30 April 2016

ÔN NAM BỘ - Trần Huy Sao

Buổi họp mặt đông vui anh tình nguyện mở màn buổi văn nghệ bỏ túi nắm tay chị lên cái khoảng trống-không-rộng chỉ vừa đủ một khoảnh coi như là sân khấu chung cho buổi trình diễn văn nghệ giúp buổi tiệc vui nhậu mừng anh chị ba-mươi-năm về ở với nhau.
Ba mươi năm trói buộc đời nhau tình nhau mà giờ đây còn như thời trai trẻ nắm tay nhau lên (tạm gọi là) sân khấu để trình diễn một màn gì gì đó (chưa biết) để giúp vui là coi như  còn phong độ, còn sung lắm. Cả phòng tiệc vỗ tay.

Hóa ra không hát tình ca như mọi người đinh ninh mong đợi mà ngâm một bài Thơ. Mọi người đều háo hức, chờ.

Hát một bản nhạc thì có-thể-có song ca, tam ca, tứ ca rồi hợp ca nhưng giới thiệu là ngâm một bài Thơ mà có hai người cùng song ngâm là điều hiếm có, hiếm thấy. Chỉ là hiếm thôi chứ không phải là không có.

Hay là anh chị sẽ diễn một màn kịch thơ !.
Không phải. Chỉ một bài Thơ thôi. Anh ngâm trước, giọng thổ. Chị ngâm sau, giọng kim.
Cuối cùng, anh giải thích, chỉ một bài Thơ thôi mà hai người đồng điệu, đồng cảm, đồng tình, đồng bước lên sân khấu (có tiếng vỗ tay vang) thì thưa quý anh chị, ba mươi năm ngắn ngủi có nghĩa gì đâu. Còn đồng điệu hơn thế nữa, nếu Ông Trời cho phép.
Anh nói bài Thơ này là của tôi. Viết về tình yêu, không riêng, mà chung cho cả mọi người. Rồi anh quay qua chị, khẽ cúi đầu, nói cám ơn em. Chị cười mím nụ quày quả trở về chỗ ngồi, anh khẽ khàng theo sau.
Vợ chồng đồng cam cọng khổ lại đồng điệu đồng tình như vậy đó thiệt là quý hiếm.
Mọi người trong bàn tiệc đều vỗ tay tán thưởng nhưng Huy thì ngỡ ngàng quên cả vỗ tay theo. Đang choáng ngợp vì không ngờ, bất ngờ quá vui sướng quá, bài Thơ đó là của anh. Bài Thơ này ( và nhiều bài thơ ) của tác giả ( nay mới biết là anh ) Huy trân trọng dành riêng một góc. Lâu lâu mở ra đọc để chiêm nghiệm tình yêu dù sắn khoai bắp đậu nước mắm xì dầu cá thịt chanh đường tỏi ớt mà lãng mạn gắn bó tình yêu. Tác giả không hề dệt gấm thêu hoa, chẳng trau chuốt mỹ miều đánh bóng câu chữ, chỉ chân chất thật thà sử dụng những vần Thơ kể chuyện rất đời thường mà lại gây nhiều cảm xúc.
Huy cũng mê Thơ và có làm Thơ nên học hỏi tác giả ( là anh, bây giờ mới biết ) rất nhiều. Đọc Thơ anh, công nhận, thấy thấm. Biết chắc anh là người cùng xóm quê vì trong Thơ có gợi nhắc nhiều địa danh riêng quen thuộc.  Nếu là phơn phớt không rặt người Xóm quê thì không thể nào nhắc nhớ tường tận đến vậy !
Càng thấy thấm hơn.
Chắc chắn anh ( và chị ) là người cùng xóm, lớn hơn Huy nhiều tuổi. Lớp đàn anh đàn chị thường thì không thèm nhớ, mà có nhớ rồi cũng dễ quên lớp trẻ nít .
Xóm quê xưa nghèo đói cơm lạt muối nên lớp đàn anh, có cả lớp đàn chị, với lớp trẻ nít đã từng một thời cùng nhau đi mò Rạm (có họ hàng với loài Cua nhưng hình dáng nhỏ hơn nhiều ), bắt cá Tràu (hình dáng in như là cá Lóc, nhưng mà to lớn lắm cũng chỉ bằng ngón tay cái ), xúc Hến ở  suối Cam Ly hạ. Cứu đói !.
(Có chữ hạ do bởi suối khởi đầu nguồn là một cái thác có tên là Cam Ly. Đầu nguồn gọi là thượng: Cam Ly thượng. Giữa nguồn hay cuối nguồn gọi là hạ: Cam Ly hạ. Không có tên gọi Cam Ly trung. Xóm quê của Huy ở suối Cam Ly lưng chừng giữa nên thường gọi quen là Cam Ly hạ. Nếu gọi cho đúng thì phải gọi là Cam Ly trung bởi vì, chưa là hạ, suối còn miên man chảy suốt dọc dài tới cuối nguồn để nhập vào dòng Krông Ana cuồng cuộn về hướng Pleiku- Kontum…)
Kỷ niệm với nhau về Xóm quê thì nhiều không kể xiết e là phải viết truyện dài-mấy-tập dầy cui mới tạm chấm hết.
Mà cũng chỉ tạm chấm thôi chớ chưa hết, không hết.
Bằng cớ là hôm nay rất đỗi tình cờ gặp anh chị khi theo chân vợ chồng thằng bạn thời trung học (tiểu học thì còn học ở Xóm quê nhưng khi lên trung học do hoàn cảnh gia đình Huy học nhờ nơi khác, coi như là đi học xa nhà) lên tham dự buổi ra mắt tuyển tập thơ văn của thằng bạn hồi cùng chung một lớp, ngồi chung cùng bàn.
Đường xa lại gặp nạn kẹt xe kinh khủng nên tới địa điểm thì cũng vừa kịp. Là vừa kịp lúc… vãn tuồng, bà con đang lục tục tiễn nhau ra về !. Thằng bạn, lâu ngày gặp lại mà thấy vẫn còn dễ thương, an ủi : “ Có lên là quý lắm rồi. Bây giờ lo phụ dọn dẹp Hội Trường . Đêm nay có màn văn nghệ đặc biệt.”.
Buổi văn nghệ đúng nghĩa đặc biệt vì chỉ có anh và chị lên trình diễn phần văn nghệ giúp vui rồi sau đó không có màn diễn nào khác. Chỉ ngồi hàn huyên.
Huy bất ngờ choáng ngợp hương hoa tình làng xóm khi anh chị đến thẳng chỗ Huy ngồi. Chưa hình dung nổi, anh và chị, là ai trong những người anh người chị, ngày xưa.
Cái bắt tay chắc nụi đến nhói đau với tiếng cười sảng khoái, thêm, cái vỗ vai muốn oằn cả người :
– Đọc thơ chú hoài mà nay mới gặp được người thơ, quá đã, quá đã.
Rồi anh day qua chị, hỏi :
– Sao em ?. Có nhận ra tay này không?.
Huy vội vàng đứng lên chào chị. Thấy chị nhìn sững một hồi rồi lắc đầu ngượng nghịu :
– Thiệt là nhìn không ra. Nhìn hoài mà không hình dung ra nổi !.
Lại nghe tiếng anh sôi nổi :
– Nhìn không ra là đúng rồi!. Hồi đó tay này còn nhỏ chút mà em thì lớn xộn đâu có thèm nhìn ngó tới mà giờ lại nói ra với không ra.
Cả bàn tiệc bên cạnh cười ồ. Chị hốt hoảng nắm bàn tay anh giựt giựt rồi ghé tai nói nhỏ gì đó. Chỉ thấy anh gật gật đầu, cười như mếu. Rồi chị nắm tay Huy, nói :
– Thôi để dành lát nữa rồi chị em mình nói chuyện sau nghen. Nhiều chuyện nói lắm đó…..
Lại nghe tiếng anh :
– Đúng y. Để chốn quê xưa người quê xưa nói chuyện sau còn bây giờ anh với chú nói chuyện trước.
Thấy chị háy anh một cái dài ngoằng rồi đi về phía cuối bàn, nơi tóc dài áo dài đang nói cười rộn rả.
Anh đang loay hoay tìm chỗ thì thằng bạn học cũ dễ thương, hơn bốn mươi năm rồi mà hắn vẫn cứ còn dễ thương chi lạ, vội vàng lo chạy đi chỗ khác nhường ghế cho anh.
Hai anh em ngồi cụng ly cái đốp, cạn ráo. Rót thêm. Huy ngờ ngợ nhìn anh, hỏi thăm dò :
– Nói thiệt nghen anh. Nãy giờ em cũng nhìn anh không ra!. So lớp tuổi anh thì cũng bằng anh Liêu, anh Tính, anh Nho, anh Phước, anh Nhi, anh Xuân rồi còn nhiều anh nữa. Mấy anh đó thì em có nhớ, chắc chắn là nhớ khi gặp nhau. Còn anh thì chịu thua, cứ cố nhớ hoài mà không nhớ ra  nổi…
Nghe tiếng anh cười sảng khoái, cụng cái cốp ly beer, cười :
– Aí dà, mày, ý quên, chú nhớ làm chi cho mệt xác. Tao, ai dà dà lại quên nữa xin lỗi xin lỗi , anh đâu phải là người xóm quê của chú. Anh vốn người rặt quê Nam bộ !. Thương yêu chị của chú là anh thương lúc gặp nhau lúc hai đứa ly hương biệt xứ. Anh đâu có biết cái Xóm nhỏ của chị với lại của chú em hồi nào, nó khúc ngắn khúc dài khúc nạt khúc mỡ gì đâu !.
Huy ngỡ ngàng :
– Uả, nhưng em đọc thơ anh thấy cả một trời xóm quê mình mà !.
Anh bật cười, lại thêm cái vỗ vai đau điếng :
– Thấy cái con khỉ. Là chị của chú với chú thấy chớ anh có thấy gì đâu.
Huy lại càng thêm ngỡ ngàng, hỏi lại :
– Nói vậy là sao đây, ông anh ?. Vậy là Thơ của chị mà lấy tên anh!. Sao mà lạ vậy!.
Thấy anh lắc đầu quầy quậy lại muốn vỗ vai nhưng Huy kịp né, mấy cái vỗ vừa rồi đủ rồi, đau điếng :
– Không phải đâu là không phải đâu. Thơ tao (ý quên) là anh làm đó. Chị của chú có biết làm Thơ đâu !. Làm nũng thì có.
Huy vẫn còn ngờ ngợ :
– Anh nói vậy là sao ?. Đâu có phải dễ dàng bịa ra khung cảnh để người quê xưa tìm lại nơi chốn của mình. Rồi những cảm xúc từ những kỷ niệm chan hòa vô đó làm sao có được khi không là người trong cảnh sống. Thơ mà không có cảm xúc thật lòng thì không, sẽ không có, những câu Thơ làm cho người cùng quê đọc về chốn quê mình rung động. Vậy anh đâu phải là…
Anh vội vàng đưa tay vỗ vai làm Huy né không kịp. Cũng may cái vỗ này chỉ nhẹ như là cái xoa vai, nhẹ hều. Nghe tiếng anh lắng xuống không vồn vã sôi động :
– Chú phân giải vậy nghe cũng được nhưng mà chỉ được có một nửa thôi còn nửa kia thì chú ngó lại, ngó kỹ anh coi. Chấp chú nhìn tới nhìn lui nhìn muốn đui con mắt chắc cũng không nhận ra anh là anh nào đây trong cái Xóm xưa của chú.
Rồi anh cười ngất, thêm một ngụm :
– Tao, ý quên, anh chỉ là thằng rể của Xóm quê chú thôi !.
Thấy Huy vẫn đang còn ngỡ ngàng nhìn, anh vội xích ghế lại gần, khẽ cụng ly rồi tự uống một mình, khà một tiếng sảng khoái :
– Nhân nói về chuyện ở rể, có lần lên mạng, anh đọc được một truyện ngắn trong đó có hai câu Thơ. “ Cho anh ở rể nhà em. Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày”. Chỉ hai câu thôi mà tâm đắc in như nói rước lòng mình. Rồi cứ nương thơ mà in lòng nhớ là phải thương yêu người mình yêu khi về ở rể.  Có một lần anh đọc hai câu Thơ này cho chị. Thấy chị cười nhìn anh tình tứ quá chừng chừng. Anh có nói với chị phải như là tác giả hai câu Thơ đó là anh thì anh muốn được đổi một chữ, chỉ một chữ thôi, trong câu đầu. Chị hỏi anh muốn đổi chữ nào đây?.
Nói tới đây anh ngừng, tự rót thêm vẫn đang còn nửa ly, đầy tràn bọt :
–  Anh nói với chị là anh sẽ đổi “ Cho anh ở rể Xóm em. “. Mới chỉ nghe vậy thôi mà nụ cười tức thời tắt ngấm, mặt mày đang tươi rói bỗng sa sầm. Chị đứng lên rồi chạy te xuống bếp. Anh ngỡ ngàng chạy theo. Cầm tay, chị phủi. Vuốt vai, chị oằn người né tránh. Ngồi xích gần, chị xích ra xa. Hai đứa ngồi một đỗi lâu, cũng lâu lắm là lâu. Liếc qua rồi liếc lại. Liếc lại rồi liếc qua. Cuối cùng rồi cũng mấp mé được ngón tay rồi khẽ tìm nắm được bàn tay. Đôi mắt liếc đã không còn dị biệt. Đã nhìn chung, nhìn nhau. Huề vốn nhau rồi. Tới lúc đó chị mới nói ra cái nguyên do. Anh giật mình toát môi hôi hột. Thì ra !. Chị nói là sai một ly đi một dặm. Ông nhà thơ nói ở rể nhà em là ông nói chí tình, chí chung chí thủy. Ông nhà thơ mình nói ở rể Xóm em là nói cho phỉ tình bướm hoa.  Ở Xóm em thì có nhiều-em-như-em. Ở nhà em thì chỉ-có-em. Anh lại xin cho được ở rể Xóm em là ý anh muốn tòm tem hết mấy cô trong Xóm chớ gì. Nghe thiệt vô cùng hợp lý. Anh chịu thua không dám đổi qua đổi lại, cứ nhà em mà ở rể cho chắc ăn.
Lại rót thêm, tràn bọt :
– Nói vậy là ý anh muốn nói chị của chú đâu có biết làm Thơ nhưng mà thích đọc Thơ, cảm nhận nhạy bén từng câu từng chữ. Nói thiệt lòng tao, ý quên, anh cũng đuối hơi mà cũng phải ráng sức.
– Anh nói nghe lạ !. Thơ mà phải ráng sức…
Anh vội xua tay lia lịa :
– Không phải. Không phải anh ý nói vậy đâu. Ráng sức đây là ráng sức theo ý của chỉ…
Huy lắc đầu, thiệt tình không hiểu nổi :
– Này ông anh ơi!. Mới hai chai mà nhớ lạc tới đâu rồi!. Ráng sức hay không ráng sức theo ý chị là chuyện thầm kín riêng tư đâu có dính dự gì chuyện thơ văn mình đang nói.
Thấy anh vỗ đùi, cười thoải mái :
–  Rồi !. Biết mà !. Biết mà !. Chú mầy cũng hiểu lầm y chang như mấy thằng bạn của anh khi mới nghe.
Anh nhướng người, nhìn quanh. Thấy chị đang ngồi nói chuyện với bạn ở cách mấy bàn, anh đưa ta vẫy vẫy. Rồi anh ghé sát tai Huy, nói nhỏ :
– Thôi, để chị mày, ý quên, chị chú nói cho nghe. Chỉ đang tới đó.
Chị cũng vừa kịp tới, tay cầm (ối trời) không phải ly nước ngọt, cũng không phải ly beer, mà là nguyên chai beer đang còn lưng nửa. Nghe tiếng chị rổn rảng, với anh :
– Kêu em tới chi đây?. Phải in như hồi anh Hoàng, anh Tấn đó không ?. Nè, mạnh ai nấy uống, không đưa không rướt gì đâu nghen.
Anh làm điệu bộ nhún vai, đưa hai tay ngang, lắc đầu :
– Phải vậy đâu em !. Chuyện thơ văn mà. Thôi, em ngồi nói thêm nhưn nhị cho  chú biết. Chị em lâu ngày gặp, sẵn nói chuyện xóm làng…
Anh cầm ly beer, đứng lên :
– Nè, cụng với anh hết ly này đi. Lát nữa anh em mình ngồi lại bổ sung thêm. Vui mà, một đêm vui.
Chị ngồi xuống chỗ anh. Hai chị em nhìn nhau, im lặng. Huy cố hình dung những khuôn mặt của lớp đàn chị một thời Xóm quê mà không hình dung ra nổi. Một đỗi lâu, thấy chị cười tủm tỉm, nói :
– Ồ, hình như là chị nhớ ra em rồi…
Huy nhìn chị, ngượng nghịu :
– Nhưng em thì, xin lỗi chị, cố nhớ hoài mà không nhớ ra nỗi. Chắc thế nào rồi em cũng nhớ được nhưng không phải lúc này, bất ngờ quá, không sắp xếp được cái khoản nhớ, quên trong đầu mình. Tuổi lớn rồi, nhiều lúc…
Thấy chị cười, thoải mái :
– Có sao đâu em !. Nỗi nhớ lớn trong đời là ra đi rồi, xa cách rồi mà còn quày nhớ lại nơi chốn chôn nhau cắt rún. Em còn nhớ được, lại còn viết được trong Thơ là đã nhớ lắm rồi. Chị có đọc nhiều bài Thơ em nhắc nhớ về Xóm quê mình, chị thích lắm, cứ tìm đọc hoài. Bữa ni may gặp tác giả…
Chị hào hứng nâng chai beer, uống ngọt :
– Té ra hắn là ai đây hè ?. Có phải là thằng Cu trọc răng sún hồi xưa của Xóm quê mình…
Huy thật lòng choáng ngợp phút giây hào hứng của chị, lại, nghe chị hào hứng thêm :
– Khui thêm cho chị chai nữa, thằng Cu trọc…
Huy luống cuống khui thêm chai, đưa chị, lòng cũng áy náy :
– Nhắm chừng có qua được không chị ?. Là thêm một chai, một chai  nữa đó nghen…
Chị cười ngất, cầm chai beer :
–  Cái thằng cu Trọc ni !. Chị có uống nữa đâu !. Chỉ cầm chai lấy dáng cho vui câu chuyện. Chai beer ni ý của chị là dành phần thưởng cho chú đó.  Thưởng cho những bài Thơ của chú viết về Xóm quê mình…
Huy chợt hiểu, cười ngượng :
– Té ra là vậy ! Tưởng chị… Nhưng có điều em thấy ngại không dám nhận phần thưởng vì so bì với nỗi nhớ niềm thương  trong Thơ anh về Xóm quê mình  thì em chẳng đủ độ nồng cay ngọt mặn. Nhắc nhớ chia xẻ còn thua xa anh. Có điều em ngưỡng mộ là anh đâu phải là người Xóm quê mình sao lại có những lời Thơ gợi nhớ đến não lòng như vậy !. Chai beer này nên dành cho anh, không dành cho em…
Chị lại cười, hỏi Huy :
– Em còn nhớ Ôn Huế của xóm mình không ?.
Câu hỏi của chị dịu dàng gợi nhắc nhưng trong lòng Huy bỗng dào dạt nỗi nhớ về Ôn Huế.
( đoạn trích ngang, một bài viết của một tác giả cũng là người Xóm quê, viết về nhân vật : Ôn Huế )
…nghe xầm xì Ôn từ Huế lưu lạc vô tới. Ôn mướn  một góc riêng ở nhà Mệ Ngự. Ôn ăn mặc suốt ngày suốt tháng suốt năm trắng toát .Ôn ăn Trầu, hút thuốc Cẩm Lệ, uống rượu thuốc màu đậm mận. Buổi sáng Ôn ra Chợ Xóm mua vài món nấu ăn trong ngày, mấy miếng tàu-hủ, một lạng thịt heo, nửa bó Hẹ. Lâu lâu mua thêm vài con tôm vài lát cá mà đặc biệt là ngày nào cũng mua ớt-chỉ-thiên cay xé lưỡi. Dân Xóm gặp Ôn, cúi đầu chào. Ôn cúi đầu, chào lại. Nói chung là cúi đầu chào nhau, bên thì hiếu khách, bên thì hiểu tình. Thêm nữa nghe. Đêm đêm Ôn đốt trầm hương ngồi gảy đàn tì bà điệu nhạc cung đình nghe choáng tai choáng óc mà tình thì ôi chao loạn là tình. Mệ Nghệ, ở cạnh nhà, không cản nỗi mới ưng mới oằn lòng theo Ôn. Góc vườn góc sân riêng, phá.
Vuông đất, phá thoáng, thành chung nhà.
Ôn với Mệ chúng cư hồi nào không biết nữa !
Hỏi Mệ, Mệ cười vui.
Hỏi Ôn, còn  lâu  mới hỏi được ! Ôn cung Nội  tới Xóm  quê tá túc, cung đình Ôn còn khệ nệ giữ gìn. Coi như là bí mật Hoàng Cung dân dã làm chi dám hỏi ! Đừng nên hỏi.
Chỉ biết là Xóm quê có Ôn, có thêm nghề mới !
Ai đau đầu xổ mũi, cảm mạo phong hàn, ho khan nhức mỏi  thì có lá thuốc lá rau quanh vườn cứ việc hỏi xin gia chủ nào có, rồi hái vô nấu nồi xông, chầm chỗ đau, rịt chỗ mỏi.
Xóm có thím Ba Hồng thím Bốn Khai dùng kim lể huyệt, còn giác hơi cho bà con… đại khái cho được thân thường an lạc.
Nhưng có ngặt một điều thân  thường an lạc mà tâm hồn không được an lạc thì biết nơi đâu, tìm đâu !.  Phải đạt cho tới cảnh giới “thân tâm thường an lạc”
Cứ tìm tới Ôn : Ôn Huế.
Ôn thực tài phun-châu-nhả-ngọc. Nói nôm na là Ôn chữ nghỉa rộng bồ mà sức thì giết gà không chết nên ( ông, không phải là gà ) sống với nghề viết mướn. ( nói nôm na là viết thay cho những-người-muốn-viết-mà-không-viết-được ).
Chỉ là giấy trắng mực đen nhưng khi Ôn mà sử dụng giấy trắng mực đen là mọi điều, đều khai mở.
Xóm quê nghèo, hồi đó, quanh năm suốt tháng bám đất kiếm miếng ăn, có chữ nghỉa gì !. Trăm sự nhờ Ôn Huế.
Đơn từ xin nhập cư xuất cư, xin lấy lại rẻo đất bị người hàng xóm xâm phạm, xin cho con cho cháu có đủ điều kiện lên Tỉnh học, xin giảm thuế má do trời hành đất hạ thất bát mùa màng…
Đại  khái là xin đủ thứ hầm-bà-làng nếu ai có nhờ tới.  Đơn viết thấu tình đạt lý. Quan cũng mủi lòng. Dân cũng mủi tình.
Giá cả phải chăng.
Niềm tin đặt để nơi Ôn quả là vô hạn.
Nghề, tức cảnh sinh tình phát sinh, lâu quá thành quen [hay vờ quên] để kiếm thêm không biết !. Ôn có thêm nghề nối-bút-sinh-tình.
Nghề này xưa nay hiếm ! Rất là quý  hiếm !
Vợ chồng hục hặc xa nhau!
Tới Ôn. Một bức thư tình lâm ly bi đát, e chừng đọc mới nửa trang,  là lo khăn gói trở về thương nhau.
Trai gái giận hờn xa nhau!
Tới Ôn. Vé xe, vé tàu lửa có lên giá gấp đôi cũng nhín ăn, mau mau trở lại với nhau e không kịp e sợ là giận ngược lại. Hết tình !.
Gìà khú già đui cũng bày đặt cơm-không-lành-canh-không-ngọt. Mạnh ông ông chết mạnh tui tui chết!
Tới Ôn. Đọc bức thư tình của Ôn là lo tìm gậy chống gậy mau  về bên nhau nguyện cùng chết chùm bên nhau!
Chỉ cần khổ chủ tìm tới Ôn giải bày khúc mắc tâm trạng là Ôn tùy-gia-phong-kiệm lựa tình lựa cảnh lựa lời cho cái thằng (hay cái con) phải gió  chết tiệt kia biết thế nào là tình yêu, tình nghĩa, tình đời.
Không biết Xóm quê nghèo nào ở quê tôi có Ôn nào như Ôn Huế !.
Khi xa quê có học được gì không ?. Sao thấy tình cảnh bên này ( quê mới ) vợ chồng lại ly dị nhau loạn. Không còn nhớ ngày đói rau lạt muối, muổi đốt, ruồi bâu, bíu nhau mà sống. Không thèm nhớ chi trơn !.
Ôn Huế thì hạc nội mây ngàn rồi!. Ôn không viết lời hàn gắn được ! ” ( hết trích)
Huy ngậm ngùi nói với chị :
– Hồi em vào đời khôn lớn thì Ôn Huế vẫn còn nhưng Ôn tuổi già lú lẩn không làm nghề xưa. Huyền thoại về Ôn em còn giữ nhớ hoài.
– Qua tới đây rồi nhiều lúc nhớ quê chị cũng thường tâm sự chia xớt với Ôn Huế, nhờ Ôn giải bày tâm sự nhớ thương…
Huy giật mình, ngơ ngác :
– Ủa, chị nói gì đây?. Ôn Huế nào nữa ?.
Chị vỗ vai Huy, cười híp mắt, chỉ tay về phía anh đang nói cười sôi nổi :
– Đó, Ôn Huế đó!. Nhưng mà qua đây, đổi tên rồi. Là Ôn Nam bộ….

Trần Huy Sao
Hiên Trăng, tháng 03/2016