04 June 2016

TẠI SAO NGƯỜI TA KHOM LƯNG? - Ngô Nhân Dụng

  
Sau khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama rời Việt Nam, trên mạng Internet có người đem hai bức hình ra so sánh. Bức hình thứ nhất chụp ngày 25 Tháng Năm, một ông “quan nhỏ bước ra khỏi xe hơi, trong lúc mặt đường ngập lụt. Một anh quân hầu vội vác chiếc ghế tới cửa xe cho quan bước lên, rồi một anh khác khom lưng cõng ông vào bậc thềm, cách cửa xe hai mét. Bức hình thứ hai chụp trước đó, cảnh ông Obama đang ở Việt Nam, tay cầm dù che cho hai nhân viên cùng bước với mình sau khi xuống máy bay gặp trận mưa lớn.

Một công dân mạng bình phẩm: “Không cần phải nói nhiều, hai tấm hình này cũng đủ nói lên bản chất của hai chế độ.”
Không sống dưới chế độ độc tài thì không thể hiểu tại sao anh quân hầu lại sẵn sàng khom lưng cõng ông “quan nhà báo.” Tại sao ông quan làm báo lại sẵn sàng cưỡi lên lưng người ta để bảo vệ đôi giầy của mình? Tại sao người ta cư xử với nhau với những phản ứng tự nhiên như vậy? Ðây chắc phải là một cảnh bình thường, trong đời sống hàng ngày. Cậu lính hầu thấy quan đang lo sợ ướt giầy, ướt gấu quần, thì đưa lưng ra cõng. Phản ứng tự nhiên, vì xưa nay cậu đã quen hầu các quan rồi. Ông quan thấy có đứa đưa lưng ra cõng thì ung dung cưỡi lên lưng người ta, không thắc mắc gì cả. Sau này ông kể, “sự việc diễn ra khá nhanh, lúc đó tôi cũng không nghĩ gì…” Ðúng ra, việc diễn ra nhanh hay chậm thì chắc ông cũng không thấy cần phải nghĩ gì cả. Ông cử động theo thói quen hàng ngay. Dù sao ông cũng biết xấu hổ khi bức hình lan truyền trên mạng, nên tìm cách giải thích, rằng vì ông già cả nên được anh quân hầu trẻ tuổi cõng. Chưa đầy 60 tuổi đã thấy mình già, nhưng nếu ông không quyền, không chức, thì có anh chị nào xin cõng hay không?

Chúng ta không cần nêu danh tính, in chân dung của ông quan và anh quân hầu trong câu chuyện này. Vì thực ra họ đều “ngay tình,” chỉ “phản ứng tự nhiên.” Họ không suy nghĩ gì khi khom lưng xuống hoặc cưỡi lên lưng đồng loại. Họ không cảm thấy hành động của mình có ý nghĩa nào về đạo đức cá nhân hay đạo đức xã hội. Cuộc sống trong chế độ Cộng Sản đã tạo ra kiểu hành vi, thái độ này, người trên thì vênh vang hưởng thụ, thằng dưới thì khúm núm xun xoe. Nền văn minh xã hội chủ nghĩa sản xuất ra các hoạt cảnh bình thường như thế, bởi vì người ta sống như thế từ lâu, đã thành tập quán rồi. Thằng dưới phải khúm núm, sợ hãi thằng trên. Thằng trên coi thằng dưới như “gia nhân, đầy tớ.”
Những chữ “gia nhân, đầy tớ” tôi mới thấy trong cuốn “Lời Ai Ðiếu,” hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải, Người Việt xuất bản. Ông Khải đã làm việc nhiều năm cho các đài truyền hình của Cộng Sản. Trong một đoạn, ông thuật lại mấy câu chuyện nghe cô em họ nói; cô đã từng phục vụ các quan Bộ Chính Trị trong các buổi họp. Cô kể rằng, “Khi họp Bộ Chính Trị, Bác Lê Duẩn nói thì các bác Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp cứ cắm đầu xuống mà nghe, không ai dám ngẩng đầu lên, không ai dám nói nửa lời.” Và ông Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng Sản, “mắng mỏ người khác như mắng gia nhân, đầy tớ.” Ông Lê Phú Khải lại kể một lần Võ Nguyên Giáp mặc trào phục oai nghi, đi xe hơi có tài xế lái, đến dự một buổi họp quan trọng. Lê Duẩn trông thấy, bảo, “Anh không được dự.” Thế là ông đại tướng quay đầu lủi thủi lên xe ra về.
Cung cách cư xử từ trên đã như vậy, xuống dưới không thay đổi, mức sợ hãi có thể còn tăng cường độ. Bác Sĩ Tôn Thất Tùng được coi là y sĩ có uy tín nhất miền Bắc. Một vị tướng cảnh sát, từng làm thứ trưởng Bộ Công An, đã chứng kiến cảnh ông bác sĩ “quá lo sợ, mồ hôi vã ra như tắm.” Chỉ vì ông phải ra làm chứng trong một vụ nghi án. Hai phe Bộ Công An đánh nhau, bên nói nạn nhân bị giết, các thủ phạm đã bị đưa ra tòa, kết án, còn bên kia cố chứng minh người đó tự tử. Bác Sĩ Tôn Thất Tùng biết rằng nếu phát biểu ý kiến trái với phe công an mạnh thì không biết sự nghiệp và cả cuộc đời của mình sẽ ra sao! Là người ngoài, ông đâu biết phe nào mạnh hơn? Ông Tùng rút khăn trong túi ra lau mồ hôi, rút theo mấy gói bột ngọt, đánh rơi cả xuống đất. Thấy ông Tùng run quá, vị tướng cảnh sát cúi nhặt mấy gói “mì chính,” để lại trong túi cho ông, để ông còn cho vào tô khi đi ăn phở. Ông cho biết, Bác Sĩ Tùng phải thuộc hạng sang lắm (trong chế độ xã hội chủ nghĩa) mới có thứ bột ngọt này cất trong túi. Ông Tùng run, nhưng đủ bình tĩnh, khôn ngoan, không cho ý kiến nào cả. Chắc ông đã quyết định theo kế thoát thân đó trước khi dự buổi thẩm tra, vậy mà vẫn còn sợ, run, toát mồ hôi. Mà Bác Sĩ Tùng không thuộc hàng dân thấp cổ bé họng.
Thói quen sợ hãi người có quyền, có thế đã lan tràn. Xuống dưới nữa thì chúng ta mới thấy, cảnh anh quân hầu khom lưng cõng ông tổng biên tập một tạp chí của hội nhà báo. Làm chức tổng biên tập mà oai quyền đến thế sao? Người sống tự do quen không thể nào hiểu nổi lý do nào khiến con người khom lưng cõng nhau như vậy! Thời tôi sống ở Montréal, Canada, một bữa tôi đến trường đứa con út học, ngồi chờ để gặp các thầy, cô giáo; ngày hôm đó các thầy cô phải tiếp các phụ huynh. Ðang ngồi đọc báo chờ, thấy một người đến ngồi cùng băng ghế, tôi ngẩng lên, rồi vội cười chào. Ông ta lễ phép chào lại. Phụ huynh mới tới đó là Luật Sư Pierre Trudeau, người làm thủ tướng nước Canada mấy lần. Năm đó hình như đảng ông mới thất cử, nhưng vài năm sau ông lại trở về ngồi ghế thủ tướng.
Tại sao trong một nước tự do dân chủ thì ông thủ tướng hay anh dân thường đều tự coi họ bình đẳng như nhau? Tại sao trong xã hội Cộng Sản thì thói đội trên đạp dưới trở thành căn bệnh kinh niên, nặng nề như vậy?
Tất cả là do môi trường tạo ra. Trong chế độ độc tài đảng trị, thì các quan trên, dù chỉ đứng hạng nhì, hạng ba trong một hội nhà báo, khi được đảng Cộng Sản tin dùng là đủ thấy mình có quyền thế, coi những kẻ dưới mình như gia nhân, tôi tớ. Trong chế độ dân chủ, muốn làm thủ tướng hay tổng thống thì phải được dân bỏ phiếu, được dân ủy quyền. Cho nên có người nhận xét về hai bức hình, hình người cõng người và hình ông Obama che dù cho nhân viên, “Chúng cho thấy sự khác biệt: Một bên là đảng cử, một bên do dân bầu.”
Chính guồng máy dân chủ làm cho mọi người sống bình đẳng, một cách tự nhiên. Cái guồng máy đó chạy trong đời sống xã hội, thế là ai cũng cư xử, hành động theo quy luật dân chủ. Cứ như thế, sau một thế hệ, cùng lắm là hai thế hệ, ai cũng thấy mình không thua kém những kẻ có chức có quyền. Và những kẻ có quyền chức cũng thấy mình chẳng hơn gì đám dân ngoài phố. Nhất là các nhà chính trị. Họ phải chật vật đi xin phiếu của dân, xin dân bỏ phiếu cho mình. Họ phải tìm mọi cách chứng tỏ là mình gần với dân, thông cảm dân, vì mình không khác gì những người đi bỏ phiếu.
Người Việt Nam ở Mỹ nhìn cảnh ông tổng thống của họ đi ăn bún chả, ngồi trên cái ghế đẩu, xắn tay áo cầm chai bia mà tu, không ai ngạc nhiên cả. Ông ta đứng trú mưa dưới mái nhà tôn cái quán chông chênh bên đường ở huyện Từ Liêm, lại mời cô chủ và các khách hàng ra chụp hình với mìn. Cũng không người mỹ nào coi là chuyện lạ lùng. Nhiều người còn hỏi: Ủa cái ông Obama này, ổng tính tranh cử lần nữa hay sao? Bà con mình ở Hà Nội hay Sài Gòn đâu có quyền đi bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ?
Những gì ông Obama đã quen làm ở Mỹ, cách ông ta cư xử với dân Mỹ, ông ta chỉ làm giống hệt như vậy khi tới nước Việt Nam. Một là coi mình với người khác đều ngang hàng, bình đẳng. Hai là có cơ hội là bày tỏ tình thân thiện với mọi người. Nghĩ một cách tự nhiên, làm cũng tự nhiên như thế. Thái độ và hành vi này đã trở thành loại “bản năng thứ hai” của những người làm chính trị trong các xã hội dân chủ tự do. Họ được huân tập trong guồng máy dân chủ.
Vì vậy, sau khi ông Obama đi rồi, một người ở Sài Gòn viết trên mạng “những ấn tượng ông để lại trên mảnh đất chữ S này thì mãi mãi còn.” Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, 24 tuổi, nói với nhà báo: “Tôi muốn nước tôi có một người lãnh đạo như ông Obama.” Ông Nguyễn Quang Chơn viết trên blog của mình: “Ông Obama. Tôi kính mến, quí trọng và muốn được học tập ông… đối với người dân Việt, cái mà ông Obama đem đến chính là phong cách của ông, con người của ông…” Phải nói, mọi người dân Việt Nam đều khao khát những người cầm quyền ở nước mình cũng biết cư xử với dân như một ông tổng thống Mỹ.
Ông Obama có biệt tài khi nói trước đám đông mà khiến cho mọi người đều cảm thấy ông ta nói với chính mình. Ông đã trổ tài này khi nhắc đến Lý Thường Kiệt, rồi kết luận với “của tin, chút này” của Nguyễn Du. Ông ta có thói quen thổ lộ những kinh nghiệm và tâm tình mà người khác có thể chia sẻ ngay lập tức. Ngày hôm qua, tới Hirosima, nơi bom nguyên tử Mỹ đã giết 140 ngàn người Nhật, ông đã làm nhiều người rơi lệ khi nhắc đến những đứa trẻ lúc chết còn sững sờ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nghĩ đến những em bé chết oan vì tội lỗi của người lớn, ai cũng nhận được bản thông điệp hòa bình này.
Giống như vậy, tôi đã từng đọc bài thi sĩ Hữu Loan kể cha mẹ vợ ông bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Các cụ bị chôn sống đứng, nhô đầu trên mặt đất, rồi người ta cho kéo cầy đi qua. Nghĩ đến cảnh đó đủ rợn người. Nhưng gần đây tôi còn rùng mình hơn, khi đọc một đoạn hồi ký về cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Cộng; nhân năm nay là 50 năm kỷ niệm thảm họa đó. Một nhân chứng kể ở tỉnh Sơn Tây người ta đem chôn sống một bà già và đứa cháu. Nhân chứng kể nghe thấy tiếng đứa bé kêu khóc: “Bà ơi, cát chui vào mắt con đau quá!” Rồi nghe tiếng bà trả lời: “Lát nữa sẽ hết đau, con ạ.”
Tại sao con người có thể tàn ác với nhau như thế? Chế độ Cộng Sản đã thay đổi con người, tạo ra những hành vi chúng ta không hiểu nổi. Tàn ác cực độ. Hoặc hèn hạ kinh khủng.
Muốn cứu con người, phải chấm dứt chế độ đó.

Ngô Nhân Dụng