14 June 2016

DANH DỰ - Y Ban

Truyện xưa kể lại rằng, năm ấy làng mở hội, mổ một con lợn giao cho nhà Phúc làm cỗ. Phúc là một người chăm chỉ làm ăn có tiếng của làng nên mới được giao cho việc làm cỗ cho làng. Vợ chồng Phúc thức giấc sớm, bắc một cái chảo to giữa sân, rồi nổi lửa. Một lúc sau mùi thịt chín đã thơm nức. Các cụ già của làng đi ra đình tế lễ. Phúc ở nhà cùng vợ múc thịt ra bát để bê ra đình. Vợ múc ra bát những miếng thịt, miếng lòng còn Phúc thì khùa xuống tận đáy chảo để tìm quả tim. Quả tim con lợn cúng tế rất quan trọng. Nếu không có quả tim thì năm đấy thần linh sẽ không phù hộ cho dân làng có vụ mùa tốt tươi.

Phúc khùa xuống tận đáy chảo mà không hề thấy quả tim đâu. Lưng Phúc đã ướt đầm mồ hôi. Phúc lại khùa một lần nữa xuống tận đáy chảo. Vẫn không thấy quả tim. Phúc ngã ngồi xuống đất thở dốc từng cơn. Phúc nghĩ đến danh dự của gia đình. Phúc nghĩ đến danh dự của những già làng đã giao cho Phúc làm cỗ cho làng. Phúc nghĩ đến danh dự của làng không có quả tim cúng trời đất. Phúc nghĩ hay là chạy vào rừng để săn một con lợn khác. Không kịp rồi, có người đã báo phải mang cỗ ra đình. Phúc đang nghĩ thì thằng con trai bé của Phúc chạy qua. Thôi đúng rồi, lúc Phúc nổi lửa đun thịt chỉ có nó chạy qua chạy lại. Chắc là nó đã vớt quả tim ăn mất rồi. Con ơi, con ăn mất quả tim là đã ăn mất danh dự của cha rồi. Mất danh dự thì coi như là chết nhục con ạ. Chết mà vẫn còn danh dự là cái chết vinh con ạ. Cha có thể chết, cả nhà mình có thể chết nhưng không thể mất danh dự. Nghĩ rồi người cha bèn lôi con trai vào rừng, mổ ngực con trai lấy quả tim cho vào chảo luộc.
Cúng lễ xong cả làng ăn uống vui vẻ. Phúc và người vợ bưng những bát thức ăn thơm nức lên cho dân làng. Khi thức ăn đã cạn, ở dưới đáy chảo còn trơ lại một quả tim. Phúc thò cả hai tay vớt quả tim lên ôm vào ngực. Một quả tim đã được đưa lên cho các già làng cúng thần, còn một quả tim nào nữa đây? Chao ôi thế là Phúc đã giết nhầm con trai mình rồi. Phúc ôm quả tim đã chín chạy vào rừng, đến cạnh xác con trai. Phúc quì xuống đặt quả tim vào ngực con rồi nằm xuống bên cạnh con đâm mạnh con dao vào trái tim đang tan nát của người cha.
Tôi sinh ra vào đúng năm Mỹ leo thang ra bắn phá miền Bắc. Cha mẹ tôi phải đi sơ tán về quê. Mẹ tôi kể. cái đêm mẹ đi sinh tôi thì cha tôi đi vắng. Bà chủ nhà tốt bụng đã đưa mẹ tôi đi sinh ở trạm xá. Trời tối đen như mực. Mẹ dò dẫm từng bước mà cứ bước lòm bõm xuống ruộng. Bà chủ nhà phải kẹp tay mẹ vào nách để dẫn đi. Trong ánh đèn dầu tù mù tiếng bà đỡ như rên lên: bé tí bé tẹo thế này thì nuôi sao được. Vậy mà tôi vẫn tồn tại trên cõi đời này. Thỉnh thoảng tôi được nghe mẹ và bà ngoại kể lại những đận khốn khổ vì nuôi tôi. Tôi đã bé tí bé tẹo lại còn khóc dạ đề đủ 3 tháng 10 ngày. Khóc ra rả. Không có cách nào dỗ con mẹ tôi cũng khóc. Đêm không ngủ được vì dỗ con mẹ tôi mất sữa. Cái khó nọ chồng lên cái khó kia. Hết khóc dạ đề lại chuyển sang nôn và ỉa chảy. Mẹ tôi đã nuôi tôi lớn bằng nước mắt của mẹ.
Tôi là con gái đầu lòng, cho đến năm 1972 khi cha tôi đi B ở Quảng Trị mẹ tôi đã sinh thêm 3 đứa em trai nữa. Ơn giời 3 đứa em sau của tôi không khó nuôi như tôi nhưng cũng sài cũng đẹn, nhọt đầu đinh đầu. Có một cái món ăn mà đến giờ tôi vẫn nhớ. Đó là đỗ đen hầm với gai bồ kết. Mẹ phải đạp xe về quê ngoại cách nơi sơ tán gần 20 km để lấy gai bồ kết. Bài thuốc dân gian để chữa mụn đầu đinh. Năm 1973 hiệp định Pa ri được ký kết, mẹ đưa chúng tôi về thành phố, khi đó tôi mới 8 tuổi. Vậy mà tôi đã biết trông các em cho mẹ đi làm. Chúng tôi ở khu tập thể của nhà máy, nơi trước khi đi B bố tôi làm việc. Khi phải trông em cho mẹ đi làm tôi bế em sang hàng xóm chơi. Tôi nghe những người hàng xóm nói chuyện với nhau rằng: Mẹ nó bán hàng thực phẩm mà con cái cũng gầy nhẳng gầy nheo. Tôi để ý và cũng thấy sự khác biệt đó. Bữa cơm nhà tôi luôn có thức ăn, khi thì đậu rán, khi thì thịt kho, khi thì cá nấu. Dù ít thôi, không đủ ăn hết bữa cơm. Trong khi đó những nhà hàng xóm tôi hay bế em sang chơi thì năm thì mười họa tôi mới thấy bữa cơm nhà họ có thịt có cá. Ngày đó chúng tôi sống bằng sổ gạo và tem phiếu.
Khi tôi lên 10 thì đất nước hoàn toàn thống nhất. Niềm vui lớn nhất của nhà tôi là bố tôi trở về nguyên vẹn. Nhưng niềm vui không trọn vẹn vì một sự cố khủng khiếp thời bấy giờ: Mẹ tôi bị đuổi việc, cắt sổ gạo, cắt tem phiếu. Mà việc bị cắt sổ gạo là đồng nghĩa với việc cả nhà bị đói. Tôi còn bé nên không hiểu ngọn ngành vì sao lại thế. Tôi chỉ biết mẹ tôi suy sụp lắm. Suốt ngày mẹ nằm trên gường, mặt quay vào vách, không ăn không uống, chỉ khóc và thở dài. Bố sợ mẹ chết mất nên mời bà ngoại ở quê lên chăm sóc mẹ. Nhưng thực ra bố tôi đã không thể chống đỡ được cái việc đói ăn của nhà tôi. Ban đầu khi mẹ bị đuổi việc thì có bạn bè của bố mẹ đến thăm, họ mang theo mỗi người mấy bò gạo để làm quà. Sau đó tôi vác rá đi vay hàng xóm. Vay được 3, 4 bận mà không trả vì thế không ai cho vay nữa. Bố dành được ít tiền đi ra chợ để đong gạo. Đi khắp các chợ mà cũng không có gạo mà đong. Mấy ngày liền chúng tôi phải ăn cháo, rồi ăn ngô triền miên cả tuần. Mặt mũi chúng tôi vàng như ngô. Bà vay mượn thóc của họ hàng ở quê, xay giã mang xuống phố cứu đói cho bố con tôi.
Mẹ nằm như vậy đến 3 tháng trời. Bà bảo mẹ bị bệnh ốm đứng. Ốm đứng thì chả thầy thuốc nào chữa nổi. Thầy thuốc chả tìm ra bệnh gì. Không có bệnh gì thì sao cần phải chữa. Không có bệnh gì nhưng vẫn ốm. Có người ốm đứng mà chết. Rồi một ngày mẹ dậy. Mẹ dọn nhà dọn cửa. Mẹ tắm táp cho lũ em. Mẹ khâu lại những lỗ thủng trên áo quần của bố. Mẹ nhờ bà ở lại chăm sóc cho lũ trẻ. Mẹ tay nải ra đi. Lũ em nhỏ chưa biết gì cứ níu áo mẹ khóc. Tôi gạt nước mắt vào tay áo để mẹ không nhìn thấy. Bà thì thở dài dặn mẹ: Ở trên ấy rừng thiêng nước độc, con nhớ giữ gìn nhé.
Mẹ đi 1 tháng sau mẹ về, mang bao nhiêu là quà cho chúng tôi và gạo đỗ cho bà. Nhà chúng tôi lại rủng rỉnh cái ăn. Mẹ ở nhà mấy ngày mẹ lại tay nải ra đi. Mẹ cứ đi đi về về như thế nên cái đận đói kém những năm 80 gia đình tôi không mắc phải. Chị em tôi học hành tấn tới. Tôi được vào đại học, rồi thằng em trai kế tiếp tôi cũng được vào đại học. Căn nhà 2 tầng của nhà tôi xây đầu tiên trong khu. Nhiều người khen ngợi mẹ tôi giỏi giang.
Bà ngoại tôi ở với gia đình tôi từ ngày mẹ tôi bị ốm đứng đến giờ. Bà rất hay kể chuyện cho chị em tôi nghe. Câu chuyện danh dự mà người bố giết con để lấy quả tim tôi được nghe chính bà kể khi tôi về nghỉ hè. Bà kể cho tôi nghe chuyện đó xong thì nói:
- Cháu gái bà đã 20 tuổi rồi. Cháu có muốn nghe câu chuyện vì sao mẹ cháu bị đuổi việc khỏi nhà nước không?
- Bà ơi, chuyện buồn, bà đừng nhắc lại nữa. Cháu không muốn biết đâu bà ạ.
- Cháu chưa nghe sao biết chuyện buồn. Bà muốn kể cho cháu, cháu gái ạ. À, vì cháu là đàn bà con gái, cháu sẽ sinh ra những đứa con.
- Câu chuyện thế này. Ngày ấy, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ Đô 10-10 người ta bèn mở hội thi mậu dịch viên giỏi. Mẹ cháu đã đoạt giải nhất cấp quận nên được đi thi cấp thành phố. Được đi thi ở cấp thành phố là vinh dự lắm. Hôm ấy trống dong cờ mở, nhiều mậu dịch viên đến dự cổ vũ đã đành lại có nhiều quan chức của thành phố nữa. Mẹ cháu trổ tài pha thịt một con lợn hơn một tạ. Mẹ cháu hôm ấy trông thật oách. Mặc một bộ quần áo đẹp, khoác một chiếc tạp dề trắng toát. Mẹ cháu pha thịt thật điệu nghệ. Những người dự hội thi đều xuýt xoa khen ngợi và chắc mẩm phần thắng đã thuộc về mẹ cháu. Bỗng khi pha đến dải thăn, mẹ cháu cắt một đoạn dài thăn dài chừng 10 cm, rồi nhanh tay nhét luôn vào cạp quần. Những đồng nghiệp của mẹ tái mặt. Những quan khách đến dự thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lát sau thì họ đã hiểu sự tình.
Mẹ cháu đã bị duổi khỏi ngành vì đã nhập vai cô mậu dịch viên bán thịt thời bao cấp một cách siêu hạng. Mẹ cháu đã khổ nhục ê chề, ốm ròng rã 3 tháng trời. Rồi một hôm mẹ cháu nói với bà:
- Mẹ ơi, con không ân hận gì đâu. Nhìn lũ con của con khổ quá con mới làm thế. Mẹ hay dạy con về danh dự mẹ ạ. Con đã ê chề vì đánh mất danh dự mà mẹ đã nuôi dưỡng và vun đắt nó cho con. Con đau đớn đã bất hiếu với mẹ. Nhưng mẹ ơi, 4 đứa con của con chúng thèm thịt lắm mẹ ạ. Mẹ tha thứ cho con. Con khỏi bệnh rồi, con đi kiếm sống đây mẹ ạ. Mẹ chăm sóc lũ trẻ cho con. Bài học danh dự của mẹ và cơm gạo của con, con chắc chúng sẽ là những người tốt mẹ ạ. Mẹ ơi, mẹ còn nhớ hồi con còn bé lắm, mẹ đã bảo con là có thực mới vực được đạo mẹ nhỉ. Con khỏi bệnh rồi mẹ ạ.
- Đấy câu chuyện về mẹ cháu là thế đấy. Cháu hãy là người tốt cháu nhé.
Thật lạ kỳ, khi bà kể câu chuyện danh dự thì tôi khóc tức tưởi vì thương cho số phận oan nghiệt của hai người đàn ông. Vậy mà khi bà kể câu chuyện về mẹ, giọng bà kể thật ngậm ngùi thì tôi lại cười nắc nẻ. Tôi nói với bà:
- Bà biết không, thịt mẹ cháu kho thật tuyệt. Cháu còn nhớ như in những miếng thịt mẹ cháu mang về ngày ấy. Chúng thường bé bé, vụn vụn nhưng mẹ cháu kho ngon tuyệt. Hồi ấy cháu cứ ước sao mẹ cháu không mang về những miếng thịt to hơn bà ạ.
Đến bây giờ tôi đã làm người đàn bà trưởng thành. Cuộc sống hiện tại của tôi dư rả, tôi phải ăn kiêng vì sợ cholesteron cao gây bệnh tim mạch, béo phì. Vậy mà trong giấc mơ tôi luôn quay về với món thịt vụn kho ngon tuyệt vời của mẹ. Và trong tôi có một câu hỏi mà tôi chưa tìm được câu trả lời: Đó là với đàn bà danh dự lớn hơn hay miếng thịt cho con lớn hơn? Thôi có lẽ tôi không nên tìm câu trả lời nữa. Cuộc đời bí ẩn và thiêng liêng chính là ở những câu hỏi chưa được trả lời như vậy...

Y Ban