Nghĩ đến Việt Nam, chúng ta thường nghĩ ngay đến khía cạnh chính trị với những
hiểm hoạ đến từ Trung Quốc, đặc biệt trên Biển Đông, cũng như hoạ độc tài toàn
trị của đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn nhiều vấn đề nghiêm trọng khác
cần được chú ý, trong đó, nổi bật nhất là về phương diện văn hoá; trong văn
hoá, yếu tố đáng quan tâm nhất là tính cách của con người.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người
đã nêu lên những tính xấu của người Việt Nam hiện nay, như sự độc ác, thù hằn,
tham lam, hoang tưởng và khoe khoang. Theo tôi, ba tính xấu đáng kể nhất là ích
kỷ, giả dối và vô cảm.
Xin nói ngay, ở đây, có hai điều cần
được nhấn mạnh: Thứ nhất, những tính xấu ấy ở đâu cũng có. Vấn đề chỉ là mức
độ. Cần thành thực nhìn nhận là mức độ ích kỷ, giả dối và vô cảm ở Việt Nam rất
trầm trọng và đáng báo động. Thứ hai, nói tính xấu của người Việt Nam là ích
kỷ, giả dối và vô cảm không có nghĩa là cho mọi người Việt Nam đều ích kỷ, giả
dối và vô cảm. Không phải. Xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu. Vấn đề là tỉ
lệ. Không thể phủ nhận được là ở Việt Nam hiện nay những người tốt, thẳng thắn,
ngay thật, biết nghĩ đến người khác và biết quan tâm đến đất nước khá hiếm.
Tính ích kỷ là một hiện tượng khá mới ở
Việt Nam. Văn hoá Việt Nam, từ trước đến nay, dưới mắt của hầu hết các học giả,
là nặng tính cộng đồng hơn tính cá nhân chủ nghĩa. Nền tảng của quan hệ giữa
người và người, trước, xây dựng trên làng; sau, trên tình láng giềng, thường đề
cao sự tương thân, tương ái. Người ta sống theo phương châm “tối lửa tắt đèn có
nhau”. Rất phổ biến hiện tượng cả làng xúm vào giúp đỡ nhau trong những ngày có
tang hoặc có giỗ. Mỗi người giúp một tí. Bây giờ thì khác. Người ta thường dửng
dưng trước những nỗi đau của đồng bào và đồng loại. Báo chí thường tường thuật
sự kiện nhiều người bị tai nạn ngoài đường mà không có ai giúp đỡ cả. Người bị
nạn nằm giẫy giụa, ngắc ngoải, thoi thóp, mọi người vẫn mặc kệ, chỉ đứng nhìn,
không hề ra tay cứu giúp. Trong việc làm ăn buôn bán cũng vậy. Biết cho hoá chất
độc hại vào thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người khác,
người ta vẫn làm, miễn là có lợi. Trong ngành du lịch, biết lừa người khác sẽ
gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu và đất nước, người ta vẫn làm.
Nhưng ích kỷ nhất là giới lãnh đạo đảng
Cộng sản. Nói chuyện với các cán bộ vào ngày 4 tháng 3 vừa qua, Bí thư Thành uỷ
Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải cho việc cải cách hành chính trong địa phương không
có gì là khó. Theo ông, nguyên
nhân chính là sự ích kỷ. Ông kêu gọi: “Hãy bỏ cái tôi, bỏ cái ích kỷ của từng cơ
quan, tổ chức ra ngoài là chúng ta làm được cải cách hành chính.” Nhưng sự ích
kỷ không phải chỉ xuất hiện ở giới lãnh đạo địa phương. Ngay giới lãnh đạo cao
cấp nhất trong đảng và trong cả nước cũng vậy. Biết việc độc quyền sẽ gây tai
hoạ cho đất nước, người ta vẫn làm. Biết nhiều chính sách làm hàng chục triệu
người dân mất tự do cũng như mất quyền làm người, người ta vẫn làm. Biết tham
nhũng làm kinh tế lụn bại, dân chúng lầm than, người ta vẫn làm. Biết việc duy
trì quan hệ hữu nghị “viển vông” (nói theo chữ của Nguyễn Tấn Dũng) chỉ dẫn đến
hoạ mất chủ quyền trên biển và đảo Việt Nam, người ta vẫn làm. Không đâu sự ích
kỷ ấy thể hiện rõ cho bằng trong câu châm ngôn “còn đảng, còn mình” của công
an: Người ta chỉ nghĩ đến mình, còn đất nước thì mặc kệ.
Đặc điểm thứ hai trong tính cách của
phần lớn người Việt Nam hiện nay là giả dối. Trên trang blog và facebook của
mình, giáo
sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện sống tại Sydney, Úc, viết: “Thói giả dối ở Việt Nam lên ngôi và nó
hiện diện hầu như trong tất cả giai tầng. Học sinh nói dối. Người lớn nói dối.
Giới khoa bảng cũng nói dối. Càng học cao càng nói dối nhiều. Người làm chính
trị đạo đức giả và nói dối. Giới kinh doanh gian dối. Học hành giả dối. Khoa
học giả dối. Có thể nói không ngoa rằng xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội
giả dối.”
Tôi chỉ xin nói thêm: Cũng giống như sự
ích kỷ, thành phần giả dối nhất ở Việt Nam hiện nay là giới lãnh đạo. Họ nói
dối về thực trạng đất nước: thay vì nhìn nhận Việt Nam hiện nay rất nghèo nàn
và lạc hậu, họ cứ ra rả tuyên truyền là đất nước văn minh và tiến bộ. Thay vì
nhìn nhận Việt Nam hiện nay là độc tài và toàn trị, họ huênh hoang tuyên bố là
Việt Nam tự do và dân chủ, thậm chí, “dân chủ đến thế là cùng”. Thay vì nhìn
nhận chính đảng Cộng sản là nguyên nhân gây nên tình trạng chiến tranh tàn khốc
trước đây cũng như tình trạng trì trệ hiện nay, họ cho đảng của họ có công làm
cho đất nước giàu mạnh và rực rỡ hơn hẳn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Thay
vì nhìn nhận Trung Quốc là mối hiểm hoạ lớn nhất của dân tộc, họ vẫn lặp đi lặp
lại phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng” trong quan hệ với Trung Quốc. Họ nói
dối ở khắp nơi. Trong hệ thống tuyên truyền cũng như trong hệ thống giáo dục: Ở
đâu cũng đầy những dối trá.
Hậu quả của hai tính cách ích kỷ và giả
dối ấy khiến đa số người Việt Nam đâm ra vô cảm đối với đất nước. Kinh tế trì
trệ: mặc kệ. Đạo đức suy đồi: mặc kệ. Xã hội băng hoại: mặc kệ. Giáo dục càng
lúc càng xuống dốc: mặc kệ. Đất nước đối diện với nguy cơ bị mất biển đảo cũng
như độc lập: mặc kệ. Những cuộc biểu tình với những lý do chính đáng nhất như
lên án các hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc và kêu gọi bảo vệ chủ
quyền của Việt Nam chỉ lôi kéo được một số rất ít, may lắm là vài trăm trên
tổng dân số hơn 90 triệu người. Qua các thước phim quay cảnh các cuộc biểu tình
tại Việt Nam, chúng ta không chỉ thấy sự ít ỏi của những người thực sự quan tâm
đến đất nước mà còn thấy rõ sự hờ hững và dửng dưng của khách qua đường: Không
có dấu hiệu cho thấy bất cứ một sự đồng cảm hay đồng tình nào cả.
Theo tôi, ba tính xấu vừa kể là những
thử thách lớn nhất của người Việt Nam hiện nay. Với ba tính cách ấy, chúng ta
không hy vọng gì chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ sớm. Ngay cả khi chế độ Cộng sản sụp
đổ, ba tính cách ấy cũng sẽ trở thành những trở ngại to lớn cho quá trình xây
dựng một đất nước phát triển, ổn định, dân chủ và độc lập.
Nguyễn
Hưng Quốc