10 May 2016

KÝ ỨC BIỂN - Tôn Nữ Thu Dung


Biển, trong ký ức tôi là một thiên đường tuổi thơ. Ngày ấy, ngôi nhà tôi nằm trên con đường chạy dài ra biển. Con đường cát, đầy gai cỏ , len lỏi giữa một rừng cây Phi Lao. Tôi còn nhớ, những bông cỏ Long Chong bốn cánh lăn tròn trong gió biển, gai Mai Dương sắc nhọn làm chảy máu những ngón tay bé thơ lần tìm những trái nho rừng tím thẩm của bạt ngàn hoa Ngũ Sắc.Tôi không có bạn, tôi lơ đãng chơi một mình trong vương quốc tuổi thơ… Đôi khi gió đong đưa mạnh đủ rơi những tổ chim sẻ xuống vệ đường, những chú chim non bé nhỏ nằm chết u buồn trên cỏ để con nhóc nhiều nước mắt như tôi đau đớn khóc và chôn chúng dưới những lá dương khô như một nghĩa trang thinh lặng giữa rừng dương lộng gió… những bí mật đau buồn chỉ riêng mình tôi biết.
Biển, thuở ấy. Sóng đong đưa ru tôi vào giấc ngủ, những buổi trưa hanh hao nắng, mà nắng Nha Trang nhiều năm về trước sáng trắng đến nao lòng, nắng mà vẫn gió mát, nắng mà dịu êm như tay ôm, nắng như những cái vuốt ve ấm áp… không phải là những cái nắng hung hãn, khô khốc, điên cuồng.
Con nhóc lười biếng là tôi thuở ấy, che đầu bằng quyển tập xếp hình bằng giấy Origami Made Easy sắc màu ngộ nghĩnh, trốn ngủ chạy ra biển , tìm một gốc Phi Lao râm mát nào đó, ngồi chăm chú gấp những chiếc chong chóng đủ màu, những chiếc dù đủ sắc, những con chim hạc, những con khủng long rồi thả cho chúng bay theo gió… ( để nhiều năm sau, tôi bàng hoàng khi nghe K. đọc: Trong giấc mộng những chiếc dù bằng giấy. Phủ lên Em và lên những con đường…(PKV) Tôi đã có cảm giác như quen K. từ tiền kiếp.)
Biển, thuở ấy, những cánh buồm nâu xô dạt cuối trời luôn gợi những mơ ước phiêu du.
Biển, mặt trời rạng đông phân vân giữa cuối biển và đường chân trời trước khi thanh thản thả xuống nước xanh một màu trắng bạc
Biển, đêm vỗ về nuôi nấng…tiếng sóng âm u vang vọng từ bên kia đường ru những giấc mơ không bao giờ có thực.
Biển, tiếng chân Dã Tràng quá nhẹ, như từ hư vô, như từ chiêm bao…
Biển, hạnh phúc của những ngày thơ dại


Tôi đã không giữ lại bất cứ điều gì trong vòng tay mình, nhưng tôi vẫn sắp chúng (kỷ niệm) gọn gàng vào những ngăn tim, như những hộp thư xếp hàng riêng biệt, ngay ngắn, bí ẩn… để khi cần, tôi mang chúng ra, phủi bụi và tha thiết nhớ.
Tôi lớn dần theo biển, biển xâm thực bờ để bãi cát ngày càng bé lại hay biển khát khô để những bờ bãi nối nhau?
Biển dạy tôi kiên cường.
Biển dạy tôi nhẫn nhục.
Biển dạy tôi kiêu hãnh.
Biển dạy tôi thủy chung.
Biển dạy tôi tha thứ.
Và Biển dạy tôi quên lãng…
Biển, đắm chìm nỗi đau của sinh ly tử biệt…
Từ biển, bao người thân yêu của tôi đã lần lượt đến bên kia bờ tự do mà vẫn đau đáu trong hồn một nỗi sinh ly!
Từ Biển, một số người thân yêu của tôi đã trôi dạt biền biệt mất tăm như cộng rong phiêu bạt, như chiếc lá rơi trong cuồng lưu…(HN-T) phiêu du vào cõi hư vô để đau đáu một niềm tử biệt!
Ngàn năm sau biển xanh sẽ hóa thành ruộng dâu…Tôi đã nghĩ, trên các nương dâu bất hạnh ấy sẽ lóng lánh những đốt xương hóa thạch(HN-T) Khi biển cạn, sẽ phơi hết những chiếc thuyền ma, những sinh vật bé nhỏ, những con sao biển vật vờ, những bộ xương cá voi theo truyền thuyết là nơi những oan hồn nương náu, bi đát hơn, những xác người ướp muối lấp lánh lân tinh…Có ai sẽ hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra từ ngàn năm trước? Và tôi cũng luôn tự hỏi rằng: Những sinh vật biển ấy, chúng sẽ đi về đâu khi thương hải biến vi tang điền?
Nhưng đâu đợi đến ngàn năm, dòng hải lưu độc địa đã vùi chôn bao sinh mạng của người vượt biển, đại dương xanh đã bị nhiễm độc với những xác người chết vì oan khốc, chết vì lỡ sinh nhằm vào phần số của một đất nước trót mang định mệnh lưu vong.
Đâu đợi đến ngàn năm, Biển đã lấy đi những sinh mạng người và trả lại hậu hĩ bằng hàng hàng lớp lớp sinh mạng cá! Những cái chết trong hòa bình mới chính là những cái chết dằn vặt lương tâm của những con người chân chính. Một đất mẹ không đủ bao dung để ôm con vào lòng, thay vào đó lại tàn độc đẩy con ra biển. Trong một thống kê của UNHCR ( Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc), có hơn 800.000 người vượt thoát thành công, đến được bến bờ tự do thì cũng ngần ấy người mất xác ở đại dương.Chừng ấy sinh mạng đã đủ chưa để:
Đồng ruộng khô cằn
Suối sông nhiễm độc
Tâm linh u ám…
Vì đâu nên nỗi?
Biển ngày cũ đâu rồi ? Việt Nam Ơi!


TÔN NỮ THU DUNG