Có những cuốn phim sau khi coi xong khiến tôi thích thú hoặc
bực bội, nhưng cũng có cuốn phim khiến tôi băn khoăn, dường như vui, cũng dường
như buồn, cuốn phim đó chính là phim “Hồn Việt”.
“Hồn Việt” là một bộ phim trình bày lịch sử Quốc Kỳ và Quốc
Ca của Việt Nam Cộng Hòa - nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cho tới ngày mất nước.
Đấy chỉ là một bộ phim tài liệu với những dữ liệu thực tế. Lá cờ vàng ba sọc đỏ,
quốc kỳ của một chính thể đã bị xóa sổ, không ngờ có ngày tung bay phất phới, đứng
ngang hàng với những lá cờ quốc gia khác tại nhiều nơi trên thế giới. Đáng lẽ
tôi, một người từng sống trên 10 năm dưới lá Cờ Vàng, phải cảm thấy xúc động và
tự hào chứ? Nhưng không hiểu sao tôi chỉ cảm thấy vui buồn lẫn lộn?
Nếu bảo Việt Nam là người mẹ khổ đau qua những năm tháng chiến
tranh, thì Việt Nam Cộng Hòa là cha, người cha đã bị bức tử, người cha tôi đã
phải xa khi còn tấm nhỏ. Quá nhỏ để hiểu được chiến tranh đang xảy ra khốc liệt
chung quanh, quá nhỏ để hiểu đang có rất nhiều người ngày đêm chiến đấu bảo vệ
miền Nam, bảo vệ cuộc sống yên ổn cho hàng triệu sinh mạng trong đó có tôi.
Sẽ chẳng ai trách cứ một đứa con gái nhỏ ngượng ngùng với
cha nếu nó đã bị lìa xa cha ngay từ lúc nhỏ. Cũng thế, hẳn không ai trách
nếu tôi thú thực rằng giờ đây, sau hơn 20 năm trên xứ người, tôi cảm thấy chẳng
có mấy rung động trước lá cờ ấy dù lý trí vẫn biết rằng đó là lá cờ Tổ Quốc của
mình.
Cho tới khi xem Phim “Hồn Việt”, tới đoạn trình bày về lược
sử hình thành Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam, tôi bỗng cảm thấy dâng lên trong
lòng một nỗi chua xót xen lẫn giận hờn.
Tôi tiếc ngày ấy đã không được dạy bảo kỹ lưỡng về nguồn gốc
Quốc Kỳ và Quốc Ca trong những giờ Công Dân Giáo Dục. Tôi chỉ biết chào cờ và
hát quốc ca như một thói quen. Giống như một đứa con, chỉ được nguời ta chỉ vào
ảnh cha mà bảo "Cha con đó!” chứ không giải thích thêm cha là ai, cuộc đời
cha như thế nào, cha đang chiến đấu nghiệt ngã trong những hoàn cảnh nào…
May mắn thay, trong đại gia đình dân tộc, vẫn còn những người
anh, người chị đã từng sống với cha, đã từng biết đến cha. Những anh chị ấy đã
giữ cha trong trái tim họ cho đến cuối đời. Tôi muốn nói tới những người Việt
lưu lạc khắp nơi trên thế giới, những người đã kiên quyết giữ vững lá cờ Việt
Nam tự do, đã đấu tranh không mệt mỏi để cuối cùng lá cờ ấy tung bay cùng với
những lá cờ khác tại nơi họ cư ngụ.
Những anh chị ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân để xây dựng
và bảo vệ miền Nam để những đứa trẻ như tôi được thảnh thơi đến trường.
Trên xứ người, những người anh người chị ấy vẫn miệt mài tìm mọi cách gìn giữ
những di sản tốt đẹp của đất nước để một ngày nào đó khi chúng tôi - những đứa
trẻ đi lạc, muốn quay về sẽ thấy vẫn còn đó mái nhà xưa.
Ngày hôm nay, mỗi khi có những dịp tụ họp đông người, việc
chào cờ hay không chào cờ vẫn là một đề tài nhạy cảm, có khi gây tranh cãi. Bên
muốn chào cờ cho rằng không thể hưởng niềm vui họp mặt trên xứ sở tự do mà quên
đi công lao to lớn của những người đã nằm xuống. Còn bên không muốn chào cờ thì
bảo việc cử hành quốc kỳ và quốc ca là nghi lễ trang trọng, nếu làm trong một
tiệc dịp tiệc tùng vui chơi sẽ mất đi ý nghĩa và giảm lòng tôn kính.
Cả hai phía đều có lý của họ. Riêng tôi, tôi cho rằng những
người thực tâm giữ gìn sự tồn tại của Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam không quanh
quẩn trong lý lẽ mà họ chỉ muốn hành động từ tiếng gọi của trái tim.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, Đại Tá Phạm Bá Hoa đã
không kiên trì sưu tầm mọi tin tức và hình ảnh về các cuộc tranh đấu của người
Việt khắp nơi để cho Quốc Kỳ Việt Nam được công nhận tại các thành phố trên khắp
thế giới. Mỗi một chiến thắng là một tin vui làm nức lòng người Việt hải ngoại,
và là kiểu mẫu cho những nơi khác noi theo, để rồi chiến thắng nối tiếp chiến
thắng. Kết quả là cho tới nay, trên đất nước Hoa Kỳ đã có 16 tiểu bang, 8 quận
hạt, 103 thành phố công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là đại diện của Việt Nam đã
công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là đại diện của Việt Nam.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, ông Chu Lynh đã không
quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện cuốn phim “Hồn Việt” dù biết sẽ rất khó
khăn, lấy ý nghĩ từ chuyến đi thăm nghĩa trang Biên Hoà năm 2003. Nhìn tấm bia
mộ của một người lính, lá cờ nhỏ bé khắc trên ấy bị đục nát chỉ còn dấu vết lờ
mờ, ông đau thắt lòng. Người lính, người đồng đội của ông, cả một đời hy
sinh chẳng được gì, đến khi chết chỉ có mỗi lá cờ, vậy mà người ta vẫn nhẫn tâm
tước đoạt.
Và nếu không từ tiếng gọi từ trái tim, nhạc sĩ Lê Văn Khoa,
người đã đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới, đã không thể soạn hòa âm phối
khí cho bản quốc thiều Việt Nam trở nên sống động tha thiết đến thế. Và những
nhạc sỹ Ukraina – những người vừa thoát khỏi địa ngục cộng sản, đã cảm thông,
đã bắt nhịp cùng tiếng gọi trái tim ấy để tấu lên một bản quốc thiều hùng tráng
gây rúng động lòng người.
Tôi muốn ngừng lại một chút để kể một câu chuyện lý thú về
lá cờ hiện nay của nước Nga mà lịch sử của nó có đôi điều tương tợ với lá Cờ
Vàng VNCH.
Bắt đầu từ năm 1896, Quốc Kỳ Nga có ba màu: trắng, xanh
dương và đỏ. Sau Cách Mạng Tháng Mười 1917, lá cờ ấy bị bỏ đi, thay bằng cờ đỏ
búa liềm. Đến năm 1991, khi chế độ cộng sản tan rã, Liên Bang Xô Viết (Soviet
Union) trở thành Liên Bang Nga (Russian Federation), cờ đỏ búa liềm bị dẹp bỏ,
người Nga quay về với lá cờ ba màu -Триколор (Tricolor) lúc trước.
Có nhiều giải thích cho nguồn gốc ba màu trên quốc kỳ Nga. Một
giả thuyết cho rằng đó là huy hiệu trên khiên của vương quốc Grand Ducchy of
Moscow. Huy hiệu này có hình thánh Saint George mang giáp bạc, cỡi ngựa trắng,
choàng khăn và cầm khiên màu xanh trên nền đỏ. Một gỉa thuyết khác lại cho rằng
đấy chính là ba màu trên khăn áo Đức Mẹ Maria.
Như thế, nước Nga - cái nôi sản sinh ra chủ nghĩa cộng sản,
cuối cùng đã quay về với lá cờ truyền thống. Một lá cờ với ba màu hòa dịu, ẩn
chứa những niềm tin thiêng liêng, có thể đó là lòng dũng cảm quên mình của
thánh St. George, cũng có thể là lòng từ ái bao la của Đức Mẹ.
So sánh với lá cờ nước Nga, lá cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ
cũng có màu sắc hòa dịu với những ý nghĩa nhân ái: Màu vàng tượng trưng
cho dân tộc Việt. Ba sọc đỏ là ba miền Nam Trung Bắc. Tuy người dân thuộc ba miền
(ba sọc đỏ) nhưng vẫn sống chung một nhà (nền vàng). Dưới mái Nhà Việt Nam, con
dân muôn đời thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Màu đỏ trên nền vàng còn là màu của
nhiều lá quốc kỳ Việt Nam qua nhiều triều đại khác nhau.
Khi kể câu chuyện nước Nga tìm về lá cờ dân tộc phải chăng
tôi muốn nói đến việc phục hoạt lá cờ vàng truyền thống của nước Việt Nam?
Hoàn toàn không. Lá Cờ Vàng đã được chính quyền của môt số
thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ công nhận là “Lá Cờ Tự Do và Di Sản” (Heritage
and Freedom Flag). Người Việt tị nạn sau khi nhập tịch là nguyện đứng dưới lá cờ
của đất nước thứ hai. Việt Nam tuy vẫn là tổ quốc thân yêu nhưng không còn thuộc
quyền quyết định của những người chúng tôi. Việc chọn lá cờ nào, bài hát nào
cho Việt Nam tương lai sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào một chính phủ và một quốc hội
không còn cộng sản.
Những người ấy sẽ hiểu biết thấu đáo về lịch sử của những lá
cờ để nhìn cho ra lá cờ nào mang “Hồn Việt”, còn lá cờ nào chỉ mang giả trá và
thương đau.
Nếu đã nói tới quốc kỳ thì không thể không nhắc tới quốc ca.
Nghe ban nhạc Ukraina hòa tấu Quốc Thiều Việt Nam, tôi mới thấy Quốc Ca Việt
Nam có giai điệu thật phong phú, khi hùng tráng, khi du dương như một nhắn nhủ
thiết tha.
Là một học sinh qua hai chế độ, tôi vẫn không thể quên bài
hát Tiến Quân Ca của cộng sản. Nhạc điệu quân hành nhưng khá nhạt nhẽo,
chưa kể trong đó có những lời lẽ khát máu đến ghê người. Một ca khúc tầm thường,
thậm chí vô nhân có thể nào xứng đáng làm biểu tượng cho một dân tộc lãng mạn
và hiếu hòa như người Việt chăng? Nhưng công bằng mà nói, bài hát Tiến Quân Ca
có lịch sử riêng của nó và xứng đáng được ghi nhận như ca khúc của một thời. Những
người dân Việt trong tương lai sẽ tìm ra quyết định cho quốc ca cũng như quốc kỳ
vậy.
Phim “Hồn Việt” ra đời, hai năm tôi sau mới biết, cũng như
tôi đã không biết rõ về Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam sau hơn hàng chục
năm. Thật khá trễ tràng. Cảm giác buồn vui lẫn lộn, vui vì biết được thêm
quá khứ anh dũng của cha anh, buồn vì suốt bao lâu nay lơ đãng trước những hy
sinh cao cả ấy.
Mong sao bộ phim tài liệu “Hồn Việt” sẽ giúp cho những thế hệ
sau hiểu rõ về quốc kỳ và quốc ca, từ đó thấy rõ tính cách Việt, mơ ước Việt,
tâm hồn Việt thể hiện thế nào qua quốc kỳ và quốc ca, để rồi có quyết định sáng
suốt về con đường đi tới của dân tộc.
Tổng Thống Woodrow Wilson từng nói:
“The things that the flag stands for were created by the
experiences of a great people. Everything that it stands for was written by their
lives. The flag is the embodiment, not of sentiment, but of history.”
(Những gì một lá cờ biểu tượng, đó là những kinh nghiệm đã
được tạo dựng bởi một dân tộc tuyệt vời. Tất cả những gì lá cờ biểu tượng đã được
viết nên từ chính mạng sống của họ. Lá cờ là hiện thân, không phải của cảm xúc,
mà là của chính lịch sử).
Qua phim "Hồn Việt" tôi thấy lời của Tổng Thống
Wilson thật đúng, Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam thực sự đã được viết nên từ mạng
sống của biết bao người con dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu vì Đất Nước, vì
Hòa Bình, vì Tự Do. Tôi dù biết điều ấy trễ nhưng vẫn còn chưa quá muộn. Khi hiểu
ra được như thế tôi chợt thấy mình tháo gỡ được mối băn khoăn.
Người cha bị bức tử của tôi chưa bao giờ chết. Người vẫn
còn đó cùng Lá Cờ Vàng lồng lộng bay trong gió như chuyển trao mọi nỗi bi
thương nhưng đồng thời cũng là niềm hân hoan về một Đất Việt, một Dân Việt, và
một Hồn Việt muôn đời.
Trịnh Bình An – 9/2014
Sơ lược về phim “Hồn Việt”
“Hồn Việt” là một phim tài liệu dài 57 phút về quốc kỳ và quốc
ca Việt Nam do Vietnam Film Club thực hiện vào năm 2012. Phim gồm có 9 đề mục:
- Lược sử hình thành Quốc Kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ)
- Lược sử hình thành Quốc Ca Việt Nam
- Quốc Kỳ theo mệnh nước (đi theo người tỵ nạn sau biến cố
1975)
- Quốc Kỳ Việt Nam tại hải ngoại
- Quốc Kỳ Việt Nam trên thế giới
- Những câu chuyện về Quốc Kỳ Việt Nam
- Quốc Kỳ trong tim người Việt
- Quốc Kỳ và người ngoại quốc
- Trình tấu Quốc Thiều Việt Nam tại Kiev, thủ đô của
Ukraina.
Sơ lược về “Viet Nam Film Club”
Vietnam Film Club được thành lập tháng 9 năm 2010 sau một thời
gian dài vận động. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi tìm sự thật của người Việt, đặc biệt
người dân trong nước về lịch sử Việt Nam giai đoạn cận đại, Vietnam Film Club
thực hiện các phim tài liệu lịch sử liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam, Đảng CS
Việt Nam, và những hệ lụy của cuộc chiến.
website vnfilmclub.com
VFC - “Hồn Việt - Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam”
VFC - “The Soul of Vietnam - The Vietnamese National Flag
and Anthem”
* Cuốn phim tài liệu có sự đóng góp cuối cùng của
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đang đi vào giai đoạn cuối: phim Nghĩa Trang Quân
Đội Biên Hòa, dự trù sẽ phát hành bằng DVD vào tháng 7 năm 2016. Xin mời xem
Trailer dưới đây (8 phút):
* Nhân tưởng niệm 49 ngày mất của Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích, Vietnam Film Club đã thực hiện Video Nguyễn Ngọc Bích: Tấm Lòng Cho
Quê Hương, được phổ biến theo Link dưới đây: