– Anh Hoàng. Em nè!
– A! Em lại là đà ở Bonneuil?
– Mỗi năm đến hè… A hèm, mừng sinh nhật anh.
– Sinh nhật gì, sắp là ngày giỗ của anh rồi.
– Anh sao? Anh khỏe không?
– SARCOMA.
– Là cái gì?
– Là đau ở cột sống, là phải uống thuốc giảm đau, là không
ngủ được, là không còn lái xe đi cà-phê, là sắp chết – hiểu chưa? Là có thể anh
sắp được chuyển đi Stanford để chemo thay vì xạ trị như hiện nay.
– Hmmm… cái bịnh quái quỷ sao nó ghé qua nhiều người quen của
mình thế?
– Em chỉ nói được có vậy?
– Chứ nói sao nữa? Chỉ biết chúc anh … lì đòn. Hay là anh về
Việt Nam một thời gian để em có dịp bày tỏ lòng thành. Dĩ nhiên em không thể chữa
bệnh, nhưng chăm bệnh thì được. Nói càn vậy thôi. Đừng tin.
– Quỷ sứ! Sao 50 năm trước em không nói những lời tương tự?
– 50 năm trước em học lớp đệ tam, anh có vợ con; 40 năm trước
em chín mùi, anh lại có thêm vợ con; 30 năm trước em trung niên có chồng con,
anh lưu lạc cùng vợ con; 20 năm trước em thênh thang, anh vẫn đang trong qui
trình sản xuất trẻ con; 10 năm trước anh 66 tuổi, 7 con; bố ai dám tỏ tình!
– Em vẫn không thay đổi, ít ra là giọng điệu của em.
– Có chứ! Bây giờ em lạt hơn, dễ ôi thiu khi mềm nếu không để
tủ lạnh, dễ gẫy khi giòn nếu rán quá lửa, không còn học thuộc lòng thơ truyện của
anh vì không còn thấy hay tí tẹo tèo teo.
– Em giỏi lắm. Anh thấy cái gì em làm cũng đến nơi đến chốn.
Chỉ có anh là chẳng ra làm sao.
– Lại tự ti rồi, hay đang gây ảo tưởng cho kẻ nhẹ dạ sính lời
tâng bốc? Đến nơi nào, chốn nào? Em chơi cho vui thôi. Cũng tại anh đưa em vào
con đường sa ngã. Ngã vào văn chương là một cú rơi tự do, trước sau gì cũng sẽ
chạm đáy. Bị lực ly tâm làm sao vươn đến đỉnh? Anh xem Upside Down
của Juan Diego Solanas chưa? Có một thế giới ngược với lực ly tâm của riêng nó,
nơi từ dưới này anh phải trang bị nam châm toàn thân mới leo được lên trên kia.
Úi trời, phải có tình yêu mới làm nổi – như Jim Sturgess liều mạng cùi đi tìm
Kirsten Dunst rồi hai người chui vào trong nhau giữa hai thế giới, bay lơ lửng
trong gam màu xanh lè y hệt bức Au-dessus de la ville; chắc
Solanas chôm ý tưởng của Marc Chagall rồi!
– Em vẫn bị mê hoặc, gần như mê muội bởi bọn làm phim
Hollywood. Vẫn nhớ em của thuở ấy.
– Thuở nào?
– Thuở hồng hoang. Thuở em mê Alain Delon, Anthony Perkins,
Audrey Hepburn, Pier Angeli. Thuở em viết nhật ký. Thuở em còn ghiền ăn xí muội,
ngồi thu lu dưới gầm bàn vừa chép thơ tình tán gái của các đại thi hào, vừa
hóng chuyện đàm đạo văn chương giữa anh và chị Chi. Dạo đó không ngày nào anh
không ăn cơm nhà em; má thương anh ghê!
– Vì anh tuổi Dần cùng tuổi với ông anh đã chết của em. Vì
anh biết nịnh bà già, biết mét má khi bị vợ đánh đòn vì ghen, biết tán chị Chi
bằng Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Gunter Grass, Sartre, Beauvois. Vì
anh biết dụ trẻ con bằng cách đều đặn đút dưới gầm bàn những tập bán nguyệt san
có in hai chữ Kính biếu ở trang bìa; rồi Thềm Hoang, Chim Hót
Trong Lồng của Nhật Tiến; sau nâng cấp với Chị Em Hải, Con Đường
của Nguyễn Đình Toàn. Đến Thérèse Desqueroux của Mauriac và Of
Mice and Men của Steinbeck thì em biết tự mua sách và biết yêu.
– Em sống tội nghiệp quá. Sau kỷ niệm không đẹp với nhà thơ
lính, em bay chấp chới, vuột mất ngoài tầm nhìn. Anh chẳng còn thấy em nữa, chỉ
nghe thôi.
– Sau kỷ niệm không đẹp, mọi thứ đều đẹp. Em đã có những
tháng ngày lãng mạn nhưng hợp vệ sinh với nhà văn này nhà thơ nọ, luôn luôn cảnh
giác giữ tư thế ngồi để tránh nhăn lưng áo. Chính anh đã đẩy em vào thế giới
sáng tác nơi em không thể không cà-phê phin hoặc trà chanh đường với những văn
nhân hàng ngày ngồi chơi xơi nước ở quán Cái Chùa hoặc Givral – khu vực…hmmm…văn
hóa nhất của Sài Gòn ngày trước. Kẹt cái là họ đều có vợ, đỡ cái là em không chủ
trương làm lẻ làm chẵn để làm chi. Mấy ông kẹ thấy táo hườm hườm thì muốn hái,
nhưng đúng ra chỉ là trái cây chín dú.
– Vẫn không quên buổi trưa hai anh em nằm với nhau trong căn
phòng 1 giường ở khách sạn Diplomat. Lần ấy thực tình anh chỉ muốn biết táo dú
khí đá và chín cây thì khác nhau như thế nào, nhưng anh đã không cắn vì thấy em
thực sự còn xanh. Mà hình như em cũng chỉ thích lắt lẻo trên cành thôi.
– À, buổi trưa đó hả? Mình đã giữ vệ sinh chung cho đến lúc
nghe mưa ào xuống bên ngoài thì ngồi bật dậy xem đồng hồ rồi trả phòng, men
theo hàng hiên tìm quán hủ tíu trên đường Tôn Thất Thiệp. Chỉ có lần đó, một
ngày cuối năm, hai anh em mới có dịp nói chuyện nhiều trong cái phòng tránh nắng
có máy điều hòa ở nhiệt độ 17. Cũng là lần đầu tiên anh đặt tay lên cái ngực
lép của em, phía có trái tim, rồi phát giác ra nó không đập. Màu xanh của táo
đi ra từ chỗ có màu đỏ của tim.
– Em đưa cái trí thông minh của em xuống dưới ấy, trái tim
chết ngắc là phải rồi. Theo những gì anh biết sau này về em, anh thấy nó ngắc
ngứ tùy cơn; có vẻ như em dị ứng với động vật; con nào nhúc nhích thì em đập
cho lòi phèo hoặc phun thuốc trừ sâu cho giẫy đành đạch.
– Đã nói là sau kỷ niệm không đẹp ở biển, mọi thứ đều đẹp nhờ
em biết vô hiệu hóa bất cứ sinh vật nào ngo ngoe.
– Em lại sống tội nghiệp rồi. Sao em bạc đãi chính mình chi
vậy?
– Đâu có! Em an nhiên tự tại mà. Không riêng anh, nhiều người
nhìn em như một con bệnh. Bệnh của em, nếu có, nó không làm đau nhức hay chết
người như sarcoma. Em lành mạnh và khỏe mạnh hơn anh chứ!
– Có lẽ em nói đúng. Anh đã hậu đãi mình bằng hai cuộc hôn
nhân, nhưng thứ này, chậc, có sức tàn phá thật khốc liệt. Anh bị cuốn xiết
trong con trốt tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm, sinh kế, tương quan xã hội. Anh
luôn phải đối phó; đến lúc thấm mệt anh nằm xuống nghỉ thì ngóc đầu lên hết nổi.
Bây giờ anh đau từng phút từng giây từng cử động. Đêm của anh rất dài. Ngày của
anh cũng vậy. Chỉ mới hai tháng nay thôi, nhưng đã dài lắm.
– Em gọi điện để chúc mừng sinh nhật anh, như mọi năm vẫn
làm, không ngờ nhận tin xấu. Em thật sự lúng túng không biết hành xử như thế
nào trong một trường hợp như vậy.
– Em đã chúc anh lì đòn. Anh không lì thì ai chịu đau giùm
anh chứ! Tự nãy giờ em đã giúp anh quên đau, vì mình mải kể chuyện cổ tích. Vì
sao khi người ta thất thập nằm chết dí một chỗ thì ký ức tuôn chảy dễ dàng làm
dậy lên cơ man là trầm tích. Bấy lâu nay khỏe mạnh sao không có được những lúc
như thế này nhỉ?
– Cặn lắng sâu dưới đáy trong khi dòng thủy lưu cứ thoăn thoắt.
– Em còn cuồn cuộn không?
– Á, không. Em lững lờ lâu rồi. Gần như lờ đờ, vì vậy êm ả.
– Bonneuil có nước không?
– Gần chỗ em ở có một cái hồ nhân tạo được đào từ đầu thập niên
70 của thế kỷ trước, Lac de Créteil, 40 ha. Loại ao tù đó mà, không chảy đi đâu
được, nhưng có tí hơi nước với gió hiu hiu vào những ngày đẹp trời thì thiên hạ
khoái chí đổ xô ra bờ hồ ngồi tàng tàng cũng đủ lãng quên đời.
– Có ví von gì không?
– Không. Chỉ là cái hồ ở gần nhà.
Lac de Créteil
– Chỗ em ở ra sao?
– Vẫn cái ấp em thuê hàng năm. Một căn hộ 30 mét vuông gọn
xinh dành cho người độc thân. Mặt trời phía đông phía tây đều hất nắng vào chỗ
em đang ngồi đây. Có cái ban-công be bé có thể kê 5, 6 chậu nhỏ để trồng cây
xanh. Em đang ươm ngò rí, tía tô, quế và ngò gai. Đã nẩy lún phún rồi.
– Chi vậy? Nghỉ hè xong trả nhà quay về cố quận, bày đặt trồng
trọt chi cho mất công?
– Do có tình yêu vô biên đối với thực vật.
– Hừ! Kể ra em có đời sống vương giả đáng thèm.
– Xa xỉ gì bọn rau nhiệt đới? Sao lúc nãy phê là em sống tội
nghiệp, bạc đãi bản thân?
– Là ở khía cạnh tình cảm kìa!
– Cái khía đó hồn ai nấy giữ anh ơi! Ăn thua là an toàn lao
động. Mà con người ta đâu chỉ sống nhờ một khía.
– Em nói làm anh nhớ con ba khía quá! Hồi đó má cho ăn hoài.
Mắm ba khía xé phay trộn với chanh ớt tỏi đường ăn cay chảy nước mắt nhưng cứ xới
thêm cơm, đặc biệt ngon với mưa lầm rầm trên mái tôn.
– Giờ sống văn minh ở Mỹ, ở nhà to, lái xe hơi vèo vèo trên
đường cao tốc bày đặt nhớ chùm khế ngọt. Má thì qui tiên rồi. Ba khía dạo này ốm
nhách không có thịt. Nhà mái tôn đã được sửa lại, có chỗ khang trang cho anh nằm
dưỡng bệnh, có cây xanh từ trên xuống dưới từ trước ra sau cho anh ảo giác vườn
quê, có cái bàn 50 tuổi vẫn còn ở vị trí cũ cho anh hồi tưởng những buổi đàm đạo
văn chương với chị Chi. Nhưng mà thôi, sarcoma không phải là thứ để nhân danh.
– Em thử nhân danh một thứ khác đi!
– Đừng dạy đời em!
– Trước khi đi biển với nhà thơ lính em đã ngồi uống soda
chanh với anh ở Givral để hỏi ý kiến; lần đó em rao là nhân danh tình yêu. Sau
khi trở về em lại coi chuyến đi như một tai nạn. Anh đã hăm he trước: hạnh phúc
như hòn lửa đỏ ngậm trong miệng, dù sao cũng phải bỏng; em đâu có nghe!
– Hay dạy đời vậy nên em mới cảm tác Bài Đức Dục Của
Lão Chăn Trâu.
– Mới mười sáu tuổi đã làm thơ mặn như muối, giọng điệu du
côn.
– Trời! Anh còn nhớ ư?
– Sẽ đọc cho nghe.
Chàng dạy tôi cười bằng đuôi con mắt
Và khóc bằng hai bàn tay bụm lấy mặt
Như một kẻ khốn cùng
Tôi chỉ gục gặc
Chàng dạy tôi yêu bằng chân không
Và tập đau bằng lục phủ ngũ tạng
Như một kẻ dốt nát
Tôi dạ vâng
Chàng dạy tôi nói bằng sự lặng im
Và lẩn trốn bằng sự phù phiếm
Như một kẻ vô vọng
Tôi ngậm câm
Lời chàng dạy tôi cho đi qua
Như con nước chảy ra biển cả
Chàng bèn đánh đập
Tôi rên la
– Chà, rõ ràng là em lì như trâu mà! Anh chăn em đâu có được.
Còn một bài Cách Ngôn em tán anh nữa, nhớ không? Cái gì mà…
Chàng dạy dỗ tôi bằng những lời này
Tôi gục đầu nghe bằng hai lỗ tai
Giọng chàng hàm hồ giọng chàng đay nghiến
Môi chàng nhịp nhàng lưỡi chàng huyên thuyên
Chàng nói và nói chàng nói như hát
Chân chàng cày bừa tay cấy gặt
Môi chàng chích chòe lưỡi chàng chìa vôi
Tôi càng hỗn mang chàng càng gay gắt
Chàng đổ cát xốp cho dã tràng xe
Chàng nhịp chày cùn vồn vã trên đe
Huy chương mề đay chàng máng trước ngực
Tội nghiệp lời chàng tôi bưng tai nghe
Ngồi trong lòng chàng như ngồi giữa trời
Lần vải áo chàng rịn mồ hôi người
Mặn như muối hột tanh như nước biển
Biển thì mênh mông tôi chìm như chơi
– Ha ha! Sau đó thì anh viết Niềm Yên Lặng Của Biển.
Mà có yên lặng gì đâu, dạo ấy sao anh ba hoa thế; lại chỉ nói về mình, khoe
khoang với em hằng hà sa số chiến lợi phẩm tình ái.
– Ui, mắc cười quá! Mình đã là nguồn cảm hứng của nhau. Vậy
sao mình không trở thành đại văn hào nhỉ?
– Có những người làm một bụm rất nhỏ những chuyện lớn, trong
khi mình ôm một bụm lớn những chuyện nhỏ.
– Thời khắc này anh ngộ ra như thế cũng còn kịp lúc.
– Kịp cho cái gì? Cái chết hả?
– Không. Cái sự sống. Bằng cách này hay cách khác nó đã được
kéo dài để mình kịp có thì giờ mà ngộ ra điều này điều kia.
– Anh còn ngộ ra một điều nữa: có những thứ nằm bên dưới và
bên trong của bên trên và bên ngoài.
– Tưởng gì! Em cũng biết cái đó. Vậy nên em chui ngược trở
vô để sống với nó.
– Khi nó tống em ra thì em gọi cho anh hả?
– Đâu có! Em tống nó ra.
– Anh lại nghĩ khác: em cứ nhào ra nhào vô theo các cơn bốc
đồng của chính em thôi. Anh biết em quá mà! Chỉ khi bò ra khỏi cái hang ở cố quận,
em mới đâm ra hào sảng, hiểu ở nhiều nghĩa.
– Ở trong hang thì làm gì có nhu cầu chi tiêu.
– Thảo nào thấy em toàn cảm tác lăng nhăng khi dạo chơi ở
ngoài, và chỉ gọi anh khi đã an tọa đâu đó mà không phải căn nhà trong hẻm.
– Biết hết còn gì để nói nữa!
– Nói cho anh nghe về cái hang của em đi.
– Nó rộng hơn cái ấp này 9 lần, tính luôn không gian dành
cho thực vật. Ít khi em chui ra khỏi hang trừ phi đi chợ. Hang không có lóng
lánh thạch nhũ hay róc rách khe suối nhưng có điện nước đầy đủ, có lò điện lò
gas, quạt máy bàn ủi. Đại khái, những tiện nghi tối thiểu, cho nên hang nhân
không phải khắc khoải nhớ tiếc ánh sáng văn minh đô thị. Cái hang hùm của anh mới
có nhiều chuyện đáng nói chứ!
– Ứ hự, bây giờ anh như cọp mắc thuốc, ngày ngày lại ngâm
bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ.
Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…
– Lại xạo rồi! Trong cuộc sống vật chất thặng dư, anh chợt
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.
Trong số mấy triệu khúc ruột ngàn dặm, rất nhiều khúc thành
đạt hưởng thụ đã đời xong về thăm quê hương chê dơ chê thúi chê lạc hậu, nhưng
lại làm thơ viết văn rên rỉ
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Chịu, không hiểu nổi!
– Lại làm bộ rồi! Hiểu chứ sao không hiểu?
– Xạo gặp làm bộ, hèn chi vui quá trời.
– Nè, em gọi cho anh để chúc sinh nhật phải không? Giờ chọc
tức cho anh lên huyết áp phải không?
– Không. Hai anh em mình khắc khẩu, gây với nhau nửa thế kỷ
nay rồi. Tử tế được một lát thế nào cũng nháng lửa. Thôi, em cúp máy đây. Khi
nào ngọa hổ tàng long ở bệnh viện Stanford để làm chemo thì cho em biết để em
chọc tiếp. Nhớ đấy, phải lì đòn, bất chấp thập diện mai phục!
– Quỷ sứ!
Trần Thị NgH