Có ai lỡ cắc cớ hỏi tôi rằng thời gian nào trong đời cảm thấy
hạnh phúc và thú vị nhất, tôi không ngần ngại mà trả lời rằng đó là khi mình và
mọi người cùng đều khốn khổ như nhau.
Bạn sẽ bật cười khi nghe nói điều này nhưng hãy nghiệm lại
thời gian sống của mình đã qua. Có thể bạn bất ngờ nhận ra điều này có ý nghĩa
như thế nào với bạn. Biết đâu bạn cũng đang có cái thú vị như tôi vậy.
Đau thương cũng có cái thú của nó. Thú đau thương mà.
Ta thường ước mơ và thèm khát thứ mà mình không thể có hoặc
có nhưng không đủ gọi là.
Đó là những năm tháng sau 30/4 hay còn gọi là thời bao cấp.
Tôi đã đi qua những tháng năm đó, đã trải nghiệm bằng chính
cuộc sống cuả mình và cảm nhận cái thú vị mà thế hệ con em chúng ta không có được.
Những năm đầu sau cuộc chiến ấy rất nhiều học sinh nam nữ
không còn đến trường nữa vì mọi thứ thay đổi. Vì lí do này nọ, các bạn, những
tiểu thư đài các, những yểu điệu thục nữ và những chàng trai mới lớn trước đây
quen sống trong vật chất đầy đủ, được một nền giáo dục tốt đang dần thích
nghi với cuộc sống mới. Những nàng thiên nga xinh đẹp lại biến thành vịt trời xấu
xí. Những chàng trai thanh lịch một thời trở thành anh nông dân. Họ làm quen với
cuốc xẽng, cày bừa hay lao động vất vã để sống.
Tôi là một trong số đó.
Gia đình tôi lúc ấy thật sự thiếu cái ăn. Ba mất sau ngày dứt
chiến tranh hai tháng. Mẹ lăn lộn ra chợ đời còn anh chị em tôi tứ tán mỗi người
mỗi phương.
Ngày trở lại thành phố người ta nhìn mình xa lạ nhưng rồi
cũng quen dần với cuộc sống khó khăn. Với cái lí lịch tối thui của mình thì
chuyện vào làm trong một cơ quan nhà nước là chuyện viễn tưởng nhưng không vì
thế mà tôi nãn lòng. Vài lần làm lí lịch ra phường xác nhận đều được bảo về chờ
chính quyền thẩm tra có khai đúng hay không. Vài ba tháng trở lại hỏi thăm, ông
cán bộ có nước da vừa đen vừa tái bảo rằng bản khai lí lịch của tôi đã bị thất
lạc. Vậy là làm lại cái khác.
Cuối cùng cũng nhận ra thân phận mình, tôi trở về chọn ngay
góc ngã tư, che tấm ni lông mở nhà máy vá xe đạp. Lốp xe làm bảng hiệu treo
tòong teng nơi trụ điện.
Những thân phận như tôi lúc ấy khá nhiều. Đều là những người
có ăn học đàng hoàng nhưng chữ nghĩa không đổi thành cơm gạo được. Vậy thì liệu
mà tìm ngã ba, ngã tư nào đó kiếm gạo đong cho chắc. Những con người đồng cảnh
ngộ chia sẽ nhau từng điếu thuốc, li cà phê mới thấy tình cảm chân thật.
Vậy mà vui.
Thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Khi chúng ta thiếu thốn thấy
cái gì cũng quý, cũng có giá trị.
Được ăn no lúc đói khát mới thấy cái ngon ngọt của củ khoai
lùi.
Sách cũng chẳng có nhiều để đọc. Văn học nước ngoài hầu như
là sách của các nước xã hội chủ nghĩa. Thỉnh thoảng tìm được một cuốn truyện cũ
của ai đó còn dấu kỉ như báu vật là mặt mày rạng rỡ, hân hoan, hớn hở ngay. Thú
vị vô cùng khi được ngấu nghiến từng trang sách truyện ấy.
Người thành phố thưa dần. Dân nông thôn ào ra như thác đổ. Họ
là con, em, cháu chắt chít của mấy người “có công cách mạng” nên được vào làm
công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Họ nghiễm nhiên trở thành tầng lớp
trên dù cho họ có là người ít học, xuất thân từ vùng trung du heo hút. Loại thằng
tôi lúc đó không đáng để cho họ liếc con mắt chứ đừng nói được đứng ngang hàng
với giai cấp của họ. Tôi vác đơn xin việc khắp nơi. Từ công ty vệ sinh,
vét cống cho đến các công trường xây dựng trong thành phố đều lắc đầu khi tôi
chìa cái lí lịch có lời phê “Cha là sỹ quan địch. Bản thân đương sự cũng theo địch...”
Bó tay!.
Rồi ông Trời cũng thương. Tôi được nhận vào làm công nhân nấu
kẹo trong một nhà máy thực phẩm nhờ cái việc rãnh quá không biết làm gì nên đi
dạy...bổ túc. Ông giám đốc ở cạnh nhà thấy thằng thanh niên hiền lành, đẹp trai
như tôi mà không dùng cũng phí. Vậy là tôi lọt vô giữa rừng hoa. Nhà máy hết
tám mươi phần trăm là nữ. Nữ thành phố, nữ ngoại ô, nữ nông thôn đầy một rừng,
đương nhiên tôi trở thành thiên thần. Tuy vậy, dù tôi có là thần tiên đi chăng
nữa cũng chẳng dám dây vào mấy em có bàn tay to bè, chai cứng. Cặp giò thì còn
hôi mùi bùn nhưng lại chãnh chọe hơn con nhà quan, nói năng trịch thượng. Tốt
hơn hết là cứ mon men đến gần mấy em thành phố có thân phận như mình mà làm bạn
Sau hai tháng quậy mấy chậu kẹo to bà cố, tôi được thăng chức
lên chạy vật tư nhờ có cái bằng Ai Bi Em. Lúc đó tôi được xếp vào loại có học
thức cao nhất trong đám công nhân nam. Còn nữ thì khá nhiều em được học hành
nhưng gia đình thuộc loại ...chờ xếp loại.
Tôi vi vu khắp nơi từ Nam ra Bắc. Mỗi nơi tôi đến đều có những
kỉ niệm đáng nhớ.
Trong một chuyến đi Hà Nội, một tối tôi vào quán cà phê ở
Khâm Thiên cùng cô em gái tên Hà. Ngồi hơn hai tiếng cảm thấy bụng dưới hơi nặng
nên tôi đến hỏi cô gái ngồi quầy “Ở đây có toa lét không cô?” Cô gái nhướng đôi
mắt long lanh nhìn tôi “Anh hỏi gì ạ?” Tôi ngập ngừng “Có toa lét không?”
Cô gái hơi ngạc nhiên khi nghe tôi nói giọng miền nam “Dạ, không có. Loại đó
ngoài này không ai bán.” Tôi chưa kịp hiểu ra sự nhầm lẫn, cô gái nói thêm
“Quán em chỉ có nước chè, cà phê và các loại kẹo thôi. Loại Ta lét anh nói,
không có”. Trời đất! Khi hiểu được chuyện, bụng dưới tôi tức lắm rồi. Không còn
xấu hổ, tôi nói “Ý tôi là có chỗ để đi tiểu không ạ?” Dưới ánh đèn vàng nhạt
khuôn mặt cô gái đỏ bừng, tay phải bụm miệng cười không ra tiếng, tay trái chỉ
vào đường luồng ra sau nhà.
Một chuyến đi khác. Chuyến cuối cùng vào ngày mười tám tháng
chạp âm lịch năm bảy chín. Ra đến Hà Nội lạnh kinh hoàng. Tám độ C. Tôi vội
vã đón xe ôm về khu tập thể nhà máy điện Yên Phụ thăm Hà. Chỉ kịp nói với em
vài câu rồi vội vã quay lại xe lên Sơn Tây nhận hàng. Hà lấy tấm chăn của
mình cho tôi quấn quanh người đỡ rét. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Hà.
Tôi nợ em một chuyện ân tình, một tấm chăn và một lời xin lỗi.
Tôi còn nợ một cô gái khác nữa. Nợ đôi mắt cô gái Sơn Tây
trên chiếc cầu treo băng qua con suối trong chuyến đi này
Trên đường trở về khi đến Quảng Bình trời gần tối, xe lại bị
nổ lốp. Tài xế và phụ xe hì hục thay lốp còn tôi có nhiệm vụ đem nồi ra đốt lửa
nấu cơm. Nước không có nên phải vào làng xin. Đang chạy lúp xúp trên đường đê,
loay hoay với cái mũ lính Trung Quốc rộng rinh, rớt lên rớt xuống bỗng giật
mình. Bảy tám người nông dân tay cầm gậy ùa ra vây chung quanh rồi hè nhau đè
tôi xuống giữa ruộng, miệng hô “Trói nó lại. Bọn tình báo Trung Quốc đấy!” Tôi
bị đần cho một trận trước khi mấy con người điên cuồng này nhận ra tôi cùng
“băng” với họ
TÔI ĐI LÀM GIẤY KẾT HÔN
Tôi là thằng ‘ba trời” nhưng nhờ phước đức ông bà để lại nên
cuối cùng cũng có một em chịu lấy làm chồng. Chuyện như thế này:
Chẳng là cũng nhờ cơ duyên lúc đó bọn Tàu với Việt Nam mình
đánh nhau, đoàn thanh niên thành phố tổ chức một ngày chủ nhật lên núi Sơn Trà
phá rừng, mở đường kéo pháo, chuẩn bị đối phó nếu bọn tàu cho máy bay vào không
kích Đà Nẵng. Hôm đó tôi làm biếng, không muốn đi nên xì lốp xe đạp của mình, định
xù. Mấy em gái trong xí nghiệp phản đối kịch liệt. (có lẽ thiếu tôi mấy em buồn).
Vậy là một em làm ở phòng tài vụ được cử ra, giao xe cho tôi chở, hết thoát. Đoạn
đường mười cây số đạp muốn xì khói nhưng tôi cũng ráng pha trò cho em vui. Tôi
hỏi em “Có biết bác học Ê đi xơn lấy vợ răng không? Em trả lời cộc lốc “Biết,
mà răng?” Tôi đùa “Rứa thì tui cho em ba phút suy nghĩ rồi trả lời. Em có muốn
mần vợ tui không”. Bụp! Bụp! Em đấm vô lưng tôi hai nhát rồi nhảy xuống đường,
đẩy chiếc xe về phía trước. Tôi té chổng gọng, lọt gọn vô chiếc xích lô
đang chạy bên cạnh còn em ngồi bệt xuống đường, xoa mông, miệng lẩm bẩm “Qủy sứ!
“
Thiệt tình ngày đó tôi chẳng có tình ý chi với em. Chỉ là một
câu nói đùa cho vui, ai ngờ em ưng cái thằng “quỷ sứ” tôi thiệt. Duyên nợ mô từ
kiếp trước gỡ không ra.
Vậy là...
Hôm ra phường làm giấy kết hôn tôi run muốn xỉu. Cứ mỗi lần
bước đến công đường phường, gặp mấy quan là hai đầu gối tôi đánh vào nhau lớp cớp,
muốn sụm. Hai vợ chồng tôi được mời ngồi trên chiếc ghế cong cong như vành móng
ngựa. Ông quan phó phường hỏi vài điều rồi đề nghị chúng tôi đứng lên, bắt đầu
nghe tuyên ngôn vợ chồng.
Quan này khá lớn tuổi, mang kính lão dày cộm, cầm tờ giấy chứng
nhận kết hôn xoay tới, xoay lui một hồi rồi nói giọng Quãng quê đặc sệt “Thay mẹt
chính quyền...” Tôi cố gắng để khỏi bật ra tiếng cười đang nén trong cổ họng.
Ông quan phó ngước mắt nhìn tôi, đọc tiếp “Tôi thay mẹt ủy boan phường đồng
ý, công nhận anh...” Tiếng chít chít trong cổ họng tôi xì ra. Quan phó liếc xéo
tôi cảnh cáo “Nghiêm túc! “ Vừa nói, lão vừa nhìn vợ tôi đứng bên cạnh “Tôi cảnh
cáo anh...” Vợ tôi nhanh nhảu “Dạ!” Quan nhìn qua tôi “Tôi không núa với chị“.
Tôi gật đầu “Dạ!”. Quan hét lên: Hai người đùa với tôi phải không? Có muốn tiếp
tục không?“
Lúc này tôi chỉ muốn chạy ào ra đường mà cười một trận thiệt
to cho đã. Trời đất ơi! Ông quan này bị lé. Nếu tiếp tục chắc chắn tôi sẽ không
nín được nữa nhưng cũng cố kìm chế lại không để thoát ra mấy thứ đang ục ặc
trong cổ họng. Quan đọc tiếp : “Anh Bùi Thanh Xuân, hai mươi sáu tuổi. Làm việc
tại xí nghiệp bánh kẹo”. Hai con mắt quan chạy vòng vòng, lộn ngược..” Chị
Lê Nguyệt Quế, làm việc tại xí nghiệp ..máy kéo “ Tôi đã cố gắng nín không bật
ra tiếng rít giữa hai hàm răng trước đó nhưng khi nghe quan đọc hai chữ “ máy
kéo “ tôi gập người, ôm bụng trước khi kịp bụm miệng không cho nước bọt bắn vào
người quan. Cả chục người làm việc trong phường đều dừng lại nhìn tôi đang cúi
đầu trên bàn, cười ha ha ha một cách sảng khoái, sung sướng. Quan phó phường đập
bàn: “Đồ mất dạy! Cút! Cút!” Tôi nghĩ “OK về thì về. Không làm được ở đây thì
qua phường khác. Tui đâu ngán, quan lé ơi!”
Đời thuở nhà ai cả hai vợ chồng tôi cùng làm xí nghiệp bánh
kẹo mà quan lại đọc vợ tôi công tác tại xí nghiệp máy kéo.
Âm thầm ra công an chuyển hộ khẩu gấp. Hôm ra phường nơi gia
đình vợ tôi đang sống để làm giấy kết hôn, tôi phải nhờ ông bạn của mình đi thế.
Cái tính tôi hay cười. Vui buồn chi cũng cười. Nhỡ đứng trước quan phường nghe
đọc bản án chung thân lại nhớ đến ông quan lé có lẽ tôi bị đuổi về lần nữa.
May mà thằng bạn tôi không phản phúc. Chỉ đóng vai chú rễ giả
một cách có lương tri chứ không thôi tôi mất vợ như chơi
Chuyện ngày ấy có nhiều điều để nhớ. Thời khốn khó mà vui
quý vị nợ.
Bùi Thanh Xuân