17 May 2016

DẤU HOA VUN CÂY - Nguyễn Văn Sâm

Tặng người khi đọc thấy mình trong nầy

Con cái lớn theo cha mẹ định sẵn. Tranh Igor Morski.


1.
Chiều xuống lần bằng ánh nắng hắt hiu từng phút trùm phủ dãy nhà trước mặt. Thẫn thờ tôi ngó bâng quơ ra đường. Bỏ ăn. Ba nói kệ nó, nó làm nư đó thôi. Đói bụng thì cấm cửa cũng mò vô. Má nói tội nghiệp con, xưa ai cấm ông. Ba liếc vô chỗ tôi ngồi nói là thương con mới quyết định như vậy. Người ta nói theo sách chớ ghét bỏ gì nó sao!


Mây chiều trên cao lơ lửng u u mờ mờ như đời tôi. Không biết rồi sẽ ra sao. Có đứa sinh viên chạy xe máy ngang nhà thấy cô giáo ngồi trước cửa ủ ê, khựng lại như muốn ghé chào, không biết nghĩ sao lại gật đầu chạy thẳng. Ngó theo mà tiếc. Nếu nó ghé  lại chắc là đỡ buồn vì ba sẽ thấy con gái mình đã là người lớn, không cần phải vú khư khư trong khạp gạo kiểu chuối non bấy lâu nay.

Tôi không thèm dò bài mặc dầu sáng mai sẽ lên lớp với 2, 3 bài giảng khác nhau, lại là loại mình không thích mấy. Chắc sẽ có vấp váp thôi.

Con chó mực hực hực rồi chồm dậy hăm hở chạy ra mừng. Anh ta khệ nê ôm cái chậu hồng trên đó chỉ đơn độc một bông rực rỡ, mấy nhánh lá tỉa coi bắt mắt theo kiểu Nhựt Bổn chưng hoa. Tôi đứng lên xớ rớ, anh đi ngang nheo mắt. Bông nầy tôi thích lắm, có thể nói là yêu: Cẩm Hồng, Cẩm Hồng! Lần nào có hoa hồng gấm mịn màng nầy trong tay lòng tôi cũng rung động. Anh nói nhỏ: Bông nầy là em đó! Tôi ngó theo bộ đi cẩn thận với chậu bông mà tội nghiệp anh chàng.
Anh trịnh trọng đưa cho Ba. Cháu biếu bác. Chăm sóc cây suốt năm bông mới đẹp như vậy. Dấu hoa vun cây mà bác.
Ba lõ mắt ngó. Chắc là không hiểu. Anh lờ đi, đưa tay vuốt ve từng cánh hoa rồi rút trong túi ra cái bay nhỏ xới xới đất. Chăm chỉ. Anh xin một chút nước rắc lên hoa còn bao nhiêu tưới vô gốc.
Làm như vậy nghĩa là dấu hoa vun cây đó bác. Miệt dưới con, trong sâu, nhiều khi người ta nói dấu thay vì thương hay yêu. Như ta nói yêu dấu. Vun gốc hoa, ai thương hoa mà chẳng vậy. Anh lại ngó tôi. Tiếc mình không được như con Mực, tới quẩy đuôi chào mừng rồi cọ mình cọ mẩy vô ống quần anh.
Ba chắc đã hiểu, nói rằng từ giờ cậu đừng tới thường. Để em nó nguôi ngoai. Để cậu dễ chọn đường khác. Dạ, khó quên lắm bác. Con đường con đi không có ngã rẽ ngang nào. Có, con cũng lấy đá xây tường lên lấp kín. Bác là cây. Mỹ là hoa. Con kính trọng bác. Bác dạy con xin để bụng nhưng bác cho con được tới chăm sóc cái hoa nầy.
Anh lẻo mép thiệt tình!
Nghĩa là chúng tôi đã chặt không đứt, bứt không rời. Chỉ tội gặp phải lời nguyền của tên Tàu khựa chết bầm nào đó cả ngàn năm trước ứng vô miệng lão thầy bói thúi.
Ba kiếm chuyện bỏ vô nhà, móc thuốc hút liên tu kỳ sự. Tôi ngó anh ta cười buồn. Càng giận lão đã tin theo một cuốn sách viết đâu từ một thế giới xa xưa làm hại bao người.

2.
Má biểu đi tới thầy Tám để coi tuổi hai đứa. Tôi không tin cái chuyện tuổi tác nầy. Âu Mỹ họ có coi bói coi ngày đâu mà lâu nay tỉ tỉ cặp sống với nhau tới 8, 9 chục, ngon ơ. Nhưng biểu đi là đi. Tôi có thể nhẹ nhàng phản ứng với ba nhưng không bao giờ làm sái ý mẹ. Trời ngoài kia sáng đẹp kinh khủng. Một anh thanh niên nhào tới chào mời mua giấy số. Má nói sáng sớm ra ngõ gặp mửng nầy hên! Chắc mẽm là buổi bói có lợi cho hai đứa bây.

Lão thầy nghe khai tuổi Dần Thân thì xua tay nói khỏi coi nữa. Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung, ở không nát chiếc chiếu thì có đứa ‘ở giá’. Lão nói mà chẳng có một sát-na nào nghĩ tới tác động tai hại của nó. Má năn nỉ lão lấy sách coi thì lão giận nói sẵng mình làm thầy cả đời chẳng khi nào sai, coi ngày giờ thì có khi còn cần sách, coi tuổi thì nằm lòng. Lão nói vậy mà nghe được! Sao không coi tuổi tốt xấu cho thằng con Út để nó chạy xe láng cháng bị đụng gãy giò đương cà nhắc với bộ mặt méo xẹo ngoài sân?
Bác Tám xin coi kỹ giùm tụi con.
Kỹ là làm sao?
Giọng ông thầy lên cao, không thân thiện chút nào. Tôi nhấn ga luôn, kể chuyện. Xưa có ông thầy thuốc lật sách để chữa bịnh cho người đau bụng. Sách viết: Phúc thống phục mã tiền. Ông ta cho uống mã tiền thì bịnh nhơn chết ngắt cù đèo. Người nhà bắt đền, ông ta nói mình trị theo sách, rồi giở sách ra đọc cho họ nghe, ai dè lật qua trang sau có chữ tắc tử ông ta giả lơ như không thấy.
Để ý khi tôi kể chuyện thì lão lật từng tờ cuốn sách bói cũ nát của mình, không biết sách viết gì trong đó.
Ba làm thinh một lúc lâu kêu mẹ con tôi về. Tao không gả là không gả, không có cưới hỏi gì hết. Tao không muốn mất con hay là con tao chết chồng sớm như cô Tư nó.
Ba độc đoán, không cần biết con mình thích hay không. Nhớ lúc nhỏ bịnh ban đỏ, má mua con gà ác về nói hầm cho con Mỹ  ăn bổ, lại sức. Tội nghiệp con vật, tôi khóc đòi để đó nuôi. Bỏ nó trong cái thùng sữa, lót quần áo cũ cho ấm. Cơm trắng cho ăn, canh ngon cho uống. Mấy ngày, con vật cú rũ rồi chết từ từ. Chắc tôi rồi cũng sẽ như con gà ác đó thôi.
Tình yêu của con, tương lai của con, con đừng lo, để ba lo giùm cho! Sao nói giống như trên đài, không khác gì trong báo! Tưởng sao! Ai ngờ ba nhờ lão già chậm chạp mắt lờ đờ kia cố vấn. Lão lại nhờ cuốn sách chết tiệt cũ ba mươi đời vương với mấy câu thiệu vớ vẩn nọ cố vấn lần nữa. Cuối cùng chỉ có tụi nhỏ bé miệng là nát ruột tàn đời!
Má làm thinh hèn lâu mới buột miệng rầy. Con là cô giáo sao nói không ý tứ gì hết. Làm ông thầy Tám sượng trân. Tôi ngó ra đường, biết bao nhiêu là cặp tuổi cỡ sinh viên của tôi, hay trẻ hơn nữa, ôm eo ếch nhau lượn xe trên đường như mắt cửi. Chắc từ nay về sau muốn bồi đắp cho tình yêu, chúng tôi phải lén lút. Biết bao nhiêu cặp khổ vì cái câu thiệu tứ hành xung kia, biết bao nhiêu con gái tuổi Dần ống chề vì bị cắt nghĩa mình mang cái vía cọp cái. Chẳng biết mấy ngàn năm trước cái ông Tàu phù thất nghiệp nào đó dựa trên thống kê gì để phán chắc như đinh đóng cột kiểu nầy. Coi như lời nguyền trù ẻo phù thủy Tàu để hớ hênh, ông cha ngớ ngẩn của mình cõng về đặt lên tương lai con cháu! Chán chết tới không thèm mở miệng suốt đường về. Muốn nói gì đó với má cho quên chuyện trắc trở cũng không nhếch mép nổi.
Ba an ủi  rằng là ba lớn ba biết, rằng là thiên hạ thiếu gì người hạp tuổi mình, rằng áo mặc không qua khỏi đầu. Rằng… rằng… thì là… Tôi bắt đầu niệm Nam Mô A Di Đà Phật ba trăm lần để tạp niệm không vô trí, để ngoại cảnh đứng bên ngoài thân tôi. Để giết âu sầu.
Và bỏ ăn luôn cả chiều hôm đó, uống chút xíu sữa trước khi ngủ, cũng không dám nghĩ tới tương lai của mình và của anh ta.

3.
Sinh nhựt của anh. Dắt díu nhau tới phường Tương Bình Hiệp ở ngay trong thành phố Thủ Dầu Một của tôi, viếng đình thờ tướng Tổng Trấn phải chết ức oan Nguyễn Văn Thành. Chết vì đứa con làm thơ bị hiểu là xúc phạm trên và cố ý làm loạn. Gia Long cho xử tử cả nhà. Thời độc tài nào cũng vậy, xúc phạm trên hay bị quy chụp cố ý chống đối là từ chết tới bị thương. Huống gì cả hai!

Đình khang trang chiếm một khu đất rộng. Sự đô thị hóa chưa lấn tới đây. Khung cảnh trong ngoài đều tĩnh mịch, lá vàng phủ kín một góc sân như đếm bước chân tín khách. Những câu đối, liễn thờ đứng im lìm cũ kỹ chờ người hay chữ đọc, hiểu. Tôi lõm bõm chữ được chữ không, đọc bốn chữ gia quan tấn tước 加官晉爵dán khắp đình mà ngờ ngợ như là chữ tấn 晋dùng ở đây không đúng chỗ . Chữ Hán không phải nghề của em! Phần khác, như có xung lực bên trong khiến bao nhiêu lần tự hứa trau dồi đều bỏ lửng… có điều là những chữ cầu danh cầu lợi như thế nầy không phù hợp với miếu đình. Phải là những chữ ca tụng anh hùng, nói lên sự bi uẩn vì bị oan ức hay bị hiếp đáp. Xưa triều đình phong thần nhân vật nào thường xét trên lẽ đó. Thần trung chính không thời giờ đâu phù hộ cho kẻ tầm thường mong tiến chức gia quan!
Thắp nhang xong anh bước ra ngoài, cúi đầu bước từng bước một trên lá úa xào xạc. Tướng chết oan thường linh hiển, anh nói, đã cầu cho được minh mẫn để đối phó với cái truông tứ hành xung. Lại cảm thấy hài lòng về sự cầu xin của anh. Cho được minh mẫn. Tôi đề nghị đi thêm qua đình thờ văn thần Phan thanh Giản. Cụ Phan cũng là người chết oan ức. Phe vũ khí kém cỏi bóp bụng giao thành cho phe vũ khí tân tiến được các nước cùng nhóm yểm trợ là đương nhiên. Bên thua cuộc chẳng gì phải nhục nhã, bên thắng cuộc chẳng có gì mà vinh vang. Tướng giao thành phải chết thôi, sống làm sao được với tiếng đời. Anh chàng lừng khừng: Ba giao em cho người khác anh cũng như cụ Phan, về nhà làm thơ tuyệt mệnh.
Tôi hiểu tại sao tôi yêu anh.
Ở cả hai miếu tôi đều không cầu cho mình điều gì. Chỉ cầu cho quốc thái dân an. Chẳng ai tham nhũng yêu sách, chẳng ai bán tương lai dân tộc bỏ túi riêng. Chẳng ai vào đồn công an tự tử. Cá chẳng chết trắng biển trải dài cả mấy trăm cây số kéo theo sự tàn rụi của đảo chim, của bãi hào, của thất nghiệp và đói kém hằng loạt. Chẳng ai bán lương tâm mình để đánh đập người khác vì đồng lương nhỏ nhoi. Tôi buột miệng: Đất nước mình ngộ lắm phải không anh? Câu thơ của cô giáo Lâm bây giờ trở thành câu kết tội. Anh chàng hưởng ứng bằng nụ cười buồn: Vâng, người lớn bây giờ ngộ lắm!  Độc tài vô lý! Con cái lớn chừng nầy rồi mà chẳng cho nó lớn với người ta. Anh chàng ngó thẳng vô người tôi từ trên xuống dưới  làm con nhỏ đỏ mặt quay trở lưng lại. Vẫn cảm thấy như ánh mắt anh đậu đâu đó chỗ không nên đậu.
Cha mẹ phần nhiều nuôi con trong cái lồng ý kiến quan niệm của mình, chẳng chú ý đến chuyện nó là một người riêng biệt, khác mình…Tôi đồng ý điều đó.
Một người đàn bà ốm o trong miếu cụ Phan bước ra nói một mình. Mẹ! Bán máu để sống là đi tắt vô chỗ chết còn bị trả rẻ mạt. Tụi nó mắc giống gì mà xúm bán nhiều quá. Tôi lắc đầu cảm nhận thương chị ta và thương cho chính mình. Chị  lo miếng cơm hiện tại, tôi u buồn về tương lai. Kiểu nầy thì khi tôi già các con tôi còn rất nhỏ. Ế thường trực mà lỵ!!!
Người thủ từ đi tới nói nhỏ: Tôi biết sách những người quanh quẩn ở đây: gợi lòng thương của khách vãng lai! Ngừng lại, ngó chung quanh, nói tiếp:
Cô ta than việc bán máu để kiếm thêm chút ít. Má cô siêu  lắm. Bán rau tưới bằng dầu nhớt người ta biết mánh không mua thì dùng chổi tàu cau quét quệt vô rau để tạo dấu úa dấu lỗ như bị sâu vì trồng không xịt thuốc.
Trước khi đi vô phía trong ông nói thêm. Thương thì vẫn thương nhưng giận thì giận quá đi chớ!
Bắt rùng mình. Thiên hạ ra chiêu siêu thiệt tình. Người bán máu lân la tới, ông thủ từ đi vô. Đói quá. Xin chút tiền ăn cơm! Thấy chị ta xanh xao, cầm lòng không đậu bèn cho tiền đủ ăn vài bữa cơm ngon.
Đọc cho anh nghe câu thơ bán máu rầu thúi ruột của ai đó khi anh mở máy xe. Dòng sinh chất cha cho mẹ tạo. Bán cho người đổi lấy cháo rau. Anh nói khoảng cách giữa giàu nghèo quá đáng không quan trọng bằng đa phần người nghèo không đủ ăn phải làm bậy để sống lây lất. Ngó theo dáng đi thất thiểu của chị ta, tôi nói hay là mình đi ra bến chành lu hóng mát, ngộp thở quá, không biết tại sao.
Chành lu với cơ man nào là lu. Giống như hình vẽ truyện Alibaba và bốn mươi tướng cướp. Tôi thích ra chỗ nầy ngó mông, nhiều khi đi một mình. Nó như dẫn ta vô thời gian về một hai thế kỷ trước của lò lu lò chén nổi tiếng của xứ Bình Dương cũ đang trên đà tan biến vì tình trạng đô thị hóa thiếu nghiên cứu tận tường và đa diện.
Lu ở đây nhiều vì qui tụ được sản phẩm của các lò nhỏ trong vùng. Bến nước sâu thuận tiện chuyên chở bằng ghe chài đến miền Lục tỉnh.
Kiếm chỗ mát ít oi ở đây để tránh vùng nắng chưa liếm tới tôi tình cờ đứng kế bên hai người đàn bà đương ngồi chồm hổm dưới đất mỗi người nách một đứa con nhỏ. Họ nói cười râm ran mà mắt ngó liên hồi lên ghe lu. Tôi hỏi làm thân, sao hai chị lại ra đây. Người nầy ngó người kia. Một người trả lời mắt lộ một chút bẽn lẽn. Không ra đây hầu, sau khi làm hết giờ mấy chả rủ rê đi nhậu nhẹt hay bày đặt Karaôkê bỏ vợ con ở nhà đói meo. Phải giữ, sung sướng gì mà chò hỏ ở đây. Nắng thấy mụ nội. Có bữa về mệt chết dịch!
Tội phì cười. Anh nói nhỏ. Em sau nầy không cần giữ anh. Anh ngoan từ trong bụng mẹ. Tôi nói với chị ta. Thương thì bỏ qua hết, mình rán kềm họ thôi, như là ban cho họ thêm chút tình thương. Trở giọng cô giáo ngâm nga ca dao:  Thương trò may áo cho trò. Thiếu đinh, thiếu vạt, thiếu hò, thiếu bâu. Đàn ông bây giờ thiếu chút đạo đức với gia đình cũng như học trò nghèo ngày xưa thiếu áo. Thời thế khác nhưng căn bản giống nhau. Anh ngó tôi than giọng nghe đứt ruột: Anh thiếu tình thương và sự thông cảm của ba.
Những người bàn bà lõ tròn mắt ngó hai đứa tôi.

4.
Chúng tôi hơi khớp khi bước lên chiếc King Yatch vì sự sang trọng của nó. Trước khi đi anh chàng nói là buồn quá hai đứa đi du thuyền cho biết, nghe rằng trên đó có nhiều điều đáng đồng tiền bát gạo. Cô chủ trẻ tuổi kiều diễm của du thuyền và nhân viên đứng trên cầu tàu đón chào từng du khách. Long trọng và thân mật. Khi du thuyền từ từ rời bến chúng tôi cảm thấy mình cũng đương từ từ bỏ nỗi buồn xuống dòng nước trong xanh. Tân Cảng ra xa, khu Hàng Xanh trước mặt, rồi khu Bến Bạch Đằng với những dãi lầu của nhà hàng Majestic nổi tiếng cả thế kỷ nay. Sàigòn trong bóng đèn nhìn từ trên sông mang vẽ kỳ ảo, chập chờn che lấp nỗi man mác trong lòng tôi.

Anh nói để mình hú lên một tiếng lớn trút bỏ đau thương cho cái không gian rộng lớn mà mình chưa bao giờ được nhìn ngắm. Và anh la lên lớn thiệt tình. Tiếng hú dài vọng  vang trong không gian hòa với tiếng xập xình nước cuốn của chưn vịt tàu. Cô chủ du thuyền nói nhiều người đã làm như vậy. Hình như trước sông nước mênh mông, mới thấy lần đầu con người có khuynh hướng la hú hay cười thiệt lớn để chứng tỏ mình có mặt. Sau tiếng kêu hay giọng cười cố tạo, nỗi nặng nề trong lòng chắc chắn sẽ bay tan. Anh nói nhỏ với tôi đó là Tiếu Liệu pháp giúp người ta thuyên giảm cơn buồn và từ giây phút nầy anh không buồn vì chuyện lão thầy bói đọc lời nguyền lên hai đứa nữa, anh tranh đấu để nó không có cơ phát tán.
Gió thổi lạnh khi đứng lâu trên boong. Chúng tôi vào phòng ăn. Người nghệ sĩ chuyên những ngón đàn dân tộc miền Thượng biểu diễn nhiều thứ đàn độc đáo làm anh chú ý nhưng tôi vẫn còn trầm tư trong thắc mắc rồi đây anh sẽ làm gì. Dấu hoa vun cây. Chắc chắn không chống chọi dữ dằn với ba nhưng làm gì để có kết quả? Nắm cánh tay anh bóp mạnh tôi ngó như thầm nói, đừng làm gì thất thố nha anh. Anh cười.
Người nghệ sĩ của đàn đá, đàn tre, đàn không cần đụng tới nhạc khí, xong buổi biểu diễn độc đáo, chào khách, nói vài câu cám ơn trước khi rút lui. Cô chủ họ Lưu xin giúp vui khách Việt hôm nay bài vọng cổ không cần đàn đệm cũng chẳng cần loa phách.
Tôi mê đờn ca tài tử từ nhỏ. Vọng cổ đi vào máu huyết nên tôi sửa lại thế ngồi, hình như cũng vảnh tai để nghe. Tiếng ca cuốn hút tôi vào tình trạng nhớ da diết sinh hoạt trên sông nước của cô gái suốt tuổi thơ theo cha sống trên ghe, bây giờ có chồng, sống trên đất liền mà hồn mơ về những lúc ghe bập bềnh ngày cũ.
Hỏi bản gì mà buồn rười rượi vậy, nghe mường tượng như trăn trở triền miên của người con gái mất quê hương và tuổi thơ kỷ niệm. Anh nhắc đó là bản Nhớ Sông nhạc sĩ Trúc Linh phổ theo ý trong truyện cùng tên của cô nhà văn nổi tiếng của một tỉnh ở cuối miền đất nước. Tôi nói tổ sư sáng tác Viễn Châu vừa nằm xuống, ông Trúc Linh nầy mới vô nghề không lâu mà bài bản nghe cũng tới quá.
Hai người chủ khách của tàu trao đổi nhau về văn chương, về cổ nhạc, tôi ngồi đó vẫn còn mê man với làn hơi vọng cổ như còn phảng phất trong gió đâu đây…. Nhớ tới sự man mác nao  lòng khi nghe người bạn tài danh dạy cùng trường cất tiếng hát bài Sàigòn niềm nhớ không tên của một ông nhạc sĩ nào đó ở hải ngoại.
Lạ quá khi lâng lâng buồn thì người ta càng dễ thả hồn đắm chìm theo giọng ca tiếng nhạc. Tiếng nhạc cả trong hiện tại và trong quá khứ.
Trên đường về anh quả quyết rằng mình đã có cách hóa giải sự quyết liệt của ba: nhẹ nhàng, từ từ từng ngày một, nói những điều thấm vào lòng người như bài ca vọng cổ khi nảy.
Tôi ôm anh sát hơn, nghe hơi ấm thiệt nhiều. Sự thành công nào cũng cần thời gian và kế hoạch. Mong cho kế hoạch anh đúng…
Về tới nhà sau một ngày dài lên lớp tôi ngạc nhiên thấy anh và ba chụm đầu trước những bức tranh lớn. Hai người coi bộ tâm đắc, bàn bạc về kỹ thuật bộ tranh vẽ bằng bút lông núi non, mây nước, có những ông già ngồi ngóng trời hay theo dõi một cánh chim xa. Hình như những gì thuộc về văn hóa Trung quốc ba đều ưa thích. Rửa mặt xong định ra góp chuyện thì nghe tiếng ba lên giọng rầy rà. Cậu đừng dạy đời tôi. Tôi có cách dạy con để bảo vệ nó. Anh lượm tập ảnh ba liệng đưa cho tôi mà mặt buồn hiu. Tôi trao cho mẹ. Tranh vừa vẽ vừa chụp mang ý nghĩa của người họa sĩ tài hoa và triết lý Igor Morski. Bức con người đứng trước tương lai vô định, bức con người chất chứa những điều có hại trong lòng mình, bức đứa con hướng về mẹ, bức con cái bị lớn lên theo khuôn cha mẹ định hình. Tôi biết ba nổi giận vì tấm ảnh nầy. Mặt ba đỏ bừng, tay run run đốt thuốc. Im lặng là thua sạch túi, cất đầu không lên, anh phản ứng theo cách thế của mình. Gián tiếp.
Khi thấy ba đưa bàn tay lòn vô áo chỗ trái tim, mẹ nói có gì ông cũng từ từ, giận có hại cho tim. Người thông tim nên để cái tâm mình thiệt thoáng, thiệt hư tâm. Chúng tôi ngó mẹ cám ơn. Chưa thấy lời can gián nào hay ho bằng.
Tôi nói thưa ba tối nay cho con đi nói chuyện với giáo sư hướng dẫn luận án. Thầy nói tháng nầy chỉ còn hôm nay thầy ở Bình Dương thôi. Tháng tới phải đi Cần Thơ, tháng sau đi Long Xuyên…
Cha chưa có phải ứng thì mẹ biểu đi mau mau về. Để thẳng đưa con đi.
Tôi kéo anh ra, và nói nhỏ. Mình đi nhà nghỉ. Xã hội bây giờ lạ quá. Ai cũng nhứt quyết  và cố chấp trong việc định hình tương lai giùm cho người khác.
Anh nói âm dương chạm nhau xẹt lửa nha em. Tôi cười, lửa gần rơm không cháy không nám mới chì.
Đây sẽ là lần đầu tiên tôi đi vô chỗ cấm. Không biết rồi đây người ta sẽ dấu hoa như thế nào!
Chuyện của tôi chắc làm bạn khó chịu quá phải không?

Nguyễn Văn Sâm
Tháng Tư 2016, Việt Nam-Mỹ quốc.
(Cảm hứng từ một câu trong sách “Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn” của Paulus Huỳnh Tịnh, 1897)