21 May 2016

QUỲNH MY MỘT THUỞ - Phan Ni Tấn


Thiếu nữ Đà Lạt rừng đổi màu
dinhcuong

Gió từ trên đồi thông vi vút vượt qua con suối thổi thốc đám sương mù xuống bờ lau sậy mọc um tùm dọc hai bên đường ở Cây Số Bốn. Mùa đông vừa đổ vào thành phố Đà Lạt.

Phải hơn mười năm sau, sự chờ đợi quá lâu, Quỳnh My mới tin chắc trung úy Năng, người nhạc sĩ lính Biệt Động Quân năm xưa đã hy sinh ngoài mặt trận. Đây hẳn là nỗi đau sâu sa của người em gái hậu phương có nhan sắc thiên thần.trời ban. Thiên thần Quỳnh My thuở đó yêu người lính này tha thiết.

Cũng trong thời gian đó có biết bao chàng trai Võ Bị hào hoa phong nhã, các cậu công tử khôi ngô tuấn tú cho đến giới thương gia, chủ nhân ông giàu có mặc sức đeo đuổi, săn đón, tán tinh, mồi chài vẫn không làm sao lọt vào được đôi mắt xanh vời vợi trùng dương sóng của Quỳnh My, hoa khôi trường trung học Bùi Thị Xuân. Vậy mà trước cổng trường vừa quét vôi trắng vào đầu niên học lớp đệ nhị, cái năm tiếp tục mở ra cánh cửa tương lai xán lạn in dấu ngôi trường, lớp học, phấn trắng, bảng đen, sách vở học trò, Quỳnh My đã không thể vượt qua được cái thường tình, cái bồn chồn rung động, cái tiếng sét đầy mãnh lực huyền bí của ái tình.

Quỳnh My phải lòng anh chàng sĩ quan biệt phái kiêm nhạc sĩ lòng khòng, đen đúa, nhưng cái vóc dáng, tướng mạo dầy dạn gió sương đã nói lên con người của anh, đặc biệt là anh lớn hơn nàng những hai mươi tuổi đời. Nhìn chung, chỉ vì cái dáng vẻ phong trần, sương gió, cái tính nghệ sĩ làn nhàn của anh với những bản tình ca trữ tình, lãng mạn đã làm cho trái tim tinh khiết của cô nữ sinh đôi tám rung động.
Nhưng không phải một mình hoa khôi Quỳnh My bị… sét đánh, mà chính chàng nghệ sĩ lính lăn lóc gió sương kia, trong một buổi trình diễn văn nghệ tại tư gia của một mạnh thường quân, vào giờ giải lao đang lui cui ký tặng tập nhạc, lúc ngước lên anh sửng sốt trước ánh mắt hút hồn của một cô thiếu nữ đẹp như ngọc phả. Mái tóc đen nhánh, mượt mà thả xuống đôi vai, ôm gương mặt trái xoan cực kỳ thanh tú, mày rậm, mi dài, nụ cười hoa nở từng làm điêu đứng biết bao chàng trai xứ hoa đào. Bàng hoàng trước một vẻ đẹp đầy sức quyến rũ, người anh như xây xẩm, chòng chành. Anh chỉ thấy đôi mắt phượng long lanh, ngời ngợi nét thơ dại và tiếng cô bẽn lẽn chào anh. Sau buổi văn nghệ anh đem ánh mắt như đẫm trăng và tiếng chào nhỏ nhẹ của cô gái về nhà.
Từ đó, cuộc đời của trung úy Năng là thơ, là âm nhạc, là nắng. Chính Quỳnh My lần đầu tiên tham dự buổi trình diễn âm nhạc của trung úy Năng, nhìn bảng tên trên ngực anh đã thỏn thẻn gọi tên Năng thành Nắng là gì. Những ngày tháng này anh mới thực sự thấy mình yêu đời và đáng sống. Nhưng anh ý tứ và kín đáo đến độ không ai biết anh đang yêu và quan trọng hơn hết là mới được yêu; ngần tuổi này lần đầu tiên trong đời anh mới thấm thía giá trị của tình yêu. Đời lính với súng đạn, dầy dạn phong trần, chông gai, hầm hố nhiều năm xông pha ngoài chiến tuyến khiến trái tim trung úy Năng hầu như chai sạn. Cho đến lúc anh gặp Quỳnh My.
Nhưng phải đợi đến hơn nửa tháng sau anh mới dám ngỏ ý gặp cô. Hơn nửa tháng làm việc không biết mệt mỏi để đến chiều thứ Bảy anh ngạc nhiên bắt gặp mình đứng trước gương vụng về sửa lại điệu bộ, chăm chút lại mớ tóc tai, quần áo. Đã lâu lắm Năng mới có dịp nhìn lại một anh chàng đã quen bụi bặm như mình.
Nôn nao chờ đến ngày hò hẹn để rồi anh nhận ra không những cô gái trăng non rụt rè, ngượng ngập đi bên cạnh người tình già, mà chính anh cũng hồi hộp, luống cuống không kém. Chưa một lần hò hẹn đi chơi như thế này nên Quỳnh My và cả anh chàng sĩ quan vốn lì lợm kia đều thấy đột ngột và thoáng chút hồi hộp lo sợ. Anh biết mình đang bồng trên tay một cuộc tình bé bỏng dễ thương nhưng đồng thời anh lại cảm thấy con đường trước mặt cứ gập ghềnh, trắc trở, quanh co. Nhưng dù sao những ngày tháng yêu Quỳnh My anh cảm thấy mình như đang bơi trong cơn hạnh phúc.
Dĩ nhiên không những gia đình cô nhất loạt răn đe, cả trường lớp đều xôn xao bàn tán mà lúc đó hình như … cả thế giới cũng cực lực phản đối. Không ai có thể chấp nhận một anh con rể tương lai lại sấp sỉ tuổi đời bên phía nhạc gia. Chẳng lẽ cái cuộc sống bềnh bồng nghệ sĩ của anh, cái tương lai chẳng lấy gì làm chắc kia lại đặt lên đôi vai gầy guộc nhỏ của em, bắt em gánh chịu những điều tiếng thị phi và sự ngăn cản của gia đình. Sự chênh lệch tuổi tác giữa hai đối tượng đã làm ngạc nhiên nhiều người. Dư luận xầm xì không hiểu tại sao một người có nhan sắc, có danh vọng, sống trong một gia đình nức tiếng giàu sang, quyền thế lại rơi vào cái thường tình của cạm bẫy tình yêu thiếu cân xứng.
Có quá nhiều rào cản không để đôi tình nhân đi cho hết con đường mộng đẹp này. Ban đầu, Quỳnh My bất chấp tất cả để giữ gìn, ấp ủ trang nghiêm một mối tình, nhưng dường như mọi cố gắng của cô đều rơi vào vô vọng. Còn anh, trước một tình cảm đến quá bất ngờ, cái bản tính vốn rụt rè, thụ động anh chỉ biết bày tỏ tấm lòng chân thật với tình yêu của mình nhưng hoàn toàn vụng về trước cuộc tình vừa mới nhen lên đang có nguy cơ đổ vỡ..
Thấm thía với cái gọi là hạnh phúc đang bồng trên tay, anh mãi phân vân chưa kịp tìm cho đôi bên một lối thoát tốt đẹp thì dưới sức ép của gia đình, nhất là thế lực, quyền uy của ông bố, mối tình Quỳnh My ưu ái dành cho anh đã bị giằng ra khỏi giấc mộng chan hòa.
***
Làm sao Quỳnh My có thể quên được buổi sáng mưa dầm ở Đà Lạt. Cái buổi sáng trung úy Năng lặng lẽ lên đường ra mặt trận với ba lô, súng đạn dềnh doàng.
Những năm tháng biệt phái bổ sung nhân sự về Ty Nội An và Quân Sự của anh rồi cũng qua đi, đời lính chiến lại trả anh về với trận mạc.
Ngồi thu mình trên băng ghế cạnh tài xế, hai mắt Năng nhắm nghiền, mái tóc bạc phất phơ trong cơn gió phủ xuống khuôn mặt hom hem, mệt mỏi. Mặc dù yêu Quỳnh My với cả tâm tình trong sáng nhưng trung úy Năng biết rõ Quỳnh My chỉ còn là một kỷ niệm thiêng liêng nên anh cố tránh không muốn dây dưa, nắm níu gây thêm đau khổ lúc biệt ly. Chính vì lẽ đó, anh không hề biết trong cơn mưa ảm đạm buổi sớm mai, giữa đám đông người đưa tiễn, có một cô nữ sinh cô đơn, mắt đẫm lệ, thả cái nhìn trôi theo đoàn convoy đang chuyển bánh. Làm sao Quỳnh My biết được đó là lần cuối cùng cô tiễn đưa người nghệ sĩ lính của cô đi về phía xa mù.
Anh đi rồi, suốt mấy ngày Quỳnh My cứ như người mất hồn, không lúc nào nguôi nỗi nhớ anh. Cảm thấy ở đời này không còn ai bất hạnh bằng mình, hai hàng nước mắt cô lại trào ra. Đang là một cành hoa tươi thắm nhô lên khỏi miệng bình ngọc bích, đột ngột Quỳnh My rũ xuống trong đau khổ tột cùng. Hình như mọi sự bất hạnh lúc đó đều trút vào trái tim mong manh của cô, trái tim biết yêu, biết nhớ, biết trân trọng một mối tình đầu sâu nặng đến nỗi gần chục năm sau Quỳnh My mới tin chắc là người tình của cô đã gục ngã ngoài chiến trường.
***
Người ta thường nói đời người hữu hạn và quá ngắn ngủi, tuy vậy riêng cựu trung úy Năng cảm thấy nó vẫn cứ nhì nhằng, lì lợm kéo dài mãi ra. Nhưng cũng chính thời gian lại là một liều thuốc có công dụng chữa lành mọi vết thương. Tính từ ngày anh chia tay Quỳnh My đến nay đã ngót 1/4 thế kỷ rồi còn gì. Bằng thời gian này, Quỳnh My đâu còn là một thiếu nữ trăng non, không còn là hình ảnh của cánh hoa mong manh thuở nào. Quỳnh My đã là một thiếu phụ thuần thục nhưng vẫn còn giữ được nét duyên dáng thời thanh xuân..
Hiện nay Quỳnh My đã có gia đình, sống rất hạnh phúc bên cạnh chồng con. Ngoài việc phụ giúp chồng nuôi dạy hai con, Quỳnh My còn tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng đa văn hóa, cùng bạn bè nổ lực gây quỹ từ thiện giúp các trẻ em mồ côi, nghèo khó, bệnh tật ở quê nhà. Có điều Quỳnh My không hề biết “anh Nắng” của cô mà cô nghĩ anh đã hy sinh ngoài mặt trận năm xưa, vẫn còn sống ở đây, trong cùng một thành phố, một quê hương thứ hai với cô.
Từ ngày trở ra chiến trường, trung úy Năng tiếp tục chiến đấu cho đến ngày mất nước, bị bắt đi tù Cộng sản từ Bắc vô Nam. Đến năm thứ bảy từ trại Bù Gia Mập anh quyết định vượt ngục may mắn trốn thoát về tới Sài Gòn. Trong lúc thất cơ lỡ vận thì trời xui đất khiến anh gặp được một đệ tử cùng đơn vị cũ, chú của một tài công, đưa anh xuống cầu Chữ Y vượt biển thoát qua đây.
Ngay từ khi bước xuống ghe ra biển cựu trung úy Năng đã âm thầm rũ bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ. Anh thật sự không muốn tìm lại cái gọi là hạnh phúc của một thời đau khổ đã qua, mặc dù trong thâm tâm Năng vẫn còn giữ lại hình ảnh một thuở của Quỳnh My.

Phan Ni Tấn