Tính tới nay, tôi đã
sống hơn nửa thế kỷ ở ngoài Việt Nam. Hết Tân Tây Lan, Anh, Canada rồi Mỹ. Nên
muốn gọi tôi là (người) gì thì cũng được. Thời gian sống ở Việt Nam tính ra
cũng không được bao nhiêu nhưng ở nhiều khía cạnh, tôi vẫn là một anh nhà quê.
Tôi vẫn không tên Tây, tên Mỹ, mà vẫn giữ cái tên ông bà cụ đặt cho, giữ hoài đến
tận ngày hôm nay, cái tên lúc thì nghe như tiếng gọi gà (chuck chuck), lúc thì
nghe như một kiểu xe... vận tải (truck). Ấy là chỉ vì tôi sợ mai mốt xuống dưới
ấy (?) hai ông bà đi kiếm trong cái danh sách mới nhập cư (?) cứ tìm (bằng cái
tên cũ) hoài không ra thì tội cho hai người.
Còn một chuyện rất nhà quê khác của tôi là tôi vẫn chưa cảm
thấy thoải mái với những cái bắt tay của phụ nữ dành cho tôi. Với mấy cô đầm
thì... sao cũng được. Thực ra thì phải nói là càng... bắt tay, càng vui. Có ôm
một cái... cho biết thật giả (?) lại càng vui hơn. Ôm rồi hôn hai hai... ba cái
trên má lại càng tốt. Nhưng với các phụ nữ Việt Nam thì khác. Tôi vẫn đối xử với
các nàng như nữ hoàng Anh và theo đúng nghi lễ (protocol) của hoàng gia, nghĩa
là nữ hoàng đưa tay ra trước, thì thường dân (như tôi) mới bắt lấy tay của
(các) nàng. Rồi để cho (các) nàng lắc như ... bò lúc lắc, khi nào chán thì
buông ra cũng được.
Đối với tôi, chuyện bắt tay chẳng có gì quan trọng. Bắt cũng
được, không cũng chẳng sao. Tôi không biết là đối với một số người, chuyện bắt
tay lạ có thể quan trọng đến thế.
Hồi xưa, thời của ông già Khổng tử, con trai con gái bắt đầu
từ một tuổi nào đó, mọi tiếp xúc phải hạn chế ở mức tối thiểu. Cần đưa cho nhau
cài gì cũng phải tránh không đụng chạm vào tay của nhau. Phải đặt vật đó xuống
bàn để cho người kia cầm lên. Nam nữ thụ thụ bất thân là như thế. Thời ấy thì
nhất định không có trò bắt tay.
Trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu thì Vân Tiên
vừa thấy Nguyệt Nga định bước xuống kiệu để cám ơn chàng vì nhờ chàng ra tay
nghĩa hiệp cứu thoát nàng khỏi tay bọn cướp thì chàng liền tung ra hai câu đúng
theo tinh thần cụ Khổng:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai...
Thế thì có chán không cơ chứ ! Tôi tin là thời Nguyễn Đình
Chiểu vẫn còn nhiều người hành xử như anh chàng cù lần Lục Vân Tiên chứ không
phải là không.
Nhưng thực ra, thì ngay trong thế giới ngày nay, nói đúng ra
là mới cách đây vài ba ngày, đầu Tháng Tư năm 2016, ở Thụy Sĩ đã xẩy ra một
chuyện không khác gì chuyện Vân Tiên với Nguyệt Nga hay câu dậy dỗ (nam nữ thụ
thụ bất thân) của cụ Khổng.
Ở thị trấn Therwil, có hai thiếu niên thuộc một gia đình
Syria được cho tuyên thệ để trở thành công dân Thụy Sĩ sau khi đã cùng gia đình
sống tại Thụy Sĩ từ năm 2001 đến nay. Người cha trong gia đình là một giáo sĩ Hồi
Giáo được chính phủ Thụy Sĩ cho tị nạn năm 2001. Hai thiếu niên này, tuổi 14 và
15, tức là đã được sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, đi học trường Thụy Sĩ. Chuyện
nhập tịch Thụy Sĩ chỉ là vấn đề thủ tục, hình thức, để có cuốn sổ thông hành của
một quốc gia văn minh được nể vì ở mọi nơi trên thế giới. Thụy Sĩ đối xử với
gia đình này hết sức tốt đẹp. Đất nước này đã mở rộng vòng tay ra đón lấy gia
đình Syrie này trong lúc họ gặp phải những cảnh quẫn bách nhất. Trong ngày
tuyên thệ nhập tịch của hai thiếu niên này, các thầy giáo, cô giáo của cả hai
thiếu niên cũng đến dự.
Khi cả hai được gọi lên tuyên thệ, các cô giáo và thầy giáo
muốn bắt tay hai cậu để chúc mừng họ trở thành công dân mới nhất của Thụy Sĩ
thì cả hai từ chối những cái bắt tay thân hữu đó. Cả hai nói rằng việc bắt tay
những phụ nữ không có liên hệ gia đình hay họ tộc đều bị tôn giáo (Hồi giáo) của
họ nghiêm cấm.
Ngay sau khi hai thiếu niên này nói rõ lý do họ không bắt
tay các cô giáo của họ tại buổi lễ tuyên thệ, giới chức chính phủ có trách nhiệm
tổ chức buổi lễ đã ngưng ngay lễ tuyên thệ. Cả hai không được cho nhập tịch để
trở thành công dân Thụy Sĩ.
Chuyện này sau đó đã được đưa lên báo. Bộ Trưởng Tư Pháp Thụy
Sĩ Simonetta Sommaruga lập tức tuyên bố bà đồng ý với quyết định ngưng lễ tuyên
thệ cho hai thiếu niên này. Bà nói rằng bắt tay là một truyền thống, là nét văn
minh, văn hóa của Thụy Sĩ. Từ chối cái bắt tay là từ chối hội nhập vào, và chấp
nhận hòa mình vào đời sống của đất nước đã đón nhận họ, cho họ cơ hội để có một
đời sống tốt đẹp hơn.
Tử tế không muốn. Muốn những chuyên khốn nạn thì có ngay lập
tức. Được cho sống ở một xứ sở bình yên, văn minh, hạnh phúc nhất thế giới thì
đạp đi chỉ vì sự ngu muội, cuồng tín trung cổ mọi rợ thì được ngay.
Nhưng vài năm nữa, nếu nổi điên muốn vác xác đi theo bọn chó
dại làm khủng bố thì làm sao có cái passport Thụy Sĩ mà mua vé máy bay?
Muốn sống đời khốn nạn thì dễ quá, không có “bông rua” là được
ngay.
Bùi Bảo Trúc