Đăng ngồi trên boong tàu, cúi đầu
nhìn Bảo Nhi, cô gái đang nằm trong lòng mình. Nàng vừa bị say sóng, vừa bị
bệnh nặng nên mấy ngày qua, nằm mê man trong hầm tàu. Cả hai lần tàu bị hải tặc
tấn công, nàng vẫn bất tỉnh, không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra. Đăng
đưa mắt nhìn quanh quất. Chung quanh Đăng, xác người nằm la liệt. Máu chảy
loang lỗ trên sàn tàu, bây giờ đã bắt đầu đông lại thành những vũng lớn, nhầy
nhụa, tanh tưởi. Đăng lắc đầu ngao ngán; hơn phân nữa đám dân tỵ nạn trên tàu nằm
trong đám xác này. Đăng tự hỏi không biết có bao nhiêu người đã chết thật sự và
bao nhiêu người vẫn còn sống. Không nghe thấy tiếng rên rỉ, Đăng biết có hỏi
cũng bằng thừa; nếu có người chưa chết thì với những nhát dao mác trí mạng trên
người, chắc người ấy cũng chẳng sống thêm được bao lâu.
Đăng lại nhìn xuống hầm tàu. Phân
nửa dân tỵ nạn còn lại đang nằm ở đấy. Khác với đám trên boong tàu, đám trong
hầm tàu đa số là đàn bà con gái. Suốt mấy ngày hải trình từ Việt-nam đến đây,
đám dân tỵ nạn khốn khổ trên tàu phải trải qua nhiều cơn gió bão. Trên những
con sóng cao như những ngọn đồi nhỏ, chiếc tàu tỵ nạn giống như một chiếc lá
giữa trận cuồng phong, tròng trành, lảo đảo, nhô lên, hụp xuống, nghiêng bên
này, ngã bên kia. Đám đàn bà con gái, vì yếu sức, bị say sóng nặng nề, ói mửa
liên miên. Suốt ba ngày, họ không ăn uống được gì nên cả bọn lã người ra, nằm
bất động bên nhau trong hầm tàu giống như cá trong một lon cá hộp. Tuy không bị
đâm chém, nhưng số phận cũng họ chẳng khác gì đám tỵ nạn trên boong, chỉ còn nằm
chờ chết mà thôi.
Hai ngày qua, tàu của Đăng đă đụng
độ với hải tặc hai lần rồi. Lần đầu tiên xảy ra chiều hôm qua. Sau mấy ngày gió
bảo, sóng yên biển lặng trở lại, mọi người tưởng đã hết cơn hoạn nạn. Không
ngờ, một chiếc tàu đánh cá Thái không biết từ đâu chạy đến, ghé sát vào tàu của
Đăng. Một đám đàn ông từ tàu Thái nhảy sang tàu tỵ nạn, tay vung dao, mác,
miệng hò hét loạn xạ. Bọn Đăng không có ai hiểu tiếng Thái, nhưng ai cũng biết
là, khi nhảy qua tàu tỵ nạn, đám người này không còn là ngư phủ hiền lành lương
thiện nữa. Trên tàu Đăng, không một ai chống cự. Đám hải tặc dồn hết mọi người
trên tàu về một phía. Sau khi lục lọi khắp tàu tìm của, chúng lôi từng người tỵ
nạn ra, lột hết tất cả những gì quý giá người ấy đang mang trên người. Ngoài
việc cướp bóc tài sản, đám hải tặc không phuơng hại đến người tỵ nạn trên tàu,
nhưng trước khi bỏ đi, chúng xuống hầm mày, cắt bỏ ống dẫn dầu khiến tàu của
Đăng bị chết máy ngay giữa biển. Sau khi hải tặc bỏ đi, mấy mươi người tỵ nạn
trên tàu sống qua một đêm vừa mừng vừa sợ; sợ vì không biết tàu sẽ trôi dạt về
đâu còn mừng vì cho dù bị mất của nhưng họ vẫn còn giữ được mạng sống. Nhưng
nỗi vui mừng được sống sót đó cũng không kéo dài được lâu. Gần trưa hôm nay,
một chiếc tàu đánh cá Thái khác chạy đến, cập vào tàu tỵ nạn. Đám dân tỵ nạn
trên tàu đứng yên, chờ đợi. Mình đâu còn gì để cho chúng cướp nữa mà sợ; chúng
lục lọi, thấy không có của cải gì sẽ bỏ đi, vậy là yên thân. Không ngờ đám hải
tặc lần này khác hẳn với đám hôm qua, hung ác man rợ như một đám dã thú. Vừa
nhảy qua tàu tỵ nạn, chúng đã vung dao, vung mác chém loạn xạ. Mấy người đàn
ông đứng gần đó vừa đưa tay ra định phân trần thì đã bị chúng chém ngã quay ra
tại chỗ. Sau đó, bọn hải tặc chia làm hai nhóm, một nhóm nhỏ đi lùng bắt đàn bà
con gái trên boong tàu tỵ nạn lôi về tàu hải tặc, còn nhóm kia đi chém giết
những người còn lại. Lúc ấy, đám đàn ông trên tàu tỵ nạn mới hiểu rõ. Thì ra,
hai đám hải tặc này là cùng một phe. Đám ngày hôm qua đi cướp của rồi phá cho
tàu tỵ nạn không chạy được để đám hôm nay đến giết người, cướp gái. Họ biết,
nhưng đã quá trễ. Sau mấy ngày lao đao vì sóng gió, họ tuy là đàn ông nhưng
người nào người nấy đều kiệt sức, bây giờ lại đụng độ với hải tặc mà trên tay
không có lấy một tấc sắt. Chẳng bao lâu, tất cả những người còn lại trên boong
tàu tỵ nạn, đàn ông, đàn bà già, và con nít, tất cả đều bị hải tặc sát hại.
Lúc đám hải tặc thứ nhì đang hăng
máu chém giết trên boong tàu, Đăng đang cuống cuồng lo lắng cho Bảo Nhi dưới
hầm tàu. Nghe tiếng quát thét, tiếng kêu khóc van xin, tiếng gào rú của người
bị thảm tử từ trên boong tàu vọng xuống, Đăng biết là nguy rồi. Đăng vội vã bỏ
Bảo Nhi ra, nhìn quanh quất rồi chụp đại một miếng gỗ trên sàn tàu tạm dùng làm
vũ khí. Đăng định chạy lên trên thì vừa lúc năm tên hải tặc từ trên boong ùa
xuống. Đăng nhờ lợi thế bất ngờ, dùng miếng gỗ đánh gục tên hải tặc đi đầu,
cướp dao của nó rồi mở cuộc hỗn chiến với bốn tên còn lại trong hầm tàu chật
hẹp. Nhờ giỏi võ, Đăng chém được ba tên nữa, nhưng chính bản thân Đăng cũng bị
hai vết chém khá sâu ở đùi và vai phải. Tên hải tặc sống sót bỏ chạy lên trên,
miệng kêu cứu inh ỏi. Ba tên đồng bọn của nó trên tàu hải tặc chưa biết làm gì,
thì Đăng cũng vừa khập khiễng đuổi tới. Vút một tiếng, lưỡi dao từ tay Đăng bay
tới, ghim sâu vào lưng tên hải tặc. Nó lảo đảo vài giây rồi ngã xuống, nằm gục
bên những người tỵ nạn mà trước đó không lâu, nó đã góp tay chém giết. Đồng bọn
của nó trên tàu hải tặc đang định nhảy qua tàu tỵ nạn thấy nó chết thì thất
kinh, nhảy lùi ra sau. Tiếng máy tàu nổi lên, rời chiếc tàu hải tặc rời
tàu tỵ nạn, chạy xa dần, xa dần.
Sau trận huyết chiến, Đăng nhịn đau,
bế Bảo Nhi lên boong tàu, đặt cô bé vào lòng mình, rồi ngồi dựa vào thành tàu,
canh chừng đám hải tặc. Thỉnh thoảng, Đăng dõi mắt về chiếc tàu hải tặc. Nó vẫn
còn đó, không bỏ đi cũng không tiến lại gần. Bọn chúng đang tính chuyện gì đây?
Vừa hỏi, Đăng đã có ngay câu trả lời: chúng đang chờ viện binh. Điều này thì
sắp có một trận tử chiến với hải tặc rồi. Ngay trong lần tấn công tàu tỵ
nạn lần thứ nhì, ý định của đám hải tặc đã rất rõ ràng; sau khi cướp của, bắt
gái, chúng sẽ giết sạch những người còn lại rồi nhận chìm tàu tỵ nạn để không
còn một nhân chứng, một dấu vết gì về hành động dã man của chúng.
Từ xa xa, đám hải tặc vẫn có thể
nhìn thấy Đăng, nhưng chắc chúng không thể nào tưởng tượng được là năm tên đồng
bọn của mình bị chết trong tay một người tỵ nạn. Giải thích hợp lý nhất mà bọn
chúng có thể có được là trên tàu tỵ nạn vẫn còn nhiều người đàn ông có thể
chống trả; Đăng ngồi trên boong làm mồi nhử, trong khi đám đàn ông kia thì phục
trong hầm tàu chờ chúng đến. Như vậy, hải tặc sẽ không tấn công cho đến khi nào
chúng cảm thấy đủ sức đè bẹp những người tỵ nạn trên tàu, không để cho họ có
một sức phản kháng nào.
Nghĩ đến đây, Đăng cười khổ. Sau
trận huyết chiến khi trưa, một phần vì mất máu, một phần vì hai vết thương trên
người hành hạ, Đăng bây giờ đã kiệt lực rồi. Đừng nói đến viện binh với dao búa
trong tay làm gì, bây giờ chỉ có một tên hải tặc với hai bàn tay không Đăng
cũng không đủ sức đánh trả. Đăng rùng mình. Bọn chúng có viện binh, còn Đăng
thì chỉ một thân một mình.
Mình phải tìm một cái gì để chống
lại bọn chúng. Đăng nhẹ nhàng đặt Bảo Nhi xuống sàn tàu, rồi nghiến răng nhịn
đau, bò xuống hầm tàu. Đăng mò mẫm quanh quất một hồi nhưng chẳng tìm thấy được
một vật gì khả dĩ có thể dùng làm vũ khí để một mình có thể chống cự lại cả đám
hải tặc. Đăng bổng nhìn thấy một cái chai thủy tinh khá lớn nằm gần máy
tàu . Cái chai được bịt nút bần, bên trong chứa đầy một chất lỏng màu vàng đậm.
Đăng suy nghĩ rồi hiểu ngay. Chủ tàu đã chuẩn bị cho chuyến vượt biên này một
thời gian rất lâu. Để tránh sự theo dõi của Công an, mọi thứ, đặc biệt là xăng
dầu, phải được tích trữ mỗi lần một ít. Cái chai này có lẽ trước đó dùng để trữ
nước mắm hay nước uống cần cho những chuyến ra biển đánh cá nhưng sau đó chủ
tàu đổ xăng dầu vào, nhét nút cẩn thận rồi đem chôn dưới cát cho đến ngày vượt
biên mới đào lên. Đăng nhìn cái chai đăm đăm; một ý nghĩ bỗng hiện ra trong
đầu. Không nói không rằng, Đăng nhịn đau khệ nệ ôm cái chai rồi vừa lết vừa bò,
mang cái chai lên boong tàu. Đăng đến bên xác tên hải tặc, mò mẫm trong túi áo
quần nó một hồi rồi moi ra một cái hộp quẹt máy. "May quá, đây
rồi", Đăng reo nhỏ. Rồi Đăng rút lưỡi dao đang cắm sau lưng tên hải tặc,
dùng nó để cắt áo tên hải tặc thành mấy mảnh vải dài. Xong xuôi đâu đấy, Đăng
mang mọi thứ bò về bên cái chai. Đăng mở nút chai, đổ một ít dầu lên mấy mảnh
vải. Rồi Đăng nhét mấy mảnh vải ướt dầu nữa trong nửa ngoài vào trong chai. Cái
chai lúc ấy trông như một cái đèn dầu lớn với mấy cái tim đèn chìa ra ngoài
miệng chai. "Xong xuôi", Đăng thầm nhủ. "Chỉ cần đốt
lên rồi ném vào hầm tàu của chúng". Đăng gật gật đầu có về hài lòng.
"Bọn chúng mà không thành heo quay thì cũng chỉ có đường làm mồi cho cá
mập". Nghĩ đến đó, Đăng co tay theo tư thế hai tay bưng cái chai nặng hất
tung về phía trước. Nhưng tay vừa cất lên, Đăng đã nhăn mặt kêu lên một tiếng.
Vết chém bên vai phải bây giờ đã cầm máu, nhưng chỉ một động tác nhẹ cũng đủ
làm Đăng đau đớn kịch liệt. Đăng lắc đầu thở dài. Điệu này thì chỉ còn cách dụ
hết bọn chúng qua tàu mình rồi đốt tàu để cho chết hết cả đám. Đăng lại lắc
đầu. Không được. Hải Đăng đấu với hải tặc, chết theo hải tặc thì không sao,
nhưng còn Bảo Nhi thì sao đây?
Đăng bò đến bên Bảo Nhi rồi bế nàng
vào lòng. Hải Đăng, hải tặc, Bảo Nhi. Đăng cúi nhìn người con gái đang nằm
thiêm thiếp trong lòng mình. Bất giác, Đăng nhớ lại lần đầu hai người gặp gỡ và
câu nói của Thiếu tá Quận trưởng lúc đó. "Mi tên là Hải Đăng, nhưng
coi bộ mi nhìn con Bảo Nhi lom lom, tau thấy mi giống hải tặc hơn". Đăng
mỉm cười, nhắm mắt hồi tưởng. Mới đó mà đã bốn năm rồi...
***
Lần đầu tiên khi Đăng đến trình
diện, Thiếu tá Quận trưởng chỉ hỏi có mấy câu ngắn ngủi, gọn lỏn.
"Cậu là cháu Trung tá
Hùng?"
"Dạ, Thiếu tá"
"Cậu biết lái xe jeep?"
"Dạ, Thiếu tá"
"Cậu chịu làm tài xế?"
"Dạ, Thiếu tá".
Thiếu tá Quận trưởng gật đầu.
"Được, cậu đi tìm cái gì để ăn đi, một giờ chiều đến đây đưa tôi đến Đồn
40"
"Dạ, Thiếu tá", Đăng nhanh
nhẩu trả lời. "Nhưng..."
Thiếu tá Quận trưởng nhíu mày .
"Cậu lôi thôi quá, còn nhưng nhị gì nữa?"
"Dạ em không biết Đồn 40 ở
đâu"
Thiếu tá Quận trưởng cười xòa.
"Tưởng gì. Cậu theo tỉnh lộ đến cuối phố sẽ gặp một con đường đất đỏ bên
tay trái. Chạy hết đường đó là tới đồn. Mất khoảng 1 giờ". Ông nhìn Đăng,
nheo mắt rồi nói tiếp. "Nếu không cán phải mìn hay bị Vi Xi phục
kích".
Chiều hôm đó, Đăng lái xe đưa Thiếu
tá Quận trưởng, một người lính cận vệ và một người lính truyền tin đến Đồn 40.
Đường núi quanh co, lồi lõm, bụi đỏ tung mù trời. Đăng vừa chú tâm lái xe vừa thầm
nghĩ. "Cha nầy chịu chơi thiệt. Không sợ mìn, không sợ Việt cộng, lại chịu
để cho thằng chân ướt chân ráo như mình làm tài xế". Cũng may, như lời
Thiếu tá Quận trưởng nói, một giờ sau, cả bọn đến đồn bình yên.
"Có teo không?", Thiếu tá
Quân trưởng hỏi Đăng.
"Dạ không", Đăng vừa cười
vừa trả lời. "Mạng Thiếu tá quý hơn mạng em. Thiếu tá không sợ, chẳng lẽ
em lại sợ"
Thiếu tá Quận trưởng gật đầu, tỏ vè
hài lòng. "Chịu chơi lắm". Ngay lúc ấy, người đại đội trưởng chỉ huy
tiền đồn và mấy người lính khác cũng vừa bước đến. Thiếu tá Quận trưởng dặn
Đăng và hai người lính trên xe. "Ba người ở đây chờ tôi. Chiều nay có lẽ
mình sẽ về trễ". Ông nhìn Đăng rồi nói tiếp. "Càng hay. Tôi muốn xem
tài lái xe đường núi ban đêm của cậu".
Tối hôm ấy, khi cả bọn về đến quận
lỵ thì trời đã tối sẫm. Đăng vừa ngừng xe trước tư thất của quận trưởng thì cửa
đã mở. Vợ Thiếu tá quận trưởng từ bên trong chạy ra."Anh về trễ làm em lo
quá", bà nói. Nhìn thấy Đăng, bà hỏi. "Anh lại có tài xế mới?"
Thiếu tá Quận trưởng gật đầu cười.
"Đúng vậy. Cháu Trung tá Hùng đó. Chịu chơi lắm". Rồi ông quay sang
hỏi Đăng. "Cậu mới đến, đã có chỗ ở chưa?"
"Dạ chưa, Thiếu tá"
Vợ Thiếu tá Quận trưởng chỉ hai
người lính trong xe. "Cậu làm tài xế cho Thiếu tá, vậy thì cũng như hai
anh này. Ở đây vẫn còn chỗ; cậu ở luôn đi, tiện hơn"
Đăng lí nhí cám ơn. Hai người lính
từ sau xe, nhảy xuống rồi biến dạng. Đăng tắt máy xe rồi lẽo đẽo theo hai vợ
chồng Thiếu tá Quận trưởng vào dinh. Ba người đến phòng ăn. Trên bàn, cơm nước
đã dọn sẵn. Một người con gái trẻ đang ngồi chờ.
"Hai mẹ con em chờ anh cả tiếng
đồng hồ rồi đấy", vợ Thiếu tá Quận trưởng cười nói. "Em bảo con gái
cưng của anh ăn trước, nhưng nó không chịu, muốn ăn cùng lần với ba".
"Con gái cưng của anh?",
Thiếu tá quận trưởng vừa cười vừa ngồi xuống ghế. "Bộ nó không phải
là con gái cưng của em nữa hay sao?"
Đăng mỉm cười. Nhìn gia đình Thiếu
tá Quận trưởng hạnh phúc, Đăng rất ngưỡng mộ. Vợ Thiếu tá Quận trưởng quay sang
Đăng rồi vừa cười vừa chỉ xuống chiếc ghế trước mặt Đăng. "Ngồi xuống ăn
cơm chung đi"
"Da, không dám, thưa bà Quận
truởng"
Vợ Thiếu tá quận trưởng cười
xòa. "Ổng làm quận trưởng chớ đâu phải là tui. Cháu Trung tá Hùng
thì cũng như là cháu của tui. Gọi là bác đi". Bà chỉ tay vào chồng giới
thiệu. "Ổng tên Phúc, còn bác tên Hạnh. Hạnh Phúc, tên bác đi trước
tên ổng như vậy có nghĩa là bác oai hơn ổng". Cả hai vợ chồng cùng cười.
Bà lại chỉ tay vào cô
gái rồi nói tiếp. "Còn con nhỏ
này là Bảo Nhi". Bà lại nhắc. "Con ngồi xuống đi"
Đăng "dạ" một tiếng rồi
rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Bảo Nhi. Cả hai cùng ngước mặt lên
nhìn nhau rồi cùng kêu "Ủa" một tiếng.
"Thật sự mi tên chi?",
Thiếu tá Phúc quay sang hỏi Đăng.
"Dạ em tên...ý, không phải, tôi
tên..., ý, lại không phải nữa,... con... con...tên là Đăng. Nguyễn Hải
Đăng".
Điệu bộ lúng túng của Đăng làm ba
người kia cười nghiêng ngã. Thiếu tá Phúc nín cười rồi nói. "Mi lôi
thôi quá; ba hồi xưng em, ba hồi xưng tôi, rồi cuối cùng thì lại xưng bằng con,
vậy là nghĩa lý gì?"
Đăng đỏ mặt lúng túng chưa biết trả
lời như thế nào thì bà Hạnh đến cứu nguy. "Con đừng lo", bà
nói. "Khi ổng xưng tau mi với con thì tức là ổng xem con là người
nhà rồi"
"Thật sự mi tên Hải
Đăng?", Thiếu tá Phúc lại hỏi.
Không biết ý Thiếu tá Phúc muốn gì,
nhưng sau khi nghe vợ ông ta giải thích, Đăng mạnh dạn trả lời. "Dạ,
Thiếu tá. Thật sự con tên là Hải Đăng".
Thiếu tá Phúc lắc đầu. "Tau
thấy không phải vậy", ông nói. "Mi tên là Hải Đăng, nhưng coi bộ mi
nhìn con Bảo Nhi lom lom, tau thấy mi giống hải tặc hơn".
Cả ba người trong gia đình Thiếu tá
bật cười. Bảo Nhi nói. "Sao hôm nay ba ăn nói kỳ quá. Cái gì mà nhìn lom
lom!".
"Bộ không phải sao?".
Thiếu tá Phúc nhìn con gái rồi vừa cười vừa hỏi. "Bộ con đã quen với thằng
hải tặc này rồi hả?"
Bảo Nhi đỏ mặt lắc đầu.
"Đâu có, con đâu có quen"
Thiếu tá Phúc nhìn con gái rồi vừa
cười vừa hỏi tiếp. "Không quen, vậy sao khi con và nó thấy mặt nhau thì cả
hai đứa đều kêu "Ủa"?"
"Sáng nay con có gặp ảnh, nhưng
gặp đâu phải là quen", Bảo Nhi đáp.
"Nó mới chân ướt chân ráo đến
đây làm sao con gặp nó được?"
"Sáng nay con đi học", Bảo
Nhi giải thích. "Khi đi ngang qua bến xe thì bị năm sáu thằng cà chớn chận
lại chọc ghẹo. Con chưa biết phải làm sao, thì may có ảnh đến can thiệp"
"Rồi sao nữa?"
"Rồi bọn cà chớn bỏ chạy hết và
con tiếp tục đi đến trường". Bảo Nhi nhìn Đăng rồi cười nói tiếp.
"Còn ảnh đi đâu con cũng không biết".
Thiếu tá Phúc nhìn Đăng chầm chầm.
"Mi làm sao mà khiến cho bọn du đảng đó bỏ chạy hết?"
Đăng cười. "Dạ, con chỉ thuyết
phục bọn chúng đừng chọc ghẹo đàn bà con gái"
"Thuyết phục?", Thiếu tá Phúc
trợn mắt hỏi. "Bộ mi ăn nói giỏi đến vậy sao?"
"Không phải đâu ba", Bảo
Nhi vừa cười vừa chen lời. "Ảnh đánh cho bọn chúng đứa nào đứa nấy bò lê
bò càng. Con thấy cũng sợ xanh mặt luôn đó".
Thiếu tá nghe con gái nói, càng ngạc
nhiên hơn. "Trời đất, một mình mi đánh ngã cả bọn năm sáu thằng du đãng.
Bộ mi biết võ hả?"
Đăng cười. "Dạ, con có học qua
chút chút". Rồi Đăng đỏ mặt, cúi đầu nói tiếp. "Đó cũng là lý
do tại sao con rớt Tú-tài".
Bà Hạnh nãy giờ ngồi lắng nghe, bây
giờ góp chuyện. "Con rớt Tú-tài vì mê học võ?"
"Dạ", Đăng cười đáp.
"Con chỉ giỏi môn Toán và Lý thôi, còn những môn khác thì con ghét cay
ghét đắng như ghét bọn du đãng hồi sáng". Đăng ngừng, rồi vừa cười vừa
tiếp lời. "Khác ở chỗ là chúng đánh con chớ không phải con đánh
chúng".
Cả hai vợ chồng Thiếu tá Phúc đều
bật cười. Bảo Nhi nhìn Đăng rồi vừa cười vừa nói. "Toán và Lý thì em dốt
đặc cán cuốc".
Thiếu tá Phúc nhìn Đăng rồi gật gật
đầu. "Mi ngon thiệt; mới vừa chân ướt chân ráo tới đây đã biểu diễn
một màn anh hùng cứu mỹ nhân rồi".
Cả Đăng lẫn Bảo Nhi đều đỏ mặt.
Thiếu tá Phúc nói tiếp. "Thôi được, tau là quận trường, lấy công làm tư
một chút chắc cũng không sao. Bây giờ tau giao mi hai nhiệm vụ. Khi tau cần đến
đồn, xã, thì mi làm tài xế cho tau". Ông đưa tay chỉ Bảo Nhi rồi tiếp."Khi
tau ở quận không đi đâu thì mi làm tài xế cho con nhỏ nầy"
Bảo Nhi đỏ mặt, cúi đầu mỉm cười.
Thiếu tá Phúc nhìn Bảo Nhi, cười rồi nói tiếp. "Khi mi làm tài xế cho nó,
ngoài việc trị du đãng, mi cũng phải trị luôn cái dốt Toán và Lý của con nhỏ
nầy". Ông quay sang Đăng. "Mi có làm được không?".
"Dạ chắc là được", Đăng
cười đáp. "Nhưng cũng cần nghe ý kiến của Nhỏ Cưng nữa..."
"Nhỏ Cưng là ai mà phải nghe ý
kiến?", Bảo Nhi buột miệng hỏi.
Bà Hạnh cười ngất. "Là con đó
chớ ai. Nhi là con nhỏ, Bảo là quý, là cưng. Bảo Nhi là Nhỏ Cưng đó cô
nương!"
Bảo Nhi đỏ mặt cúi đầu, nhưng rồi
lại ngước mắt nhìn Đăng, ánh mắt hân hoan. Bà Hạnh nhìn chồng rồi vừa cười vừa
hỏi. "Ông để nó làm tài xế cho Bảo Nhi, bộ ông không sợ nó thành hải
tặc hay sao?"
Thiếu tá Phúc cũng cười.
"Bà đừng có lo. Nó mà thành hải tặc thì tui cũng có cách biến nó thành hải
cẩu liền".
***
Nhớ đến đây, Đăng bật cười khẻ. Ngay
đêm hôm ấy, Đăng trở thành một thành phần của gia đình Thiếu tá Phúc. Đêm ấy
cũng là lần đầu tiên trong một thời gian rất lâu Đăng cảm nhận được sự ấm áp
của gia đình. Ngày xưa, Đăng là con một, được ba má hết mực cưng chiều. Nhưng
cả hai người đều bất hạnh qua đời khi Đăng mới được mười tuổi. Đăng được cậu,
lúc ấy chỉ mới là Trung úy, đem về nuôi dưỡng. Trung úy Hùng rất thương Đăng,
nhưng ông là sĩ quan tác chiến, nên không có ở nhà thường xuyên. Vợ ông ta tuy
không ghét bỏ Đăng, nhưng đối với Đăng không nồng nàn bằng con mình, nên tuy
còn nhỏ, Đăng đã thấy một ranh giới rõ rệt giữa mình và mấy người con của bà.
Chín năm qua, Đăng sống lặng lẽ, không than vãn, không đòi hỏi một điều gì. Vì
bối cảnh, Đăng đi học võ, dùng việc tự mình luyện võ ở sau vườn, hay đến võ
trường đấu võ với bạn bè để giải khuây. Và do hoàn cảnh ăn nhờ ở đậu ở nhà cậu,
Đăng không nuôi hy vọng vào học Đại học sau khi xong Tú tài. Đăng chỉ mong đổ
Tú tài để có thể được tuyển mộ vào trường Võ bị Đà lạt, hay vào Trường Sĩ quan
Thủ đức. Nhưng giấc mộng đó cũng không thành. Rớt Tú tài, Đăng nản chí, ghi
danh gia nhập Biệt Kích Dù. Trung tá Hùng biết chuyện, muốn bảo toàn chút máu
huyết của chị mình, liền ngăn cản. Ông sắp xếp với bạn ông là Thiếu tá Phúc, để
Đăng gia nhập Địa Phuơng Quân rồi về làm tài xế cho Thiếu tá Phúc. Không ngờ,
việc sắp xếp này khiến Đăng có được một mái ấm gia đình và có thêm ba người
thân. Từ đêm đó về sau, vợ chồng Thiếu tá Phúc xem Đăng như con, còn Đăng cũng
quý trọng ông bà, xem ông bà như cha mẹ ruột của mình. Riêng đối với cô bé nhí
nhảnh khả ái Bảo Nhi, thoạt đầu Đăng xem như một đứa em gái bé bỏng mà Đăng
hằng mơ ước được có...
***
"Em cấm anh từ nay về sau không
được mở miệng gọi em là Nhỏ Cưng", Bảo Nhi nói với Đăng trong lần đầu tiên
Đăng đưa cô bé đến trường.
"Anh đóng miệng lại rồi gọi em
là Nhỏ Cưng có được không?", Đăng cười hỏi.
Bảo Nhi cười khúc khích rồi đỏ mặt,
lắc đầu. "Cũng không được luôn".
"Sao khó quá vậy cô
nương?"
Bảo Nhi đỏ mặt, cúi đầu.
"Người ta đã mười sáu tuổi rồi. Gọi người ta là nhỏ nầy nhỏ nọ làm người
khác nghĩ em là một đứa con nít".
Đăng gật gật đầu. "À, anh
hiểu rồi. Té ra em muốn người khác nghĩ em là một bà già".
Bảo Nhi bật cười lớn hơn.
"Không phải vậy", nàng nói. "Anh diễu dỡ ẹt".
Ngay lúc đó, xe đến trước trường.
Đăng ngừng xe rồi nói với Bảo Nhi. "Chiều nay anh đón em ở đây".
Bảo Nhi gật đầu. Nàng bước xuống xe
rồi dặn. "Anh nhớ đó,không được gọi em là Nhỏ Cưng". Nàng đi
mấy bước rồi ngừng lại, hăm doạ. "Anh mà không nghe lời em, em sẽ
mét ba để ba biến Hải Đăng thành hải cẩu đó".
Từ ngày hôm đó, Đăng và Bảo Nhi gặp
nhau thường xuyên. Trong những chuyến đưa đón đó, hai người như hai con chim
nhỏ, ríu rít nói cười. Thoạt đầu thì Đăng xem Bảo Nhi như em gái, nhưng càng
gần gũi, càng thân mật nhau, tình cảm Đăng dành cho Bảo Nhi càng biến dạng.
Chẳng bao lâu, Đăng biết mình đã yêu cô bé hồn nhiên ngây thơ này rồi. Yêu,
nhưng Đăng không dám thổ lộ cho bất cứ ai. Đăng thấy mình như cây tầm gởi, bám
vào thân cây cổ thụ là gia đình của Bảo Nhi để có được chút hạnh phúc. Đăng cần
hạnh phúc đó như ăn như thở, nên không thể để mất nó. Lại nữa, tuy Bảo Nhi rất
vui mỗi khi hai đưa gần nhau, Đăng không biết cô bé nghĩ gì về mình, xem mình
như thế nào, là anh, là bạn, hay chỉ là một người tài xế tầm thường.
Một hôm, Đăng đến đón Bảo Nhi tan
trường. Vừa bước lên xe, cô bé đã liếng thoắng. "Anh biết không, mấy con
nhỏ bạn của em khen anh đẹp trai"
Đăng gật gật đầu. "Điều này thì
anh tự biết từ lâu rồi"
Bảo Nhi cười khúc khích. "Ham
lắm, em chỉ nói đùa mà anh tưởng thiệt". Nhưng rồi cô bé lại quay sang
Đăng rồi nói. "Bọn nó muốn nhờ em làm mai đó"
Đăng lại gật gật đầu. "Điều này
thì anh cũng đoán được từ lâu rồi"
Bảo Nhi lại cười. "Nhìn cái mặt
anh kìa. Mới nghe người ta muốn làm mai cho đã kênh kênh lên rồi. Xấu ỉn mà
tưởng đẹp, thấy dễ ghét".
Đăng cười hỏi Bảo Nhi.
"Em định làm mai anh cho cô bạn nào của em đây?"
Bảo Nhi đỏ mặt, im lặng một lát rồi
nói nhỏ. "Em không làm mai anh cho ai hết"
Đăng lại cười. "Sao lại
không chịu làm mai? Bạn bè nhờ giúp mà không làm thì ăn nói làm sao với người
ta đây?"
Bảo Nhi ngần ngừ rồi nói.
"Em bảo tụi nó là anh đã làm tài xế vĩnh viễn cho một người rồi nên em
không làm mai được"
"Người nào vậy em?", Đăng
hỏi.
Bảo Nhi đỏ mặt lắc đầu. "Không
nói"
Đăng ngẫm nghĩ rồi đáp. "Anh
biết rồi, là Thiếu tá. Đúng vậy, anh đang làm tài xế
cho Thiếu tá, anh cũng kính phục
Thiếu tá, vậy chắc làm tài xế cho Thiếu tá suốt đời được".
Bảo Nhi cười khúc khích. "Không
phải ba"
Đăng cười. "Vậy thì chắc là Đại
tá Tình trưởng. Ông này oai à nghen, có thể làm tài xế cho ông suốt đời
được".
Bảo Nhi lắc đầu dẫy nẫy. "Không
phải. Anh đừng giả ngu nữa"
Đăng cười. "Vậy em cho anh biết
anh sẽ làm tài xế suốt đời cho ai đây?"
Bảo Nhi cúi đầu nói nhỏ. "Anh
đã biết rồi sao lại bắt người ta phải nói ra"
Đăng nhìn Bảo Nhi. Cô bé đang thẹn
thùng, trông dễ thương khôn tả. Bất giác, Đăng đưa tay nắm tay Bảo Nhi.
"Vậy anh làm tài xế cho em suốt đời nghe".
Bảo Nhỉ cúi đầu, mặt đỏ như gấc
chín. Cô không trả lời, cũng không rút tay về. Hai đứa nắm tay nhau suốt một
đoạn đường dài. Một lúc lâu sau, Bảo Nhi ngước nhìn Đăng. "Từ nầy về sau
em không học Toán và Lý nữa"
Đáng ngạc nhiên. "Sao
vậy?"
Bảo Nhi nhìn Đăng, cười khúc khích.
"Đã có người giỏi Toán và Lý làm tài xế suốt đời cho mình thì em phải học
hai môn này làm chi cho khổ thân"
***
Đăng mỉm cười, lòng chan chứa một
tình yêu thắm thiết, êm đềm. Từ đó, Đăng và Bảo Nhi yêu nhau. Đăng cũng
hiểu vì sự khác biệt trong bối cảnh của hai đứa, một người lính tài xế không
cha không mẹ và một tiểu thư con gái của quận trưởng, cuối cùng rồi mối tình
của mình và Bảo Nhi cũng chẳng đi tới đâu; khi Bảo Nhi xong Tú tài, vào Đại học
cũng là một lúc mối tình đó sẽ chấm dứt. Nên Đăng trân quý những giây phút hai
đứa bên nhau. Đây là mối tình đầu của cả hai đứa, say đắm ngọt ngào, nhưng cũng
rất trong sáng, thánh thiện. Đăng yêu thương, tôn quý Bảo Nhi như một nữ thần.
Suốt hơn một năm bên nhau, tuy nồng nàn, khắn khit, Đăng không dám có một hành
động vượt quá giới hạn nào. Đăng không biết vợ chồng Thiếu tá Phúc có biết chuyện
yêu đương của hai đứa hay không, nhưng Đăng nghĩ là họ biết. Họ là cha mẹ mà,
lẽ nào không rõ tâm tình của con gái mình. Tuy nhiên, họ không có một hành động
cấm đoán hay chận trước, ngăn sau nào. Điều này chứng minh là họ đã hoàn toàn
tin tưởng vào tư cách và phẩm hạnh của Đăng. Sự tin tưởng nầy làm Đăng cảm kích
không cùng, và nhất quyết sẽ không làm một điều gì phụ lòng họ.
Đăng cúi nhìn cô gái đang nằm trong
lòng mình. "Bảo Nhi... Nhỏ Cưng...", Đăng gọi khẽ. "Trời
ơi, tỉnh lại đi em, tỉnh lại đi để nghe anh nói trước khi quá trễ". Mặc
cho Đăng gọi, Bảo Nhi vẫn nằm yên, mê man bất động, mặt xanh mướt, hơi thở yếu
ớt. Đăng đưa tay vén tóc, vuốt má Bảo Nhi, rồi nâng tay nàng lên áp vào má
mình. Nhìn Bảo Nhi, Đăng ứa nước mắt. Mái tóc thề đen huyền, mềm như nhung ngày
nào bây giờ đỏ hoe, khô cằn. Khuông mặt trắng như tuyết với đôi má đỏ hồng vì
thẹn thùng từng làm tim Đăng đập sai nhịp bây giờ cháy nắng, nâu sẫm. Còn hai
bàn tay, hai bàn tay ngà mềm mại với mười ngón tay búp măng ngày xưa Đăng ve
vuốt, ngắm nhìn không chán, bây giờ chai đá đi rồi. "Em ơi, tội tình
chi mà phải chịu khổ nạn thế này", Đăng gọi khẽ. Ba năm sau một cuộc đổi
đời, từ đỉnh cao của yêu thương và hy vọng, hai đứa rơi, rơi mãi xuống một hố
tuyệt vọng sâu thăm thẳm...
***
Nửa giờ sau khi lệnh đầu hàng được
đọc trên đài phát thanh, một đám lính Bắc xông vào tư thất quận trưởng, bắt giữ
Thiếu tá Phúc. Trước khi bị chúng dẫn đi, Thiếu tá Phúc quay nhìn Đăng.
"Hải Đăng, tau giao hai mẹ con con Bảo Nhi cho mi".
Bà Hạnh và Bảo Nhi bị trục xuất; hai
mẹ con chỉ có 15 phút để nhặt nhạnh vài vật dụng cần thiết rồi bị áp giải ra
khỏi quận đường. Khi họ đến cổng, đã có Đăng đứng chờ. Đăng và hai mẹ con Bảo
Nhi tứ cố vô thân, không một chỗ cư ngụ. Bà Hạnh và Bảo Nhi là đàn bà con gái
yếu đuối, nay bị đại nạn bất ngờ mất nhà mất cửa, mất chồng mất cha, nên đi
theo Đăng như hai cái xác không hồn, mọi chuyện nhất nhất để Đăng quyết định.
Đêm hôm đó, ba người phải ngủ dưới
một gầm cầu. Đăng vào xóm mua được mấy củ khoai, mang về đốt lửa lên nướng. Bảo
Nhi cắn một miếng, rồi nhăn mặt đặt củ khoai xuống. "Ăn không nổi
cũng phải ráng mà ăn đi con", Bà Hạnh bảo con. "Hoàn cảnh nầy
mà có được khoai để ăn là phước đức lắm rồi". Bà thở dài rồi nói
tiếp. "Không biết ba con bây giờ có có khoai để mà ăn hay không!".
Nói xong, bà gục đầu xuống đầu gối, khóc âm thầm. Đăng cầm tay Bảo Nhi.
"Xin lỗi em, anh chỉ tìm được có thứ nầy thôi". Bảo Nhi lắc đầu, cầm
củ khoai đưa lên miệng. "Không, ngon lắm, em ăn được mà". Nàng gượng
cười, nhưng nụ cười méo xệch, và nước mắt lại chảy đầm đìa trên má
Hôm sau, Đăng đưa hai mẹ con Bảo Nhi
về quê cũ của mình. Ở đó vẫn còn có ngôi nhà của ba má Đăng, nhưng từ ngày hai
người qua đời, nhà đóng cửa bỏ hoang. Ba người khi thì đón xe đò, khi thì đi
bộ, ban ngày đi, tối gặp đâu ngủ đó. Từ quận đến quê Đăng chỉ hơn năm mươi cây
số, nhưng ba người phải mất mười ngày mới đến nơi. Mười ngày đầy dẫy gian
truân, khổ cực. Phần đói, phần mệt, giày rách, chân bị bong gân, Bảo Nhi nhiều
lần muốn bỏ cuộc. May là nàng có Đăng bên cạnh an ủi vỗ về, và bà Hạnh luôn
miệng khuyến khích. "Con là con gái cưng của ba con, đúng như tên Bảo Nhi
của con. Mình nhất định phải sống để chờ ngày ba con về".
Ngôi nhà của ba má Đăng vẫn còn đấy,
nhưng hoang tàn, đổ nát như một ngôi nhà ma. Đang đứng tần ngần nhìn ngôi nhà,
rồi nhìn hai mẹ con Bảo Nhi. "Không sao đâu con, chỗ này ở được mà",
bà Hạnh nói. Rồi bà quay sang Bảo Nhi. "Ráng đi con, mình phải sống chờ
ngày ba con về".
"Mình phải sống chờ ngày ba con
về", câu nói nầy được lặp đi lặp lại như một điệp khúc suốt hai năm kế
tiếp. Hai năm dài đăng đẳng, hai năm của nhọc nhằn, khổ nhục. Đăng đăng ký Bảo
Nhi là vợ, và bà Hạnh là mẹ vợ của mình. Tuy Đăng chỉ là lính quèn, nhưng vì
lấy vợ là con của sĩ quan Ngụy, nên cũng như hai mẹ con Bảo Nhi, bị xem là phần
tử xấu, bị giám sát gắt gao. Suốt một năm đầu, đủ mười hai tháng, ba người ban
ngày làm việc quần quật ngoài đồng, buổi tối phải đi học tập, kiểm thảo.
"Mình phải sống để chờ ngày ba con về". Bảo Nhi theo gương Đăng và
mẹ, nghiến răng chịu khổ nhọc, không than van trách oán. Những ngọn đòn thù của
chế độ mới không làm cho họ gục ngã, đầu hàng như chế độ đã mong muốn. Trái
lại, họ đứng vững hơn, kiên cường hơn. Tuy hai đứa ít có cơ hội tâm tình, nhưng
hoàn cảnh làm tình cảm giữa Đăng và Bảo Nhi trở nên đậm sâu hơn nhiều, rất
nhiều.
"Khi xưa, hai bác đã biết con
và Bảo Nhi thương nhau rồi", bà Hạnh nói với Đăng."Bây giờ, con đã
đăng ký Bảo Nhi là vợ của con. Trên lý, trên tình, hai con đã là vợ chồng rồi.
Khi nào hai đứa thành vợ chồng thật sự đây?"
"Con định chờ đến ngày Thiếu tá
trở về, để con có thể xin phép cả Thiếu tá lẫn bác
cho hai đứa con lấy nhau", Đăng
trả lời. "Con nghĩ làm vậy Bảo Nhi sẽ vui hơn".
"Con lúc nào cũng nghĩ cho Bảo
Nhi", bà Hạnh ứa nước mắt. "Đứa con gái của hai bác thật là có
phước".
Nhưng "ngày ba con trở về"
đã không bao giờ xảy ra. Sau khi bị bắt, Thiếu tá Phúc bị biệt giam trong một
trại cải tạo nổi tiếng sắt máu. Bà Hạnh và Đăng đôn đáo tìm kiếm, xin xõ, nhưng
mãi hai năm sau mới được phép gặp ông. Lần thăm nuôi đầu tiên, bà Hạnh nhận
không ra chồng mình. Hai năm trời bị giam cầm, tra tấn, hành hạ cả thể xác lẫn
tinh thần, ông chỉ còn là một cái thây ma biết đi. Mấy tháng sau, bà Hạnh được
báo tin là ông đã qua đời. Khi bà đến nhận xác chồng, người ta bảo bà là ông đã
được phục hồi quyền công dân. Chẳng có ai buồn giải thích cho bà rõ là ông cần
cái quyền công dân ấy để làm gì.
Xác Thiếu tá Phúc được mang về an
táng sau vườn, bên gốc một cây xoài lớn. Sau ngày ông mất, bà Hạnh trở nên ít
nói. Những khi không có việc đồng án, bà ra ngồi dưới gốc xoài bên mộ ông.Tuy
không tâm sự nhiều với bà, nhưng cả Đăng và Bảo Nhi đều hiểu rõ là lòng bà rất
đau đớn. Mấy năm cắn răng chịu khổ nhục nuôi hy vọng được gặp lại chồng, bây
giờ bà chỉ còn có một nỗi tuyệt vọng không bến không bờ mà thôi.
Một hôm, có một thanh niên đến thăm
Đăng. Hai người đứng ngoài vườn nói chuyện một hồi lâu. Sau khi người thanh
niên ấy bỏ đi, Đăng vào bếp tìm bà Hạnh. "Thưa bác con có chuyện muốn nói
riêng với bác"
Hai người ra sau vườn, ngồi bên mộ
Thiếu tá Phúc. Đăng cho bà biết người thanh niên ấy là Cường, anh em cô cậu của
mình, con của Trung tá Hùng. Cường biết một tổ chức đưa người vượt biên bằng
đường biển. Biết Đăng là người gan dạ lại giỏi võ, Cường đến rủ Đăng đi cùng.
"Người ta đòi bao nhiêu vậy
con?", bà Hạnh hỏi.
"Dạ Cường nói mình phải trả
trước mỗi người một cây vàng", Đăng đáp. "Sau khi nhận vàng, người ta
sẽ cho mình biết địa điểm gặp mặt. Người ta sẽ báo cho mình biết trước một tuần
lễ nhưng không xác định ngày giờ; mình phải đến địa điểm đó mà chờ. Đến ngày
vượt biên, người ta sẽ đến đưa mình lên tàu"
"Có tin họ được không
con?", bà Hạnh hỏi
"Dạ, Cường là con sĩ quan Ngụy
cùng hoàn cảnh như mình nên con nghĩ là có thể tin họ được. Có điều con không
biết tìm đâu ra ba lượng vàng đây"
"Con ngồi đây chờ bác", bà
Hạnh nói xong tất tả vào nhà. Một lát sau bà trở lại. "Bác trai con làm
quận trưởng thanh liêm, nên gia tài của hai bác chỉ có bấy nhiêu thôi",
vừa nói bà vừa đặt lên tay Đăng hai lượng vàng. "Bác định chờ ngày đám
cưới của hai đứa bác sẽ cho Bảo Nhi
để làm của hồi môn. Thôi bây giờ bác cho trước vậy"
Đăng cầm hai lượng vàng, ứa nước
mắt. "Còn bác thì sao? Bác không đi với tụi con sao?"
"Bác già rồi, đi để làm gì. Bác
muốn sống mấy ngày cuối đời bên bác trai của con".
Đăng trao vàng cho Cường để trao cho chủ tàu, nhưng suốt ba tháng sau đó không
nhận được tin tức gì. Đang lúc Đăng thấy chua xót vì nghĩ là mình đã bị người
ta lường gạt, thì Cường xuất hiện. "Một tuần nữa, đến địa điểm",
Cường nói một câu gọn lỏn rồi bỏ đi.
Tối hôm ấy, bà Hạnh làm một mâm cơm
sơ sài, đặt trước bàn thờ Thiếu tá Phúc. Bà gọi Đăng và Bảo Nhi đến rồi nói.
"Tối nay má làm lễ cưới cho hai con".
Bảo Nhi tròn mắt ngạc nhiên.
"Có chuyện gì mà làm lễ cưới bất ngờ vậy má?".
Bà Hạnh cười hiền hòa. "Má già
rồi, sống nay chết mai, nên má muốn thấy hai đứa con nên vợ nên chồng để cho cả
ba lẫn má sớm nhận lạy của thằng rễ".
Bảo Nhi định hỏi nữa, nhưng bà nói.
"Tối nay là đêm vui của hai đứa con. Có gì ngày mai mình sẽ nói
tiếp".
Đăng và Bảo Nhi làm theo lời bà dạy,
lạy bàn thờ Thiếu tá Phúc rồi lạy bà. Sau khi ăn tối, chờ lúc Bảo Nhi dọn dẹp
bát dĩa trong bếp, Đăng nói nhỏ với bà. "Cám ơn má đã thương con, cho con
chính thức được làm con của má. Con định vài ngày nữa sẽ đi, nhưng chỉ
lo…"
"Con lo là con Bảo Nhi không
chịu bỏ má ở lại một mình?", bà Hạnh mỉm cười. "Con đừng lo, sáng mai
má sẽ khuyên nó"
Sau đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ
dạy trễ. Hai người tìm quanh quất trong nhà không thấy bà Hạnh thì chạy ra
vườn. Xác bà Hạnh treo lũng lẳng trên một nhánh xoài thấp trước mộ Thiếu tá
Phúc. Trên áo bà có ghim một mảnh giấy trên đó có ghi nguệch ngoạc mấy hàng
chữ. "Má đi theo ba con đây. Hai đứa ráng thương yêu nhau. Ba má sẽ phù hộ
cho các con"
***
Cô gái nằm trong lòng Đăng cựa người
làm Đăng giật mình, trở về với thực tại. Đăng cúi xuống nhìn rồi mừng rỡ, kêu
lên. "Bảo Nhi, may quá, em đã tỉnh lại rồi".
Mắt Bảo Nhi từ từ mở lớn. Thấy mặt
Đăng, nàng cười yếu ớt. "Em còn sống hay sao? Em đang ở đâu đây?".
Đăng vui vẻ, gật đầu. "Em vẫn
còn sống. Bọn mình vẫn còn ở trên tàu"
"Sao em nghe im lặng quá vậy
anh?", Bảo Nhi lại hỏi. Nàng đưa mắt nhìn quanh rồi kêu lên. "Anh ơi,
sao có nhiều người chết quá vậy?"
Đang ngần ngừ một lúc rồi trả lời.
"Bảo Nhi, hai ngày nay tàu mình bị hải tặc tấn công. Đa số người trên tàu
bị chúng giết rồi"
Bảo Nhi đưa lưỡi liếm quanh miệng
rồi lại kêu lên. "Em thấy miệng mình mặn mặn, lại có mùi tanh tanh. Máu
phải không anh?"
Đăng không trả lời. Bảo Nhi run
giọng hỏi. "Em bị thương phải không anh?"
"Không, không, em đâu có bị
thương", Đăng vội vã trả lời
"Anh đừng có dấu em nữa",
Bảo Nhi nức nở. "Em biết em bị thương, máu chảy ra miệng, sắp chết đến nơi
rồi "
Câu nói của Bảo Nhi làm Đăng cuống
cuồng. "Đúng là máu, nhưng không phải là máu của em". Đăng ngừng một
lát rồi dịu dàng nói. "Em mê man không ăn không uống mấy ngày rồi, and sợ
em chống không nổi nên cho em uống máu. Anh nghĩ trong máu có chất bổ dưỡng,
may đâu..."
"Anh lấy máu của a...",
Bảo Nhi nói chưa dứt câu thì đã nghẹn ngào, người nàng
rung lên bần bật. Đăng vuốt tóc nàng
rồi dịu dàng nói. "Khi trưa đánh nhau với hải tặc, anh bị thương nhẹ, chảy
máu chút đỉnh. Anh thuận tay hứng một tí cho em uống". Đăng nhìn Bảo Nhi
mỉm cười rồi nói. "Đừng có suy nghĩ viễn vông nữa. Anh không cho em uống
thì máu cũng chảy ra ngoài mà"
Bảo Nhi quay người úp mặt vào ngực Đăng.
"Anh ơi, sao anh ngu quá vậy", nàng rên rỉ. "Rủi anh có mệnh hệ
nào thì làm sao em sống cho nỗi"
Đăng đưa tay vỗ vỗ nhẹ vào đầu Bảo
Nhi. "Khờ quá, anh mình đồng da...". Câu nói đang dở dang thì bị cắt
ngang bởi tiếng động cơ từ xa vọng lại. Đăng đẩy nhẹ Bảo Nhi ra, định đứng dậy
nhưng chỉ mới lom khom thì đã thấy đầu váng, mắt hoa nên lại ngồi phệt xuống
sàn tàu.
"Anh ơi, anh có sao
không?", Bảo Nhi lo lắng hỏi.
"Anh không sao, chỉ thấy hơi
choáng váng", Đăng đáp. "Có lẽ vì bị mất máu".
Nói xong, Đăng vịn vào thành tàu,
lảo đảo đứng dậy. Quanh Đăng, trời đã về chiều. Cuối chân trời, mặt trời đỏ như
máu hạ dần xuống gần mặt nước. Đăng nhìn về phía chiếc tàu hải tặc. Một chiếc
ca nô đang cập vào tàu. Từ ca nô, hai người leo lên tàu hải tặc. Tiếng máy lại
nổ lên giòn dã; chiếc ca nô quay đầu, chạy xa dần. Chẳng bao lâu, nó mất dạng ở
cuối chân trời.
Dưới ánh trời chiều, Đăng không nhìn
rõ mặt mày hai tên hải tặc mới đến, nhưng vóc dáng chúng trông vạm vỡ. Ba tên
hải tặc trên tàu đưa tay chỉ về phía tàu tỵ nạn. Hai tên mới đến đưa cao tay
lên. Trên tay mỗi đứa cầm một khấu súng dài.
Đăng nằm xuống, bò về phía Bảo Nhi.
"Bảo Nhi, em bò xuống hầm tàu mau lên".
"Có chuyện gì vậy anh?"
Bảo Nhi run giọng hỏi.
"Hải tặc sắp đến rồi".
Đăng nói nhỏ. Ngay lúc ấy, từ phía tàu hải tặc có tiếng động cơ nổi lên. Bọn
chúng bắt đầu rồi, Đăng thầm nghĩ rồi giục. "Em xuống hầm tàu mau đi"
"Anh ơi, em sợ lắm", Bảo
Nhi mếu máo. "Anh xuống hầm tàu trốn với em đi".
"Anh ở trên nầy chận bọn chúng
lại, lát nữa anh sẽ xuống với em".
"Anh ơi, em sợ lắm", Bảo
Nhi lặp lại. Rồi nàng khóc òa. "Anh ơi, anh đừng bỏ em bơ vơ".
Đăng vỗ về. "Đừng lo, anh sẽ
không sao đâu". Rồi Đăng hôn nhẹ vào đôi má ướt đẫm nước mắt của vợ.
"Anh sẽ không bao giờ bỏ em".
Tiếng động cơ của chiếc tàu hải tặc
càng ngày càng gần. "Xuống hầm tàu đi Bảo Nhi", Đăng lại giục.
"Đừng để anh phải phân tâm lo lắng cho em".
Bảo Nhi vừa bò vừa khóc. Đến miệng
hầm tàu, nàng quay người lại. "Anh ơi, anh hứa sẽ không bỏ em".
"Anh hứa", Đăng đáp. Trong
ánh sáng mờ mờ của buổi hoàng hôn, Bảo Nhi không thấy được hai dòng nước mắt
đang chảy dài trên má Đăng.
"Bảo Nhi", Đăng gọi nhỏ.
Từ trong hầm tàu có tiếng tiếng "Dạ" của Bảo Nhi.
"Bảo Nhi, anh muốn em hứa với
anh là trong hoàn cảnh nào đi nữa, em nhất định phải sống; nhất định phải sống
cho thật tốt".
"Anh ơi, định bỏ em thật sao
?", Bảo Nhi lại òa lên khóc.
"Anh sẽ không bao giờ bỏ
em", Đăng đáp. "Bảo Nhi, hứa với anh đi".
"Em...hứa..."
Lúc ấy chiếc tàu hải tặc đã cập gần
vào tàu Đăng. Năm tên hải tặc tay cầm đèn pin đứng trước đầu tàu, chuẩn bị nhảy
sang tàu Đăng. Đăng bò đến gần, đưa tay trái ôm chặt cái chai, tay phải bật hộp
quẹt đốt mấy mảnh vải ở miệng chai. Ngọn lửa bùng lên. Đăng nghiến răng nhịn
đau, chịu bỏng, dùng hết tàn lực tung người lên nhảy qua tàu hải tặc.
Dưới hầm tàu tối om, Bảo Nhi không
thấy gì cả. Nàng chỉ nghe tiếng người la ó và tiếng súng nổ giòn dã. Rồi nàng
ngất đi.
***
"A, hay quá, cô đã tỉnh lại
rồi", một giọng nói bằng tiếng Việt từ bên ngoài vọng vào làm cô gái giật
mình. Nàng hé mắt nhìn; thoạt đầu cảnh vật chung quanh mù mờ như được che bằng
một tấm màn mỏng, nhưng sau đó rõ dần, rõ dần. Nàng quay đầu sang bên trái rồi
sang bên phải, và thấy mình đang nằm trên một chiếc giường nhỏ trong một căn
phòng sơn màu xanh nhạt.
Một người đàn ông từ ngoài cửa bước
vào phòng, tiến đến bên giường nàng. Cô gái chống tay định ngồi dậy nhưng thấy
tay mình bị vướng một sợi dây. Nàng co tay muốn giật đứt sợi giây thì người đàn
ông đã đưa tay, nhẹ nhàng ngăn cản. "Cô đang được chuyền nước biển. Cô
đừng cử động kẻo trật kim ra ngoài".
Cô gái đưa mắt nhìn người đàn ông.
Đây là một thanh niên trẻ, mặc áo choàng trắng. "Ông là ai? Tôi đang ở đâu
đây?", nàng hỏi.
Người đàn ông mỉm cười. "Tôi là
Bác sĩ Joel, người Pháp gốc Việt. Tên Việt của tôi là Nhân. Cô có thể gọi tôi là
Bác sĩ Nhân".
Bác sĩ Nhân đưa nay bấm nút nâng
giường để cô gái ngồi dậy rồi nói tiếp. "Tôi thuộc nhóm Bác Sĩ Không Biên
Giới. Tôi tình nguyện theo tàu của một tổ chức thiện nguyện, ra biển Đông để
cứu giúp người tỵ nạn. Cô đang ớ trong chiếc tàu đó. Thôi, để tôi khám cho cô
đã rồi mình sẽ trò chuyện tiếp".
Cô gái ngồi lặng yên, nhìn Bác sĩ
Nhân làm việc. Ông khám cho nàng cẩn thận rồi vui vẻ nói. "Tốt lắm. Cô
bình phục nhanh hơn là tôi mong đợi. Cô chỉ cần nằm ở đây thêm một ngày nữa là
có thể qua khu bên kia, sinh hoạt với các người tỵ nạn khác. Ông nhìn cô gái
rồi hỏi. "Cô có gì muốn hỏi tôi không?".
"Dạ có", cô gái đáp.
"Tôi bất tỉnh bao lâu rồi Bác sĩ?".
"Hai ngày một đêm ở trên tàu
nầy. Trước đó thì tôi không rõ. Khi chúng tôi tìm thấy cô trên tàu tỵ nạn thì
cô đã bất tỉnh rồi".
Cô gái ngồi lặng thinh một lúc rồi
nói. "Tôi có thể hỏi bác sĩ thêm một câu nữa không?".
Bác sĩ Nhân mỉm cười. "Cô cứ
hỏi. Mười câu cũng được".
Cô gái cười gượng. "Thưa bác
sĩ, bác sĩ có thấy... chồng... chồng...". Nàng nói đến đó rồi nghẹn giọng,
không thể nói tiếp.
Bác sĩ Nhân lắc đầu. "Cô là
người duy nhất sống sót trên tàu tỵ nạn", ông nhỏ nhẹ đáp. "Xin lỗi
cô".
Cô gái nấc lên một tiếng nhỏ. Bác sĩ
Nhân nhìn nàng ái ngại. "Thật ra, ngoài cô ra, trong hầm tàu còn ba người phụ
nữ khác vẫn còn sống. Chúng tôi đưa họ về tàu nầy, nhưng không cứu được nên
đành phải thủy táng". Ông nhìn cô gái rồi nói tiếp. "Họ chết vì đói
khát, kiệt sức".
"Còn mình sống nhờ được uống
máu" cô gái thầm nghĩ. Bất giác, mắt nàng thấycay cay, lệ muốn trào ra.
Không để ý đến vẽ mặt thẩn thờ của
cô gái, Bác sĩ Nhân kể tiếp. "Chúng tôi còn thấy bên tàu tỵ nạn có một
chiếc tàu khác đang bốc cháy. Trên tàu có mấy cái xác cháy nám đen"
Cô gái kêu lên một tiếng nhỏ. Bác sĩ
Nhân nhìn nàng rồi tiếp. "Chúng tôi nghĩ họ là hải tặc Thái đến cướp tàu
tỵ nạn của cô, nhưng vì bất cẩn đổ dầu làm cháy tàu". Ông chép miệng.
"Cũng may, mấy thùng dầu cặn trên tàu cháy lên khiến tàu hải tặc sáng rực
như một ngọn hải đăng. Nhờ vậy chúng tôi mới thấy được và đến cứu được cô".
"Hải đăng?", cô gái hỏi
nhỏ.
"Vâng", Bác sĩ Nhân đáp.
"Giống hệt như một ngọn hải đăng"
"Hải đăng", cô gái lặp
lại. "Hải Đăng!". Rồi trước cặp mắt ngạc nhiên của người y sĩ, nàng
đưa hai tay lên bụm lấy mặt, khóc nức nở.
Nguyễn Giao Kỳ Trung
(01/2016)