Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về
cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín
bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ
tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Ðà Nẵng vào Nha
Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi
không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài
rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng
và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh
được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợn máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi
đã phoọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi
thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
Tháng tư
năm ấy, khi những mộng ra cửa lớp của tôi với bạn bè đã bị cắt ngang nửa chừng
bởi những tiếng bom đạn của chiến tranh, thì bây giờ sau 30 năm của những hồi
ức, hình như tôi chỉ có thể quên màu rực rỡ nắng ấm của ngày hôm ấy nhưng không
thể nào không nhớ rất rõ màu rực rỡ đến ngất ngây tàn bạo của lửa và máu ở xung
quanh mình. Tháng tư, hình như bây giờ tôi lại nhớ ra có lần tôi nghĩ giá gì
người ta có thể tự chọn cho mình những cái chết thì vẫn có lý hơn.
Chị họ tôi nốc một lọ thuốc ngủ và chết, khi
vẫn còn quá trẻ. Một sự lựa chọn có thể chỉ xảy ra trong một tích tắc bốc đồng
nào đó. Tự nhiên rồi thấy không còn gì thiết tha nữa và trong một khoảnh khắc
ấy muốn chết và tìm cho mình một cách chết, đơn giản thế thôi. Một sự định đoạt
gọn bân và không thích đôi co với số phận. Thật tình chị tôi cũng đâu có một sự
chọn lựa nào khi bị thảy vào cuộc đời này, vậy tại sao chị tôi không có quyền
từ khước đời sống? Tháng tư bảy lăm, chị tôi bị mang tiếng là đứa con bất hiếu,
chết đọa xuống địa ngục, nhưng chính mợ tôi cũng đâu được phép ngồi rủa sả bao
lâu vì sau đó phải đèo lũ con trai và gia đình lên tàu lần nữa vào Sài Gòn “cho
chắc ăn”.
Tháng tư năm ấy, lẽ nào vì phải nghe ngóng
quá nhiều cái chết đổ về từ chiến trường, những nẻo đường quốc lộ tản cư, những
giặc giã khắp nơi… nên những cảm xúc trong tôi bỗng xơ cứng lại một cách kỳ dị.
Không, không hẳn là tôi đã quá vô tình như thế đâu. Sự thật tôi vẫn còn bị ám
ảnh ngậm ngùi về cái chết đẫm ngất man rợ với thần chiến tranh của người đàn
ông chưa một lần được gặp mặt đó. Cái chết của cậu thanh niên vừa tròn hai mươi
tuổi, em ruột của chị dâu tôi. Tháng tư bảy lăm, khi mà mọi sự chuyển động giữa
hai bờ sống và chết đã lên đến cao điểm của rất nhiều người, tháng tư với nỗi
căng thẳng tột cùng của chiến tranh đang đến hồi nát bấy và dứt điểm, sao gã
trẻ tuổi đó bỗng mở đường máu chạy thoát về nhà rồi cũng chính gã lại tự giải
quyết đời mình một cách phi lý như thế. Cái chết sau 30-4 khi hòa bình vừa ló
dạng: một tên thanh niên mặt búng ra sữa trốn vào phòng đóng cửa lại, loay hoay
mặc vào người bộ quân phục và kê súng vào màng tang lẩy cò. Ðiều gì đã làm gã
thanh niên ấy bật máu và phun hết tủy xương ra như thế? Mặc cảm đào ngũ khi bạn
bè đồng đội của mình phải gượng lết tử thủ? Quân phục, súng ống và viên đạn nơi
màng tang của người thanh niên, phải chăng là hơi men của con quái vật chiến
tranh vẫn phủ chụp, không chịu buông tha? Mới hai mươi tuổi, người thanh niên
ấy vẫn còn một đời dài trước mặt, mà cho dẫu có phải “ngậm một khối căm hờn
trong cũi sắt” ở những nhà tù cải tạo, anh ta vẫn còn hai bàn tay chưa đến
nỗi mỏi mệt để chiến đấu (phấn đấu thì đúng hơn, vì không phải cuộc chiến đã
tàn rồi hay sao?).
Tháng tư năm bảy lăm, bây giờ tôi càng hiểu
ra tại sao mình đã không mấy quay quắt về cái chết tự tử của một người chị họ
vẫn còn nhan sắc và chưa đầy hai mươi tuổi.
Ðêm qua khi tôi đang ở trong trạng thái ngây ngây của nửa quên nửa nhớ, và ước
gì ký ức có thể tự ý sàng lọc được những điều mình không muốn nhớ, tôi lại bỗng
vụt dậy cơn xúc động rụng rời chưa từng có chỉ vì một mẩu báo. Bây giờ là giữa
tháng hai, vẫn còn là Tết ở quê nhà, đời sống đáng lẽ phải còn rất xuân và vẫn
còn rất thơm mùi bánh pháo, sao điều khốn nạn ấy vẫn xảy ra dễ dàng đến lạ lùng
như thế. Chiến tranh đã bỏ đi những 30 năm, sao vẫn chưa tha cho những trẻ thơ
vô tội?
Một mẩu báo nhắc đến bản tin của thông tấn xã
AFP không thể coi như mẩu tin cán chó, về một cuộc chiến đã kết thúc nhưng vào
một ngày đầu xuân như thế, ở Bình Phước một em bé 8 tuổi phải tan xác ngay tại
chỗ và hai em kia, có em chỉ mới 5 tuổi bị thương nặng vì bom sót lại từ cuộc
chiến xa xưa phát nổ. Buồn và đau, rồi sợ hãi và nghi ngờ về những nỗi thanh
bình giả tạo. Những vỏ đạn chỉ chờ một phút giây nào đó để nổ tung. Nghe nói có
khoảng 38 ngàn người đã thiệt mạng và hơn cả trăm ngàn người bị thương tật vì
đạn mìn vẫn đeo đẳng chưa dứt ấy. Bây giờ là dấu mốc 30 năm của ngày cuối tháng
4 năm 75, tôi đang ở một nơi quá xa Việt Nam để nhớ về một nơi chốn mình vừa
chợt lớn đã phải bỏ đi đành đoạn.
Ba mươi năm chẵn ly hương đối với tôi nhưng
có thể ít hơn với nhiều người khác, vậy 30 năm có phải là khoảng thời gian quá
dài để phải sống lại với những nhức nhối nào đó. Ba nươi năm, tôi thực sự ngửi
thấy mùi ẩm mốc của kỷ niệm nhưng ngọn nến tưởng nhớ vẫn chưa lụi tàn nổi. Ba
mươi năm, cho tôi ít là một lần được trở về trong ký ức để cùng nổ tung xác với
những người đã khuất. Ðể chết và cũng để sống với những người đã im lìm ngủ
yên. Ba mươi năm, đừng hỏi tôi có đau lòng hay không. Một ngày cuối tháng tư ấy
đâu phải chỉ vừa mới xảy ra hồi tháng trước hay năm ngoái. Ba mươi năm, tôi
không muốn nói đến những băng hoại phân hóa của lòng mình hay của bất cứ ai và
nơi đâu. Trong một bài viết hạn hẹp như thế này, tôi chỉ muốn nhìn lại những
thân phận Việt Nam nói chung và những phụ nữ ViệtNam nói riêng không như những
thứ bèo giạt hoa trôi.
Ôi những phận người mong manh và những đón
chờ những vận hội mới chính hiệu con nai vàng! “Tháng tư của chúng tôi. Như
một đám con mồ côi. Lạc lõng cội nguồn quê mẹ. Tháng tư của chúng tôi. Bồng bế
nhau vội vã. Oằn trên lưng lịch sử một thế hệ lưu lạc…”. Ðó là những dòng
chữ đầu của bài thơ tôi viết cách đây khá lâu, rồi thì cũng nghe lại ở đâu đó
trong những rủa mòn của ngày tháng những cha và mẹ, những anh và tôi, những chị
và em, những cô và cậu, những bạn và bè cùng những tiếng gọi kêu của quá khứ.
Nghĩ lại thấy cuộc đời của ba mạ tôi hệt như
một cuốn truyện dài phiêu lưu đường trường: từ Quảng Bình thoát vô Huế, từ Huế
chạy vô Nha Trang, rồi một ngày biến động giữa tháng tư lại đèo cả gia đình dạt
vô Sài Gòn. Có điều cuộc đời phiêu lưu của ba mạ tôi đến giai đoạn này vụt chấm
dứt. Ba mạ tôi nhất định không từ bỏ quê hương, dù lúc đó tôi đã mếu máo: “Ba
mạ không chịu đi thì con đi làm chi?”. Dạo đó tôi vẫn quá ngây ngô để đoán
chừng ba mạ tôi không muốn dứt bỏ căn nhà lầu ở con phố chính ấy. Tôi quên mất
một điều là ba mạ tôi đã từng dứt luôn một rạp hát lớn vừa xây xong ở Ðồng Hới.
Một điều quên cũng khá ngu ngơ khác là gia đình của anh cả tôi lúc đó vẫn còn
đang kẹt lại ở Nha Trang. Anh tôi lúc đó vừa bị thương xong, khá lành lặn và
được xin về biệt phái dạy học ở một trường tư thục Ninh Hòa (một quận lỵ gần
Nha Trang). Dạo đó tôi đang có mặt ở Sài Gòn và trọ học ở nhà một người bạn của
mạ tôi. Ở đấy, gia đình này đã có sẵn trong tay giấy tờ bảo lãnh của con cái ở
Mỹ, với đủ lời dặn dò khẩn khoản là phải “ra đi” gấp, nên tình hình dưới mắt
những người tạm gọi là “thân Mỹ” lúc đó đều thấy được là không thể có giải pháp
trung lập như nhiều tin đồn. Dạo đó gia đình tôi hình như cố tình đánh mất khả
năng đọc thấy thông điệp cuối cùng của chiến tranh kịp thời gởi đến: Mọi người
đều lần lữa không muốn tin, không dám tin hòn ngọc Viễn Ðông sẽ bể nát đột ngột
như một cái chớp mắt phụt tắt của những trái hỏa châu.
Tháng tư, chỉ một vài ngày trước khi Sài Gòn
thực sự chết đứng qui hàng kiểu Từ Hải, sân trường Đại học Sư phạm nắng vẫn vô
tình rực rỡ óng ả thay vì trời đất phải ủ dột tang thương. Chúng tôi lúc đó vẫn
có mặt đều đặn và hình như còn khá đủ bạn bè, cùng với những nét mặt đã ra
chiều đăm chiêu của thầy cô. Buổi sáng đến lớp, thay vì chỉ biết ngợp ngợp xanh
xanh trong lòng những lá cây, bầu trời, sân cỏ hay nụ cười và vai áo rực trắng…
chúng tôi đã phải vướng mắc thêm những giăng giăng biểu ngữ dọc theo những ngõ
ngách đến trường, đại loại như: “Toàn dân lên án Cộng Sản dã tâm phá hoại hòa
bình” hoặc những câu thơ khá thời thượng lúc ấy được một tên bạn cùng lớp hí
hoáy tự bao giờ trên bảng: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ” hoặc “Chí
lớn chưa về bàn tay không”.
Dăm bảy ngày trước khi miền Nam hoàn toàn sụp
đổ, gọi như thế đi, dù chẳng thơ mộng chút nào và làm sao có thể thơ mộng được,
tôi và Trân Sa vào câu lạc bộ trường uống cà phê vội vã với nhà văn Khuê Việt
Trường lúc đó vừa xé rào từ xa về trong bộ đồ lính. Hình như tôi nhớ mơ hồ
khuôn mặt hắn vẫn còn non choẹt và chiếc áo trận vẫn không làm hắn trở nên
phong trần cho lắm. Hắn đùa đùa: “Nhìn sân trường các cô đang học, thấy sao
thanh bình quá. Còn lính tráng tụi này sao tên nào cũng nhếch nhác như… người
về từ cõi chết. Không, người về từ Charlie chứ”. Hình như chúng tôi nhắc đến
một vài kỷ niệm với một vài người bạn khác ở Nha Trang rồi bỗng chợt nhận ra
những ngày vui ngắn ngủi đã vụt qua, đã bay mất và không bao giờ còn tìm nhặt
lại được. “Phố biển coi như tiêu rồi, bây giờ chỉ còn Sài Gòn”, không phải
chúng tôi đã lặng lẽ nói với nhau như thế sao?
Quay lại lớp học và mấy ngày cận kề sau đó,
hình như bạn bè chúng tôi thường dỗ dành nhau bằng một vài câu thơ của Du Tử
Lê: “Anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ. Ðạn nổ đều nhưng đạn nổ rất xa.
Cho dù mai kia đạn nổ thật gần. Thì cũng thế mà thôi, có gì đáng lạ?”.
Lâu lâu, chúng tôi bỗng hù nhau khi hốt dưng giật mình vì tiếng máy bay hỗn
loạn xé nát không trung: “Ê tụi bây, Việt Cộng mà vào là kể như tụi mình mỗi
đứa bị đem gả cho một thúng”. “Thúng gì chứ?”, một cô trong bọn vờ ngây thơ
hỏi. “Một thúng là một anh cán bộ bị mất tay mất chân nằm gọn lỏn như thế, mày
không nghe thấy sao”, cô kia nhăn mặt trả lời. Sống lưng tôi lạnh ớn như có một
luồng khí từ âm dương cách trở tạt về.
Dạo này tôi để ý thấy tên bạn trai cùng lớp
lúc nào cũng nơm nớp sợ thần chết rượt tới tận lớp học. Hắn đặt câu hỏi rồi tự
trả lời lấy: “Bộ mấy bà không thấy trường mình lúc này có mấy khuôn mặt lạ lạ
cứ vờn qua vờn lại trong sân sao? Tui nghi quá, chắc là tụi sinh viên nằm vùng
định đến truy dân Sư phạm tụi mình”. Một tên bạn khác than thở: “Cả nhà dọt ra
Phú Quốc tìm đường tẩu hết rồi. Khổ quá, mình phải ở lại đây để học vì không
biết đâu mà mò. Lỡ không có chuyện gì, bỏ học nửa chừng kiểu này dễ bị đánh rớt
rồi đi lính bỏ xừ”. Rõ ràng mỗi đứa trong chúng tôi lúc đó ngửi mùi chiến tranh
một cách khác nhau. Có điều chắc chắn đứa nào cũng bắt đầu nhìn đời qua lăng
kính màu chàm hoàng hôn ảm đạm. Màu của những chực chờ một điều gì đó có thể là
ghê gớm lắm sắp phủ chụp xuống. Màu của những rình rập tự hỏi không biết ngày
mai có sao không.
“Ngày mai có sao không” đối với khá
nhiều người ở Sài Gòn lúc đó hình như vẫn còn mù mờ theo kiểu trời kêu ai nấy
dạ. Và họ vẫn sống, vẫn ăn uống tiêu xài bình thản như không hề hay biết có một
số người chạy đôn chạy đáo kiếm đổi cho được những tờ đô-la xanh để bay ra nước
ngoài.
Còn nhớ khoảng vài ba ngày là lịch sử sang
trang, mạ tôi bất ngờ tạt qua trường kéo tôi về ngang xương giữa giờ học. Chẳng
hiểu sao lúc đó chúng tôi có thể ngồi yên mà học khi ngoài cửa lớp tiếng bom đã
dạt về quá gần thành phố. Ngoài cổng, ba tôi đứng chờ với một bộ mặt thất thần
nhưng rồi lại chở tôi đổ xuống một tiệm ăn. Mạ tôi ứa nước mắt: “Ðể gọi cho con
một vài món gì đó trước khi đi, kẻo qua đó tha hồ nhớ đồ ăn Việt Nam”. Mặc dù
khá đói bụng vì mùi nấu nướng xông lên ngào ngạt, tôi vẫn không nghĩ mình có
thể nuốt nổi bất cứ một thứ cao lương mỹ vị nào lúc này. “Món lươn um sả ớt như
bàn bên cạnh ăn với cơm là nhất”, người chủ tiệm kiêm bồi bàn đề nghị thì phải.
Mặc dù tôi lắc đầu tỏ vẻ không hưởng ứng, ba mạ tôi vẫn kêu đồ ăn đầy bàn.
Tôi nhớ mình đã cố gắng ăn cho ba mạ tôi cùng
ăn theo, nhưng chỉ món lươn là tôi không buồn nhúng đũa vào. Ba tôi hỏi nhỏ,
giọng rơm rớm: “Cay quá con ăn không được hả? Bậy thiệt”. Tôi lắc đầu: “Không
phải đâu, tự nhiên rồi con không thích món lươn nữa”. Mạ nói và không hề đoán
được ý nghĩ trong đầu của đứa con gái lắm chuyện lúc đó: “Mọi lần ở nhà làm món
lẩu lươn, con gái mạ vẫn ăn dữ lắm mà.”. Phải rồi, mạ không biết bây giờ mọi sự
đã đổi khác hay sao? Những biến động đã đến và sẽ tiếp tục dồn đuổi đến cùng.
Những cảnh đời, những thành phố cứ thế bị cắt dần, cắt dần thành từng khúc,
từng khúc như đầu, mình và tứ chi của một con lươn trên một tấm thớt. Bữa i ăn
hôm ấy làm sao tôi không chan cơm với canh và nước mắt được. Trong đó rõ ràng
là có cả nước mắt cho hình ảnh bi thảm của con lươn lịch sử bị hung thần chiến
tranh đem ra chặt đầu.
Ngày 27-4 mạ dí vào tay tôi một bịch tiền giấy
500 in hình Ðức Thánh Trần, và dĩ nhiên thêm ít vòng vàng của cải một đời làm
vợ của mạ. Không hiểu sao lúc ấy người tôi cứ im sững và răm rắp như một cái
máy. Tôi nhận, đút ngay vào coóc-xê mà quên mất rằng đi Mỹ không một đồng đô-la
dính túi. Anh rể tôi thì cứ luôn miệng nhát ma: “Qua Mỹ muốn đi rửa chén cũng
phải có cái bằng”. Anh ấy đã ở Nhật và Mỹ, nên nói thế nào tôi và cả nhà tin
thế ấy. Ðiều lạ lùng và bây giờ tôi nghiệm ra là điều lạ lùng này bao giờ cũng
chỉ xảy ra lúc người ta vẫn còn quá trẻ: đó là niềm vô tư và nỗi lo âu cho
những ngày tháng sắp tới bơ vơ nơi xứ người hoàn toàn không ở trong tôi lúc đó.
Anh ấy làm tình báo, có nhiều mối để đi nhưng cuối cùng ông xếp hứa bốc ảnh và
vợ con cũng đã dọt mất. Tôi hiểu một khi ba mạ tôi không muốn đi, tức là ước
muốn được dồn tình thương cho tôi và hai cậu em.
27-4, trong lúc anh tôi vẫn muốn được bốc đi
thật nhanh bằng máy bay, nhưng lại đem chị em tôi vào nhà một người quen trong
cư xá hải quân công xưởng. Anh ấy bắt chúng tôi chờ ở đó cho đến hôm sau lại
vội vã vác vợ con đi tức tốc, với lời nhắn duy nhất: “Nếu tàu chạy thì cứ đi.
Ra ngoải nghe nói sẽ có hạm đội Mỹ vớt”.
29-4 tôi thật tình không biết mình phải làm
gì và làm sao để trở về lại với gia đình, khi tình hình bên trong cư xá này đã
quá hoang mang. Nhìn ra cổng lại đụng phải một cảnh tượng chen chúc ô hợp không
biết xảy ra tự bao giờ. Những tay súng lăm le, những phát chỉ thiên bắn hù dọa
đâu đó, những khuôn mặt đằng đàng sát khí đi tới đi lui quanh những cổng sắt
như cốt giải tán sự bát nháo hỗn loạn chưa từng thấy. Bên ngoài không chui vào
được, bên trong không thể thoát ra. Lâu lâu, tôi nghe chừng có những đoàn xe
G.M.C hay M.113 đang nghiến trên mặt phố, hoặc lẫn vào đó là tiếng ủi nát con
đường của những chiếc xe tăng không rõ của địch hay mình. Ðạn cứ thế vẫn bắn
lên trời. Cứ coi như lỡ xẹt trúng ai thì người đó chịu, nhưng còn đạn bắn tẻ,
bắn nhốn nháo cướp của, giành giựt, điên điên rồ rồ thì đúng là một pha tang
thương và tang tóc nữa.
Ðứng một hồi như cố định thần lại, tôi mò tới
được một sạp tạp hóa trong khu cư xá. Hỏi mua cái “token” để bỏ vào điện thoại
gọi thử ra ngoài xem sao, nhưng có lẽ tổng đài đã bị phá nên chỉ gặp làn sóng ú
ớ. Rốt cuộc lại mua lầm một thứ thức ăn đông lạnh của Mỹ, nghe nói Mỹ bỏ đi,
dân chúng vào lục lọi P.X. tha hồ chôm chỉa rồi bán tháo đi, và dĩ nhiên sau
này tôi mới vỡ lẽ mình đã không biết đọc rõ cách hâm nóng nên nuốt không vô.
29-4, những tiếng bom đã bắt đầu nổ thật lớn
như núi lở. Những tiếng bom không phải từ xa vọng về hay chỉ như quá gần thành
phố, mà chính là đang nổ tóe ngay trên không trung theo với tiếng máy bay gầm
trời phụ họa. Rồi thì những bài diễn từ nghẹn ngào, những bàng hoàng thất thủ,
những tan đàn xẻ nghé, những níu kéo tuyệt vọng…
29-4, tôi thấy hình như khu cư xá bỗng vắng
vẻ bóng dáng đàn ông một cách lạ thường. Còn nhớ đêm trước quân cảnh đi tuần đã
lục xét từng nhà và đã hốt hầu như tất cả cánh con trai đàn ông. Dĩ nhiên số
phận họ ra sao ai mà biết được, có điều mãi đến chiều chạng vạng 29-4 người
chồng chủ nhà vẫn chưa thấy về nhưng đa số vợ con họ vẫn cứ ùn ùn bồng bế nhau
dạt về bến Bạch Ðằng.
Trong đám hỗn mang đó, không ngờ tôi cũng vật
vờ bay theo lũ âm binh như một thứ cô hồn các đảng, dĩ nhiên không một mảy may
suy tính nào cả, cũng như không cảm giác đau đớn chia phôi. Tôi đi là đi thế
thôi, nhỏ nhoi tội nghiệp không thua gì một hạt bụi bay, rồi bay, thế thôi.
29-4, một ngày trước khi đất nước lao theo cỗ
xe tang lịch sử, tôi đã thấy rất rõ trên nền không gian vừa tím dần ấy những
trái bom được nứt ra từ đôi cánh của những chiếc máy bay quân sự thổ tả. Những
lửa và lửa nhảy múa reo hò điên cuồng cùng với những tảng khói khổng lồ nổi hẳn
một góc trời không xa lắm nơi tôi đang đứng chuẩn bị lên tàu.
Pháo kích đã bắt đầu dồn về, gây áp lực lên
những đơn vị phòng thủ lẻ tẻ ở thành phố và những thường dân vô tội. Ðâu đó
hình như là những trái phá hay những trái hỏa châu vẫn tiếp tục thắp sáng những
khoảng trời vô vọng. Phải nói là chưa bao giờ trong đời tôi có cảm tưởng như
mình đang bị phủ trùm, bao bọc bởi bốn phía mịt mù lửa đạn như thế. Không muốn
nhìn mà những tảng khói ấy vẫn đuổi theo và đâm cay vào mắt. Tôi hơi rùng mình
vì một bà mẹ vừa suýt sẩy mất đứa con trên tay, nếu không có sự lanh lợi của
cậu con lớn chụp nhanh được chỉ một khoảng đầu của em bé ấy. Níu chặt sợi dây
chão, tôi nhất quyết phải đu mình tới thành tàu một cách an toàn.
Kể ra đây cũng là một chiến hạm vừa được tu
bổ xong và khá lớn. Những người đàn bà không còn trẻ khi vừa đụng xuống sàn tàu
thì thay phiên nhau làm dấu thánh giá, rồi lâm râm lần hạt hoặc nhắm mắt cầu
nguyện. Tôi nhận ra bóng tối đổ xuống thật bất thần, và người thủy thủ trong bộ
đồ dân sự khá xộc xệch hỏi tôi bằng một chất giọng the thé, nên tôi phải chú ý
lắm mới nghe nổi. “Cái ông Chu Tử của tờ báo gì nhỉ… vừa bị bắn ngay chóc trên
tàu kia kìa. Thấy mà ghê chưa chứ”. Mọi người bắt đầu xôn xao Chu Tử của báo
Sống bị ám sát. Chú Ðạt của cháu Diễm như tên nhân vật trong tiểu thuyết Yêu
của Chu Tử đã chết không kịp trối. Viên đạn thù của phía bên này hay AK-47?
Một lát, không nhớ là bao lâu, khi tôi vừa
hết sững sờ chuyện Chu Tử thì trên boong tàu nhìn xuống, tôi thấy tên thủy thủ
tự xưng lúc nãy đang đứng dưới đất liền. Tôi nói vọng xuống: “Kìa anh gì lúc
nãy, bộ… thủy thủ rồi không đi trốn đạn sao?”. Anh ta như sực nhớ đến tôi và tỏ
vẻ hơi mừng: “Thôi cô đi nhé. Có thể họ chỉ chở mấy người ra Côn Sơn trốn pháo
kích. Tôi không biết họ đi đâu, nhưng tôi phải về nhà xem chừng mọi chuyện ra
sao đã”. Nhanh như chớp, tôi ném cuốn sổ tay nhỏ dùng để chép năm ba bài thơ,
cùng cái địa chỉ tạm thời mà ba mạ tôi đang trú ẩn, rồi kẹp vào vài tờ giấy bạc
Ðức Thánh Trần với lời nhắn nhủ bình an. Tôi nói, khi đoàn người vẫn tiếp tục
chất lên như những chiếc hộp và những chiếc chân vịt còn lâu mới quay quay: “Có
gì nhờ anh giúp hộ nhé. Một chút tiền nước, cảm ơn anh nhiều lắm..”. Dĩ nhiên
người đàn ông ấy chưa kịp hứa với tôi điều gì, nhưng bao nhiêu năm tôi vẫn
không nhớ để hỏi lời nhắn tin ấy có đến tay người nhận. Lời hứa của một người
đàn ông và lại là người đàn ông trong chiến tranh thì có gì mà đáng tin. Cũng
như người ta đã không thể tin nổi chỉ một cái chớp mắt đèn đỏ mà lạc mất nhau
suốt đời. Tin sao nổi mà tin. Người đàn ông tự xưng thủy thủ ấy là ai. Là ai mà
vào giờ phút hỗn độn ấy lại còn đổi ý nhảy xuống tàu để trở về với đất liền? Là
ai mà loan tin Chu Tử bị bắn chết? Không, trong thời buổi ấy tôi muốn đặt lại một
dấu hỏi.
“… Bước chân xuống tàu nghe sóng quặn bốn
ngàn lần trên biển quê hương”, một bài thơ hôm nào tôi đã viết như thế thật
sao? Khi tôi đi, dù sao cũng tự nhủ, chiến tranh đã ếm bùa thay vì dìm tôi cho
chết trong biển lửa, lại ném âm binh đến để dẫn tôi dạt tới chân trời xa lạ.
Con lốc xoáy của chiến tranh dữ dội quá nên tôi đi, đã đành tôi phải đi. Có
phải không, khi hồn tôi đau buốt là bởi tại sao chúng ta phải chạy trốn hòa
bình?
Ðêm, rồi cũng chính đêm đồng lõa với bóng tối
cô đơn đưa con tàu ra đi. Không biết vì lý do gì (tàu chưa sửa xong kỹ lưỡng,
hay hạm phó còn chờ lệnh hạm trưởng đang chờ người nhà đến?) mà tàu có vẻ dùng
dằng khá lâu. Có người bảo chưa nhổ neo được vì sợ V.C bắn đuổi sau lưng. Tất
cả đều nhẫn nại đợi cho đến khi đêm thật sâu, làm thành một nền tối sẫm màu thê
lương của tiễn đưa lầm lũi. Chưa ra khỏi hải phận VN thì chưa yên tâm đâu, một
người nào đó đã bàn bạc như thế. Và quả nhiên cũng có chuyện đã xảy ra như thế
thật.
Còn nhớ khi màu đêm vừa chuyển đổi sang thứ
ánh sáng lấp ló đầu ngày, tôi đang váng vất nửa tỉnh nửa mơ thì bỗng từ đâu
xuất hiện tiếng động cơ của chiếc trực thăng chao đảo mấy vòng trên không
trung. Chiếc máy bay chỉ một người lái duy nhất đã bị đánh rớt khi sắp rời khỏi
hải phận VN. Trong suốt chuyến đi, nỗi ám ảnh buồn rầu của cái chết thủy táng
đầy máu me ấy đã đeo tôi không dứt.
30-4-2005 là một khoảng cách dằng dặc 30 năm
của những người con xa xứ. Thủ đô nước Mỹ, tôi đang ở một nơi có Ðại Sứ Quán
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và cả Ðài Tưởng Niệm Thương Phế Binh Việt
Nam với hơn 58 ngàn tên người lính Mỹ đã nằm xuống ghi chằng chịt. Ðiều tôi vừa
nhận ra lúc này không phải là lúc tôi nên nhớ về những tấn bom.
Bom đã nổ cách đây những 30 năm và tôi cũng
đâu đã chết với những ước vọng mùa xuân phải tràn trề lộc mới. Vâng, phải tràn
trề lộc mới. Cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ và những mầm xanh tuổi thơ. Trên quê
hương tôi, quê hương chúng ta.
Nguyễn Thị Thanh Bình