Một buổi tối đầu tháng Ba, khi tình hình chiến sự ngày càng bi đát, và trước
khi Ban Mê Thuột thất thủ, bố tôi cho biết sáng ngày hôm sau cả gia đình sẽ rời
xa Sàigòn vĩnh viễn. Mẹ tôi, tôi và hai cậu em kế chỉ biết nghe mà không
dám hỏi gì. Như đã định, cả nhà dạy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cho một
phần gia đình ra đi trước, để tránh sự dòm ngó của hàng xóm. Nhóm này gồm
có tôi, cậu em kế và hai đứa em 9 và 10 tuổi. Chị em chúng tôi đón xe Lam
tới bến xe đò Lục Tỉnh. Bố mẹ tôi và 5 đứa em khác đi sau.
Cả gia đình chỉ đem theo vài bộ quần áo. Con chó cưng cũng phải để
lại! Khi tới bến xe đò, tôi mua vé cho mình và cho ba đứa em. Cậu
em kế, dù được miễn dịch vì lý do học vấn, cũng phải trình giấy tờ cho Quân
Cảnh, ba bốn bận. Mỗi lần như thế tôi nín thở, vì lo em sẽ bị giữ
lại. May thay, em tôi đã cùng chúng tôi ra tới Rạch Gía bằng an.
Sau bao nhiêu lần thất vọng vì không thấy người thân bước xuống từ những
chiếc xe đò, bố mẹ và các em tôi cũng ra tới nơi. Tôi mừng qúa bật
khóc. Mẹ tôi kéo tôi lại gần và nhắc là không nên ủy mị như thế, vì người
ta sẽ biết là “mình đang đi trốn.” Tôi nghĩ những người dân địa phương đã
biết là gia đình tôi từ Sàigòn ra và đang kiếm đường trốn khỏi nước. Từ
Rạch Gía, chúng tôi lấy phà ra Phú Quốc. Chiếc phà đông chật cứng người
và gia súc. Tôi ngồi bó gối gần kế bên bốn, năm con heo nái. Không
biết chúng có linh tính gì mà kêu eng éc suốt cuộc hải trình. Sự lo lắng
về những ngày tháng mịt mờ sắp tới khiến tôi không để ý nhiều tiếng lợn kêu.
Phà cập bến Phú Quốc khi trời gần tối. Chúng tôi đi dọc con đường
chánh để tìm địa chỉ căn nhà của người bạn bố tôi, chú K., cho mượn để ở trong
thời gian chờ đợi. Đi mãi thì chúng tôi cũng tìm được nhà. Căn nhà
rộng rãi khang trang và có một cái giếng ngay giữa sân. Hai người con
trai của chú K. cũng đang ở đó. Nơi đây là chỗ tạm trú của gia đình tôi
và thêm một gia đình nữa (đã đến ở vài tuần sau đó.) Trong những tuần lễ
ở đây, tôi đã thấy hàng trăm người tị nạn từ các tỉnh đổ về, đi ngang qua nhà.
Đêm ngày 29 tháng Tư, nằm trên giường tôi nghe tiếng chân của những người
trong gia đình ở chung nhà, đi ngang qua sân. Tiếng chân người xa dần
trong khi tiếng chó sủa vang lên khắp khu xóm. Tôi nằm đó, nước mắt chẩy
ra, thèm được như họ, vì biết họ ra bến tầu đi Mỹ, vì gia đình có người làm cho
Đài Mẹ Việt Nam. Còn gia đình chúng tôi thì sao? Gia đình chúng tôi
phải chờ. Chờ bạn của bố tôi cho người qua đón “khi ngày giờ tới.”
Không ngờ ngày đó đến rất nhanh. Sáng hôm sau, sau khi nghe ông Dương
Văn Minh đọc lời bàn giao, bố tôi thất sắc vì những gì phải đến đã đến.
Người buồn bã ra lệnh cho cả nhà sẵn sàng để bạn bố tôi cho người sang
đón. Trong chốc lát cả nhà đã sẵn sàng, vì hành lý có gì đâu, chỉ vài bộ
quần áo và giấy tờ quan trọng cùng với bức tượng Đức Mẹ Fatima, do một bà bạn
bố mẹ tôi gửi tặng từ năm 1970. Chúng tôi đợi mãi cho tới qúa trưa mà vẫn
không thấy ai sang đón. Bố tôi sai hai đứa em trai chạy sang Khu Gia Binh
bên kia đường để xem các bác bên đó chuẩn bị ra sao. Chỉ trong vài phút,
hai đứa em hớt hơ hớt hải chạy về báo tin là mọi người đã ra đi, chỉ còn một
đứa con gái đang ngồi khóc.
Được tin như sét đánh ngang tai, bố tôi đang phân vân không biết sẽ đưa gia
đình ra bến tầu bằng phương tiện gì thì một chiếc xe Jeep ngừng trước
cửa. Một quân nhân đi vào hỏi thăm địa chỉ của một vị sĩ quan. Tên
của vị sĩ quan đúng là tên bạn của bố tôi! Lạ qúa. Tại sao họ không
biết địa chỉ của thượng cấp mình mà lại đi vào nhà thường dân để hỏi? Họ
thú thật là vì đi lạc nên mới ghé vô hỏi đường! Bố tôi hỏi lý do họ cần
tìm nhà vị sĩ quan này. Họ nói là vì cô em vợ vị sĩ quan đã ở lại để trở
về Sàigòn với mẹ mình, nên đã không theo gia đình ra bến tầu. Phu nhân
của vị này đe là nếu em không đi theo thì bà cũng sẽ khi ông đi. Vì thế
cho nên vị sĩ quan đã nhờ sai hai quân nhân trở về đem đứa em vợ ra. Khi
nghe thấy thế, mẹ tôi nói với họ là cho mẹ tôi đi theo để thuyết phục cô bé, và
nhân tiện cùng chuyến xe, xin cho cả gia đình tôi qúa giang ra bến tầu.
Hai quân nhân gật đầu. Trong tích tắc, gia đình 11 người, thêm người anh
họ của tôi, mới từ Sài gòn ra vài ngày trước đó, trèo hết cả lên chiếc xe
Jeep. Trẻ con ngồi trên lòng người lớn. Số còn lại bám vào khung
xe.
Khi tới nhà vị sĩ quan, mẹ tôi vội vã đi vào. Một lúc sau mọi người
thở phào nhẹ nhõm thấy mẹ tôi đi ra cùng với đứa con gái. Con bé khóc
thút thít và tay xách một vali nhỏ. Thế là chiếc xe Jeep nhà binh có thêm
một hành khách nữa, thêm hành lý của nó. Tổng cộng là 15 người trên chiếc
xe bốn chỗ ngồi đó! Tới bến tầu mẹ tôi tặng tất cả số tiền còn lại cho
hai quân nhân tốt bụng. Chúng tôi, bầu đàn thê tử đi vòng vòng tìm người
quen của bố tôi. Đi mãi thì cùng tìm được. Bác sửng sốt hỏi, “Anh
ra đây bằng cách nào?” Tình bạn của hai người đã đứt đoạn từ giây phút
đó.
Gia đình chúng tôi không tìm được một chỗ trống trên bất cứ chiếc tầu lớn
nhỏ nào. Nơi đâu người ta cũng nói là chật rồi, hết chỗ rồi và không cho
lên. Đến qúa ngọ, trời nắng như thiêu như đốt, bố tôi định đưa cả nhà đi
lên phía Bắc của bến tầu để xin tá túc tại một nhà thờ nhỏ thì bỗng dưng, như
một phép mầu, từ ngoài khơi một chiếc tầu Hải Quân, loại chạy trên sông, trờ
tới. Khi cánh cửa từ phía đuôi tầu hạ xuống để gia đình tôi leo lên, thì
tôi đã bò lên tầu bằng … hai tay. Vì qúa sợ hãi, hai chân tôi nhũn
ra như hai cọng bún! Sau gia đình tôi, thêm vài chục người khác cũng được
những quân nhân Hải Quân ngừng lại đón. Sau những tiếng súng thị uy vì
tầu đã chật cứng, họ cho tầu chạy ra Hải Phận Quốc Tế, thả neo đợi, cùng với
trăm chiếc thuyền đánh cá hay những tầu Hải Quân khác.
Đợi không biết bao lâu thì chúng tôi thấy một thương thuyền từ từ tiến tới
gần. Mọi người mừng rỡ vô cùng vì cơ hội được cứu đã đến. Tiếng một
thông dịch viên phát ra từ trên tầu cho biết là những quân nhân Thủy Quân Lục
Chiến (TQLC) Mỹ ra lệnh trẻ con, đàn bà lên trước, đàn ông lên kế đó và đồ đạc
sẽ được bốc lên sau chót (vì muốn dành chỗ cho người tị nạn, hành lý đã không
được bốc như đã hứa.)
Sau nhiều phút nôn nóng chờ đợi, những thang giây và những chiếc rọ bốc hàng
hóa đã được hạ xuống. Đây là khởi đầu cho sự hỗn loạn. Người ta bất
kể những lời lập đi lập lại của ông thông dịch là đàn bà trẻ em lên trước
…. Nhiều người đàn ông lực lưỡng chen lấn, leo lên thang giây, bất kể sự
ga-lăng thường ngày. Khi một chiếc rọ thả xuống ngay trước mặt, mẹ tôi bế
đứa em út lúc đó mới hai tuổi và tôi nhanh chân bước vào. Cậu em kế tôi
đu bên ngoài rọ, cùng với đứa em gái 9 tuổi bám chặt vào cổ. Trong rọ đã
có mặt một gia đình với một vali vỏ cứng. Lúc rọ được kéo lên thì mọi
người cùng bị túm lại như những con thú bị lọt bẫy. Một bàn chân của đứa
em út bị chiếc vali của gia đình nọ đè nghiến. Thế mà thằng bé không hề
cất tiếng than! Những người lớn chỉ biết nhìn nó thương hại, mong sao cho
rọ được mau mở ra để chân em được thoát khỏi sức ép của bao nhiêu chục người,
cộng thêm chiếc vali nặng cứng.
Bố tôi với tượng Đức Mẹ Fatima và chiếc túi vải đựng giấy tờ quan trọng cùng
đứa em trai thứ ba và người anh họ là một nhóm nhỏ trong những người trèo lên
thang giây cuối cùng, trước khi tầu nhổ neo. Những người đàn bà con gái
thấy chồng, cha hay anh em của họ còn kẹt lại dưới tầu nhỏ thì bật khóc thảm
thiết, khóc như người thân đã mất! Sau này tôi được biết là những người
bị bỏ lại đã được một tầu khác bốc, và đã đoàn tụ với gia đình họ, cũng tại
trại Andersen.
Chiếc tầu cứu chúng tôi tên là the American Challenger. Tầu
đã được thuê bởi Đài Mẹ Việt Nam để đón những nhân viên đã làm việc cho Đài,
trong đó có gia đình đã rời căn nhà chúng tôi cùng tạm trú vào tối hôm
trước. Chúa thương. Khi thấy tầu còn qúa nhiều chỗ trống, vị thuyền
trưởng đã quay trở lại Hải Phận Quốc Tế để đón thêm 6000 người nữa, thay vì chỉ
đón có 600 người.
Sau khi mọi người bị xịt thuốc sát trùng trắng xóa, bố tôi tìm được một
khoang nhỏ trên boong tầu, bề ngang chừng một thước rưỡi, bề dài khoảng 3
thước, sâu khoảng 1 thước, dùng làm nơi ở tạm của gia đình và tượng Đức Mẹ trên
suốt cuộc hải trình sáu ngày sáu đêm. Vì “hầm” tầu của gia đình chúng tôi
qúa chật hẹp, chúng tôi phải ngủ ngồi trong căn hầm này, và thay phiên nằm duỗi
lưng trên một khúc ván ngang chừng hai gang tay, ai đó đã đặt dọc trên
khoang. Những lúc trời mưa, chúng tôi phải di chuyển xuống hầm tầu, xin
một chỗ trống để ngồi hay nằm nghiêng (vì chỗ qúa giới hạn) để ngả lưng, trên
những chăn những chiếu của những gia đình đã được đón trước. Trong cuộc
hải hành tưởng chừng như vô định, tôi nhìn trời mây nước và nghĩ về quê hương,
gia đình, bạn hữu, giờ đã muôn trùng xa cách, mặc dù chỉ mới mấy hôm trước, tôi
còn ở yên trên quê hương! Từ trên boong tầu, tôi ngắm nhìn trăng lưỡi
liềm và triệu triệu vì sao trên bầu trời đêm. Cũng trên boong tầu,
đôi khi tôi trông thấy đàn cá heo bơi song song với tầu, những cái miệng nhìn
như lúc nào cũng tươi cười, đã đem vài giây phút cho tôi tạm quên thực tại.
Về phần ẩm thực, vì không dự tính cho 6000 ngàn người, các người lính TQLC
đã nấu cháo cho những người tị nạn ăn đỡ đói, sau khi các phần ăn đồ hộp đã hết
nhẵn. Gạo được thả xuống từ những máy bay trực thăng, tiếp tế từ những
tầu chiến gần đó. Vì số người qúa đông, bệnh truyền nhiễm đã không tránh
được. Lúc đầu chỉ có vài người bị bệnh đau mắt. Sau đó, gần như cả
tầu không ai tránh được. Việc vệ sinh thì đã được trang bị bởi một dẫy
nhà vệ sinh dã chiến, đặt ở phía bên ngoài thành tầu. Gọi là “nhà vệ
sinh” cho sang, chứ thực ra chỉ là những tấm ván đóng lộ thiên, gắn sát thành
tầu. Việc tắm rửa của phụ nữ thường xẩy ra vào ban đêm, khi nhiều người
đã yên giấc. Không khí trên tầu yên ắng như một chiếc tầu ma. Phần
đông người ta chỉ nghe tiếng ông thông dịch viên trên loa phóng thanh, cho biết
những tin cần thiết, hay tiếng những người línhh TQLC nói chuyện với nhau.
Sau sáu ngày ngắm mặt trời mọc trên biển, và sáu đêm nhìn mặt trời lặn chúng
tôi tới trại Andersen thuộc đảo Guam vào buổi tối mồng Năm tháng Năm, năm
1975. Đèn đuốc sáng choang như ban ngày trên Thành Phố Lều
không bao giờ ngủ này. Những người lính Không Quân đã chuẩn bị bữa ăn tối
cho mấy ngàn người thất thểu mới mất quê hương. Những tiếng khóc sụt sùi,
những con mắt quầng thâm mất ngủ, những gương mặt thất thần, thiếu vắng nụ cười
là những âm thanh và hình ảnh không bao giờ tôi quên được.
Trong trại Andersen, những căn lều mầu xanh da trời và mầu xanh nước biển
đậm đã được dựng lên để cho người tị nạn tạm trú. Hơn một tháng ở đây,
chúng tôi xoay quanh việc xếp hàng. Xếp hàng ăn sáng, xếp hàng ăn trưa,
xếp hàng ăn tối; xếp hàng đi nhận quần áo và giầy dép cũ; xếp hàng đi khám
răng; xếp hàng đi bác sĩ, xếp hàng đi tắm (những phòng tắm bằng gỗ thông được
các người lính Không Quân tử tế lịch thiệp xây cấp tốc.) Ngoài việc xếp
hàng để nhận những chăm sóc về thể chất, chúng tôi hay tụ tập trước Command
Post để hy vọng tìm thấy hay biết tin những người thân quen qua những lời
nhắn viết vội trên những chiếc đĩa giấy, treo lủng lẳng bên hàng rào hay dán
chi chít trên bảng gỗ. Không biết bao nhiêu người đã tìm được nhau qua
phương tiện thô sơ này?
Sáu ngày trên chiếc tầu the American Challenger của ông thuyền
trưởng đầy lòng bác ái và hơn một tháng ở trong trại Andersen vào mùa Xuân năm
1975 là một cuộn phim đứt quãng trong trí tôi. Tuy nhiên, một điều tôi
không bao giờ quên được ơn Chúa đã cho gia đình tôi thoát khỏi nanh vuốt qủy đỏ
da vàng, trong khi bao nhiêu triệu người trên quê hương tôi chịu muôn vàn đau
thương khốn khổ! 41 năm qua rồi, mỗi khi nghĩ lại giây phút tôi bò
lên tầu Hải Quân, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Nếu không có những quân
nhân Hải Quân VNCH đầy lòng bác ái và nếu không có vị thuyền trưởng độ lượng
của chiếc tầu the American Challenger, gia đình tôi đã ra sao?
Khổng thị Thanh-Hương