Quan rời nhà Thiện đạp xe về hướng nhà Nhật Hà. Thiện nhờ
anh báo tin cho Nhật Hà việc bán dùm nàng chiếc xe gắn máy lấy vàng làm vốn mua
bán. Vào giờ này có lẽ Nhật Hà ở nhà và nhà là một gian nhà cổ rất rộng giữa một
khu vườn sầm uất với những cây ăn trái xoài mít ổi vú sữa xa thành phố. Người
chồng đi làm, công nhân viên nhà nước, hai đứa con đi học. Chỉ có bà cụ ngoài bảy
mươi, mẹ chồng Nhật Hà, đang lui cui nhổ cỏ trong khu vườn rộng rãi u tịch.
Quan dựng xe ngoài sân, im lặng lững thững bước lên mấy bực cấp sứt mẻ loang lỗ,
vào nhà.
Nhật Hà đang lấy gạo nấu cơm, không trông thấy Quan.
Anh đứng nhìn tấm thân người đàn bà trong chiếc áo ngủ tuy khá dài nhưng cũng
khá mỏng để anh đoán bên trong chiếc áo không có một mảnh vải nào khác. Hoàn cảnh
rất thích hợp, rất thuận tiện để tạo trong Quan một ham muốn.
Quan đưa mắt nhìn quan cảnh chung quanh. Đây là lần thứ
hai anh đặt chân đến đây. Cũng như khu vườn, ngôi nhà rộng rãi và u tịch. Một u
tịch trong một u tịch. Quan nghe nói vợ chồng Nhật Hà đã mua lại nhà này từ gia
đình cặp vợ chồng sống ở Đà Lạt, sau đó trốn ra nước ngoài. Thời điểm là sau 75
một đôi năm và nơi chốn là một vùng ngoại ô thành phố. Tiện nghi trong nhà tối
thiểu. Ngoài bàn thờ tổ tiên, rải rác đây đó một ít bàn ghế giường tủ. Trong một
góc nhà, một cái tủ lạnh cũ. Đàng kia, sát đầu hồi, đặt một máy may. Một cây vĩ
cầm mắc trên cột nhà xen lẫn với những bằng khen với quốc huy Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam đỏ chói. Một tiện nghi tối thiểu như thế dễ tạo một nếp sống
thích hợp vào thời buổi này. Mọi người đang tập sống trong một đất nước mới và
nhiều gia đình tập thích nghi với những chỗ ở mới, cách suy nghĩ mới, cách kiếm
ăn mới và sinh hoạt hằng ngày mới.
Khi Nhật Hà đứng lên với rá gạo trên tay, Quan cũng đã
đến sát bên nàng. Anh vội lên tiếng:
“Chị Hà ơi, anh Thiện nhờ tôi lên báo chị biết là...”
Nhật Hà giật mình đánh thót vì bất ngờ. Nàng hỏi lại,
giọng còn hơi run:
“Biết cái gì thế anh? Phải về chiếc xe không?”
“Chị đoán không sai. Tin về chiếc xe chị định bán đó. Có người
đến nhà anh Thiện xem xe, hỏi mua, nhưng họ chỉ chịu mua với giá năm chỉ thôi.
Họ bảo chiếc xe quá cũ.”
Nhật Hà lộ vẻ thất vọng:
“Làm sao tôi có thể bán với giá đó. Chiếc Honda của tôi tuy
vậy máy móc vẫn còn chạy tốt; máy cũ lắm lúc ngon lành hơn máy mới đó. Hình như
anh đã có lấy xe đi một hai lần gì rồi mà. Anh thấy sao? Đâu đến nỗi tệ, phải
không anh? Năm chỉ, họ ép giá quá. CUB mới bây giờ bốn cây, xe tôi ít lắm cũng
một cây, có đâu... Nhờ anh nói lại ý của tôi như vậy với anh Thiện... Mà khi
nãy ông làm tôi hết hồn đó nghen ông. Tự nhiên vô nhà, đứng sau lưng người ta hồi
nào rồi thình lình lên tiếng. Tim bây giờ còn đập thình thịch đây, bắt đền ông
đó.”
Quan nhìn vào mắt thiếu phụ, bạn học tuy cùng lớp ở những
năm trung học nhưng không lấy gì làm thân. Trong không gian tranh tối tranh
sáng của gian nhà cổ giữa khu vườn tĩnh mịch, vào thời điểm là một buổi trưa đồng
lõa, Quan thấy Nhật Hà bạo dạn nhìn lại anh, một chút thách thức, một chút sẵn
sàng, một chút mời gọi, một chút căng thẳng. Nhìn chệch đi hướng khác, Quan tiếp
nối câu chuyện bị gián đoạn bỏ lửng trong giây lát nhưng Quan có cảm tưởng rất
lâu:
“Vậy sao? Thôi cho xin lỗi. Nhưng ở nhà có gì uống không? Cổ
tôi khô rốc rồi đây. Cũng tại chị đó.”
“Tại tôi? Đi ngoài nắng đổ mồ hôi khát nước rồi vào
đây đổ vạ! Nhưng mà có nước đá trong tủ lạnh đàng kia, anh uống tạm để... giải
nhiệt. Tôi lấy cho.”
“Tôi uống để giải khát, không để giải nhiệt.”
Vừa để đôi chân đưa đẩy theo Nhật Hà đến chỗ chiếc tủ
lạnh, Quan thấy mình băn khoăn đắn đo giữa hai lựa chọn: nên hay không nên dấn
thân. Dấn thân, vào cuộc, là một việc chỉ còn tùy thuộc vào quyết định của anh.
Đã từ lâu Quan thấy và một vài người khác cũng thấy thiếu phụ người Bắc này
thích anh. Có thể người thiếu phụ không yêu anh. Thích thì có, nhưng yêu, không
chắc. Những cái nhìn, những lời bóng gió úp mở gần xa, và cả một số việc làm
trước đây khiến Quan ngầm kết luận như thế. Và trong một thoáng, Quan thấy mình
rơi vào trường hợp của một nhân vật trong một truyện ngắn của Thạch Lam: Sợi
Tóc. Quyết định làm hay không làm một việc xấu, một việc tốt - trong Sợi Tóc là
một việc xấu: đánh cắp một ít tiền trong ví người bạn đang mùi mẫn với tình
nhân trong một tổ quỷ - mong manh như... sợi tóc.
Cánh cửa tủ lạnh được mở ra, đèn bên trong tủ sáng lên
đủ để Quan nhìn thấy những túi nước cam nước chanh nhỏ nhắn xếp chồng chất lên
nhau, bên cạnh lon sữa dùng dở, một ít trái cây cam chuối, mấy bó rau muống, xà
lách, rau thơm. Lúc này hai người đứng gần nhau hơn bao giờ. Nhật Hà cúi xuống
nhìn vào bên trong tủ, loay hoay sắp xếp gì đó, Quan đứng sát lưng nàng ngắm
nghía tấm thân còn sót một số đường nét tương đối mềm mại ở hông, ở đôi mông vừa
phải in sát lần vải. Hà nói, hỏi một câu gì đó anh nghe không rõ nhưng cũng ừ
ào cho xong, mà cũng có lẽ Hà nói cho có nói, hỏi cho có hỏi. Bây giờ, chỗ này,
anh chỉ việc từ phía sau Hà ôm quàng lấy lưng nàng, kéo nàng sát lại, lật chiếc
áo ngủ lên là xong một quyết định. Người Quan nóng bừng, đầu óc hoang mang vô định.
Quyết định hay không quyết định? Hãy thận trọng! Thái độ không quyết định của
anh sẽ bị người khác coi là một quyết định. Lưng chừng là quyết định. Tôi không
theo ai, quốc gia không, cộng sản cũng không. Tư bản không, vô sản không. Không
được! Thái độ lưng chừng là một quyết định. Vì là một quyết định, nên lưng chừng
bị coi là phản động.
Mây trắng về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Người ta không chịu con cò phân vân như thế đâu. Bản
thân con cò cũng biết không nên kéo dài tình trạng phân vân đó:
Cò ơi ta rét với cùng,
Có người chiến sĩ lạnh lùng hơn ta
Một phút trôi qua, chung quanh hai người vẫn là không
gian tranh tối tranh sáng của ngôi nhà cổ im ắng. Không biết từ đâu rất xa mơ hồ
vẳng lại một tiếng chim kêu lẻ loi. Quan vẫn không quyết định, không làm gì.
Nhưng Nhật Hà đã đưa anh về thực tế. Nàng đứng thẳng
lên, khép cửa tủ lạnh, rồi đặt vào tay Quan hai túi nước trái cây, tay hai người
chạm vào nhau một cách hờ hững, Quan thấy bàn tay Nhật Hà mát lạnh.
“Anh dùng tạm cho đỡ khô cổ.”
Rồi nàng lãnh đạm:
“Trưa rồi phải không anh? Tôi còn phải đi nấu cơm nữa chớ. Mấy
đứa nhỏ đi học cũng sắp về rồi.”
Hai người cùng đi về phía cửa ra vào, nơi có nhiều ánh
sáng hơn bóng tối. Thế là xong, hết. Chắc không có cơ hội nào khác. Đối với phụ
nữ, nếu để lỡ một cơ hội bằng vàng, không biết lợi dụng thì họ sẽ cho qua không
hối tiếc. Quan biết thái độ đó của nữ giới từ ngày còn trẻ! Trong Đôi Bạn của
Nhất Linh, Loan tạo cơ hội thuận tiện để Dũng tỏ tình cùng nàng trên đồi vắng
giữa ban trưa, nhưng Dũng cứ loay hoay và nói với nàng những chuyện vớ vẩn, những
câu vô nghĩa đến mức độ... vô duyên khiến Loan thất vọng chán nản, chấm dứt khoảnh
khắc thuận lợi ấy bằng cách bảo Dũng cùng nàng đi về phía có tiếng Trúc gọi.
Loan coi thái độ ‘gà mờ’ của Dũng là một quyết định: quyết định không bày tỏ
tình yêu. Mà tại sao quyết định như thế? - Tình yêu không đủ mạnh! Kể ra thì
anh cũng có yêu tôi đó, nhưng thái độ lơ lửng con cá vàng của anh cho tôi thấy
tấm tình yêu anh dành cho tôi chỉ như một thứ trang điểm cuộc đời... Quan cũng
nhớ đến một nhân vật nữ trong Quật Mồ Người Đẹp của Bình Nguyên Lộc: một thiếu
phụ trẻ có chồng già, dan díu với một sinh viên trẻ tuổi. Hai người cùng nhau
hò hẹn. Anh chàng sinh viên cứ lái xe đưa tình nhân loanh quanh trong thành phố
Saigon vì ngại đưa tình nhân vào một khách sạn, một phòng ngủ, vì chàng ta thiếu
một garconnière để đưa nàng về đó, rốt cục người đẹp bực mình bảo chàng ta lái
xe đưa trả mình về nhà. “Kể ra anh cũng khá điển trai đó nhưng tiếc một nỗi anh
quá cù lần. Cái thành phố này tôi lạ lùng gì mà anh chở tôi chạy rong hết đường
này đến phố khác như thế? Thiệt ra anh chẳng say mê ham muốn tôi nhiều đâu. Nếu
có, anh đã dấn thân, đã có quyết định khác.”
Có thể đôi lúc nào đó, người ta thầm cám ơn anh đã
không dám dấn thân, không là ma dẫn lối quỷ đưa đường nên lương tâm người ta được
thanh thản, không ray rứt dằn vặt, nhưng lắm lúc người ta thấy anh chẳng ra làm
sao cả, chẳng dám phiêu lưu, mạo hiểm, chẳng có nam tính, nói tóm, nhát cáy!
Tôi đã giao bóng cho anh rồi, đá vô thành để ghi bàn chẳng lẽ cũng là tôi nữa
sao? Mâm cơm đã sẵn, lẽ ra anh phải đút cơm tôi ăn, anh chờ tôi xúc cơm và thức
ăn đút vô miệng anh như mớm cơm con nít chắc? Người ta thất vọng về anh. Người
ta kết luận anh không yêu người ta. Nếu yêu, đã không dật dờ như thế.
Và cho đến bây giờ, hôm nay, Quan vẫn có thể hình dung
lại một kỷ niệm khá sống động. Một hôm Quan đang giảng bài ở một lớp trên lầu
trường V.T. Chợt có tiếng gõ cửa, báo hiệu có người muốn gặp. Quan bỏ dở bài giảng,
bước ra: thì là một nữ đồng nghiệp, cô Hoa, dạy Anh văn, mới từ Sài Gòn chuyển
ra V.T. Quan mở lời trước:
“Chào chị.”
“Chào anh. Xin lỗi, có phải anh là anh Quan không?”
“Phải, chị. Có chuyện gì không chị?”
Một vẻ ngần ngại thoáng hiện trên gương mặt điểm trang
khá kỹ, đẹp một nét đẹp khá dữ dội.
“Chiều nay anh có rảnh không, chiều nay anh có giờ dạy
không? Tôi thấy trên thời khóa biểu nhà trường chiều nay anh không có giờ.”
“Đúng vậy. Chiều nay tôi cũng không có giờ dạy ở trường
ngoài. Nhưng... có việc gì vậy chị?”
Nét mặt và giọng nói bỗng trở nên nghiêm nghị:
“Tôi mời anh chiều nay lại nhà tôi chơi. Tôi có chút việc nhờ
anh.”
Câu trả lời chậm rãi thong thả của Quan biểu lộ một e
dè ngần ngại:
“Được, chị. Nhưng tôi không biết địa chỉ của chị.”
“Số 93 Hoàng Diệu nối dài. Anh đi quá tiệm Gà Xối Mỡ Toàn Thịnh,
thấy có cái nhà lầu hai từng quét vôi hồng là chỗ tôi thuê ở đó.”
“Vậy chiều nay khoảng bốn giờ tôi đến.”
Quan vô lớp sau khi Hoa đã quay đi. Anh chưa suy nghĩ
gì nhiều về nguyên nhân của lời mời đến nhà của cô giáo trẻ.
Mãi đến khi kẻng báo hiệu giờ chơi, Quan ôm cặp về
phòng giáo sư nghỉ, anh mới có thì giờ... nghĩ. Hoa cũng về phòng giáo sư, tíu
tít chuyện trò với các nữ đồng nghiệp, coi như không có mặt Quan ở đó, lại càng
coi như không có chuyện hai người vừa gặp nhau để thu xếp một buổi hẹn. Ngồi ở
dãy ghế đối diện khá xa, Quan kín đáo quan sát và chiêm ngắm người phụ nữ anh vừa
gặp. Thân hình cân đối, tuy hơi một chút đẫy đà. Trang phục tuy kín đáo vẫn
không dấu được bao nhiêu đường nét mềm mại quyến rũ. Khuôn mặt đầy đặn, hồng
hào, không biết vì... hồng diện tự nhiên hay do trang điểm; mũi cao, đôi mày
hơi xếch tạo cho gương mặt một nét hơi dữ, miệng hơi rộng và đôi môi khá dày.
“Một người đẹp,” Quan thấy anh dừng lại ở một nhận xét thuần
thẩm mỹ.
Hoa tiếp Quan ở phòng khách. Quan chờ nữ gia chủ nói mục
đích của lần gặp gỡ; anh hỏi bâng quơ về ngôi biệt thự, được biết nàng chỉ thuê
một phòng, không phải sở hữu của nàng. Lật quyển album để sẵn trên bàn, Hoa chỉ
vào một tấm ảnh bán thân một người đàn ông còn trẻ, một quân nhân mang cấp bậc trung
úy, hỏi Quan:
“Anh biết ai đó không?”
Quan hơi khó chịu vì câu hỏi ‘xách mé’ nhưng anh cũng
cố nhìn kỹ tấm ảnh người lạ mặt. Một người Quan chưa gặp bao giờ, nói gì đến
quen, một típ đàn ông không có nét gì độc đáo. Nếu có nét gì thuộc nam tính, đó
là nhờ bộ quân phục, cái mũ béret đội nghiêng có phù hiệu cọp ba đầu, mấy bông
hoa mai trên ve cổ áo và cái nhìn khó đăm đăm. Quan rời bức hình, ngửng lên, khẽ
lắc đầu:
“Tôi không biết.”
“Anh không biết thật sao? Nhìn lần nữa đi.”
Lần này thì Quan đã mất kiên nhẫn:
“Thôi, đủ rồi chị. Vả lại, nói dối chị làm gì chuyện đó.”
“Anh Tú, ông xã tôi đó. Tôi tưởng anh đã gặp ảnh ít nhất
cũng vài lần rồi chớ.”
Quan ngồi im, không muốn lập lại một lần nữa câu phủ định,
tự hỏi người phụ nữ này muốn cái gì mà cứ vòng vo tam quốc.
“Ảnh bắt bồ với Bích Ti, em gái anh, theo chỗ tôi biết cũng
gần nửa năm nay rồi, anh cũng không biết nữa sao?”
Quan thật sự có hơi ngạc nhiên:
“Tôi cũng không biết luôn. Bích Ti là em tôi thật nhưng chỉ
là em họ xa. Vả lại theo tôi đèn nhà ai nấy sáng, đàn ông chúng tôi không để
tâm để ý đến chuyện gia đình người khác.”
Hoa bắt đầu tả oán, kể tội ông chồng:
“Anh tính coi, mấy tháng liền ổng đâu có đem về đồng xu cắc
bạc lương nào. Tôi hỏi, ổng than hết đãi ông đại úy này mới lên lon đến tiễn ông
thiếu tá tiểu đoàn trưởng đi đơn vị mới, hết lỡ thua mấy canh xì phé đến phải sửa
lại chiếc Honda. Ổng than tiền lính tính liền. Thiệt ra, ổng bỏ tiền ra mua quà
liên miên cho Bích Ti, hết món này tới món kia. Anh biết không, vừa rồi ổng mua
một lố ít nhất mười cái áo montagut đủ màu, làm quà sinh nhật cho Bích Ti đó.”
Quan chỉ biết ngồi nghe.
“Tôi nghĩ ảnh có mặc cảm với tôi. Ngày trước, hai đứa quen
nhau từ lúc ảnh mới học đệ nhị. Tôi cũng đệ nhị. Cuối năm ảnh thi Tú Một rớt,
tôi đậu. Qua năm sau, ảnh lại rớt, tôi may mắn đậu Tú Hai. Ảnh buồn tình, đăng
vô sĩ quan Thủ đức. Mà bộ Quốc Phòng cũng không thể tiếp tục cho ảnh được hoãn
dịch. Tôi thi đậu vô Sư phạm Sài Gòn, học đến năm thứ hai, tôi bằng lòng để ảnh
cưới. Thời gian đầu, chúng tôi tương đối có hạnh phúc, nhưng đến khi có đứa con
đầu lòng, chúng tôi thường hay cãi nhau. Những khi ảnh đi công tác xa, một mình
tôi ở nhà thì không có ai để cãi. Nhưng khi ngày hôm trước ảnh về, ngày hôm sau
đã có lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng. Trong mâm cơm cũng có thể cãi nhau;
đi chơi phố có thể là dịp cãi nhau. Thậm chí lên giường nằm cũng bất bình gây gỗ.
Anh ấy bảo tôi ăn hiếp anh ấy, cậy có trình độ học thức cao hơn ảnh nên ưa lý sự,
ưa bắt bẻ. Tôi cho đó là lời của một người mang tự ti mặc cảm. Thực ra ảnh nói
năng gàn bướng tôi không chịu được... Với đàn ông một khi đã có mặc cảm mình rất
khó sống.”
Quan ngạc nhiên tại sao anh có thể chịu khó ngồi nghe
cô bạn đồng nghiệp tâm sự lòng thòng đến vậy. Vì lịch sự? Chắc vậy. Nhưng anh
cũng đành phải... vui vẻ ngắt lời:
“Xin lỗi chị, chẳng lẽ tôi được chị mời đến đây chỉ để nghe
chị tâm sự chuyện gia đình?”
Hoa lúc ấy như người bừng tỉnh:
“Xin lỗi anh Quan, không phải vậy đâu anh. Sở dĩ tôi kể lể
dài dòng là cốt để anh thông cảm mà giúp tôi một việc.”
“Liệu tôi có thể giúp được gì cho chị?”
“Tôi nhờ anh về khuyên Bích Ti chấm dứt tình trạng này. Cô ấy
còn là con gái, sao có thể giao du thân mật với một người đàn ông đã vợ con như
thế. Tôi nghĩ cô ta chỉ cố ‘bắt địa’ chồng tôi thôi.”
“Rất tiếc, tôi không thể giúp chị việc đó. Tôi chỉ là anh họ
Bích Ti, bà con xa, trong khi cô ấy còn cha mẹ, anh chị em đoàn tụ một nhà. Hơn
nữa tôi vốn không muốn xen vào chuyện người khác như tôi đã nói, mong chị hiểu
cho.”
Độ tuần sau, vào một buổi sáng, Hoa đến nhà Quan. Anh
nhớ hôm ấy nhằm ngày lễ. Nhà vắng. Hoa đến một mình, phục sức, trang điểm cực kỳ
diễm lệ và... khêu gợi với cái váy trên đầu gối một khoảng khá xa. Tôi vội vàng
khoác chiếc áo sơ mi quần dài ra tiếp chuyện. Hoa nói Hoa đến nhà một người bạn
gần đây, nhân tiện ghé thăm Quan và để từ giã. Nàng cho biết được thuyên chuyển
về lại Sài Gòn.Tôi liếc nhanh ra ngoài, không có một ai, bèn bóng gió:
“Anh Tài hôm nay đi chơi rồi hở chị?”
Hoa đáp, không được hài lòng:
“Anh ấy bận đi công tác, hai tuần nữa thì về. Anh tài xế nhất định không vô,
nói ngồi ngoài này mát hơn.”
Ngồi ở phòng khách nói quanh quẩn chuyện trường, chuyện
thành phố biển thùy dương cát trắng hiền hòa (sáo!) được một lát, Hoa đề
nghị cho ra thăm vườn. Vườn rực nắng, cây cối tươi tỉnh trong làn không khí ban
mai, lá vàng khua xào xạc dưới những bước chân thong thả di động.
“Vườn nhà anh nên thơ quá! Nhưng hình như cây nhiều mà trái
chẳng bao nhiêu. Chủ nhân không quan tâm đến chuyện thu hoạch.”
“Nhiều người cũng nhận xét như chị.”
Đưa tay ngắt một vài lá lựu, vò nát trong lòng bàn
tay, Hoa hỏi nhỏ, không ngẩng mặt:
“Anh có biết là người Sài Gòn rất có cảm tình với Nha Trang
không?”
Quan lúng túng, không biết trả lời sao cho phải:
“Hình như... vâng, tôi có biết, tôi có thấy điều đó.”
Hoa ngửng lên nhìn thẳng vào mắt Quan:
“Sao lại ‘hình như’? Anh không dám khẳng định phải không?”
Chỉ vài năm sau, không quá lâu để Quan thấy được ngày ấy
anh quá “cù lần,” khờ khạo, mặc dù anh không hề có ý định phiêu lưu. Phải
chăng vì tình huống ngày ấy không phải tình huống của một “Sợi
Tóc”?
Chẳng trách không ít người mỉa mai anh mà là giáo sư
môn Tâm lý học!
Bên ngoài trời trưa nắng chói chang khiến Quan hấp háy
đôi mắt. Thế là thoát nhưng cũng thế là mất. Anh cảm thấy nhẹ nhõm nhưng cũng
mang tâm trạng tiếc rẻ không sâu đậm. Nhật Hà trạc tuổi anh, khoảng trên dưới bốn
mươi lăm. Cuối giai đoạn hồi xuân. Vào tuổi đó ít người đàn bà nào còn giữ được
những đường nét hấp dẫn quyến rũ, mặc dù tham lam cuồng nhiệt có thừa. Cuộc
phiêu lưu tuy chưa thật sự bắt đầu nhưng Quan cũng có được phần lớn yếu tố để
khẳng định điều trước đây anh chưa dám: Nhật Hà thích anh. Đó là một phần sự thực.
Còn phần kia, tuy thuộc về anh, nhưng anh lại không biết rõ: vì một tình bạn
hay vì một Nhật Hà không được hấp dẫn mà anh không đẩy cuộc phiêu lưu giữa hai
người đi xa hơn hoặc đi đến chỗ tận cùng của nó?
Vì một tình bạn? Tình bạn giữa anh và Hỉ, chồng Nhật
Hà? Quan không đặt nặng quan hệ giữa anh với Hỉ. Hỉ không hề và có lẽ không bao
giờ là bạn, hiểu cho đúng nghĩa của từ này, của anh, dù trước đây hai người
cùng học một trường, bởi hai người có quan điểm chính trị trái nghịch nhau. Hỉ
say mê chế độ mới một cách mù quáng đến nỗi người cộng sản nào dưới mắt anh ta
cũng đều đáng nể, đáng phục. Đáng nể vì họ có nếp sống đạo đức, kham khổ, giản
dị, lành mạnh, liêm khiết. Đáng phục vì họ có tài... đuổi xâm lược, hết thực
dân Pháp đến phát xít Nhật, hết phát xít Nhật đến đế quốc Mỹ. Hỉ xin được một
chỗ làm trong cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc tại thành phố. Bấy nhiêu đó đủ để
Quan không giao du với Hỉ, chưa kể những khác biệt về quan niệm nhân sinh giữa
hai người.
Tình bạn ở đây là tình bạn giữa Quan và Phúc. Từ lâu,
Quan biết bạn mình dan díu với Nhật Hà và mối quan hệ ấy thường bị gián đoạn vì
hoàn cảnh của đôi bên. Nhật Hà là người đàn bà vừa khá nhẹ dạ vừa tham lam, dễ
xiêu lòng trước những cám dỗ nhưng cũng thích chinh phục. Ở đây chinh phục và bị
chinh phục khó phân biệt. Không ít người chinh phục bằng cách tạo điều kiện thuận
lợi để bị chinh phục. (Điều đáng buồn là lắm người sau đó la toáng lên mình bị...
sách nhiễu tình dục). Mà anh chàng Hỉ thì hiền lành, quanh năm suốt tháng miệt
mài công vụ, công tác, xao lãng bổn phận làm chồng. Những người chỉ biết có bổn
phận chung thường bị phụ tình riêng. Nhật Hà đang cuối tuổi hồi xuân nên sự
tham lam đòi hỏi càng nung nấu thôi thúc nàng. Đành rằng cá nước chim trời, ai
săn bắt giỏi người ấy được, nhưng sự thành công của Quan trong việc chinh phục
Nhật Hà đồng nghĩa sự thất bại của Phúc và điều ấy Quan không muốn thấy xảy ra.
Hơn ai hết, Quan biết đối với Phúc mọi thất bại trong tình trường đưa người
trong cuộc đến ngoại tình là điều xót xa đau đớn gần như không chịu đựng nổi.
Phúc coi đó như một sỉ nhục. Chính vì suy nghĩ ấy của Phúc mà Quan thấy không nỡ,
không thể, cho dù Nhật Hà chẳng của riêng ai trong hai người.
Nhưng nếu Nhật Hà là một người đàn bà khác, một thiếu
phụ trẻ hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn, nhưng cũng lẳng lơ và tham lam như nàng, hậu
quả sẽ ra sao? Đố ai kể cả Quan biết được quyết định của Quan nghiêng về phía
nào, tình yêu hay tình bạn? Hơn nữa Quan không phải mẫu đàn ông bị “thiếu” để dễ
dàng trở thành bậc thánh thiện. Xin nói lại nghiêm chỉnh: không phải mọi người
thánh thiện đều là những người “thiếu” và cũng không phải mọi người đàn ông
“thiếu” đều trở thành thánh thiện. Tuy nhiên, quan niệm của Nietzsche về siêu
nhân và người sống đạo hạnh không hoàn toàn sai. Tôi không mắc chứng đa dâm để
bị người đời lên án hoặc chê cười chẳng qua vì tính dục bẩm sinh của tôi không
quá mạnh đến nỗi không thể kềm chế, đè nén đó thôi. Ở đây, trong hoàn cảnh này,
giữa sáng suốt và mê muội, giữa đạo đức và tội lỗi sa ngã, khoảng cách chỉ một
bước ngắn.
Bước ngắn này là cái bước của ý-chí tự-do
(libre-arbitre) mà con lừa của Buridan không có nên đành chịu chết đói lẫn chết
khát. Riêng Quan, anh chẳng đói tình chẳng khát tình. Anh chỉ thấy mừng vì đã
không làm một điều xấu. Anh không thấy hãnh diện, cũng chẳng tự hào với bản
thân. Chiến đấu có gian lao thành công mới vinh dự. Đàng này Quan có “chiến đấu”
gì đâu! Bất chiến tự nhiên thành. Như người thắng trong cuộc chơi cờ bạc đỏ
đen, mừng vì vơ được món tiền lớn trong trò chơi bài cào ba lá, chẳng cần một
chút suy nghĩ, động não, cố gắng, phấn đấu. Vì thế, nếu Quan thấy mừng thì được;
hãnh diện, tự hào là lố bịch.
Dù vậy, tối hôm ấy nằm một mình trằn trọc, thao thức với
hình ảnh ban sáng của Nhật Hà, rồi sau đó rạo rực với hình ảnh của một Liễu bốc
lửa, Quan thực hiện trò chơi cô đơn kiểu Gide. Trò chơi có tác dụng một liều
thuốc an thần: Quan sau đó đi vào giấc ngủ. Trong mơ, anh thấy thời gian là thập
niên bảy mươi, không gian là thành phố cũ ở đó có bích chương đại tự nền đỏ chữ
vàng giăng ở cổng trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh:
Cực lực lên án bọn phản cách mạng vượt biên chạy theo
đế quốc.
Rồi cũng trong mơ, Quan thấy thời gian là thập niên
tám mươi, không gian là thành phố mang tên người, ở đó la liệt những bảng quảng
cáo áo thun, quần lót, mực khô, tôm hùm, củ kiệu, nước ngọt, lade, bao cao su
ngừa thai ngừa bệnh và một bích chương đại tự có lẽ cũng của nhà cầm quyền nốt:
Cho phép Việt- kiều kể cả người vượt biên về thăm quê
hương ăn Tết./.
Võ Doãn Nhẫn