01 September 2016

ĂN NĂN - Nguyễn Đức Tường

Nhân đọc Tổ Quốc Ăn Năn 

“Xin lỗi, chúng tôi không bán mấy thứ đó ở đây. Anh phải đến kiếm ở tiệm thuốc tây cuối phố.”         
Cô học trò trẻ bán hàng trong tiệm sách nhà trường, má ửng đỏ, ngượng, lúng túng trảlời. Tôi ngượng, lúng túng, không hiểu câu tiếng Anh ngập ngừng nhưng được phát âm một cách cẩn trọng của tôi, “I would like to buy a rubber” - tôi muốn mua một cái tẩy - có chỗ nào sai trật? Trong quầy hàng của cô, sờ sờ một hộp tẩy. Tôi đang tính chỉ hộp tẩy cho cô thì một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng,
“Bạn tôi muốn mua một cái tẩy - my friend wants to buy an eraser.”

“Ồ, một cái tẩy.” Cô hàng nét mặt giãn ra, như cất được gánh nặng, tươi cười mở tủ lấy tẩy cho tôi.
Tôi trả tiền, cảm ơn cô rồi quay đi. Kim đứng ngay sau lưng tôi, đang toét miệng cười. Kim cắt nghĩa: ở đây, chữ “rubber” dùng để chỉ bao cao su ngừa thai. Tôi vỡ lẽ, thì ra thứ tiếng Anh tôi học, dù được phát âm rất Việt chăng nữa, vẫn là thứ tiếng Anh của Nữ Hoàng, mà đây là Tân Thế Giới, tiếng nói có đôi chút khác nhau; như rubber không là cái tẩy. Tôi hỏi làm sao Kim biết, nó mỉm cười không trả lời.
Kim và tôi là đôi bạn thân, thoạt tiên vì hoàn cảnh gần gũi, về sau, vì có nhiều điểm giống nhau như cùng ham tìm tòi, đọc sách, tuy mỗi người một cách nhưng thường chia sẻ với nhau những điều mình học được. Khi còn ở Sài Gòn, học cùng trường, song những khi gặp nhau, chúng tôi chỉ gật đầu chào hỏi qua loa. Sau đó hoàn cảnh sinh sống gia đình đưa đẩy mỗi đứa đi một nơi, đến ngày đi Hoa Kỳ, cả hai lại tình cờ đi chung một máy bay. Gia đình tôi thuộc diện HO, còn Kim đi với em và mẹ, do bố Kim bảo lãnh. Ở Woodlawn High, chúng tôi là thứ học trò “ngoại khổ”. Học xong trung học đã được mấy năm, hai đứa lớn hơn bạn cùng lớp ít nhất là hai tuổi. Mục đích duy nhất của chúng tôi ở năm cuối của trường trung học là để làm quen với chương trình Mỹ và để học thêm tiếng Anh. Kim đã được nhận vào một trường đại học miền Đông và có một học bổng, còn tôi vào một trường đại học miền Tây. Mấy đứa bạn cùng lớp gọi chúng tôi là twin - anh em sinh đôi. Như một cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau, tranh luận cả giờ về mọi vấn đề nhưng cuối cùng, bao giờ cũng vậy, vẫn là những vấn đề liên quan tới Việt Nam. Bình thường, Kim gọi tôi một cách thân mật là “Cu”. Đôi khi tôi nói nhiều, gần như độc thoại, nó gọi tôi là chính trị gia vênh váo, đại ngôn. Kim điềm đạm, ít nói hơn, và khi nói thì đắn đo, chừng mực, tôi cho nó cái tên Khổng Tử Đất. Thế nào chăng nữa, hai đứa bổ túc cho nhau hoàn toàn, và, trong thâm tâm, tôi luôn luôn nghĩ nó như là tiếng nói của lương tri, nhắc nhở tôi những khi tôi hăng hái quá, đi trệch ra ngoài.
Đối thoại của chúng tôi đôi khi giống như đối thoại của những người khùng. Khi tôi hăng say nói không ngừng, Kim làm như không nghe, một tay để trước ngực, một tay khẽ gõ mặt bàn như người gõ mõ, miệng ê a đọc kiểu sư ông tụng kinh:
“Thiên giời địa đất cử cất tồn còn tử con tôn cháu lục sáu tam ba gia nhà quốc nước ơ ơ ơ tiền trước hậu sau ngưu trâu mã ngựa cự cựa nha răng ơ ơ ơ...”
Đang ê a, Kim đột nhiên dừng lại, một tay dơ lên ra hiệu rồi nói “vì đã nghe nhiều về người Mỹ xấu xí, người Tầu xấu xí nên từ mấy ngày nay tao không ngạc nhiên nghe Cu nói tràng giang đại hải về người Việt xấu xí.” Theo Kim, người Việt mình chỉ xấu xí ở mức trung bình, nghĩa là cũng giống đại đa số những dân tộc khác trên thế giới. Nó cho rằng lý luận của tôi về quốc gia, dân tộc, tổ quốc, v.v. nếu không quá khích thì cũng rất sai cứ điểm. Tôi nói dân mình không có khái niệm gì về quốc gia dân tộc, rằng khái niệm này chỉ mới có gần đây mà thôi, và hơn nữa, dân Việt mình không bao giờ biết yêu nước.
Bull! Các cụ ta không họp Hội Nghị Diên Hồng để quyết định người nào được cái phao câu. Rất có thể những danh từ như ‘quốc gia,’ ‘dân tộc,’ ‘tổ quốc,’ v.v. ngày đó chưa có ai dùng nhưng văn học chính thống của ta đã có câu: Nam quốc sơn hà Nam Đế cư! Áp dụng một vài danh từ với những định nghĩa được nhào nặn ở thế kỷ thứ 20 cho sự việc đã xẩy ra cách đây năm bảy trăm năm là vô lối. Không những thế, ngôn ngữ thay đổi nhiều với thời gian, còn hành động như họp Hội Nghị Diên Hồng, trước sau, rõ rệt đã chỉ diễn tả một ý nghĩ, đó là bảo vệ quê hương, ‘quốc gia,’ ‘dân tộc,’ ‘tổ quốc,’ la patrie, motherland, fatherland, và chắc còn nhiều cách gọi khác nữa.
L'état, c'est moi, ‘Đảng là tao!’ Đó là một vài định nghĩa tục tĩu nhưng ngắn, gọn, cũng nhằm định nghĩa quốc gia, chủ quyền, dưới một nhãn quan khác. Nhân tiện nhắc đến Đảng, có thể như Cu nói, trên lý thuyết, cộng sản vô tổ quốc. Trong thực tế, cộng sản vẫn dính liền với con người, do đấy nó rất “dân tộc,” nếu tao hiểu đúng nghĩa hai chữ “dân tộc” (mà dân tộc thì gắn liền với đất nước hay tổ quốc). Cộng Sản Stalin đã chẳng tiếp tục thực hiện công việc của Nga Hoàng, Cộng Sản Mao Trạch Đông, công việc của Tần Thủy Hoàng, đấy sao? Và vì vậy mới có chuyện đánh nhau ở biên giới Nga-Tầu, Tầu-Việt, và bây giờ, những tranh chấp ở hải phận Việt Nam. Cũng nhân tiện, Việt Nam xua quân sang Cao Mên không phải vì lý do sức khỏe của đồng chí Lê Duẩn do đấy, dù đúng hay sai thì trước mắt, đã cứu sống được cả triệu dân Cao Mên và giúp cho nhóm lãnh đạo Pol Pot tránh được ít nhất là một nửa số tội ác diệt chủng, trong khi đó, thế giới tự do luôn luôn đúng, chỉ đứng ngoài cùng reo rah rah, trỏ ngón tay kết tội Việt Nam xâm lược, hiếu chiến, v.v. Nghĩ đến tình cảnh éo le của nước mình, tao không muốn kết án mà chỉ động lòng trắc ẩn...”
“Mày lý luận như một tên Việt Cộng có mười lăm năm tuổi đảng...” tôi kêu to.
“Còn Cu lý luận như một người quốc gia chính nghĩa cùng mình!” Kim cười khẽ, trả lời rồi tiếp, “bọn mình tiểu tư sản, phản động đến tận chân tóc, bố tao đã từng là lính dù lại đi tù cải tạo bao nhiêu năm, tao không có máu Việt Cộng trong người, có muốn làm Việt Cộng cũng chẳng được.”
Câu chuyện lai rai như vậy. Tôi chưa bao giờ thấy Kim lý sự nhiều đến thế. Nó nói gì gì lý thuyết cộng sản, cũng như nhiều lý thuyết khác, chứa đủ mâu thuẫn để tự động sụp, hay cách đây cả nửa thế kỷ Milovan Djilas, một nhân vật cộng sản cao cấp Nam Tư, đã phản kháng, viết cuốn sách Giai Cấp Mới - The New Class - ý ông muốn nói giai cấp thống trị mới. Nó bảo tôi ra thư viện kiếm mà đọc, sách tuy viết đã lâu nhưng còn hiện đại lắm.
Nó còn nói những điều tôi trình bày không thể là một lập luận có tính thực tiễn vì chứa nhiều khẩu hiệu quá, lại càng không thể là một tuyên ngôn chính trị sáng giá vì kinh viện quá. Làm chính trị như vậy là làm chính trị trong chân không. Kim tiếp:
“Hình như mày quan niệm văn minh tiên tiến và làm giàu là một. Giả dụ bây giờ ta áp dụng tất cả những định luật, những đề nghị của Cu, với những điều kiện hiện có, liệu nước mình, dân mình, có thể làm bá chủ thế giới được không? Hoặc nhè nhẹ một tí nhé, liệu có thể tiến lên đến hàng thứ năm trên thế giới được không?”
Tôi đang lúng búng, định phản đối là câu hỏi không công bình (unfair - từ ngày sang đây, Kim trở thành vô địch trong sự bảo vệ những điều gọi là công bình) thì nó nói:
“OK, tao nhận là câu hỏi như vậy không lương thiện, thiếu thiện chí, thiếu công bình, nhưng nhìn cách khác, nếu quả thực tâm lý dân mình táo bón...”
“Chữ đã dùng là tâm lý bế tắc,” tôi sửa.
“Nếu tâm lý dân mình bế tắc, tính tình dân mình bệ rạc, bẩn thỉu, như Cu nói, thì nước mình đi đoong từ lâu rồi chứ còn đâu tồn tại đến bây giờ? Cái gì thái quá thì bất cập, Tây có chữ “tout excès est mauvais” là thế. Diễn tả cực mạnh một thực tế với mục đích gây tiếng vang, cả ngày hô khẩu hiệu cũng là thiếu lương thiện. Bố tao nói ông đọc Nguyễn Bách Khoa luận về chữ hiếu của Kiều cách đây hơn bốn mươi năm, cả một cuốn sách dầy mà bây giờ ông chỉ còn nhớ: Không, một trăm lần không, một ngàn lần không, Thúy Kiều là một con đĩ, một con đĩ!”
Kim nói đoạn sau cùng như hô khẩu hiệu rồi dơ nắm tay đấm lên trời, miệng hô to: “Đả đảo!” Đả đảo xong, nó tiếp: có lẽ vì ông chỉ nhớ khẩu hiệu mà không nhớ lý luận nên bây giờ Kiều vẫn chưa trở thành con đĩ, và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành con đĩ. Nay lý luận của tôi cũng có nhiều điều hay nhưng vì hô nhiều khẩu hiệu quá khiến người ta quên mất hết lý luận; tôi cứ la lối um sùm “Quang Trung là pê -đê” thì có quá lố không?
“Tao không nói Quang Trung là pê -đê. Quang Trung không thể cấp tiến, hiện đại  như vậy được. Đã học lịch sử thì phải học cho nghiêm túc. Quang Trung chỉ là một tên giặc cỏ và chuyện Quang Trung đại phá hai chục vạn quân Thanh là chuyện phịa, có bé xé ra to. ”
“Mày không nên khắc nghiệt với cha ông mình quá như thế. Vả lại, ngay cả các nước tiên tiến cũng thường bóp méo lịch sử cho tiện việc đấy! Thí dụ như trận chiến 1812 giữa Mỹ và Canada, tùy nơi trẻ con đi học mà Mỹ thắng hay Canada thắng, hay như theo sách sử của Quebec viết bởi những người Quebec ‘quốc gia,’ muốn cho Quebec ly khai khỏi Canada, viết cho trẻ con Quebec học thì dân ‘anglos’ là những con đỉa hút máu dân Quebec...
Nếu bây giờ mà vẫn còn có người nói Holocaust là chuyện phịa thì việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh cách đây hơn hai trăm năm có thể là chuyện phịa được lắm. Thôi, bây giờ ta hãy đồng ý việc vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh ở gò Đống Đa là có thật, còn việc ‘đại phá’ thì tao chỉ dám xin đưa ra một thứ lịch sử so sánh - comparative study - sau đây. Năm 1945, sau Đại Chiến thứ II, tướng Tầu Lư Hán đem quân sang Việt Nam để tước khí giới quân đội Nhật. Tao nghe nói ông tướng này đi đến đâu là có quân lốc thốc đi theo đến đó. Khi đến Việt Nam thì có lẽ non nửa dân số của tỉnh Vân Nam đã thành lính của ông, chân thì phù thũng, bị sâu quảng đục ruỗng ra, dòi bọ lúc nhúc, hôi thối ầm trời, kinh lắm, mày ạ! Không phải tự nhiên, không thấy gì, biết gì mà trẻ con hồi đó hát “Đoàn quân Tầu ô đi...” nhại theo điệu Tiến Quân Ca. Quân tướng địch như vậy thì khả năng “đại phá” của quân ta trăm phần trăm phải được chứ, chưa kể rằng quả nhiên chỉ bốn năm sau, những quân tướng ấy đã phải lốc thốc kéo nhau ra ở ngoài hải đảo. Như vậy, mày phải nhận rằng việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh là chuyện rất khả hữu, không huyền thoại đâu!
“Nhưng mà thôi cha nội ơi, Cu quá lo xa, ngày mai trời sẽ không sụp và răng con bò bao giờ cũng trắng. Nước nào mà chẳng có những tủi nhục, xấu hổ? Cha ông mình đã nhiều lần uống cạn những chén tủi nhục đó, phần còn lại, cũng có đôi chút vinh quang, như vua Quang Trung đánh tan quân nhà Thanh trong một đêm, hay ba lần phá quân Mông Cổ trong khi cả một Âu Châu cỏ không mọc được, chết khô dưới chân ngựa của chúng. Đã vậy, lại còn làm ‘nghĩa vụ quốc tế,’ xuất cảng sang Triều Tiên ông tướng để giúp đánh thắng quân Mông Cổ luôn.
Tao không dám bảo đảm là dân mình yêu chuộng hòa bình, không hiếu chiến nhưng Cu kết tội dân mình ưa bạo động thì oan cho dân mình quá. Người ta đem bạo động đến đầy nhà mình là quá đủ rồi, cần gì phải đi đâu! Mình có tìm sang Tầu đánh nhau với quân Mông Cổ đâu? Cầu Paul Doumer cũng đâu có xây qua sông Seine! Ông Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí của ông thì có bạo động thật nhưng chả lẽ mình nói các ông ấy bị đưa lên đoạn đầu đài để chịu xử chém là đáng lắm ư? Trái lại, một sự việc có thể chứng minh lòng yêu chuộng hòa bình của dân mình, ấy là việc ông tướng Lý Thường Kiệt lẩm cẩm đem quân đi chiếm Châu Ung, Châu Liêm, may mà xếp của ông là người khôn ngoan, không hiếu chiến, gọi ông về cho xuống lon, chứ không thì bây giờ có khi bọn mình đã thành Tầu con hết.
Cái gì đã qua, đã qua. Post mortem, nếu cho tao cầm quân đánh lại những trận như trận đánh với Francis Garnier v.v., tao cam đoan với Cu tao sẽ diệt xong mấy con đười ươi ấy trước bữa cơm trưa. Mình không thể đốt giai đoạn được. Lịch sử nước mình, dân tộc mình chỉ đứng vào bực trung bình so sánh với các nước văn minh, tiên tiến mà Cu nhắc đến rất nhiều lần, tao muốn nói những sự việc như đã kể trên hay như việc cấm đạo, giết đạo ở nước mình. Hơn một trăm ngàn người theo đạo bị bách hại, như Cu nói, qua ba đời vua, nhắc lại mà thấy như có tro than trong miệng. Mình còn phải học hỏi các nước đàn anh tiên tiến nhiều lắm. Những hành vi tra xét người - Inquisition - ở Tây Ban Nha, những Thánh Chiến với Thập Tự Quân, v.v. Nước mình không có những cuộc đốt người ngoạn mục, đầy ý nghĩa như ở bên Ý, đóng hàm sắt cho Bruno “to shut him up” - cho hắn câm miệng đi - rồi đem đốt ở Công Trường Hoa, cũng không có bà thánh Jeanne d'Arc trên dàn lửa nhưng mình có cái khác, theo lời Cu kể, như tru di tam tộc cụ công thần Nguyễn Trãi, chuyện loạn dâm đời nhà Trần. Ấy, đại loại là như vậy qua những bước thăng trầm của lịch sử, bây giờ mà lý luận xem những sự việc đã xẩy ra có cần thiết phải xẩy ra như thế không là quá muộn, là vô ích, tao chỉ biết chắc một điều, chúng là tài liệu cho những bài học lịch sử. Và vì vậy, for anthropic reasons, lịch sử sẽ tiến triển theo chiều hướng khác, không là lịch sử như ta biết nếu những gì đã xẩy ra không xẩy ra...”
“Cái gì là anthropic reasons?”  Tôi hỏi, và ngạc nhiên thấy Kim ngơ ngác rồi bẽn lẽn trả lời, “Tao phải về xem lại đã.” 
Tai ương thường đến bất ngờ và vô tình. Như đi đá bóng chỉ có ý định xô gôn chơi nhẹ thôi, chẳng may đâm đầu vào cột gôn để rồi ngớ ngẩn cả đời. Kim không xô gôn, mà cũng chẳng đá bóng, vậy mà cũng lãnh đại họa. Đôi khi tôi tự hỏi cần phải có một thử thách, một kích thích ở mức độ nào để khiến cho một con người mực thước, vừa phải, có đầy đủ lý trí, có thể hành động một cách vô trách nhiệm, hoàn toàn phi lý? Câu chuyện xẩy ra vào một buổi chiều không có gì đặc sắc, bình thường như tất cả những buổi chiều khác. Có lẽ chiều hôm ấy hơi nóng hơn thường lệ, hay đứng gió hơn...
Woodlawn High là một trường trung học có chừng một ngàn học sinh. Trường được xây trên mấy mẫu đất, có đầy đủ tiện nghi, nghĩa là có một thư viện khá tốt và một phòng tập thể dục lớn, cũng dùng để làm sân chơi bóng rổ và bóng chuyền. Ngoài ra, giống như bất cứ một trường cùng hạng khác, trường không thể thiếu một bãi đá bóng rộng ở phía sau, ở đó dân bản xứ đá bóng Mỹ - football - còn dân nhập cư đá bóng - soccer - thứ trò chơi mà mọi nơi trên thế giới đều chơi. Phía sau trường, sau bãi đá bóng, là một công viên lớn, cây cối um tùm, có suối nước, có lối đi, được chăm nom cẩn thận, rất đẹp mắt, ở công viên này Kim và tôi thường hay ngồi chơi, tán gẫu sau giờ học.
Nước Mỹ là một nước mà quá nửa dân số thuộc giai cấp trung lưu, nhưng cũng có trung lưu thượng và trung lưu hạ. Woodlawn High thuộc loại trung lưu trung. Giai cấp được đo bằng lợi tức hàng năm, khu trung lưu trung này có chừng nửa dân số là Mỹ bản xứ, phần còn lại là dân nhập cư phần lớn gồm dân gốc Mễ Tây Cơ và Việt Nam, được chia khá đều. Gia đình dân Mỹ bản xứ có nhiều lắm là hai lợi tức, còn dân nhập cư thì có thể có tới hai, ba lợi tức, vì một người có thể làm tới hai việc toàn thời gian; tính đổ đồng gia đình nào cũng thuộc thành phần trung lưu khá, nhà cửa khang trang, trong nhà thường được trang bị với máy truyền hình cỡ lớn, loại 48 inches hay hơn nữa, cùng với một hệ thống âm thanh nổi rất tân kỳ.
Tỷ lệ phân phối giữa các sắc tộc trong đám học sinh của Woodlawn High phản ảnh tỷ lệ dân số trong khu, nghĩa là một nửa là học sinh Mỹ bản xứ, phần còn lại chia khá đều giữa Mễ Tây Cơ và Việt Nam. Cũng có mấy băng đảng nhỏ, chia theo cùng tỷ lệ, gồm những cô cậu trẻ - punks - mà nhà trường là chỗ ngồi chờ tạm thời để qua tuổi vị thành niên. Băng đảng Mễ và Việt nhỏ hơn nhưng dữ tợn hơn. Được cái, vì lý do nào đó, các băng đảng tránh đụng độ với nhau nên không thấy xẩy ra những vụ lôi thôi lớn. Nhưng punkpunk, băng đảng là băng đảng. Nó giống như những con chó nhà vô chủ, đói, ở những miền hẻo lánh của Canada: đơn độc, những con chó này thường một mình cụp đuôi đi kiếm ăn ở mấy thùng rác; một đàn, chúng trở nên rất hung dữ và ác độc, cứ lâu lâu lại thấy báo chí đăng tin một em bé bị đàn chó cắn chết, ăn thịt.
Băng Việt gồm chừng bốn năm đứa. Chúng tự lấy tên là Tép, có lẽ vì mấy đứa hơi nhỏ con, nhưng hành vi của chúng không tép chút nào. Tôi nghe nói chúng nó thường dọa nạt đòi tiền hay thứ gì đẹp đẽ như giầy hay quần jean có nhãn hiệu đắt tiền của mấy học sinh Việt khác. Riêng với Kim và tôi, chúng chưa gây sự bao giờ, có lẽ một phần vì chúng tôi lớn tuổi hơn hẳn, lại không tỏ ra có cử chỉ e dè nào đặc biệt, một phần vì tôi khá to con. Giờ ăn trưa, bọn Tép thường ngồi ở cái bàn cạnh máy bán nước ngọt. Gần đây tôi nhận thấy hình như bọn chúng nói gần xa chòng ghẹo. Thí dụ như khi có hai đứa tôi ngồi gần đấy, đáng lẽ nói mother f... ing như thường lệ, tôi thấy chúng nó bắt đầu nói thứ tiếng Việt không bỏ dấu đu ma, đu ma ầm ĩ. Và mới hôm trước đây chúng nghe được ở đâu câu chuyện về lai lịch của dân tộc Việt, bà Âu Cơ đẻ ra một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con rồi cho năm mươi người lên núi, năm mươi người xuống bể, v.v. Tôi nghe thấy chúng bàn tán um sùm.
Trưa hôm đó, tôi phải gặp Catherine ở bàn giấy của cô. Catherine là cô giáo dậy tiếng Anh mà chúng tôi rất mến. Cô lớn hơn chúng tôi chừng hai tuổi, đối xử như bạn, vì chúng tôi là thứ học sinh “tạm bợ” - on transit - già dặn không giống những học sinh khác, học xong trung học đã lâu và đã từng vật lộn kiếm sống. Cô thường khuyến khích Kim và tôi viết tiếng Anh bình luận về một vấn đề nào đó. Cô đặc biệt thích lối hành văn của Kim, giản dị, mạch lạc, và nếu tiếng Anh của nó có thiếu hay không thích hợp thì ý tưởng của nó rất giầu và độc đáo. Tôi có cảm tưởng sự mến thích cô Catherine của Kim phức tạp hơn là sự mến thích bình thường đối với một cô giáo trẻ, và hình như tình cảm ấy không chỉ một chiều.
Không thấy tôi trong cafeteria, Kim ngồi một mình chờ tôi ở bàn ăn như thường lệ. Lúc bấy giờ cafeteria đã vắng người, chỉ còn lại bà thu ngân viên, Kim, và ở phía bên kia, cách một bàn, gần máy bán nước ngọt là bọn Tép, năm sáu đứa, đang bàn luận cũng sôi nổi lắm. Vấn đề vẫn là bà Âu Cơ và một trăm quả trứng.
Đu ma... Một trăm đứa con! Ngày ấy không có sữa bình, bà Âu Cơ phải có bầu sữa lớn gấp mấy bầu sữa của con bò Holstein loại tốt.”
Tép nhỏ nhất phát biểu; một đứa khác tục tĩu tiếp theo,
“Mà cho một trăm con bú, chắc phải mất cả ngày. Đu ma... vú bà Âu Cơ phải dài ra như quả mướp giống khổng lồ sau vườn nhà tao. Ít nhất là hai feet!”
Đu ma... Còn điều này, không đẻ ra con, mà đẻ ra trứng. Không biết lúc trứng nở ra nó có giống con thằn lằn con không nhỉ?”
“Còn điều này nữa, nở ra từ quả trứng, dân Việt Nam không thể có rốn!”
Bọn punks sinh đẻ ở đây, nói thứ tiếng Anh của dân bản xứ, bàn luận về dân Việt một cách bình thản như thể trong người của chúng có dư thêm một cặp nhiễm sắc cho tóc blonde hay mắt xanh. Cãi nhau vòng quanh một hồi về vú bà Âu Cơ ngắn hay dài, dân Việt có rốn hay không có rốn mãi cũng chán, Tép lớn nhất nảy ra một trò chơi mới cho thay đổi không khí,
Đu ma... Ta chờ thằng Mike đến đây, lột quần ra khám xem nó có rốn hay không.”
Cả bọn nhao nhao đồng ý. Mike là một học sinh gốc Việt gia đình mới sang được mấy năm, người bé nhỏ, hiền lành mà bọn punks đã quen bắt nạt. Chờ mãi Mike không đến, Tép lớn sốt ruột, đưa mắt liếc nhìn Kim ngồi ở bàn bên kia. Kim vẫn mải mê đọc sách không biết gì. Ánh mắt Tép lớn trở nên ranh mãnh và hung hiểm, nó nói, “tại sao không phải là ông Khổng Tử ngồi kia?” Hóa ra bọn chúng cũng ngầm đặt cho Kim cái tên giễu Khổng Tử do cách đi đứng đạo mạo và dáng vẻ thông thái của Kim. Mấy đứa khác còn đang ngần ngại thì Tép lớn đã nhẩy sang đến bàn Kim và những đứa khác đồng loạt nhẩy theo. Bị tấn công bất ngờ với bốn đứa tiểu yêu khóa chặt chân tay Kim không sao cựa được.
Khi Catherine và tôi vào đến cafeteria thì Kim đã bị mất quần và đang nằm vùng vẫy trên mặt sàn, bà thu ngân viên không biết chạy đâu. Tôi nhẩy đến đẩy Tép lớn bắn vào chân tường, cả bọn quay ra định xúm lại đánh nhau với tôi nhưng có lẽ vì thấy tôi lúc đó, cũng hung dữ không kém gì chúng, và cũng có thể vì Catherine đứng đó, chúng ùa nhau chạy hết. Kim, nước mắt ròng ròng trên má, tránh nhìn Catherine, đứng dậy kiếm quần mặc rồi bỏ đi. Tôi định theo ra ngoài an ủi nó, nhác thấy mặt nó lầm lì một cách dễ sợ. Hình như nó nói với lại “chúng mày sẽ biết tao!” trước khi rứt khoát rảo bước đi hẳn. Tôi bỏ ý định, không đi theo Kim nữa, nghĩ nó cần có một chút thì giờ cô độc để bình tĩnh lại.
Đi cùng với Catherine về bàn giấy của cô, tôi thấy cô tư lự, không nói. Mãi mãi Catherine mới nói vài câu bâng quơ cho bầu không khí bớt nặng nề, rồi cô bàn đến chuyện phải báo cáo với bà hiệu trưởng. Tôi chợt cảm thấy bất an, nhớ lại chưa từng bao giờ thấy ánh mắt của Kim dữ tợn đến thế. Rồi câu dọa của nó. Nó thường bảo tôi dọa nạt là rất hạ sách nếu không dám sẵn sàng thi hành điều mình dọa. Vậy nó có thể làm gì? Một linh cảm khủng khiếp xâm chiếm ý tưởng tôi. Ở Colorado, vừa mới tuần trước xẩy ra vụ một học sinh đem tiểu liên đến trường, phục kích bắn chết bao nhiêu bè bạn và cô giáo để trả thù một việc chẳng đâu vào đâu. Tôi biết nhà Kim có cả một kho súng đạn. Bố Kim, nguyên là một sĩ quan cao cấp say mê binh nghiệp, từ ngày sang đây, thú vui giải trí của ông là làm sưu tập súng. Thỉnh thoảng những ngày nghỉ, ông đến hội quán hay lái xe vào sa mạc bắn chơi. Ông thường ca tụng khẩu tiểu liên Uzi của Israel, vừa ngắn, vừa nhẹ, chính xác và không bao giờ hóc. Tôi lý luận rằng Kim là một người duy lý, không bao giờ làm điều gì hấp tấp. Tôi cố xua đuổi ý nghĩ ghê gớm trong đầu mà không nổi; cuối cùng tôi bầy tỏ với Catherine nỗi nghi ngại của tôi. Catherine cũng rất băn khoăn, cô nghĩ mãi rồi đồng ý phải nói chuyện với bà hiệu trưởng mặc dù những điều tôi e ngại chưa xẩy ra và cũng có thể sẽ không bao giờ xẩy ra.
Trong khi tôi ngồi đó, cố cắt nghĩa nỗi lo ngại của tôi cho bà hiệu trưởng thì Kim trở lại trường, và đúng như điều tôi lo sợ, với khẩu tiểu liên Uzi trong nách áo. Nó bắt gặp bọn Tép ở gần phòng thể dục. Bọn này chưa biết phản ứng thế nào thì đã thấy Kim lôi ra khẩu tiểu liên. Chúng sợ quá, bỏ chạy như vịt, cuống cuồng nấp sau bàn giấy của Catherine. Kim đuổi theo vào đến nơi, bắn hết cả băng đạn. Không phải là tay thiện xạ, đạn nó bắn chỉ hớt một mảng tóc cắt theo kiểu tóc người da đỏ Mohawk của tên Tép lớn nhất, mấy tên khác không việc gì, điều rủi ro là Catherine bị một viên đạn ghim giữa ngực, nằm thoi thóp trên vũng máu. Trong lúc Kim bàng hoàng đứng nhìn Catherine thân yêu của nó đang chết dần thì mấy tên punks vùng chạy mất, phân và nước tiểu lũng bũng trong đũng quần.
Chưa đầy mười lăm phút sau, đội cảnh sát chống bạo lực đến nơi, tư thế sẵn sàng vì việc xẩy ra ở Colorado hãy còn sôi động. Bên cạnh Catherine, Kim vẫn đứng trơ trơ như tượng gỗ. Khi cảnh sát hô to, “Dơ tay lên! Buông súng xuống!” nó chưa biết phải dơ tay trước rồi mới buông súng hay buông súng trước rồi mới dơ tay thì mấy băng đạn đã ghim vào người nó. Những viên đạn bắn đến từ ba phía giữ Kim đứng nhảy múa trong giây lát rồi mới ngã khuỵu xuống.  
Khi tôi vào đến nơi, đã thấy Kim nằm gục gần Catherine, như một đống giẻ rách, bầy nhầy những máu. Rồi một người nào đó đem tấm chăn trắng phủ lên thi thể họ. Kim, twin của tôi, tiếng nói của lương tri tôi, đã chết không hương vị gì, trong một buổi chiều không có gì đặc sắc. Nước mắt tôi chan hòa, mặt tôi đẫm ướt, tôi thấy tôi nức nở,
 “Kim ơi, việc mày làm sẽ có tiếng vang lớn lắm, nhưng phí phạm quá và không cần thiết!”

Aylmer 14-01-2002
Nguyễn Đức Tường