Bỗng buồn, bỗng nhớ tới
một người. Đưa lên đây một nỗi niềm chợt đến với những ai cũng bỗng nhớ như
mình.
Người đàn ông gày còm, mái tóc bạc loà xoà rũ rượi, nụ cười
ám khói thuốc, ôm chầm lấy tôi, giọng khao khao:
- Lai đây, Đặng Phúc Lai đây. Được báo đầy đủ về mình rồi chứ?
Mình đợi cậu, tin chắc thể nào cậu cũng sẽ tới – anh nhét vào tay tôi một tập
giấy – Đây này, thư từ, tài liệu anh em gửi mình mang sang cho cậu. Phải nhờ
người đi cùng chuyến bay cầm hộ, chứ chúng nó khám mình kỹ lắm.
Thì ra Đặng Phúc Lai là đây, anh em trong nước đã giới thiệu,
nói tôi sẽ gặp anh ở Paris.
Lai sang Pháp chữa bệnh. Bệnh gì, không thấy anh em nói. Việc
nhà nước Việt Nam cho công dân ra nước ngoài chữa bệnh không hề dễ, là điều ai
cũng biết. Phải vật nài, phải chạy chọt nhiều cửa, lại không thể thiếu giấy chứng
nhận của bệnh viện uy tín, của các bác sĩ can đảm, rằng bệnh của anh nền y tế
trong nước bó tay, đi nước ngoài thì may ra chữa được..
Tôi lại đang ở Nuremberg, thành phố có toà án xử bọn
phát-xít Hitler, cách Paris một đêm nằm tàu. Đặng Phúc Lai sang hôm nào tôi
không hay.
Đúng vào lúc tôi đi Lyon dự cuộc gặp mặt các bạn văn quốc tế
sống lưu vong ở châu Âu trong cuộc hội thảo tại thư viện thành phố. Vừa tan cuộc
là tôi bắt taxi chạy thẳng ra ga Part Dieu đáp tàu đi Paris cho kịp buổi tưởng
niệm tướng Trần Độ vừa qua đời.
Tôi gặp Đặng Phúc Lai trong bất ngờ.
- Cậu không khác trong ảnh bao nhiêu. Hơi già một chút. Cái ảnh
là hay nịnh lắm – Lai nghiêng ngó ngắm tôi, thở hổn hển – Anh em hỏi thăm cậu.
Nhớ lắm.
Anh nói một số tên. Tôi ôm anh, thấy trong vòng tay mình một
thân xác nhẹ bỗng.
Lời giới thiệu qua điện thoại viễn liên, vừa ngắn gọn, vừa
kín đáo để không được lộ điều không nên nói, nhưng vừa đủ để tôi hiểu: Đặng
Phúc Lai là “người đàng mình”.
Một cựu tù nhân có thâm niên hơn một giáp trong các trại tập
trung. Một cây viết sắc sảo với những tiểu luận chẳng bao giờ được in. Tóm lại,
một tiểu sử bình thường. Người ở tù hơn một giáp có nhiều. Những cây viết không
được in ở Việt Nam cũng không ít. Trong cái thời “Giấy rách mất lề/ Tượng Phật
khóc, Đức Tin lưu lạc/ Thiện Ác nhập nhằng/ Công lý nổi lênh phênh…” (thơ Nguyễn
Duy) được thêm một người không vô cảm, còn muốn bàn chuyện nước non, chuyện độc
tài dân chủ, là quý. Không phải quý vừa, mà quý lắm.
Anh giúi cho tôi một bài viết của anh về Phật học, Thiền và
Vô Niệm. Tôi lướt qua đầu đề rồi nhét vào cặp, đọc sau.
Đến lượt Lai phát biểu.
Cử toạ trong những cuộc họp như thế này bao giờ cũng thế, gồm
những người rất khác nhau về đủ mọi phương diện – mọi lứa tuổi, mọi thành phần,
mọi trình độ học vấn… Nhiều người có chân trong các hội đoàn người Việt hải ngoại,
nhiều người không có chân trong bất cứ tổ chức nào. Họ không phải những người rỗi
hơi, họ là những người quan tâm, biết tin có cuộc họp mặt, thì đến. Họ đến để
nghe về những vấn đề thời sự nóng hổi, để ủng hộ hoặc đả đảo cái gì đó trong những
đề tài được nói đến.
Nhưng kìa, lạ chưa, diễn giả vừa từ trong nước ra kia hình
như lại nói về cái gì khác kia, như không phải chuyện chính trị, không hẳn là
chuyện chính trị – cái gì ấy trượt ra khỏi mọi lề, không phải cái thường có
trong những cuộc họp thế này, không phải cái mà người ta chờ đợi.
Đặng Phúc Lai độc thoại. Anh say sưa nói, như thể chưa từng
được nói, không chú ý tới những gương mặt ngỡ ngàng của cử toạ. Ai nghe thì
nghe. Ai không nghe thì thôi, anh quên bẵng họ. Hoặc anh không cần biết mình
đang nói với ai, anh không có nhu cầu chiều lòng ai. Anh nói bằng những hơi gió
chạy qua những dây thanh đới đã hỏng, đã thế lại quá nhiều từ trừu tượng thuộc
những khái niệm không phải ai cũng hiểu. Nhưng cả hội trường im phăng phắc nghe
anh. Thế mà điều quan trọng nhất mà anh muốn nói đã đến được với người nghe. Mới
lạ.
Anh nói về quang cảnh đất nước nhìn bằng con mắt anh – những
ngôi nhà cao tầng làm thay đổi diện mạo thành phố, bụi và không khí oi ả ở Hà Nội,
những cơn triều cường ở Sài Gòn với những xe Honda chết máy trong phố như sông,
những đứa trẻ trần truồng bên những túp lều xiêu vẹo ở quê anh…
Rồi anh mới nói tới kỷ niệm của anh với tướng Trần Độ. Như
thể anh sực nhớ rằng đây là đề tài chính của cuộc gặp mặt này.
Anh vẽ nên hình ảnh con người bình dị trong một thời tao loạn,
với những lựa chọn tức thì, không có và không cần thời gian cho những suy nghĩ
trầm ngâm. Một con người như mọi người đang ngồi trước mặt anh, với tất cả những
dây mơ rễ má phàm là con người đều phải có. Chúng ràng buộc con người, không
cho nó thoát khỏi cái vương quốc của những tất yếu để bước vào vương quốc tự
do. Trần Độ là thế, trong mắt anh. Trong con người mà anh yêu thương, mà anh
kính trọng, chỉ có một nét vượt trội – ấy là sự tìm kiếm không mệt mỏi sự thật
để có được nó, nhờ nó con người mới có tình yêu khao khát với tự do, chiến đấu
vì tự do, chiến đấu cho niềm tự hào làm người. Có sự thật trong tay người đảng
viên cộng sản Trần Độ đã vứt bỏ được mọi hư danh hư quyền để trở thành người đấu
tranh cho một xã hội xứng đáng với con người.
Qua màn sương của những từ triết lý, người ta hiểu điều anh
muốn nói: con người muốn xứng đáng là con người cần phải có trước hết là cái
Tâm trong sáng. Có cái Tâm ấy rồi, con người sẽ hành động ung dung tự tại,
không phải ngó trước ngó sau, không bị tiền tài, danh vọng cám dỗ, không cần đi
theo một chủ nghĩa nào. Mọi chủ nghĩa đều là đồ bỏ. Chỉ có Tình Yêu và Trách
Nhiệm trước đồng loại mới có thể dắt ta đi đúng con đường cần phải đi.
Bài nói của anh không được ghi âm. Nó sẽ theo gió bay đi.
Nhưng những người có mặt hôm đó sẽ nhớ nó, rồi tự nhủ thầm: mình không thể nói
về Trần Độ được như Đặng Phúc Lai nói – đủ và đẹp.
Sau đó, chúng tôi, tức là tôi và mấy bạn chung của hai chúng
tôi, còn gặp nhau vài lần nữa trong căn phòng áp mái chật hẹp của tôi, người
Pháp gọi nó là “chambre de bonnes”, dịch sát nghĩa là “phòng con sen”. Ở đó
chúng tôi phải nhường nhau, né nhau như những người lịch sự hạng nhất để đặt
mình vào một chỗ ngồi khiêm tốn, rồi cứ thế mà yên vị cho tới khi chia tay. Nhờ
những cuộc gặp gỡ này và vài đêm thức trắng vừa khề khà Mai Quế Lộ vừa thủ thỉ
tâm sự tôi hiểu Lai nhiều hơn. Càng hiểu anh tôi càng quý anh. Để rồi sau này
tiếc hùi hụi chuyện trong cõi nhân sinh hữu hạn bạn bè gặp được nhau sao mà quá
ít.
Lai bị ung thư vòm họng. Nước Pháp không có phép lạ. Các bác
sĩ chuyên ngành tiên đoán Lai không còn sống lâu. Biết là thế rồi, tôi vẫn ngỡ
ngàng nhìn Lai. Tôi không tin người đang ngồi trước mặt tôi là người tôi sẽ
không còn được gặp nhiều lần nữa. Trên gương mặt rạng rỡ với đôi mắt tinh anh của
Lai không có bóng dáng của thần chết.
Lai và tôi là bạn đồng tuế. Năm nay anh và tôi đã thuộc lớp
“thất thập cổ lai hy” của thi hào Đỗ Phủ. Những năm xa xưa các bô lão ở quê tôi
chưa đến tuổi này đã chuẩn bị cho mình một cỗ hậu sự.
Tôi chưa nghĩ tới cái chết. Lai cũng không. Những người
khăng khăng không chịu làm “mầm non nghĩa địa” (chữ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện)
trong những năm dài ở các trại tù đều thế – họ không nghĩ tới cái chết, Nói
cách khác, họ từng ở trong cõi chết rồi, họ biết nó thế nào rồi.
Bài viết về Phật học anh giúi cho tôi khi gặp nhau, tôi đọc
ngay khi cuộc họp tan. Nó quá ngắn, quá cô đọng, nhưng cho tôi thêm hiểu biết.
Về mặt nào đó nó còn là sự khai tâm vào một lĩnh vực với tôi còn là khoảng trống.
Anh có cách viết khác người, với những chữ hoa đột ngột, những
dấu chấm lửng để tuỳ nghi mà đoán ý nghĩ của anh rồi sẽ đưa ta đi đâu, Ấy thế
mà, thật lạ, những khái niệm siêu hình mờ mở nhân ảnh bỗng trở nên sáng rõ trên
nền của hơi văn hào sảng, đây đó pha chút hài hước.
Những lần gặp nhau sau, chúng tôi tranh luận ồn ào, có cả
cãi cọ nữa, về đủ loại đề tài – từ tình hình đất nước cho tới những hình thái
xã hội dân chủ tương lai, cả về những hình thái độc tài trá hình còn có thể gặp,
không loại trừ hình thái nguỵ dân chủ luôn rình rập và phải tạm bằng lòng khi
quẳng đi được cái ách chuyên chế.
Lai thích thú nói về Mẫn và Tuệ với tư cách hai thành tố của
“Nhân” như một điều không cần chứng minh. Anh làm rõ thêm ý nghĩa tưởng chừng
không cần làm rõ thêm nữa của Nhân trị và Pháp trị. Khái niệm “nhân trị” trong
anh không hề đồng nhất với khái niệm thường có. Chữ “nhân” trong anh rộng hơn,
bao quát cả “người” lẫn “tính người”. Anh bốc lên khi nói về chữ “Tâm” sẽ cứu rỗi
nhân loại, về cõi tâm linh bị bỏ quên. Chính sự quên lãng ấy là cội nguồn gây
ra thảm hoạ cho cả loài người. Anh có thể nói hàng giờ về đề tài đó, cho tới
khi từ cuống họng anh chỉ còn phát ra hơi gió thay cho tiếng nói. Tôi can anh đừng
nói nữa thì anh gạt phắt, lại còn nói hăng hơn nữa, để chứng tỏ anh vẫn còn nói
được.
Lai không kể vì sao anh bị tù. Tôi cũng không hỏi. Ở miền Bắc
Việt Nam trong những thập niên xã hội chủ nghĩa cực thịnh chẳng ai buồn hỏi ai
câu hỏi vô duyên đó, trừ những kẻ ngớ ngẩn. Người ta đi tù bởi đủ mọi tội có thật
và không có thật mà nhân loại bình thường không thể hiểu. Đó là thời gian của
cái mà người ta gọi vống lên là cách mạng giải phóng, trong thực tế là cái
chuyên chính mượn danh vô sản như ốc mượn hồn, khi những lãnh tụ tự xưng anh
minh cao giọng ngợi ca nền giáo dục tốt đẹp không gì sánh bằng của những trại cải
tạo. Cứ như thể ở đầu vào những trại như thế là những công dân hư hỏng, ở đầu
ra là những công dân tốt đẹp ngời ngời. Phép mầu này được áp dụng từ đầu thế kỷ
20, mà bằng sáng chế không cần trình tòa thuộc về Lenin và Stalin. Sau đó nó được
lớp hậu sinh sao y bản chính, với đôi chút cải tiến cho thêm phần hữu dụng. Rất
nhiều công dân tốt sau khi được cải tạo đã trở thành những kẻ mất trí.
Với Đặng Phúc Lai da bọc xương, các lãnh tụ béo tốt và vênh
váo đã thua.
Trại cải tạo xã hội chủ nghĩa không bẻ gãy, không hoán cải
được anh. Cái duy nhất mà nó làm được là để lại trong anh lối văng tục bật ra
trong những câu chuyện hết sức tử tế của anh với những người rất tử tế mà anh gặp.
Cái đó làm nhiều người ngỡ ngàng. Tôi nhẹ nhàng trách anh thì anh bảo: “Mình ở
cái xã hội xuống cấp thì mình phải xuống cấp theo với nó tí chút mới phải,
không thì hoà đồng làm sao được?” Cái gì vậy? Trở lại với Khổng Tử: “Thiên hạ đục
ta trong làm sao” chăng? Cái ngôn ngữ vỉa hè lên ngôi tự bao giờ để nhiễm vào cả
những trí thức như anh? Tôi sai chăng khi quá khe khắt với nó? Điều tôi thấy,
buồn rầu mà thấy, khi quan sát những cuộc trò chuyện của anh với mấy trí thức
trẻ từ trong nước ra là: dùng cái ngôn ngữ tệ hại ấy anh lại truyền đạt được những
tư tưởng của anh cho họ nhiều lần tốt hơn cái ngôn ngữ lịch sự nhưng (có lẽ) cổ
hủ của tôi.
Ai đó sẽ hỏi tôi: “Anh này phải chăng là một tác gia lớn bị
bịt đi nên không ai biết, để anh phải viết về anh ta những dòng trân trọng đến
thế?”
Đặng Phúc Lai có thể sẽ là một tác gia lớn. Sẽ thôi. Và chưa
chắc. Hoặc anh có thể là một tác gia chết đi mà chưa kịp trở thành lớn.
Anh không nổi tiếng với bất kỳ ai. Anh chỉ là một trong những
cái bóng lướt qua cuộc đời này.
Giá mà có nhiều người đọc Lai để biết về anh. Mà những gì
anh viết có nhiều nhặn gì cho cam. Không một cuốn sách được in, dù mỏng. Những
người ham đọc thậm chí không biết gì về một cái bóng có tên Đặng Phúc Lai. Cho
tới khi họ may mắn (hoặc không may mắn) được gặp anh. Cho tới khi được đọc một
vài đoản văn của anh luận bàn về những lĩnh vực bị coi thường, bị bỏ quên, như
con đường từ Giác, tới Tri, tới Thức, rồi tới Trí (bài “Cùng người bạn Ngẫu
nhiên…, vài ba ý Ngẫu nhiên(?)…, sau một lần Ngẫu nhiên”). Trong “Nhân Trần Độ”,
một bài khác, cũng được in trong vài ba ấn phẩm hải ngoại anh viết về ý nghĩa
nhân sinh hơn là về một con người cụ thể.
Đặng Phúc Lai còn có những đoản văn về Kinh Thủ Lăng Nghiêm,
về sự tương đồng giữa bất khả tri luận khởi đầu từ Samjayin Vairatiputra tới
Emanuel Kant, David Hume như một dạng của cái “Tri” mà ta hiểu, hoặc bàn về
Tính Lưỡng cực và Bất nhất của Osho…
Các bạn trong nước gần anh hơn cho tôi biết Lai viết nhiều
hơn chúng ta biết. Những bài viết của anh chẳng được ai biết đến, trừ những người
được anh giấu giếm trao tay những bản photocopy. Chúng rồi mất tăm mất tích
trong sự vô tâm của người đời. Hi vọng rồi đây sẽ có ai đó rảnh rỗi và tò mò sẽ
sưu tầm những bài viết rải rác ấy để đưa chúng ra ánh sáng. Khi đó ta mới có dịp
suy ngẫm cùng anh, một con người “trải mùi đời gót rỗ kỳ khu”, một khối óc chẳng
bao giờ ngưng nghỉ suy tư về ý nghĩa của tồn tại. Những ai từng đọc anh đều yêu
quý anh. Một học giả nọ, giáo sư hay tiến sĩ chi đó, bị Đặng Phúc Lai phê phán
khá nặng nề trong một bài viết về học thuật, đã giấu biến bài phê bình đó đi
khi được anh gửi cho đọc trước, không cho phép ai ngó tới. Lai không cẩn thận –
đó là bản viết tay duy nhất. Mất là mất. Không thể lấy lại. Cũng không thể viết
lại. Buồn cười là chính vị học giả ấy lại khoe mình là bạn thân nhất của Lai
khi được tin anh qua đời. Nghĩa là Lai được cả những người không ưa anh, thậm
chí ghét anh, lấy làm hãnh diện được xưng là bạn anh.
Tôi không rõ vào những lúc ấy Lai có biết anh không còn sống
lâu nữa hay không? Thời gian sống của anh, theo lời tiên đoán của các bác sĩ
chuyên khoa, không phải tính bằng năm nữa, mà bằng tháng, rất có thể bằng ngày.
Thông minh như anh thì không thể không biết, dù mọi người giấu anh. Ở anh, lạc
quan không mang kính màu hồng mà là niềm tin vững chắc ở con người, ở cuộc đời.
Anh phê phán không nể nang những quan điểm mà anh cho là sai, thậm chí cả với bạn
bè, nhưng bao giờ cũng vậy, qua những lời đôi khi lỗ mãng của anh ai cũng thấy
trong anh tình yêu bạn nồng nàn. Anh tham gia vào những việc xây dựng cái mà
anh cho là tốt không rụt rè, với tất cả niềm tin rằng cái tốt nhất định thắng.
Trở về Paris sau một chuyến đi Hoa Kỳ, tôi được xem biên bản
một cuộc họp bàn về tạp chí Viễn Tượng sắp ra đời. Đọc những ý kiến của anh
trong cuộc họp đó tôi không thể tin rằng một người biết mình sắp rời bỏ thế
gian lại có thể hăng say đến thế trong một công việc cho ngày mai.
Đã có lần tôi viết rằng tôi chán ngấy cái vai MC nhà đòn.
Tôi không muốn viết về cái chết của một người bạn nào nữa. Ở tuổi tôi bè bạn cứ
thưa dần. Tôi buồn lắm mỗi lần phải xoá đi trong sổ tay một địa chỉ chắc chắn
chẳng còn dùng đến.
Tôi có những người bạn nổi tiếng. Và rất nhiều bạn chưa từng
nổi tiếng. Với những người sau, sự quên lãng của người đời để lại trong tôi cảm
giác bất nhẫn.
Không nói gì về họ, chúng ta rơi vào vị thế kẻ vô ơn.
Những người như thế không nhiều, nhưng có, và có không ít, ở
quê hương tội nghiệp của chúng ta. Những người ấy có chung một số phận hẩm hiu,
và rồi đây những người sống sót nên nhớ tới họ khi ngoảnh nhìn về một thời đáng
xấu hổ.
Paris
Vũ Thư Hiên