Năm em lên ba, bố
tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi.
Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt,
những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi,
tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm
cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo
thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới
gánh hàng về, ba mẹ con ngôì ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi
mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn,
tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ,
mà thấy thương mẹ vô cùng.
Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở
chơ. Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm,
lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít
phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về
về trong nỗi cô đơn. Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi
cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh
tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất
và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ
lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm
cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đỗ được bằng tiểu học năm đó.
Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ
ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng trung học. Đến niên học đệ tam thì tôi đã
bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là
giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và
trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi,
đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết
theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu
công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất
đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi.
Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một
chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi. Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú
Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi
biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần
đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh
em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trâm ngâm bên
ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng
ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng
học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài
cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi
như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu
vào sách vở…
Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào
“tuổi ngọc”, nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán
bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt
giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền
may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của
bố, nên tôi “quyền huynh thế phụ”. Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu
tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.
Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một
mình với em ở Đà nẳng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng
thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền
nhỏ nhoi kiếm đuợc, tôi phụ mẹ một ít nuôi em. Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy
tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai
em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói
mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho
tôi ở Huế.
Lật đật trở vào Đà nẳng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống,
từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ
đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh
giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em,
trong giấc ngủ hai khoé mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn
thắt. Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới
ôm chầm và oà lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một
vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng
em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tỉnh mach ở đầu.
Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em,
đôi mắt xót xa… Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một
thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi
rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi
cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với
mình đừng khóc, đừng khóc… nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt
bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho
hai giòng nước mắt chảy nhạt nhoà trên má.
Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai
con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần.
Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giả từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ
nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ
ơi… Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẩm cả
vạt áo me bạc màu . Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng
vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp
mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi…
Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại
trường. Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại,
tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi. Minh có Hân, cô em
gái cùng tuổi, cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng
may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi
cho me. Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho
em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng,
hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời.
Tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết
kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi
tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao gi dấu tôi một
điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần,
hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm
tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng. Em lớn lên và ngày càng giống mẹ.
Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình
thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm
em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khoá của tôi, em và Hân
cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa
em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình.
Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi
mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người.
Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ.
Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi
tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền
phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son
phấn… Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể
chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhở có ngày bố con
gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi
cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ….
Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ.
Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà
chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về
cả ba cùng quây quần nấu nướng. Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một
sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan Rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể
thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị
tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần.
Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm.
Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lể nằm bệnh viện
và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí.
Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại
những “kỳ tích” của bạn tôi, của Mễ, của Lô… Sau một lần bị thương nhẹ ở tay,
tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy
cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị
thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến
thăm. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất
hiền lành. Trong suốt tuần lể ở Phan Rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có
Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ
bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi
lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện
của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim củ quay chầm chậm.
Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy
mắt Tuấn long lanh…
Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Sài Gòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ
nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi
nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể
trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến
gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt
vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng
cho em gặp được một người chồng hiền hậu.
Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho
giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo. Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà
gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô
giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn
thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em súng sính trong bộ đồ cưới,
tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của
em.
Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nửa ở vùng giới tuyến, thì “tai nạn” xảy ra.
Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không
giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật
và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.
Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm Lý Chiến, thời gian này
tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long. An
Lộc… đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với
bút ký “Mùa hè đỏ lửa”. Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn
và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan Rang, gần trường em
dạy. Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con.
Mỗi dịp rãnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn
vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu
lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lãnh dòn tan của
cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm
quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao uớc mẹ tôi
nhìn thấy được cảnh này.
Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra
trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy
sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột
nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã qúa già, làm sao lo phụ với em đây.
Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như như ngồi
trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé,
con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho
em… Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75.
Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu
không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn,
qua Suối máu , đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông
quá… Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng
sau tôi nhận được thư em.Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng
tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhoà.
Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn
bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở
nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt
tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau
ngày bố cháu và bác cháu vào tù.
Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em,
làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới
thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi
năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt
nhìn nguời đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để
biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì.
Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai
gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi. Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và
một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố
cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh
trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc dến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em
cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy.
Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi
hình dáng mặt mủi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết. Tháng 12
năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi. Đứng trong văn phòng viên sĩ
quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt
xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy truởng trại
tiết lộ về điạ vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay
qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn
ông xa lạ. Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là
đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có
lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe
bố nói, sau cùng, bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và
thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng.
Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dững dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình.
Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái
ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó
phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây gi tôi hiểu
vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối
thư. Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm
lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.
Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em,
trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó
khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn
hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm
nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ
bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi
tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng
đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khoẻ yếu
lắm, em sợ nhở có mệnh hệ nào… Tôi thẩn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi
chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ
già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời
đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên
em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì
Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với “cách mạng” nhiều. Rồi tôi
viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào,
nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của
mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại
đang có gì ăn ?
Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu
chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan
Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa
bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội
ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi
thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ
quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Người chồng, trung úy hải
quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung uý Trần
nguyên Tuấn. Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi
hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi
tiếng nguời nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ
đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của
tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu
Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu
ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh
buốt. Tôi tê dại, tôi hoá đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ
cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng
em nhập nhoà, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi…
Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu
sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi,
tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp,
tôi bước đi như kẻ mộng du…
Phan Nhật Nam