Tôi đến Mỹ đầu tuổi đôi mươi. Tôi đã lao vào một cuộc phiêu lưu, đã hứng lấy
những kinh hoàng không ai tưởng tượng được, để bắt đầu một cuộc đời mới với cái
vạ tuyệt thông trùm phủ lên tất cả mọi người dân Việt lưu lạc: tuyệt lối về,
đoạn dứt tình thân. Dưới chân không còn đất, chung quanh không còn người, chỉ
còn mảnh trăng cũ thì cũng chỉ là trăng của nhà ai. Trong nỗi bơ vơ thất lạc,
còn cứu cánh nào hơn là tìm lại chính mình. Mà biết đâu tìm, quanh tôi chỉ là nỗi
trống. Chỉ còn một sợi chỉ mỏng manh – đó là tiếng Mẹ, những con chữ. Tôi lao
vào đống chữ còn sót, và thấy…
Thấy tôi
Tôi thấy tôi những ngày thơ dại, 10 tuổi, lớp nhất. Cô giáo Tân áo dài đen
tóc búi da trắng ngà ánh mắt buồn bã tâm sự cùng lũ trẻ ngây ngô: cha cô
không thích cô học Luật, nói rằng đó là nghề bất nhân. Tôi thấy tôi tìm
mua Tâm Hồn Cao Thượng vì thầy dạy luyện thi đệ thất nói nên đọc.
Tôi thấy tôi vào trường nữ trung học, những năm đệ nhất cấp học Kim văn với
Lê văn Trương, Tự Lực Văn đoàn, Nửa chùng Xuân…, học cổ văn với những bài thơ
của Cao bá Quát Tú Xương Nguyễn công Trứ Lê thánh Tông, giảng và bình:
Nghi ngút đầu gềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù nhẵn đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả đã đôi vừng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới rõ nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng
(Đề Miếu chàng Trương, Lê Thánh Tông)
Ở tuổi 13 tôi vẫn còn cột 2 tà áo dài vào một bên hông để chơi u trong sân
chùa Xá Lợi, mấy bài thơ vớ vẩn ấy chỉ gieo được vào lòng một âm hưởng ngậm
ngùi. Nhưng ngoài học đường, sách truyện vui và hay hơn nhiều. Tha hồ đọc Tuổi
Hoa Xanh tình cảm nhẹ nhàng hay Tuổi Hoa Đỏ trinh thám giật gân, hay xé rào mà
đọc Quỳnh Dao, đọc truyện chưởng. Anh tôi mê truyện du đãng Duyên Anh, chị tôi
tỉ tê em ơi lửa tắt bình khô rượu, má tôi khoái Bên giòng sông Trẹm
đăng hằng ngày trên nhật báo, ba tôi bĩu môi – xem tin tức nghị luận chứ xem
chi những thứ rặt màu son phấn.
Mười lăm mười sáu tôi đã có thể tha hồ đọc những quyển sách người lớn, nhờ
cô hàng xóm học Văn Khoa. Tôi mượn cô đưa liền, chắc hẳn thâm tâm cô nghĩ tôi
trả lại ngay vì có đọc được đâu. Những cuốn truyện dịch Yêu Chỉ Một Người,
Những Bông Hồng Đầu Hạ, Một Phút Một Đời… Bạn tôi thì đằm thắm hơn, đọc sách
học làm người do Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, và các anh của nó thì lúc nào cũng
suy tư nghiêm trọng mà lẩm bẩm những cái tên lạ hoắc hết hồn…
Bên cạnh khói mù xe lam xe gắn máy, trưa trưa các bác xích lô ăn cơm tấm
hành mỡ xong thì đọc báo và úp tờ báo lên mặt đánh một giấc. Các chị giúp việc
đến tối rảnh rang thì ra tiệm tạp hóa của ông Z27 đường Phan Đình Phùng mua bản
nhạc về hát, mua tập vọng cổ về ca. Cả xã hội miền Nam lăn ra nuốt chữ, nghĩa
là đâu đó có cả huyện các tác giả lăn ra viết, và những nhà xuất bản tiệm sách
sạp báo tiệm cho thuê truyện lăn ra mà sống bằng chữ. Sách giáo khoa ở trường,
sách đọc ở bên ngoài, nhìn lại, tôi đã lớn lên trong văn học miền Nam dẫu tôi
không nhìn thấy không ý thức được điều ấy. Vả chăng, muốn “thấy” một nền văn
học thì phải đứng bên ngoài nó chứ không thể nào đứng ở trong ở giữa nó mà mong
thấy đúng thấy đủ một nền văn học. Bây giờ, dù muốn hay không, tôi cũng đã ra
khỏi nền văn học đó.
Thời cuộc buộc Văn Học Miền Nam phải chấm dứt năm 1975, tôi cho đó là phải
lẽ vì không thể nào có một biến động xã hội lịch sử lớn lao ảnh hưởng đến cuộc
sống con người xảy ra mà văn học không chuyển mình thay đổi, chấm dứt một thời
kỳ để bước qua một thời kỳ khác. Vấn đề chỉ là nó đã chấm dứt ra sao, ở đây có
thể nói ngay là hết, không chuyển hướng không đẩy lùi cái cũ tiếp thu cái mới
không thêm vào một khuynh hướng một đường lối gì cả, chấm hết, hết; và nó đã
được bảo tồn thế nào cho thế hệ chuyển tiếp. Tôi nói bảo tồn, vì văn học cùng
với giáo dục cùng với tập quán sinh sống cùng với tục lệ xã hội là những thành
tố của văn hóa dân tộc, văn hóa một miền đất một nhóm con người, không bảo tồn
để cho nó mất đi thì kể như lịch sử bị đục thủng bị đứt đoạn, quá khứ bị xóa
nhòa, ai biết ai là ai, chúng ta liên hệ với nhau ra sao, làm sao để tôi thấy
được người?
Thấy Người
Thấy người, chẳng phải tôi không thấy người. Còn người còn chữ viết, chả
phải không thể thấy. Chỉ là, tôi phải thấy nền văn học cũ qua hoài niệm của
những người đi trước, của thế hệ đàn anh hơn tôi một giáp, mươi mười lăm tuổi.
Tôi chỉ thấy Mai Thảo, Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, thầy triết
Nguyên Sa, thầy triết Nguyễn xuân Hoàng… Cả một rừng chữ với người đâu phải chỉ
có bấy nhiêu tên? Bậc đàn anh tôi đã đi qua rất nhiều, đã thu nhận biết bao
nhiêu, sao chỉ lập lại mãi hoài mấy tên tuổi đó, và cũng chả ai nói được điều
gì mới, có đủ ý nghĩa về một tác giả, ngoài những tiểu sử, những vụn vặt bên
lề, những hào quang đã tỏa những vương miện đã được trao. Tôi khát khao biết
tại sao văn Mai Thảo hay, tại sao người ta chỉ biết có Thanh Tâm Tuyền Dương
Nghiễm Mậu, tại sao các thầy triết Nguyên Sa, Nguyễn Xuân Hoàng mới đáng nhắc.
Không phải thầy Nguyễn văn Trung mới thực đã góp nhiều công mang khái niệm
triết học đến cho sinh viên thời ấy? Tại thầy Hoàng đẹp trai, tại thầy Lan biết
làm thơ? Tại Nguyễn Đình Toàn không thuộc nhóm Sáng Tạo? Đi học ở Paris thì
phải nhắc Paris trong nhạc trong thơ và như vậy mới hay mới xịn mới sang? Hoàng
Ngọc Tuấn Thư Về Đường Sơn Cúc đâu có đi Paris bao giờ nhưng thơ truyện hay quá
trời đó chứ?
Tôi đi tìm tôi tìm người trong văn học cũ, lòng ngao ngán ê chề, vì tôi thì
còn nhỏ, còn ngu, và người thì dường mang nhiều quên lãng, quên quá khứ, quên
nhau? Tôi hậm hực, người ta càng tung hô tôi càng không đọc Mai Thảo, Thanh Tâm
Tuyền. Cũng còn may tôi biết mê Võ Phiến – văn Võ Phiến không cần sự tung hô
hay giới thiệu, ngày ngày chờ Văn Học Tổng Quan in ra được cuốn nào thì rước về
cuốn đó, mua bao ny lông bọc, mua tem màu hình sao dán vào gáy sách để đánh dấu
phân loại… Cái trò trẻ con ấy tôi làm với tất cả thành kính, vì chứa trong đó
là dĩ vãng của tôi, của biết bao người. Nhưng tôi vẫn không thấy người.
Tôi đi qua một nửa đời, tìm đọc không biết là bao sách cũ dù biết là mình
không thể nào đọc hết dẫu có thể thu góp lại tất cả kho tàng, những câu hỏi cũ
còn hoài, cho đến khi tuổi đời ghè bớt cái tánh cứng đầu, bớt lòng háo thắng.
Tôi phải tìm đọc Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền để tự trả lời mình, văn học miền Nam
lẽ đâu chỉ gồm những cái tên vô nghĩa. Quá khứ của tôi, của bao người, lẽ nào chỉ
là những dòng mực đen.
Tôi tìm thấy Mai Thảo khi đọc câu thơ “Đời ta sử chép
cả nghìn chương,” khi đọc Luân, đọc trang nói lên cảm xúc của người đàn
ông, một lòng xót thương, và bị cuốn hút theo cái lên đồng của Mai Thảo khi Mai
Thảo tuôn đổ cảm xúc nghĩ suy xuống trang giấy trắng. Cái nhìn về một quyết
định không thể giải thích của một cõi lòng hoang mang trong một khoảnh khắc
thật ngắn mà không thể bỏ qua không thể quên đi, đọc lại vẫn thấy ngợp. Và
không thể nhớ gì hơn dù một chữ một lời. Những con chữ, chấm câu ngắt khúc, nó
có nhịp sống riêng không gạn lọc so đo. Chưa chắc người viết có thể sửa được
những gì đã được viết xuống mà không phản bội cảm xúc ý nghĩ của mình. Nếu đọc
chữ của Mai Thảo như đọc văn, một mạch với những kết cấu dựng nên thì sẽ bị
nhốt trong cái sườn văn hoa đó. Quên hết đi chỉ đọc những suy cảm, không tìm mà
thấy một Mai Thảo với tâm hồn và suy nghĩ thật phong phú sâu sắc, một con người
chỉ viết về quá khứ và chỉ nói về cảm xúc của mình. Mai Thảo sống thật trọn vẹn
mà vẫn mang theo mình một nỗi cô đơn; xem thường tất cả mà mọi người chung
quanh vẫn cảm được cái quan hoài; thật ngang ngược thật quái mà người chung
quanh vẫn bị cuốn hút vào, hạt cát sông Hằng ấy, từ những năm 50’s,
60’s, đã đòi
…chế lấy mây và gây lấy nắng
Chế lấy, đừng vay mượn đất trời…
Văn học với những tâm hồn ý tưởng đó đáng ra phải được bảo tồn phát huy, có
phải?
Và văn học đó không chỉ có Mai Thảo. Bây giờ tôi cắm đầu đọc Thanh Tâm
Tuyền. Tôi hiểu vì sao thanh niên thời đó, những bậc đàn anh của tôi chỉ nhớ TTT.
Những lời TTT viết ra chỉ toàn gầm gừ đòi xóa bỏ mình, xóa bỏ chữ nghĩa, xóa bỏ
suy tư, xóa bỏ tình cảm – những thói quen của cuộc đời, tự làm rỗng mình để
sống, sống trọn vẹn từng phút giây, sống cuộc sống như phải là, sống:
“nếu ưa cái đời sống của mình thì hãy sống với nó thực hơn. Viết là muốn
cái khác, trong khi muốn cái khác mà cứ phải che đậy nói về cái mình đã bỏ đi
là giả dối, là đạo đức giả. Anh có ưa cái đời sống loăng quăng này của anh
không? Có. Anh còn muốn gì khác không? Không. Vậy đúng rồi, ôm lấy nó mà sống
mà tận hưởng thú vị, việc gì phải viết, bỏ cái thú sống thực đổi lấy cái thứ
sống giả..” (Khuôn Mặt, Tập truyện ngắn, nxb Sáng Tạo 1964)
A ha, Thanh Tâm Tuyền, cái ngần ngừ – luôn ngần ngừ, cái dằn vặt – luôn dằn
vặt, được viết ra một cách sắc xảo quyết liệt, cái sắc quyết ấy như tiếng sấm
làm ù tai, như làn sét làm lóa mắt, tôi đọc, và dù không hiểu hết vẫn cảm được
cái bồng bột nhiệt huyết của tuổi trẻ như lửa bùng như nắm cát bỏng của sa mạc
ném vào mặt mình. Mang vết bỏng đó ở tuổi vào đời chắc tôi cũng sẽ như bậc đàn
anh chỉ nhớ hoài một cái tên và cũng sẽ gọi hoài cái tên ấy cho đỡ nhớ!!!
Tôi hiểu vì sao nơi rừng văn học ấy Thanh Tâm Tuyền được nhắc hoài và Nguyễn
đình Toàn được quên hoài dù người ta vẫn đọc, vẫn tìm mua sách vẫn mang lòng
quí mến cho đến tận bây giờ. Bên cạnh lò lửa Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn đình Toàn
như sương, phủ sương mờ lên cuộc sống. Nguyễn đình Toàn mang hết chữ, tràng
giang đại hải, viết xuống chỉ để không nói. Mang vết bỏng Thanh Tâm Tuyền thì
dễ nhắc, nhưng mang cái sương mờ của Nguyễn Đình Toàn thì chỉ thấy ớn nặng tâm
hồn chứ biết nhắc cái gì? Tôi nhớ cái ngu của mình khi đọc Một Phút Một Đời,
hình như của Pearl Buck, ba mươi năm trước.
Một phút một đời, Sống mới xuất bản 1972
(Ảnh: sachxua.net)
Một Phút Một Đời nói chuyện một anh họa sĩ về miền đồng quê vẽ. Khi chiều
xuống, từ giã đồng hoang rạ vàng trong nắng anh đến gõ cửa nhà một nông dân, và
người con gái ra mở cửa. Trong ánh hoàng hôn thôn dã, cô đứng đó hoàn tất bức
họa đồng quê và anh yêu cô ngay phút ấy. Rồi anh cưới cô, mang cô về thành thị.
Những ngày ray rứt rã rời vì thương nhớ làng quê, những ngày khó ở vì mang đứa
con đầu, anh yêu từng giây phút đổi thay của cô. Đưa cô trở về quê cũ, anh yêu
từng hình ảnh của cô, người mẹ trẻ, phút giận dữ phút dã dượi mệt mỏi đồng áng
phút lấm tấm mồ hôi lau chùi quét dọn, phút lo lắng cho con phút nổi giận với
chồng. Anh yêu, mải yêu đến một lúc nào đó đã thấy răng long đầu bạc. Bây giờ,
bà cụ leo qua ngọn đồi, tới ngồi dưới gốc cây trong nắng tưởng nhớ đến người
chồng một đời của mình đã khuất.
Mười mấy tuổi tôi đọc thấy lãng xẹt. Ba mươi tuổi tôi đọc, cũng vẫn thấy
nhàn nhạt buồn buồn. Bây giờ đọc Nguyễn Đình Toàn mấy ngàn trang mấy mươi ngàn
chữ tôi hốt hoảng nhận ra NĐT viết để không nói
cái điều mà Thanh Tâm Tuyền vẫn gầm gừ: sống. Nguyễn Đình Toàn đã sống mỗi một
phút bằng cả một đời, sống không biết bao nhiêu kiếp rồi trong mỗi trang viết
về một phút. Hiện sinh, Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn như nước với lửa
như âm với dương như âm bản và dương bản của bức hình sự sống. Nguyễn Đình Toàn
không dạy, nhưng tôi vỡ ra thế nào là Một Phút Một Đời. Tác giả ấy đã viết,
người nào đó đã dịch, đã đem nó đến với văn học, với tôi, với chúng ta, và tôi
đã lớn lên như cỏ cây hoang dại trong rối ren chữ nghĩa ấy, mang một nỗi băn
khoăn thắc mắc 30 năm dài. Văn học, không phải nhiệm vụ của nó là đánh thức
lương tri trí thức cảm xúc sâu thẳm của mỗi con người? Văn học, không phải
chính nó cầy xới gieo mầm cho hiểu biết cảm xúc của mình lớn mạnh để tìm chính
mình, thấy mình thấy người và thấy được tha nhân?
Thấy Tha Nhân
Thấy mình, thấy bậc đàn anh, thấy người, tôi cũng thấy ra tha nhân. Tha nhân
của tôi là người miền Nam. Tôi buồn lòng và xấu hổ thú nhận như vậy. Nhưng
chính là nhờ những học giả nhà văn của miền Nam cũ, những người đã mang công
sức dịch những truyện nhàn nhạt buồn buồn, dịch những tác phẩm văn học mà bên
Mỹ này học sinh trung học phải đọc, đưa những ý niệm văn triết của phương Tây
đến giới thiệu với xã hội miền Nam, sáng tác những tác phẩm văn chương nhiều
màu sắc dạng hình đánh thức lòng yêu thương cuộc sống, mà miền Nam đã có những
thành quả văn hóa, những sinh hoạt văn hóa nhiều sắc màu, mà tôi biết thích
những vần thơ Giang Nam những năm đầu ở với Cộng Sản. Bài thơ ấy thì chỉ giản
dị thôi, thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, yêu quê hương qua từng
trang sách nhỏ, nhưng nó nói với tôi người miền Bắc cũng là người, cũng
yêu quê hương như mình, và nhất là, họ cũng đau khổ như mình:
Từ độ xa nhau thư không bao giờ gửi nữa
Anh vui đời sương gió
Nhọc nhằn gian khổ đã mười năm
Khăn em trao từ độ lên đường
Trải bao dãi nắng dầm sương vẫn còn
…
Nay công đồn Ninh Bắc,
Mai Hạ Lào Sầm Giả
Điện Biên Phủ anh gian khổ từng giờ
Mong ngày dựng lại màu cờ
Anh về quê cũ em chờ đợi anh
Nhưng anh nào có đâu ngờ
Lịnh Đảng về Giải Phóng
Gia đình em bị qui phản động
Chỉ vì năm mẫu ruộng ngày xưa
Cưới em không được nữa
Bây giờ ai đợi ai chờ ai đây
Sầu dưng lệ đổ bàn tay
Thư không gửi nữa từ ngày xa nhau (*)
Tác giả là ai tôi không còn nhớ, nhưng tuổi mười sáu đơn sơ dẫu oán hận
người cộng sản tôi vẫn thấy cảm xúc dâng đầy với bài thơ mộc mạc ấy. Máu ai
không đỏ, lòng ai không mềm. Đáng ra Nam và Bắc đã có thể lại gần nhau hơn, vì
rõ ràng có con đường nào có nhịp cầu nào nối được lòng người với nhau hơn nhịp
cầu văn học? Đáng ra văn học Việt Nam đã có thể có nhiều những sinh hoạt văn
học gắn kết người trong ngoài xưa nay với nhau hơn, có nhiều những thành quả
đồng bộ hơn là những giải văn chương cá nhân và cá biệt.
Tôi nghĩ rằng chúng ta không có được một sinh hoạt văn học như phải có:
người sáng tác sáng tác cho mình nhưng phải với tới tha nhân làm giàu tha nhân,
người làm công việc biên soạn khảo cứu làm vì lẽ thật vì điều hay để xã hội
được cùng tiến, và chúng ta đến với nhau để chấp nhận nhau để cùng nhau hướng
về một điều gì cao cả hơn chúng ta bây giờ, đẹp đẽ hơn những gì đang có bây
giờ.
Khi tôi đọc lại người cũ, những gì đã viết và bây giờ được viết, tôi sung
sướng ghi nhận cái riêng tư của mỗi người. Như Phan Lạc Phúc và Phan Lạc Tiếp.
Họ là anh em lớn lên trong cùng một gia đình, cùng trong quân đội Cộng Hòa,
cùng trong cuộc chiến, cùng phục vụ một chính thể, nhưng họ tiếp cận cùng một
vấn đề theo tính cách riêng, theo suy nghĩ riêng của mỗi người. Phan Lạc Phúc
thấy cái giải đất chữ S của Việt Nam giúp mình nhiều cơ hội tiếp cận nhiều
nguồn văn hóa khác nhau, nhưng vì nhiều văn hóa quá nên thành bánh da lợn
(Tuyển Tập Tạp Ghi). Phan Lạc Tiếp thấy mảnh đất chữ S giáp biển giúp mình
nhiều cơ hội học hỏi nhưng chiến tranh triền miên nên cái học không thấm sâu
nên nhân tài cho đất nước còn thiếu. Nói chung không chỉ có anh em nhà họ Phan
khác nhau, mà là cả thiên hạ miền Nam nói và nghĩ theo ý của riêng mình.
Nguyễn Văn Trung viết Ngôn Ngữ Và Thân Xác thì Võ Phiến cười cợt Chửi (Võ
Phiến, Tùy Bút 1); người ta nói Nguyễn đình Toàn Thanh Tâm Tuyền Hùynh Phan Anh
là hiện sinh thì Nguyễn Hiến Lê nói văn học miền Nam không có hiện sinh (Nguyễn
Hiến Lê. Hồi Ký, tập II. Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, USA. 1990); người
ta nói thuyết Việt Học gì đó thì có người hỏi khẽ đâu là bằng chứng.
Bây giờ trong và ngoài nước hình như đồng loạt mang tứ khoái vào văn chương,
nói là hiện sinh thì đó là bước thụt lùi, nói là thực hóa thì cũng vẫn là lui
lại. Bây giờ hình như chúng ta bình văn thơ bằng kiến thức hơn là bằng tâm hồn
đồng cảm đồng điệu. Tôi không thấy ai bình thơ như Bùi Giáng bình Tuệ Sỹ, Võ
Phiến bình Tô Thùy Yên, Huỳnh Phan Anh viết về Áo Mơ Phai. Nói đề tài hay nói
hình thức, tôi đều cho đó là sự giật lùi khi nghĩ đến điều Mai Thảo đã khêu gợi
năm xưa: Chế lấy mây và gây lấy nắng, Chế lấy đừng vay mượn đất trời.
Hãy cho rằng tôi là một người lỗi thời không theo kịp ngôn ngữ thời đại nên
đọc người thời nay, trong cũng như ngoài nước, mà không cảm được như đã từng
ghi nhận hai năm trước trong Giữa Đọc Và Viết:
Có cần không một cái nền liên kết người đọc và người viết? Cái chung cần
có không nhất thiết là mảnh đất địa lý dù đó là nơi mà chúng ta cùng đứng để
cùng yêu mến; một tổ quốc chung cũng vẫn là điều khả thể khi bị ngăn cách không
gian.
…Nền văn học cũ toát ra cái ý chung: bảo tồn một bản sắc đã có -dân tộc,
đất nước, con người- và mong làm giầu nó. Người ta muốn khác nhau chứ không
chống nhau. Những tiếng kêu những trăn trở dù mơ hồ nhưng có nét thực của tâm
hồn, gắn bó người viết với người đọc. Văn học bây giờ, bên ngoài là hoài niệm
cái đã mất, là đi tìm lối thoát cho cái đã có và đưa nó đi xa hơn, là hội nhập
và nói với thế giới bên ngoài về mình. Nhưng chúng ta có thực biết mình muốn
viết cái gì, sẽ viết ra sao? Hình như chúng ta nhận định phê bình rất nhiều
trước khi có tác phẩm thực để phê bình, trước khi biết rõ thế nào là phê bình.
Số người am hiểu và viết đứng đắn không đủ để tạo ra một cái nền. Tôi đọc mãi
đọc hoài, vẫn thấy không gắn kết được những trang chữ hải ngoại lại cho thành
một nền văn học văn chương. Văn học bên trong dường như là đi tìm chính mình,
khẳng định bản sắc. Tại sao mình phải đi tìm bản sắc khi mình đã có bản sắc từ
lịch sử bao nhiêu năm? Chung chung những tác phẩm bài viết trong nước mà tôi
đọc được đầy rẫy ẩn dụ và những tình tiết éo le kinh khủng, những tiếng kêu
thống khổ; rõ là thực mà lại không mang cho tôi được ý niệm người viết là ai, và
có điều gì nơi tâm hồn người ấy. Những hàng chữ vẫn như chưa ra khỏi tính cách
“hiện thực xã hội.” Tôi vẫn thấy mình thất lạc với cái viết của hôm nay, bây
giờ.
Nơi cái thất lạc nêu trên, tôi càng tiếc là văn học miền Nam đã không được
bảo tồn. Trên cái căn bản văn học miền Nam mà tôi đã lớn lên, tôi đã có thể cảm
thương với những mất mát của người anh em phía Bắc, tôi chấp nhận những khác
biệt của văn hóa của con người, và tôi biết đợi chờ biết thành thực để trả lời
cho mình những thắc mắc. Giả mà chúng ta kẻ Nam người Bắc đã có thể cùng đọc
những gì đã được viết ra trong 20 năm văn học miền Nam, nếu không tiếp nhận
được cái nhân bản trong nền văn học ấy, tối thiểu chúng ta vẫn có thể có cùng
niềm yêu mến Quốc Văn Giáo Khoa Thư như người xưa, hoặc nếu có bất đồng, chúng
ta đã có chung một ngôn ngữ để bàn trên một tác phẩm. Nghĩ thêm, tôi tin rằng
ngôn ngữ, của thời đã qua, chính là điều nối chúng ta lại, giúp chúng ta hiểu
nhau hơn. Thời đại đổi thay ngôn ngữ đổi thay, chúng ta đã có thể cùng nhau đổi
thay, không như bây giờ cùng nói tiếng Việt mà mỗi nơi mỗi khác, chúng ta không
hiểu nhau và cũng chẳng chấp nhận nhau.
Đâu là kẻ khác
Khi trong với ngoài cùng lúc nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam, phải chăng
chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy nhau? Đã đủ dài chưa những tháng ngày vùi dập lấp
che, mắt liếc mắt nhìn mà chẳng dám nhận nhau? Trong khi đất nước đối mặt cùng
hiểm họa xâm lăng thì một hố chia rẽ dù nhỏ cũng mang lại tổn thất bội phần,
làm vấy một nền văn học sau khi nó đã từng bị dập vùi e không còn lối quay lui.
Văn Học Miền Nam, trước hết, là văn học của Việt Nam Cộng Hòa, một thực thể
toàn vẹn, không có tạm chiếm hay đô thị núi rừng gì cả, và nó đã qua, đã chấm
dứt sau cuộc chiến 20 năm. Nền văn học đó đã có dẫu công nhận hay không, với
những thành tựu và giới hạn của riêng nó. Nhắc lại quá khứ là để thấy ta thấy
người, để có thể cảm hòa. Nếu ngoài này nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam chỉ
để quanh quẩn tung hô người muôn năm cũ, hay làm sống lại một thời đã qua, thì
chỉ là mở đường cho chuyện chối bỏ nhau thêm. Nếu bên trong cho là cứu vớt, đó
có thể là ném bùn vào mặt người anh em mà mình mong bắt tay nối nhịp cảm thông.
Nói là hội luận tìm hiểu, nói là bảo tồn phát triển, nói là gì đi nữa, chúng
ta nên chính danh và thành thực hỏi lòng, mình làm điều đó cho ai và mong muốn
điều gì.
Lưu Na
09.12.2014
(*) Lá thư không gửi của Nhất Tuấn.