Sẽ nói thôi, rất nhỏ…
“Những lời này cho em”…
Sẽ hát thôi, rất khẽ…
“Hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương”…
“Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt khô âm thầm không lời…”
Và nước mắt đã rơi trước hừng đông sau chót, của một ngày cuối tháng Tư nóng
giãy, ràn rụa những chia phôi và hỗn mang…
Ôm choàng một khúc hát, cầm tay một giai điệu, soi vào những bừng sắc truyền
cảm typo , dìu thêm những gam màu óng ánh một niềm nhớ…từ những nhạc tập thời tiền-thuyền-nhân,
tôi biết mình đang gom lại những tả tơi vàng son của một Saigon đã úa nhàu,
trên tay – ôi những “gấm nhung phiền thế thời”/ tháng Tư – “dưới mặt trời ngồi
hát hôn mê” – ngồi hát (lại) như đang khấn nguyện những bản cầu hồn sầu bi và
diễm ảo đã vào sâu dĩ vãng, hát một mình, hát nguyện trong nhà-nguyện-riêng-tây
nơi thành-phố-tình-yêu đã mục ruỗng từ dạo đó, để rồi vấy thốc lên từng lớp bụi
bảng lãng giữa không trung – Thứ ”bụi khói khóc hư vô” – ôi những bụi khói làm
mắt cay vô cớ… những bụi khói thời gian mịt mùng bay lên từ điển lễ khâm liệm –
khâm liệm một Saigon đẹp của những “cầu vồng bắc giữa mưa và nắng” – và đó,
những lớp bụi cũng từ cuộc đào huyệt một vang bóng Saigon đẹp – đẹp từ những
phế tích, từ những cố-tình-huỷ-diệt, từ những vết-tích-chết, từ những “tàn hơi
hám cũ” – Saigon đẹp cả đến những cái tên nhân văn của bảng hiệu những ấn quán
phát hành – những cái tên mà không cần chi khác, chỉ bằng cách nghĩ để định
danh từ những chủ nhân cũng đủ thấy “tầm” & “tâm” của những người muôn năm
cũ: Gìn Vàng Giữ Ngọc, Khai Phóng, Kẻ Sĩ, An Tiêm…(đó là còn chưa kể bảng hiệu
của những ấn quán xuất bản triệu triệu những ấn phẩm khác như Lá Bối, Diên
Hồng, Khai Trí, Trí Đăng, Cảo Thơm, Vàng Son…). Ôi cái đẹp của một thời “Thi ca
trong sữa lúa /Tiểu thuyết trên lụa đào”…
Sau cuộc-khổ-nạn-của-người-Việt-Nam, sau trận phần thư khủng khiếp…Những
quyển sách, những tập nhạc, im lìm…chờ hát – im lìm chờ mở ra – im lìm cam phận
– Hồn một thứ gì đó/ hồn một ai đó đang âm thầm nương náu – Có phải?!?
Khi hát lên những bản tình ca cũ – trí nhớ như đã ướp bằng hương. Hương thời
gian dắt mình đi trên “đường xưa lối cũ” về thời “đang nâng niu cuộc tình lộng
lẫy” – để thấy lại một khung trời hoa mộng, bỏ hết những thề nguyền và bội phản
của những ngày tháng Tư sầu xé lệ tang thương, chỉ còn những rung vang, chỉ còn
những thi-nhạc-hoạ, chỉ còn những êm đềm (& ám ảnh) những đôi mắt cô quạnh
của tranh bìa Nguyên Khai, Đinh Cường, Duy Liêm, Trịnh Cung, Duy Thanh, Hồ
Thành Đức…dặt dìu như một cơn mộng đẹp; những gương mặt chìm ảo như đến từ một
cõi chiêm bao – cánh áo bay lên – “đổi gì được đây lấy lại thơ ngây” – những
nét đẹp khó nắm giữ, như “cho lần cuối” – “gần thắm thiết trong mối sầu” nhưng
cũng “xa như hình bóng, còn gặp lại nhau chăng” & những dòng kẻ nhạc – một
yêu dấu đã từng – dịu dàng & mỏng mảnh…”còn tiếng hát gửi người” – gửi
những gì xa ngái…
“Sài gòn trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm…”
(Saigon Trường Ca – mở đầu Saigon Ngày Dài Nhất – Duyên Anh)
Ôi những điệu ru kỷ niệm, với bảng lảng hồn đầy và đam mê tình ngất, hôm
nay, một mình mình hát – tiếng hát xé mây đưa thời gian trở lại, và dừng lại –
dừng lại ở thời thảm-kịch-chưa-dựng-bày, dừng lại ở thời thiên đường – dù biết
“thiên đường có thật – chỉ là sự thật – khi đó là những thiên đường đã lỡ”…
“Ngày xưa em lụa đào
Anh nắng vàng xôn xao
Ôi người yêu ngọc ngà
Sợ quên em đêm nhớ
Nụ hôn đêm nào cho
Khi về còn ngẩn ngơ
Dòng sông đưa chuyện tình
Theo sóng đầy lênh đênh
Em lụa phai nhạt màu
Nụ hôn xưa rớm máu
Vạt nắng sáng nguồn cơn
Bây giờ… hoàng hôn!”
(Chuyện Tình – Duyên Anh)
“Ngày đó chúng mình” đã hát, và hôm nay, với một lần xuyến xao được tìm lại
/thấy lại bằng những khúc ca – “dung nhan mang tình yêu” chấp chới ẩn hiện về
trong trí nhớ…là một cánh rừng mịt mùng thác lá đổ “nối gót người vào dĩ vãng
nhạt màu” , là những ốc đảo cô đơn “đã chìm vào cơn mưa”, là những lướt thướt
của chấp chới “nắng chiều”, là mãi mãi những tiếng trầm hồ cầm âm u dội vào
lòng nhau vĩnh viễn một “chiều đi lặng lẽ, thương nhớ muôn bề”, là những “vì
sao đêm đi về bí mật”… rơi xuống đời thành những “giọt nước mắt cho ngàn sau” –
giọt nước mắt quạnh quẽ, cô liêu khi “một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan
theo”, hay giọt nước mắt phủ xuống hồn người đã tả tơi khi “buồn rơi trên tâm
hồn lẻ loi, thương hình hài con người nhỏ bé”, hay giọt nước mắt hòa tan cùng
“trời còn làm nước mắt rơi mau/trên vùng tuổi mưa ngâu…”, hay cũng có thể lắm
chứ, giọt nước mắt vui mừng khi “có một lần tôi đưa em, đưa em về miền nắng ấm/
những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm” – quay lại cùng từng nhánh rong
trôi về nguồn, trong từng sát na của ” năm tháng úa trên lưng tháng ngày”,
trong không gian của 1 nơi chốn “sưởi ấm những giọt tình nồng”, trong từng góc
phố “mưa giăng chiều nắng tàn”…và trong chất ngất những nghẹn ngào của vùng kí
ức; quay về – vẹn nguyên – những buổi trưa “theo em xuống phố”, những buổi
chiều “ngày hôm qua trong nắng thiên đường”, những buổi tối “đèn xanh đã tắt
giọng hát ân tình”, những ngày “dĩ vãng màu xanh trong thân yêu”, những tháng
“gần thắm thiết trong mối sầu”, những năm “thách đố thương đau”…
“…Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua…”
(Ta về – Tô Thuỳ Yên)
Bằng những khúc hát, ta đã về như thế… Về với dĩ vãng & ở lại vĩnh viễn
bởi lẽ “Từ đây tôi sống bằng kỷ niệm” như tuyên ngôn một nhân vật từ nhà văn
của tuổi hoa mộng Duyên Anh.
Những tập nhạc của một thời hoa mộng, khi anh biết yêu lần đầu – khuôn mặt của
thiên đường, khi em biết yêu lần cuối – nụ cười của vực thẳm.
Hát lên đi em ơi, để không còn là những “hiu hắt quê hương bến cỏ hồng”, hát
lên đi em ơi, để chờ đợi, để gom lại một chút bụi khói sương của một thiên
đường đã lỡ bốc cháy.
Hát nữa đi em, để còn biết “đôi khi hạnh phúc…buồn”, để biết “trong bao kiếp
hoang…vui chưa tìm thấy”.
Và hát để đưa bồng bềnh của những đám mây kỉ niệm quay về gần, một lúc nào
đó, sẽ rơi rụng xuống trần gian này thành những mơ mộng mông mênh…góp đầy cho
một lần thương nhớ…
“mưa thân ái trên tay
tay mỏi rời trong tóc
tóc nhớ ai mọc dài
mắt nhớ ai muốn khóc
tay của em,
tóc của em, và
mắt của em
của mưa của mưa, ừ
của mưa
tay em tay mưa tóc em tóc mưa mắt em mắt mưa
ôi gia tài quí báu của đời ta
ngàn vàng không đổi được”
(Một Chút Mưa Thơm – Mường Mán)
Những “gia tài quí báu của đời ta” này…ở đây, hôm nay, hát lên trong những
ngày cuối cái tháng oan khiên – tháng mà ở đó, với nhiều người, bao nhiêu năm
trôi qua đi nữa thời gian mãi mãi cũng chỉ có duy nhất một – tháng mà ở đó, nửa
đất nước như lên cơn đồng thiếp…
Mưa cũng đã rơi, không còn là những “móc mưa hạt huyền”, không còn là “giọt
mưa tìm đến để chia lầm lỡ với người hoài trinh”, không còn là những “giọt mưa
trên lá”, không còn là những “giọt mưa rớt trên tượng đá” để ai đó phải đau khổ
muôn niên, không còn là những hiền như sương sớm trong tuổi đá buồn với giọt
“mưa rơi mênh mang trên hai tay xuôi” …
…chỉ còn là những cơn mưa quái ác …
“qua trận gió kinh thiên”…
& mưa … & nước mắt….
…nước mắt
sau
cơn
mưa…
“Giọt nước mắt nghẹn ngào
biển ướp muối khô tim
Giọt nước mắt oan khiên
Giọt nước mắt cô đơn
…Ôi giọt nước mắt cho những thân phận sắt se
cho những tâm hồn tái tê
cho những con người não nề…
Giọt nước mắt tỏ tình thương ngàn xưa hư vô
Giọt nước mắt tội nghiệp còn thế giới hoang vu
Giọt nước mắt tâm tư
Giọt nước mắt ươm mơ
Rơi xuống em ơi. Xanh ngọc vàng tơ…”
(Giọt nước mắt cho Việt Nam – Duyên Anh)
Nguyễn Trường Trung Huy