Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm
kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc
biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến
kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người
dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp
ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.
Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh
với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những
người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy
là “cho đỡ phần nhạy cảm”.
Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ
thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi
dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống
luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.
Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi
sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is
replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của
nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn
bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ
nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965,
Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như
vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm
duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam.
Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói
vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối.
Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản
chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố,
những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một
hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực
lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó
bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.
Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo
Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Thế Thanh, cựu giám đốc Sở Văn
hóa Thông tin Sài Gòn, cho in một loạt áo thun có in chữ Hoàng Sa-Trường
Sa-Việt Nam để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Công an văn hóa đã đến gặp và
yêu cầu bà nếu đã lỡ in rồi, thì không được phát tán rộng rãi nữa. Hôm sau, Anh
H., một người làm việc trong báo Sài Gòn Tiếp Thị, vui mừng mặc chiếc áo đó đi
làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa
đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ
làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.
Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình
các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh
quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài
Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn
khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược
của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công
an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần
hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.
Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi.
Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình
chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ
nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là
chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu
nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn
không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính
hơn.
Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là
người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng
máu, ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho
một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải
chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ
quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt
tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới
của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ
bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.
Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết
yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại
với bổng lộc và những lời xảo trá.
Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho
một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát
cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong
tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như
người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã
bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người
khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ
nhạy cảm quá”.
Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê
hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân
tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính
quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?
Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh
được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh
đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống
của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng,
hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”.
“ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của
những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?
Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối
trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết
Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần
phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống
nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở
Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa
cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?
Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ
chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những
người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá
giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào
đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có
phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không
có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai
này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?
Tuấn Khanh