28 May 2016

KẺ THÙ VÀ TRI KỶ - Trương Đình Phượng


Vũ Quân và Hồ Trường đều làm quan cho triều Lê. Quân là thái úy, tính tình nhỏ nhen, hay chấp vặt, gièm pha người trung nâng đỡ kẻ gian, nhưng lại thích được người khác xu nịnh. Trường làm ngự sử, ghét gian dối, hay nói thẳng. Mấy lần vua suýt chém đầu Trường vì tội dám biên sử theo ngòi bút thẳng.
Nhiều lần ngay giữa buổi chầu Trường chỉ mặt Quân mà chửi là phường quan tham, kẻ ô lại, quân cướp ngày. Quân chỉ nhếch mép cười ruồi nhưng trong lòng rất oán hận, nuôi ý tìm cách khử Trường.

Ngoài việc biên sử chính thống Trường còn lén viết một cuốn sử “tâm huyết” miêu tả chân tơ kẽ tóc những sự kiện thối nát chốn hậu cung. Một hôm buổi trưa Quân sang phủ Trường chơi. Bấy giờ Trường đang ngồi nghỉ ngoài thủy đình trên hồ sen, mệt quá ngả lưng ngủ quên. Quân được người nhà chỉ liền xăm xăm đi ra. Thấy trên bàn có cuốn sách, Quân cầm lên xem, chính là cuốn bí sử, Quân mừng ra mặt lẩm bẩm: “đúng là trời phụ hộ ta trừ khử ngươi, lần này để xem ngươi thoát chết nổi không”.
Đang miên man suy nghĩ thì Trường choàng tỉnh, thấy Quân cầm cuốn sách của mình trên tay Trường giật nảy mình.
Quân cười giả lả:
– Quan bác có cái thú tao nhã ghê nhỉ, trời trưa gió mát, ra chốn thủy đình nằm đọc sách phản động.
Trường xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh, bụng bảo dạ “cái thân hèn của ta dẫu chết cũng chả tiếc nhưng cuốn sách này mà để mất đi thì trăm vạn lần không được. Kẻ chép sử chân chính là kẻ không sợ cường quyền lao tâm khổ tứ nguyện viết nên những vấn đề chân thật nhất để đời sau biết rõ bộ mặt của thời đại trước. Nay cuốn sách này mà bị hủy hoại thì những sự ô trọc thối nát của triều đại này làm sao con cháu đời sau biết được. Những kẻ biên sử theo bàn tay chỉ đạo của bạo quyền chỉ biết bôi son tô phấn cho cái ác mà thôi. Đành hạ mình làm trâu chó một lần vậy”. Nghĩ thế Trường liền quỳ xuống trước mặt Quân mà năn nỉ:
– Ngài là đại quan tâm sáng như trăng trên trời có đâu lại chấp vặt kẻ tiểu nhân hạ đẳng như hạ quan đây. Xưa nay hạ quan tính tình xấu xa ăn nói bổ bã xin đại quan lượng thứ. Cuốn sách này hạ quan khi rảnh rỗi tiện thể viết lách tầm bậy, tuyệt đối không dám phổ biến ra ngoài, cũng định khi chết sẽ bảo người nhà chôn theo xuống mồ. Mong ngài vì tính đồng liêu mà bỏ qua cho. Từ nay nguyện làm trâu chó cho ngài.
Quân cười ha hả, đắc thắng nói:
– Cuối cùng Hồ Trường đại đại quan nhân cũng quỳ gối trước kẻ này mà xin xỏ ha ha đúng là sông có khúc người có lúc.
Đưa tay vuốt nhẹ chòm râu, tiếp:
– Tính tình ta xưa nay thoáng đãng, không bao giờ để bụng chuyện cũ, khắp triều đình ai ai cũng biết. Thôi thì ta cũng chả chấp nhặt ông làm gì. Chỉ mong ông từ nay nể mặt mà chửi bớt cho vài câu đã là phúc phận của tôi lắm rồi.
Nói dứt trao lại cuốn sách cho Trường, Trường đứng lên chắp tay cảm tạ.
Sau lần đấy mỗi khi lên chầu Trường quả nhiên không hề đả động đến Quân. Từ đó Quân càng nhơn nhơn tự mãn.
Năm tháng trôi qua cả hai bước vào thời kỳ trí cùng lực kiệt. Quân già yếu được vua cho phép về vườn. Trường vẫn còn nán lại triều đình biên cho xong bộ đại sử ký.
Một bận nọ Quân ốm nằm liệt giường. Các quan trong triều ngay cả những kẻ thân tín ngày trước cũng không một kẻ nào đến thăm, chỉ mỗi Trường ghé qua.
Thấy Quân nằm trên giường thở dốc Trường bước lại nắm tay mà rằng:
– Ông có vẻ yếu lắm rồi nhỉ.
Quân gắng gượng gật đầu.
Trường thở dài nói:
– Đời người như bóng câu qua cửa, vinh nhục mấy hồi, cái chính là mình đối xử với nhân thế làm sao để khi thất cơ lỡ vận còn có kẻ đoái hoài. Nay ông về vườn bạn hữu xa lánh, nhân dân nơi nơi vỗ tay ăn mừng ông có thấy hối hận chăng?
Quân cố nhếch miệng thốt:
– Hối hận cũng đã muộn rồi ông. Quan nhất thời dân vạn đại. Đúng lắm thay!!! Đời người bạc ngàn vàng vạn rồi chết cũng có mang theo được gì đâu, bấy nhiêu năm tôi làm bao điều ác nhân thất đức bây giờ ngoảnh đầu lại đến một kẻ tri kỷ cũng không có.
Trường vỗ vỗ vào tay Quân nói:
– Ông hiểu được vậy là tốt rồi.
Trường ra về, Quân trở mình ngó theo cho đến khi bóng Trường khuất hẳn. Gió chiều khẽ thổi làm những chiếc lá vàng chao mình rụng đầy sân. Tiếng con chim lợn thảm thiết kêu ở mái hồi. Trường bất giác sa lệ.
Đêm đó khi người nhà bưng cơm lên thì toàn thân Quân đã lạnh ngắt. Trên tay Quân đang cầm tờ giấy ghi hàng chữ “Kiếp người khi sống nhục vinh không quan trọng, quan trọng là khi chết vinh hay nhục”. Phía dưới lại ghi “Hồ Trường tôi đi trước ông một bước hẹn gặp ông dưới hoàng tuyền kiếp sau nguyện cùng nhau kết làm tri kỷ”.
Bờ môi Quân hình như vẫn đang nở nụ cười…

Trương Đình Phượng