Chúc mừng !
Ông công an cửa khẩu nhe răng tươi rói.
Tôi giật mình, theo thói quen đầu đời tôi rất bồn chồn mỗi khi phải trình sổ
thông hành, và phải nói đây là lần đầu khi qua cửa khẩu tôi lại gặp được một
ông công an thân thiện đến như vậy. Đây là phi cảng Addis Ababa, Ethiopia, Phi
Châu và tôi đang thi hành thủ tục xuất cảnh. Cộng hoà Liên bang Dân chủ này lại
rườm rà, trên nguyên tắc khi nhập cảnh một đồng ngoại tệ cũng phải khai và khi
xuất phải có giấy chứng nhận của ngân hàng đã chính thức đổi trong nước bao
nhiêu đồng khác biệt để tránh chợ đen chợ đỏ. Nhưng ông công an này không hạch
hỏi, cũng không đòi xem máy vi tính hay quay phim của tôi có mang theo hay đã
bán chợ trời mà nhìn tôi thắm thiết như một người bạn mới. Thấy tôi ngỡ ngàng,
ông giải thích :
Thì đây là lần đầu một người da đen được bầu lên Tổng thống Mỹ và hộ chiếu tôi
trình ông kiểm tra là hộ chiếu Hoa Kỳ.
Nếu không có cái kính và cái quầy ngăn cản, có lẽ ông đã đứng dậy ôm lấy tôi,
tôi thấy động tác ông nhấp nhỏm muốn chồm. Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt có mặt
thì hẳn sẽ hài lòng, thấy chưa, cầm hộ chiếu Mỹ. Nhưng đối với tôi thì đây là lần
đầu tôi được hưởng vinh dự này ở nước ngoài nghĩa là ngoài Việt Nam. Ở Việt Nam
hộ chiếu Mỹ rất là oai, nhưng đây là một biệt lệ, nếu không kể, thí dụ, Trung
Quốc. Cũng như TGM Kiệt, tôi đã đi nước ngoài rất nhiều và thường thì đến đâu
ra khỏi cổng kiểm soát cửa khẩu là sổ thông hành tôi giấu biệt để khỏi bị luỵ bởi
chính sách đối ngọai của Hoa Kỳ. Nếu ai hỏi tôi là người ở đâu đến, tôi lúc nào
cũng trả lời, tôi là người Việt Nam. Được chúc mừng là người Mỹ, tôi phải đợi đến
ngày 4 tháng 11 năm nay.
Được công an chúc mừng là điều bất ngờ, tuy trong đêm bầu cử ở Mỹ, tôi đã gắng
nấn ná đến 5 giờ sáng ở Addis Ababa để theo dõi kết quả cùng một ông khách người
Uganda (quốc tịch gì không mang mà lại mang quốc tịch Uganda). Ngoài ra còn có
toàn bộ nhân viên trực đêm của khách sạn, say mê đến nỗi các anh phục vụ quên cả
bổn phận và kéo ghế ra ngồi, ông xếp quản lý chốc chốc lại bỏ quầy lễ tân vào
xem bầu cử đến đâu. Chỉ có bà quét dọn là cần mẫn tiếp tục lau chùi, vì ai làm
Tổng thống Mỹ thì bar khách sạn cũng phải sạch sẽ khi ca sáng đến đổi phiên.
Khi lên phòng tôi nói với mọi người vậy là cầm chắc, nhưng khi vợ tôi từ Mỹ gọi
tôi dậy vào lúc 7 giờ (8 giờ đêm hôm trước tại Cali) tôi còn phải hỏi kỹ là
McCain đã tuyên bố công nhận kết quả chưa hay biết đâu lại đòi bang Ohio hay
Florida kiểm lại phiếu. Và ngày hôm sau ai nấy rạng rỡ như là mới trúng quả.
Không phải nói và không phải nhắc lại, những người rạng rỡ này, tứ là « ai nấy
», da đều đen hơn là vị Tổng thống thứ 44 của nuớc Mỹ.
Đến đây, không phải nói và không phải nhắc lại nhưng mở một dấu ngoặc, một hai
thập niên mới đây thôi, Tổng thống Cameroon là ông Paul Biya có dịp sang Mỹ.
Ông đến thăm một trường tiểu học ở nội thành Washington dân cư đa số người da
đen. Giới thiệu ông với các em học sinh, một cô giáo phát biểu : « Người da đen
cũng có thể làm Tổng thống và đây là bằng chứng ». Để đóng dấu ngoặc lại tôi
xin nói thêm, Chủ tịch Ethiopia cũng là một bằng chứng khác trước khi trở lại với
Tổng thống đắc cử của nước Mỹ.
Ông tài taxi đưa tôi từ trường bay Beirut vào trong phố bảo thế là thế giới sẽ
khả quan hơn, « Thay đổi và Hy vọng ». Ông taxi này người Ả Rạp, tức là không
có tính đoàn kết hay hãnh diện màu da trong phần phấn khởi này. Tôi nói ờ thì
hy vọng thôi, chứ thay đổi thì chưa dám nói và đừng nói vội. Năm 1992 trước lựa
chọn Bush cha, tôi đã phải bỏ phiếu cho Clinton (!) và đến bây giờ còn hối. Lần
này, như bà Cynthia Mc Kinney, ứng cử viên của Đảng Xanh (và da thì có đen hơn
ông Obama đôi phần) phát biểu, đừng nên để cho cái sợ (ông Mc Cain thắng) chi
phối lá phiếu. Mấy tháng trước, khi các bạn ở Hàn Quốc hồ hởi « Anh nhất định
phải bầu Obama » tôi đã quyết liệt « Tôi bầu cho người tôi thích nhất trong các
ứng cử viên, để mai mốt lỡ có vài hội hè đám cưới gì đó ở Afghanistan có ăn bom
lạc của Mỹ và chết vài ba chục trẻ em tôi còn đỡ thấy phải cắn rứt ». Nhưng cả
tôi và ông taxi Lebanon đều vui mừng mà đồng ý, Bush bye bye.
Thực tế thì tôi bi quan mà nghĩ, niềm vui quốc tịch Hoa Kỳ của tôi sẽ không được
lâu dài, dại gì mà không hưởng trong mấy ngày này. Người Mỹ đi đâu cũng bị
ghét, xa cũng như gần (không tin thì thử hỏi người Mexico hay là người Canada).
Hoạ may ở Việt Nam (và Trung Quốc như đã nói, nhưng một mình Trung Quốc đã 20 %
nhân lọai), và đâu đó được một Ivory Coast hiếm hoi. Ngược lại, theo kinh nghiệm
trải qua của tôi, người Việt Nam đi đâu cũng được nể, đây là tôi nói thật,
nghiêm túc và không đùa, và lý do được nể nang này là vì đã đánh Mỹ, nói ra thế
này thì nhiều bạn ở Việt Nam không thể nào tin. Giờ tôi đang ở Beirut, trong một
ngày hôm nay ba người lạ khi biết tôi là Việt Nam đều khen ngợi mà chẳng phải
khen ngợi vì ta nghe đâu có nhà văn suýt đoạt giải Nobel hay là ta xuất khẩu đồ
may. Một ông lái xe cám ơn nước tôi bắn máy bay Mỹ (của Israel) đã ném bom chết
bố mẹ ông và một người em trai và cho tôi xem vết thẹo ông còn mang ở cổ tay.
Ông hàng tạp hoá bán cho tôi hai chai bia còn nói với « Năm 17 tuổi, ở tại đây
này, tôi xuống đường hô Hồ Chí Minh – Việt Nam. Giờ có dân chủ hay chưa ? » Ông
hơi buồn một tí khi được tôi cập nhật nhưng vẫn súyt xoa « Việt Nam rất giỏi ».
Một ông khác, chạy xe Hyundai thoạt tưởng tôi Hàn Quốc từ việc khen xe rẻ mà
không kém gì Mercedes chuyển ngay sang chuyện B52 rớt. Cách đây vài năm, tại Ai
Cập, trẻ con ngoài phố đang ghẹo các con tôi, khi biết là người Việt đã đổi
ngay thái độ và ôm chầm lấy, đứa bé bán trà dạo mời uống nước không tính tiền !
Năm 1976, khi khủng bố Palestin bắt cả Hội nghị OPEP ở Vienna làm con tin, lúc
đột nhập vào phòng họp họ bảo « Ai là người Việt Nam thì đi ra ngoài, còn lại cởi
cà vạt ra để chúng tôi làm giây trói lại ». Nhưng đây có lẽ không thuyết phục,
vì nể nang nước Việt tôi chỉ kể ra được Ả Rạp với lại khủng bố, tức là một lứa
cá mè nếu không nói là đồng nghĩa. Tuy hiện tượng ghét Mỹ, thì là một hiện tượng
toàn cầu, cho dù họ có từng nghe nói đến nuớc Việt hay chưa.
Mỗi bận được người lạ vồn vã như vậy, thật ra thì tôi lại đâm ra lúng túng. Lý
do là phần tôi thì máy bay Mỹ tôi chưa hề bắn một cái nào, cho dù là không may
bắn lầm (như quân đội Mỹ vẫn thường thấy tại Iraq ngày nay mỗi khi gặp phải…
thường dân). Tôi ậm ừ nhận đại cho qua chuyện. Ta hay mang dư luận nước ngoài
ra làm bằng, nhưng nước ngoài vì họ là nước ngoài nên biết gì. Mỗi bận cho biết
tôi là người Việt, tôi chưa hề nghe ai « À, đất nước ông là đất nước có Ngô Tổng
Thống anh minh ». Thiệt thòi nay tôi phải gánh chịu, nhưng cũng có một trường hợp
tôi có thể kể lại.
Đó là tại Los Angeles vào năm 1980. Chiến tranh Việt Nam còn gần gũi và chuyện xảy
ra ở một cửa hàng bán vé du lịch Philippines. Khi biết tôi là người Việt, không
phải là người Việt Điện Biên, người Việt cầu Công Lý (cầu Nguyễn văn Trỗi) mà
là người Việt tị nạn, người di tản buồn, ông nhân viên Philippines này đã chép
miệng mơ màng « Tướng Kỳ, à, có một bà vợ rất đẹp ! ».
Đây là một an ủi độc nhất nhưng ngày hôm nay không còn cần thiết nữa. Tạm thời,
và cho đến khi Obama nhậm chức để xua quân sang Pakistan như ông đã hứa (chẳng
hạn), thì tôi được quyền hưởng thụ đối với người nuớc ngòai niềm tự hào tôi là
một công dân Mỹ.
Enjoy !
Đỗ Kh.