Dư âm chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama, được báo chí gọi
là “cơn sốt Obama”, mãi đến hôm nay vẫn còn âm ỉ trong lòng người dân Việt nam
và cả những đảng viên Cộng sản. Với bài diễn văn lôi cuốn đọc trước hai ngàn
người tại Hà Nội, và hầu hết dân chúng Việt nam được nghe trên đài truyền hình,
ông không chỉ được ái mộ như một nhà chính trị đa tài, mà còn là một nhà văn
hóa lỗi lạc, làm rung động lòng người. Chuyện ăn bún chả ở một cái quán bình
dân, cũng như chuyện dừng xe ở làng quê dưới cơn mưa, nói chuyện và bá vai chụp
ảnh với mấy người dân lao động, mặc dù ai cũng nhận ra đó là những màn kịch,
nhưng ông thực sự đã khuấy động được trái tim của hầu hết mọi người. Khi vào
Sài gòn, qua cuộc tiếp xúc với những người trẻ, ông càng chứng tỏ sự hoạt bát,
đa tài, bình dị và thân thiện. Rời khỏi Việt Nam, ông đã để lại cho người dân
Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hình ảnh của một người lãnh đạo lý tưởng, đáng
yêu, đáng kính nhất. Từ ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, lời nói, nhất cử nhất động
của ông dường như đều có chủ đích. Và ông đã thành công mỹ mãn.
Ông đến như một đợt sóng bất ngờ xua đi những bãi bờ hoang tàn, nhớp nhơ,
cũ kỹ, như điệu nhạc huyền hoặc làm tan đi cái không khí nặng nề, u ám. Người
ta đã mê ông, đã mê Mỹ như là biểu tượng của Tư Bản, của Tư Do Dân Chủ. Điều đặc
biệt hơn là từ đây trong lòng người dân Việt Nam in đậm hình ảnh một nhà lãnh đạo
thần tượng mà họ đã khao khát hơn 41 năm qua, từ khi chế độ Cộng Sản man rợ bao
trùm trên cả nước.
Những kẻ lãnh đạo mà người dân đã bị áp đặt, không có quyền được chọn lựa,
hầu hết là những người bất tài, thiếu đức, độc tài, hống hách, tham nhũng và
bán nước. Họ xem những lãnh tụ bây giờ là đám tham quan tồi tệ nhất trong lịch
sử dân tộc. Một đám sâu dân mọt nước.
Chỉ một ngày, sau khi Ông Obama rời khỏi Việt nam, một hình ảnh tương phản
rất quái đản đã được phổ biến khắp nơi, trên mạng, facebook, cũng như trên một
số báo chí trong nước. Một ông quan CS (cỡ nhỏ) từ trên xe “con” bước xuống lúc
đường ngập nước, được hai đồng chí đàn em mang hai chiêc ghế đến để ông bước
lên, sau đó ông quan bá cổ một tên đàn em khác để được cõng vào lề đường. Người
dân vừa có một so sánh lý thú, làm đám cán bộ càng thêm nóng mặt!
Nhiều người Việt hải ngoại cũng hết lời ca ngợi ông Obama, đánh giá
rất cao sự thể hiện và tác động của ông đối với mọi tầng lớp dân chúng Việt
Nam, trên nhiều lãnh vực: tư do, nhân quyền, biển Đông, và đặc biệt là phong
cách lãnh đạo. Một số cho là chưa có nhân vật nào làm cho người dân Việt
Nam mê Mỹ, thần tượng Mỹ như là TT Obama đã làm. (Mà mê Mỹ đồng nghĩa với mê Tự
Do, Dân Chủ). Ông Obama đã "khuấy động" được trái tim của hầu hết người
dân Việt Nam, kể cả những người CS. Đó là cuộc "diễn biến hòa binh"
tiềm ẩn nhưng thành công nhất của một vị TT Hoa Kỳ. Một cơ hội bất ngờ để người
dân trong nước bỏ phiếu giữa Tự Do và Cộng Sản. Cũng có người bất bình, trách
ông sao không đề cập đến chuyện cá chết, chuyện các nhà đấu tranh bị giam giữ,
tù đày, chuyện trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hòa. Nhưng cũng
có người thông cảm cho vai trò “quốc khách” của ông, và nghĩ rằng chuyện dỡ bỏ
lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hay Hiệp ĐịnhTPP, có thể đều kèm theo những
ràng buộc nào đó và có những cái giá phải trả. Đã chính trị là phải thủ
đoạn, khó mà lường trước được kết quả hay hậu quả của người nhận. Cũng có thể
đã có những phản đối, đòi hỏi, trao đổi đặc biệt khác, nhưng không được
công khai vì sự tế nhị của ngoại giao. Hơn nữa là một Tổng Tống Mỹ, ông chỉ làm
điều gì có lợi cho chính nước Mỹ. Như trong bài diễn văn, ông đã khẳng định là
“đất nước của các bạn nằm trong tay của các bạn, do chính các bạn định đoạt!”
...
Riêng cá nhân tôi, khi theo dõi bài diễn văn được mọi người ca ngợi, tôi
cũng ít nhiều cảm kích, cũng thầm ngợi khen cả bài diễn văn (tất nhiên không phải
do ông viết) lẫn cách thể hiện của ông. Tôi thích thú khi nghe ông nói, sỡ dĩ
có cuộc chiến đẫm máu trước kia là do nỗi sợ Cộng sản, và ông bùi ngùi chia sẻ
những hy sinh mất mát cho cả hai bên Mỹ- Việt.
Nhưng với tôi, bài diễn văn ấy vẫn chưa đủ, chưa làm cho cá nhân tôi thấy
hấp dẫn và cảm phục. Tôi nhận ra một lỗ hổng, một món nợ khác mà người Mỹ,
chính phủ Mỹ còn nợ dân chúng miền Nam Việt Nam trong vai trò một đồng minh, mà
nhiều vị Tổng Thống Mỹ, đại diện, đã từng long trọng cam kết sẽ bảo vệ, ngay cả
khi buộc Nam Việt Nam ký vào Hiệp Định Paris ngày 29.1.1973. Một bàn hiệp định
bất công, tồi tệ mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cực lực phản đối!
Là người Việt Nam, tôi luôn hiểu là đất nước tôi do người Việt nam chúng
tôi quyết định. Việc để mất miển Nam là do trách nhiệm của người miền Nam, đặc
biệt là của chính phủ và quân đội Nam Việt Nam. Nhưng rõ ràng chính phủ Mỹ đã
phản bội lời hứa, đã đồng lõa với kẻ thù để đẩy Nam Việt Nam vào bước đường
cùng. Chính ông Graham Martin, vị đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài gòn đã công nhận
và nói trước Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ là “chúng ta đã có lỗi với họ, đã phản bội
họ. Phản bội Nam Việt Nam là vết ô nhục lớn nhất của lịch sử Hoa Kỳ.” Sau này,
rất nhiều vị tướng lãnh, chính khách và nhà sử học Mỹ cũng nói lên những điều
tương tự.
Hôm nay, Mỹ đã làm bạn với Việt Nam CS, Quốc Hội và Chính Phủ Mỹ đã dỡ bỏ
rào cản cuối cùng để bắt tay với kẻ cựu thù, trở thành “đối tác toàn diện”, hay
“đối tác chiến lược”. Trong bài diễn văn được ca ngợi là một tuyệt tác”văn
hóa”, ông Obama kêu gọi “hãy quên quá khứ để hướng tới tương lai” khi trích dẫn
cả lời trong bài hát của Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài quốc ca CS, “ từ đây người
biết thương người, từ đây người biết yêu người” (mặc dù người nhạc sĩ này đã bị
chính những đồng chí của ông cầm tù, hành hạ suốt gần cả một đời), và cả bài ca
Nối Vòng Tay Lớn, mà chính tác giả phản chiến (và phản bội) Trịnh Công Sơn đã
hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.75, khi CS vừa cưỡng chiếm
miền Nam.
Khi ông Obama được chính quyền CS đón tiếp trọng thị, được dân chúng Việt
nam ngợi ca như một thần tượng của Hòa Giải, của Tự Do, thì hơn 10.000 nấm mồ của
những tử sĩ miền Nam VN vẫn bị hoang phế, phá hủy, trong Nghĩa Trang Quân Đội
Biên Hòa ( đã bị thay tên), và hàng vạn thương phế binh VNCH đang sống khốn
cùng ở trên chính quê hương mình. Cả tử sĩ và những người lính miền Nam tàn phế
già nua ấy vẫn đang bị kẻ chiến thắng tìm mọi cách hành hạ, sĩ nhục. Và
biết bao người dân miền Nam xưa giờ vẫn khốn khổ trên quê nhà. Họ đã mất gần
như tất cả, nhà cửa, tiền bạc và cả tương lai con cháu bởi sự phân biệt đối xử.
Ai sẽ chìa những bàn tay ra với họ, ai sẽ nói với họ “từ đây người biết yêu người?”
Cám ơn ông Obama đã thức tỉnh được đồng bào Việt Nam tôi trong nước, đã
thổi vào trái tim họ một luồng sinh khí mới của Tự Do, nhưng ông vẫn còn nợ người
dân miền Nam một lời xin lỗi. Và bài diễn văn của ông, được nhiều người ngợi
ca, với tôi, tiếc thay đó là một bài ca hay nhưng lỗi nhịp!
Phạm Tín An Ninh
(30.5.2016)