Lê Văn Tám được nhà nước CSVN phong danh hiệu “anh hùng”. Đây là một “vở hài
kịch” do “cố nghệ sĩ” Trần Huy Liệu và cái gọi là Bộ Tuyên Truyền & Cổ Động
dàn dựng từ năm 1945 ở miền Bắc, nó được tán thưởng nhiệt liệt. Sau 1975 (dĩ
nhiên), nó được dàn dựng lại ở miền Nam. Ông sinh năm 1901, mất năm 1969 (67
tuổi). Nhưng ngay sau khi vở kịch ra mắt công chúng miền Nam, nó chỉ gây thêm
nghi ngờ, hoang mang.
Theo Wikipedia Mở, câu chuyện người “anh hùng Lê Văn Tám” như thế này:
Lê Văn Tám là cái tên của một thiếu niên anh hùng trong thời kỳ chiến
tranh Đông Dương của Việt Nam với chiến tích nổi bật là tự đốt mình để lao vào
phá hủy một kho xăng của quân địch. Sau chiến tranh, hình ảnh Lê Văn Tám được
coi là một biểu tượng anh hùng cách mạng, được nhắc tới cho đến tận ngày nay
trong sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương của một thiếu niên
anh hùng dân tộc, đã xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc.
“Vì là một “anh hùng yêu nước”, tên Lê Văn Tám được đặt cho nhiều trường
học, công viên tại Việt Nam. Có những ý kiến cho rằng: người chiến sĩ đã hy
sinh khi đốt kho đạn Thị Nghè là có thật, nhưng tên gọi thì không ai biết chính
xác, Lê Văn Tám chỉ là tên gọi được gắn cho chiến sĩ đó để tiện cho việc đưa
tin viết bài. Tuy nhiên, các tài liệu gốc được khảo cứu trong kho lưu trữ tại
Thư viện TP Hồ Chí Minh và các nhân chứng đã cho kết quả xác định tên của nhân
vật lịch sử Lê Văn Tám”.
Sử gia Trần Huy Liệu
Sử gia Phan Huy Lê
GS Phan Huy Lê còn giải thích là “thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu
tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ
đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt
tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách
mạng tháng Tám.
Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên
truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu
tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.” (?)
Không một ai có thể bắt ông Trần Huy Liệu tạo dựng một biểu tượng anh hùng
“thật” cả. Nhưng ông Trần Huy Liệu là một “nghê sĩ yếu tay nghề”, quên mất yếu
tố khoa học khách quan, thành thực. Ông xem dân chúng như không có, dễ nghe và
cả tin.
Lời nói của ông Liệu thật mơ hồ, huyền hoặc. Đến con nít cũng biết đó là sản
phầm của tưởng tượng, hư cấu, không có thật. Nhưng ai cũng bận lo kiếm miếng
cơm manh áo hàng ngày, không ai muốn tìm tòi làm gì, và để xem các nghệ sĩ múa
máy thế nào.
Chỉ cái tên kho cũng không nhất quán, không biết “đuốc sống” Lê Văn Tám đốt
kho gì, kho đạn, kho xăng hay kho cao su. chuyện xẩy ra làm sao, xuất phát từ
đâu, Lê Văn Tám độ bao nhiêu tuổi, có gương mặt ra sao. Có người còn phác hoạ
cả khu vực xẩy ra sự việc y như thật. Nói một cách khác, câu chuyện anh hùng Lê
Văn Tám đã in sâu trong trí tưởng của họ, mỗi ngày mỗi được tô vẽ loè loẹt thêm
ra.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê
nhớ lại: Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu đến nay chưa trả được. Ðó
là lúc anh Liệu làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (sau Cách mạng tháng Tám 1945,
Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động), anh Trần Huy Liệu tự
viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào
đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh
Liệu có nói với tôi rằng: “Bấy giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài
liệu này. Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói
lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.
Theo GS Phan Huy Lê, ông Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám,
một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị
Nghè. Nhưng trong vở kịch có những chỗ sai lầm, nên cũng theo GS Lê, ông
Trần Huy Liệu đã “tự thú” như sau: “Bấy giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên
tôi viết tài liệu này. Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các
anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”
GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này (1945) thì đài
BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự
đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước,
không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân
nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà
sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.
Mãi tới gần 3 năm sau, (cứ cho là Lê Văn Tám được ông dàn dựng năm 1945),
ông Trần Huy Liệu mới nói được câu này, ông Phan Huy Lê phải mất tới gần 60 năm
sau vẫn còn khất nợ. Đáng lý ra ông Trần Huy Liệu phải trực tiếp đính chính hay
xin lỗi dân chúng cả nước ngay khi kiểm chứng lại sự việc và không được vin vào
bất cứ lý do gì để lấp liếm, hay ông định “lật lờ đánh lận con đen”. Đó có phải
là tính cách nghiêm túc của nhà Sử Học không. Thực tế, có những người làm
chứng, dân chúng (nhất là dân chúng miền Nam) không nghe được lời xin lổi của
ông. Vì vậy, sau 1975, có một số người vẫn bán tín bán nghi, tin chuyện Lê Văn
Tám là có thật. Cái tên Lê Văn Tám “nổi” lên ào ào, được đặt cho nhiều trường
PTCS, trường tiểu học, mẫu giáo, soạn sách giáo khoa tiểu học, qũy học bổng,
tượng đài, công viên, đường phố, khu vực, rạp hát, lời nhạc, múa hát, hầm bà
lằng… Nào là trường học Lê Văn Tám, công viên Lê Văn Tám, đường Lê Văn Tám, hẻm
Lê Văn Tám…Bằng những cái tên thật kêu, để ca ngợi thì ít, để…lấy điểm thì
nhiều, như “Đuốc Sống”, “Đuốc Sáng”, “Ngọn đuốc soi đường”, “Anh Hùng”… Thậm
chí, có nơi còn lấy ảnh của phạm nhân tử hình và có ít nhất hai nơi lấy ảnh của
cậu bé nào đó làm “anh hùng”. Đến khi bị truy xét thì đổ lỗi cho nhà in (tội
nghiệp cho mấy ông thợ nhà in.). Thế là xong. Họ đâu ngờ tâm hồn ngây thơ,
trong trắng của trẻ em bị đầu độc, hay nói theo Nhà Văn Dương Thu Hương, họ đã
“hiếp dâm” lịch sử một cách trắng trợn. Trong đầu óc non nớt của các em, chỉ có
Lê Văn Tám mới là người đáng noi theo và học tập theo, chỉ có Lê Văn Tám mới là
“anh hùng”. Nhưng tiếc là câu chuyện Lê Văn Tám lại không có thực, chỉ toàn là
hư cấu.
THCS Lê Văn Tám
Trong Tạp Chí “Xưa & Nay” số Tháng 10 năm 2009, Sử Gia Phan Huy Lê nói
như trút được gánh nặng đã đổ lên vai ông trong những năm dài vừa qua, “…đến
đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu…”. Như
đã nói ở trên, Sử Gia Phan Huy Lê có thể đã làm tròn trách nhiệm, đối với lời
dặn của cố GS Trần Huy Liệu, nhưng ông đã không làm tròn trách nhịệm đối với
đại đa số dân chúng VN, đã không tôn trọng sự thực ở chính lời nói của ông: “… mọi
biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong
lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.”
Một em học sinh đã cho biết ý kiến trên một website: “Từ hồi còn là Nhi
Đồng, tuổi chỉ bằng hay hơn “Lê Văn Tám” chút chút, có nghe rất nhiều chuyện
nêu gương tinh thần chiến đấu quả cảm của em. Giờ qua đây lại thấy các bác
tranh luận thực hư chuyện này em thấy không nên hoặc có biết cũng chỉ là ghi
nhận hay xác nhận thôi. Vì cả thế hệ bọn em đều được học, lấy đó làm gương cho
mấy năm Tiểu Học và Trung Học Cơ Sở. Phải thừa nhận rằng trong thời kỳ kháng
chiến chống Pháp và Mỹ đều cấm kị nói tới hy sinh, đảo ngũ, thiệt hại…. Chỉ
được nói tới thành công, thắng lợi, nghị quyết.” Các ông, bà Hiệu Trưởng,
Thầy, Cô Giáo XHCN nghĩ sao?
Hay như một em học sinh đã kêu gọi “hãy trả sự ngây thơ, trong trắng cho
các em. Để từ đó các em có thể sống yên bình, hạnh phúc trên một đất nước không
chiến tranh, không bom đạn, không thây người gục chết và không hận thù.”
Nếu thế, cần gì bảng tiệm “Lê văn Tám”. Ông Phan Huy Lê có nghe không?
Trẻ thơ nên mang cái tên ca ngợi cuộc sống thanh bình, hay những giá trị văn
hóa trường tồn hơn là mãi nhắc về một tượng đài lịch sử vừa không có thật, vừa
quá dữ dội như Lê Văn Tám. Hãy trả lại sự ngây thơ và hồn nhiên cho các em.
Hà Việt Hùng
6-2016
Tài liệu:
– Lê Văn Tám (Wikipedia)
– GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám (baomoi.com)
– Lê Văn Tám và tác động đến trẻ thơ (BBC)
– Lê Văn Tám và câu chuyện xuyên tạc lịch sử của gs Phan Huy Lê (google.tienlang)
– Re: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám, Trả lời #81/vanhaugb (Dựng Nước Giữ Nước)