21 April 2016

CÒN GÌ NỮA ĐÂU! - Nguyễn Văn Sâm


Trái đạn đại bác nghiến răng tử thần xé không gian rít dài từ xa, bay qua xóm nhà lá, rớt chụp xuống khu cao ốc bên kia đường. Hùng dửng dưng đứng nhìn đám bụi khói bựng lên cùng với cái chuyển mình xuống của toà nhà. Hình ảnh chết chóc đã trở thành thường tình. Những căn nhà chung quanh lần lượt biến thể dưới bước chân hung thần khổng lồ. Công trình xây dựng đối diện giấc mơ quyền thế. Nhân loại chìm ngập dưới cơn hồng thủy bạo lực. Những gia đình chết chẳng toàn thây như kiếp trước phạm tội tày trời giết cha hại mẹ. Tấn tuồng lập lại quen thuộc đến nhàm chán thị giác. Tấm thảm máu phải trải dưới bước đi vinh quang của những kẻ tập tành chơi trò thay đổi bước đi lịch sứ.

Hùng quẹt mồ hôi lấm tấm trên trán chống xuổng xuống đất, buồn cười nghĩ đến chuyện mình đang làm. Đào để trốn sự sợ hãi. Yếu đuối, bất lực nên bằng lòng với sự che chở của rủi may. Lời than thở của hai người láng giềng bên kia hàng rào về tính chất vô nhân của sự pháo kích khiến anh cảm thấy chuyện đào hầm như trò hề rẻ tiền không chọc được cười ngay cả đám khán giả dễ tính. Vô ích thôi. Ai nghe? Chiến thuật chiến lược đi kèm với bản chất. Làm sao bảo một em bé gái thay trò chơi búp bê, bán hàng bằng trò bắn bi, u mọi? Từng cục đất bự được xắn liệng lên miệng hầm. Cái lỗ nhỏ xíu, giờ đã lớn rộng. Chỉ cần lót bộ ván ngựa lên nữa thì sẽ thành một cái hầm hết xẩy. Hùng tự thưởng mình bằng nụ cười. Anh vô nhà khệ nệ bê một tấm ván ra rồi trở vô kiếm búa, kềm, xà beng, nạy một tấm tôn đang che dàn bếp kéo lê lết ra chỗ miệng hầm. Bà chủ nhà bên kia hàng rào bông bụp nói chõ qua:

“Cậu Hùng tới bây giờ mới làm hầm à? Nhắc cả tháng nay mà cậu có nghe đâu. Mấy cậu đàn ông thanh niên ỷ tài ỷ tận lắm. Có bề gì rồi đổ thừa tại số, tại phần … .”
Người đàn bà liếc mắt lượng giá công trình trước mặt:
“Cạy lấy hết mấy tấm tôn đi, chồng lên cho chắc. Thời buổi này … .”
Hai người không ai bảo ai đều đưa mắt theo dõi mấy tàn lửa thông điệp của sứ giả tử thần đang bịt kín một khoảng không gian.
“Có sao không cậu Hùng? Người ta chạy qua Mỹ, qua Úc tùm lum tà la. Tui sốt ruột ghê mà không biết chạy đi đâu. Muốn dìa Cần Thơ, miệt quê ngoại xấp nhỏ ở đâu độ vài bữa cho yên rồi lên. Tía xấp nhỏ biệt tăm biệt dạng cả tháng nay, mẹ con tụi tui như cụt tay cụt chưn không biết đường nào mà mò. Ở đây hồi hộp quá.”
Hùng thẳng lưng lên, nghỉ xương sống, nhìn từng bựng khói xa xa, sau tiếng hoả tiễn hú như bò rống.
“Cháu cũng hỏng biết có sao không nữa. Sài Gòn còn hỏng yên miệt dưới làm sao yên được. Thời buổi này di chuyển khó giàng mây. Dì lại có mấy em nhỏ.”
Sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt người đàn bà.
“Chắc cũng hỏng tới nỗi nào đâu. Nhằm nhò gì. Sài Gòn rộng lắm. Vài bữa nữa tụi nó hết đạn cho mà coi. Nói đúng ra, họ đã dàn xếp đâu đó xong xuôi rồi … Đâu có chuyện thua ngon lành vậy. Dì nghĩ coi, Nam Vang nhỏ bằng bụm tay, quân đội ì ạch, súng đạn cũ mèm còn chống cự được cả tháng … Nói cùng mà nghe, Sài Gòn mình nếu có thua thì ít nhứt cũng phải sáu tháng nữa … .”
Ánh mắt trách móc chém ngang mặt Hùng:
“Nói như cậu cũng như không. Rồi tui biết chạy đi đâu? Nghe nói ở Ban Mê Thuột, tụi nó bắt bên mình đem ra sắp hàng bắn bỏ trả thù lềnh khênh.”
Hùng nựng má thằng nhỏ vừa mới chạy ra nắm áo mẹ:
“Nói thì nói vậy, chứ trong sáu tháng đó, biết bao nhiêu là nước chảy qua cầu. Có thể mình được đồng minh tiếp viện cũng không biết chừng.”
Dì Sáu mở cờ trong bụng:
“Ờ hé, cậu nói tui mới thấy. Hỏng lẽ mình hỏng có ai binh hết trơn hết trọi sao?”
Dì ẵm đứa con lên, kéo vạt áo hở rún nó lên chùi mũi nó.
“Nhưng mình phải lo làm sao để sống tới đó. Pháo kích liên tu bất tận kiểu này bà con ở nhà lá như mình có môn ngáp sớm. Nhà lầu, hầm bê tông cốt sắt còn chưa thấy gì … Huống hồ … .”
Dì chuyển ánh mắt khỏi căn hầm:
“Tui nghe thằng Chín lơ xe đò nói tụi kia đương đào công sự ở xa lộ, chỗ nhà máy xi măng Thủ Đức. Nó phải chạy dìa bằng đường trong. Ngã Bình Triệu. Sợ bị chơi trò lùa dân đi trước đỡ đạn như mấy chỗ khác .”
“Dạ … mà một hai thằng nhằm nhò gì. Tụi nó làm gì đi mau dữ vậy được. Mới hôm qua còn ở Biên Hòa mà. Bộ bên mình chết tiệt hết rồi sao?”
Hùng nhấn mạnh chắc nịch câu xác quyết kết luận.
“Hỏng tới nỗi nào đâu. Dì đừng sợ!”
Người đàn bà chụp câu nói như vồ một cái phao.
“Nói vậy tui khỏi dìa Cần Thơ hả cậu?”
Hùng làm thinh, rảo mắt trên khung cảnh điêu tàn.
Hỏa tiễn vẫn liên tục rú trong không gian, phì phèo những âm thanh chết chóc. Thần chết đang dạo bước lãng du kéo dài lưỡi hái vô tình trên đầu mọi người. Tiếng súng cối ùm-ọc, tiếng chắc-bụp, tiếng M-16, AK hoà nhịp nổ rền. Âm thanh vỡ của địa ngục trong bản luân vũ ác thần. Nhà cửa im lìm. Không khí căng thẳng, ngưng đọng, cần phải ra đường nghe ngóng tình hình. Ở trong cái rọ giữa xóm, sự sợ hãi càng lúc càng tăng gia.
Hùng đi ngòng ngoèo trong xóm, dòm trước dòm sau, lần theo những vách lá đang nép mình sợ hãi, bước ra đầu ngõ. Một đám đông đang lấp ló trước hẻm. Anh rùng mình. Bên kia đường hai xác chết cạnh một chiếc xe xích lô chỏng gọng. Mấy con ruồi xanh vo ve lên xuống bên tặng phẩm bất ngờ. Bốn cái chân ngã sang màu xanh tím lạnh lẽo, thò dưới tấm nylon đấp điếm sơ sài. Hùng ngó chỗ khác, nín thở. Người qua lại rảo bước mau không muốn quấy động giấc ngủ kẻ không may …
Một người hàng xóm chận Hùng lại nghẹn ngào:
“Bên mình đầu hàng rồi.”
Một ngọn gió lạnh buốt giá thổi qua bầm nát mặt Hùng.
“Cậu bước vô nhà thằng Tư nghe ra-dô đi. Ông Minh tuyên bố rồi.”
Hùng bàng hoàng tột độ, không buồn ngó theo dáng đi thất thểu của ông ta, hai tay buông thõng đong đưa trong không khí. Tiếng ông Tổng Thống trật thời trầm trầm như tiếc thương thân phận: “Mời mấy bạn bên kia ngưng bắn, về đây thảo luận việc trao quyền…”
Những bước chập choạng trong trạng thái mơ ngủ dẫn dắt Hùng. Tất cả băng giá trên địa cực đổ xuống đầu anh, phủ trùm kín mít. Mọi vật mờ nhạt. Những giọng nói hớt hãi, những lời bàn tán ngại ngùng vo ve như tiếng ong vù, ồn ào như buổi tan học, mơ hồ như gió thổi vào cành tre, vi vu, ríu rít mong manh, chập chùng giữa không và có. Thế là hết. Miền Nam không còn nữa. Chúng, bắt đầu từ giờ phút này thành kẻ thắng trận. Bao nhiêu máu đổ trở thành vô ích. Bao nhiêu nỗ lực chống đỡ tan biến bọt bèo. Những người cầm súng trước đây rồi sẽ ra sao? Những gì sẽ tới với minh, với những người dân ngây thơ yên phận sống sót giữa hai lằn đạn tương tranh?
Hùng thừ người. Nỗi thất vọng đè bẹp anh. Kiệt sức, trống rỗng, hụt hẫng, chới với xuống vực sâu không đáy. Trí óc lờ mờ, đặc sệt chất keo, lú lẫn, ngơ ngác như gà con lạc mẹ.
Tiếng súng lơi dần rồi dứt như điệp khúc mưa sắp tạnh. Đường phố trong chớp mắt tràn đầy tiếng động ồn ào, vội vã, tuyệt vọng của các loại xe, đôn đáo cùng khắp. Xe hơi, xe gắn máy, Vespa, Honda, xe đạp, xích lô, ba bánh. Mọi người túa ra đường nhớn nhác, láo liên. Phải ra khỏi nhà. Phải gặp bất cứ người nào để khỏi nhìn khung cảnh buồn thảm chung quanh. Khỏi đối diện với chính mình. Khỏi lo lắng cho số phận. Đường phố càng chật ních, sự đổ xô càng quýnh quáng. Ra đường bồn chồn. Hội nhập nhắm mắt, tránh né cảm giác tuyệt vọng. Những người lính rã ngũ, chân không, áo thun, quần cụt, hớt hơ hớt hãi xin một cái quần, một cái áo. Những câu an ủi xúc động. Những nắm tiền chia xẻ dúi tận tay. Những giọt nước mắt thông cảm. Thỉnh thoảng một tiếng súng lục nổ, tan loãng trong âm thanh hỗn tạp của giờ tận thế. Đoàn người dãn ra rồi túa lại chiêm ngưỡng thương xót người hùng. Những cặp mắt trầm trồ thân thiết. Những dấu thánh giá được vẽ trong không gian. Những bàn tay nâng niu sửa lại thế nằm. Những cái vuốt mắt thành kính. Hùng muốn bật khóc. Mới đây, họ là thành trì, là niềm kiêu hãnh của mọi người, giờ đây riêng họ gánh chịu những thua thiệt không thể mô tả. Hoặc tủi nhục, cuống cuồng đào thoát trong vô vọng với tâm trạng lửa rừng vây bốn phía, hoặc tuẫn tiết với niềm thất vọng vô bờ. Riêng mình họ. Cô độc.
Hùng bước mau về nhà. Hối hả. Khác với buổi sáng lúc ra ngõ thật chậm, cẩn thận. Cái hầm nằm chênh hênh, trơ trẽn, vô duyên, như người con gái buôn hương trong dáng ngồi xuống cái thau để rửa. Tấm tôn phủ hờ phía trên chừa một lỗ tối om khiêu khích. Anh cúi xuống lượm cái xuổng quăng vô một góc nhà, lúi húi đẩy xe ra. Chiếc Vespa mắc dịch cả tuần nằm ụ cứng đầu không chịu nổ máy, xịt xịt vài cái rồi im thin thít. Chỉ còn một lớp xăng mỏng tráng dưới đáy bình. Anh nghiêng xe sát xuống mặt đất, đạp mạnh. May quá, xe nổ dòn tan. Đầu hẽm lúc này đông như hội đang lao nhao chỉ trỏ bàn tán. Chiếc Vespa gia nhập vào giòng thác xe cộ hoang mang của giai đoạn giao thời, chập chờn như đoàn quân ma rảo bước dạo trần thế tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhơn.
Bản năng và tiềm thức đang hướng dẫn Hùng. Thế giới thực tại vẫn hiện hữu nhưng hình ảnh đã tan biến, không còn in trên võng mô ai. Vũ trụ biến thành chất lỏng không màu, trong suốt không thể tác động được lên tri giác khi phần đất thương yêu bị giải thể. Câu tuyên bố “Yêu cầu binh sĩ VNCH các cấp ngưng bắn, tập trung về một nơi … ” như một bản án tuyên xử tử hình đối với mọi người. Lời thơ của người nhạc sĩ phản chiến như một sự mai mỉa triền miên: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm từng nhà, tôi sẽ đi thăm từng làng … ” Hùng bực bội rú ga mạnh hơn. Lách, lạng như những anh hùng xa lộ phóng trong nước rút.
Chưa chắc, chỉ là ước mơ chủ quan. Chiến tranh đồng nghĩa với ngăn cách, thù nghịch. Hòa bình sẽ đủ điều kiện kết lại tình người. Nhưng sao phải theo kiểu “từ Bắc vô Nam nối liền cánh tay ” mà không ngược lại? Đánh vào lòng người quá ê chề vì chiến tranh, cố tình quên những yếu tố khác để đòi hỏi một điều ngụy trá. Hòa bình còn bao nhiêu vấn đề cần phải đối phó đâu để đi thăm từng nhà, từng làng? Trò chánh trị bịp bợm của lãnh tụ ngày xưa, lần này được nhai lại bằng âm thanh và tiếng hát ru ngủ người nhẹ dạ. Giờ đây mọi chuyện đã lỡ. Tấn tuồng đã vãn. Chiến tranh đã tàn. Thành đã bị hạ. Dân chúng dầu có được hàng triệu lời chiêu an, vẫn không tránh thoát giai đoạn chuyển tiếp. Và biết bao nhiêu cảnh thành cháy vạ lây, ngọc thạch câu phần!
Xe ngừng trước căn nhà quen thuộc. Khóa công-tắc xong mới lấy làm lạ sao mình được an toàn tới đây trên con đường đầy rẫy xe cộ loạn xạ như vừa rồi.
Cửa sắt đóng, cửa bên trong khép hờ … Một đôi mắt đen lóng lánh lấp ló qua khe hở. Đẹp thân thiết, như buổi bình minh hiu hiu gió mát, đầy tiếng chim líu lo trên cánh đồng mạ xanh lất phất. Tiếng reo mừng thật tươi, ngọt ngào đánh bạt mất những bực bội trong lòng người đối diện.
Gió trời ngào ngạt thổi tắt phụp cả vũ trụ đang sôi lửa. Câu nói giọng cười đem đến sự tươi mát như cây cỏ hưởng cơn mưa đầu mùa sau bao tháng dài chịu đựng nắng hạn. Ánh mắt đó, nụ cười đó, quen thuộc, gần gũi. Đôi mắt to ươn ướt khi ngạc nhiên có khả năng hớp hồn những quả tim non vụng dại. Nụ cười, không ai khỏi xốn xang. Cả nửa tháng nay không gặp. Mọi người bận rộn với công việc riêng tư (dường như giai đoạn rẫy chết của đất nước cuốn hút mọi người vào những công việc cuối cùng phải giải quyết). Anh nhìn thẳng vào mắt người yêu cố gắng đè nén xúc động:
“Chắc em biết rồi. Ổng Minh vừa tuyên bố đầu hàng. Chúng sẽ vào thành phố trong một hai tiếng đồng hồ nữa. Miền Nam đã chết thực sự, không còn hy vọng gì.”
Người con gái đứng thẳng, một tay đưa lên vén mớ tóc mai, tay kia buông thõng với tờ báo phát hành hôm trước.
“Hương nghe rồi, buồn thiệt anh hé. Ồ, anh ngồi chơi. Gì đâu mà phải đứng?” Ánh mắt dịu vui tươi, nụ cười thật thanh bình. Có gì không ổn. Sự hòa hợp lạc điệu giữa câu nói bình thường và hoàn cảnh nước nhà. Anh miễn cưỡng ngồi xuống ghé, dáo dác ngang dọc, cố đoán ra điều khác lạ đang lờ mờ cảm thấy. Hương ngồi xuống ghế đối diện, thân mật:
“Anh đừng buồn nữa. Chế độ nào rồi thì mình cũng là dân, sống trong chế độ chớ mấy ai lựa chọn chế độ đâu.”
Hùng nhìn thẳng vào mắt người tình. Đôi cánh bướm chớp chớp tuyệt vời, hai viên ngọc đen huyền long lanh, ướt át. Đôi mắt kéo thời gian trở về hai năm trước, đã làm mát cái nóng cháy da buổi trưa gặp lần đầu lúc tình cờ cùng bước vào thư viện Lincoln.
Ngoài đường vọng lại âm thanh quái đản xô bồ. Tiếng cãi cọ giành giựt mấy bao gạo, bao đường chen lẫn với tiếng xích sắt của đoàn thiết giáp lạ mặt đang nghinh ngang nghiến nát đường phố bỏ ngỏ, vô chủ.
Tay Hùng bỗng cảm giác mát ấm, bàn tay nàng đã đặt lên, anh chồng tay kia lên. Hương cười ngỗ ngáo giấu tay còn lại xuống dưới bàn, giống như trước đây lúc ngồi quán kem Mai Hương chơi trò tình yêu học đường.
Một cái bông huệ trong lục bình trên đầu tủ buffet rơi xuống thêm vào đám bông tàn héo úa rải rác trên tấm khăn bàn bằng chỉ móc. Hùng rút tay ra phác một cử chỉ thất vọng:
“Kinh nghiệm lịch sử cho anh tiên đoán họ sẽ có những biện pháp … .”
Hương thay đổi lại thế ngồi, đôi chân tréo lên nhau, quần sa tanh đen mịn, mướt óng hằn rõ sự mạnh khoẻ, tròn trỉnh giấu dưới đó. Giọng nàng thật gợi cảm:
“Má em cũng nói như anh. Em thì em cho rằng sau chiến tranh họ cần dân chúng để xây dựng. Vua Quang Trung ngày xưa còn cho hàng binh Mãn Thanh phục vụ trong quân đội của Ngài. Họ và ta cùng là dân Việt … .”
Nụ cười thật tươi được dùng để chấm câu bộc lộ niềm tin mãnh liệt. Hùng vói tay vặn nhỏ chiếc máy phát thanh đang ra rả những bản nhạc hùng quen thuộc mỗi khi có biến động, lòng bất chợt thương hại người yêu ngây thơ dùng thiện lương để lý luận về một vấn đề chánh trị.
Nhà sau vắng vẻ, lặng trang, Hùng lơ đãng nhìn về phía cửa buồng nàng, trêu chọc:
“Em cho anh miếng nước. Khách tới nhà cả giờ đồng hồ bỏ chết khát không nước nôi chi hết, chi lo cãi nhau xuông.”
Nàng kéo tay anh đứng dậy:
“Em xin lỗi anh nhé. Vào nhà sau với em. Em chiên cơm anh ăn. Mình nói chuyện trong lúc ăn. Má em sang nhà bà con bên cạnh nãy giờ.”
Bàn tay nàng mát rượi, mùi thơm thoang thoảng. Trong lúc Hương hơi cúi xuống, chàng khẽ liếc về chỗ áo hơi rộng cổ. Quen thuộc, nhưng sao vẫn vô cùng mới lạ, bí ẩn, ngây ngất như chưa từng quen. Hai người đi sóng đôi ra nhà sau. Anh choàng tay qua cái lưng ong xinh xắn. Tim đập mạnh. Mỗi lần chạm đều bị cảm giác này. Mời gọi nhưng hồi hộp, hấp dẫn nhưng ngại ngùng. Có cái gì cao sang nghiêm nghị ngăn chận anh khỏi những tính toán trai lơ. Tay hạ thấp xuống hơn. Thịt chắc dội thốn tim. Hương không gỡ ra cũng không phản đối. Máy thu thanh nhà bên cạnh oang oang lời kêu gọi của những kẻ trở cờ mau nhất. “Xin đồng bào hãy bình tĩnh, hãy tiếp tay với chính quyền cách mạng, cương quyết vạch mặt những tên phá hoại … .” Hừ, giáo sư này, giáo sư nọ. Giờ này mới biết lòng dạ họ. Kẻ trở cờ, kẻ nội thù. Anh chợt rùng mình. Biết đâu Hương cũng vậy. Bộ mặt đẹp đẽ dễ thương đó biết được, thấy được, nhưng còn những gì nàng nghĩ? Hình ảnh một thanh niên đang ôm trong tay người tình trẻ trung một phút sau quay lại thấy vòng tay mình choàng ngang cái thây ma nhơ nhớp. Một luồng hơi lạnh chạy trong xương sống. Anh giật mạnh tay như chạm phải luồng điện cao thế. Hương nhìn lên, mắt tròn ngạc nhiên, ranh mãnh phát nhẹ vào vai người tình:
“Mẹ chưa về đâu. Anh ngồi xuống đây. Em sửa soạn thức ăn. Rầu anh quá, sao bi quan vậy không biết!”
Hùng máy móc ngồi xuống, uể oải, không đính chánh, đưa mắt dò xét bao quát. Có gì là lạ trong sự bình thường và nhí nhảnh này. Nước mất, mọi người như chó mất chủ, số phận chưa biết ra sao. Chiến tranh tàn trong bi đát. Một sự đổi thay chua xót và đớn đau. Chịu đựng và ậm ọe, thu mình và hống hách. Tay không và súng đạn. Mặc cảm và thù nghịch. Thế mà …
Thức ăn được nâng niu bày biện lên bàn. Nàng gắp một miếng thịt gà âu yếm đặt trên chén cơm, mở tủ lạnh lấy chai nước ngọt, kéo tủ loay hoay tìm cái mở nút chai.
“Chấm dứt tình trạng thù nghịch tự nó là một điều tốt. Giả tỉ miền Nam thắng trận cũng vậy thôi, cũng áp đặt thể chế Cộng Hoà, bắt mấy thằng Việt Cộng giam lại … .”
Hùng cười, hai tay hai chiếc đũa đặt tréo dưới cằm, một ngón tay trỏ đưa lên môi:
“Nè em. Không thể giả tỉ ở đây được. Phải nhìn nhận sự thực. Chiến tranh cổ điển theo kiểu hai mươi năm vừa qua đã kết thức, nhưng một hình thể mới lại bắt đầu. Mục tiêu vẫn chỉ là áp đặt lý thuyết của họ.”
Nàng hớp từ ngụm nước lộ vẻ suy nghĩ, hai đầu chân mày nhíu lại gần nhau, trán nhăn nhăn. Hùng rờ mu bàn tay bạn gái, vuốt vuốt mấy ngón tay búp măng sơn màu cam dịu. Tiếng động ầm ầm của đoàn xe Molotova ngoài kia rung chuyển căn nhà gợn sóng lăn tăn ly nước trên bàn, những giao động nhỏ nhoi nhưng nhói tim như địa chấn nhẹ mở đầu những cơn động đất trời long đất lở kế tiếp.
Lâu lắm Hương mới nói, thật chậm:
“Anh không tin ở chính sách hoà hợp hoà giải. Anh cũng không tin ở vai trò của lực lượng thứ ba?”
Hùng châm thuốc, thở ra một cụm khói đen đặc, nheo mắt châm chọc:
“Khi đã thành vợ chồng, em có đồng ý để anh yêu một phần, còn một phần yêu cô nào khác không?”
Bắp tay Hùng bị véo thật mạnh:
“Anh muốn nói không khi nào có chuyện trung lập?”
Một nụ cười tinh quái:
“Anh không bao giờ tin tưởng ở thiện chí, ở tánh bổn thiện. Anh là chúa hoài nghi.”
Hùng mỉm cười với mình:
“Nhưng anh không hoài nghi tình yêu của em. Bây giờ anh không hoài nghi về sự ngây thơ chính trị của em.”
Hương đi vòng quanh phía sau, châm nước cho người yêu. Anh nắm bàn tay xinh xắn đó. Ánh mắt nàng, hóm hỉnh tránh móc như người chị bao dung đưa mắt không bằng lòng đứa em nhỏ tham lam giành kẹo:
“Cơn bịnh trầm kha của đất nước cần phải được chữa trị bằng liều thuốc mạnh. Anh xem, bao nhiêu là thối nát, tham nhũng, nghèo đói, dâm ô, sa đoạ, lai căng, hưởng thụ, ích kỷ … .”
Hùng chồm lên đặt một cái hôn trên đôi môi cắn chỉ. Thơm ngát, ngây ngất. Hương trinh nữ, mùi hoa dạ lý toả ra khắp phần không gian nhỏ của căn phòng. Ngoài kia, nắng lung linh bay nhảy trên mọi vật. Lần nào cũng ngon như lần đầu vụng dại e thẹn trên chóp núi Bửu Long một buổi chiều dịu nắng sau sáu tháng quen nhau.
“Phương thức chánh trị nào cũng bất toàn. Phải nhìn trên bản thể những sự kiện đã đem đến khuyết điểm đó.”
Hùng kéo sát Hương vào mình hơn, hơi ấm truyền sang ngực anh.
“Hương, chúng ta phải thực tế. Cuộc đổi ngôi nào cũng đem theo nhiều xáo trộn. Anh muốn chúng ta vượt thoát khỏi Việt Nam. Phải đi, không thể ở lại được.”
Đôi mắt người con gái tròn xoe. Môi chim chím. Chân mày nhíu hằn những vết thật sâu ở tam tinh. Xúc động mãnh liệt. Ngạc nhiên tột độ. Lời đề nghị đi ngoài dự liệu. Lâu lắm, nàng mới chậm rãi gỡ tay ra trả lời, giọng thật buồn:
“Nhưng như anh thấy, em còn mẹ già, còn anh chị, còn quê hương. Nói mà không sợ anh chê khách sáo, em trọng gia đình, yêu quê hương. Nhất là quê hương. Em thấy mình thân thiết với từng con đường, từng bảng hiệu trên đường phố, từng gốc cây, từng căn nhà. Em không thể xa đất nước này được. Xứ mình, mình ở, hơn là ở trọ quê người.”
Một bông hoa huệ rớt nữa xuống thêm vào mấy cái trước tàn úa, đen xám. Vai Hương bị nắm chặt lắc mạnh, đau điếng. Đôi mắt Hùng nhìn thẳng vào mặt người yêu, chòng chọc như muốn lòi ra:
“Em hãy nghĩ kỹ xem vì những thứ đó nên em ở lại hay ở lại cho những lý do đó?”
“Chưa bao giờ em dám nghĩ đến chuyện thiếu anh trong cuộc đời em.”
Hùng ôm chặt bạn vào lòng. Hai giọt nước ấm vừa lăn xuống đã được anh bôi nhẹ. Ánh nước phản chiếu sáng loáng phía dưới mắt người thiếu nữ. Nụ hôn thánh thiện trong sáng được đặt vào đó. Đóa hồng hé nụ bằng lòng thật trẻ con nở trên gương mặt gượng vui.
“Nhưng em có biết rằng em đang thuộc về một tập hợp ngoài tập hợp của họ không?”
Hương gỡ tay Hùng, giọng thật buồn:
“Tất cả đều là con dân nước Việt. Vả lại, em nóng lòng gặp mặt cha em. Em chưa được gặp người từ ngày lọt lòng mẹ đến giờ … .”
Một cái búa tày xồi dộng vô ngực Hùng. Cảm giác khi nghe lời tuyên xử tử hình đất nước vừa qua cũng chỉ đến vậy thôi. Tất cả đã rõ ràng. Nàng bị ảnh hưởng của tình gia tộc. Đã lầm lẫn giữa người cha và chính trị. Đã để ảo tưởng ảnh hướng dẫn nhiệt tình.
Chàng lao đao, quay mòng như rớt xuống hai tầng sâu thẳm tối om. Mất nước, mất người yêu. Bóng ma lạc loài biền biệt hai mươi năm bỗng hiện về hành hạ. Cha! Cha! Cha! Chắc không ông ta sẽ nhìn nàng? Chắc không một người đã để tình cảm đóng bụi một thời gian đằng đẳng như vậy sẽ hy sinh mình, nhìn nhận các anh chị nàng thuộc một phía khác, một suy nghĩ khác?
Rồi sẽ thất vọng em ơi. Bầy sói kia sẽ cắn cổ em không thương tiếc. Người em mong gặp trong mấy chục năm nay đã không có một giây phút nào nghĩ tới em. Sự khác biệt vĩ đại giữa hai đàng về giá trị con người, về những nguyên tắc đạo đức …
Người con gái ngồi im lặng, tay chống càm, ngó Hùng nhoè nhoẹt qua làn nước mỏng. Anh nhìn lại mình: Cô đơn, trơ trọi, bị tước đoạt hết cả, quê hương, tình yêu, và chắc chắn rồi đây tuổi trẻ cũng bay theo hoàn cảnh mới … Bên tai anh mơ hồ tiếng nhạc hòa điệu bài ca sầu thảm tuyệt vọng đến nhức nhối: “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu … còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ … thôi hết rồi, thôi hết rồi … .” Trong trí anh hình ảnh của chính mình, đen đúa, rắn rỏi, bộ đồ trận rách bươm, vài món đồ thiết dụng trên vai, tay súng lăm lăm, tuôn bờ vượt suối trong những vùng hẻo lánh Ba Thê, Bảy Núi, Kon Tum, Bồng Sơn, Bình Giả …
Tiếng súng do bọn trẻ tò mò, phá phách ngoài kia vẫn tiếp tục nổ đều, náo loạn, vô duyên.
Những giọt nước mắt nhỏ xuống thật mạnh trên bàn nghe rõ mồn một …

Nguyễn Văn Sâm
Texas, 1981
Trích tập truyện Câu Hò Vân Tiên, Gió Việt xuất bản, Texas, 1985