng đội lão mới được người ta trao cho vị trí “tối
ưu” trong quân đội. Hai mươi năm múa mép lòe đời ngày lão về hưu lòng buồn vui
lẫn lộn. Như con cá sống trong bùn được giải phóng ra sông nhờ trận mưa lớn,
lão cứ ngỡ sẽ có những ngày tháng an nhàn nhưng như người ta nói, trời vốn công
bằng, gieo nhân nào gặt quả ấy. Lão mua danh bằng xương máu đồng đội thì rốt
cuộc lão cũng phải trả giá. Mà kẻ bắt lão trả giá lại chính là thằng con trai
của lão.
Từ khi Huấn lấy vợ, mọi sự trong nhà lão Khúng hoàn toàn bị đảo loạn. Trước
đây vắng bàn tay người phụ nữ, hai cha con sống dựa vào nhau tuy có cô đơn
nhưng tình cảm luôn đằm thắm chân thành. Liên xuất hiện, tính tình Huấn thay
đổi 180 độ. Gã xem cha đẻ chả ra gì.
Thời gian đầu Liên còn đóng kịch ‘dâu hiền vợ thảo” nhưng từ lúc lão Khúng
về hưu, thì Liên bắt đầu bộc lộ rõ bản chất người đàn bà” ma quỷ”. Ả xui Huấn
lừa bố chuyển nhượng quyền hưởng nhận lãnh chế độ lương hưu. Nghĩ mình đã già
trước sau gì cũng chết, thôi thì để con cháu nó nhận, mình lại đang sống dựa
vào sự chăm sóc của chúng nên lão cũng chả đắn đo suy nghĩ gì, làm giấy ủy
quyền cho Huấn.
Chuỗi ngày sống không bằng một con vật của lão mở màn. Vở bi hài kịch của
cuộc đời vị tướng hết thời diễn ra phía sau bức màn của thói đòi đeo mặt nạ.
Huấn có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con gái học đại học Ngoại Thương
trong sài gòn. Đứa con trai học đại học luật ngoài Hà Nội. Sớm nhiễm thói sống
của cha mẹ chúng đối xử với ông nội chả khác gì cha mẹ chúng… Nhiều lúc cám
cảnh lão Khúng chỉ muốn tìm đến cái chết, nhưng lão ngẫm nghĩ lại, tự nhủ:
“gượng sống trả cho hết nợ đời”.
…
Hôm nay chủ nhật. Vợ chồng Huấn đi dự hội nghị gia đình văn hóa cấp thành
phố.
– Chiều tối vợ chồng tôi mới về. Bố ở nhà nếu không tự nấu ăn được thì
chạy sang quán bà Nhân mua tạm gói mỳ tôm mà ăn. Huấn dặn.
Liên bồi thêm:
– Lẽ ra con sẽ dặn người ta đem phở đến cho bố nhưng dạo này phở lên giá,
hơn nữa nghe thông tin truyền thông bây giờ thiên hạ nấu phở toàn hóa chất, ăn
nhiều chỉ tổ ủ bệnh chết lúc nào không hay.
Lão Khúng, nuốt nước mắt, cúi đầu nói:
– Thôi vợ chồng anh chị đi sớm kẻo người ta chờ. Tôi tự lo cho cái thân tôi
được mà.
…
Mùa xuân. Cây cối bắt đầu ra lộc. Những hàng cây hai bên đường màu lá xanh
non. Nắng sớm chênh chếch chiếu qua mái tôn rỏ từng giọt lốm đồm xuống chỗ lão
Khúng ngồi. Về hưu không có gì làm lão mua ít đồ nghề sữa chữa xe đạp, giúp đỡ
những người cơ nhỡ qua đường và bà con lối phố. Chưa bao giờ lão chìa tay lấy
tiền công của bất kỳ ai. Với lão vá cái xăm, bơm cái lốp cho những cô cậu học
trò, nhưng chị em thu mua đồng nát…là một niềm hạnh phúc.
Có lần trong bữa cơm Liên hỏi mát bố chồng:
– Xem ra bố cũng thích làm người nổi tiếng nhỉ?
Lão Khúng dừng đũa hỏi:
– Ý chị là sao? Tôi chưa hiểu.
– Thì đấy, bố chữa xe không công cho thiên hạ chả mấy chốc cơ quan truyền
thông người ta lại chả cử người tới quay chương trình gương người tốt việc tốt
ấy hả. Nhà này rồi nổi danh cả nước.
Lão Khúng nhai hạt cơm mà như nhai nắm sạn. Nén tủi lão bảo:
– Thì nhà này có đến nỗi thiếu ăn đâu. Tôi già rồi chả biết làm gì làm chút
việc giúp đời mua vui cho những tháng năm gần đất xa trời vậy mà.
Huấn chen vào câu chuyện:
– Thôi kệ ông ấy, mình quan tâm làm gì. Cái máu quân nhân ăn vào tâm khảm
ông ấy rồi. Không lo chuyện bao đồng không xong. Đúng là thân lừa ưa nặng.
…Sau hôm đó vợ chồng Huấn không lần nào đếm xỉa tới chuyện của lão nữa.
Nhưng thái độ của Liên càng ngày càng ‘giảm sút thiện cảm ‘’ với lão.
Đi thì chớ về đến nhà hễ thấy mặt lão Liên lại nói bóng nói gió…Những lần như
vậy lão chỉ còn biết dắt con Đen bước ra khỏi nhà, lang thang ngoài phố. Lão
thấy đời lão chả khác gì tên hành khất….
…
Trưa. Khu phố vắng và lợn cợn buồn. Hôm nay học sinh nghỉ học. Cửa hàng sửa
xe của lão Khúng ế ẩm. Không còn tiếng cười đùa rôm rả lúc tan trường cửa bọn
nhỏ tự nhiên lão thấy cô đơn quá. Thi thoảng tiếng rao của mấy bà đồng nát vang
lên rồi chìm vào tĩnh lặng. Con Đen nằm dưới chân lão thiu thiu. Đầu xuân, gió
mát. Trưa nay lão chả thiết ăn gì, bụng lão cũng không thấy đói, lúc nãy lão
vào bếp lục lọi còn sót cái đầu cá kho và chút cơm nguội lão đã cho con chó ăn.
Lão có thể để mình đói nhưng nhất quyết không bao giờ để con Đen đói. Cái giống
chó nó cũng như con người, nếu gần gũi chúng mới hiểu được nỗi niềm của chúng.
Chúng cũng biết buồn vui, cũng biết giận hờn, than oán. Mỗi khi bị vợ chồng
Liên chửi bới, bỏ đói con chó thường bỏ đi ra ngoài tới tận chiều mới về. Về
đến nhà nó cũng chỉ quanh quẩn bên ngoài, chờ cho vợ chồng Liên đi ngủ nó mới
gãi cửa để lão mở cho nó vào. Mấy hôm liền nó chả thèm nhìn mặt vợ chồng Liên,
hễ thấy mặt một trong hai người y như rằng nó lủi vào gầm giường lão nằm im
re…Có lần Liên điên tiết chửi:
– Tiên sư bố mày, chủ nào tớ ấy cho ăn cho uống béo phỡn mỡ ra mà còn mất
dạy, mới nện cho mấy đòn mà đòi trở mặt với bà à, đồ súc sinh.
Lão Khúng biết là Liên nhân cơ hội chửi xéo chửi xiên mình nhưng lão chả
thèm chấp. Nín nhịn lâu ngày cũng thành thói quen.
Ngồi suy nghĩ miên man lão dần chìm vào giấc ngủ chập chờn. Những hình ảnh nơi
chiến trường ác liệt năm nào lại hiện về trong tâm trí lão. Những đêm băng rừng
vượt suối, những ngày cơm độn măng, canh lá rừng, đêm đêm ngủ vật ngủ vờ, muỗi
vắt còn nào con nấy to bự hành hạ thân xác, khổ trăm đường ngàn nỗi nhưng vui
và hạnh phúc vì cảm thấy mình đã và đang hy sinh vì tự do của nhân dân, độc lập
của dân tộc.
Lão nhớ như in khuôn mặt ngây thơ của thằng Diên, nó là người Quảng Trị,
mười tám tuổi vừa thi xong đại học nó phải bỏ dở, rời cô người yêu xinh xắn
tòng quân. Nhiều khi nằm bên nghe nó tâm sự mà lão mũi cả tâm can. Hai anh em
ôm nhau khóc trong âm thầm vì sợ bị người ta bảo là mềm yếu không có ý chí
chiến đấu.
Lão nhớ những chiều mưa dầm ngồi quay quần trong lán, thằng Bảo say sưa hát
những ca khúc “nhạc lính của Việt Nam Cộng Hòa”, loại nhạc mà phía mình gọi là
nhạc phản động, nhưng quả thật khi nghe Bảo hát anh em đứa nào cũng xúc động,
nhớ nhà nhớ cha mẹ …da diết. Có đứa không chịu được cắn chặt hai hàm răng bật
cả máu.
Lão nhớ thằng Lượng người Hà Nội, hễ mở miệng là kể về Hồ Gươm Tháp Rùa và
những đêm đưa người yêu đi hóng gió trên cầu Long Biên. Tình cảm hai đứa đang
nồng nàn như đôi chim uyên ương vì tiếng gọi quê hương nó đành gạt lệ chia tay.
Hôm tiễn đưa nàng Kiều của nó ôm nó khóc vùi như mưa bấc, nức nở bảo sẽ chờ nó
dù thời gian trôi qua bao lâu và bất cứ chuyện gì xảy ra. Ấy thế rồi mà, cuối
năm đó Lượng nhận được tin người yêu đi lấy chồng. Đau đớn, tủi nhục nó tức
cảnh sinh tình trở thành nhà thơ bất đắc dĩ của đơn vị.
Lão nhớ thằng Bình người Huế, nó ít tuổi nhất, mới bước qua tuổi mười bảy,
hừng hực sinh khí. Đêm nào nó cũng chờ cho mọi người ngủ say rồi len lén bỏ ra
ngoài tìm đến bên bờ suối “tự hành” cho xả hết nhục cảm của cơ thể. Một đêm nọ
giật mình trở dậy nhìn quanh không thấy Bình, Quảng (Tên thật của lão Khúng)
hốt hoảng đánh thức đồng đội dậy, mấy đứa quên cả mặc thêm áo để nguyên áo cộc
quần đùi tá hỏa lao đi tìm. Từ xa đã nhìn thấy Bình đang ưỡn õe thân hình, mấy
đứa vội đi chậm lại, rón rén tiến lại gần. Khi thấy vừa phát hiện bí mật của
Bình đứa nào đứa nấy khua tay múa chân ra hiệu bảo nhau, chuồn êm. Từ đó trong
đơn vị thằng Bình có biệt danh là “Bình Bán Sữa”.
Mười hai đứa mười hai hoàn cảnh, mỗi đứa một quê nhưng thân thiết và gắn bó
như chân tay, thề cùng nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.Đứa nào cũng hứa
với nhau ngày hòa bình lập lại sẽ dành thời gian về thăm quê của tất cả mười
hai anh em. Nhưng cuối cùng, trong buổi chiều định mệnh ấy, mười một đứa đã
vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn, chỉ còn mỗi mình Quảng sống sót, ngậm ngùi vùi
xác đồng đội dưới lớp đất còn đẫm máu, không quan tài, không chiếu bó.
Mấy mươi năm đã qua, sự đau thương mất mát của chiến tranh đã phai nhào
trong hồi ức của những người lính nhưng trong đáy tâm hồn Quảng vẫn hoài day
dứt. Quảng luôn nghĩ năm xưa mình là kẻ hèn yếu sợ chết. Và Quảng càng bị dày
vò trăm ngàn lần khi mà mình được vinh danh trên máu xương đồng đội…
…
– Oẳng oẳng. Con Đen cắn gấu quần lão Khúng đánh thức lão. Lão Khúng giật
mình tỉnh giấc. Có người vào vá xăm…
– Bác vá giùm tôi cái xăm. Khách nói. Đang đi nửa đường cha tổ đứa nào rải
đinh đâm thủng lốp.
– Thời đại này loạn lên hết anh ạ. Lão Khúng vừa nảy lốp vừa nói. Người ta
không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm tiền.
Khách rót cốc nước chè uống một ngụm, khà một tiếng, chép miệng tiếp:
– Nước chè xanh bác om ngon đáo để. Hazz nói gì cho hết sự tha hóa của xã
hội hiện đại bác ơi. Đến cha mẹ người ta còn chả coi ra gì nói chi thiên hạ hả
bác, miễn sao có tiền thì thủ đoạn nào người ta cũng dùng hết.
Câu nói vô tình của khách như ngàn mũi kim đâm vào tâm huyệt lão Khúng, tay
lão rung lên từng chập. Khách vội vã hỏi:
– Bác bị gì đấy. Thôi để tôi làm giúp cho.
Lão lắc đầu gượng cười:
– Không sao đâu, sắp xong rồi.
Xe vá xong khách rút tiền trả. Lão Khúng xua tay bảo:
– Tôi không lấy tiền đâu. Anh cứ giữ lấy.
Khách tròn mặt ngạc nhiên:
– Ô hay bác này, hàng vá xăm mà không lấy tiền thì bác mở làm gì? Rồi cứ
miễn phí thì lấy gì mà tiêu pha chứ.
Lão uống hớp nước cười vui vẻ :
– Tôi già rồi làm chút việc cho khuây khỏa thôi, chứ cơm nước ăn ở con cái
nó lo cho chu đáo rồi, có tiêu pha gì đâu. Thôi chúc anh buổi chiều nhiều
niềm vui nhé. Anh đi công việc đi kẻo trễ.
– Vâng cảm ơn bác. Cuộc sống của bác an nhàn quá.Tuổi già được con cháu thơm
thảo cũng an lòng phải không bác.Thôi chào bác nhé. Khách cầm tay lão cảm ơn
rối rít rồi quay xe.
Lão khúng nhìn theo khách, ánh mắt dâng ngập sắc chiều tê tái. Có lẽ nào
sống cuộc sống như lão là cuộc sống của kiếp người đúng nghĩa chăng?.Nắng nhạt
nhanh. Từng sợi gió khẽ vờn qua mái phố. Chiều loang dần cảm giác mênh mông rợn
ngợp rồi tan biến dần trong tiếng người xe ồn ã… Lão Khúng bảo con Đen:
– Ngày tàn rồi cô nàng ơi. Chúng ta đọn đồ nghề nào…
Con Đen vẫy đuôi chạy theo chiếc bao nilon trên vỉa hè, kêu lên từng tiếng
bình thản giữa buổi chiều xuân…
…
Lão Khúng ốm. Ba ngày nay lão nằm một chỗ. Sáng trước khi đi làm Liên pha
bát mỳ tôm đặt đầu giường dặn bố chồng:
– Đấy con pha sẵn cho ông rồi nhé. Ông gắng dậy mà ăn đi khỏi phí của.
Huấn hình như có chút mủi lòng bảo Liên:
– Kìa mình, dù gì người ta cũng đang ốm mà, sao nỡ bắt ăn mỳ tôm. Thôi để
tôi ghé quán Mụ Tuất mua cho ông già bát phở.
Liên cau có:
– Phở với chả phiếc, tôi nói rồi anh chưa hiểu hả. Dạ dày bố bây giờ yếu rồi
ăn mỳ tôm cho nó dễ tiêu, ăn phở có thịt thiếc không tiêu hóa được lại sinh
bệnh, nhà mình toàn người của công việc nhà nước lấy đâu người phục dịch.
Huấn gật đầu:
– Ừ nhỉ, đằng ấy đúng là suy nghĩ chu đáo hơn tôi. Thế để tôi đi mua hẳn
thùng mỳ tôm về cho ông ăn dần vậy.
Lão Khúng vừa thở dốc vừa nói:
– Thôi tôi lạy các người, cứ để mặc tôi, không cần phải ăn nói kiểu móc họng
tôi như thế. Tôi biết tôi già rồi thành kẻ vô dụng trong cái nhà này, nhiều khi
tôi cũng muốn chết quách đi cho rảnh nhưng cái thân tôi chưa trả hết nợ đời nên
trời còn bắt phải sống lay lắt thế này đây.
Liên lớn giọng:
– Ô hay, bố nói thế mà nói được đấy à. Trời cao đất dày ơi, bao nhiêu năm
làm dâu trong cái nhà này thử hỏi đã bao giờ tôi đối xử tệ với bố dù chỉ một
lần hay chưa hả. Bố nói thế người ngoài nghe được người ta lại chửi vào cái mặt
tôi là không biết bổn phận dâu con.
Huấn vừa dắt xe ra vừa nói:
– Bố con nhà các người ở đó mà múa mép khua môi nhé. Tôi đi làm đây. Đạo với
chả đức cái nước mẹ gì, không chịu nai lưng hộc mật mà kiếm tiền rồi thì cứt
cũng chả có mà bỏ vào mồm…
Dứt lời Huấn đã ra đến ngoài đường, nổ ga… Liên nguýt lão Khúng:
– Thôi tôi chả thèm đôi co với ông làm gì cho mệt xác. Mỳ tôm đấy ăn hay
không tùy.
Oẳng. Sẵn cơn tức khí Liên đạp cho con chó một phát, chửi:
– Tiên sư mày chết đi cho rảnh.
Con Đen tự dưng bị vả lây riu ríu lủi vào gầm giường nằm nín thở.
Căn nhà chìm vào u tịch. Lão Khúng nằm giữa muôn ngàn nhục tủi. Lão khóc.
Đến cái nước này thì lão không còn kìm chế nổi. Lão thấy lòng đắng chát, trái
tim như có ai mang muối xát vào…
Lão nghĩ đến chuyện rời bỏ căn nhà này. Nơi đây từ lâu đã không còn tình
người nữa. Đồng tiền đã làm tha hóa tâm hồn con người gieo rắc vào trái tim lũ
con cháu lão mầm mống của sự “bội bạc”.
Bao năm nay từ khi về hưu chưa một ngày lão cảm nhận được sự sống đúng nghĩa
của một con người. Nhưng lão không dám nửa lời hờn oán cháu con, lão chỉ nghĩ
đấy là quả báo cho những hành vi sai trái của lão thời “đất nước gian lao”, lão
đáng bị như vậy để trả món nợ máu xương cho đồng đội, nhưng mấy ngày nay ốm nằm
một chỗ suy nghĩ của lão lại có chiều hướng thay đổi. Chim sắp chết thường hót
lời hay, người sắp chết ý nghĩ thường thấu đáo. Lão cảm nhận thấy hình như thần
chết đang chực chờ gọi lão lên đường, lão nghĩ đã đến lúc trả xong nợ nần
nhân thế, chẳng còn gì để mà lưu luyến nữa. Nhưng trước khi ra đi lão muốn nhắn
nhủ một số điều cho hai đứa cháu của lão, lão không muốn chúng nhìn vào tấm
gương u ám của cha mẹ chúng, lão sợ sau này chính Liên và Huấn cũng sẽ bị con
đối xử như vợ chồng chúng đã đối xử với lão.
Đây là lần đầu tiên lão Khúng vào phòng của cháu, từ khi hai đứa đi học
phòng để không, thi thoảng Liên mới quét dọn, còn thì suốt ngày đóng chặt cửa.
Mày mò mãi mới mở được cửa phòng đứa cháu trai, lão Khúng mệt mỏi lê đến bàn
học của nó, ngồi phệch xuống ghế thở lấy thở để. Nắng xuyên qua khung cửa sổ
rọi vào phòng gợi lên một cảm giác quạnh quẽ. Lão run run cầm bút viết những
lời tâm sự vào cuốn sổ…
Nước mắt như những giọt máu nhỏ xuống trang giấy…
Lão Khúng đang mơ màng trong giấc ngủ bỗng giật mình bởi tiếng la thất thanh
của Liên.
– Chết tôi rồi, anh Huấn ơi.
Huấn đang tắm nghe vợ la vội quàng chiếc khăn qua người chạy ra hỏi dồn:
– Chuyện gì, chuyện gì mà làm ầm lên như nhà chết người đấy hả?
Liên run lây bẩy nói:
– Rõ ràng tôi để tiền trong ngăn tủ vậy mà bây giờ không thấy đâu.
– Có nhiều không?
– Bảy mươi hai triệu tôi mới nhận hôm kia từ ngân hàng, tiền tài trợ cho
chuyến du lịch sắp tới của anh chị em trong cơ quan đấy. Kiểu này có chết tôi
không cơ chứ. Có cả chó cả người ở nhà mà để mất mẹ gần trăm triệu. Thật chả
còn biết nói gì nữa, trời ơi là trời.
Lão Khúng gượng ngóc đầu dậy thanh minh:
– Chị tìm kỹ lại xem chứ mấy ngày nay tôi có đi đâu khỏi cái giường này,
cũng chả có ai vào nhà, làm sao mà mất được.
Liên đay nghiến:
– Ông nghi ngờ tôi giở trò bóng gió đổ oan cho ông đấy phỏng.
Huấn bồi thêm:
– Ông ăn no rồi ngủ kỹ cửa nẻo lại không khóa ngoài, con chó chết dẫm kia
thì chả chịu ở yên một chỗ, bọn trộm bây giờ nó có đui đâu, nhân cơ hội chúng
mò vào khua mẹ nó tiền lúc nào ông làm sao mà biết được.
…
Sáng nay đi làm Liên nghe được tin là nhà nước đang có chính sách đền
đáp công lao cho những người có thành tích chiến đấu bảo vệ tổ quốc với số tiền
khá lớn nên ả bàn với Huấn dựng lên màn kịch này để moi tiền từ bố chồng. Lão
Khúng hoàn toàn không hay biết đây chỉ là vở diễn khốn nạn của hai đứa con và
dâu thất đức.
Lão Khúng nói giọng buồn thảm:
– Thôi anh chị đừng to tiếng nữa, tiền mất tôi biết tôi sai, để đó tôi chịu
trách nhiệm, xin anh chị thư thả cho tôi vài hôm, khỏe lại tôi đi vay mượn
người ta tôi đền cho anh chị.
Liên đập thẳng vào vấn đề:
– Ô hay thế chẳng phải con nghe người ta nói gần đây ông mới nhận trợ cấp
kếch xù của nhà nước hay sao? Những người bình thường còn được mấy chục triệu,
ông là thiếu tướng về hưu chả nhẽ không được trên dưới cả trăm triệu ấy chứ,
mình nhỉ?
Liên nói dứt hấp háy mắt với Huấn. Huấn nói giọng cầu khẩn:
– Nhà mình mang tiếng là công nhân viên chức nhưng cũng sống nhờ vào mấy
đồng lương còm, lại đang lo chu cấp cho hai đứa ăn học đại học nữa, bây giờ xảy
ra chuyện này thật vợ chồng con cũng hết cách, ông thương chúng con nếu ông có
tiền thì cho chúng con vay tạm, sau này chúng con sẽ hoàn trả cho ông.
Lão Khúng ôm ngực ho sặc sủa. Một bụm máu trào lên cuống họng lão, tứa ra
miệng. Lão rấm rức khóc:
– Ông trời ơi, nhục nhã quá. Nào tôi có biết gì về cái chuyện tiền nong trợ
cấp của nhà nước đâu cơ chứ, sổ lương hưu thì tôi đã trao cho vợ chồng chúng nó
rồi tôi có giữ lại cho mình dù chỉ năm xu một hào đâu.
Liên cười mát:
– Thì nào vợ chồng con đã làm gì ông đâu mà ông kêu oan lên tận trời như
thế. Bây giờ cơ sự nó xảy ra như thế vợ chồng con chẳng đặng đừng mới nhờ vả
ông ông không giúp thì thôi.
Huấn đã trở vào nhà tắm, nói vọng ra.
– Liên, em chả cần nói gì nữa đâu. Người ta không cho vay thì thôi. Đúng là
thói đời, một ao máu đào chả bằng một cốc nước lã…
…
Đêm.
Vợ chồng Huấn đã rủ nhau ra ngoài ăn cơm quán rồi đi rạp xem phim. Hôm nay
chúng không thèm nấu cơm ở nhà, chúng bỏ mặc cho lão Khúng nhịn đói.
Lão Khúng lặng lẽ ngồi trước hiên nhà. Đường phố hôm nay lặng lẽ quá. Lâu
lâu mới lác đác vài người qua lại, chỉ có gió hiu hắt, ánh đèn đường vàng vọt
soi trên vỉa hè cô đơn.
Con Đen nằm gối đầu lên chân lão. Cái đói làm nó rã rời. Tiếng thở của nó
nghe mệt mỏi và dứt quãng. Lão Khúng bảo con chó:
– Xin lỗi nhé cô nàng. Hôm nay chúng ta tạm nhịn đói vậy. Cái thân ăn nhờ ở
đậu khổ thế đấy, người ta không bố thí thì biết lấy gì mà ăn đây.
Con chó chừng như hiểu những gì lão nói, nó dụi dụi đầu vào chân lão kêu lên
từng tiếng thê thiết.
Một người đàn ông ăn mày lểu thểu bước từng bước chậm rãi trên con đường
đêm. Hắn vừa đi vừa hát:
“Đói cơm rách áo thành ra ăn mày. Ôí a ối à, thành ra ăn mày. Trăm năm một
kiếp là kiếp con người ối à ối á. Rồi khi nhắm mắt cũng là đất đen ối à ối a.
Nào vua chúa, nào giàu sang ối a ối à. Tiền như nước ối à ối à cũng là phù du.
Chẳng bằng tớ ối a, tháng ngày ngao du ối à… ‘’
…
Lão Khúng đứng lặng trước ngôi nhà lão gắn bó bao nhiêu năm qua. Hai hàng
nước mắt chảy dài trên khuông mặt răn reo.
Lão quay người bước đi. Con Đen đi bên lão. Bóng một người một chó đổ loang
trên mặt đường. Xa dần khu phố có căn nhà khô kiệt tình người.
Trương Đình Phượng