Chiyo, cô bé con của một dân chài nghèo rớt mồng tơi và bà mẹ
bị ung thư, về sau bị bán cho trà đình rồi trở thành nàng geisha Sayuri nổi tiếng,
đã tả căn nhà thời thơ ấu của mình ở trên một triền núi cheo leo, nó có vẻ ngất
ngưởng lảo đảo như người say rượu. Căn nhà thời thơ ấu của tôi thì không như thế,
nó giống một bức tranh ghép bằng nhiều mảnh giấy màu, như một tấm bích họa.
Má khoe, “Nhà mình ngon lành nhất xóm!” Chúng tôi phải
đi bộ từ khu tạm cư đến bến đò. Ngồi trên đò Má bảo ngồi xuống nền ghe, tay giữ
thành ghe kẻo ngã xuống sông. Khách đi đò, người lớn, ngồi hai bên thành ghe.
Cùng đi chung chuyến đò với tôi có mấy con heo con còn đỏ hỏn, nằm trong giỏ ló
mõm ra ngoài kêu eng éc, mũi hếch hếch cố tìm một mùi quen thuộc nào đó, có lẽ
là của mẹ nó. Từ bến đò đi vào khu nhà mới định cư của dân nhà cháy cũng chừng
hai cây số.
Tôi hơi thất vọng, vì nó không phải là căn nhà ngon lành nhất
xóm như tôi tưởng tượng. Trái lại nó như một cái hộp được mặc cho cái áo vá chằng
chịt. Vách nhà là những tấm vá theo chiều nằm ngang, mỗi mảnh vá dài và hẹp gồm
nhiều màu từ nâu đậm đến nâu nhạt. Mái tôn thì là những tấm vá hình vuông của
tôn mới và tôn cũ hơi rỉ sét. Nhà hình hộp, không cửa sổ. Sở dĩ căn nhà tôi có
vẻ giống như một bức tranh bích họa dán ghép bằng những mẩu báo giấy bời rời bởi
vì Má mua gỗ vụn ở một trại cưa gần đấy. Sau này, tôi mới biết là Má một thân một
mình, hai tay cắp hai mảnh gỗ kéo từ trại cưa về nhà, kể cả những khi mưa dầm
trên con đường đất sét. Đường đất sét trời mưa đi rất trơn. Muốn không té thì
phải đi chân không, hai ngón chân cái phải bấu quặp xuống đất để không bị ngã.
Có khi tôi đi học về, trường học ở mãi ngoài bến đò, từ trường về nhà bình yên,
nhưng khi đến dưới cổng dàn hoa giấy, chỉ lơ đãng một giây thôi, tôi té lăn
quay lấm dơ hết quần áo. Ý là tôi đi tay không, trên vai chỉ đeo cái cặp. Má
không than kéo cây nặng mà chỉ than đau ở hai đầu ngón chân cái và bàn chân của
Má nứt rạn khắp nơi nhất là phía sau gót. Cất xong cái nhà, ai giúp Má cất nhà
tôi không biết, bà bị lao phổi, ho từng búng máu. Tuy nhiên không thể buộc tội
Má nói láo, bởi vì so với những căn nhà mái lá, vách đất chung quanh, nó có vẻ
rất bề thế. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn, bởi vì tôi đã chẳng bao giờ
mang cảm giác tủi hổ mình là con nhà nghèo.
Một hôm tôi chạy về nói với Má, “Má ơi, nhà trước mặt mới
mua một bầy vịt con, dễ thương lắm.” Má thấy vậy ra chợ mua cho tôi một chục vịt
con mới nở lông còn vàng óng. Tôi mê lắm. Má dạy tôi xắt rau, xắt hành lá
trộn với tấm cho vịt ăn. Cái mùi vịt con trộn với mùi tấm và hành lá làm tôi mê
đến phát run. Mấy con vịt con có cặp mắt như hạt cườm nhấp nháy, rỉa ngón tay
tôi, rỉa cả mũi tôi khi tôi cầm một chú vịt con đưa ngang mặt. Thả ra khỏi chuồng
là chúng chạy theo tôi làm như tôi là mẹ chúng vậy. Nuôi trong chuồng cho
đến khi chúng lớn lông cánh mọc lơ thơ thì thả ra đồng ra kênh đào cho nó bơi lội
và mò tôm ốc. Tôi chăm sóc đàn vịt kỹ lắm, chúng là bạn của tôi. Đôi khi
mất một con vịt vì bị rắn bắt tôi khóc rưng rức cả ngày. Buổi chiều, để kêu vịt
về tôi chỉ cần mang thau lúa đứng trên bờ kêu “kía kía,” để cái thau thấp xuống
là đàn vịt bu đến ăn. Thau lúa rủ đàn vịt về chuồng, chỉ làm một lần là sẽ trở
thành thông lệ. Đôi khi chúng ham ăn ốc ăn cua không chịu về, Má làm cho tôi một
cần lùa vịt bằng một thanh trúc dài, có buộc một miếng giẻ ở đầu cần và tôi chỉ
đứng trên bờ xua vịt về.
Đàn vịt của tôi lớn lên thì đàn vịt của bác Ba cũng lớn lên.
Vịt nhà tôi được ăn lúa nên đến giờ là chạy về chuồng. Còn vịt của bác Ba thì
cũng chạy theo đàn vịt của tôi để được ăn ké. Lúa thì ít mà đàn vịt của bác Ba
thì cũng như đám con của bác, thường xuyên đói. Tôi khổ sở bảo vệ thức ăn cho
đàn vịt của tôi. Hai tay nắm hai cổ hai con vịt, một hai ba, tôi ném. Vậy mà
không có con vịt nào bị gãy cổ hay gãy chân, nghĩ cũng lạ thiệt. Dường như trời
cũng thương hại những con vịt đói nên ban cho chúng một khả năng tự tồn không dễ
bị bẻ gãy. Về sau khôn hơn một chút, tôi nhốt vịt vào sân đóng cổng rào rồi mới
cho vịt ăn.
Rồi có một hôm đàn vịt về mà vẫn còn thiếu một con. Tôi đoán
có lẽ con vịt này nhập bọn với đàn vịt của bác Ba và quên lối về. Mặt trời bắt
đầu lặn, nước kênh đào dâng đầy, gió thổi hây hây, giờ này mà Má đi chợ bổ hàng
bán vẫn chưa về. Tôi cần phải đi tìm con vịt này trước khi Má về.
Tôi đi dọc theo bờ kênh đào ra hướng cầu sắt. Bên trái là
con kênh đào nước lớn đục ngầu, rộng gấp đôi lúc nước ròng. Bãi lát ven bờ nước
ngập lên gần đến ngọn. Bên phải là những ngôi nhà vách lá đứng thành hàng thành
luống, chung quanh nhà nào cũng có mương. Nước của con kênh đào chảy theo những
cái cống nhỏ vào mương, nhà nào cũng cắm vài bè rau muống hay rau nhúc. Không
thấy con vịt tôi đi dần đến chỗ cầu sắt và đến đây thì tôi nghe tiếng vịt kêu.
Quẹo trái tôi sẽ đi qua cây cầu sắt và con đường này sẽ đưa
tôi đến trường học ở ngoài bến đò tôi vẫn đi mỗi ngày. Quẹo phải là hướng đi về
ngôi chùa mới. Chùa này cũng là do những người bị cháy nhà mới xây chung nên gọi
là chùa mới để phân biệt với ngôi chùa cũ ở trên đường ra bến đò và gần đó là một
cái đình rất to nơi đó tôi thường ra xem cải lương. Thỉnh thoảng có gánh cải
lương hát dạo về trình diễn ở đây. Trước mặt tôi là con đường mòn đầy cỏ u ru
cao khỏi đầu người. Đây là một chỗ vắng vẻ, cỏ mọc bít kín lối đi. Thường xuyên
khi đi đến ngã tư này tôi chỉ quẹo trái, hay quẹo phải. Tôi chưa bao giờ đi vào
còn đường mòn này. Rậm rạp nên tôi sợ có rắn, tuy nhiên, tôi nghe tiếng vịt kêu
nên tiếp tục đi lần về hướng đó. Con đường mòn dẫn đến một lối cụt. Cuối đường
là bãi cỏ mọc cao, bên ngoài bãi cỏ là khúc quanh của con kênh đào. Tôi mon men
đến gần bãi cỏ, tiếng vịt kêu rõ ràng hơn. Buổi chiều, nước lớn, tiếng vịt kêu
nghe thăm thẳm buồn, cái buồn lẽ bạn. Con vịt của tôi, có cái bớt đen trên đầu,
cái sẹo to ở gần mép vì có lần bị vướng lưỡi câu của bác Hai Tôn ở cách nhà tôi
mấy căn, đang ở trong đám lác vừa kêu vừa rỉa nước.
Tôi gọi con vịt về. Kía kía. Nó nhấp nhỏm cái cổ có vẻ muốn
theo tôi nhưng lại thôi không theo. Lúc nãy tôi quên mang theo cái cần lùa vịt.
Đàn vịt đã nhốt vào chuồng rồi còn xách cần lùa vịt để làm gì. Rất là sai lầm,
chứ nếu không thì giờ này có thể dùng cái cần mà xua con vịt. Túng thế, tôi lấy
vài viên đá nhỏ ném chung quanh con vịt cho nó sợ mà chạy về. Con vịt hốt hoảng
bơi vòng tròn chung quanh bụi lát. Tôi ném thêm vài viên đá nhỏ gần con vịt hơn
thì tình cờ một viên đá trúng vào đầu con vịt. Nó quay vòng vòng rồi cắm đầu xuống
nước bất động. Tôi húi húi, xuỵt xuỵt, nhưng nó vẫn cắm đầu xuống nước. Có lẽ
nó đã chết. Tôi không biết làm sao nên ngồi bệt xuống đất khóc rấm rức. Khóc vì
thương con vịt vì tôi mà chết và vì sợ phải trả lời với Má số phận của con vịt
và sẽ gặp cái lắc đầu chán ngán thở dài của Má. Tôi chẳng làm gì nên thân.
“Con vịt của mày nó bị kẹt chân vào bụi lác. Chắc là chân nó
bị dính dây nhợ gì đó nên càng vùng vẫy nó càng bị kẹt.”
Nghe tiếng nói sau lưng, tôi quay lại nhìn. Con nhỏ tóc hớt
bom bê, cao bằng tôi, đầu có cái khăn màu đỏ sậm, rất cũ dính bùn đen lấm tấm.
Cái khăn cột như một cái băng đô, để lộ chòm tóc phủ ngang trán.
Tôi nói qua nước mắt: “Tao lỡ tay, chọi cục đá trúng đầu con
vịt chết rồi.”
“Chắc là nó xỉu thôi, mày chờ một chút nó tỉnh dậy. Sao mày
không lội xuống bắt con vịt về?” Con nhỏ đội khăn đỏ hỏi tôi như thế. Trời tối
dần, nắng trên sông phản chiếu đủ để tôi thấy cái lúm đồng tiền nhỏ xíu gần
khóe miệng của nó. Câu nó nói làm tôi yên tâm nên tôi nín khóc.
“Tao bơi chưa rành. Má tao dặn không đuợc xuống sông khi lùa
vịt.” Nhìn mặt nó tôi nói thêm. “Cái đồng tiền của mày coi ngộ quá. Thường thường
đồng tiền của người ta nằm ở giữa má còn đồng tiền của mày nằm ở gần mép môi.”
“Ờ, lùa vịt mà không biết bơi dễ bị chết đuối. Bữa nào mày rảnh
tao chỉ mày bơi. Mày không có số chết dưới nước đâu.” Con nhỏ khăn đỏ nói.
“Nhà mày ở gần đây hả? Sao tao ít khi gặp mày?” Tôi hỏi. Nó
đưa tay chỉ về hướng chùa mới rồi nói “Đằng kia.” Tôi hỏi tiếp, “Ủa, nhà mày ở
gần chùa hả, sao tao với má tao đi chùa hoài mà chưa lần nào gặp mày?” Nó nhìn
về hướng chùa rồi nhìn tôi, “tao ở ngay phía sau chùa.” Nó nói tiếp “mày có gì
ăn không, tao đói bụng quá.” Trong túi tôi có viên kẹo dừa tôi đưa cho nó. Nó
nói, “thôi mày đi về đi không thôi má mày đi kiếm đánh đòn bây giờ, để tao canh
con vịt cho mày.”
Tôi thấy trời đã tối, và đói bụng. “Mày có muốn theo tao về
nhà ăn cơm không? À mày tên gì?” Tôi hỏi. Nó nói, “thôi, tao ở đây, chút nữa
mày có rảnh thì ra đây chơi với tao.” Tôi hỏi, “sao mày không về nhà đi?” Nó
nhiếc tôi, “mày hỏi nhiều mà hỏi cái gì đâu không. Tao ở đây canh con vịt, chút
nữa nó tỉnh lại tao sẽ lội xuống bắt nó dùm mày.” Con nhỏ đội khăn đỏ nói giọng
chắc nịch nên tôi không nghi ngờ gì cả. Quên hỏi coi làm sao mà con nhỏ hay quá
biết con vịt không chết. Quên hỏi nó là sao nó không vớt con vịt lên giùm mình
bây giờ. Tuy nhiên tôi sợ Má rầy nên lật đật chạy về.
Tối hôm đó, khi theo Má đến chùa tôi lén rọc một miếng lá
chuối ở cây chuối trồng bên hè rồi gói theo một ít cơm mới nấu và cá khô nướng.
Khi Má bắt đầu cầu kinh tôi lẻn ra khỏi chùa chạy đến chỗ ban chiều. Tôi gọi,
nhỏ ơi, nhỏ khăn đỏ ơi, nhưng không có ai trả lời. Trong bóng tối mịt mùng, tiếng
gọi của tôi rơi vào con sông nước đã bắt đầu lui. Con vịt không còn ở đó, có lẽ
nó đã bị nước cuốn đi. Tôi trở lại chùa ngồi đợi Má. Cái chùa này về sau trở
nên thân thiết với tôi lắm. Thân thiết vì tôi đã ở đó mấy năm khi có một lúc lẫy
hờn tôi ôm gói bỏ nhà đi ở chùa. Không cạo đầu đi tu, vẫn mặc áo dài đi học,
nhưng khi qua khỏi cây cầu sắt thì thay vì quẹo tay mặt đi về nhà tôi đi thẳng
đến chùa. Mãi khi căn bệnh lao phổi của Má trở nặng, và Má năn nỉ, tôi mới chịu
về.
Buổi sáng hôm sau, trước khi đi học, tôi thả vịt ra đồng và
ngạc nhiên thấy số vịt đầy đủ. Con vịt tối qua tôi tưởng đã chết và nước cuốn
trôi đã về từ lúc nào và làm thế nào để vào chuồng thì tôi không biết. Ban đầu
tôi ngỡ là con vịt hàng xóm lẫn lộn vào nhưng cái bớt đen trên đầu và cái sẹo gần
mỏ vịt không thể nào nhầm lẫn được. Tôi định bụng sẽ đi tìm con nhỏ khăn đỏ để
cảm ơn, và hỏi nó đã làm thế nào để trả con vịt lại cho tôi, chợt nhớ ra là
mình không biết chỗ ở của nó.
Má đi chùa thường vào buổi tối, ngày rằm và mồng một. Khi đến
chùa tôi cố ý tìm nó khắp nơi nhưng không gặp. Sau chùa có vài căn nhà tôi biết
mặt gần hết mấy đứa trẻ. Bên trái của chùa là nhà con Tiền con của cô hai Đẹp.
Cô ở nhà quê, chỗ nào đó còn nhà quê hơn chỗ này, có chồng theo du kích, bị bắt
tra hỏi mãi nên phải trốn lên Sài gòn. Đằng sau chùa là nhà của ông bà Tư Xị có
một đàn con gái tên Khai, Nở, Nhị Hoa, Hường, đúng năm cô nên được gọi là Ngũ
Long Công Chúa. Công chúa gì mà nghèo rớt mồng tơi cứ phải qua chùa ăn cơm ké.
Kế bên nhà con Tiền là nhà hai anh em thằng Quan thằng Quyền. Thẳng Quan hơi giống
giống Ấn Độ, có đôi mắt rất to và hàng lông mi vừa rậm vừa cong. Tôi rong chơi
nghịch ngợm khắp nơi mà tôi không bao giờ thấy con nhỏ khăn đỏ. Một hôm đi chùa
với Má, tôi ngu dại chê ông Mười bán cơm tấm đánh trống Bát Nhã không đúng bài
bản gì cả nên ông nổi giận đuổi tôi ra khỏi chùa. Mọi người bắt tôi mang hương
đèn ra xin lỗi ông nhưng tôi đổ chướng, không đúng thì tôi nói không đúng chứ
làm gì mà phải xin lỗi. Tôi bỏ chạy ra khỏi chùa và đến bờ sông, chỗ bụi lác mà
con vịt bị mắc kẹt, ngồi khóc thút thít một hồi thì tôi nghe giọng con nhỏ sau
lưng. “Sao mày ít khi đến đây mà lần nào đến đây mày cũng khóc hết vậy.” Giọng
nó bất thình lình làm tôi giật mình nhưng nghe nó cười thì tôi nín khóc ngay.
Thật ra tôi khóc không phải vì sợ mà vì giận. Giận là sao không ai bênh mình kể
cả má của mình. Tôi kể nó nghe đầu đuôi câu chuyện. Nó nói, “Mày nín khóc đi
tao kể chuyện trong chùa cho mày nghe. Cái ông Mười bán cơm tấm đó tu hành gì
mà tham sân si dữ lắm. Mày xui lắm mới dám chê ổng, mà thiệt ổng không phân biệt
tiếng trống nào là tiếng trống nào. Ông đánh trống bài gì nghe cũng như người
ta đánh trống múa lân vậy. Ông sắp đuổi thầy Xuân ra khỏi chùa vì thầy và chị
Khai có tình ý với nhau. Chị Khai người nảy nở tròn trịa, một bên mắt bị hột cườm
nhưng tính rất dễ thương. Thầy Xuân có miệng móm móm có duyên hết cỡ. Trời ơi
thầy chùa gì mà hát vọng cổ hay quá xá hay. Ổng đi tu từ hồi nhỏ, vì nhà ổng rất
nghèo nuôi không nổi nên cho đi tu, chứ không phải đi tu kiểu trốn lính như mấy
ông thầy chùa khác. Ổng nói đuổi thầy Xuân ra khỏi chùa bây giờ thì thầy sẽ phải
bị đi lính.” Con nhỏ nói vanh vách cái gì cũng biết hay thật. Tôi và nó hẹn
nhau cứ mỗi lần rằm hay mồng một tôi theo Má đến chùa thì chúng tôi sẽ ra bờ
sông gặp nhau nói chuyện chơi.
Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi kể nó nghe chuyện tôi đi học
sáng sớm bị heo rượt. Chị Bé lớn chê ông thầy giáo dạy chị tướng đi hai hàng giống
như người mắc bệnh phong tình. Nó bảo tôi học bơi muốn cho giỏi thì phải học
chìm trước rồi mới học nổi và học bơi. Điều này cũng đúng khi đã hết sợ bị chìm
thì tôi muốn chìm cũng không được, thân hình cứ tự động nổi lên, ngay cả khi
tôi trầm minh xuống đáy sông, cấu lấy bùn để được chìm lâu lâu chút nữa. Đêm
mùa hè nóng nực nó cởi quần áo nhảy tòm xuống sông và nằm thật lâu dưới mặt nước
đến độ tôi sợ nó chết đuối. Dưới ánh trăng, mặt nó nhìn xuyên qua lớp nước
trông giống như cười. Tôi ngạc nhiên hỏi làm sao mày cười dưới nước hay vậy. Nó
dạy tôi khi bơi thì phải gối sóng theo dòng, hễ muốn giữ mạng sống thì không
nên bơi ngược nước. Nó chỉ tôi ngôi sao sáng nhất trên trời xéo xéo phía dưới mặt
trăng đó là sao Lớn bây giờ tôi biết đó là sao Hôm và cũng là sao Mai. Chùm sao
bốn góc hình thang có một dọc ngôi sao bên trên như cái cán chổi là chùm sao
bánh lái lớn và gần đó là chùm sao bánh lái nhỏ. Tôi phàn nàn tao không thích ở
đây, chỗ ở gì mà kỳ cục không có cầu tiêu. Ngày mới về Má bắt lấy cái cuốc đào
một lỗ nhỏ đi cầu xong lấp lại. Có lúc đi cầu cá thì nghe cá quậy mà hết hồn.
Mà thôi mình nói chuyện khác đi, nói mấy chuyện này nghe mắc ói quá. Nó nói giọng
người lớn, người mình lo chuyện ăn còn không xuể nên không muốn lo chuyện ỉa, rồi
cười hì hì. Ngày ở ổ chuột trong thành phố dùng cầu tiêu công cộng, dòi bọ lúc
nhúc, trống trước trống sau, nồng nặc hôi thúi nhưng có một chỗ để mình biết đó
là cầu xí. Còn ở đây người trong xóm ra bậc tam cấp dẫn xuống sông để đi cầu dơ
cả lối đi.
Nghĩ cho cùng chuyện bài tiết là chuyện tất nhiên nhưng
không có một chỗ để bài tiết cho kín đáo cũng là một điều mà cả hai đứa bé như
chúng tôi cùng hổ thẹn. Tôi kể nó nghe lúc sau này tôi không dám đến chùa không
phải vì sợ ông Mười bán cơm tấm sau vụ đánh trống mà vì tôi sợ gặp thằng Quan.
“Nó làm gì mày mà sợ?”
“Tao không sợ nhưng tao mắc cở.”
“Mắc cở vụ gì?”
“Tao thấy nó có cặp mắt đẹp tao thích nhìn. Nó biết tao nhìn
nên nhìn lại. Vậy thôi. Một hôm ở nhà trời nắng nóng tao muốn đi tắm. Cái lu nước
đầy để tắm ở phía sau nhà. Tao cởi quần áo xong nhưng không có cái gáo múc nước
vì tao bỏ cái gáo trong cái lu đằng trước nhà. Tao nghĩ giờ này không có ai ở
ngoài đường, chung quanh ai cũng ngủ trưa nên tao đi ra phía trước nhà để lấy
cái gáo nhưng tao làm biếng không mặc quần áo vào. Vừa đi tao vừa nghĩ nếu xui
xẻo lúc này thằng Quan thấy thì chết.”
“Rồi sao nữa, kể lẹ lên, mày hay ngừng nửa chừng làm tao sốt
ruột muốn chết.”
“Tao nghĩ nhưng cứ tiếp tục đi. Chỗ này không phải là chỗ thằng
Quan đến. Nó không có bạn ở đây. Trường học thì ở ngoài bến đò. Tao mới nghĩ đến
đó thì đã ra đến cửa. Tao chạy nhanh đến cái lu, vớt cái gáo quay lại.”
“Mày gặp thằng Quan?”
“Ờ! Không biết nó đi đâu mà đạp xe ngang, nó nhìn tao, cười,
rồi quay mặt đi.”
“Nó thấy mày? Nguyên con?”
“Ờ, nguyên hình nguyên con.”
“Xấu hổ thiệt!”
Hai chúng tôi khúc khích cười. Hai đứa nằm dài ngược chiều
nhau đỉnh đầu nó chạm vào đỉnh đầu tôi. Con đường ít người qua lại mưa trôi đất
nên đá đỏ lổm chổm cấn lưng khá đau. Đêm không tối đen như người ta nghĩ. Dù
không trăng nhưng ánh sáng từ sao từ mây vẫn đủ cho chúng tôi thấy nhau lờ mờ.
Tôi thích nghe tiếng gió lướt nhẹ trên sông và xuyên qua cỏ lát. Với nó nói
chuyện gì cũng vui cũng cười được. Tôi rủ nó mày về xin với ba má mày đến nhà
tao ở luôn. Nó cười.
“Tao không ở nhà mày được!”
“Tại sao?”
“Nhà mày không dư cơm và má mày không cho!”
“Tao sẽ xin má tao! Má tao hiền lắm thế nào cũng chịu. Sao
mày nghĩ là má tao sẽ không cho?”
“Tại vì tao là ma.”
Tôi cười khúc khích.
“Vậy à, ma như mày chẳng ai sợ. Mày là ma thì tao là quỷ. Má
tao kêu tao là con quỷ rồi nên ma hiền lắm thế nào Má cũng thương.” Tôi nói.
“Tại mày không sợ tao nên tao với mày mới gặp nhau. Chớ má
mày mà biết mày chơi với tao là bà sẽ cấm ngay. Mày sướng mà không biết, mày có
má cưng mày quá trời, thử tưởng tượng những đứa nhỏ không biết ba má nó là ai,
không có một chỗ ở, suốt ngày chờ mà không có ai để chờ, có tên nhưng chẳng ai
gọi nên lâu ngày như không có tên.”
“Ờ nói tới tên mới nhớ, mày tên gì?”
“Mày muốn kêu tao bằng cái gì cũng được, cần gì phải biết
tên tao.”
“Mày sao điệu đà quá hỏi tên mà cũng không nói.”
Có một hôm nó móc trong túi một cục gì giống như kẹo màu đo
đỏ nhai rồi thoa lên mu bàn tay phải của tôi, bảo là trả lại cho tôi cái gì của
tôi và cũng để nhắc cho tôi nhớ nó. Lúc đó da tôi khô lại như bị thoa vôi chứ
không thấy đau rát gì cả. Bẳng đi một thời gian không thấy nó tôi buồn muốn
điên. Có một đêm đang ngủ, trăng sáng, mơ hồ tôi nghe có ai gọi, tôi thức giấc
lén mở cửa lò dò ra bờ sông. Tôi thèm có người trò chuyện với tôi. Má ngủ tiếng
ngáy khò khẹt không đều làm tôi sợ Má sẽ nín thở và chết. Ngồi ở bờ sông một hồi
tôi đi về. Đang đi tôi nghe có tiếng xe đạp cán trên mặt đá đỏ lào xào phía
sau. Giờ này khuya lắm rồi trăng đã lên đến đỉnh đầu. Tôi không muốn người đi
xe đạp nhìn thấy tôi nên lủi vào bụi cỏ khom người chạy nhanh về nhà. Người đạp
xe như có gì đó tò mò hoặc nghi ngờ, hắn chạy một đổi xa đến con đường ở phía
sau nhà của tôi rồi quanh xe trở lại như để tìm tôi nhưng lúc ấy tôi đã vào
nhà.
Chiều hôm sau khoảng bốn giờ có người dựng xe đạp ở giàn
bông giấy và hỏi má tôi. “Thưa bác, ở đây có hai cô bé cao chừng này không?”
Người thanh niên có vẻ trẻ hơn anh tôi, có lẽ chưa đến ba mươi, tay để chừng
ngang ngực anh để ra dấu chiều cao các cô bé anh ta muốn hỏi. Chợt nhìn thấy
tôi, anh nói cở cô bé này. Anh hỏi tôi, “đêm qua em có đi đâu ra khỏi nhà
không?” Dĩ nhiên là tôi chối biến đi, vì sợ Má đánh đòn tội nửa đêm lén nhà ra
sông. “Dạ không, tối em không đi đâu cả. Đi để làm gì?” Má muốn biết đầu đuôi
câu chuyện nên anh kể là anh đang đạp xe về thì thấy có hai cô bé từ bờ sông đi
lên. Anh đoán là hai cô bé xuống sông để đi cầu, nhưng thoáng một cái đã biến mất
tiêu. Anh đoán chắc nịch một cô bé là tôi, vì tóc bom bê. Má nói xóm này chỉ có
nó là con gái. Còn con nhỏ kia ra làm sao, anh nói cũng cao tương đương, nhưng
có đội cái khăn.
Té ra đó là anh hàng xóm mới dọn về đây ở. Anh ta về rồi Má
biết tỏng tôi nên hỏi to hỏi nhỏ vặn vẹo mãi nên cuối cùng tôi kể Má nghe về
con nhỏ đó. Má dẫn tôi đến bờ sông chỗ tôi và nó thường ngồi trò chuyện với
nhau nhưng chẳng tìm thấy gì. Chung quanh chỉ toàn cỏ mọc và sát mé nước cỏ che
lấp hết có một cái miếu rất nhỏ chỉ bằng cái lồng chim. Trong miếu có một tấm
bài vị đã phai bạc hết màu không còn nhìn thấy chữ nghĩa gì nữa. Trong chùa ở hậu
liêu có một bài vị của một cô bé mười một tuổi, chết đuối. Người nào đó biết
chuyện bảo rằng con nhỏ đi tìm con vịt lỡ chân té xuống sông chết chìm. Mẹ nó gửi
bài vị vào chùa từ lúc chùa mới xây rồi bỏ đi mất luôn không ai biết tông tích
nữa. Phía sau bài vị có ghi tên con nhỏ, ngày sanh tháng đẻ. Một sự trùng hợp lạ
thường, nó cùng tên, cùng ngày tháng và năm sinh với tôi. Người ta không ghi giờ
nhưng chắc là nó phải sinh vào ban đêm lúc tối tăm nhất. Má cấm từ nay không được
đến góc sông này. Cấm không được chơi với con nhỏ đó. Má nghĩ là nó âm mưu bắt
tôi theo. Điều đáng buồn là về sau không ai bắt mà tôi vẫn bỏ má tôi. Càng lớn
lên tôi càng đi xa, càng tách rời, càng nổi loạn rồi bỏ Má đi đến tận bên kia bờ
đại dương. Con nhỏ khăn đỏ có lần nói thường thì người ta sợ mất con hơn là sợ
mất mẹ. Thường thì con bỏ mẹ nhiều hơn mẹ bỏ con. Chỉ những người bị bỏ mới cảm
thấy cái bất hạnh này.
Lúc chuyến tàu tôi đi bị chết máy, cả tuần lênh đênh trên biển,
tôi nghĩ đến lời con nhỏ bảo rằng số tôi không chết dưới nước. Thử tưởng tượng,
không biết chết vì no, no vì nước tràn vào miệng đầy bao tử, tràn vào mũi ngập
phổi hay chết dần mòn vì đói và khát cái nào đáng sợ hơn. Nhớ cái mặt của nó nằm
dưới nước cười. Tôi tự hỏi không biết có thật nó là ma hay không hay chỉ là một
sản phẩm trong óc tưởng tượng của tôi, vì thiếu bạn mà tự chế ra một đứa bạn để
trò chuyện cho đỡ buồn. Tóm lại chỉ có mình tôi thấy nó, biết nó, và nói chuyện
với nó. Trên mu bàn tay phải của tôi nơi con nhỏ trét vào tay tôi một chất gì
như vôi vẫn còn cái bớt màu đỏ tươi. Đây có thể là một bệnh ngoài da. Nhưng tôi
không giải thích được làm sao anh hàng xóm thấy trong cái đêm trăng sáng đó
cùng chạy bên cạnh tôi có một con bé đội khăn. Tôi hỏi nó sao mày lúc nào cũng
đội khăn. Nó nói tại cái đầu tao vừa bị méo vừa bị sẹo ghẻ xấu lắm. Má nói khi
chôn người chết người ta cho đắp lên mặt cái khăn màu đỏ. Tôi và con nhỏ là hai
linh hồn ở hai thế giới khác nhau, do một tình cờ của định mệnh, chỉ có thể gặp
nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, trò chuyện đôi lần rồi đường ai nấy
đi, đời ai nấy sống (và chết). Tôi không biết cơ duyên nào đưa chúng tôi đến với
nhau nhưng từ lúc đó tôi tôi luôn luôn thèm có một người bạn như thế để chia sẻ
mọi vui buồn với tôi.
Người ta nhớ về một quê hương có hoa thiên lý, lũy tre còm tả
tơi, con sông đào xinh xắn, cánh diều biếc bay trên đồng. Tôi cũng nhớ quê mình,
bên cạnh tất cả những cái đẹp tha thiết dịu dàng của quá khứ, còn là vùng đất
nghèo nàn thiếu cả cái cầu tiêu. Gần đây đọc quyển Anh Em của Yu Hua thấy nói
lu bù chuyện cầu tiêu công cộng, nhân vật trong truyện dám lội xuống hố phân mà
cứu người. Rồi đọc quyển Kế thừa sự thua thiệt mất mát[1], nhân vật trong quyển này nhớ lại
lúc rời quê hương đi nước ngoài nhìn thấy dân làng của ông ta ngồi dọc theo đường
rầy xe lửa mà đi cầu, tôi không khỏi liên tưởng đến câu chuyện ngày xưa tôi và
con nhỏ ma than thở và hổ thẹn vì không có chỗ đi cầu kín đáo. Tôi muốn nói với
nó, Nhỏ ma à, không phải chỉ có dân xứ mình chỉ quan tâm đến chuyện ăn mà không
màng đến chuyện bài tiết. Dân của hai cái xứ lớn hơn xứ mình là Trung Hoa và Ấn
Độ cũng cùng cảnh ngộ đó thôi. Thỉnh thoảng cái bớt đỏ trên tay tôi ran rát như
nhắc nhở tôi rằng con nhỏ vẫn ở quanh đây, vẫn nghe tôi nói như ngày xưa chúng
tôi đã nói chuyện với nhau bên con đường đầy cỏ cạnh khúc kênh đào vắng vẻ. Tôi
không khỏi tự hỏi liệu có lúc nào chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Và chúng tôi sẽ
cùng đồng ý là bao nhiêu năm qua, vật đổi sao dời, vậy mà quê hương chúng tôi vẫn
lo mỗi chuyện ăn và vẫn không quan tâm đến chỗ bài tiết.
Nguyễn Thị Hải Hà