12 March 2016

XÓM SỢ VỢ - Nguyễn Hiền

Bấc. Những cơn gió the the thổi hắt qua mặt, mơn man hai tay, hai chân thấm vào da thịt khiến Tư Quéo rút chân lên ghế, ngồi con ro theo kiểu nước lụt, suýt soa: ‘Gió ngọt thiệt…’.
Gió ngọt…. Nhớ bữa qua Tư Quéo còn khoe tối ngủ ở trần, tôi cười nói: ‘Mày mà cũng biết lạnh sao…?’.
– Tại ở đây trống… gió, Tư Quéo chống chế.
Đúng là cái bàn tròn vừa làm bàn ăn vừa là nơi uống trà vào cái giờ mà chỉ có dân nhà quê ngủ như gà, mới chạng vạng đã lên giường và tầm 4 giờ sáng đã thức dậy kiếm ly nước trà cho ấm bụng đặt ở hàng ba, một vị trí không riêng gì mùa đông mà mùa nào gió cũng lồng lộng. Nhưng cũng phải nói là mùa đông năm nay lạnh thiệt, lạnh bất ngờ. Những cơn mưa rả rích kéo dài từ giữa tháng 10 đến hết tháng 12 vẫn không có dấu hiệu kết thúc cùng với những đợt bấc mang cái lạnh từ miền Bắc tràn vào ít nhiều đã làm thay đổi thói quen mình trần, quần đùi quanh năm của Tư Quéo.

Nó đang mặc cái quần dài màu xanh học trò và cái áo màu xanh lá mạ, khoác thêm bên ngoài một cái áo ấm.
Thấy tôi nhìn chăm bẩm vào bộ đồ đang mặc trên người, Tư Quéo hơi nhột: “Đồ tụi nó mới cho đó…quần của công ty vệ sinh môi trường còn áo là hàng quảng cáo của hãng dầu ăn…”.
– Khỏi phải nói. Nhìn là biết đồ cho liền…, tôi cười rồi chọc thêm: “Lạnh thì ở nhà ôm đít vợ ngủ cho ấm…ai biểu qua đây…”
– Vợ già rồi…ôm có mà… lạnh thêm.
– Chớ không phải vợ không cho…ôm.
Thật ra không phải vô duyên vô cớ mà tôi chọc Tư Quéo chuyện ‘vợ không cho… ôm’. Câu chuyện xảy ra cũng đã hơn chục năm nhưng trong giới sợ vợ ở xóm tôi vẫn còn nóng hổi khi trà tam rượu tứ. Bữa đó nghe đâu Tư Quéo nhậu về sương sương không biết leo lên giường vợ làm sao mà sáng ra trật một cánh tay. Lúc đầu, hỏi thì nó ấm ớ: “Xỉn quá, bước xuống giường…trượt chân té, chống cái tay…”. Nhưng mấy bữa sau, nguồn tin xuất phát từ mấy đứa con của nó, kể: ‘Nghe ba má cãi lộn…, nghe má nói “đi nhậu cho đã rồi về quậy”, “…của sẵn sao mà… muốn lúc nào thì… muốn…’ rồi nghe uỵch một cái…
Chỉ cần một chút suy diễn là biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Từ đó, mỗi khi Tư Quéo nhậu xong, khật khưởng ra về, mọi người đều hỏi với theo “…về nhà vợ có cho ôm không đó…”.
Còn riêng tôi thì tôi đặc biệt ‘kính nể’ Tư Quéo ở chỗ đi ra đường không bao giờ có tiền trong túi mặc dù nó rất biết cách kiếm tiền, xoay sở đủ nghề theo kiểu nông nhàn, ai thuê mướn gì cũng làm tuốt.
Chuyện mới xảy ra rặt ròng. Tôi không biết nó đi đâu, làm gì cả một buổi sáng không thấy tăm dạng cho đến khi nhận cú điện thoại cầu cứu của nó lúc đang ăn trưa. Xe bị lủng, bỏ vá bị chém đẹp hết mười ngàn. May mà loài người đang sống ở thời đại công nghệ thông tin, và già trẻ lớn bé ở xóm tôi đều chơi di động nếu không chắc nó phải cuốc bộ hơn 5 cây số về nhà xin tiền…vợ lấy xe.
Bực mình vì chuyện không đâu, bỏ dở bữa cơm, tôi nặng lời:
– Tiền làm đâu hết rồi… vô túi…bà hết rồi phải không?
– Ờ…ờ…Tư Quéo ngậm hột thị.
Do ‘quán trà’ miễn phí của tôi mở cửa từ lúc 4 gờ sáng, ‘ngồi dai phai nát’ nên không thiếu những câu chuyện sợ vợ kể ra cười chơi … cho hết giờ đều nhất trí cho rằng chỉ số ‘sờ…vờ’ của Tư Quéo còn thua xa lơ xa lắc một số người khác…
Và gương mặt điển hình ‘sờ…vờ’ thứ hai thường được mọi người nhắc đến là Tám Tấn với tấm thân ‘vai ba thước rộng, thân mười thước cao’ cỡ Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng phải ngước nhìn vợ nó… thấp hơn một cái đầu.
Tám Tấn cũng là kiểu ‘thợ đụng’ trong thời gian nông nhàn nhưng có điều nó làm ăn cẩn thận, hết việc chứ không hết giờ, thành thử cả xóm đều thích, chuyện lớn chuyện nhỏ đều kêu nó. Tuy nhiên Tám Tấn hơi bị lười, thích đàn đúm bạn bè hát karaoke hẹn nay hẹn mai nhiều khi lỡ việc.
Một lần, tôi kêu Tám Tấn phát giùm cái hàng rào và dãy mớ cỏ dại trong vườn. Nó hẹn mai rồi mai tới… 4, 5 bữa không thấy mặt mũi đâu. Rồi có người mách nhỏ: “Cái thằng bị vợ xỏ mũi mà…đi lên đi xuống ‘hầu’ nó làm gì cho mệt…sao không nói với vợ nó…”. Tôi tìm vợ nó và được hứa: “Mai em kêu ổng xuống làm cho anh…”. Nói chiều hôm trước sáng hôm sau quả nhiên đã thấy Tám Tấn tay rựa vai cuốc bước vô nhà kêu ầm lên: ‘Làm gì…đâu?’
Tám Tấn còn là dân nhậu có ‘đẳng cấp’, nhậu tới bến luôn nhưng chỉ uống khi nào có sự giám sát của vợ bằng không thì đừng hòng, nữa ly cũng không dám đụng tới. Hình như ‘sờ…vờ’ là chuyện đương nhiên của đàn ông ở xóm tôi nên không bao giờ tôi nghe Tám Tấn kêu ca hay phàn nàn…vợ thế này, vợ thế nọ. Nó vẫn hạnh phúc bên người vợ thấp hơn nó cái đầu nhưng bắt nó phải… ngước nhìn.
Kế đến là một ‘cao thủ’ khác bị vợ siết như siết con ốc bù-loang đến… chảy nước là Hai Dưỡng.
Hai Dưỡng có mấy sào đất quanh năm làm màu nào là đậu, mướp, cà, dưa leo, khổ qua, rau mồng tơi, rau bồ ngót…mùa nào thứ đó bán quanh năm, gặp buổi chợ được mùa trúng giá có khi bán tới cả triệu một ngày nhưng nhiều lắm trong túi nó chỉ đủ tiền mua vài điếu cotab lẻ.
Hai Dưỡng ghiền rượu, cả ngày làm mệt, chiều muốn kiếm một xị ‘giải mệt’ tối ngủ cho ngon giấc nhưng tiền đâu là một bài toán nan giải. Vì vậy hễ đến chiều là nó giống như con gà mắc đẻ, chạy táo tác từ đầu trên tới xóm dưới, mắt dáo dác thấy đâu có nhậu là tấp vô…nhậu ké. Xóm làng mà, ai tiếc chi ly rượu nhưng chuyện gì cũng có giới hạn của nó, lâu lâu một lần thì được còn đằng này ngày nào cũng thấy mặt ai mà chịu.
Cuối cùng, chỉ cần thấy cái dáng của Hai Dưỡng từ xa là họ đã giấu hết rượu mồi, sẵn sàng đón tiếp nó…phủ phàng: “Sao bữa nay tới trễ quá vậy…còn cái con mẹ gì đâu…mồi…hết, rượu…hết… tụi này cũng sắp đứng dậy…”.
Ngoài ra, Hai Dưỡng còn mê nhử cu nhưng không có con cu mồi nào nên hình nên dáng. Và nó phải làm cái công việc ‘đãi cát tìm vàng’, mua những con cu bả vài chục ngàn về nuôi chờ ngày lên mồi nhưng một con cu từ lúc mới bắt về cho đến khi lên mồi đâu phải dễ. Chưa nói tới thời gian nuôi, có con ở ngoài đồng gáy hay bắt về nuôi hai ba, ba năm vẫn không chịu gáy, có con thì vài ba tháng đã gáy, đã thúc, đã gù… nhưng chỉ là chơi tạm, nghe gáy cho vui còn đem ra đồng nhử thì mới nghe chim ngoài gáy đã ‘nép hủ nước’.
Tôi có một con cu mồi gáy giọng ba, có thể nói đó là một diva trong họ nhà cu gáy. Hai Dưỡng rất mê con cu của tôi, một lần gạ gẫm:
– Anh mà chơi gì… Hai triệu để tui…
Rượu uống chùa còn tạm được nhưng chơi… ‘cu chùa’ thì tuyệt đối không. Biết quá rõ Hai Dưỡng mà dám xin vợ hai triệu để mua cu chơi tôi chết liền, nên ‘tố’ luôn:
– Mày dám mua thì…tao cũng dám bán đó a…nhưng phải đưa tiền liền và đưa đủ một lần…
Quả nhiên nó năn nỉ khổ sở:
– Tui đưa trước anh hai trăm rồi tui …
Chịu. Hai Dưỡng là em họ của tôi nhưng anh em một lẻ còn tiền bạc phải sòng phẳng, ‘cứt trâu để lâu hóa bùn’, cu về tay nó rồi đi đòi nợ cho biết đến bao giờ. Vả lại trong giới chơi cu gáy, nghe nói tới giọng ba là ai nấy đều thèm nhỏ nước miếng, giá còn cao gấp nhiều cái giá hai triệu mà tôi bán…chơi cho Hai Dưỡng.
Con cu này tôi mua của Tư Quéo năm chục ngàn khi mới bắt về. Và bất ngờ là vài ngày sau nó đã gáy và càng bất ngờ hơn là gáy giọng ba mới chết. Lúc nghe tôi nói con cu gáy giọng ba, Tư Quéo không tin bởi chính tay nó nhử bắt mà. Rồi nó rình một buổi, nghe con cu tôi gáy, tiếc hùi hụi nói: “Phải biết… tui đâu có bán cho anh…”.
Không mua chịu được Hai Dưỡng gạ đổi con gà nòi bù thêm năm trăm.
– Chính ‘lát’ trả tui một triệu rưỡi… tui không bán…tính để tết đá chơi.
Hai Dưỡng phịa mà không có căn. Gà nòi tiền triệu trở lên phải thấy chân xây, chân xổ. Con gà của Hai Dưỡng mới lắt tai, lắt trích giá thị trường chưa tới năm trăm. Tôi chưa thấy con gà của Hai Dưỡng nhưng có nghe Chính ‘lát’ nói qua.
– Chinh ‘lát’ trả…sao không bán cho nó…?
Chính ‘lát’, phát âm theo kiểu dân quê ở khúc ruột miền Trung, không ít người nghĩ ngay Chính bị hắc lào, lang ben… gì đó nhưng ‘lát’ ở đây là kiểu ăn nói ‘lát…lát’, nói sanh chuyện, nói cho có chuyện cãi.
Chính ‘lát’, ngoài nghề tay mặt là làm ruộng, còn có nghề tay trái là bẫy chim sẻ bán cho các quán chim bán phóng sanh, bán cho các quán cháo dinh dưỡng và các quán nhậu.
Làm ăn cũng được, có đồng ra đồng vào nhưng cũng như Tư Quéo, Tám Tấn, Hai Dưỡng… kiếm được bao nhiêu tiền về hai tay ‘dâng’ cho vợ hết đã đành nhưng nổi tiếng hơn hết là chuyện con vợ quá quắt của nó bưng nguyên mâm thịt chó đổ hắt ra sân đã được ghi vào sách kỷ lục Guinesse ‘sờ…vờ’ ở xóm tôi.
Số là bữa đó ở xóm ngoài có một con chó bị xe cán chết được bán ‘hóa giá’ một trăm ngàn. Lúc đó Chính ‘lát’ đang cày, bỏ buổi cày, a-lô tứ tung kêu gọi góp cổ phần rồi mang về nhà xẻ thịt tính chia ra mạnh ai nấy mang về nhà ăn nhậu kiểu gì thì nhậu. Nhưng không biết cao hứng thế nào lại bày ra nhậu ở nhà Chính ‘lát’. Thường Chính ‘lát’ toàn xách đít tới nhà người khác nhậu, còn nhà nó thì chỉ dành cho anh vợ, em vợ, bà con phía bên vợ… tức là những người được vợ chấp nhận.

Đang nhậu ngon lành, vợ Chính ‘lát’ đi hái ớt mướn về thấy nhà cửa tanh bành, cơm nước không có, tức quá, mắng chó chửi mèo, dằn mâm xáng chén dưới bếp chưa hả, đùng đùng bước lên xông vào bàn nhậu bưng nguyên mâm thịt chó làm cái ào ra sân, thịt một nơi, chén dĩa một nơi, vương vãi tứ tung còn bạn nhậu của Chính ‘lát’, sau một phút ngơ ngác không biết chuyện gì rồi mạnh ai nấy lủi về.
Chính ‘lát’ quê một cục với chiến hữu, tủi thân đến mức khóc tức tưởi nhưng ‘nhất vợ nhì trời’ cho dù lúc đó hơi xỉn cũng không có lá gan cóc tía dám cương với vợ mà cũng lủi theo đám bạn ra ngoài gò mã ngủ nghe đâu tới xẩm tối, đứa con gái lớn đi học về nghe nói, sợ ‘ông ba’ nằm sương nằm gió lỡ nữa đêm nữa hôm trúng gió… chết nên ra dắt vào nhà.
Tôi biết Chính ‘lát’ trả lát…lát Hai Dưỡng chơi chớ gà nòi của nó cả chuồng ăn tốn lúa, vợ hăm he bán chợ để mua đồ tết cho con, khiến nó năn nỉ gãy lưỡi mới giữ lại được, rước thêm của nợ về, nó chỉ có nước tối ra ngoài gò mã…ngủ.
Gió ngọt thiệt…Càng về sáng trời càng lạnh dữ. Tôi mặc tới 3 cái áo ấm mà còn cắn răng chịu lạnh huống hồ chi Tư Quéo với cái áo ấm mỏng tanh khoác bên ngoài. Nó chịu hết thấu: “Thôi tui về ôm… đít con vợ già cho bớt lạnh đây…”.
– Ừ…, tôi cười: “Về ôm đi… có còn hơn không…”.
Có còn hơn không. Có thể vì vậy mà quán trà của tôi bữa nay… ế ẩm. Những người bạn trà lá của tôi cho dù theo chủ nghĩa ‘sờ ..vờ’ nhưng dẫu sao cũng còn có cái…đít vợ để ôm trong những ngày lạnh lẻo như thế này. Còn tôi một mình nên đành ôm… cái ‘cheo queo’ ngồi chờ sáng…

Nguyễn Hiền