02 June 2016

CÓ NHỮNG CƠN SÓNG - Võ Kỳ Điền

Sơn ngồi nhè nhẹ lên mặt võng. Chừng như cảm thấy an toàn, anh lấy chưn đạp cây cột lều kế bên, đong đưa thử. Hai sợi dây ở hai đầu võng được cột vô hai gốc dừa, bị sức nặng của cả thân người anh ghì mạnh xuống vang lên tiếng kẽo kẹt nho nhỏ. Tư Trần Hưng Đạo đứng chống nạnh kế đó, hỏi sang:
– Hai sợi dây đó có chắc không, đưa tới đưa lui nó đứt thì lãnh đủ.
Sơn cười và trả lời:
– Tôi có thử rồi, chắc lắm. Bây giờ thì chưa đứt…
– Chừng nào nó đứt thì biết liền hả ?
Sơn chỉ qua lều bên cạnh:

– Hơi đâu mà anh lo, có gì thì có ông bác sĩ kế bên nè !
Nói xong Sơn rút hai chưn lên, nằm dọc theo chiều võng, đưa qua đưa lại. Ánh nắng buổi trưa miền hải đảo nhiệt đới thiệt nóng bức chói chang, mồ hôi anh tươm ra đầy người. Cũng nhờ ở đây có rất nhiều tàn dừa xanh trên cao nên che sức nóng dịu bớt. Cái đảo nầy mọc nhiều dừa. Cây dừa Mã Lai cũng khác hơn cây dừa ở Việt Nam. Nó ốm nhom, cao vút. Sơn nhìn ra xa, tận vào bên trong đảo. Dừa mọc san sát, dầy đặc nhưng lộn xộn không thành hàng lối gì cả. Cả đảo một màu xanh chạy dài mút mắt, tận cùng bằng những rặng núi mờ mờ. Những ngọn dừa vút thẳng trên nền trời xanh trong vắt, lơ lửng vài cụm mây trắng như bông gòn. Trên mặt đất là một vùng cỏ tranh mọc tràn lan, cao tới ngực. Trong đó những trái dừa khô rơi rụng, vương vải khắp nơi. Khi chiếc ghe của Sơn vừa tấp vào đảo nầy, nhìn thấy rừng dừa ngút ngàn, thằng Dân thuỷ thủ đã buộc miệng la lên:

– Bà con ơi, đảo dừa đảo dừa…
Từ đó, cả bọn gọi mãi thành tên. Cái đảo Dừa nầy đã chứa nhóm người vượt biên đã được mấy ngày nay. Họ là những người tứ xứ, do một cảnh ngộ và một ước nguyện chung, nên “cùng đi một xuồng” và đã tới đây cùng chung một nơi. Những ngư dân Mã ở đảo bên đã phát giác ra họ. Cảnh Sát đến làm biên bản và họ chỉ cần rán tự túc cho đến ngày Hội Lưỡi Liềm Đỏ, tức là Hồng Thập Tự Mã Lai đến tiếàp tế lương thực và đưa qua đảo Bidong, nơi đó có trại tỵ nạn chánh thức và phái đoàn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn để được đi đệ tam quốc gia.
Chiếc võng vẫn đong đưa. Một cảm giác êm ái, thong dong, thư thả chợt đến. Sơn thấy mình trong giờ phút nầy hoàn toàn tự do, không bị một mảy may ràng buộc. Ngoài khơi những đợt sóng nhỏ, bọt trắng xoá,ù xô đẩy nhau chạy vào tới mí bãi cát thì tan biến.
Sơn suy nghĩ vẩn vơ. Anh cảm thấy những cơn sóng tuy có quay cuồng nhưng không hỗn loạn, có cơn lớn, có cơn nhỏ khác nhau nhưng không bao giờ chấm dứt. Nó diễn biến như hình ảnh đời người, từ ông, cha đến con, đến cháu, lần lượt mỗi người được sanh ra, lớn lên già cỗi rồi chết, để cho người khác tiếp nối cái dòng sống không bao giờ ngừng nghỉ đó.
Cái âm thanh của sóng biển trưa nay nghe rào rào, đều đặn, êm ái như ru Sơn vào một cơn mơ dịu dàng. Mấy ngày nay phải lo chuyện ăn ở, mong mỏi chờ đợi có người địa phương biết đến để được liên lạc với người trong đất liền, khiến Sơn không một phút nào yên tĩnh. Như cơn sóng lớn, gầm thét, quay cuồng, đảo lộn, cuối cùng rồi cũng lặng yên. Cũng vậy tâm thần Sơn dần dần ổn định. Chiều nay Sơn chợt hồi tưởng đến quê nhà, nơi đó có mẹ cha và những người thân yêu quen thuộc. Vào một buổi, khi bàn bạc đến chuyện ra đi, mẹ anh đã cố cầm nước mắt, thút thít, tiếng được tiếng mất, dặn dò:
– Ba má chỉ có một mình mầy. Phải nhớ luôn luôn cầu nguyện Trời, Phật phù hộ cho tai qua, nạn khỏi. Tao với ba mầy từ đó tới giờ ăn ở hiền lành, chưa từng làm hại một cọng cây ngọn cỏ… Cái bùa Cậu Trạng Mỹ Tho cho, nhớ giữ kỹ, đừng làm mất, không nên. Ở lại thì không được rồi, để mầy đi tao đứt từng khúc ruột… Khi nào tới nơi phải nhớ gởi thơ về liền. Tao mong… cứ trễ một ngày là tao khổ một ngày…
Ba Sơn ngồi kế bên, hút hết điếu nầy sang điếu khác, tâm sự với con:
– Phải chi đừng có ngày ba mươi, gia đình mình yên vui biết bao nhiêu. Tao với má mầy già rồi, chết nay sống mai, chỉ mong sao mầy sớm có vợ, có con, hai đứa bây đùm bọc lấy nhau, lo lắng làm ăn. Cái niềm vui của người cha là thấy được con cái nên người. Rồi kế đó cái vui của người ông là thấy những đứa cháu khoẻ mạnh. Có chết cũng yên lòng mà nhắm mắt vì biết rằng cái dòng sống của mình vẫn còn được tiếp nối… Cái gì cũng có số mạng hết. Chắc tao phải lựa lời mà nói lại với anh Tám, chị Tám…
Sơn ngạc nhiên, nhìn cha mẹ như dò hỏi. Ba Sơn giải thích:
– Mấy tháng trước tao đi Trãng Bàng là để lo vụ vợ con cho mầy. Tao thấy con nhỏ, con anh Tám, tao thương. Nó nhỏ nhưng đảm đang, vén khéo, biết lo công việc từ trong ra ngoài, ăn nói mềm mõng, học hành đàng hoàng. Anh chị Tám cũng là chỗ quen biết cũ của gia đình mình. Cái thời tao còn đi dạy học trên đó, hai bên đối đãi nhau thân tình như ruột thịt… Mầy mà được làm rể ở đó thì tao không còn lo gì nữa. Mới định bụng vậy thôi nên tao còn dè dặt, chưa nói hết ý. Nhưng bên đó có lẽ cũng đoán được lòng tao, nên cũng thường ân cần hỏi thăm mầy. Cho tới khi mầy quyết định ra đi, tao không còn liên lạc nữa… Bây giờ xe cộ khó khăn. Chuyện chưa bắt đầu, làm sao có kết thúc. Tội nghiệp, con nhỏ thiệt dễ thương, mai mốt nghe mầy bỏ ra đi, chắc nó buồn lắm !
Sơn chưng hửng:
– Con có biết gì đâu. Cứ tưởng ba đi Trãng Bàng tìm đất lập nghiệp. Mà chắc gì cô đó thương con. Hai đứa chưa biết nhau, làm sao mà đi tới hôn nhơn cho được.
Má Sơn chen vô:
– Duyên số hết con ơí! Nếu tụi bây có số làm vợ chồng thì gặp một lần cũng thương liền. Còn không phải duyên nợ thì dầu có thương nhau” chín xe mười vàng” cũng hư bột, hư đường hết trơn hết trọi. Như tao với ba mầy nè, có yêu thương gì đâu, cũng ở với nhau tới già được vậy !
Sơn phì cười:
– Má nói vậy chớ, bây giờ thì khác, các cô cũng khó khăn lắm. Con thì học hành tuy là đã xong nhưng nghề nghiệp thì kể như bỏ. Ai mà chịu… Con gái lấy chồng thì phải tìm nơi xứng đáng để nương tựa chớ. Cái thời nầy mọi giá trị đều đảo lộn hết trơn. Cái bằng cấp của con bây giờ,ø đem bỏ thùng rác, cũng không ai thèm lượm… Chỉ có cách ra đi, rồi tới đâu thì tới.. Má à, chắc con không có duyên nợ với cái đất Trãng Bàng rồi…
Để cho cha mẹ vui lòng, Sơn cố gượng làm vui hứa hẹn:
– Ba má đừng lo, để qua bên đó, con sẽ rán cưới một người vợ Việt Nam đảm đang hiền lành như ý ba má ước mong. Con không cưới đầm đâu.
Má Sơn tươi tỉnh nắm tay con:
– Ừa ừa, mầy nói vậy, tao chịu. Đầm cũng có người vầy, người kia. Nhưng nếu mầy cưới đầm, thì tao kể mất mấy đứa cháu nội…
– Sao vậy má ?
– Tụi nó sẽ nói tiếng mẹ đẽ chớ đâu biết tiếng Việt Nam mình. Rồi làm sao tụi nó viết thơ cho tao với ba mầy đọc. Nó đâu có liên hệ gì tới cái đất Bình Dương quê mùa… Tao với ba mầy sống lủi thủi, không con, không cháu thăm hỏi, trong cái nhà rộng mênh mông, vắng vẻ.
Sơn cảm động muốn khóc.
– Má nói vậy chớ, con thấy có mấy người cưới vợ ngoại quốc, mà con cái họ cũng biết nói tiếng Việt rành lắm.
Ba Sơn chừng như không chịu được những lời biện hộ, chận ngang lời của Sơn:
– Con có biết tại sao người ta gọi những người vợ trong gia đình là nội tướng không ?
Bởi vì vai trò của người vợ quan trọng lắm. Nó lo miếng ăn, miếng uống trong gia đình. Nó đẻ cho con những đứa con để nối dõi dòng họ. Nó chăm sóc con cái nên người. Nó nấu nướng, cúng kiếng tổ tiên. Nó cai quản hết của cải, tài sản của chồng. Nếu may gặp người đức hạnh, đảm đang, thì con được mọi người kính nễ, khen ngợi, gia đình ấm áp yên vui, bếp hồng đỏ lửa. Còn nếu không may gặp người ăn chơi, đàng điếm, thì ai lo cho con miếng ăn, thức uống, con cái ai chăm sóc dạy dỗ, của cải con làm ra ai giữ gìn, tổ tiên ông bà ai hương khói, danh giá con không ai kính nễ nữa… Đó là ba nói theo cách sống và cách cảm nghĩ của người Việt Nam mình. Nhưng ba nghĩ dầu ở phương trời nào cũng vậy, hễ nói tới hạnh phúc, là phải nghĩ tới vợ, tới con…
Sơn nhớ kỹ nét mặt của cha lúc đó, gương mặt nghiêm nghị mà trầm buồn. Cả một đời hy sinh cho con, một tình thương bao la không bờ bến. Anh cảm thấy thương cha mẹ hết sức, đồng thời nghĩ ra một điều. một điều hết sức giản dị mà anh hầu như quên bẵng. Đó là con người, muốn được hạnh phúc thì phải có tình yêu. Có điều tình yêu nó rộng lắm. Có tình yêu đối với nhân loại khổ đau, có tình yêu đối với quê hương đất nước, có tình yêu gia đình êm ấm, có tình yêu bạn bè đầm thấm và còn rất nhiều thứ tình khác nữa…

Chiếc võng vẫn đưa nhè nhẹ. Sơn thiếp dần. Giấc ngủ đến hồi nào anh không hay không biết… Mặt trời đã xuống thấp, chiếu nghiêng nghiêng trên mặt biển xanh. Ánh sáng cuối ngày phản chiếu lấp lánh trên sóng nhấp nhô như những chiếc gương bạc chói chang.
Ở đảo Dừa hoang vắng, chiều nay, có một người nhớ nhà, nằm ngủ quên trên chiếc võng đong đưa….

oOo
Một buổi sáng, Sơn ngồi nhúm lửa để nấu nước. Bếp là ba hòn đá to chụm đầu vào nhau. Anh cầm một bó lá dừa khô chạy qua anh Tư mồi lửa. Láø dừa khô bắt lửa cháy phừng phừng. Tàu dừa rơi đầy trên đất, cứ đưa tay ra lấy là có để chụm, khỏi cần đi quơ củi trong xa chi cho mất công. Lửa cháy sáng rực. Sơn yên chí nhìn ra tận ngoài khơi. Biển buổi sáng, sóng khá lớn, nước dâng lên cao, làm cho bãi cát hẹp lại. Chiếc ghe của Sơn bị sóng đánh ngã nghiêng, ghe đập vào ghềnh đá nghe ầm ầm. Chỉ mới có hai tuần nay, trông nó tang thương quá. Kể như là vĩnh viễn nó bỏ xác lại nơi đây, sau khi đã làm tròn phận sự đưa bọn Sơn tới vùng đất nầy.
Bỗng Sơn chợt thấy từ thật xa, hình như có một chiếc ghe lạ, tiến vào đảo. Chiếc ghe càng lúc càng hiện rõ hơn. Khác hẵn với các ghe thuyền Mã Lai thường sơn màu sắc xanh đỏ sặc sỡ, chiếc ghe nầy thuần một màu đen xám. Sơn cố nhìn kỹ hơn. Một lá cờ trắng nhỏ được kéo cao trên cột. Anh vừa đứng lên thì tiếng thằng Dân thuỷ thủ đã vang dội:
– Ghe vượt biên bà con ơi, ghe vượt biên!
Tất cả mọi người đều túa ra khỏi lều, đứng đầy trên bãi cát. Mấy đứa con nít ở trần trùi trụi, vừa nhảy choi choi, vừa la:
– Vô đây, vô..
Chiếc ghe mở hết máy, đâm thẳng vô bãi. Sơn thấy có đàn bà, con nít, lố nhố trong khoang. Một cảnh rất cảm động diễn ra trước mắt anh. Những ngưởi trên đảo ùa xuống biển, nước cao ngang lưng, bu quanh ghe để chuyển người và hành lý xuống. Chỉ trong một thời gian ngắn, những người trên ghe mới tới, đều được lên bờ. Người nào người nấy mệt mõi, tả tơi vì sóng gió và đói khát. Gương mặt họ sạm đen, nhưng ánh mắt thì ngời sáng niềm vui. Quang cảnh ồn ào, rộn rịp. Những câu thăm hỏi hình như không bao giờ chấm dứt.
Anh Tư Trần Hưng Đạo một tay xách thùng đồ, một tay dìu em bé về ngồi ở lều anh, miệng kêu ồm ồm:
– Sơn ơi, đi lấy thùng nước để cho bà con mới tới uống.
Sơn chạy vội về lều, xách nguyên một thùng nước mưa. Người ta giành nhau uống. Hình như không ai hết khát. Họ uống hoài. Khi đến lều anh Tư, Sơn thấy một thiếu nữ, đang đứng cạnh cây cột, cậu bé đang mõi mệt nằm nghĩ một bên. Sơn đưa nước cho nàng. Cô ta nhìn Sơn nhưng không nói, ánh mắt sáng lên niềm hy vọng. Sơn cảm thấy vui lây, bèn hỏi một hơi:
– Ghe khởi hành tại đâu đó cô ? Đi mấy ngày thì tới đây ? Tôi thấy chiếc ghe nhỏ quá, đi đường có sóng gió nhiều không ?
Chị Tư Trần Hưng Đạo xen vô:
– Chú Sơn hỏi vừa vừa chớ, nhiều quá ai mà trả lời cho hết.
Lúc đó, cậu bé cũng uống nước vừa xong, hỏi chị:
– Chị Liên ơí! cái đảo nầy không có chưn, em nghe sóng đánh, nó lắc lư như đưa võng.
Sơn phát cười, trả lời ngay:
– Không phải vậy đâu em, đó là tại mình say sóng lảo đảo nên tưởng như vậy, vài ba ngày nữa thì hết.
Thằng bé nhìn Sơn thán phục.
Cô chị rụt rè:
– Dạ, tụi em đi chui, xuống bến tại cư xá Thanh Đa, rồi dọc theo sông ra cửa biển Cần Giờ.
Sơn ngạc nhiên, hỏi lại:
– Xuống ghe tại cư xá Thanh Đa gần cầu Bình Triệu hả ? Sao gan quá vậy ?

– Dạ, em đâu có biết, người tổ chức hướng dẫn, tụi em làm y theo. Ghe nhỏ lắm nên đi có hai mươi người, xuống ghe lúc mười giờ tối, trời mưa lất phất nên không bị lộ. Lúc tới Cần Giờ phải đậu lại, núp trong một cái lạch nhỏ, đợi đến tối nước lớn mới đi được, em sợ muốn chết.
Nói tới đây cô ta lấy tay chận ngực, mắt nhắm lại như để diễn cho hết nét sợ hãi trong giây phút đó. Cô ta nhan sắc bình thường. Mắt không lớn, gương mặt hơi tròn, da lại ngâm ngâm đen, áo quần lam lũ, tóc tai rối tung. Nhưng ngoài cái hình dung giản dị đó, cô ta có một giọng nói êm ái, dịu dàng, cử chỉ,xinh xắn, dễ thương. Rồi cô ta tiếp tục:

– Chiếc ghe nhỏ quá bị sóng đánh mấy lần, tưởng đã bị chìm. Lúc đi ngang qua Côn Đảo bị bão, cũng may nhờ chú tài công khéo léo. Chớ không thì… tụi em đâu có được tới đây.
Chị Tư Trần Hưng Đạo tò mò, thắc mắc:
– Từ Cần Giờ đi một mạch tới đây hay là có ghé đâu không ? Có bị sóng gió, bão tố hay gì gì …. nữa không ?
Anh Tư trừng mắt nhìn chị, tỏ vẻ khó chịu. Thiếu nữ chừng như không hiểu ý tứ câu hỏi:
– Dạ, có bị sóng gió nhồi dữ lắm. Em ói liên miên mấy ngày không ăn uống gì được. Cả ghe trông mong gặp tàu lớn. Đi riết mấy ngày không gặp một chiếc nào, rồi tắp vô đây…
Sơn nhìn chị Tư, phì cười. Anh chạy vội về lều, lấy hai gói mì nấm của Hội Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai vừa tiếp tế, bắt nồi lên bếp, nhóm lại lửa vừa mới tàn. Cũng may trong mớ tro, còn sót lại vài cục than hồng, anh lấy lá dừa khô làm mồi, khom lưng, phùng má thổi phù phù. Khói bay vào mắt cay sè. Ngọn lửa hôm nay có gì khác lạ hơn ánh lửa hôm trước. Anh nhìn ra bãi cát. Bên cạnh chiếc ghe lớn xác xơ của Sơn, sáng nay, còn có thêm một chiếc nữa tuy nhỏ nhưng còn chắc chắn, đậu kế bên. Cả hai cùng bị sóng đánh lên đánh xuống rập rềnh…
oOo
Mặt trời buổi chiều đỏ sẩm, lớn như cái mâm đồng, vừa lặn xuống khỏi mặt biển xanh đen không được bao lâu, thì cả dảo Dừa như tối sầm lại. Trời trở nên nhá nhem, ánh sáng không còn đủ để thấy rõ mặt nhau. Trong các lều, đây đó đã có ánh đèn leo lét. Mặt biển trở nên đen ngòm, vĩ đại, mênh mông. Đêm nay trời không trăng. Ngồi trên ghềnh đá để hứng gió mát ngoài khơi thổi vào, Sơn trông lên thấy muôn ngàn ngọn dừa cao vút, lờ mờ in hình trên nền trời đen thẫm, đầy sao lấp lánh. Tối nay biển động. Những cơn sóng to vỗ mạnh vào ghềnh đá nghe ầm ầm theo một nhịp đều đặn. Có tiếng người nói chuyện lao xao, tiếng trẻ nít đùa giỡn từ khu dựng lều vẳng lại. Trong bóng tối lờ mờ, Sơn thấy Liên đang đi trên bãi cát, dáng thong dong. Anh tìm cách gợi chuyện:
– Cô Liên đã sửa soạn đồ đạc xong chưa ?
Liên dừng chân lại, nhận ra Sơn, vội trả lời:
– Dạ, tụi em đã xong hết. Hành lý cũng gọn, không có gì nhiều. Anh Sơn có biết đảo Bidong như thế nào không ?
Sơn chưa kịp trả lời thì cô ta đã nói tiếp:
– Em thì chưa tới đó lần nào, nên không biết nó ra sao !
Sơn bật cười vì câu hỏi ngây thơ.
– Tôi cũng vậy. Để mai qua đó, tôi biết được cái gì, thì nói lại cho cô Liên nghe, chịu không?
Chợt thấp mình vô lý, Liên cũng cười theo, dáng e ấp, ngượng ngập. Nàng chọn một tảng đá gần đó, ngồi lên, mắt nhìn ra khoảng không gian vô tận. Sơn thấy tối nay, Liên thật hiền dịu, dễ thương. Chỉ có hơn một tuần, nàng thay đổi khá rõ. Quần áo gọn gàng, tóc tai vén khéo, cử chỉ đoan trang. Tuy không đẹp nhưng Liên rất duyên dáng. Trong lòng Sơn một cảm giác êm ấm dâng lên nhè nhẹ. Anh tự hỏi, Liên có phải là người ước mơ của anh không?
Bây giờ thì Sơn ngồi đây và Liên ngồi đó. Cả hai đều yên lặng thiệt lâu. Cái khoảng cách giữa hai người thật gần mà cũng còn thật xa. Sơn đoán không ra hiện giờ nàng đang nghĩ gì trong đầu. Nàng có chút xíu cảm tình gì với mình hay không ? Sơn cũng mù tịt. Đầu óc bỗng nhiên đặc cứng, không còn cái minh mẫn bình thường.
Sơn tìm cách gợi chuyện:
– Cô Liên thử tưởng tượng coi, nếu như cả đám tỵ nạn mình lọt vào đảo nầy mà nhà chức trách không hay biết, thì sẽ ra sao?
Liên lắc đầu:
– Em cũng không biết nữa.
– Tôi thì nghĩ rằng cả bọn mình sẽ đắc đạo hết.
Liên ngạc nhiên thắc mắc:
– Anh Sơn nói đắc đạo ? mà đạo gì ?
Sơn cười nho nhỏ:
– Thì đạo Dừa chớ còn đạo gì nữa ! Cô Liên thử nghĩ coi, trước khi được tiếp tế lương thực, mỗi ngày tôi ăn mười trái. Một tháng là ba trăm, một năm tính ra là ba ngàn sáu trăm năm chục trái.
Liên kêu lên:
– Trời ơi ! Bộ anh Sơn tính ở lỳ đây làm chúa đảo luôn hả ? Có ngày em ăn thử một trái, cái ruột chịu không thấu, muốn chết luôn, nói chi mà ở cả năm.
Sơn xuống giọng, chậm rãi:
– Cũng may, ghe mình trôi tới đây, còn có dừa mà cầm cự qua ngày. Nếu gặp đảo toàn đá sỏi, thì không biết mấy ngày đầu tiên, tụi anh lấy gì mà ăn… Sỏi đá cứng ngắt, làm sao thành cơm gạo được. Nhớ mà thương những người còn ở lại quê nhà hết sức. Những vùng kinh tế mới khô cằn, những trại học tập cải tạo hoang vu… Mình ra đi thì kể như được yên thân, nhưng nghĩ tới những người còn ở lại quê nhà mà xót xa. Cha mẹ tôi đã già, không ai chăm sóc. Tại vì hoàn cảnh phải ra đi, thiệt không đành lòng.
Liên tiếp lời:
– Em cũng nhu anh vậy. Hồi nào tới giờ,ø em vẫn không bao giờ muốn rời xa khỏi quê hương. Em chỉ muốn sống cuộc đời bình dị, bên cạnh những người thân yêu.. Ước mong khi học xong thì được trở về làm việc ở quê nhà..
Sơn nhìn Liên, lòng rào rạt:
– Cô Liên thấy không, ông trời cắc cớ lắm. Cái ước mong của cô Liên, của tôi và cũng như của đa số dân mình, đâu có gì cao xa, quá đáng. Vậy à cũng không được… Quê của cô Liên ở về miệt nào ?
– Dạ, anh Sơn có bao giờ đi Tây Ninh chưa ? Quê em ở Trãng Bàng. Trước nhà là quốc lộ đi lên tỉnh. Phía sau là miếng rẫy người ta trồng rau đậu, củ sắn. Em thích nhìn những luống cải non xanh mướt, nõn nà vào mỗi khi trời chiều vừa dứt nắng. Cái mùi của rau non, của cỏ dại, của đất đen, của không khí trong lành, em đã hít thở bao nhiêu năm nay, làm sao quên được. Vậy mà đành phải bỏ hết, để đi.
Sơn bỗng giựt mình. Cái địa danh quen thuộc nầy, đã một lần nghe qua. Rồi anh tự nghĩ, cả cái quận Trãng Bàng đâu phải chỉ có một người anh biết. Rất tự nhiên, Sơn cố tìm hiểu thêm:
– Đợt đánh tư sản vừa rồi, nhà cô Liên có bị ảnh hưởng gì không ?
– Dạ, nhà em đâu có buôn bán. Ba em dạy ở trung học Trãng Bàng. Anh lên đó, hỏi nhà em, ai cũng biết hết. Ba em thứ tám…
Sơn nghe choáng váng. Anh nhìn sững Liên, lặng im nghe tiếng tim đập vang vang trong lồng ngực. Bàn tay Sơn tự nhiên run rẩy. Trời ơi ! Có phải “con nhỏ thiệt dễ thương” mà ba má Sơn cứ nhắc nhở, thầm mong ? Sơn cũng không biết nữa. Anh cũng không dám hỏi thêm. Cứ coi như là đúng đi. Đừng nên hỏi thêm chi tiết nữa làm gì, nếu không phải, thì buồn biết bao nhiêu! Liên vẫn vô tình, không hay biết:
– Tối nay, sóng to hơn mọi hôm hả anh Sơn ? Lâu quá, nay em mới có dịp ngắm lại biển về đêm.
Sơn còn đầu óc nào nũa mà nghe Liên nói.
– Ờ, ờ, biển ban đêm đẹp lắm. Nhứt là tiếng sóng chập chùng. Liên có nghe thấy tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá không ?
Ý chưa dứt, Sơn đã ngừng. Anh cảm thấy như có hàng ngàn đợt sóng vây quanh, tới tấp vỗ vào tim anh dồn dập. Anh ngây ngất. Trong muôn ngàn cơn sóng nhỏ, có một cơn sóng thật to phủ chụp xuống cả hồn anh, khiến anh muốn ngộp thở trong cái hạnh phúc bất ngờ chợt đến.

Võ Kỳ Điền
(viết để nhớ lại những ngày ở Pulau Kapas, Trengganu, Malaysia)