14 May 2016

ĐƯỜNG VÀO BA SAO - Đỗ Xuân Tê


Trời tháng sáu cái nóng vùng này như thiêu như đốt, một vùng quê nằm ẩn trong quần thể của một dảì núi đá vôi chạy dài từ Ninh Bình đổ ra. Không hiểu sao người ta lại đặt cho cái tên Ba Sao, nghe như quen đánh giá phẩm lượng xếp lọai cho nhà hàng, khách sạn. Thật sự vì tính cách khắc nghiệt của thời tiết cùng thổ nhưỡng canh tác đá nhiều hơn đất, đầm lầy nhiều hơn suối sông, nên dân tình ở đây vừa thưa thớt vừa nghèo đói. Mãi tới cuối những năm ‘50 thế kỷ trước người ta mới xây dựng cho Ba Sao hai công trình, một nhà tù và một trại tâm thần, cho hai loại cư dân vốn dĩ thuộc dạng gánh nặng cho nhà nưóc.

Ấy vậy mà Ba Sao dần dà trở thành địa danh nổi tiếng khắp miền Bắc, trại tù thì chuyên giam giữ lọại hình sự khét tiếng, viện tâm thần chỉ là vỏ bọc làm nơi chỉ định cư trú cho các cán bộ vô kỷ luật tập kết từ miền Nam ra. Đến khi chiến tranh chống Mỹ nổ ra, thì các phi công từ hạm đội 7 bay vào, không chịu nổi màng lưới phòng không của Hà nội, chịu thúc thủ và nhiều ông được đem về giam tại đây. Nghe nói nhiều ông Mỹ cũng trốn trại, nhưng do địa hình hiểm trở lại khó mưu sinh, cuối cùng bị bắt lại không phải do người mà là công của …chó. Loại chó bẹc-giê được nước anh em Đông Đức viện trợ, mỗi ngày được ăn khẩu phần thịt bò dành cho giai cấp tư sản và được huấn luyện đánh hơi, dò dấu vết cứ Mỹ là cắn. Có một điều cũng lạ là nhiều tù hình sự cũng trốn nhưng chó không phát hiện được ‘vì không quen hơi tụi cháu’.

Vừa lúc chiến tranh chấm dứt thì anh em chúng tôi, những cựu sĩ quan viên chức chế độ cũ chuyển hộ khẩu từ miền Nam ra thế chân cho các cư dân một thời bị giam giữ tại đây. Ba Sao lột xác, trở thành trại tù trực thuộc trung ương, chế độ giam giữ được duyệt lại, vừa khắt khe vừa nghiêm ngặt, để bảo đảm những thành phần chóp bu, nồng cốt, cực kỳ  nguy hiểm cho Hà nội một thời Bắc-Nam phân liệt phải trả giá cho một thời hậu chiến khổ ải gian nan.
Vì không quen lao động khổ sai, sợ nhất là thuộc đội vôi (đập đá làm vôi trên núi) và đội cói (trồng cói dưới đầm có loại đỉa trâu), vừa tuổi đời cao do đa phần là cấp tá, cấp tướng, lãnh đạo dân sự cấp cao,vừa thiếu ăn thiếu thuốc men, thời tiết khắc nghiệt, nên qua cả thập niên sau số trại viên rơi rớt dần, thậm chí một phóng sự mới đây của một nhà hoạt động nhân quyền (cũng trải qua nhà tù nhiều năm), trong bài báo Ba Sao Chi Mộ, cô cho biết có danh sách cả mấy trăm tù nhân cải tạo nằm lại Ba Sao được một viên cựu giám thị có lòng sám hối lén trao cho nhà sư của một ngôi chùa nhỏ tại địa phương giúp việc giải vong. Thực hư ra sao thời gian sẽ bạch hóa, nhưng những nhân chứng còn sống ra được hải ngoại cho biết chuyện này là khả tín.
Ba Sao vốn dĩ cũng là một huyện lỵ thuộc tỉnh Hà Nam, nhưng dân gian kẻ Nam người Bắc vẫn đồng hoá với danh xưng trại tù, nên chẳng cần có chữ trại tù người ta vẫn hiểu Ba Sao là nơi u ám. Kể cũng oan cho dân tình địa phương, đội nắng phơi sương làm ăn lương thiện, nổi tiếng là vùng trồng cói, thứ nguyên liệu dệt chiếu cho những vùng quê châu thổ sông Hồng, nhưng về sau lại ‘chết tên’ với một hình ảnh sánh vai cùng địa nguc.
Tới đây, tác giả muốn tản câu chuyện sang một khía cạnh khác không nhắc đến lao động khổ sai tù dai u ám, nhưng lại đẫm nước mắt do hoàn cảnh trớ trêu của cảnh tù. Chuyện liên quan đến các bà, vợ của những tù nhân cải tạo, tuy sống cảnh tù ngoài, nhưng hệ lụy u ám cũng chẳng kém gì những kẻ tù trong. Độc giả cứ coi như hư cấu để khỏi suy diễn nhân vật trong chuyện là ai mà chỉ ngầm hiểu nếu có thật thì cũng chẳng phải là hãn hữu trong hoàn cảnh của một thời xã hội nhiễu nhương, người muốn hành người, muốn cất đi cái quyền thiêng liêng của tự do, làm cho bao số phận phải ngậm đắng nuốt cay, gánh chịu những hệ lụy lẽ ra chỉ dành cho kẻ ác.
Có hai người đàn bà tuổi đời chưa đến bốn mươi, từ Nam ra, họ gặp nhau ở một nhà trọ gần ga Hàng Cỏ. Tuy chẳng có liên hệ gì từ trước nhưng họ coi nhau như chị em vì cả hai đều đi thăm nuôi chồng tại trại Ba Sao.
Chẳng hiểu chồng họ tội tình gì mà ở thời điểm này (đầu thập niên ’80), trong khi cả trăm ngàn tù cải tạo một thời gấp rút bị đưa ra Bắc nay đột ngột được lên tàu chuyển ngược lại các trại phía Nam, duy hai ông vẫn bị kẹt lại, dồn về an trí tại Ba Sao – trại cuối cùng giam tù chính trị còn lại trên đất Bắc. Số trại viên được thanh lọc từ các trại miền Việt bắc và Trung du gom lại khoảng trên dưới ba trăm, theo chủ trương từ trên, từ nay những người cai tù chỉ lo quản chế, để tù nhân nặng về an trí lâu dài, nhẹ phần lao động, sinh hoạt nới lỏng, hầu tránh cho thân tù khỏi dao động những năm tháng về sau.
Ngỡ tưởng chồng về trong các chuyến xuôi Nam, nhưng kém may mắn nên hai bà phải cất công thăm chồng nơi đèo heo hút gió, đất khách quê người sơn khê cách trở cả ngàn cây số. Bà hơn tuổi vai chị có người thân nước ngoài viện trợ đã có dịp thăm chồng lần đầu năm ’80, bà kia cảnh nhà eo hẹp chạy gạo từng cơn nên chỉ gởi quà qua đường bưu điện, chưa một lần gặp lại người chồng cả 7, 8 năm. Thư từ gởi về lâu lâu một lần, ông ít đá động đến cảnh tù đầy sợ bà tủi phận mà lại luôn nhắc chuyện chăn gối và mong ưóc một lần chồng vợ gặp nhau, nhưng ngày về thì quá lê thê.
Nhắc lại chuyện này để thấy mấy ông lãnh đạo cộng sản tuy được gởi vào công tác cưỡng chiếm miền Nam cả hàng chục năm dù cho lý tưởng đầy mình trong lúc nằm vùng cũng phải đèo bòng má bảy mẹ ba, xét cho cùng chỉ vì giải quyết chuyện sinh lý, ấy thế mà sau chiến tranh họ lại làm ngơ bắt người ngã ngựa, đa phần là các sĩ quan trẻ, chịu cảnh nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại và tước đi của họ cũng hàng chục năm một trong tứ khoái của cuộc đời, khiến bao người vợ trẻ ngoài chuyện đầu tắt mặt tối lo cho con cái vừa phai lạt tuổi xuân một mình lẻ bóng qua những đêm dài cạn tình chăn gối. Khoan hồng không biết ở chỗ nào, nhưng vô nhân đạo là ở chỗ này.
Quay lại khía cạnh nhân văn của câu chuyện, tác giả trung thực ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai người đàn bà vừa mới kết thân, dưới ánh đèn mờ của khu nhà trọ. (Khi bà chị đến trại Ba Sao thì bà em đã thăm nuôi xong, quay về Hà nội chuẩn bị xuôi Nam. Ấy vậy mà lúc này đã ba ngày rồi bà em vẫn còn bị kẹt chưa chịu lên tàu).
Ô hay, chị tưởng em đã về Nam, sao còn tá túc ở đây?
Chuyện dài dòng lắm chị ơi, bà em bật khóc, số em sao nó khổ thế. Rồi tỉ tê bà kể trước khi đi em đã hỏi kỹ lúc này trại có cho vợ chồng thăm nuôi một đêm nếu không phạm nội qui của trại. Em đã cẩn thận căn ngày hành kinh, để nếu họ cho thăm, vợ chồng sẽ không trở ngại chuyện đó. Nào ngờ khi tới Phủ lý cách Ba Sao ba chục cây số, em phải quá giang xe chở đá để vào trại. Chị biết đấy đường đá dăm, gập ghềnh vách đá vôi, sóc lên sóc xuống, ngồi bệt trên sàn xe lắc lư như lên đồng, em không quen nên vô cùng mệt. Rồi cũng tới trại, trình  giấy tờ, họ cho biết diện này được ngủ đêm, em mừng quá, mà chắc anh ấy còn mừng hơn em, hồi xưa em nhớ đi hành quân về tính anh là cứ đòi phải có ngay. Nào ngờ khi thay đồ để chuẩn bị đón chồng em phát hiện em có đường kinh sớm, tính ra sớm tới ba ngày. Em khóc, cán bộ họ thấy dặn em gặp chồng phải tươi tỉnh, tránh hành động tiêu cực ảnh hưởng việc học tập. Em vẫn khóc…
Đến chiều chồng em ra, tay bắt mặt mừng, em vẫn dấu chuyện có tháng. Lên đèn ăn uống xong, thăm hỏi chuyện nhà chuyện cửa, tụi em lên giường. Lúc này em không thể dấu được nữa, em thú thật chuyện đàn bà không thể chăn gối và xin lỗi chồng em.
Chị biết không anh ấy đổi thái độ liền bảo sao đi thăm mà không tính toán trước. Em giải thích thế nào anh ấy cũng chẳng nghe. Rút cục đêm ấy tưởng chừng như địa ngục, thậm chí anh ấy không ôm cả em, quay mặt vào tường ngủ vùi cho đến sáng.
Hai vợ chồng chia tay sáng hôm sau, em lại đón xe ben chở đá quay ra ga Phủ lý lên tàu trở lại đây.
Thế rồi bây giờ cô tính sao? Không lẽ ở lỳ đây.
Em nghĩ mọi sự do lỗi tại em. Đàn ông xa nhà lâu ngày ai chả thế. Em định nghỉ ngơi chờ hết kinh, sạch sẽ rồi em …quay lại, nhưng chỉ sợ khó lòng mà họ lại cho chồng em ra. Chưa kể tiền bạc em đã cạn, đâu có dự trù mấy chuyện này nên phân vân em cũng chưa biết tính sao.
Nói tới đây, linh tính như báo cho cô biết có thể tin người đàn bà đối diện, cô thật lòng xin chị giúp em được không, về Sài gòn em sẽ trang trải.
Bà chị nghe kể cũng thấy mủi lòng, tiền bạc cũng chỉ đủ tiền tàu về nam, với chút tiền ăn đường, nên bà lột ngay chiếc nhẫn vàng đang đeo, một vật kỷ niệm ngày cưới dù có lúc túng thiếu nhưng chưa bao giờ bà bán.
Thôi cô cứ cầm lấy cái nhẫn này, tiền mặt chị không còn nhiều, hết kinh quay lại thăm chú ấy, khi về Sài gòn chị em tính sau.
Bà chị có vẻ tháo vát chuyện đời, còn tính dùm cho cô vợ trẻ chuyện thăm gặp, bà bảo em cứ chuẩn bị ít quà biếu cô Thúy (cán bộ thăm nuôi), thăm đêm không được, năn nỉ thăm ngày thế nào họ cũng cho, chỗ đàn bà em cứ khai thật với họ, biết đâu lại được việc. Chính sách nó dã man chứ tình người đâu phải đá. Còn chuyện kia, ban ngày cũng vẫn được miễn là cán bộ họ làm ngơ. Chị đâu có được thăm đêm mà anh ấy vẫn ‘vui’, ăn thua mình biết xử.Thôi em về phòng ngủ đi, ráng giữ sức khỏe. Sáng sớm chị cũng phải lên tàu xuôi chuyến bắc-nam. Hai bên cho địa chỉ, chị em giã từ nhau.
Mọi chuyện xảy ra xuông sẻ như dự tính, có điều ngóng mãi chồng vẫn chẳng ra. Hỏi cô cán bộ thăm nuôi, họ nói anh ấy bảo đủ rồi không muốn gặp tiếp kèm theo lời nhắn cứ về nuôi con.
Chuyện quá buồn, người viết không muốn kể tiếp, chỉ biết đấy cũng là lần thăm nuôi duy nhất của người vợ trẻ. Quà cáp vẫn gởi đều cho đến khi anh chồng được thả 3 năm sau. Rồi chương trình H.O. đưa gia đình họ qua Mỹ. Ông chồng cùng đứa con gái nhận passport, bà vợ không đi, dường như thỏa lòng vì trọn phận sự với chồng con, sau nghe nói bà ăn chay, tu tại gia. (nếu còn sống đến nay cũng ngòai bảy mươi)
Ba Sao, chào mi!

Đỗ Xuân Tê
Viết nhân ra mắt sách, Một Thời U Ám (4/2016)