7:10
Nhu mở mắt. Tiếng chuông báo thức xen chói chang vào tiếng
nhạc cũng từ chiếc đồng hồ. Cô xoay người, với tay tắt đi tiếng động khó chịu.
Cơn mơ vừa mới đó còn rất thật vội vàng tan đi. Nhắm mắt lại, Nhu tự hỏi mình
đang mơ gì nhỉ? Những hình ảnh mù mờ không rõ nét, tiếng động đã lẩn vào tiềm
thức. Nhu ít khi nhớ những giấc mơ của mình, trừ khi giấc mơ có một ấn tượng
rất mạnh với cô. Chẳng hạn, trong bao giấc mơ của đêm qua, cho ngay đến lúc Nhu
mở mắt, cô đã quên hết, chỉ nhớ rằng: có một giấc mơ về Minh. Ngay trong giấc
mơ, nhìn thấy Minh (hay đúng hơn hình ảnh Minh trong trí nhớ) cũng đủ cho tất
cả tế bào trong Nhu run lên và thì thầm: Minh kìa, Minh kìa...
Những ngón tay ủ dưới chăn của Nhu nắm lại. Vâng, chỉ là
giấc mơ thôi. Như thế Nhu có quyền mặc sức nhớ lại, đắm mình vào những hồi
tưởng. Chỉ là giấc mơ, nên Nhu không phải cố gắng chống chọi với chính mình để
làm ra vẻ thản nhiên. Chỉ là giấc mơ thôi, và Nhu không cần phải sợ rằng cuộc
sống lặng lẽ của cô bây giờ sẽ bị xao động, rằng cô sẽ không còn làm chủ được
chính mình, nụ cười và nước mắt của mình. Chỉ là giấc mơ, đêm đã qua, một ngày
đang bắt đầu. Mùa xuân đã đến chưa? Ngoài khung cửa sổ, sao không có tiếng chim
hót, tiếng lá reo? Sao không có vạt nắng nào nhảy chân sáo vào phòng gọi Nhu
thức dậy? Mùa xuân chưa đến, hay đến rồi và bỏ quên mất Nhu, như bao giờ.
Nhu ngồi dậy. Hai tay vòng qua gối, úp mặt vào đầu gối. Mái
tóc xõa xuống chung quanh như một tấm khăn choàng, thoang thoảng mùi thơm.
Những lọc tóc mềm rối len qua kẽ tay, như muốn chia xẻ, muốn an ủi. Nhu không
khóc đâu. Có gì mà khóc? Chỉ là cơn mơ, chút xao động đầu ngày.
8:34
Bàn làm việc của Nhu vẫn như chiều hôm qua, lúc Nhu rời sở.
Ðóa hoa cắm trong bình rũ xuống, không còn buồn làm dáng với chung quanh. Tấm
lịch treo tường vừa mở qua trang mới, những ô vuông còn trắng chưa có ghi chú
lặt vặt. Nhu kéo ghế, ngồi xuống. Tập tài liệu vẫn mở, kiên nhẫn chờ Nhu đọc.
Nhưng Nhu chưa muốn đọc. Cô tỳ khuỷu tay lên bàn, ngắm nhìn quanh mình. Không
một vật trang sức nho nhỏ cho thêm vui mắt, không có hình ảnh. Bàn làm việc của
Nhu lạnh lẽo và khô khan. Như chính mình, Nhu nghĩ, và thoáng mỉm cười. Giữa
những màu sắc nhàm chán, đoá hoa hồng nổi bật lên, một vệt nhung đỏ thắm dưới
ánh đèn. Nhu đưa tay chạm vào đóa hoa. Một cánh hoa rơi xuống, rồi một cánh hoa
nữa. Ðóa hoa mới hôm kia còn lộng lẫy trong giấy bọc, bây giờ héo rũ đến tội
nghiệp. Tội nghiệp thật, vì nó không được chào đón nồng nhiệt như đáng lẽ những
đóa hoa phải được chào đón. Khi Vũ đưa nó cho Nhu, cô đã hết sức ngỡ ngàng, đến
nỗi không biết phải phản ứng thế nào. Cuối cùng, thì Nhu cầm lấy, nói cám ơn,
và vội vã bỏ đi. Cô thầm cám ơn Vũ đã đợi đến lúc chia tay mới đưa đóa hoa, vì
nếu Vũ đưa ngay lúc mới gặp, có lẽ Nhu đã ngẩn ngơ và bối rối lắm. Trở lại văn
phòng, có người đồng nghiệp đã nhìn Nhu cười và trêu: Someone has an admirer.
Nhu mỉm cười. Trong cô, gờn gợn lên một chút buồn. Không có bình cắm, cô phải
đi mượn bạn đồng sở. Ðóa hoa làm bàn của Nhu tươi mát hẳn lên. Còn Nhu? Cô ngồi
thẫn thờ, cây viết trong tay, mắt nhìn chăm vào trang giấy trắng trước mặt. Ðầu
óc cô trống rỗng. Những cảm giác cũng như biến mất, trừ chút nỗi buồn xao động
lan ra như khói tỏa.
Một bóng người hiện ra trong khoé mắt Nhu. Cô quay lại. Ðã
đến lúc trở về với công việc thường ngày. Ngoài kia, có lẽ con nắng ngủ muộn
cũng đã đến, gió lồng lộng trên những sườn núi xanh, những chiếc lá đu đưa đùa
nhau trên cành. Còn Nhu ngồi đây, khuất khỏi thiên nhiên bằng vài ba bức tường,
mảnh dựng cubicle xám ngắt, và những tờ note dán quanh kệ tủ, nhắc nhở Nhu
những việc phải làm. Nhu gượng một nụ cười với người đồng nghiệp. Hăng hái,
chỉnh tề, anh ta như sẵn sàng để lao vào những dự án, kế hoạch. Nhu vẫn ước ao,
rất thầm kín, phải chi cô được như vậy. Mạnh dạn, tự tin, mắt nhìn thẳng đến
mục tiêu, anh ta như biết rất rõ con đường đang đi và những trở ngại sẽ vượt
qua. Nhu thì cứ lanh quanh, hoặc bập bềnh trôi theo đời sống như nhánh rong
biển trên làn sóng.
10:30
Nhu nhấc hai bàn tay khỏi keyboard, thả xuôi xuống bên
người. Cô liếc nhìn chiếc đồng hồ bên một góc màn hình. Ðã đến lúc cô cần một
ly cafe, có lẽ. Lúc xưa còn đi học Nhu ghét cafe thứ nhì sau thuốc lá. Cô chẳng
bao giờ hiểu nổi tại sao đàn ông con trai lại thích những thứ theo cô không có
gì thú vị. Nhu ghét khung cảnh quán cafe mịt mù khói thuốc, mấy anh chàng vẩn
vơ ngồi nhìn thiên hạ. Còn cafe, bỏ nhiều đường cho dễ uống thì bị chê là
"không biết thưởng thức", uống "đúng điệu" thì đắng còn hơn
thuốc bắc. Ðã vậy uống rồi lại còn mất ngủ, nổi mụn, toàn là mấy thứ tai hại
đối với con gái. Thuốc lá thì dĩ nhiên Nhu không dám đụng vào. Ðối với con gái
Việt Nam, hút thuốc vẫn còn là điều cấm kỵ. Nhu chỉ ngạc nhiên thấy nhiều cô
bạn mình thích con trai hút thuốc. "Trông anh ấy cầm điếu thuốc kìa, dễ
thương quá hả?" Nhu chả thấy dễ thương gì hết. Cô chỉ thấy ghét ngón tay
vàng khói và mùi thuốc lá tanh tanh ngai ngái đến khó chịu.
Nhu thoáng mỉm cười, nhớ lại cô đã hết sức "bàn
ra" khi cô bạn thân nhất bắt đầu "mê trai", một anh chàng cafe
thuốc lá điển hình. Hoa thản nhiên bảo Nhu: Này Nhu, con trai ai lại chả vậy?
Nhu nhớ cô đã nhất định nói cô sẽ kiếm ra người lý tưởng của mình, một anh
chàng ghét cafe thuốc lá y như cô vậy. Rồi Hoa không chịu nghe Nhu, cứ đi mê
"người ấy" của Hoa. Rồi Nhu, cuối cùng đã tìm ra người ấy của Nhu, mà
rốt lại cũng cafe thuốc lá như ai. Hoa cười Nhu mãi, chọc Nhu mãi, cho đến một
ngày thứ Bảy, Hoa tình cờ ghé thăm Nhu. Xanh xao và bơ phờ, Nhu ngồi lặng lẽ
trên giường, úp mặt vào chiếc gối đẫm nước mắt. Hoa cầm lấy những ngón tay giá
lạnh của Nhu, ủ trong tay mình, không biết nói gì hơn là khuyên Nhu nghỉ ngơi,
hỏi Nhu có muốn ăn chút gì không? Nhu chỉ ngồi yên, câm nín và xa vắng, những
giọt nước mắt nối theo nhau lăn xuống má. Lâu lắm, Nhu mới nói được "Nhu
muốn một mình yên tĩnh". Ðể khóc cho thoả thuê. Ðể những giọt nước mắt sẽ
như ngọn thủy triều xoá đi nỗi đau đớn trong tâm hồn. Ðể sáng hôm sau, thức dậy
trong chăn gối quen thuộc, Nhu thấy mình đã biến đổi, đã lạ lẫm với cả chính
mình.
Rồi cuộc sống trôi đi. Nhu trở lại là một mình. Nụ cười ngày
xưa trở lại, rồi những mơ mộng vẩn vơ có lúc Nhu sợ như sợ căn bệnh khó chữa.
Người ấy một thuở của Nhu, không ai nhắc đến nữa. Ðôi khi, giữa câu chuyện, Nhu
ngừng lại, mắt thoáng buồn, và Hoa sẽ biết ngay Nhu đang nghĩ đến ai. Cuối năm
học đó, Nhu vẫn lấy đủ điểm để không phải học lại lớp. Năm sau Nhu tốt nghiệp.
Trong tiệc vui bạn bè mừng nhau "công thành danh toại", Nhu cầm ly
rượu champagne trong vắt, đứng trong đám mây confetti tỏa xuống, nụ cười bâng
khuâng trên môi. Như trong giấc mơ, cô thấy những chiếc bong bóng đủ màu rơi
xuống, nổ tung, Hoa lướt qua, tiếng cười giòn tan, đôi mắt rạng rỡ. Nhu đặt ly
rượu chưa uống xuống mặt bàn gần nhất, ra về. Trong đêm tối, mặt trăng hạ tuần
vẫn sáng đẹp, nhưng đã hơi mất một góc. Như với Nhu, mọi chuyện đã không tròn
đầy.
Nhu rời khỏi ghế, mở ngăn kéo lấy chiếc tách nho nhỏ. Một
đoá hoa hồng rất nhạt uốn theo bề cong chiếc tách, xinh xắn và duyên dáng. Ðoá
hoa hồng mơ ước, mãi mãi tươi thắm như tình yêu chung thủy. Mắt Nhu dừng lại
trên đóa hồng ủ rũ. Cô nhấc đoá hoa ra khỏi bình cắm, dợm một cử chỉ như sắp
thả nó vào thùng rác kế bên, rồi lại trả nó về trong bình. Tội nghiệp đóa hoa
không được mơ ước và không được nâng niu, tàn tạ sớm trong hờ hững. Chẳng còn
bao lâu nữa sẽ hết ngày thứ Sáu, Nhu phải trả bình hoa, và đoá hồng sẽ bị trút
vào giỏ rác của ông lao công vẫn ghé qua mỗi tối. Ðã có vài đóa hoa như thế,
rơi tình cờ vào cuộc sống Nhu và bị lãng quên ngay từ lúc vẫn còn tươi thắm.
Cũng đã có những đóa hoa Nhu ao ước mà không hề với tới được, đẹp lộng lẫy và
chói chang trong giấc mơ phủ bóng hối tiếc. Nếu mọi người đều được những gì
mình muốn, không thừa không thiếu, cuộc sống chắc sẽ đơn giản lắm. Nhưng thật
ra, có ai biết mình thật sự muốn gì không nhỉ? Và vị Thượng Ðế nào ở tít trên
cao kia, dẫu có muốn thoả mãn những sinh vật bé nhỏ vô nghĩa dưới trần thế,
chưa chắc đã tìm thấy ý muốn thật sự và cần thiết trong mớ hỗn độn tư tưởng,
thèm muốn, ganh tỵ và mơ mộng của con người.
Cái bàn con lỉnh kỉnh máy pha cafe, đường, kem... nằm khuất
sau một tấm dựng cubicle. Khi Nhu đến nơi, một người đàn ông đã đứng đó, lúi
cúi pha chế ly cafe của mình và huýt sáo nho nhỏ. Nhu mỉm cười. Trong chỗ làm
việc, cũng có người không muốn làm vẻ nghiêm trang, khẩn trương. Người ấy quay
lại, bắt gặp nụ cười thoáng qua của Nhu. Tiếng huýt sáo bay mất:
-- Hi
-- Hi
Nhu trả lời, máy móc. Người đàn ông đứng xích qua một bên,
nhường chỗ cho Nhu trước chiếc bàn. Nhu bỏ vào tách một thìa đường, một thìa
kem, rồi đổ cafe vào. Cô cảm thấy tia nhìn của người đàn ông trên bàn tay mình,
nhột nhạt và nằng nặng:
-- Xin lỗi cô, cô là người Việt.
Một câu hỏi... khó trả lời. Trả lời "vâng" hay
"yes" hay là ngẩn người ra, cách nào cũng... đủ và dư thừa thế nào
ấy. Nhu mỉm cười:
-- Chắc anh là visitor?
Người đàn ông nhìn xuống tấm giấy "temporary
badge" gắn một bên túi áo:
-- Vâng. Tôi đến để... sửa máy. Việc xong rồi, muốn uống ly
cafe trước khi đến chỗ khác. Tôi có đến building này vài lần, không khi nào gặp
cô.
-- Chắc tại tôi ít khi rời bàn làm việc.
Người đàn ông định nói gì đó, rồi ngừng lại vì tiếng kêu bất
ngờ của cái cellphone. Cuộc sống hiện đại có tiếng chuông điện thoại, rồi tiếng
microwave, rồi cellphone... Cũng vẫn là tiếng động, chỉ không phải tiếng gió
thổi hay tiếng lá reo... Nhu gật đầu chào từ giã, trở về bàn làm việc, chợt
nghĩ nếu chiều nay cô gặp người đàn ông lạ này ngoài phố, cô sẽ không biết là
mình có gặp qua ông ta rồi. Thêm một khuôn mặt không cần thiết để nhớ, một câu
chuyện không cần thiết để nhớ. Một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ, Nhu chỉ có bộ
óc nhỏ xíu, không chứa hết được mọi thứ.
11:50
Cô bạn người Trung Hoa đến rủ Nhu đi ăn trưa. Dịu dàng và
tươi mát trong chiếc áo đầm dài đến gót, cô làm Nhu phải nhìn không rời mắt.
Ivy cười khẽ, tiếng cười trong vắt như tiếng cười trẻ thơ:
-- I assume you like the dress.
-- I like you.
Ivy lại cười. Ðó là điểm đầu tiên lôi cuốn mọi người đến với
cô. Ivy chỉ nhỏ hơn Nhu một tuổi, nhưng vẫn bị trêu là cô "teenager"
của nhóm. Vui vẻ, cởi mở, hồn nhiên và xinh xắn, cô đã có bao nhiêu lời mời mọc
tán tỉnh. Và cô đáp lại chỉ bằng tiếng cười trẻ thơ của mình. Người yêu của Ivy
đi học ở một tiểu bang xa lắc. Không có đón đưa, không có hò hẹn, chỉ có tiếng
nói qua điện thoại và vài ngày ngắn ngủi bên nhau mỗi năm, nhưng từng đó, cộng
với tình yêu và lòng trung thành, đã đủ để cô không màng đến những chào đón
chung quanh. Suốt hai năm làm việc chung với cô, mỗi lần Ivy buồn, khóc lóc và
than thở, Nhu hồi hộp chờ cô buông rơi mối tình của mình, tìm đến một cái bến
an lành thuận tiện nào đó. Bây giờ, thì cô không còn khóc nữa. Người ấy đã về,
và vài tháng nữa thôi Ivy sẽ thôi là cô gái nhỏ. Cô sẽ là người vợ hạnh phúc.
Ivy hỏi Nhu có muốn ra ngoài ăn không. Nhu nói thôi lười
quá, ráng chịu cafeteria food một ngày nhé. Ivy hơi chu môi, vẻ không bằng
lòng, nhưng rồi lại cười, ngoan ngoãn đi theo Nhu gọi thức ăn. Cô bé dễ thương
tệ, vẫn còn đỏ mặt khi Nhu đùa bảo ăn trưa lẹ thì cô sẽ có thể về sớm lo chuyện
đám cưới. Ivy kể tíu tít về chiếc áo cưới, chiếc khăn voan, cả đôi giày cô sẽ
mang trong lễ cưới. Coi vậy chứ đám cưới không có dễ sợ lắm đâu, cô nói với vẻ
khuyến khích, như thể cô đã chắc chắn rằng lý do Nhu chưa lập gia đình chỉ là
vì sợ những cái phiền phức của nghi lễ và thủ tục. Cần phải tính toán nhiều, dĩ
nhiên, nhất là khi cả hai cùng không có nhiều tiền và không muốn nhờ cha mẹ.
Ivy may lấy khăn voan choàng đầu, tự đính vào giày những hạt cườm lóng lánh.
Nhu chắc chuyện đó, có thể là rắc rối của cô dâu khác, cũng là một trong những
thứ Ivy thích thú làm. Bó hoa của cô dâu, Ivy đã định nhiều cẩm chướng hơn hoa
hồng. Cô nói cẩm chướng đơn giản, dung dị, không rực rỡ quá như hoa hồng. Cô
mong hạnh phúc của cô giản dị, bền lâu như đóa cẩm chướng. Còn Nhu, cô không
hình dung được Ivy sẽ khổ. Ai nỡ làm cho Ivy khổ được chứ?
Cafeteria food dễ sợ thật, Nhu nghĩ thầm khi nhìn chiếc
sandwich khô khan nằm trên đĩa. Ivy chỉ mua một chiếc bánh nhỏ và yogurt. Sắp
ngày cưới, cho nên cô nàng ra sức giữ eo để mặc áo cho đẹp. Thiệp đã gửi đi,
Nhu đã bị du vào lời hứa chắc chắn đi dự tiệc. Ivy còn nói thêm, với một cái
nheo mắt tinh nghịch: There’s someone I want to introduce to you. Có phải người
phụ nữ nào cũng thích làm bà mai không nhỉ? Hoa cũng nhiều lần đòi làm mai cho
Nhu, và đã làm thật mà không cần sự đồng ý của Nhu. Dù sao, với những bà mai
bạn bè, Nhu có thể dễ dàng gạt bỏ đi hoặc tránh né vấn đề. Chỉ với mẹ là Nhu
không từ chối được. Lúc Nhu mới ra trường, mẹ vẫn còn im lặng, tin tưởng Nhu sẽ
"tìm ra đối tượng" không bao lâu. Cách đây hai năm, mẹ quyết định Nhu
chậm chạp quá, hoặc là không nắm giữ được cơ hội của mình. Mẹ bắt đầu tìm kiếm
cho Nhu, trong những gia đình bạn bè của riêng mẹ, những "đối tượng thích
hợp", tìm cách dàn xếp cho hai bên gặp gỡ, hỏi han Nhu về mọi chuyện xảy
ra, và khuyên bảo Nhu phải làm gì. Thoạt tiên Nhu cười, rồi Nhu bực bội, rồi
Nhu nhận chịu. Làm mẹ sao mà khổ cực thật. Hy sinh chịu đựng để nuôi con lớn
lên, lo chuyện nhỏ chuyện lớn, cả chuyện tình cảm riêng tư của con cũng phải lo
lắng tính toán đến. Ðã vậy, con cái biết có hiểu cho cái cực của mình không,
hay lại khó chịu vì cảm thấy mất quyền định đoạt tự do. Nhu cảm thấy buồn. Buồn
vì mẹ phải lo lắng vì mình, buồn vì mình không làm được gì để xoá đi nỗi lo
lắng ấy, và buồn vì cảm thấy sự tính toán
xếp đặt của mẹ không giúp cho mình bao nhiêu mà chỉ làm mình thêm buồn. Ôi! những ngã đường phức tạp của trái tim và đầu óc, của thương yêu và lo lắng, của chăm sóc và bổn phận. Tại sao tình cảm không có giới hạn, như bức tường rành rẽ phân chia những căn phòng, mà phải
lan tràn, xuyên vào mọi ngõ ngách, như không khí lang thang.
xếp đặt của mẹ không giúp cho mình bao nhiêu mà chỉ làm mình thêm buồn. Ôi! những ngã đường phức tạp của trái tim và đầu óc, của thương yêu và lo lắng, của chăm sóc và bổn phận. Tại sao tình cảm không có giới hạn, như bức tường rành rẽ phân chia những căn phòng, mà phải
lan tràn, xuyên vào mọi ngõ ngách, như không khí lang thang.
Ivy hỏi sao Nhu im lặng. Nhu gượng cười, nói cô đang suy
nghĩ vẩn vơ. Vẩn vơ thật chứ, những tư tưởng không đầu đuôi và không ý nghĩa.
Ivy có vẻ áy náy, chắc hẳn cô cho rằng cô đã nói quá nhiều đến hạnh phúc riêng
của mình và quên rằng Nhu vẫn còn cô đơn. Nhu nắm lấy tay Ivy, siết nhè nhẹ
trong bàn tay mình. Ivy rất xứng đáng với hạnh phúc của mình, vì cô đã kiên trì
cố gắng xây đắp ngày hôm nay. Nhu có lẽ đã hay ngại ngùng, hay sợ hãi, và hay
bỏ cuộc. Nhu yếu đuối lắm, không có nhiều nghị lực cho dù là theo đuổi ước mơ.
4:15
Vũ ghé qua bàn làm việc của Nhu. Cô đang mải kiểm lại dữ
liệu trong hồ sơ, nên dù biết có người đến, cô vẫn cố kiểm cho xong hết trang.
Lúc cô quay lại, Vũ đang đứng trước cửa cubicle, mắt nhìn xuống chiếc giỏ rác
nhỏ bên cạnh bàn Nhu. Ðoá hồng ủ rũ nghiêng vào thành giỏ, màu đỏ sậm ngã sang
màu bầm chết. Mắt hai người gặp nhau. Nhu nói thầm một lời xin lỗi. Xin lỗi đã
hờ hững với đóa hồng và sự ân cần của Vũ. Xin lỗi đã làm Vũ buồn. Nhưng Nhu chỉ
có một trái tim, không san xẻ được nhiều mảnh nhỏ. Sớm muộn gì Vũ cũng sẽ biết,
và sự từ khước dưới hình thức nào cũng tàn nhẫn như nhau. Mắt Vũ trở lại đóa
hồng:
- Ðịnh rủ Nhu đi nghe nhạc. Nhưng chắc Nhu bận rồi.
Nhu mỉm cười. Nụ cười chắc hẳn không vui, vì mắt Vũ dịu lại.
Ðáng lẽ mình đã có thể là của nhau, Nhu nghĩ. Ðáng lẽ mình đã có thể cùng
nhau đi nghe nhạc tối nay, đi tới tương lai ngày mai. Ai đã quyết định rằng
mình không thể đến với nhau? Nhu chăng, hay vị Thượng Ðế nào xa tít không thấy
hình dáng, hay trái tim bất trắc bối rối của Nhu? Tại sao nỗi buồn thì hay thừa
thãi khi con người cần thiết niềm vui? Nhu gọi nhỏ:
- Vũ
Vũ quay nhìn Nhu. Nhu định nói: mình vẫn làm bạn nhé, nhưng
cô ngừng lại. Bây giờ, nói câu ấy chắc chỉ làm Vũ thêm bực mình, thêm tổn
thương tự ái. Người ta thường mang vào tình cảm cả sự tự tôn của mình, phải
không? Vả lại, câu ấy có lẽ thừa. Khi tình cảm của Vũ đã phai, tình bạn, nếu
còn, sẽ còn:
- Vũ hiểu cho Nhu.
- Vũ hiểu chứ. Vũ chỉ thấy tiếc... là Nhu bận. Dịp khác vậy.
Rồi Vũ quay đi. Nhu nhìn xuống trang giấy chi chít những con
số, thấy lòng mình trống rỗng như con suối mùa nước cạn. Vũ thấy tiếc, Nhu cũng
hối tiếc lắm, Vũ biết không? Nhu cũng không biết mình đang tìm ai, Vũ biết
không? Có thể Nhu đang tìm một người không bao giờ Nhu sẽ gặp. Cô bé Lọ Lem
ngày xưa đến vũ hội và gặp hoàng tử. Nhu biết đi đâu bây giờ? Có những đêm không
ngủ được, Nhu đã ngồi bên cửa sổ nhìn xuống con đường vắng ngắt trước nhà, lẻ
loi và buồn thảm. Bầu trời đêm thăm thẳm, hiu hắt vài vì sao lấp lóe. Ở nơi nào
đó, xa tít hay gần gũi, có người nào đang đi tìm Nhu không? Chắc người ấy cũng
như Nhu, đi tìm mà không biết tìm ai. Và trong bao con đường vòng quanh quả
đất, không chắc gì người ấy đã đi qua khung cửa nhỏ của Nhu, hoặc có đi qua mà
Nhu không biết:
không ai nói với em anh là hoàng tử
và đời là một chuyện thần tiên
nên em vẫn ngồi bên song cửa
chờ một người mãi mãi không quen
và đời là một chuyện thần tiên
nên em vẫn ngồi bên song cửa
chờ một người mãi mãi không quen
6:05
Nhu tắt ngọn đèn nhỏ trên bàn làm việc, cầm chiếc ví nhỏ
lên. Chung quanh, mọi người đã về gần hết, không khí im lặng lạnh lẽo. Chiếc
bàn Nhu mới ngồi cạnh cách đây vài phút, bây giờ trông xa lạ như thể bị bỏ quên
từ lâu lắm. Nhu dợm bước đi, rồi quay lại, nhấc phone gọi Hoa. Tiếng nước chảy
lẫn vào tiếng Hoa:
- Ồ, Nhu hở -- cười -- mình đang nấu cơm.
Thứ Sáu, đáng lẽ mình không nên gọi, Nhu nghĩ. Và Hoa, rất
nhanh, cảm thấy vẻ ngập ngừng của Nhu:
- Nhu ghé chơi đi. Tụi mình không định đi đâu hết, ở nhà
trông con -- cười -- Nhu đến nghe, con bé nhắc Nhu đó.
Khải ra mở cửa cho Nhu. Nụ cười anh chàng vẫn lém lỉnh như
dạo nào còn theo đuổi Hoa. Cô bé Na chạy đến ôm chân Nhu, đôi mắt đen láy và
tiếng cười dòn dã, chắc hẳn là tiếng cười Hoa lúc bé xíu. Nhu để viên kẹo màu
cam vào lòng bàn tay tí hon, đặt chiếc hôn nhẹ vào một chiếc má phính:
- Cho Na một viên kẹo thôi, kẻo không Na sún răng.
Hoa nói vọng từ trong bếp:
- Ðúng rồi. Dì Nhu chiều hư Na là cấm cửa dì Nhu luôn.
Nhu bế Na vào bếp. Khải đi theo sau, đùa:
- Hôm nay có đến hai bà trong bếp, chắc anh được miễn nhiệm
vụ?
Nhu và bé Na cười nhìn Hoa nạt nộ bắt Khải dọn bàn ăn cơm.
Trong tay Nhu, Na ấm như ngọn lửa nhỏ, mềm như chiếc gối bông. Ðôi môi nhỏ
hồng, mái tóc tơ lưa thưa, Na giống như con búp bê thuở nhỏ của Nhu. Búp bê
nhựa bố mẹ mua cho Nhu chơi. Ðể có bé Na, phải có tình yêu của Hoa và Khải,
phải có bổn phận và cực nhọc. Nhưng có con búp bê nào dễ thương hơn bé Na, sự
sống toàn mỹ nhất vì vẫn còn thơ ngây và hồn nhiên như từng hơi thở.
Xong cơm tối, Khải dắt bé Na ra phòng khách chơi để cho Nhu
và Hoa nói chuyện. Nhu phụ Hoa dọn dẹp và rửa chén. Hoa liếc Nhu qua đuôi mắt:
- Tối thứ Sáu bồ không đi chơi hả?
Nhu mỉm cười:
- Ði chơi với ai bây giờ?
- Chuyện Tuấn đến đâu rồi?
Nhu rảy vài giọt nước vào vai Hoa làm cô nàng la oái lên:
- Nghe giọng Hoa sao giống mẹ mình thế?
Hoa cười dòn. Năm phút sau, Hoa choàng tay qua lưng Nhu, nói
nhỏ:
- Cuối cùng, Nhu phải có một người cho riêng Nhu chứ?
Nhu không trả lời. Hoa thở dài, như mẹ Nhu vẫn thở dài mỗi
lần "hỏi chuyện" Nhu. Nhu gượng cười:
- Mình viện cớ "duyên số" nhé?
Hoa quay nhìn Nhu:
- Mình chỉ sợ Nhu đợi hoài thành muộn thôi.
- Mình đang "cố gắng" đây mà.
- Lấy chồng chứ có phải đi đày đâu mà Nhu ỉu xìu vậy?
Lấy người không yêu thương, không chừng cũng giống đi đày
lắm chứ, Nhu nghĩ. Mỗi lần nghĩ đến Tuấn, Nhu thấy lòng mình phẳng lặng, dửng
dưng. Mẹ Nhu bảo Tuấn là được lắm rồi, Nhu còn đòi gì nữa. Gia đình, học vấn,
tính tình, được hết đấy chứ? Một chuyện mai mối như ngày xưa, bà mẹ Tuấn đến
chơi để "xem mắt" Nhu rồi lần sau dắt Tuấn đến. Không biết Tuấn có bị
áp lực gia đình để "tìm hiểu" Nhu không nhỉ? Tuấn mời Nhu đi chơi.
Nhu nhận lời với áp lực từ mẹ. Tuấn tặng hoa, tặng quà cho Nhu, ngỏ lời với
Nhu. Tất cả xảy ra tuần tự, lớp lang, và chắc nếu Nhu "đừng mơ mộng
quá" như lời mẹ, bây giờ không chừng Nhu đang chuẩn bị đám cưới. Nhu trả
lời lừng chừng, không dám từ chối thẳng vì sợ mẹ. Tuấn cũng lừng chừng, nhưng
chắc sẽ không nấn ná lâu. Lúc Tuấn đi lấy vợ, mẹ sẽ mắng Nhu vài câu, sẽ thất
vọng, sẽ bực bội vì con gái mình chưa phải là cô dâu. Nhu chỉ biết im lặng. Cô
sợ sệt lắm, không dám dấn thân vào cuộc hôn nhân với một người xa lạ không mang
lại cho cô cảm xúc nào. Cuộc sống chung là mơ ước, là mục đích của những người
yêu nhau, và là sự bất trắc đáng ngại của những người không có tình yêu như
Nhu, không thấy có gì đáng mong muốn trong hôn nhân ngoài chuyện tuân theo
những thủ tục của xã hội con người, sinh con cái và nương tựa lẫn nhau lúc về
già.
11:15
Nhu gấp cuốn truyện đọc dở lại , đặt xuống chiếc bàn con bên
cạnh giường. Cô tắt ngọn đèn đêm, vùi đầu vào chiếc gối mềm. Bóng tối yên lặng
phủ xuống như tấm mền quanh Nhu, lâu lâu chỉ có tiếng lá chạm vào nhau, hay
tiếng con dế nào tìm bạn ngoài sân. Nhu nhắm mắt lại, nhè nhẹ, cho đến khi cô
cảm thấy hai hàng mi rung rung khép vào nhau. Ðuổi hết những tư tưởng ra khỏi
đầu, Nhu đợi giấc ngủ như đợi ngọn thủy triều dâng lên, cuốn Nhu bềnh bồng
trong làn sóng êm mát.
Nhưng giấc ngủ không đến. Nhu trăn trở vài lần, rồi ngồi
dậy. Trong bóng tối, cánh cửa sổ bên cạnh giường Nhu là một khung sáng mờ ảo.
Cánh rèm cửa khẽ phất phơ theo cơn gió đêm, chạm vào má Nhu nhồn nhột. Ở góc
vườn, đóa hoa cúc tím hôm qua Nhu thấy còn trong nụ chắc đã nở. Không có vầng
trăng nào đêm nay, và sao hình như cũng ngủ quên trên gối mây mất rồi. Có còn
gì thức với Nhu không, trừ ngọn đèn đường vàng úa?
Như để trả lời, tấm rèm phớt qua trên má Nhu. Không cưỡng
được, Nhu mỉm cười. Mọi thứ đã yên ngủ trong khung cửa hẹp của phòng Nhu, nhưng
thế giới bao la ngoài kia vẫn đang xoay đều nhịp sống. Nhu ngã xuống nệm, ôm
chiếc gối nhỏ vào lòng, thầm mong sẽ mang theo nụ cười vào giấc ngủ.
Hồ
Như