Tổng thống Hoa Kỳ có
phải là tổng thống của chúng ta hay không?
Chúng ta đây là
người Việt mang quốc tịch Hoa Kỳ. Trên pháp lý thì đúng đấy, nhưng trên thực tế
thì dân ta có vẻ lạnh lùng hờ hững lắm. Như vậy có vẻ bất công với đất nước mà
chúng ta đã hưởng phúc lợi khá nhiều.
Vẫn còn nhớ khởi đi
từ cuối thập niên 70, anh em gặp nhau trên con đường xuôi ngược tìm nơi định
cư. Tay bắt mặt mừng, hỏi rằng bây giờ bạn làm gì ở đâu. Câu trả lời nhẹ nhàng
lý thú: trước làm hãng Ford, mới đây thì lãnh lương Carter. Check Carter lãnh
đủ 4 năm, rồi qua làm việc với tổng thống Reagan. Cho đến bây giờ có nhiều bạn
cao niên chúng tôi lãnh tiền già của vị tổng thống mới mà vẫn quen mồm gọi là
anh Obama. Hết sức là tự do dân chủ.
Dân
ta ở Mỹ đã 10, 20 hay thậm chí 40 năm. Đã đứng lên nghe đọc lời thề vào quốc
tịch. Vui vẻ giơ tay thề bỏ hết những giây mơ rễ má với quê hương cũ, sẽ một
lòng cầm súng chiến đấu cho Tổ Quốc mới, nhưng thật sự tấm lòng không hề rung
động với Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.
“Lòng
quê gởi áng mây tần xa xa”
Người thì làm ăn cật
lực để gởi tiền về quê. Mua đất, cất nhà. Người thì đi về như đi chợ. Người thì
đốt lửa, thổi gió đấu tranh về quê hương. Hết năm này qua năm khác. Bao nhiêu
là đám cưới, bao nhiêu lần khai sinh, bao nhiêu đám ma. Ở trên miền đất đầy cơ
hội đã hơn một phần ba thế kỷ mà sao vẫn mang tâm trạng lưu đầy, mãi mãi làm
người lưu vong trong hoàn cảnh tạm dung.
Bài học lịch sử và
tình tự dành cho Tổ Quốc mới, khi thi xong nhập tịch là buông xuôi hết. Như
vậy, phải chăng chúng ta đối xử với nước Mỹ dường như không phải đạo.
Kể từ năm 75 cho đến
nay là năm hai không mười sáu. Chẳng mấy chốc mà qua nửa thế kỷ lưu
vong. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải dành cho cái đất nước tử tế này một chút
tình dân tộc mới.
Xin vui lòng đọc bài
giải bầy này với mối chân tình.
Xin đọc lại bài học
quốc tịch bằng tấm lòng thành.
Các vị tổng thống Hoa
Kỳ
Ghi dấu lịch sử đầu
tiên dành cho vị tổng thống thứ nhất George Washington. Ông là vị khai quốc
công thần, là cha già dân tộc, là quốc phụ của Hoa Kỳ. Vị tướng chỉ huy cuộc
chiến tranh cách mạng chống Anh quốc. Thành lập Hiệp chủng Quốc và lên làm tổng
thống 2 nhiệm kỳ. Ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1796. Vì vậy nước Mỹ có ngày
President’s Day cũng gọi là Washington’s Birthday. Sau đó người ta cũng ghép
chung vào ngày lịch sử này để kỷ niệm thêm ngày sinh nhật của vị tổng thống thứ
16 là Abraham Lincoln. Ông sinh ngày 12 tháng 2-1809. Cho đến nay ngày
President trở thành ngày quốc lễ và nước Mỹ chọn ngày Thứ hai của tháng Hai,
nằm giữa sinh nhật của hai vị tổng thống vĩ đại. Một người lãnh đạo kháng chiến
thành lập quốc gia. Một người chiến thắng cuộc nội chiến, thống nhất đất nước.
Nếu hỏi rằng, ngoài
hai vị kể trên trong tất cả các vị tổng thống Hoa Kỳ hơn 200 năm qua thì còn có
tổng thống nào xếp hạng cao trong lịch sử. Hoa Kỳ có ngay câu trả lời.
Các tổng thống vĩ đại
của nước Mỹ
Câu trả lời không
phải bằng văn bản mà bằng cả 1 công viên quốc gia. Không phải là vườn cảnh,
tượng đài mà bằng núi đá. Tại tiểu bang South Dakota có hình tượng khắc trên
đá. Các hình tượng vĩ đại của 4 ông tổng thống vĩ đại. Trái núi chiếm diện tích
1,300 mẫu tây, với tượng đài cao 60 bộ nằm trên khu đất cao 5,700 feet trên mặt
biển. Từ trái qua phải là hình tổng thống Washington, Jefferson, Roosevelt, và
Lincoln.
Tổng thống Jefferson
là người nhậm chức thứ ba, nhưng là cha đẻ của bản Tuyên ngôn độc lập. Ông đã
viết ra những câu bất hủ trong các bản văn lịch sử để làm khuôn vàng thước ngọc
cho đời đời. Đó là câu: “Con người sinh ra bình đẳng và ai cũng có
quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Vị sau cùng là tổng
thống Roosevelt, người đã lãnh đạo nước Mỹ khi nhân loại bước vào thế kỷ 19.
Tượng đài khắc trên núi Rushmore là công trình thực hiện cha truyền con nối của
gia đình điêu khắc gia Borglum. Ngày nay có hai triệu du khách đến thăm hàng
năm.
Tinh hoa của dân chủ
Với hơn 200 năm lập
quốc, nền dân chủ của Hoa Kỳ không một lần nào thay đổi người lãnh đạo mà có
rối loạn binh đao. Hoàn toàn không có đảo chính, cách mạng, binh biến. Ngay cả
những lúc chiến tranh sóng gió hay lúc các vị tổng thống bị truất phế, từ chức
thì việc thay đổi cũng tuần tự theo luật lệ hoàn tất rất nhẹ nhàng và an toàn
tuyệt đối.
Theo hiến định, khi
vị tổng thống tại chức qua đời hay từ chức thì ông phó lên thay. Nếu không có
phó tổng thống hay vì lý do gì, ông phó không lên thay thì người thứ ba là chủ
tịch hạ viện và kế tiếp là bộ trưởng ngoại giao. Trong thể chế dân chủ, quyền
hạn do các chính trị gia nắm giữ nên vai trò bộ trưởng quốc phòng và tham mưu
trưởng liên quân thuộc phe quân sự không nằm trong danh sách được giao quyền
lãnh đạo đất nước.
Trong hoàn cảnh thuộc
về đợt di dân Việt Nam đến Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ 20, nếu chúng ta tìm hiểu
về cuộc đời của tất cả các vị tổng thống Hoa Kỳ sẽ tìm thấy rất nhiều chi tiết
lý thú. Tuy nhiên, nói đến mối giao tình Việt Mỹ phải kể lại câu chuyện sử liệu
từ thời tổng thống thứ 18 của Hiệp Chủng Quốc là ông Grant vào năm 1869.
Việt sử ghi lại rằng
vào năm 1870, ông Bùi Viện gốc làng Trình Phố, tỉnh Thái Bình dưới triều Tự Đức
được cử đi sứ qua Hồng Kông rồi nhân dịp này theo tàu viễn dương qua Hoa kỳ vào
triều đại Tổng thống Ulysses Grant. Tổng thống Mỹ tiếp kiến hứa hẹn viện trợ
cho Việt Nam canh tân. Ông Bùi Viện về nước trình lên kết quả và lại trở lại Mỹ
quốc lần thứ hai. Tuy nhiên, kỳ này Hoa Kỳ lại đổi ý nên việc viện trợ không
thành.
Dù sao thì đây cũng
là một ghi dấu về những ngày bang giao Việt Mỹ đầu tiên. Nhưng suốt một trăm
năm từ thời kỳ1850 đến 1950 miền Đông Nam Á vẫn trong vòng ảnh hưởng của Pháp
nên Việt Nam không có cơ hội liên hệ với Hoa Kỳ. Cho đến năm 1975, cựu đại sứ
Bùi Diễm, thuộc giòng họ Bùi Viện, đại diện Việt Nam Cộng Hòa lại thất bại
trong lần xin viện trợ cuối cùng.
Tổng thống Hoa Kỳ và
chiến tranh Việt Nam
Cho đến thời kỳ 1954
của tổng thống thứ 34 là ông Eisenhower, Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò
trong lịch sử Hiệp Chủng Quốc.
Vào
cuối thập niên 50, trong chuyến đi Mỹ, chúng ta thấy hình ảnh ông Eisenhower
đón chào tổng thống Ngô Đình Diệm và ca ngợi vị nguyên thủ Việt Nam là vĩ nhân
của Đông Nam Á. Và chẳng bao lâu sau đó, vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ là ông
Kennedy đã gián tiếp trách nhiệm về cuộc đảo chánh và việc hạ sát anh em ông
Diệm năm 1963 tại Sài Gòn. Ông Kennedy tuy giải tỏa được một chế độ cản đường
nhưng cũng rất ân hận về cái chết của ông Diệm. Cả hai ông Ngô Đình Diệm và
Kennedy đều là Thiên Chúa Giáo.
Nhưng niềm ân hận cũng không lâu, chỉ
sau một thời gian ngắn đến lượt ông Kennedy bị ám sát chết tại Dallas, Texas.
Cái chết của cả hai
vị tổng thống đều vẫn còn nhiều bí ẩn cho đến ngày nay. Ông Johnson lên thay
trong vai trò tổng thống thứ 36 với gánh nặng chiến tranh Việt Nam. Ông là
người quyết tâm nhưng vẫn không thành công và để cho ông Nixon lên thay với
chiêu bài Việt Nam hóa chiến tranh, rút quân về bằng mọi giá.
Năm 1974, Nixon, vị
tổng thống thứ 37 vì Watergate phải từ chức. Ông Gerald Ford thứ 38 lên thay,
thể theo lòng dân và quốc hội, quay lưng cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ nay đối
với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ còn là vấn đề nhân đạo.
Với 5 vị tổng thống
can dự vào chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon
và Ford, người Mỹ gọi đây là The War of the Presidents. Ý nói là cuộc chiến
riêng tư của các vị tổng thống, không can dự gì vào nước Mỹ và dân Mỹ. Làn sóng
chống chiến tranh của dân Mỹ dâng cao với các cuộc xuống đường hàng triệu
người. Bây giờ sống tại đây chúng ta mới có thể hiểu được là lòng dân của Mỹ
quốc thực sự ảnh hưởng đến chính quyền ra sao. Không cần đúng hay sai, không
cần giữ lời cam kết. Đối với dân chúng Hoa Kỳ, lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng,
hy sinh rất giới hạn. Đánh không xong thì rút, sống chết mặc bay. Từ các quan
niệm đó, định mệnh đưa chúng ta đến Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ và
dân tỵ nạn Việt Nam
Sau ông Ford, dân tỵ
nạn lần lượt sống với 5 vị tổng thống của thời hậu chiến. Bắt đầu từ ông
Carter, tổng thống thứ 39, ông già hiền lành đạo đức chính là vị ân nhân đầu
tiên mở cửa nước Mỹ cho thuyền nhân từ các trại tỵ nạn vào Hoa Kỳ.
Khi đoàn biểu tình
Việt Nam thắp nến đi trước Bạch Cung để than khóc cho thuyền nhân thì ông
Carter đã mở cửa ban công ngó xuống vẫy tay chào. Nước mắt dân tỵ nạn Việt Nam
di tản đợt đầu, nhỏ giọt xuống đại lộ Constitution đã làm động lòng ông tổng
thống chuyên cất nhà Homeless. Lệnh tổng thống ban ra từ đây các tàu chiến của
hạm đội số Bảy bắt đầu xua đuổi hải tặc và vớt người di tản. Các phái đoàn Mỹ
lên đường đến phỏng vấn tại trại tỵ nạn Đông Nam Á. Rồi tiếp đến ông thứ 40 là
Reagan suốt 8 năm đưa ra các đạo luật tỵ nạn, khởi sự các buổi thảo luận thả
tù, để sau này ông Bush số 41 tiếp tục mở rộng tấm lòng nhân đạo.
Bước qua thập niên
90, triều đại Bill Clinton, tổng thống thứ 42 là thời kỳ của hòa giải và hàn
gắn. Clinton mở đường hiệp thương, giải tỏa cấm vận, đưa tay dắt đường cho Hà
Nội trở về với thế giới tự do. Sau cùng ông Clinton chấm dứt nhiệm kỳ bằng một
chuyến công du cuối cùng dưới hình thức qua Việt Nam để trình diễn một màn
Workshop dân chủ đi từ Hà Nội đến Sài Gòn.
Qua đến ông Bush, vị
tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ đã đem bài học Việt Nam ra để đánh trận Trung
Đông, nhưng đã gặp nhiều cay đắng. Bây giờ đến lượt tổng thống Obama, với hoàn
cảnh thế giới điên đảo, nợ nần chồng chất, ông có quá nhiều mối bận tâm. Hồ sơ
Việt Nam và hồ sơ di dân tỵ nạn sẽ còn lâu mới đem ra thảo luận.
Xem như vậy, lịch sử
cận đại của Hoa Kỳ từ 1954 đến nay có 11 vị tổng thống. Năm vị tham dự vào cuộc
chiến Việt Nam. Ba triệu lính lần lượt tham chiến. 58 ngàn người chết. Mỗi vị
tổng thống khi nhắc đến Việt Nam đều mang một kỷ niệm cay đắng khôn nguôi.
Kể từ 1975 đến nay, 5
vị tổng thống liên quan đến dân Việt Nam hậu chiến, qua các lãnh vực di dân tỵ
nạn và nhân đạo. Cả 5 người đã mang một quan niệm mới mẻ về hai chữ Việt Nam.
Đã bớt phần đau thương cay đắng. Trong những năm gần đây, sự thành công của
người Việt tại Hoa Kỳ trong tất cả các lãnh vực đã đem đến cho các ứng cử viên
tổng thống một ý niệm mới mẻ tốt đẹp của chúng ta tại quê hương mới. Riêng tổng
thống Obama, trong bài diễn văn nhậm chức đã nhắc đến Việt Nam qua trận Khe
Sanh.
Bây giờ sẽ đến lượt
con cháu chúng ta sẽ làm quen với vị tổng thống da mầu đầu tiên thứ 44 với niềm
tự hào của một thế hệ di dân gốc Việt góp phần xây dựng đầy hưng phấn trong
tương lai. Biết đâu sẽ có ngày Hoa kỳ chào mừng một tổng thống Việt Nam da
vàng. Mặc dù ngày đó có thể còn rất xa, nhưng bây giờ xin vui lòng nhận chấp
nhận tổng thống của chúng ta. Trong niềm tin mới, chúng ta cùng ghi dấu
ngày lễ tổng thống 2016. Dù rằng nghĩa trang Việt Nam tại Los Gatos có treo đôi
câu đối: “Trăm năm xác tục gửi quê người, Vạn dặm hồn thiêng về cố
quốc.” Tôi cũng xin nhắc lại hai bài học trăm năm của các di dân
đến trước chúng ta. Một văn hào Nga đã nói rằng: “Nơi nào tôi sống
có tự do, nơi đó chính là quê hương.” Một chính khách Ba Lan tỵ
nạn lại nói rằng: “Muốn đấu tranh hữu hiệu cho quê hương cũ, hãy làm
một công dân tốt trên quê hương mới.”
Giao
Chỉ, San Jose