07 July 2016

BỜ CÁT ẨM - Hồ Đình Nghiêm


Tiến sĩ Rupert Neudeck (1939-2016)

Trong ca dao có những câu đặc tả chân chất ngây ngô. “Con mèo con chó có lông, bụi tre có mắt nồi đồng có quai”. Dùng nó để ngâm nga, làm điệu hò ru em lại đâm hiệu nghiệm. Đứa bé sẽ ríu mắt chìm dần vào giấc ngủ, ngủ như một baby. “Em” chưa đủ tuổi để sớm đón đầu mộng mị, em chẳng hình dung được con mèo con chó bụi tre nồi đồng là… cái quái gì. Em đích thị chỉ là trang giấy trắng.


Nhờ sữa mẹ dần dà em tăng trưởng, tháng ngày vực em lên và thời gian xúi em khởi động những bước chân vụng dại. Trang giấy trắng trong em bắt đầu hoen ố những vết mực đen. Em dỗi hờn bất chợt và nín ngay tiếng khóc nhè khi nghe mẹ bảo: Đừng chướng, ông Kẹ đang rình ngoài cửa a kìa! Lại rất đỗi hiệu nghiệm, em thôi chướng dù “ông Kẹ” là cái quái gì em không tài nào hình dung ra. Nói ngay tình, ngay cả bố mẹ em, những kẻ già đầu, bản thân họ suốt đời cũng chưa đụng mặt với ông Kẹ! Họ doạ dẫm người khác mà họ chưa từng nếm trải nỗi sợ hãi kia. Ông kẹ có lông có mắt có quai không? Họ có “tư cách” gì để hay biết.

Một ngày kia em nghe ra câu “chuồn chuồn có cánh thì bay”. Í, ngộ hén, con gì có cánh thì đều bay được cả mà! Con muỗi nè, con ruồi nè, con bướm nè, con chim nè… thiếu giống! Rồi em nghe bạn bè xúi dại và em hằng tin điều đó là cả một sự thật: Cho con chuồn chuồn cắn vào lỗ rốn thì tự khắc sẽ biết bơi. Tại sao là lỗ rốn mà chẳng là khu vực hoặc bộ phận khác? Không một ai thắc mắc, bạn em thảy đều thực hành nghiêm chỉnh. Cả em cũng rứa. Vén áo lên, cúi đầu xuống dòm, dùng cằm để giữ chặt lấy áo, hai ngón tay kẹp đôi cánh xếp và con chuồn chuồn đỏ như một trái ớt hiểm đang cong đuôi hả miệng gây nhột nhạt nơi vùng miền nhạy cảm của em. Nó đã cắn chưa? Em không rõ. Em thả nó bay đi và trang giấy trắng trong em hiện lên một dấu hỏi: Tại sao nó chịu mang tên kép: Chuồn chuồn? Nó khác biệt với con Đom thêm dấu sắc thành Đom đóm, bươm bướm. Không nghe ai gọi Chim chím, chỉ nghe chim kêu chiêm chiếp…

Em bắt đầu nhiều chuyện, để tâm quan sát, lựa chọn, chê bai, góp ý, bình phẩm. Em bắt đầu mềm lòng để cho thơ văn thẩm thấu , em xúc động vì một trận mưa thảng thốt rơi xuống phố đêm nhoà ánh đèn màu. Và một trưa xám ngoét trần mây nặng của tháng Tư em chính thức nhìn thấy “ông Kẹ” xuất hiện. Ổng chẳng hơi sức đâu đứng rình ngoài cửa như lời mẹ doạ năm xưa, ông đi khơi khơi giữa xóm làng ban ngày ban mặt. Ông Kẹ hổng ke.
Giờ đây em đã lớn, biết mắc cỡ, em không thể vạch áo cho người ta xem rốn. Em hồ nghi tới vết cắn đầu đời và em liều mạng đi “tập bơi”. Trong tất cả những chữ mới lạ vừa lộ hình trong ngữ vựng tiếng Việt, em yêu thiết tha hai chữ Thuyền Nhân. Chỉ hai chữ, tự thân nó trao gửi biết bao điều hệ trọng. Một mặt nó bôi đen trang sử rách nát của đất nước Việt và mặt khác, nó tô hồng tới lòng nhân đạo của loài người bên kia biển rộng. Bi kịch ở đó mà hài kịch cũng tựu thành từ cuộc bỏ phiếu bằng chân không nghi ngại. Hoang mang bỏ lại bên bờ, nhưng ngờ vực còn nặng ở chân bước thấp cao lên đất mới. Ngờ vực duy một điểm: Sao đời sống này còn đó những tấm lòng độ lượng tới mức khó tin? Rộng lòng cưu mang chẳng từ nan, vô điều kiện.
Em là một thành viên trong đám người tả tơi có danh hiệu boat people. Em ở đảo tạm trú bảy tháng để kịp gọi ba hồn chín vía lộn lui, bớt xác xơ, môi đã tròn được nụ cười rồi theo một thoả thuận trời xui đất khiến, em phủi chân cát để tròng vào đôi hia bảy dặm lên đường tới định cư ở một đệ tam quốc gia. Con mèo con chó có lông, máy bay có cánh mang người đi xa. Em tập viết nhật ký từ dạo đó, từ những buổi chiều tím ngắt một chân mây với câu ca dao nghe xốn lòng: Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Nỗi nhớ nhà em gói trong từng tản văn, em gửi đăng báo và vì vậy tôi đã quen em. Tình bạn của chúng tôi có được tiên khởi nương nhờ vào sự cảm thông do chữ viết mang lại. Tôi cũng sống ngập cảm xúc rung động tựa em bởi tôi cũng là một thuyền nhân. Em ra đi hướng Nam tàu tấp vào Mã Lai năm 78, tôi ra đi từ miềm Trung ghe nhỏ trôi đến Hong Kong năm 79; để cả hai gặp gỡ nhau trên những trang giấy báo tình cờ. Em chia sẻ hạnh phúc khi ngày đầu trên xứ lạ nhận được 50 đô số tiền nhuận bút, còn tôi, tôi vui vì tên hai đứa nằm chồng lên nhau nếu gấp lại hai trang báo ấy.
Ơn trời, cả hai đứa đều được Canada đón tiếp khá nồng hậu. Một thổ ngơi mênh mông chi xứ nhưng may phước tôi ở bên rìa phía Đông trong khi em cư ngụ miền trung tâm. Nếu tính bề rộng của lãnh địa này, theo cơ thể học tôi làm bàn chân và em chịu làm cuống rốn, nơi mà nếu tôi hoá thân thành con chuồn chuồn hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ được cắn vào. Sách giáo khoa vạn vật không chỉ rõ cho học trò biết về tốc độ của chuồn chuồn khi bay, cũng như sức nghỉn tối đa nó bay được bao xa. Em biết khả năng hạn hẹp của nó không, hay em luôn coi trọng mức quân bình? Em đề ra một địa điểm cân phân dùng làm nơi gặp mặt, rồi nói thêm: Em chưa từng có dịp du ngoạn tới Toronto. Và như vậy tôi sẽ đến thành phố đó đúng theo lịch nghỉ hè của em. Nghĩ tới cảnh đứng bên em ngó về thác nước rầm rộ đổ của Niagara cũng đủ khiến tôi mất ngủ. Em đề nghị: Cả hai sẽ cùng viết về một đề tài sau chuyến đi ấy. Bài nào xuất sắc thì kẻ thua cuộc sẽ trả nhuận bút 100 đô cho người thắng. Tôi nghe, háo hức, và chưa gì trong đầu tôi đã dựng được một cái sườn.
Tôi nhận lãnh phần việc thuê một chiếc xe nhỏ để làm chân cẳng đi thăm thú. Từ trung tâm thành phố đi tới thác nước khá xa, điều này càng chứng minh sự thông minh, cách xem bản đồ và định vị tài cán của em. Em không cho hay ngày xưa em có là một hướng đạo sinh hay tham dự vào những trò chơi lớn mạo hiểm đường rừng, đại loại thế. Xe chạy song hành cùng một đoạn của Ngũ đại hồ, gió phía đó luôn làm tóc em bay, ngọt ngào. Không mấy lâu em biểu tôi tìm lối thuận tiện để rẽ vào. Chỉ là hồ mà sao trông giống biển quá! Em phát biểu cảm tưởng. Mặt em thoáng thay đổi khi tôi thắng đứng xe lại. Em mở cửa, tháo giày để đi chân trần trên bờ đất mịn ẩm. Mênh mông đến ngộp thở, gió lùa làm nước cau mặt và từng cơn sóng nhỏ không ngớt chạy vào ve vuốt đôi bàn chân em.
Em lấy từ túi xách ra những thức ăn dự trù làm lương thực trên đường dài. Chiếc khăn quàng cổ trải rộng xuống vuông đất trắng xoá được kềm giữ ở mỗi góc bằng bốn hòn đá nhỏ để gió khỏi phá rối. Bày ra có thứ lớp những xôi, chè, bánh, trái, chai nước suối; xong em đi bức từng cọng hoa dại màu vàng đang lả lơi trên sườn cỏ mịn cho đủ đầy một tay ôm. Tôi ngó em, chăm chú, từng động tác rồi tự hỏi: Sao lại cất công đến thế. Muốn tạo ra một bữa ăn trưa thật lãng mạn giữa nơi heo hút tựa chốn sơn cùng thuỷ tận này?
Em ra dấu biểu tôi đến ngồi sát bên em, mặt xây ra con nước vô bờ mãi gửi tiếng rì rào chen lẫn vi vu gió lùa bên tai. Em cất tiếng, giọng nói có đôi phần hụt hơi: Anh có biết một người Đức sinh ở Ba Lan, tiến sĩ Rupert Neudeck? Ông ấy đã từng cầm cố nhà cửa mình đang sống để vận động mọi người chung tay cứu giúp những thuyền nhân, những người tị nạn với khẩu hiệu “Một con thuyền cho Việt Nam” còn được gọi là Cap Anamur. Từ năm 1979 đến 1986, ông cùng những người có lòng hảo tâm đã cứu sống hơn 10.000 thuyền nhân Việt Nam. Vị ân nhân tuyệt vời đó vừa trút hơi thở cuối vào ngày 5 tháng 6, hai ngàn mười sáu…
Tóc em rối che nhưng tôi nhìn ra được một giọt nước đang đọng dưới cằm, trong vắt. Tôi khum tay khó khăn, sau cùng thì đốt cháy được một điếu thuốc, tôi cắm xuống nhô đất ẩm thế một cây nhang. Sóng nước mãi miết từ xa thẳm gợn nhăn vào vỗ về. Tôi quàng tay qua vai em, bấu víu cái thổn thức đang làm em chao thân. Em nói nhỏ: Vĩnh biệt!

Hồ Đình Nghiêm