Tôi tình cờ gặp lại Trân sau mười
năm kể từ ngày Trân nghĩ việc, và tôi không hiểu lý do vì sao chúng tôi không
giữ được liên lạc với nhau mặc dù số điện thoại của tôi Trân vẫn
còn nhớ rõ từng con số.
Buổi chiều hôm ấy sau khi từ bệnh
viện khám bệnh định kỳ xong, tôi ghé vào siêu thị mua ít hoa quả, trái cây thì
tình cờ tôi gặp Trân đứng sát bên cạnh. Như có một linh cảm cả hai cùng quay
mặt lại nhìn. Tôi mừng rõ reo lên :
- Trân ! Trời ơi lâu
quá mi trốn đâu biệt tâm.
Trân sững sờ nhìn tôi, đôi mắt to
đen láy và nụ cười duyên dáng kiêu hãnh ngày nào vẫn còn giữ lại trong tôi hình
ảnh một người con gái xinh đẹp vừa mới từ Việt Nam sang, và tôi nhớ lần đầu
tiên tôi gặp Trân vào đầu năm hai ngàn. Trân xúc động nhìn tôi, hai tay run run
khiến quả táo đang cầm trên tay Trân rơi xuống đất. Sự xúc động khiến đôi môi
Trân mím chặt, không bật lên thành lời. Giây phút này tôi mới biết giá trị đích
thực của tình bạn là sự biểu hiện chân thật của con tim khi nó bật lên tiếng
khóc thầm lặng; tôi không hiểu sự xúc động của Trân là do tình cờ gặp lại tôi
hay vì lý do nào khác ? Đã hơn mười năm rồi còn gì, biết bao sự
việc đã thay đổi. Tôi nhìn Trân. Trân nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau trong giây
phút tương phùng của hai đôi bạn thân đã một thời lừng danh là hai đóa hoa rực
rỡ nhan sắc khiến đấng mầy râu nơi chổ chúng tôi làm chết mê chết mệt
mặc dù chúng tôi đều đã có gia đình.
Câu chuyện của đời Trân khá li
kỳ đầy những gian truân, trắc trở. Ngày đầu gặp Trân với người đàn
ông đi bên cạnh, Trân giới thiệu :
- Đây là Huy !
Tôi mỉm cười gật đầu chào Huy. Tôi
đưa mắt quan sát nhìn người đàn ông đi bên cạnh Trân, và ấn tượng đầu tiên của
người phụ nữ nhìn người đàn ông đối với tôi trước tiên là nhìn cái vóc
dáng cao ráo, một khuôn mặt trắng trẻo, tươi sáng và thông minh. Ở Huy gần như
có đủ tiểu chuẩn, ngoài trừ chiều cao. Tôi không đánh giá con người qua vóc
dáng bên ngoài, nó chỉ là cái vỏ bao bọc, bên trong mới đích thực là cái đáng
giá.
Tôi chưa hiểu nhiều về Trân lúc ấy,
nhưng qua phong cách nói chuyện với giọng nói thanh thoát, quyến rũ và đầy sự
thu hút, cùng với nét đẹp sắc bén, tôi nghĩ Trân là một người con gái thông
minh. Trân thích nói chuyện với tôi vì Trân tìm thấy ở tôi một điều gì đó thích
hợp, và kể từ ngày nói chuyện đầu tiên, tôi với Trân trở thành đôi bạn tâm
giao.
Những ngày cuối tuần Trân thường rủ
tôi đi shopping. Chúng tôi tha hồ mua sắm áo quần, giầy và túi xách theo
kiểu thời trang mới nhất để chưng diện làm dáng khiến bọn gái trong sở làm phải
ganh đua chạy theo mua sắm. Bọn gái chúng tôi suốt ngày chỉ lo
chưng diện, vô tình để cho đấng mầy râu vô tích sự tha hồ nhìn ngắm “ miễn phí
” . Tôi không hiểu ai là người “ chủ mưu ” bày ra trò thi sắc đẹp, họ ngấm ngầm
khen chê, so sánh nhan sắc phụ nữ, và cuối cùng bầu ra người nữ nhan sắc xứng
đáng để được ban tặng danh hiệu “ Hoa khôi ”. Trân nhìn tôi trầm trồ :
- Mi xứng đáng được
nhận danh hiệu “ Hoa khôi ”. Thiên hạ đang đồn ầm cả lên .
Kể từ giây phút ấy, tôi rơi vào tầm
nhắm của mọi người, và thường xuyên được ưu đãi trong công việc làm. Đến giờ ăn
trưa tôi thường được nhiều người mời đi ăn cùng. Dĩ nhiên tôi không bao giờ đi
riêng với ai, nếu không có Trân, hoặc đi chung với nhóm. Trân chỉ chơi riêng
mình tôi, tuyệt nhiên không bao giờ tiếp xúc gần gũi với ai khác, vì thế nhiều
người đã có thành kiến cho rằng Trân kiêu ngạo và hách dịch. Có người bảo :
- Mới ở Việt Nam
qua mà bày đặt màu mè phách lối.
Tôi cho sự nhận xét ấy là đúng với
sự thật. Trân đẹp. Thông minh. khôn khéo hơn cả đám đàn bà, con gái ngồi cặm
cụi làm việc miệng lúc nào cũng bô bô những chuyện thượng vàng hạ cám, ngồi lê
đôi mách, nói xấu thiên hạ. Trân đã vạch sẵn một lằn biên giới rạch ròi ngay từ
lúc đầu để phân biệt những ai xứng đáng làm bạn. Tôi là người luôn luôn đứng ở
giữa, như một cái gạch nối giữa Trân với nhóm bạn khác, và để tạo sự hòa hợp
cho sự quân bình trong giao tế hằng ngày, vì thỉnh thoảng tôi cần phải giải
thích cho mọi người hiểu nếu có sự hiểu lầm xảy ra.
Nhiều lúc tôi tự hỏi Trân là ai ?
Tôi đoán mò có thể Trân như muôn ngàn phụ nữ may mắn khác lấy chồng có quốc
tịch Mỹ được bảo lãnh sang đây. Điều đó không có gì làm tôi ngạc nhiên, nhưng
nhiều lần đi chơi với Trân, cách xài tiền phóng khoáng, rộng rãi khiến tôi quan
tâm. Trân thích cách sống văn minh, ăn mặc đúng cách, tác phong lịch sự, vì thế
Trân thường bắt tôi phải dẫn Trân đến những nơi chốn sang trọng dù đó chỉ là
một quán ăn. Có lần Trân mua tặng cho tôi một lúc đến những năm đôi giầy. Tôi
kinh ngạc trước món quà chưa ai tặng cho tôi nhiều như thế. Dĩ nhiên tôi phải
mua tặng lại Trân những giá trị tương đương bằng năm món quà khác. Trân cười:
- Mi khéo léo và
chu đáo quá.
Tôi vẫn giữ mãi tình bạn hai đứa
ngày càng thân gần khắn khít. Cho đến một hôm tôi và Trân đang ngồi ăn trưa tại
tiệm bánh sandwich Ý, tôi hỏi Trân :
- Huy là gì của Trân?
Đôi mắt Trân bỗng ánh lên vẻ trầm
tư, nét mặt thấp thoáng một nỗi buồn giấu kín. Câu hỏi tò mò của tôi đã dẫn dắt
câu chuyện đời Trân đi vào từng ngõ ngách của quá khứ qua lời kể của Trân không
sót một chi tiết nào. Năm ấy Trân vừa tròn mười tám tuổi, lớn lên trong hoàn
cảnh gia đình đang lâm vào tình cảnh bế tắc vì bị ảnh hưởng của bối cảnh xã hội
trong thập niên 1980. Trước năm 1975, gia đình Trân có cơ sở kinh doanh ngành
may dệt. Cuộc sống kinh tế gia đình khá giả, cha mẹ Trân đủ sức để nuôi một bầy
con chín người, chỉ có một người con trai duy nhất, còn lại đều là con gái. Năm
1975, sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đỗ, Sài Gòn vẫn là một trung tâm kinh tế
lớn của miền Nam. Các cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động trong một thời gian ngắn cho
đến khi chính quyền cách mạng quản lý kinh tế, cải tạo công thương nghiệp, các
cơ sở kinh doanh phải đi vào sản xuất tập thể; gia đình Trân là thành phần tư
sản, là đối tượng bị cải tạo, do đó toàn bộ tài sản của gia đình phải kê khai
và bị trưng thu. Không thể tiếp tục kinh doanh như trước, gia đình Trân đứng
trước nguy cơ phá sản, cha mẹ Trân không còn đủ sức để tiếp tục nuôi bầy con
thơ lúc nhúc, tuy đã cố gắng xoay sở nhưng cha mẹ Trân vẫn mong gã các con gái
đi lấy chồng để bớt đi gánh nặng gia đình. Người anh đầu của Trân là
người lính Việt Nam Cộng Hòa, anh đã hy sinh trên đường di tản năm 75.
Người chị đầu của Trân đã lập gia đình, chỉ còn lại hai người con gái vừa mới
lớn lên là Hân và Ngân.
Chị Hân càng lớn càng xinh đẹp, chị
lớn hơn Trân năm tuổi. Nét đẹp của chị là nét đẹp của một cô gái rất ngây
thơ và hồn nhiên. Dù nhỏ hơn chị đến năm tuổi, Trân vẫn tỏ ra là cô gái
nhanh nhẹn và lý sự. Một hôm có người đàn ông ngoài ba mươi đến nhà Trân, ông
ăn mặc lịch sự, quần tây, áo sơ mi ủi thẳng nếp, ông nói giọng bắc âm sắc rõ
ràng biểu hiện một cá tính trí thức khiến ông không giống cái vẻ thô kệch,
nhếch nhác của các anh bộ đội, hay cán bộ từ miền Bắc vào Nam sau năm 75.
Sự hiện diện bất ngờ của ông linh tính
cho Trân biết đang có một điều gì đó quan trọng đang xảy ra. Cha mẹ Trân đón
tiếp ông niềm nở, như một khách quý. Riêng chị Hân hôm ấy bỗng dưng chưng diện
khác hơn ngày thường; chị mặc áo đầm, khuôn mặt trang điểm phấn son trông chị
già dặn hơn, nhưng nó không làm cho nét đẹp tự nhiên của chị trở nên sắc
sảo hơn. Chị ngồi im lặng với dáng vẻ khép nép rụt rè bên cạnh cha mẹ, và người
đàn ông đang ngồi đối diện vẫn thản nhiên nói chuyện với gia chủ, thỉnh thoảng
ông đưa mắt nhìn chị Trân với nét mặt đăm chiêu nghiêm túc. Khi Trân bưng nước
ra mời khách, Vinh ( tên của người đàn ông ) bất ngờ nhìn thấy Trân, người con
gái 18 tuổi, dáng người cao, khuôn mặt đẹp sắc sảo, có đôi mắt và nụ cười
quyến rũ; nàng bước đi uyển chuyển từ cặp chân thon dài, nhẹ nhàng và yểu
điệu khiến Vinh lặng người. Vinh ngồi im lặng cố lấy sự bình tĩnh, để ngọn sóng
ngầm trong cơn cảm xúc trước nhan sắc hút hồn của Trân
lắng xuống. Trân không hề hay biết nàng vô tình đã mang đến cho Vinh,
người đàn ông lớn hơn Trân một con giáp, một khao khát cháy bổng, một đam
mê nhan sắc của thiếu nữ 18 tuổi. Vinh chưa bao giờ nghĩ đến trong tư
tưởng của mình, nhưng trong khoảnh khắc bắt ngờ nhìn Trân, Vinh muốn thay đổi.
Những ngày hôm sau Vinh đến mang theo nhiều quà, và anh vẫn giữ đúng ‘ thủ tục
” trước đó là đưa chị Hân đi chơi để tìm hiểu và làm quen. Điều đó đã tố
cáo cha mẹ Trân đã có “ kế hoạch “ gã hết đám con gái “ vô công rỗi nghề “ để
ông rãnh nợ. Bằng chứng là chị Nga ( chị đầu của Trân ) sau khi gã chồng, đã có
đời sống gia đình ổn định.
Nhiều lần đi chơi với Vinh về, chị
Hân vui lắm. Một hôm Trân bắt gặp chị cười thích thú trước món quà Vinh mua
tặng. Trân chọc :
- Chị sướng há ! Sắp
lấy chồng giàu.
Chị Trân cười mãn nguyện :
- Rồi đây mi cũng như ta
thôi. Ba má muốn tống tụi mình ra khỏi nhà.
Trân chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình
đi lấy chồng, nhưng nhìn vào tấm gương mẫu mực của hai người chị, Trân
đón rồi đây mình cũng cùng chung “ số phận “ của hai chị. Một hôm ba nói với
Trân :
- Cậu Vinh đã xin phép ba mời
con đi chơi. Đã có quà cho chị Hân, không có quà cho con, thật là không công
bằng.
Trân theo người đàn ông tên Vinh
rong chơi suốt một ngày nhìn ngắm thành phố Sài Gòn đang trở mình thức dậy sau
một thời gian trầm mình trong cơn bệnh trầm kha. Đường phố, quán xá đang
dần dần thay da đổi thịt, người và xe cộ chen chúc, ngợp thở. Ngồi
trong một nhà hàng sang trọng, Trân nghe Vinh kể về giấc mơ rời bỏ Hà Nội để
vào Sài Gòn lập nghiệp. Giọng nói trầm cảm của một người đàn ông trưởng thành
dày dạn kinh nghiệm, có kiến thức khiến Trân cảm phục và kính nở. Vinh bảo Sài
Gòn là một thành phố công thương nghiệp lớn của miền Nam. Anh nhìn thấy cái
tiềm năng phát triển tương lai và cơ hội làm giàu khi thời cơ đã đến. Vinh luôn
khao khát giấc mơ làm giàu, và song song với những điều anh muốn đạt được trong
sự nghiệp, tất nhiên anh cần hình bóng của một người phụ nữ đứng sau lưng. Vinh
là người thực tế, anh muốn lập gia đình, sinh con và dạy dỗ chúng nên người.
Trân ngồi nghe, nàng nghĩ đến chị Hân có phải là mẫu người để Vinh lựa chọn ?
Khi Vinh hỏi cô bé Trân có ước mơ gì
.Trân cười, nụ cười không phải là của một cô bé ngây thơ đứng trước sự thu hút
của một món quà có giá trị làm lu mờ sự suy nghĩ khôn ngoan và chín chắn của
một con người trưởng thành. Trân kể hồi nhỏ nàng sống trong gia đình giàu có,
cha mẹ nàng luôn luôn có nhiều ước mơ lớn. Ước mơ lớn nhất của cha mẹ Trân là
muốn con được xuất ngoại du học thành tài. Nhưng chiến tranh đã kéo dài quá
lâu, nó hằn sâu nỗi đau của sự hận thù và chia cắt. Năm 1975 chiến tranh chấm
dứt, có những người cảm nhận sự sung sướng và hạnh phúc với nhiều lý do khác
nhau. Riêng gia đình em thì lâm vào tình trạng khốn đốn trước cơ nghiệp
bị hủy hoại không phải vì cạnh tranh thất bại. Nguyên nhân thì có lẽ chính anh
hiểu rõ hơn em. Bây giờ mọi sự đều thay đổi hết rồi. Khi anh bước vào nhà em, linh
tính cho em biết anh là một người đặt biệt hơn một người bình thường.
Vinh thở nhẹ, làn hơi dồn nén trong
lòng ngực quá lâu trong suốt thời gian nghe Trân “ tâm sự ”. Vinh không không
ngờ Trân, cô gái 18 tuổi, ngoài nhan sắc thu hút lòng người, nàng còn là một
thiếu nữ thông minh, sâu sắc. Những lời Trân nói chỉ là rút ra từ
một thực tế của hoàn cảnh gia đình nàng. Nó không phải là một sự lên án, buộc
tội ai. Nhưng dường như Vinh ngầm hiểu sự ám ám chỉ có liên quan đến một
thực thể to lớn khác nếu chúng ta đặt nó trước một nghi vấn. Vinh nhìn
sâu vào đôi mắt to đen láy của Trân. Vinh yêu Trân mất rồi, giây phút này,
những ý nghĩ khác trong anh đều vô nghĩa. Vinh thầm nhủ : Anh sẽ đền bù tất cả
những gì gia đình em đã từng đánh mất. Bỗng Vinh nói không không ăn nhập gì đến
câu chuyện:
- Ba anh
hoàn toàn khác với ba em .
Trân im lặng nhìn thức ăn còn
vun đầy trên những chiếc đĩa sành mà Vinh đã gọi quá thừa so với phần ăn hai
người. Trân uống một ngụm nước cam rồi đặt ly xuống bàn đưa mắt nhìn qua khung
cửa kính, ngoài kia thành phố Sài Gòn đang trải mình dưới ánh nắng gây gắt của
mùa cháy nóng. Thành phố đang mọc lên những tòa nhà mới, dìm sâu cái bóng dáng
cũ rích của những tòa buiding rệu rã, mệt mõi trôi theo dòng thời gian như níu
kéo một thời quá khứ. Vinh tiếp :
- Ba anh là
một cán bộ Đảng viên.
Như thấy mình đang đi lạc đề, và
nhìn dáng vẻ mỏi mệt, buồn chán của Trân , Vinh đề nghị thay đổi khung canh
bằng cách đưa Trân đến trung tâm mua sắm, ngắm nhìn hàng hóa bày biện đẹp mắt,
những bộ áo thời trang đắt tiền mang nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài, những
hàng hóa xa xỉ bày trong các tủ kính, người mua sắm hầu hết đều là những giai
cấp giàu có mới đang được thành hình. Như Vinh.
Trân im lặng đi bên Vinh suốt cả một
ngày dài mệt mõi, nàng vẫn chưa hiểu ý định của người đàn ông lớn hơn nàng
một con giáp. Liệu có phải người đàn ông ấy sẽ hỏi cưới chị Hân ? Những
ngày hôm sau cha mẹ Trân bàn chuyện hệ trọng, nó đã ảnh hưởng đến cuộc
sống và số phận của Trân sau này. Ba Trân hy vọng ngọn lửa nguội tàn của thời
quá khứ sẽ được khơi dậy, nó đang âm ỷ trong lòng ông một nổ lực đầy tham vọng.
Chỉ có Vinh mới có thể níu kéo bàn tay cứu ông vực dậy như một kẻ đã bị
đánh bại từ trước. Ông không còn gì trong tay ngoài một bầy con gái, và chỉ có
Trân là người duy nhất cho niềm hy vọng mỏng manh cuối cùng của ông.
Trân đã úp mặt khóc suốt đêm, nàng
nghĩ đến cha mẹ và bầy em nheo nhóc ngây ngô lớn lên trong bối cảnh gia đình
ngày càng khốn khó. Trân chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, nàng nghĩ đến tương
lai vì gia đình, vì cuộc sống của chính bản thân nàng. Một tháng sau đám cưới
của Trân được tổ chức linh đình, nàng trở thành một cô dâu xinh đẹp đi bên cạnh
Vinh, người chồng lớn hơn nàng một con giáp.
Một năm sau Trân mang bầu, bé Vi
sanh ra đời trong cơn thập tử nhất sinh. Các bác sĩ phải vật vã trước cơn
nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Nhờ ơn Thiên Chúa, đứa con củaTrân được
cứu sống. Nhưng nó lớn lên trong bệnh hoạn, ốm yếu , nhưng may mắn được sống
trong điều kiện tốt của gia đình, được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, bé Vi càng
lớn càng xinh đẹp giống mẹ. Vinh yêu quý vợ con, hãnh diện với họ hàng,
bạn bè trước sự thành công của mình trên thương trường. Trân sống hạnh phúc bên
Vinh trước cơ ngơi ngày càng lớn mạnh. Ngành dệt vải của gia đình được khơi
phục, phát triển thành một công ty lớn nhất Sài Gòn. Trân sống trong căn biệt
thự rộng lớn nguy nga, lộng lẫy. Trân bỏ tiền đầu tư địa ốc, mua đất dự đinh
xây chung cư trong tương lai. Và đặt kế hoạch dạy dỗ Vi tiến bước trên con
đường danh vọng sang Mỹ du học. Mười năm chung sống với Vinh, mười năm đầy tin
yêu và hạnh phúc. Trân sanh thêm một bé gái, đặt tên nó là Susan. Trân dành hết
thời gian chăm sóc con, hạnh phúc của nàng là đôi mắt, nụ cười và mùi thơm hơi
thở, da thịt của con. Bé Susan càng lớn càng xinh, mang lại nụ cười đến cho mọi
người như một món quà chân quý mà Thượng Đế đã ban cho nàng. Năm Susan ba tuổi,
tai họa đến vớiTrân.
Trân bắt gặp Vinh yêu đương với một
cô gái trẻ ngay trong phòng ngủ của mình. Nàng không tin người đàn ông ôm ấp,
làm tình cô gái kia là chồng nàng. Cảnh tượng xấu xa, trụy lạc là hành động mua
dâm, hay đó là cuộc tình đam mê xác thịt ? Trân không cần biết, nàng thấy hình
ảnh tốt đẹp trong ngôi nhà ngập tràn hạnh phúc đang thiêu cháy, tan chảy
thành tro bụi. Trân ôm mặt cố dìm cơn tức giận, nàng đẩy cửa chạy nhanh ra
ngoài.
Đến mãi về sau Trân không hiểu tại
sao nàng lại có một quyết định nhanh chóng đưa đơn ly dị Vinh.Trân không chấp
nhận sự phản bội của Vinh gian dối vợ, ngoại tình với cô người mẫu trẻ chung xinh
đẹp. Vinh lạnh lùng, vô cảm, không có biểu hiện của sự hối hận : anh ký thẳng
vào tờ đơn ly dị. Trân quay mặt trốn tránh hình ảnh Vinh hôm nay là một con
người hoàn toàn khác. Điều gì đã biến đổi Vinh khi anh bước vào tuổi trung
niên; anh đã đánh mất cái bản lĩnh khôn khéo của người đàn ông để chạy theo sự
cám dỗ, chấp nhận đánh đổi cái giá trị to lớn mà anh đã đeo đuổi để đạt được
hôm nay. Tất cả đã hết. Không mảy may chứng tích. Trân muốn xóa hết mọi giấu
vết, muốn chôn vùi hình ảnh Vinh, muốn tìm một con đường trốn thoát, và nàng
cương quyết bỏ hết tất cả để được ra đi.
Sau khi hoàn tất thủ tục thế chấp
căn biệt thự để được đi Mỹ với tư cách là một doanh nhân, Trân mang theo
một tài khoản lớn và một lô hàng đồ gỗ mỹ nghệ sang Mỹ tiếp thị. Nó chỉ
là một hình thức cải trang, để mọi người tin rằng nàng sẽ quay trở về Việt Nam.
Gia đình Trân không hề hay biết nàng đã âm thầm rời khỏi Sài Gòn. Người duy
nhất là chị Hân, chị lấy chồng Việt Kiều sang Mỹ định cư đã ba năm nay, và
chính chị là người mốc nối mở đường cho Trân sang Mỹ. Đêm hôm ấy Trân gặp Huy
tại nhà chị Hân.
Huy là chàng thanh niên độc thân còn
trẻ, khá điển trai. Ngồi trên bàn tiệc ê hề thức ăn do mẹ chồng chị Hân nấu,
Huy cắm cúi ăn, tay huơ đũa liên tục, miệng nhai ngồm ngoàm, uống bia đỏ lừ cả
mặt. Huy không phải là người đàn ông sành điệu. Dù trước khi qua Mỹ, Huy
đã viết thư gởi hình cho Trân là lần đầu nàng nhìn thấy một chàng thanh niên ăn
mặc khá phong trần : quần jeans, áo pull, khoác áo da đứng trên cầu Golden
Gate, phía sau tấm ảnh có ghi hàng chữ : cầu Cổng Vàng, kỳ quan thế giới. Nhìn
cây cầu màu đỏ lãng đãng sương mù vây phủ giữa những dãy núi xanh rì, và trên
mặt biển xang ngắt, những chiếc du thuyền lửng lơ trên sóng biển trắng xóa,
Trân hình dung một nước Mỹ đẹp vô cùng. Có lần Trân hỏi Huy qua đường giây điện
thoại :
- Huy ở Mỹ lái xe gì ?
Huy cười đáp :
- Lái
xe mui trần.
Trân hình dung nàng đang ngồi với
Huy trên chiếc xe mui trần chạy băng băng trên con đường dọc theo bờ biển miền
Tây nước Mỹ, hình ảnh đẹp như trong một cuốn phim James Bond. Về sau Trân mới
biết chiếc xe mùi trần mà Huy mô tả là chiếc xe truck cũ kỷ của Huy lái
đi làm hằng ngày. Anh Chương, chồng chị Hân đã nói với Trân :
- Huy qua Mỹ độc thân
một mình. Gia đình nghèo đông anh chị em hiện còn sống ở bên Việt Nam. Huy hiền
lành và thật thà lắm. Trai tân đấy.
Để Trân có sự lựa chọn và tự do
quyết định, không ân hận và trách cứ ai, vợ chồng chị Hân giới thiệu Hùng kỷ sư
để Trân tìm hiểu thêm. Ngày đầu tiên Trân đi chơi với Hùng về rất khuya, Huy
đứng bên ngoài trời lạnh rét hút hết cả bao thuốc lá; tình yêu đam mê trong Huy
đang dìm Huy trong cơn ghen điên loạn. Huy yêu như chưa yêu lần nào. Như
thể người con gái có mái tóc dài, khuôn mặt đẹp kiều sa kia là cô gái trinh
tiết thuộc về Huy vĩnh viễn. Đối với Trân, sự lựa chọn nào cũng như nhau, nó
chỉ là một thứ phương tiện cho cái mục đích được ở lại Mỹ. Trân chỉ là
một kẻ trốn chạy. Nàng không thể quay trở lại Việt Nam để tiếp tục sống như một
kẻ xa lạ. Trân chấp nhận đổi hết một phần tài sản của nàng : một căn biệt thự
và những lô đất nàng mua cho hai con; phần hùn trong xí nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ và
dệt may nàng trao lại cho chị Nga. Trân sẽ làm lại từ đầu trên mảnh đất đầy cơ
hội trên đất Mỹ này. Vì tương lai của hai con còn đang sống bơ vơ với bà ngoại,
chúng nó sẽ được đoàn tụ với mẹ trong tương lai. Trân quyết định về ở với
Huy.
Trân không thể quên cái ấn tượng đầu
tiên khi Huy đưa nàng về bằng chiếc xe “ mui trần ” trong đêm đông trời lạnh
rét. Huy nói :
- Huy mới thuê một chổ
ở tạm. Phòng khá rộng rãi, có lối đi riêng.
Trân không ngờ Huy có một cuộc sống
tận cùng của một thanh niên độc thân“ vô sản ”. Căn phòng Huy thuê là một cái
garage được cải trang thành phòng ngủ, nó chẳng mới mẻ gì, mọi thứ đã khắn sâu
dưới lới bụi đen kịt; cái phòng tắm đứng chật hẹp đã ngã màu vàng ố, bụi và ẩm
móc đóng trên tường men, và lớp kính khắn đầy chất cấu bẩn.Trân nín thở nhìn
căn phòng ngoài sức tưởng tượng về một nơi ở của nàng trên đất Mỹ. Căn
biệt thự nguy nga lộng lẫy của nàng ở Sài Gòn và căn phòng tồi tàn trên đất Mỹ,
nàng mỉm cười chua chát nuốt những giọt lệ cay đắng, âm thầm chịu đựng
một mình.
Trân phải mất một tuần lễ để tẩy uế,
rữa sạch vết cấu bẩn để biến nó thành một chổ ở tươm tất sạch sẽ. Huy mua về đủ
các loại nước tẩy, xà phòng, và chùi cẩn thận, tỉ mỉ, nhưng Trân vẫn chưa hài
lòng. Trân sai Huy nấu hằng chục bình nước sôi, đổ đến đâu, Huy cào đến đó.
Cuối cùng căn phòng cũng đã sạch sẻ, sáng bóng. Trân bày biện bình hoa trên
bàn, treo vài tấm tranh trên tường, nàng muốn tìm một chút không gian đẹp mà
nàng đã đánh mất khỏi tầm tay.
Trân sống với Huy nhiều năm, nàng
hiểu anh chỉ là một người đàn ông bình thường. Huy không có học thức, kiến thức
thì như một cái thùng trống rỗng, chẳng chứa đựng điều gì ngoài khói
thuốc. Trân muốn thay đổi Huy, uốn nắn anh trở thành một con người “ văn minh
lịch sự ”. Trân bảo :
- Huy phải đổi cách
sống, từ cách ăn mặc, điệu bộ, phải thể hiện phong cách đứng đắn như một con
người có học thức. Không phát ngôn bừa bừa bãi, vô lối, không hiểu thì lắng
nghe. Ăn uống phải như người sành điệu, không quá lộ liễu phàm phu tục
tử.
Trân nói gì Huy cũng răm rắp nghe
theo. Mọi sự quyết định đều do Trân, Huy không bao giờ có ý kiến. Sống với Huy
năm năm, trải qua bao sự thay đổi trước cuộc sống trên đất Mỹ, Trân mới hiểu
được cuộc sống gian lao, vất vả của một người độc thân như Huy, và nàng chấp
nhận cùng kham cộng khổ với Huy để vươn lên. Huy bán chiếc xe “ mui trần ” sau
khi chở một lô hàng đồ gỗ mỹ nghệ bán giá rẻ cho các cửa hàng gift shop. Trân
sắm chiếc xe khá hơn, để Huy còn có chút “ sĩ diện ” đi bên cạnh Trân. Số
tiền Huy kiếm được từ công việc làm ở Hãng xưởng chỉ đủ chi tiêu hàng tháng.
Tài khoảng Trân mang theo từ Việt Nam tuy nhiều, nhưng so với đời sống
tiêu chuẩn cao ở Mỹ nó cũng chẳng là bao. Trân phải tiết kiệm, không phung phí
như lúc đầu, nàng tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập. Cho đến khi Huy thất
nghiệp, kiếm không ra việc làm tốt, anh dùng sức mạnh để lái xe giao hàng, rửa
xe ở dealer. Trân cũng xăng tay lao đầu phụ Huy làm tất mọi công việc để kiếm
tiền. Nhiều lúc Trân sực tỉnh, tự hỏi bản thân : tại sao nàng có thể chấp nhận
cuộc sống tận cùng của sự khốn khổ để theo Huy bao nhiêu năm qua. Tại sao nàng
không chọn Hùng kỷ sư để có cuộc sống nhất định phải khá hơn. Trân tự trách
mình đã có sự sai lầm khi vội vàng quyết định buộc Vinh ký tờ giấy ly dị. Có
phải Trân lại vấp ngã một sai lầm khác khi chọn về sống với Huy ? Trân không
hiểu đó có phải là định mệnh không thể nào thay đổi được.
Cuối năm 2005 Trân báo cho tôi biết
hai đứa con gái Vi và Susan sang Mỹ lên đường đoàn tụ với mẹ. Kể từ lúc ấy
chúng tôi ít liên lạc nhau, tôi nghĩ Trân đang dành hết thời gian chăm sóc con,
lo tương lai cho chúng học nên người. Có lần tình cờ tôi gặp ba mẹ con Trân đi
shopping, Vi và Susan cao lớn, xinh đẹp quấn quít bên mẹ không rời tay. Tôi
thấy Huy đứng lạc lõng như một kẻ xa lạ giữa đám đông. Đôi mắt Huy bần thần ngơ
ngác như con chim lạc bầy. Tôi thấy tội nghiệp cho Huy. Huy yêu Trân, hy sinh
cuộc đời anh cho một phụ nữ đã có chồng và hai con, và anh vẫn tiếp tục gánh
vác trách nhiệm cho đến bao giờ.
Lần cuối cùng tôi gặp Trân sau khi
tôi giới thiệu Trân vào cùng làm chung một Hãng; làm được ba tháng Trân bỏ
ngang việc. Tôi không biết chuyện gì xảy ra cho Trân, và sau đó tôi không còn
cơ hội gặp lại Trân một lần nào. Đến mãi hôm nay, hai đứa tình cờ gặp lại, cả
một trời kỷ niệm thân thương ùa về tràn ngập niềm vui, nỗi buồn đã khảm sâu vào
dòng thời gian mười năm qua. Tôi thấy mắt Trân long lanh ánh lệ, đôi môi run
run ôm chầm lấy tôi. Tôi rủ Trâm đến tiệm bánh sandwich Ý, nơi chúng tôi thường
ăn trưa hơn mười mấy năm về trước. Vẫn con đường xưa cũ, vẫn không gian mang đầy
sắc thái dòng sông Venice cổ kính lãng mạng; những lẳng hoa treo đầy trên lối
đi; những thùng rượu giả hoen rỉ đặt ở góc bàn, tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Tôi
order hai phần sandwich kẹp thịt bò phi lê. Ngồi xuống tôi chưa kịp hỏi
chuyện, Trân nói :
- Huy bỏ Trân rồi.
Tôi trố mắt sững sờ nhìn Trân. Đôi
mắt của Trân chìm ngập một màu tối xám đầy những ân hận và hối tiếc. Trân đã
đánh mất giá trị tài sản ở Việt Nam để đánh đổi cuộc sống tầm thường bên Mỹ.
Sống với Huy mười năm Trân đã hiểu được giá trị của cuộc sống chính là con tim,
tình người, nàng cảm thấy bình yên trong bao nhiêu năm sống với Huy. Huy không
có một biểu hiện nào để Trân có thể nhìn thấy Huy thay đổi bản chất của con
người Huy. Vẫn ngoan ngoãn như con cừu non, vẫn hiền lành chấp nhận mọi điều
kiện áp đặt của Trân. Chỉ có một điều làm Huy ngột ngạt, khó thở khi hai đứa
con của Trân, Vi và Susan không chấp nhận Huy. Chúng âm mưu chia rẻ tình cảm
của mẹ, dành hết tất cả tình thương của Trân đẩy Huy ra khỏi tầm tay, biến Huy
trở thành một kẻ xa lạ trong cái ngôi nhà quen thuộc bỗng trở thành một không
gian giam cầm, tù túng. Nhiều đêm Huy đẩy cửa đi ra ngoài, lái xe chạy lang
thang như một kẻ cuồng quẫn. Trân lo lắng ngồi đợi Huy đến hơn hai giờ sáng.
Trân nói :
- Huy thông cảm.
Chúng còn nhỏ, lớn lên chúng sẽ hiểu.
Đầu năm 2010 mẹ Huy ở Việt Nam đau
nặng. Trân quyết định đưa Huy về Việt Nam thăm mẹ, và nàng cũng mong đợi được
về thăm gia đình sau mười năm xa cách. Sài Gòn sau mười năm ra đi, ngày trở lại
Trân thấy ngỡ ngàng và xa lạ. Những tòa nhà cao kiến trúc hiện đại, những con
đường mở rộng, những trung tâm thương mại, khách sạn, hàng quán, tu điểm ăn
chơi mọc lên như nắm. Thành phố Sài Gòn đông đúc dòng người chen chút
trên những khu phố, lòng đường ngột ngạt và khó thở. Họ đang lao đầu vào cơn
sống ào ạt của kinh tế thị trường để tìm kiếm sự sống cạnh tranh để mưu sinh.
Trân trở lại ngôi nhà nàng đã sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ và đàn em nhỏ bây
giờ cũng không có gì thay đổi, nó vẫn hiện hữu những hình ảnh quen thuộc đầy ắp
những kỷ niệm. Cha mẹ Trân đã già, các em nàng đã trưởng thành và đã lập gia
đình. Trân cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của ba. Tất cả những gì ba
đã đánh mất trước kia bây giờ ông đã nở nụ cười mãn nguyện. Ngày Trân bỏ trốn
Sài Gòn đi Mỹ ông không hề hay biết. Ông chỉ biết hạnh phúc gia đình con gãy
đổ, và lấy làm hối tiếc con đường ông vạch ra không đi đến đoạn cuối. Dù sao
Trân vẫn là một đứa con ông yêu quý nhất, nó đã hy sinh cho gia đình quá nhiều.
Tiền Trân bên Mỹ gửi về , ông giấu trong tủ sắt. Ông nghĩ cuộc sống của Trân
bên Mỹ vẫn hạnh phúc và sung sướng hơn những người nghèo ở Việt Nam. Việt
kiều bao giờ cũng có giá.
Lần đầu Trân tiếp xúc gia đinh Huy,
nàng mới thấu hiểu được cái nghèo khổ của một gia đình đông con sống chen
chúc trong một ngôi nhà nhỏ, diện tích chật hẹp. Cha Huy mất sớm, mẹ Huy già
yếu, bệnh hoạn, bà chỉ mong Huy về để được nhìn mặt con sau hơn hai mươi năm xa
quê. Mẹ Huy ôm chầm lấy Trân, đưa tay run run vuốt tóc, sờ lên làn
da trắng mịn màng trên khuôn mặt cô con dâu. Trân cảm động trước cư chỉ
thương yêu chân tình của mẹ chồng. Nàng đón nhận ánh nhìn kính trọng,
thương yêu của anh chi em Huy. Trân cảm thấy sung sướng vì nàng nghĩ : hạnh
phúc chỉ được tìm thấy trong con tim rung cảm chân thật. Đêm ấy Trân ở lại nhà
Huy, mẹ nàng cầm quạt phẩy gió cho Trân, bà nhường căn phòng duy nhất của bà để
Trân ngủ qua đêm. Các em Huy đều trải chiếu ngủ dưới nền nhà ẩm nóng. Mẹ Huy
ngủ trên chiếc phản gỗ kê trước nhà. Bà cảm thấy an nhiên, hạnh phúc.
Về lại Sài Gòn lần đầu, Huy như chiếc
lá mong manh bị cuốn hút trước cơn gió xoáy của cuộc sống ồn động quây cuồng
chung quanh. Mọi thứ đều lạ trước mắt Huy. Trân đưa Huy thăm viếng nhiều nơi :
trung tâm mua sắm vui chơi giải trí Sài Gòn, đến những khu “ đô thị mới “
thuê một khách sạn cao cấp để sống trong những ngày vui hưởng trước khi về lại
Mỹ. Trân quay về lại căn biệt thự nàng đã sống hạnh phúc trong những ngày đầu
với hai con. Nó đã được sơn sửa lại trông vẫn còn đẹp như ngày nào. Trân nói
với Huy về những cơ ngơi thuộc quyền sở hữu của nàng, bây giờ nó vẫn còn đó,
nằm trong tay của những người khác. Huy im lặng không quan tâm đến những gì
Trân nói. Nếu mọi sự 10 năm về trước êm đềm, không có chuyện xấu xảy ra, Trân
không qua Mỹ gặp Huy, có lẽ giờ đây nàng đã là một con người khác. Nàng sẽ đứng
trên đỉnh cao danh vọng, ngẩng đầu bước đi trong vinh quang chiến thắng.
Trân đưa Huy đến thăm gia đình chị
Nga. Bước vào căn biệt thự năm tầng, cánh cửa tự động mở ra, Huy đứng sững sờ
đưa mắt nhìn khu vườn trước sân nhà xanh ngắt cỏ cây, những chậu hoa cây cảnh
đẹp như một công viên thu nhỏ. Vào bên trong căn biệt thự, Huy bị khung cảnh
không gian căn nhà nhấn chìm Huy trong giây phút bị thu hút trước sự quyến rũ
của vẻ đẹp lộng lẫy toát ra từ cảnh vật chung quanh. Huy đi thang máy lên từng lầu
một, lên đến tận cùng sân thượng, đi đến đâu mắt Huy mở to, miệng trầm trồ như
thể cả đời Huy chưa bao giờ nhìn thấy một dinh cơ nguy nga lộng lẫy như thế.
Suốt ngày Huy chỉ quanh quẩn trong nhà chị Nga, hết ăn uồng thỏa thuê, uống bia
ngâm mình trong bể bơi như cậu ấm. Trân đứng trên ban công nhìn xuống,
nàng nhìn thấy cái bóng Huy lung linh chập chờn bơi trong dòng nước, khuôn mặt
đỏ lừ, thân thể vuông vức, bụng đã hơi phình to ra. Hơn hai mươi năm sống trên
đất Mỹ, thấm nhuần bơ sữa, nhưng Huy vẫn chưa lột xác trở thành một con người
khác ngoài các vỏ Việt Kiều sáng láng nhưng bên trong rỗng tuếch. Trân thất
vọng, nhưng chấp nhận một điều không thể chối cãi : Huy nghèo.
Về lại đến Mỹ Trân hiểu rõ hoàn cảnh
sống của gia đình Huy hơn. Trân gởi tiền về lo thuốc thang cho mẹ Huy, mua một
máy laptop cho em út Huy, và một máy ảnh chụp hình đắt tiền cho anh Hai Huy
lành hành nghề chụp ảnh. Tất cả vì Trân thương sự nghèo khó của họ, thương tấm
lòng và con tim tình người chân thật mà nàng đã nhận được từ vòng tay âu yếm
của mẹ Huy.
Một năm sau mẹ Huy qua đời. Trân đưa
một số tiền giao cho Huy về Việt Nam một mình để lo tang lễ cho mẹ. Trân muốn
Huy được mọi người xem trọng vì sự hiếu thảo, họ hàng hai bên sẽ nễ mày, hãnh
diện. Lo tang lễ xong, Huy đòi ở lại Sài Gòn thêm một thời gian nữa.
Không phải một vài ngày hay một tuần mà tới những ba tháng. Huy đang thất
nghiệp muốn sống trọn vẹn thời gian với Sài Gòn mà Huy vừa khám phá ra
cuộc sống thú vị muôn hình nghìn vẻ của nó, và Huy sống như chưa bao giờ được
sống thực với chính con người của mình. Huy gặp lại bạn bè cũ, vui chơi bù khú
khắp hang cùng ngỏ hẽm; tiếp xúc và làm quen nhiều bạn bè mới, và trong
suốt ba tháng Huy sống ở Sài Gòn, chuyện gì đã xảy ra, chỉ một mình Huy hiểu.
Ngày trở về Mỹ Trân không ra phi
trường đoán Huy. Huy gọi taxi về đến nhà trời đã khuya. Đứng nhìn căn nhà bên
trong đèn đã tắt, Huy kéo vali leo lên taxi tìm một motel ngủ qua đêm. Huy đang
mưu tính điều gì Trân không đoán được, nhưng hình ảnh nàng tình cờ bắt gặp
trong tài khoản facebook của Huy do Trân tạo lập trước đây ( Huy không biết
nhiều về máy điện toán ), và mẫu số mật mã Trân đánh vào bất ngờ hiện lên khuôn
mặt Huy cười toe toét bên cạnh một người đàn bà không còn trẻ lắm đang áp mặt
kề vai “ tự sướng ” với Huy. Nhiều ảnh chụp ghi lại cuộc vui chơi hai người từ
Sài Gòn lên Đà Lạt, Mủi Né, Nha Trang đi trên chiếc xe Jeep SUV do Huy
cầm lái. Cảnh hai người ngồi sát bên nhau giữa lòng đường bên những hàng
quán vĩa hè nhai ngấu nghiến ngao sò ốc hến, miệng há hốc nhe cả hàm răng
trông vô cùng “ phản cảm ” trước cái nhìn của Trân. Hình ảnh thô tục trắng trợn
nhất là Huy cùng người đàn bà mình trần choàng khăn tắm vắt quanh người nằm
trên giường ngay trong khách sạn ở khu đô thị mới mà Trân và Huy đã thuê ở
trong chuyến về thăm nhà năm ngoái . Chuyến về chịu tang mẹ, Huy đã lợi dụng và
biến nó thành những ngày vui chơi với người đàn bà kia, cô ta không phải là
người đẹp chân dài cặp bồ với anh Việt kiều có nhiều dollars, vậy cô ta
là ai ? Trân không cần thắc mắc. Nàng chỉ biết Huy là chồng nàng, mười năm sống
với Huy với những ngày gian lao khổ cực nàng đã chấp nhận, và xem đó là hạnh
phúc cuối cùng nắm giữ trong tay. Sự thay đổi của Huy là một điều bất ngờ, vượt
xa sức tưởng tượng của Trân, nàng bàng hoàng sững sốt không tin là Huy đang âm
mưu phản bội nàng, cho đến khi nàng gọi điện thoại về nhà chồng, tất cả mọi
người trong gia đình Huy đều đồng loạt phủ nhận tình cảm của nàng dành cho Huy
và anh chị em trong gia đình nhà chồng trước đây. Bao nhiều tình nghĩa nàng
dành cho họ bằng những món quà, tiền nong gửi về trước đây họ đã không còn nhớ.
Họ đã quên, thật sự đã quên. Người chị hai của Huy nói :
- Em với Huy đã
hết duyên nợ rồi. Thôi! Đừng buồn em nhé.
Trân cắn môi cố kìm giữ cơn oán giận
trào dâng nhưng nàng chợt nghĩ không xứng đáng để màng đến họ nữa. Trân
cố gắng tự trấn tĩnh, nàng đợi Huy về để mong Huy nhận ra những gì
Huy đã làm là sự sai trái, vô ích. Trân sẵn sàng tha thứ cho Huy nếu Huy nhận
lỗi. Huy về nhà sau một tuần lễ trốn tránh. Trân đau buồn nhận ra sự thay đổi ở
Huy sau ba tháng Huy xa nhà, xa vợ. Nàng thấy Huy xa lạ từ cách ăn mặc, điệu
bộ, dáng đi đến khuôn mặt đã biến sắc; đôi mắt lơ láo long lên sòng sọc nhìn
láo liên như một kẻ bị tà ma xâm nhập. Ba tháng Huy về Việt Nam đã bị lột xác
biến thành một con người khác. Trân hối tiếc hình ảnh người đàn ông ngoan ngoãn
trung thành mười năm trước của Huy đã biến mất. Có phải hoàn cảnh bên ngoài
có tác động làm con người thay đổi. Huy đã bước ra khỏi cái khung hình
đứng bên cạnh Trân, đi vào một cánh cửa khác. Huy không còn là Huy nữa. Trân
cản Huy lại khi Huy ngang nhiên bước vào nhà không nói với Trân một tiếng nào :
- Tôi vào lấy quần áo của tôi- Huy nói cộc lốc .
- Anh ra ngoài đứng đợi – Trân lạnh lùng.
Trân vào nhà kéo chiếc vali nhét đầy
áo quần cũ của Huy mang ra ngoài, và khi nàng ngước mặt lên nhìn thấy Huy đang
đứng ngông nghênh, một chân gác lên bậc thềm nhà, một tay kẹp thuốc hút. Huy
nghiêng đầu chu miệng thả những vòng khói đưa mắt nhìn chúng bay lơ lửng
trên cao. Trân giận dữ hét lên :
- Anh có thể lịch sự một chút được không. Nói chuyện phải biết tôn trọng người
đối diện chứ.
Huy ném điếu thuốc xuống đất đưa mủi
giầy chà bẹp tàn thuốc xuống đất. Huy nói ;
- Tôi sẽ trở về lấy thêm ít thứ khác.
- Anh không có bất cứ thứ gì trong căn nhà này. Ngay cả cọng rác.
Huy đỏ mặt kéo chiếc vali ra đi.
Thời gian sau Huy trở lại ném tờ giấy xuống bàn. Trân cầm lên đọc, nàng bàng
hoàng choáng váng khi nhìn thấy tờ đơn ly dị Huy đã làm sẵn với chữ ký in trên
mặt giấy. Kể từ ngày hôm ấy Huy đã bước ra khỏi cuộc đời của Trân.
Đến giờ phút này tôi mới hiểu tại
sao khi gặp lại tôi Trân lại mừng vui muốn bậc lên tiếng khóc. Trân bảo từ lúc
Huy bỏ đi, Trân đối diện trước khoảng trống cô đơn của một người đàn bà
luôn luôn cần một người đàn ông để được bảo vệ. Dù Huy không phải là người đàn
ông có đủ bản lĩnh, sức mạnh để bảo vệ nàng, nhưng nàng vẫn thấy Huy như một
chiếc bóng gần gũi ở bên cạnh. Sống một mình làm việc để nuôi con, Trân đã cố
gắng đứng dậy để tiếp tục bước đi. Con Trân đã lớn, Vi đang học đại học,
sắp sửa ra trường, nàng mong con sẽ có cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Susan
đang tốt nghiệp high school, nhưng luôn luôn là một cô bé không muốn rời xa mẹ
nửa bước. Trân hy vọng nàng sẽ có một mái ấm gia đình sống với hai con là cái
hạnh phúc sau cùng của đời người. Tôi hỏi Trân :
- Hạnh phúc
sau cùng rồi sẽ đến với Trân.
Trân thở dài, đôi mắt lại chìm đắm
trong màn đêm của sự chán chường và vô vọng. Trân bảo suốt cuộc đời củaTrân có
những mơ ước vẫn mãi mãi là mơ ước. Trân đã quá chán chường và tuyệt vọng
chỉ muốn tìm đến cái chết. Tôi không biết vở kịch cuối cùng khi chiếc màn hạ
xuống phủ kín đời Trân là nụ cười hay tiếng khóc bi ai. Tại sao Trân lại sống
bi quan như thế. Tôi hỏi tiếp :
- Hai
con đã lớn, mi còn gì phải lo.
Trân thở dài :
- Vi bỏ nhà ra
đi, nó phủ nhận tình thương của mẹ dành cho con bao nhiêu năm qua. Vi không
chấp nhận những quan niệm sống khắc khe trong gia đình, nhất là từ lúc Huân
bước vào căn nhà này thì sự xung đột trở nên trầm trọng hơn.
Huân là người đàn ông còn trẻ tình
cờ gặp Trân tại nhà thờ, hôm ấy nàng đang đứng xếp hàng tiếp đoán “ phái đoàn ”
đến từ tiểu bang Minnesota, Huân dừng lại nhìn nàng chăm chăm nắm lấy tay nàng
rất lâu, hỏi địa chỉ email, và Trân vội vàng ghi vào lòng bàn tay của Huân.
Cuộc gặp gỡ tình cờ tưởng chỉ là sự xã giao bình thường, nhưng một tuần lễ sau
đó Trân nhận được email của Huân gửi đến từ chiến trường Afghanistan, lúc ấy
Trân mới biết Huân là một quân nhân trong quân đội Hoa kỳ đang phục vụ tại
chiến trường Trung Đông. Huân bảo anh sẽ ở lại làm việc một thời gian ngắn khi
mãn hạn phục vụ về lại thành phố Minneapolis làm việc trong lĩnh vực y tế. Tình
cảm Trân dành cho Huân là nhìn nhận nơi anh sự chân thành, tính trung
trực, và khí phách kiên trung của một người lính. Huân rời Việt Nam năm
anh 13 tuổi, sống với mẹ già và được bà dạy bảo từ nhỏ nên rất vâng lời. Hồi
học đại học Huân có một cuộc tình, họ yêu nhau rồi cô bạn gái có bầu sanh con,
mẹ Huân không chấp nhận, vợ Huân ôm con bỏ nhà ra đi. Huân hận đăng ký nhập
ngũ. Cuộc sống của Huân đã trải qua bao nhiêu năm thử thách, vào ra sinh tử nơi
chiến trường, anh mong được trở về đời sống dân sự để tìm cuộc sống bình yên.
Gặp Trân Huân như tìm thấy ước mơ như bao nhiêu năm anh đang tìm kiếm. Huân nói
:
- Anh
không hiểu tại sao lần đầu gặp em anh đã phải nghĩ rằng bằng mọi giá anh phải
trở lại tìm em. Cuối cùng em cũng đã mở rộng cánh cửa đón chào anh; cuộc đời
anh bây giờ đã có em.
Huân thường xuyên đáp chuyến bay từ
Minneapolis đến San Jose chỉ ở chơi vài ngày sống chung với Trân trong
căn apartment hai phòng ngủ. Huân đến để sống gần gũi bên Trân, anh làm
tất những công việc thường ngày Trân vẫn phải làm : nấu ăn, giặt giũ, lâu chùi
vệ sinh. Huân muốn Trân được cảm nhận sự chăm sóc tận tình của Huân là niềm vui
hạnh phúc của nàng. Trong những ngày đầu, Huân đã nhận ra một mái ấm gia đình
có hình ảnh mẹ cha và các con; ngồi trong bàn ăn có mặt hai đứa con của
Trân, Huân muốn Vi và Susan gọi anh bằng Ba. Huân giải thích sự nhìn nhận ấy là
thể hiện tình cảm chân thật để mọi người thương yêu và gần gũi nhau nhiều hơn.
Để hàn gắn những đổ vỡ đã đánh mất.Vi ngồi ăn buông đũa xuống, bỏ vào phòng
đóng sập cửa cửa lại, im lặng . Vi đã sớm tỏ hiện thái độ bất mãn mỗi khi Huân
có mặt trong ngôi nhà này. Về sau kiếm được việc làm Vi nói với mẹ :
- Con đã lớn khôn tự lo
được bản thân mình. Mẹ lo cho em Susan còn nhỏ. Con không muốn mẹ nhắc nhở con
điều gì. Mẹ lo cho mẹ, đừng lo cho con nữa.
Kể từ ngày ấy Vi thường xuyên vắng
nhà. Nó đã có bạn trai, lớn hơn nó một con giáp. Trân rùng mình nghĩ đến hình
ảnh hơn hai mươi năm về trước, nàng lấy chồng vì muốn hy sinh vì cuộc sống khó
khăn của gia đình. Hôm nay đứa con nàng muốn bỏ mẹ ra đì, cắt đứt tình mẫu tử
không chút thương tiếc. Vi về nhà ôm hết áo quần bỏ vào vali mang ra cửa không
nói với mẹ một lời. Trân giận dữ kéo chiếc vali lại, quát lớn :
- Vi ! Con đang làm gì
vậy.
- Con dọn ra ngoài mướn
phòng ở riêng.
- Không ! Con không được
làm như thế.
Vi giận dữ bước ra ngoài cùng đám
bạn đang tụ tập ở ngoài sân. Một lát, hai viên cảnh sát cao lớn xông vào
nhà chất vấn và ngăn cản Trân không được quyền có thái độ hung dữ ngăn
cản con. Mặc cho Trân gào thét lăn lộn, hai viên cảnh sát giải thích họ đến để
thi hành nhiệm vụ bảo về quyền tự do của công dân. Viên cảnh sát nói :
- Con bà đã đến
tuổi vị thành niên. Nó có quyền làm bất cứ những gì nó muốn, miễn là không phạm
pháp. Bà an tâm.
Trân ôm mặt gục đầu trên ghế sofa
khóc nức nở. Tôi biết đó là nỗi đau lớn nhất của một người mẹ đã vô tình
mất một đứa con, nó vẫn còn sống đó nhưng trong một cái xác vất vưởng
ngoài kia không còn hy vọng sẽ quay về ôm vào lòng mẹ nữa. Kể từ ngày gặp
lại tôi, Trân thường xuyên kể chuyện buồn, bao nhiêu sự ẩn uất dồn nén bấy lâu
được dịp trút ra như cơn mưa, và sự chia sẻ của tôi đã giúp ích cho Trân vơi đi
một phần nỗi đau trong lòng.
Cuộc đời của Trân đã chịu đựng quá
nhiều sự bất công; những điều tốt đẹp Trân dành cho những người thương yêu nhất
cũng đã bị họ đành đoạn phản bội ra đi. Niềm an ủi còn lại của Trân chính
là đứa con gái út, Susan đang đi học xa, nó biết thương mẹ bằng tấm lòng nhân
hậu của một cô bé có một trái tim dạt dào thương yêu tình người. Sunsan học
giỏi, được cắp học bổng từ trường đại học UCI, thành phố Irvine, theo học
ngành biology. Mơ ước cuối cùng của Trân là được mua một căn nhà nhỏ, được sống
trong một mái ấm gia đình như thuở nhỏ nàng được sống trong ngôi nhà có ba má,
ông bà và anh chị em. Trân muốn nhìn thấy cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy qua hình
ảnh của một gia đình đoàn tụ. Tôi hỏi Trân :
- Vinh ! Cha của
hai đứa con Trân bây giờ đang sống ở đâu.
Được biết Vinh đang định cư ở
Canada, cuộc sống của anh đang đi vào tuổi xế chiều ôm nỗi buồn cô đơn trước sự
ghẻ lạnh của hai con không muốn nhìn mặt cha. Bức tường ngăn cách hai mươi năm
đã mục nát, rệu rã sẽ tan biến thành tro bụi chôn vùi thân xác héo mòn,
lạnh giá. Tôi biết ước mơ của Trân luôn luôn được sồng và chết trong cái hào
quang rực rỡ của tình yêu hướng về cái đẹp. Trân mơ ước nàng mãi mãi là người
đàn bà xinh đẹp, đẹp cả thân xác lẩn tâm hồn. Tôi thấy rõ điều đó trong những
ngày đầu gặp Trân, và đến mãi hôm nay khi tôi gặp lại Trân điều đó vẫn không
thay đổi. Trân đã mời tôi đến căn phòng thuê với lối bày trí đẹp mắt : đồ đạt
trong nhà tươm tất, sạch sẽ được lâu chùi tỉ mỉ và chung quanh thoang thoảng
mùi hương quế; bữa ăn Trân đãi tôi tuy đơn giản nhưng thức ăn được
trình bày đẹp mắt trên những chiếc đĩa sành và bên cạnh những chiếc ly thủy
tinh sáng loáng, và đồ đựng bánh trái đặt trong những chiếc khây làm bằng chất
liệu pha lê. Trân thích cuộc sống văn minh và sành điệu, đến nỗi khi nghe Trân
tiết lộ mơ ước cuối cùng của Trân nói với các con :
- Mơ ước cuối
cùng của mẹ là khi mẹ chết, các con nhớ mặc áo quần đẹp và trang điểm mẹ thật
đẹp. Mẹ luôn luôn muốn mình là một người đàn bà xinh đẹp.
Tôi hy vọng rồi đây Trân thật sự sẽ
tìm thấy ước mơ hạnh phúc cuối cùng của trân. Những gì Trân có hiện tại là tình
yêu Trân dành cho susan, và tôi cũng không quên hỏi Trân về “ mối tình “ hiện
tại giữa Trân và người hùng trên chiến trường Trung Đông. Huân yêu Trân, muốn
có hạnh phúc với Trân cuối đời còn lại nếu Trân chấp nhận bỏ hết tất, bỏ
Cali nắng ấm bay lên miền Bắc lạnh lẽo cô đơn sống trong ngôi nhà chung quanh
có những hàng rào kiên cố phòng kẻ gian xâm nhập như một trại lính. Tôi không
hiểu ý nghĩ Trân đang mưu tính gì, liệu Trân có dễ dàng chấp nhận sống trong
cái khuôn khổ áp đặt mà kẻ khác đang “ âm mưu ” xâm chiếm sự tự do của Trân.
Tôi hứa với Trân khi nào lấy được
ngày nghĩ phép, tôi sẽ thả thời gian nhàn rỗi cùng Trân đi rong chơi cho thuở
thích, một ngày không nằm trong thời khóa biểu của sự bận bịu mưu toan cho sự
sống gia đình. Sau chuyến đi công tác về, tôi lại lao vào công việc tân trang
nhà cửa, sổ sách, chi tiêu, mua vật liệu khiến tôi bù đầu như một con rối. Xong
việc tôi lấy được ngày nghĩ và xin phép chồng tôi được đi chơi với Trân vài
ngày. Chồng tôi đồng ý và rất vui khi thấy tôi tìm được lại cô bạn thân. Tôi
gọi phone cho Trân nhiều lần nhưng không thấy Trân trả lời. Nôn nóng trong lòng
khiến tôi không thể ngồi yên được, tôi lái xe đến nhà Trân.
Đứng bấm chuông, gỏ cửa mãi
không thấy người ra mở cửa, tôi định bỏ đi. Cánh cửa thình lình mở ra, một
người đàn bà to mập xuất hiện giương đôi mắt kèm nhèm nhìn tôi hỏi ai.
Tôi nói kiếm Trân. Bà lắc đầu bảo tôi đi lộn nhà. Bà lạnh lùng đóng sập cửa lại
không để tôi hỏi thêm một câu. Tôi lặng lẽ trở về nhà ngồi trong phòng khách
đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ, bên kia đường lá vàng rơi đầy trên thảm cỏ
xanh mướt trong công viên ngập đầy nắng ấm. Mùa thu thời tiết Cali. dịu
mát, có vài cơn mưa nhỏ bất chợt thả xuống những giọt nước hiếm hoi không
đủ thấm ướt hàng cây ủ rủ khô cằn sau mùa hạn hán. Nắng lại lên, đất trời lại
khao khát cơn mưa đến như bao người mong đợi cơn bão El Nino sẽ kéo về trong
mùa đông năm nay. Tôi ngồi nghĩ đến Trân, nghĩ đến sự “biến mất ”
bất ngờ không có một dấu hiệu báo trước là Trân đã quyết định chọn lựa cho mình
con đường khác mang đến cho Trân ước mơ hạnh phúc cuối đời hay Trân vẫn còn
đang lơ lững như con thuyền lênh đênh trên sóng nước. Tôi không biết bằng cách
nào để liên lạc lại Trân như mười năm trước, nhưng tôi vẫn còn hy vọng gặp lại
Trân.
Tôi cố tìm Trân trong thế giới ảo
trên trang facebook, và mất nhiều thời giờ dò xét hàng loạt cái tên Trân mang
họ Hoan. Bao nhiêu hình ảnh những cô gái liên tục xuất hiện trước màn
ảnh, không ai là người mang khuôn mặt của Trân. Tôi mệt mỏi định bỏ cuộc, nhưng
trong vô thức bàn tay tôi như có ai điều khiển lướt nhanh trên bàn phím
với hai chữ Tracy H. Hình Trân bất ngờ hiện lên trước mắt tôi như một
phép lạ. Những hình ảnh tôi đang nhìn thấy trên trang facebook của Trân mang
đầy màu sắc tươi vui của sự sống giữa thiên nhiên và nụ cười, một tấm lòng đang
mở rộng đón nhận tất cả tinh hoa của cái đẹp để được sống trọn vẹn từng phút
giây của sự sống. Bốn mùa xuân hạ thu đông, một vòng quay thời gian như
cái nền của một bức tranh được Trân tô vẽ lên khuôn mặt xinh tươi và nụ
cười đôn hậu của một con người đã rủ bỏ những mất mát khổ đau từ quá khứ. Tầm
hình đẹp được kết nối hàng nghìn cánh hoa đủ màu sắc rực rỡ đang ôm ấp Trân
trong chiếc áo đầm màu trắng tinh khôi tung bay trong gió. Nụ cười ánh mắt, bờ
môi xinh đẹp hồn nhiên vẫn còn giữ lại thời gian của người thiếu nữ năm xưa đang
hiện lên trên không gian của thế giới ảo.Tất cả tấm hình như cố tình gán ghép
thành một chuổi hình ảnh lung linh màu sắc rực rỡ tỏa sáng như vồng cầu bảy
sắc. Tôi không tìm thấy một thông tin nào cho biết người thiếu nữ xinh đẹp kia
đang hiện hữu. Tôi cũng không xác định được không gian và thời gian
trong trang facebook của Trân đang có sự sống. Nó như một khung hình khép
kín nằm trong một thế giới đã bằng bặt ngủ yên.
Tôi khép lại hình ảnh người thiếu nữ
trong trang facebook, và băn khoăn trước một câu hỏi : có phải người
thiếu nữ xinh đẹp kia đích thực là Trân còn đang hiện hữu ? Trân vẫn còn đang
tiếp tục nghĩ và sống bằng chính con tim và hơi thở của nàng, dù những vết
thương cuộc đời đã vô tình tàn nhẫn vùi lấp những ước mơ xinh đẹp trong tâm hồn
nàng. Nàng không hối tiếc những gì đã đánh mất để tất cả mọi thứ tuột khỏi tầm
tay; nàng chỉ mong tìm thấy trong cuộc sống vẫn còn những con người chung quanh
đang hiện hữu, với một tấm lòng thương yêu chân thật để nàng còn một chút hy
vọng cuối cùng là khi nàng chết đi, nàng mãi mãi sẽ là một người đàn bà
xinh đẹp.
MINH
LÂM