Trong lời tựa của tác phẩm “Bếp Lửa” (1965), nhà văn Thanh Tâm Tuyền viết ở
dòng cuối cùng:
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sống sót để làm gì? Chắc chẳng phải để sống nốt cuộc đời riêng của mình. Nếu
chỉ có thế, hẳn chúng ta sẽ không có một Bếp Lửa kinh điển vẫn còn được đọc lại
sau hơn 50 năm. Kẻ sống sót năm ấy đã trở thành một nhà văn. Hơn nữa, một nhà
văn tiêu biểu của thế hệ mình.
Mỗi một thế hệ Việt Nam đều có người sống sót để kể lại câu chuyện mà mình
và những kẻ cùng thời đã kinh qua. Sẽ không quá cường điệu khi nói rằng Lưu Na
là người của thế hệ một rưỡi sống sót để kể lại cho chúng ta nghe về nỗi đoạn
trường mà thế hệ của cô đã bị buộc phải sống và chết với nó. Và tôi cũng không
thể chối bỏ rằng nỗi đoạn trường ấy có nguồn gốc từ sự thất bại của thế hệ
chúng tôi, một thứ gia tài của mẹ rách nát, khốn cùng để lại cho kẻ đến sau.
Mang tâm trạng ấy, tôi đã đọc “Lênh Đênh” của Lưu Na.
Đó là câu chuyện của những thanh niên thiếu nữ miền Nam đang còn ở những năm
cuối bậc trung học thì biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xẩy ra. Nhìn những người
phía bên thắng trận hùng hổ bước vào từng ngõ ngách đời sống thường ngày của
mình: trường học, sinh hoạt tập thể, quan hệ bạn bè thầy trò, quan hệ gia đình
v.v…, họ hoang mang, lo lắng, sợ hãi, bất mãn, rồi buông xuôi, hoặc “nín thở
qua sông”, hoặc gió chiều nào che chiều nấy, hoặc công khai đương đầu, hoặc
cùng với trào lưu người dân miền Nam lúc ấy, tìm cách vượt biên, vượt biển,
băng rừng ra khỏi mảnh đất quê hương, vì những kẻ bên thắng trận đã biến nó
thành một nhà tù khổng lồ giam hãm những đồng bào kém may mắn của mình.
Nhân vật chính của “Lênh Đênh” là một cô gái trong số hàng chục, hàng trăm
ngàn thanh niên thiếu nữ nhắc đến ở trên. Để cứu vãn tuổi trẻ của mình, cô chọn
con đường vượt biên. Vì, theo cô: “Vượt biên là xuyên tâm liên chữa bá bịnh
từ thể xác tới tâm hồn, là mảnh bằng cao nhất của đại học, là trang sức quí giá
của xã hội bây giờ. . .”
Nói chọn cũng chỉ là một cách nói, vì cô nhờ là “bồ” của một thanh niên có
gia đình tổ chức vượt biên nên cô được họ bằng lòng cho đi theo. Vả, số phận
hay chọn lựa, trong trường hợp của cô gái trẻ, đều không sai. Giống như hàng
vạn những mảnh đời tuổi trẻ khác trên một nửa đất nước những ngày ấy, những
ngày mà cả đất nước ai cũng biết đến sự “nhiệm màu” của “thần dược Xuyên Tâm
Liên”.
Cô gái trẻ may mắn được đặt chân lên đảo tị nạn mà không bị hề hấn gì. Nhưng
cô cũng đã có cơ hội được chứng kiến những dư chấn buốt lòng ở những cô gái bị
hải tặc hãm hiếp trên con đường vượt biển. Sự may mắn của cô đã biến cô thành
một kẻ có tội với những người đồng lứa kém may mắn của mình. Đó là cảm giác
kinh khủng quá sức chịu đựng của một cô gái trẻ vừa qua tuổi trăng tròn, cộng
thêm thời gian ở đảo tị nạn đủ dài và cuộc sống trên đảo đủ sâu để cô biết cay
đắng triết lý “…mỗi sự sống đều bao gồm tai ương khổ đau hạnh phúc lúc biến
lúc hiện, mà thuyền nhân là mặt hiển lộ của cái mình quen gọi là bất hạnh…”
và sự khẳng định buồn bã “…Đảo tị nạn không chỉ xóa lối về mà tẩy trắng
luôn những tờ hồn trắng, để lại những vết gôm nham nhở xám buồn…”
Khoảng thời gian đầu của làn sóng vượt biên, dù chờ đợi ‘thanh lọc” lâu hay
mau, thì sớm muộn gì thuyền nhân cũng được đưa đi định cư ở một nước thứ ba.
Thế nên, cô gái trẻ của “Lênh Đênh” cũng đã “đến Mỹ một ngày tháng Hai xám
buồn”
Đất lạ quê người. Thêm những người mà cô chung chạ suốt từ thời gian ở đảo
cũng như khi đến Mỹ chẳng phải là người thân ruột thịt, và cái gọi là “mối
tình” giữa cô và anh thanh niên thuộc về gia đình ấy ngày cứ một phai nhạt đi,
nên cảm giác bơ vơ là điều cô gái trẻ không thể tránh khỏi. Dù chính cô đã
“chọn lựa” đặt chân xuống thuyền ra đi nhưng không khỏi có lúc cảm giác bơ vơ
đã đẩy cô đi xa hơn nữa để biến thành cảm giác “bị bỏ rơi”. Nếu cảm giác “bị bỏ
rơi” là hiện thực, thì không phải chỉ mình cô bị bỏ rơi, mà là tất cả những
người thuộc thế hệ cô bị bỏ rơi. Cũng dễ hiểu. Thế hệ đàn anh của cô lúc ấy đều
đã “tự mình đem thân vào rọ”, mãi nhiều năm sau mới thoát ra, đặt chân được đến
xứ người bên cạnh cô thì họ cũng “bơ vơ” không kém. Nhưng đến lúc này thì cô
đâu có còn cần đến họ, hay bất cứ ai khác nữa. Cô đã tự mình bươn chải, học
sống với người lạ, học ngôn ngữ lạ, làm quen với văn hóa lạ, bên cạnh một tâm
trạng vẫn còn lưu luyến mảnh đời cũ quê nhà, có “Má, với chái bếp hè đường…“,
và những kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ với bạn bè, với chính những bài
hát “cách mạng” đã “như những vết mực lem hay những vết chàm trên thân thể
tâm trí không dễ nhận ra để kịp thời xóa bỏ…” Dầu vậy, cô gái trẻ, cũng
như bao người tị nạn khác, già trẻ lớn bé, có quá khứ hay không có quá khứ, một
mình hay hai mình, hay nhiều mình, đều phải tìm cách loay hoay sống cho hết
cuộc đời mình, dù có lúc cô thú nhận “cuộc sống rất tầm thường mà thật khôn
kham.”
Cuối cùng, cuộc sống của cô gái trong “Lênh Đênh”, của những người trẻ thế
hệ cô cũng đã ổn định trên xứ người. Phần lớn họ đều đã cố gắng học hành để có
được mảnh bằng kiếm sống như những người trẻ bản xứ. Thế nhưng, suy tư của họ
không đơn giản như cách họ sống, như những thế hệ lớn hơn thường nghĩ về họ.
Giờ đây, cô gái trẻ năm xưa đã hoàn toàn trưởng thành, đã có đủ những gì mình
mong muốn, và đến lúc sự ổn định ấy quay lại hành hạ cô. “…Ngà đã chấp nhận
mình không còn bao giờ có thể gặp lại gia đình, không còn có thể là một người
con dân của đất nước. Ngà biết mình chỉ còn một con đường là sống và chết ở nơi
này _ đó không còn là chuyện núi lở sông tan gì. Chấp nhận, nhưng có nỗi ngao
ngán âm thầm khi Ngà nghĩ đến những gì sẽ đạt được: một mảnh bằng một công việc
tốt một mái nhà một hôn nhân đùm đề con cái, và một vuông đất cuối đời. Nếu xem
những thành đạt có thể có đó là ý nghĩa chung quyết của cuộc sống, Ngà buồn rầu
nghĩ rằng đó thực ra là điều sỉ nhục cho cố gắng của mình, của muôn người đã
dùng hết sức mình vượt cơn hồng thủy nơi quê nhà, nơi biển dữ…”
Ngà, cô gái trẻ của “Lênh Đênh”, là khuôn mặt điển hình một thế hệ bị đàn
anh “bỏ rơi” khi họ chưa đủ sức để có thể đảm đương được cuộc đời mình, nói gì
đến sứ mạng mà thời đại sẽ giao phó cho họ. Mặc dù sự “bỏ rơi” ấy xẩy ra chẳng
qua là do vận nước nổi trôi, nhưng trước lịch sử, thế hệ đàn anh của cô gái vẫn
không thể rũ bỏ được trách nhiệm của mình.
Giọng kể của Lưu Na trong “Lênh Đênh” chậm rãi, từ tốn (so với số tuổi của
cô), nhưng vẫn có những đoạn bứt phá, như thể cảm xúc bị dồn nén phải tìm cách
thoát ra khỏi cái khuôn bình tĩnh giả tạo. Những lúc ấy, người đọc mới cảm được
nỗi buồn âm ỉ trong giọng người kể truyện. Một thứ hiệu ứng tâm lý được tính
toán qua kỹ thuật kể truyện theo lối văn chương Mỹ hiện nay chăng? Thú thật,
tôi không dám quả quyết. Chỉ ngạc nhiên một điều, tác giả rời khỏi cái nôi
tiếng Việt từ khi mới 17, 18 tuổi, vốn liếng ngôn ngữ mẹ đẻ mang theo có thể
chỉ từ những trang báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc hoặc vài quyển sách dành cho tuổi
dậy thì; hoặc cao hơn nữa thì cũng chỉ vài quyển sách thời thượng trước 75. Vậy
mà ngôn ngữ trong “Lênh Đênh” mang một vóc dáng khá chững chạc, có chiều sâu
khá lôi cuốn, và đáng kể nhất là độ nhuần nhuyễn trong cấu tạo câu chữ đúng
cung bậc, đúng liều lượng, không quá đà, cũng không hụt hơi, cho thấy độ chín
tới của một ngòi bút tuy “mới” mà không có chút gì gọi là “non nớt”. Có lẽ là
nhờ những năm tháng “mê sách báo” sau khi cuộc sống nơi xứ người tạm ổn định,
vớ được quyển sách tiếng Việt nào cũng ngấu nghiến như kẻ chết đói mà tác giả
đã từng tâm sự trong những bài viết rải rác đây đó chăng?
Dẫu sao, như Thanh Tâm Tuyền với “Bếp Lửa”, như Cao Xuân Huy với “Tháng ba
gẫy súng”, với “Lênh Đênh”, Lưu Na đã làm tròn vai trò kẻ sống sót của thế hệ
mình**. Người đương thời, hay người đời sau, khi mở những trang sách của “Lênh
Đênh”, là mở những trang đời đầy bất trắc của một thế hệ vừa chớm bám rễ trên
mảnh đất quê nhà thì cơn bão thời cuộc đã thổi họ bay đi rất xa, xa đến độ
không có nẻo quay về(?).
T.Vấn
(*) Những đoạn in nghiêng, trong ngoặc kép, được trích từ “Lênh
Đênh” của Lưu Na.
(**) Ở đây, người viết không hề có ý định so sánh các tác giả hay tác phẩm
trên phương diện văn chương. Trước, trong và sau cuộc chiến Quốc Cộng, những
trang sử của đất nước đã ghi dấu ấn rất đậm lên mỗi thế hệ tiêu biểu cho mỗi
giai đoạn nhiễu nhương mà họ đã sống. Thế nên, việc nhắc đến các tác giả, các
tác phẩm trong bài tựa này chỉ nhằm vào khía cạnh lịch sử của nội dung các tác
phẩm và thời điểm sống của các tác giả, qua cái nhìn chủ quan của người viết.
(T.Vấn)