Tôi có người cậu họ quậy sập trời thời đi học. Lớn lên đi lính về Sư Đoàn 3 Bộ
Binh, đóng ở rừng núi Quảng Nam, cậu quậy tiếp. Về phép bệnh viện, phép “tự ký”
cậu hay ghé thăm mẹ tôi. Bà ta cứ nhìn người em họ, lắc đầu hoài.
Có hôm cậu mang bạn về. Hai người cùng đơn vị với nhau. Anh
đó người Huế, thiếu úy đại đội trưởng. Vì đường xá xa xôi, phương tiện di chuyển
giữa Đà Nẵng - Huế hơi khó khăn nên anh không tiện về thăm nhà ngoài đó. Chẳng
biết sao tôi nhớ anh lính này hoài. Anh ta dong dỏng cao, dáng nghệ sĩ. Buổi
chiều ở hiên nhà mẹ tôi, đôi khi anh líu lo bài Ly Rượu Mừng. Anh hát thiết tha
lắm như mượn lời ca gửi gấm gì về bên kia đèo ải. Đến đoạn "kìa nơi xa xa
có bà mẹ già, từ lâu trông con mắt hoen lệ nhòa..." mắt anh buồn thiu. Nỗi
buồn mà những ngày nằm núi nằm rừng ngoái về cố hương tôi mới cảm được. Thì ra
ca sĩ đâu phải chỉ cần "nhất thanh nhị sắc." Một thứ khác quan trọng
không kém là hồn, là sống với những gì mình hát!
Một lần tôi nghe anh nói chuyện với cậu tôi: "Đại đội
mình chạy... hoài" mà không hiểu chạy gì! Sau này đọc nhiều bài báo, tôi
thấy không có sự công bằng của một số người khi họ viết về Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Đặc
biệt vào những ngày đầu mùa hè đỏ lửa năm 72. Sư Đoàn này có Trung Đoàn 2 Hà
Mã, nguyên gốc "đây Sư Đoàn 1/đây sư đoàn giới tuyến." Trung Đoàn 2
Hà Mã đã lừng danh những ngày còn trực thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh trấn thủ đất Thuận
Hóa. Ngày còn nhỏ có dịp về thăm Huế, qua Truồi, qua Dạ Lê nhìn mấy anh lính
mang huy hiệu Hà Mã đi hành quân tôi thầm phục. Có lần xe đò Phi Long dừng lại
trên đèo Hải Vân. Mọi người có chừng nửa giờ để nghỉ ngơi trong lúc đoàn xe từ
Lăng Cô đang lên. Lên và xuống đèo Hải Vân thời đó chỉ có một chiều vì đường hẹp.
Ngồi trong xe với mẹ tôi thấy một anh lính mặc đồ hoa, đội nón đỏ đi phép về Huế.
Anh đang đứng nhìn núi nhìn biển xa xa. Tôi ngó lén anh hoài như có gì đó thu
hút. Có điều gì ngang tàng tiềm ẩn trong con người mặc đồ rằn ri đó. Đây
cũng là thời gian Tuổi Hoa hay đăng thơ của Đỗ Tư Long Trần Miên Trường. Nhiều
bài anh viết gởi em gái (hình như Thu Phương) còn đi học đâu đó ở Huế. Anh em
tôi đọc thích lắm. Sau này Trần Miên Trường chết trận, Tuổi Hoa có số tưởng niệm
anh. Cam Ly Nguyễn Thị Mỹ Thanh đã viết một bài rất cảm động. Lúc đó tôi mới biết
anh ta ở Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù. Tiểu đoàn "Song Kiếm Trấn Ải" của một
đơn vị tổng trừ bị quân lực. Trần Miên Trường tử trận ở Kampuchia.
Lúc nhỏ không hiểu vì sao mỗi lần nhớ đến anh Nhảy Dù đứng
trên đỉnh đèo Hải Vân của chuyến về thăm Huế tôi lại nghĩ đến Trần Miên Trường.
Nhảy Dù nhập vào đầu tôi từ đó. Lớn lên chút ít, người anh họ ngoài Huế, chì
hơn, rủ tôi học võ cho giỏi để lên đèo Hải Vân kiếm ngọn núi nào đó lập môn
phái. Chuyện đó thì không làm được rồi vì anh họ tôi "mết" một con bé
trong lớp Thái Cực Đạo. Cô ta mang đai đen tam đẳng nên anh theo không nổi mà
còn bị ăn đá trong lúc tập chung. Không biết anh tôi có tức khi bị dính ngọn cước
của cô nhỏ xinh xinh này vào ngực mà anh bỏ học lớp đó. Tối tối anh lén nhà đi
học võ Thiếu Lâm với một ông sư trong ngôi chùa ở thành Nội. Hy vọng mối hận đầu
đời của ông anh họ sẽ vơi đi khi mỗi đêm đều nghe tiếng kinh tiếng mõ dầu không
muốn. Lớn lên tôi cũng vào lính. Từ đó tôi bặt tin người cậu họ sau lần gặp mặt
cuối cùng ở nhà mẹ. Cậu "bị thương" đứt ngón chân cái. Vậy là được giải
ngũ rồi! Vậy là tự hủy hoại thân thể chứ còn nói gì nữa. Ông cậu quậy số một của
bên ngoại dở ẹt!
Thành ra cậu Tri một người bà con khác không có cơ hội học
hành nhiều lại khá. Cậu Tri đi lính Sư Đoàn 1 Bộ Binh từ ngày chiến tranh còn
trứng nước. Hai mươi năm đủ để cậu tôi lội hết núi rừng tây nam Huế với đôi
chân người lính. Cấp chỉ huy muốn cho cậu về làm việc ở hậu cứ nhưng chịu. Cậu
không biết nhiều chữ! Thế đó ba lô trên vai, súng cầm tay cậu đo tiếp núi rừng
đất Thuận Hóa. Cuối năm 74, cậu Tri bị thương nằm Tổng Y Viện Duy Tân. Nguyên
cái chân người lính bộ binh gởi lại đâu đó ngoài Thừa Thiên. Cũng may trời
thương cho cậu còn sống. Xuất viện cậu tôi khập khểnh chống nạng tìm về thăm bà
con. Lúc đó tôi thằng nhóc cháu cậu đã ba lô theo đơn vị mình hành quân,
"móc dô đi tấp" rồi.
Tôi cũng có người anh bà con bên họ nội. Anh này là dân Quân
Y thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Đóng ở Đà Nẵng là nhất rồi nhưng Quân Y không phải
là đất để anh tung hoành. Vì sao đó anh bị phạt một cú rất nặng. Bác tôi hỏi ra
mới biết anh lạng honda trước đầu xe jeep của tiểu đoàn trưởng dưới phố. Xếp về
trừng trị liền. Tức mình anh đào ngũ, ở nhà "ăn báo cô" cha mẹ hơn
tháng. Chán quá. Anh đổi giấy tờ tình nguyện đi một đơn vị tổng trừ bị của quân
lực. Thế đó, bao nhiêu tiền bác tôi lo cho thằng con trai được ở gần nhà trôi
theo sông, theo biển. Được huấn luyện ở trại Vương Mộng Hồng, rồi ra tiểu đoàn
5 Nhảy Dù, anh ngầu thấy rõ. Nhảy xuống được khỏi Chuồng Cu, những ngày học huấn
luyện dù thì có nhát cũng thành lì, cũng sẽ tập tành nhậu đế lai rai và nói
"cóc cần." Tôi khoái hai chữ cóc cần này lắm. Đến lúc bị tình hành
phun ra được thế thôi cũng đỡ nhiều! Anh họ tôi theo chân đứa cháu bà con hát lời
ca không chính thức những ngày khổ nhục khi ba lô súng đạn chạy đo đường dài. Sau
này gặp lại Trần Quốc Dân bên Công Binh Nhảy Dù, nghe nó xỉn xỉn nghêu ngao với
Chàm Mướp nên tôi ghi lại: "Ta là Nhảy Dù/ Không thích đi xe/ Chỉ thích chạy
bộ/ Năm mười cây số/ Ta xem là thường/ Nhảy Dù Cố Gắng/ Nhảy Dù diệt thù/
Sát..." Đêm nào tàn tiệc, Chàm Mướp chơi màn chạy bộ, chạy thiệt về nhà mà
chẳng cần lên xe. Đó là thời gian cả bọn mới qua Mỹ chừng vài năm.
Ngày miền Trung có vụ tranh đấu của Phật Giáo tôi còn nhỏ. Lấp
ló ở ngõ con xóm, tôi tò mò nhìn các anh tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC lúc đơn vị
này ra Trung dẹp biểu tình. Màn xuống đường oái oăm với "bàn thờ" làm
chướng ngại vật. Thời gian đó TQLC còn trang bị trung liên "bar".
Nhìn tiểu đoàn này, mới thấy cái hùng cái mạnh của lực lượng tổng trừ bị quân lực.
Ở quân trường, thằng bạn cùng khóa đưa lý do tại sao nó thích vào TQLC: Vì cái
nón "bê rê" xanh! Đội nón này đẹp hơn nón đỏ của Nhảy Dù. Tôi thì bị
"lậm" từ bé khi đi xem Nhảy Dù nhảy biểu diễn ở sông Hàn rồi. Sau này
đọc "Dọc Đường Số Một," đọc "Mùa Hè Đỏ Lửa" của Phan Nhật
Nam thì "lậm" thêm nên trước sau gì cũng chọn Nhảy Dù. Chồng dì tôi,
đang ở Quân Y, trực thuộc Kho Y Dược lại cho thêm thuốc bồi. Dượng nói dượng
khoái Dù hơn. Chọn mấy đơn vị tổng trừ bị, bị thương có trực thăng bốc về liền!
Thì ra lý do của dượng nó như vậy. "Trực thăng bốc về liền" thì hy vọng
đỡ bị "rửa cẳng leo lên bàn thờ" xin ké ba tôi chỗ ngồi.
Ba tôi cũng ở quân đội. Ông chết, tôi thành con "Quốc
Gia Nghĩa Tử" như những đứa bé không may khác từ ba tuổi.
Kiểm điểm lại quân số trong họ, bên nội bên ngoại tôi dàn
hàng ngang cũng có đến nguyên tiểu đội. Mười hai mạng dính nghiệp lính, áo xanh
và áo rằn ri.
Sau này tôi có hai thằng em đi bộ đội nữa. Những năm cuối thập
niên 70, tụi nó ở vào thế chẳng đặng chừng nên "phải tập đi bộ mà đội!"
Sang tới Mỹ theo dạng bảo trợ, hai thằng kể chuyện dài con cháu bác và đảng
nghe cười muốn vỡ bụng. Thì ra tụi nó chẳng là cái quái gì mà sao vài tờ báo ở
Sài Gòn thuở trước thổi đám bộ đội chính quy lên tới mây xanh. Ra nhà sách Mỹ
bên này, dở mấy cuốn có hình nói về chiến tranh Việt Nam mới tức anh ách. Thật
sự tôi muốn chửi thề. Mấy tác giả này đem hình tuyên truyền ai nhét vào tay, chụp
cảnh bộ đội đứng biểu diễn cầm súng đóng kịch trên xác lính miền Nam ở Hạ Lào.
Nhìn là thấy đồ giả! Những lúc đại pháo rơi như “mãn hoa thiên vũ” phần đông ký
giả ngoại quốc săn tin ở phòng có gắn máy lạnh đâu tận Sài Gòn thì hình ai chụp,
ai đưa để nhờ phổ biến. Những vở kịch này chưa qua nửa hồi đã lòi ra đoạn kết
như kịch của Kim Cương thì phải có nước mắt! Tôi gai mắt vất lại cuốn sách nhưng
đi về lại thấy thương lính mình.
Mẹ tôi có con cầm súng bên này thời trước, có con bị bắt đi
bộ đội bên kia sau 75. Một trong hai thằng ở bộ đội lại là dân quậy. Tôi đi học,
mượn được cái "Student Loan", mua quà đóng thùng gởi về giúp mẹ nuôi
em. Bà già nhìn thùng hàng chưa nư con mắt, một trong hai thằng bộ đội trong
nhà chụp đem bán đi nhậu. Mẹ tôi lại cưng nó, thư từ sang Mỹ chẳng đề cập đến.
Nó đâu biết thằng anh ở trường "work study" đứ đừ để kiếm tiền nhà tiền
ăn. Bốn chín đô la chia một góc phòng đủ để cái bao ngủ những đêm trở lại từ
trường mà nhiều tháng lo chới với.
Nhưng may, hai thằng em tôi đã ở đây; đã được chiêu hồi nên
mới có cơ hội theo mẹ đi Mỹ để ôn câu "không gì quí hơn tự do và độc lập."
Bên nhà thằng "con mẹ rượt" nào khởi xướng rồi đem câu này ra bắt dân
học nằm lòng là thằng bịp thí mẹ. Nó nói chỉ để mà nói chứ mấy chục năm dân ở
miền Bắc, mấy chục năm nữa cho dân miền Nam, thứ tự do mọi người có là tự do
ngược!
Mẹ tôi sang đây bà quen dùng vài danh từ nghe chẳng thuận tí
nào. Bà già tôi "trung lập hai phần bên kia, tí ti bên này" sau mười
bảy năm sống dưới cái chế độ thổ tả. Thì tại vì trong gia đình có hai "ông
con" đi bộ đội, một "ông" đi tác chiến thuộc Việt Nam Cộng Hòa.
Bỏ lên bàn cân, hai thằng kia là em nên "nặng ký" hơn rồi! Trung lập
kiểu đó là "đâm sau lưng chiến sĩ" mẹ à. Ghi lại câu nói chụp được
đâu đó có vẻ bình dân mà thấy không gì đúng bằng. Đúng từ trước 75 khi trung lập
xuống đường biểu tình. Cũng đúng luôn sau khi mất nước, no cơm ấm cật ở ngoại
quốc rồi xin phép nhà nước cho về làm ăn. Tôi không được sống nhiều ở bên nhà của
mấy mươi năm làm người nhưng đường tôi chọn, tôi đi. Không đổi.
Có ngày đứng trong nhà xe, thấy cái áo lạnh của lính mẹ tôi
hỏi:
"Cái áo của lính bộ đội này mi không mặc thì cho em đi.
Hắn không có áo lạnh."
Tôi nghe giật mình. Cái gì mà bộ đội? Ở Mỹ rồi mà.
"Áo này đâu phải là áo bộ đội mẹ à."
Tôi cãi.
"Cái áo to to màu xanh đó."
Mẹ đưa tay chỉ và cười.
"Áo lính của mình đó mẹ."
"Thì lính nào cũng là lính."
"Đâu được mẹ. Bộ đội tụi nó làm gì có thứ này."
"Thì tao đâu biết."
Nghĩ cho cùng mẹ lại có lý. Lính nào thì cũng là lính thôi dầu
hai miền. Những “ông bình vôi” lãnh đạo sao không đi tẩy não học bài yêu thương
để chúng nó biết thương dân hơn; để chúng nó đừng đi làm mọi cho những tên chẳng
biết nói tiếng Việt.
Tôi qua Mỹ một mình những ngày chưa đến hai mươi tuổi. Vì thế
bạn thân là những người nội-ngoại.
Họ hàng nội ngoại tôi bên nhà cũng có người này người khác.
Về ngoài nội, nghe cách nói của vài đứa anh bà con, giờ nghĩ lại tôi biết tụi
nó bị nhiễm tuyên truyền. Đó là những người anh họ nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Cũng
may tụi nó còn ăn cơm bác, cơm chú, cơm thím, cơm o của tôi nuôi. Cơm của lúa gạo
miền Nam. Ăn cơm độn sắn và mang khăn quàng cổ màu đỏ của đám "răng đen mã
tấu" thì chết tụi mày: "Những quăng quàng đỏ quấn quanh cổ cò."
Bên ngoại tôi cũng có người nói ra toàn luận điệu tụi nó nhưng ra đến Đà Nẵng vẫn
thích mua và xài đồ của "ngụy". Đến khi cậu Thức và cậu Thì bị mấy thằng
du kích xã bắn chết không biết cách nhìn của vài người họ ngoại ra sao. Cậu Thức
tôi chưa tới tuổi hai mươi, ra phố làm việc. Cuối tuần đạp xe về quê thăm vợ mà
cũng bị ghép tội. Cái lũ du kích cùng làng đêm khuya bắt cậu đem lên núi. Cậu
trốn về nửa đường thì bị tụi nó bắn chết, xác vất ngoài đồng. Vài năm sau, cậu
Thì đang ngủ ở nhà trong làng thì cùng chung số phận. Nửa đêm bị lôi ra
ăn đạn. Tôi mất hai người cậu thân thương. Sau này đụng trận với đám chính quy
miền Bắc mới thấy tụi nó đỡ ác hơn đám du kích trốn chui trốn nhũi, gài mìn đắp
mô, phá nát xóm làng.
Nội-ngoại-nhận-càng của tôi ở Mỹ không nhiều. Thời gian sau
có thằng đi-hàng-hai, về xứ chụp hình với đám thổ tả chụp giựt quyền dạo nọ
mang sang khoe. Thôi! Nói gì nữa giờ. Thằng Trương Công Tử bạn tôi bảo tên đó
có số buôn bán. Chỗ nào có mùi thì nhào vô.
Tôi còn mắc nợ ông cậu tôi "cái chân" (cậu bỏ lại
ngoài núi rừng đất Thuận Hóa) để tôi có cơ hội sang đây. Đi học lại, đi làm và
thấy rõ mình sống sao mà ích kỷ. Tôi chỉ biết lo cho gia đình tôi thôi à. Chuyện
bên ngoài là chuyện của người ta nhưng màu cờ đỏ chói chang trong mắt và cái
nón cối dị hợm nhỡn nhơ trên cùng khổ của đa số người ở lại không phải là chuyện
của riêng ai. Còn những thứ đó dân tôi còn sợi dây thòng lọng đang thắt dần nơi
cổ.
3.03.01 –7.14.01
An
Phú Vang