Dân đói kêu trời vang ổ nhạn
Quân gian dậy đất tựa đàn ong
Ngày 1 tháng 8 năm 2016, từ Washington D.C., phóng viên Nam Nguyên (RFA) dè dặt đi tin:
Chủ tịch nước Trần Đại Quang có vẻ như đã bật đèn xanh, việc truy cứu
trách nhiệm hình sự, đối với các giới chức chính quyền Việt Nam ở địa phương,
cũng như các bộ ngành ở Trung ương có liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh…
Trao đổi với chúng tôi, nhà hoạt động dân quyền và báo chí công dân hiện
sống và làm việc ở Saigon – TS Phạm Chí Dũng cho rằng: ‘Phát ngôn của ông Trần
Đại Quang Chủ tịch nước là một phát ngôn mang tính chất tín hiệu. Theo tôi hiểu
ngay trước mắt là tín hiệu thí chốt, con chốt ở đây chính là ông Võ Kim Cự …”
Nam Nguyên và Phạm Chí Dũng là hai nhân vật chuyên nghiệp trong lãnh
vực truyền thông nên đều có thái độ dè dặt (cần thiết) trước một
nguồn tin, còn cần kiểm chứng. Chớ đám thường dân (và là dân nhậu)
như tui thì khỏi cần phải dè chừng, hay nhìn trước ngó sau, gì ráo.
Từ trên bàn rượu, tụi tui đã ngửi thấy có mùi khói – cùng mùi dê
nướng – và đã bình luận (“thôi xong!”) ngay khi đám báo chí nhà nước
vừa mới bắt đầu nhen lửa:
– Báo Tiền Phong (18/07/2016) : “Formosa và Ba Lần Đụng
Độ Ông Võ Kim Cự”
– Báo Tuổi Trẻ (22/07/2016) : “Ông Võ Kim Cự Có Trách
Nhiệm Gì Trong Vụ Formosa Thuê Đất”
– Báo Vnexpress (24/07/16) “Formosa Chôn Lấp Chất Thải ở
Đâu”
– Báo Dân Trí (25/07/2016) : “Trả Lời Của Ông Võ Kim
Cự Là Lấp Liếm”
– Báo VnMedia (26/07/2016) : “Cận Cảnh Biệt Thự Khủng
Của Nguyên Bí Thư Tỉnh Ủy Võ Kim Cự”
Kim Cự, phen này, chắc chết – chết chắc – dù chưa bước qua ngưỡng
tuổi sái mươi! Ông ấy chết oan và chết yểu chăng? Không có đâu. Thằng
chả – lẽ ra – phải “đi” tự lâu rồi, ngay cái hồi mà người dân tố
giác tân chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh dùng bằng
giả, hơn năm năm trước lận.
Ở thời điểm đó, trên trang Dân Luận, đã có độc giả (ông Quốc Tuấn) bầy tỏ sự vui mừng: Hehe, Chưa khi mô
mà chính giới ở Hà Tĩnh rúng động như mấy ngày bữa ni. Các quan bị điểm danh
đều lo chạy ngược chạy xuôi. Ông Tuấn, tiếc thay, mừng hụt!
Hai vị quan đầu tỉnh, rõ ràng, đều là người biết chạy (và chạy
rất giỏi, bất kể ngược xuôi) nên mọi chuyện hoá êm ru bà rù – dù Hà
Tĩnh hoàn toàn không được yên tĩnh gì cho lắm:
Tất cả những sự kiện vừa ghi đều là chuyện nhỏ, nếu so với việc
lạm thu (và tận thu) thuế má ở những vùng quê tỉnh Hà Tĩnh. Báo
Nông Nghiệp Việt Nam đã đi một loạt bài phóng sự công phu, của hai ký
giả Hoàng Anh & Thiện Nhân, khiến công luận phải bàng hoàng:
– “Sức Tàn Lực Kiệt”
Xin ghi lại một vài đoạn ngắn, trích từ Báo Nông Nghiệp Việt Nam (số ra ngày 6 tháng 7 năm
2015) về cuộc sống khốn cùng của một gia đình nông dân Hà Tĩnh, và
cách thu thuế vô cùng bất nhân của quan chức ở địa phương này:
Giữa mùa hạ ở Thường Nga, một xã nghèo miền thượng Can Lộc, trời xanh
ngằn ngặt, nắng như thiêu như đốt. Nắng chết cỏ chết cây, đất đai, ruộng đồng
đanh lại, cảm giác như bị cả một lò lửa khổng lồ nung đốt.
Vạn vật cỏ cây, con người im lìm chịu trận. Duy chỉ có tiếng loa truyền
thanh từ trụ sở UBND xã vẫn cứ đều đặn hoạt động hết công suất. Giọng cán bộ
truyền thanh giục giã, vang vọng, đanh thép len lỏi khắp trong làng, ngoài xóm,
ra đến tận ngoài đồng vẫn còn nghe rõ: UBND xã yêu cầu nhân dân hoàn thành
nghĩa vụ đóng nộp trong ba ngày chiến dịch…
Hạn chỉ trong vòng 3 ngày nhân dân phải đóng nộp đầy đủ, nhà nào thiếu,
dù chỉ một cân thôi cũng phải chịu nộp phạt thêm 5%. Thực hiện chiến dịch thu
nộp, mỗi hộ dân Thường Nga phải gánh hai phần đóng góp. Phần thu của xóm và
phần thu của xã. Ở xóm bao gồm các khoản thu nội đồng, thu bê tông, thu hội
quán.
Phần thu tại xã gồm: Thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, thu
thầu hợp đồng, thu phí vườn đồi, phí kinh doanh chưa đến mức thu thuế tháng,
thu HTX môi trường, quỹ khuyến học, hai loại quỹ, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ
QPAN, phạt quân sự, kế hoạch hóa, thuế đất phi nông nghiệp…
Gia đình ông Ngụ bà Hương có 8 sào ruộng, 6 nhân khẩu. Để có đủ cái ăn,
mỗi vụ, ngoài phần ruộng được chia ông bà còn phải đấu thêm 3 sào của những gia
đình chán ruộng. Quần quật đến nỗi, mùa gặt, nửa đêm bà Hương phải đeo ắc quy
gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng không đủ chi phí đầu tư và nộp
sản.
Bà Lê Thị Hương. Ảnh: báo Nông Nghiệp Việt Nam
Suốt cuộc trò chuyện, bà Hương liên tục khóc. Nhất là khi chúng tôi nhìn
vào phương án thu của gia đình họ. Phần thu của xóm hết 558 nghìn đồng, phần
thu của xã hết 928 nghìn đồng. Chưa phải thuộc diện nhiều so với các hộ khác,
nhưng để có tiền đóng nộp họ phải bán hết những hạt thóc cuối cùng.
Nước mắt và tiếng khóc tức tưởi của bà Lê Thị Hương, buồn thay,
đã không khiến cho bất cứ quan chức nào động lòng thương xót – kể cả
hơn chục vị đồng hương (trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá XII) Hà Tĩnh:
Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Chí Dũng, Phạm Xuân Dũng, Trần Hồng Hà,
Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Minh Hưng, Thuận Hữu, Uông Chu Lưu, Lê Thị Nga, Võ
Trọng Việt ….
Ủy Viên Trung Ương Đảng ở đâu mà nhiều dữ vậy, hả Trời? Đúng là
“quân gian dậy đất tựa đàn ong!” Thảo nào mà ông Võ Kim Cự không bị
ai chất vấn hay phiền hà gì ráo; hoạn lộ, vẫn hanh thông thấy rõ:
6/2005-7/2010: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu HĐND tỉnh
8/2010 đến nay: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh (thay
ông Lê Văn Chất nghỉ hưu theo chế độ), Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
01/2015: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn Đại
biểu Quốc hội
16/10/2015: Bí thư Đảng đoàn Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Chưa hết, Võ Kim Cự còn được đề cử làm thành viên Uỷ Ban Kinh Tế Của
Quốc Hội nữa vì “Ông Cự có bằng Cử nhân tài chính kinh tế, bằng Thạc sĩ về
quản trị kinh doanh, nên tham gia vào Uỷ Ban Kinh Tế là phù hợp và bình thường”
– theo như (nguyên văn) lời giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư Ký Quốc Hội Việt Nam. Mọi
chuyện chỉ trở nên “không bình thường” sau khi nhà nước quyết định
biến ông Võ Kim Cự thành dê mang ra nướng, cho át bớt mùi cá chết
cùng mùi chất thải của Formosa.
Các điểm chôn lấp chất thải của Formosa ở Hà Tĩnh. Ảnh & chú thích: vnexpress
Tôi thì thành thật tin rằng ông Võ Kim Cự không có gì sai mà chỉ
xui thôi. Xui là ông ấy đớp nhầm đồ độc của công ty Formosa nên bỏ mẹ,
hay bỏ mạng, chớ có quan chức nào mà không phải “ăn” để sống – đúng
không? Giữa bầy ong hàng chục ngàn con lớn nhỏ đang “dậy đất” nước
này mà đem vài con nhơ nhỡ – cỡ Võ Kim Cự – ra nướng thì đây chỉ là một
việc làm có tính cách đãi bôi thôi, chả có tác dụng gì đâu!
Tưởng Năng Tiến