Trong nước, vụ cá chết tuy chưa giải quyết, nhưng dư luận lại
quan tâm đến một vấn đề khác nóng hơn. Đó là việc ông Bob Kerrey, một cựu chiến
binh Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam, được mời giữ chức Chủ tịch Hội
đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Phản ứng mạnh nhất, và sớm nhất, đến từ bà
Tôn Nữ thị Ninh, một nhân vật ngoại giao Cộng Sản. Theo bà này:
“ông Bob Kerry hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại
học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật
ông đã là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ
nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969 . . .”
Vụ Thạnh Phong là như thế nào? Hãy nghe nhà
văn Nguyên Ngọc (trong nước) :
“Đầu năm 1969, Bob Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội
SEALs, kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được
báo có lãnh đạo cao cấp của Việt cộng sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh
Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích
vào Thạnh Phong. Ông nói rằng ông không tự tay giết người, điều ấy có thể tin,
một người chỉ huy không nhất thiết phải tự mình bắn. Nhưng ông thừa nhận ông chịu
trách nhiệm toàn bộ: họ đã giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ và trẻ em
cùng một ông già. Bob nói: “Cuối cùng vẫn là những người phụ nữ đã chết, những
đứa trẻ đã chết… vẫn là cái chết.” Và là tội ác. “Tội lỗi đối với tôi là cảm
giác đầy hủy diệt…”. Suốt 32 năm nay. Suốt đời…
Sau chiến tranh, Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ, là thống
đốc bang, là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, và trên tất cả các cương vị đó, ông đã
có đóng góp quan trọng và lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa
hai nước, ông cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế chương trình
kiên trì suốt nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói không quá,
ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa bao giờ ông
coi là có thể bù đắp tội lỗi đã gây ra. . .”.
Mới đây nhất, nhân vật ưa trình diễn Đinh
La Thăng vốn không bỏ qua một cơ hội nào để lấy điểm người Sài Gòn
cũng vội vã ý kiến:
“Tôi thiết nghĩ trong vấn đề liên quan đến ông Bob
Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng,
nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của ông cha ta trong
suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nếu chúng ta không giàu lòng tha thứ, thì dân tộc này đã
không thể mạnh mẽ và đáng được kính trọng như ngày hôm nay. . .”.
Dường như, sợi dây thần kinh xấu hổ của các vị lãnh đạo cộng
sản đã bị bất khiển dụng, đã bị tê liệt hết thuốc chữa rồi.
Trong chiến tranh, đối đầu nhau là hai bên tham chiến, sẵn
sàng bắn giết nhau trước hết là để tự vệ, để sống còn. Mấy anh Việt Cộng ở Thạnh
Phong chết nhát, không dám ra trực diện đối đầu với đám lính Mỹ súng ống đầy
người, nên núp trong dân, lấy dân làm mộc che thân. Trong trường hợp này,
“Collateral Damage” là điều không thể tránh khỏi. Thử hỏi, không có tin tình
báo về mấy anh lãnh đạo cao cấp Việt Cộng đang tụ họp bàn chuyện gây xáo trộn ở
địa phương thì làm gì xẩy ra vụ Thạnh Phong. Giết người, nhất là đàn bà, trẻ
em, dù trong thời chiến, vẫn phải xem là có tội. Với vụ Thạnh Phong, đơn vị
lính Mỹ dưới quyền ông Bob Kerrey có tội bao nhiêu thì đám lãnh đạo Việt Cộng
chết nhát dùng dân che thân phải mang tội gấp hai lần như vậy. Không có đám hèn
nhát các ông thì những người dân vô tội Thạnh Phong chắc chắn sẽ không phải chết
oan. Để rồi ngày nay nói về sự kiện ấy với tư cách kẻ không có tội lên án kẻ có
tội. Đó là một thái độ thiếu lương thiện với lịch sử, với chính vong linh những
người chết oan năm ấy.
Cái giọng điệu của quý ông bà Việt Cộng hôm nay nói về Bob
Kerrey, dù bênh hay chống việc ông ta được mời giữ chức vụ Chủ tịch Đại học
Fulbright Việt Nam, đều cố tình làm ngơ chi tiết “không có lửa làm sao có khói”
này. Lại còn mở miệng nhân nghĩa “vượt qua thù hận, vị tha”.
Tôi chưa bao giờ đồng tình với việc quân đội Mỹ có mặt ở miền
Nam trước đây, vì sự có mặt của họ đã làm cho miền Nam mất chính nghĩa, không
chỉ với người dân trong nước mà còn cả với thế giới vốn không hiểu biết nhiều lắm
về thực chất cuộc chiến lúc bấy giờ. Bây giờ, người dân trong nước và thế giới
có mở mắt ra thì mọi sự cũng đã rồi.
Thế nhưng đã hơn 40 năm sau cuộc chiến, những luận điệu
tuyên truyền ấu trĩ thời chiến tranh vẫn cứ được đem ra nhai đi nhai lại. Để
làm gì vậy? để xoa dịu cái mặc cảm ăn mày ăn nhặt hôm nay với kẻ cựu thù năm
xưa chăng? Hay không dám nhìn thẳng vào mình, không dám nhận ra những sai lầm
làm chết ba triệu con người Việt Nam để chẳng được cái tích sự gì, ngoài hơn
hai mươi năm cố gắng thoát ra khỏi hậu quả của sự sai lầm năm xưa?
Mới đây, trong một bức thư gởi người tù bất khuất Trần Huỳnh
Duy Thức, ba nhân vật của những ngày Sài Gòn xuống đường thời miền VNCH Huỳnh
tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu đã đem những ngày tù của mình thưở ấy
ra so sánh với với sự tù đầy hiện nay của anh Trần Huỳnh Duy Thức :
“ . . . chúng tôi cũng từng là những người tù chính trị
trước năm 1975, đã từng bị tra tấn, đánh đập dã man, có người tưởng đã chết nếu
không được bạn cõng đi tìm cách chạy chữa với hy vọng mong manh còn nước còn
tát. Cho đến nay, một số trong chúng tôi vẫn đang bị hành hạ bởi những di chứng
của cuộc sống trong tù buổi ấy. . .”.
Dường như quý ông tác giả bức thư nói trên đã quên mất rằng
ngày xưa họ bị tù vì tiếp tay cho cái chủ nghĩa bất nhân cộng sản chiến thắng,
để ngày nay nó đã bỏ tù bao con người đòi hỏi tự do dân chủ cho đất nước, trong
đó có anh Trần Huỳnh Duy Thức. Chia sẻ thì cứ chia sẻ, đồng cảm thì cứ đồng cảm,
nhưng chớ nên so sánh, đã không ích gì mà đôi khi còn gây phản ứng ngược trong
nỗ lực liên kết những người cùng chí hướng. Tôi tin rằng nếu quý ông nói trên
đã dám nhìn lại chính mình thì hẳn sẽ không có đoạn văn rất “phản cảm” nói
trên.
Nhìn lại mình khó đến vậy sao?
Chúng ta đã sống qua một giai đoạn lịch sử đầy những nhiễu
nhương. Sai Đúng Phải Trái Sống Chết Công Tội đan lẫn vào nhau, xoắn xuýt vào
nhau, thành búi, thành bó. Để gỡ những mớ rối rắm ấy cần thời gian rất dài. Mà
những người trong cuộc nhiều nhất cũng chỉ còn vài năm nữa để sống. Sao mỗi người
trong chúng ta không thể tự sòng phẳng với mình, tự lương thiện – dù chỉ một lần
– với chính mình ? Mà giả như không thể làm được điều đó – vì nó khó quá, vì nó
ngược lại với bản chất của con người mình – thì ít nhất, cũng đừng làm rối rắm
thêm mớ rối rắm hiện nay, đừng mang thêm tội lừa dối các thế hệ mai sau nữa.
Để vài năm nữa đây, nằm bất động một chỗ, vì tai biến mạch
máu não, vì các chứng bệnh già lão, mình cũng tạm an tâm đã làm việc phải làm,
đã không làm việc không nên làm.
Phải không ?
T.Vấn